Ứng xử với mẹ chồng là một trong điều gây căng thẳng nhất. Mối quan hệ này luôn là chủ đề khiến không ít chị em đau đầu. Cùng tìm giải pháp để mẹ chồng nàng dâu trở nên hòa hợp.
Ở chung, ăn riêng
Từ ngày lấy Trung, Hạnh phải theo chồng vào TPHCM ở cùng với gia đình chồng vì Trung là con trai út. Trung lại thường xuyên đi công tác ở các tỉnh, nên ở nhà, Hạnh luôn phải sống theo “chỉ đạo” của mẹ chồng.
Vốn là gái Bắc, lại được cưng chiều từ bé, Hạnh không thể chịu nổi cái kiểu: “Sao cầm một trăm ngàn đi chợ mà cô chỉ mua được có thế này?”, “Nấu canh chua thì phải bỏ thơm, có thế mà cũng không biết”...
Hạnh kể, vợ chồng Hạnh cùng con trai mới 2 tuổi, mỗi tháng phải đóng 2 triệu đồng tiền ăn và điện nước cho mẹ chồng, dù chỉ ăn ở nhà có một bữa tối.Thế nhưng, “ăn được bữa cơm “bà ấy” nấu cũng mệt mỏi lắm. Ăn chả được mà còn bị chửi suốt ngày” - Hạnh kể.
Mẹ chồng Hạnh săm soi từng thứ một, hôm nào cũng thế, cứ vừa thấy Hạnh đi làm về là ca ngay một bài. Nào là vì sao đứa cháu ngoại của bà sang chơi, Hạnh không cho vào phòng chơi đồ chơi, nào là sao quần áo phơi bừa bãi... nên khi ngồi vào bàn ăn, Hạnh nuốt không nổi nữa.
Vốn không phải là mẫu người phụ nữ quen chịu đựng, Hạnh đã kể lại cho Trung nghe để được chồng chia sẻ và góp ý với mẹ, nào ngờ bị Trung nói là “lắm chuyện”. Quá áp lực, lại không được chồng chia sẻ, Hạnh ôm con ra Bắc, về nhà mẹ đẻ. Sau 2 tháng, mới thấy chồng gọi điện và mẹ chồng cũng xuống nước: “Thôi con đưa cháu về đi, rồi từ từ giải quyết”.
Khi về lại nhà chồng, Hạnh đòi ở riêng. Nhưng bố mẹ chồng không đồng ý với đủ lý do, nào là không hợp với anh trai cả nên không sống cùng được, nào là rể là khách nên ông bà cũng không thể ở nhà con gái. Đòi ra ở riêng không được, Hạnh đề nghị... ăn cơm riêng. Từ đó, ngôi nhà của họ có thêm một cái bếp, mạnh ai nấy nấu.
Tránh tiếp xúc
Mâu thuẫn với mẹ chồng khiến hạnh phúc của các gia đình trẻ trở nên bấp bênh. Mai, hiện đang làm cho một công ty nước ngoài ở TPHCM kể lại câu chuyện phức tạp của gia đình mình.
Tuấn - chồng Mai, đang công tác ở Phan Thiết, ở cùng bố mẹ. Còn Mai và con gái 3 tuổi sống ở TPHCM. Hằng tuần, vợ chồng họ mới gặp mặt nhau một lần vào thứ bảy, chủ nhật. Hỏi ra mới biết, gia đình chồng rất nhiều lần yêu cầu Mai về Phan Thiết nhưng Mai nhất quyết không chịu: “Về để mẹ chồng “hành” cho chết à?” - Mai nói.
Mỗi lần mang con từ TP về, Mai cũng muốn được ra biển nghỉ ngơi, dành thời gian ở bên chồng, thế nhưng vừa về nhà là mẹ chồng lại sai đi chợ, nấu nướng, rồi mời cả khách đến ăn. Mai nấu nướng xong phải rửa bát, dọn dẹp, mệt hết cả hơi, lại còn bị mẹ chồng trách mắng là không khéo léo, đảm đang như con dâu nhà hàng xóm.
