Vẫn biết là đau đẻ thật kinh khủng nhưng có trực tiếp trải qua mới thực sự thấm thía.
Theo thống kê, mặc dù có đến gần 80% chị em phụ nữ lựa chọn phương pháp sinh thường nhưng với những người đã thực sự trải qua một ca sinh nở mới biết thế nào là “đau đẻ”. Người xưa thường ví "đau đẻ - ngứa ghẻ - hờn ghen" để nói lên mức độ kinh khủng của chúng. Và xung quanh chuyện đau đẻ cũng có hàng tá những câu chuyện “cười ra nước mắt”.
Đau đẻ vẫn… buồn ngủ
Với những người đã thực sự trải qua một ca sinh nở mới biết thế nào là “đau đẻ”. (ảnh minh họa) |
Lan kể lại: “Em đau từ 11 giờ sáng hôm trước đến tận 4 giờ sáng hôm sau. Những cơn đau xuất hiện đúng như sách vở nói, lúc đầu là 30 phút rồi 20 phút rồi 10 phút và thời gian cứ ngắn dần. Mỗi lần cơn đau xuất hiện làm em đau đớn vô cùng và toát hết cả mồ hôi hột. Chán nhất là lúc đó lại bị cách ly với những người thân trong gia đình, cảm giác một mình phải chịu đựng những cơn đau tủi thân lắm. Nhưng có chuyện buồn cười mà nghĩ lại giờ em vẫn thấy phục mình vô cùng. Đau đẻ đến thế nhưng em vẫn ngủ gật được mới tài chứ. Lúc đó chồng em đứng ngoài thấy vợ nằm ngủ thì tưởng vợ bị sao cứ hét toáng tên vợ lên (chắc sợ vợ chết!!!), khiến những người xung quanh cứ tròn hết mắt nhìn hai vợ chồng. Nói thật nhìn thấy mặt chồng lúc ấy sao mà ghét đến vậy. Em gào lên rằng đau suốt đêm rồi phải cho người ta ngủ một tí chứ. Nghe thế mà chồng ở bên ngoài cứ cười sằng sặc làm mình càng tức.”
Nằm đau đẻ gần một ngày trời nhưng do thai nhi không có dấu hiệu tụt xuống nên cuối cùng Lan được chỉ định cho đi đẻ mổ. Lúc đó dù vẫn phải chiến đấu với những cơn đau nhưng do bị cách ly với người nhà nên cô phải một mình lẽo đẽo theo y tá sang phòng mổ, không quên dặn lại chị cùng phòng chờ nhắn dùm cho người nhà bên ngoài biết. Cũng may là Lan được ưu tiên mổ sớm vì bị kiệt sức do đau đẻ quá lâu. Kết quả là sau tròn một ngày trời đau đẻ mà chẳng thể đẻ thường, Lan đã hạ sinh một công chúa nặng 3,2kg mẹ tròn con vuông bằng phương pháp đẻ mổ. Lan kể: “Lúc bác sĩ cho nhìn mặt con, em chỉ kịp ngó xem con có lành lặn không rồi thiếp đi vào giấc ngủ. Lòng bình an như từ cõi chết trở về”.
Vừa sinh con vừa… ị
Xung quanh chuyện đi đẻ cũng có hàng tá những câu chuyện “cười ra nước mắt”. (ảnh minh họa) |
Hòa kể: “Đúng là đi đẻ thực tế không như mình tưởng tượng và không như trong phim. Xem các bộ phim nước ngoài, các mẹ được sinh mỗi người một phòng được mặc váy áo đẹp và được che chắn cẩn thận nhưng mình đi sinh thì chẳng có chuyện đó. Vào phòng nhìn thấy có người đang đẻ cứ nằm tồng ngồng trên bàn, váy áo thì xộc xệch có người còn chẳng thèm cuốn váy vì đã đến lúc đẻ và dường như những cơn đau khiến họ chẳng còn quan tâm đến chuyện đó nữa. Chưa đến lượt mình đẻ nhưng nhìn những người đẻ trước mà phát hãi. Và cái chuyện mình lo nhất là đại tiện trong lúc sinh nở thì cũng chẳng hiếm. Ngay trong phòng sinh đó cũng có chị rơi vào hoàn cảnh vừa sinh con vừa…ị. Đến lúc sinh xong thì xung quanh bàn đẻ chao ôi là bẩn. Nhưng biết làm thế nào được vì lúc đó theo lời bác sĩ cứ rặn là rặn thôi còn rặn ra được cài gì thì đành phải chấp nhận… thế nên đến lượt mình sinh, mình cũng không thấy xấu hổ về chuyện đó nhiều nữa.”
Tuy nhiên đến giờ mỗi khi nghĩ lại Hòa vẫn không khỏi buồn cười và thấy xấu hổ dù đã sinh xong 2 năm. Cô bảo dù biết tình huống vừa sinh con vừa đại tiện chẳng phải là hiếm nhưng nghĩ lại cứ thấy xấu hổ và ghê ghê thế nào ấy. Vậy nên có ai hỏi về chuyện đi đẻ cô cũng rất ít khi kể ra câu chuyện hài hước này.
Tha hồ “chửi đổng”
Hình như đến lúc đau đẻ, người phụ nữ tự cho mình cái quyền được chửi đổng mà nhất là chửi chồng vì khi đó sẽ không ai chấp đến họ và mọi người sẽ bỏ qua hết. Vậy nên để quên đi những cơn đau, các mẹ cứ tha hồ gọi tên hết người này đến người khác và tha hồ phát ngôn ra những câu chửi đổng không kém phần hài hước.
“Lúc đau đẻ em cứ nghĩ đến cái mặt lão chồng là lại sôi tiết lên. Nghĩ bụng là nếu lão mà ở đây thì chết với mình, vì lão mà mình phải chịu đau đớn thế này đây, ước được tát, được nắm tóc, được cắn cho cho lão một phát để thỏa những cơn đau này.”, một sản phụ kể lại. Nghe nói có nhiều mẹ đau quá mà cứ nhìn thấy mặt chồng là chửi: “Thằng kia, mày ngồi đấy à, vì mày mà bà khổ, mày có đứng lên đỡ bà không?”. Nghe đến những câu chuyện này chắc chẳng anh chồng nào dám đến gần vợ khi vợ đau đẻ nữa.
Mà chửi người thân thì không sao, có những mẹ bầu nóng tính quá còn quát ngay cả bác sĩ, y tá đỡ đẻ cho mình. Nhưng có lẽ trong hoàn cảnh này, các bác sĩ cũng hiểu cho nỗi khổ chị em mà chẳng mấy ai chấp đến những chuyện vụn vặt đó.
Nhân dịp cô em họ hỏi chị chuyện đi đẻ, mới nhớ ra là mấy lần định làm một Entry kể lại ngày Hin ra đời mà quên mất bây giờ mới viết được. Chuyện của chị em phụ nữ, nếu có giai nào sảy chân vào đây thì nên quay bước nhé, kẻo chị em phụ nữ bọn em xấu hổ. Hị hị
Đi đẻ có đau không. Câu trả lời muôn thủa là ĐAU. Đau khủng khiếp luôn. Vậy nên các cụ mới có câu "đau như đau đẻ". Mỗi người có một dấu hiệu chuyển dạ khác nhau. Mỗi người có một cảm giác khác nhau. Các sinh đẻ cũng khác nhau. Nhưng cái ĐAU này thì chắc là giống nhau.
Đầu tháng 10, cả nhà em nôn nóng ngóng Hin ra đời lắm rồi. Cứ tưởng con đầu lòng thì sinh sớm, thế mà cận ngày dự sinh rồi vẫn ko thấy động tĩnh gì. Thỉnh thoảng cụ ngoại lại gọi điện lên hỏi "Con L nó đẻ chưa". Sốt ruột thế cơ chứ.