Bao nhiêu lần Mai bàn chuyện chuyển Tuấn về TP làm cho gần vợ, gần con thì bấy nhiêu lần mẹ chồng phản đối: “Sao nó lại phải chuyển, công việc ở đây quá tốt rồi, vào TP biết làm việc gì. Tụi bay muốn thì tự lo, coi như không có bố mẹ, con cái gì nữa cả!”. Không ai chịu nhường ai nên vợ chồng Mai vẫn phải sống cảnh “Ngưu lang, Chức nữ”. Càng ngày, Mai càng ngại về thăm bố mẹ chồng. Chính vì vậy, mâu thuẫn giữa Mai và gia đình chồng ngày càng trầm trọng.
“Cuộc chiến” mẹ chồng - nàng dâu cũng xảy ra với Thủy và mẹ chồng tương lai ngay khi Thủy và Hưng chưa làm đám cưới. Số là, khi Hưng đưa Thủy về giới thiệu với gia đình, mẹ Hưng làm ngay một câu: “Nhìn con cũng xinh xắn, dễ thương, sao ba mươi tuổi vẫn chưa lấy chồng?”.
Chính câu nói của mẹ chồng tương lai đã chạm vào “tự ái” của cô gái có công việc làm ổn định, thu nhập cao và hình thức không đến nỗi. Ngay sau buổi ra mắt, mẹ Hưng còn phàn nàn với con trai: “Con bé đó là công chức mà ăn mặc có vẻ sành điệu thế, coi chừng nó là đứa không đàng hoàng”.
Từ đó, mỗi khi Hưng nói Thủy sang nhà chơi, Thủy đều từ chối: “Thà không lấy chồng, chứ gặp phải mẹ chồng thích săm soi như thế làm sao sống nổi” - Thủy kết luận.
Người chồng phải là cầu nối
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thu Hiền, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục - đào tạo 2, người khó xử nhất trong mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu chính là người chồng. Anh sẽ phải đóng vai trò của một Bao Công để tìm ra sự công bằng, đúng sai giữa bên tình, bên hiếu.
Do vậy, người chồng cần có bản lĩnh, hiểu biết, tế nhị để làm cầu nối giữa mẹ và vợ. Nếu mẹ sai, anh cũng nên góp ý để cho mẹ điều chỉnh, nếu vợ sai, anh cũng không nên bênh vợ mà hãy chỉ bảo cho vợ điều đúng.
Trong thâm tâm ai cũng yêu mẹ, coi tình cảm đối với mẹ là trên hết, người con dâu cũng cần hiểu tâm lý này để nếu có xảy ra chuyện gì không bằng lòng, hãy thông qua chồng để hiểu mẹ hơn. Chính sự hiểu biết và độ lượng giữa cả hai phía sẽ tránh được cảnh “bất phân thắng bại” trong mối quan hệ rất tế nhị này.
Khi được hỏi cảm giác về thái độ của mẹ chồng với mình, trong số hơn 2.000 phụ nữ có gia đình tham gia khảo sát, có tới gần 1/4 trả lời, họ thấy mẹ chồng luôn áp đặt, 1/3 số khác cho là "bà hay chỉ trích" và con số tương tự khẳng định “thấy bị quấy rầy”. Ngoài ra, có tới 5% phụ nữ thừa nhận chính căng thẳng với mẹ chồng làm gia đình họ tan vỡ.
Siobhan Freegard - nhà sáng lập trang web nổi tiếng về cách làm mẹ, nuôi dạy trẻ Netmums cho biết, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn đã nhạy cảm, và sẽ càng đặc biệt khi đứa con đầu lòng chào đời. Khi đó, bà mẹ trẻ thường cảm thấy choáng ngợp với những thông tin và lời khuyên từ các chuyên gia y tế, bạn bè và gia đình. Nếu mẹ chồng cũng thêm vào những lời dạy dỗ - dù bà có ý tốt - thì cũng có thể khiến chị em cảm thấy quá tải và căng thẳng. Có thể điều mẹ chồng muốn chỉ là giúp đỡ tối đa cho con dâu và cháu nội – nhưng cách thực hiện lại khiến nàng dâu cảm thấy cuộc sống của mình đang bị can thiệp, áp đặt.
Và thường, sự giúp đỡ của mẹ chồng lại hay đi kèm việc bà chỉ trích khả năng làm mẹ của nàng dâu. Đúng là các bà đã có nhiều kinh nghiệm trong việc này nhưng giờ đây, trách nhiệm chăm sóc em bé là của con dâu và con trai. Lúc này, cả hai bên cần có sự hiểu biết và nhạy cảm để hòa hợp với nhau và tránh tạo xung đột gia đình.