Sinh nhựt chồng 4-10, vẫn oánh chén no say. Vợ thầm nghĩ, khéo ăn xong bữa lẩu no quá tức bụng rồi lại chuyển dạ thì bỏ mịe. SN bố trùng SN con, cũng hay, mong đến là mong. Đêm nằm xoay ngang xoay dọc vì khó chịu và vì hồi hộp. Ấy thế mà vẫn chưa thấy gì.
Vào một đêm đẹp giời (ko nhớ có đẹp thật ko), như thường lệ, em mắt nhắm mắt mở bò dậy đi giải quyết nỗi buồn (Hix, sao mà hồi đấy đi lắm thế cơ chứ, cả đêm bò dậy mấy lần mất toi cả giấc ngủ) và phát hiện ra..."Máu cá". Các cụ gọi như thế, em cũng ko hiểu tại sao. Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện rồi, chao ôi là hồi hộp, tim đập thình thịch ý, nhưng vẫn tỏ ra bình tình vào phòng bật điện, rồi ngồi cạnh giường lay chồng dậy, thẽ thọt "Anh ơi, em ra máu". Chồng đang mắt nhắm mắt mở tự nhiên trừng mắt nhìn vợ "Có cần đi bệnh viện ko". "Ko cần đâu, em chưa thấy đau". Thế là hai vợ chồng nằm thì thầm to nhỏ tâm tình tâm sự đóan già đóan non một lúc đến gần sáng vợ mới tha cho chồng đi ngủ tiếp.
Em thấy mình cũng bản lĩnh lắm cơ, bình tình vô cùng nhé, cơ bản là hàng ngày vác bụng bầu lên Net em đã học hỏi được ối kinh nghiệm của các bà "vỡ chum", thế nên với kinh nghiệm đầy mình như thế em cứ ung dung nằm nhà...chờ.
Sáng chồng em vẫn đi làm như bình thường, với câu dặn dò "Cò gì phải gọi điện cho anh ngay nhé". Cả buổi sáng em cứ chờ những cơn đau, nhưng chỉ thỉnh thoảng hơi căng tức bụng một tí thôi, em tự nhủ, vẫn chưa tới. Mẹ chồng gọi điện bảo "ra máu cá hả, đã đau chưa, khi nào đau thì đi bệnh viện nhé, bảo S gọi cho mẹ nhé". Mẹ em thì cứ sốt ruột giục đi bệnh viện. Thành thật mà nói thì em thấy mẹ em ít kinh nghiệm lắm, và cho tới bây giờ thì em khẳng định là mẹ em chả có mấy kinh nghiệm con mọn, ko bằng em. Hehe
Chiều chồng em đi làm về cả nhà mới lục đục xách đồ đưa em đi viện. Cái túi đồ thì em đã sắp sẵn từ cả tháng rồi, để sẵn sàng cho ngày trọng đại mà. Đi đến viện C, cả nhà em quyết định...ko thèm vào, vít ga đi thẳng lên Hàng Điếu, rẽ sang Bát Đàn, mỗi người đánh chén một bát phở. Em phải ăn để lấy sức mà...rặn chứ, nhỉ?