Theo ông, nếu nàng dâu cảm thấy bế tắc, hãy nhờ bạn đời giúp đỡ. Tuy nhiên, sự tham gia của người đàn ông có thể làm tình hình tốt hơn, nhưng đôi khi cũng khiến mọi chuyện trở nên phức tạp. Điều này còn phụ thuộc vào sự công tâm và khéo léo của họ. Nam giới có thể cảm thấy bị giằng xé giữa hai người phụ nữ quan trọng nhất đối với mình.
“Nếu bạn và mẹ chồng không thể tìm thấy sự đồng cảm, có nhiều cách để tránh tranh cãi: Mỗi khi thấy căng thẳng khi đối mặt với bà, hãy hít thở sâu, đếm đến 10, nhớ rằng bà chỉ đang cố gắng muốn giúp bạn, và nếu có thể, hãy rời khỏi phòng và có thời gian thư giãn một mình”, Siobhan Freegard nói trên The Sun.
Các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra một số "bí quyết" để giúp những người mẹ chồng duy trì mối quan hệ tốt với nàng dâu, khi có cháu:
- Hỏi thay vì dạy bảo: Bạn từng nuôi dạy các con và có nhiều kinh nghiệm trong việc này nhưng đừng bao giờ cho rằng mình là người biết những điều tốt nhất. Thay vì khuyên bảo, hãy nói với con dâu là bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi cô ấy cần và trả lời những điều cô ấy muốn hỏi.
- Bạn là khách: Khi tới thăm hay ở lại trong thời gian ngắn, nên thích ứng với thói quen của gia đình vợ chồng trẻ thay vì buộc các con phải nghe theo mình. Tránh nói những câu kiểu như: "trước đây, mẹ chẳng bao giờ làm thế này"... Câu này sẽ khiến nàng dâu cực kỳ khó chịu.
- Giúp đỡ con: Luôn đề nghị giúp đỡ những việc có thể mỗi lần đến thăm.
- Tặng quà: Mọi người thường cho tiền con cái sau khi sinh nở nhưng mang đến một món quà nhỏ, như một loại bánh hay hoa quả con dâu ưa thích, chẳng hạn sẽ ý nghĩa hơn nữa.
- Khuyến khích con trai thực hiện vai trò mới: Người đàn ông kia đúng là con trai bạn nhưng cũng là chồng của nàng dâu và hiện tại anh ta phải thực hiện vai trò mới của mình. Bạn sẽ có vị trí lớn hơn trong trái tim con trai nếu biết công nhận điều này.
- Tôn trọng nguyên tắc dạy dỗ con của con dâu:
Nếu nàng dâu không muốn bọn trẻ ăn nhiều kẹo ngọt, xem TV lâu, thậm chí
cô ấy muốn nuôi dưỡng cháu bạn thành người ăn chay - thì điều này không
phụ thuộc vào bạn. Việc dạy dỗ con là của bố mẹ chúng và bạn phải tôn
trọng điều đó. Kể cả khi bọn trẻ bị phạt, và bạn không thích điều đó,
thì cũng đừng can thiệp vào và nên tránh đi chỗ khác.
Nhiều bà bới móc con dâu chỉ vì thấy con trai yêu vợ hơn mẹ. Trong trường hợp này, bạn hãy hứa sẽ bảo với vợ, nhưng đừng gọi nàng là “nó” vì như thế là khuyến khích mẹ tìm lỗi tiếp. Cũng đừng xin lỗi mẹ thay vợ.
Sự căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu có thể bắt đầu khi bà mẹ thấy con trai mình đã yêu vợ nó nhiều hơn yêu mình. Bà thấy mất mát tình cảm. Ngày xưa, tình cảm của con trai được dành trọn vẹn cho bà, không phải chia sẻ với ai, nay bị con dâu lấy bớt đi, bà ghen với con dâu cũng... đúng thôi. Đó là một tình cảm tự nhiên khi lý trí không đủ sức can thiệp để bà mẹ chồng nhận ra mình đã sai.
Bên cạnh đó, nhiều anh con trai quá “vô tư” khi chăm sóc vợ lộ liễu trước mắt mẹ, "quên” quan tâm đến mẹ. Ví dụ, ngày 8/3 nhiều anh tặng hoa cho vợ, nhưng lại không tặng cho mẹ. Vì ghen nên bà mẹ “chẻ sợi tóc làm tư” để tìm lỗi của con dâu rồi ca thán với con trai nhằm khôi phục tình cảm của nó đối với mình. Khi bị rơi vào hoàn cảnh đó, người chồng bị xâu xé giữa bên tình và bên hiếu, không biết bỏ ai, theo ai.
Có người chủ trương phải bênh mẹ vì mất mẹ thì không còn mẹ khác chứ mất vợ thì còn lấy vợ khác được. Những người ấy sẽ bênh mẹ và mắng vợ mỗi khi nghe mẹ trách móc, không cần phân biệt ai phải ai trái.
Giải quyết thế nào?
Là người đàn ông được hai "đối thủ" chọn làm trọng tài, nếu bạn biết xung đột xuất phát từ sự ghen tuông thì khi chiến sự xảy ra, bạn phải chọn phe ngay. Hoàn cảnh xung đột sẽ được kể lại cho bạn có pha lẫn sự chì chiết nếu là từ mẹ; hoặc có lẫn nước mắt nếu là từ vợ. Khi nghe như thế, trong suy nghĩ của mình, bạn nên bênh vợ. Xin nhấn mạnh là “trong suy nghĩ” thôi nhé, chứ không phải hành động. Nếu không có thái độ rõ ràng, bạn sẽ bị bối rối giữa hiếu và tình, phán đoán không còn sáng suốt.
Lý lẽ của việc chọn phe là: Trước hết, mẹ bạn là người gây ra mâu thuẫn, là người làm quan trọng lỗi của vợ bạn. Thứ hai, giờ đã là người có vợ; bạn không thế báo hiếu theo kiểu con trai độc thân được nữa. Thứ ba, đối với vợ mình, bạn phải có bổn phận của một người chồng. Thứ tư, vợ bạn sẽ sinh con cho bạn; hình ảnh bạn được duy trì mãi mãi về sau là nhờ có vợ bạn. Vậy thì bạn hãy cứ an tâm mà đứng về phe vợ trong vấn đề này.
Khi nghe mẹ kể và đã chọn được chỗ đứng cho mình để sáng suốt phân tích, bạn sẽ nhận ra ngay mẹ mình đúng ở điểm nào, sai ở điểm nào. Kể cho bạn xong, mẹ bạn cũng chỉ muốn bạn phải biết “dạy vợ" và phải chia sẻ tình cảm cho bà nhiều hơn cho vợ. Mục đích của bà chỉ là thế thôi. Chính bà đã đi hỏi vợ cho bạn, nên chẳng bao giờ bà có ác tâm với con dâu. Vậy bạn hãy nói với mẹ đại ý là con sẽ bảo vợ con.
Đừng gọi vợ là “nó” vì như thế là khuyến khích mẹ tìm lỗi tiếp. Bạn cũng không xin lỗi mẹ thay vợ vì như thế là mất lập trường, và thực sự mẹ bạn chỉ muốn vợ bạn xin lỗi. Bà muốn nàng khuất phục bà. Trong thái độ bênh vợ, bạn sẽ nói chuyện với vợ. Vì đã bênh, nên bạn sẽ từ tốn với vợ. Thái độ đó sẽ làm vợ bạn vui, vì nhận ra chồng mình đang đứng về phía mình. Vì tin tưởng bạn, vợ bạn cũng sẽ nhỏ nhẹ với bạn, sẽ kể nguồn cơn nhưng tỉnh táo hơn, không bù lu bù loa đổ tội cho mẹ hay nức nở để lôi kéo bạn bênh mình. Hai người ở trong trạng thái bênh nhau và tin nhau thì sẽ phân tích được vợ bạn đã sai chỗ nào, đúng chỗ nào.
Tất nhiên, vợ bạn có thể chống chế nhưng không mãnh liệt, vì biết bạn bênh mình. Nếu được chồng đứng về phía mình, vợ bạn sẽ "biết điều" để nhận phần thiệt về mình, miễn là mẹ chồng và chồng được vui. Mẹ chồng bắt lỗi nàng dâu thật ra không phải muốn điều ác cho cô ấy. Sự hài hòa sẽ dần được tạo lập khi mẹ bạn cảm nhận được “sự khuất phục” của con dâu.
(ST).