Viện C lúc nào cũng đông, 6 tháng liền đi khám thai em đã quen với nó lắm lắm rồi. Thậm chí em còn rút được nhiều kinh nghiệm về việc đi khám sao cho khỏi phải chờ lâu, bác sĩ nào tốt, hiền. Đấy, em là chăm học hỏi tìm tòi lắm. Nhưng em quên xừ nó mất một việc quan trọng, là đến ngày đẻ thì...phải làm sao, phải vào khu nào. May mà vợ chồng em cũng ko đến nỗi ngu lắm, nhìn thấy chữ phòng khám cấp cứu thì bụng bảo dạ "chắc là vào đấy". Ngồi chờ mãi mới được bác sĩ liếc mắt cho một phát, bắt đầu trình bày...rồi lại ngồi chờ mãi. Em nghe thấy có tiếng hét thất thanh trong phòng khám, tiếng hét đầy đau đớn sợ hãi. Em sợ quá đi mất, chắc là đau lắm đây huhu. Chờ mãi, rồi thì cũng đến lượt em vào khám. Cái đoạn này, xấu hổ lắm cơ, trong phòng khám toàn các cô thực tập và cả 1 anh nữa, họ đứng xung quanh em, em ngượng lắm, nhắm tịt cả mắt vào. Họ đo huyết áp này, rồi khám trong này, xong rồi chả nói năng gì. Chỉ đến khi 1 bác sĩ nữ đeo găng tay khám trong tiếp cho em, mới phán một câu "Mở 2 phân rồi". Ra làm thủ tục nhập viện đi. Rồi họ thụt cho em một phát thuốc vào ...mông, em tấp tểnh trèo xuống, mặc cái bộ quần áo màu trắng rộng thùng thình, và tấp tểnh...đi tìm toilet, ngồi thật lâu thật lâu cho ra hết bát phở lúc nãy mà sao như chẳng ra được cái gì cả. Em cứ sợ tí nữa vào phòng đẻ rồi ra cả cái cả nước thì xấu hổ ko tả được.
Thủ tục xong xuôi, em cùng vài ba chị em nữa xếp thành một hàng hẳn hoi, theo đuôi bác sĩ đi ra khu phòng đẻ. Tạm biệt mẹ, tạm biệt chồng, em đi đây. Cánh cửa đóng lại. Trắng xóa. Sạch bóng. Im ắng. Và mát.
Bọn em ngồi ở dãy ghế trước cửa các phòng đẻ. Lúc đó khoảng 4h chiều, vắng lắm, chả có em bé nào oe oe cả. Ngồi một lúc thì đến giờ người nhà được vào thăm, được gặp chồng em mừng ghê cơ, tíu ta tíu tít, âu a âu yếm.
Thôi, con em nó gọi em rồi, em Pause cái đã, mai em lại kể tiếp. Để thế cho nó hồi hộp
Khi cậu cảm thấy đã tới lúc rồi, cậu hãy báo với cả nhà và gọi cho bác sĩ nhé. Lúc đấy, nhìn mọi người sốt sắng, lo lắng, cậu sẽ biết cả nhà yêu quý hai mẹ con cậu đến thế nào.
Và nhớ nhắc người nhà mang theo tiền (hồi tớ đẻ, "bác sĩ người quen" lo cho hết, sau khi đẻ xong thì chồng tớ cám ơn 2 triệu, bác sĩ cũng dặn trước là phải cám ơn những ai, bao nhiêu).
Như chị họ của tớ, không có bác sĩ quen, phải mang sẵn hơn 1 triệu, gặp ai thì “dúi” người đấy. Mà lúc đau đớn cứ phải giữ cục tiền, đưa cho ai, đưa bao nhiêu, như vậy khổ lắm. Khi vào viện, cậu sẽ phải vào phòng cấp cứu trước, các bác sĩ ở đó sẽ khám và quyết định cho cậu vào phòng đẻ ngay hoặc vào phòng chờ đẻ. Lúc đấy, cậu cần có ít tiền, khoảng 50k, để cảm ơn.
Sau đó, sẽ có người đưa cậu lên phòng đẻ:
- Cậu nhớ xác định trước tên của em bé nhé. Vì khi vào phòng,bác sĩ sẽ yêu cầu cậu khai tên con để làm giấy chứng sinh. Tuy là mình biết con là trai hay gái rồi, nhưng bác sĩ vẫn cần cả 2 cái tên đấy. Nếu sau đó cậu muốn đổi tên thì khi đi làm giấy khai sinh, cậu bảo người ta đổi cho (tớ cũng đổi tên cho con gái tớ sau khi đi xem bói đấy).
- Dù có đau đến mức nào đi nữa, cậu cũng luôn phải nghĩ đến em bé, nghĩ rằng ai cũng phải đau như thế, rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.
- Không được kêu gào, vì thứ nhất: kêu nhiều sẽ mất sức, đến lúc cần rặn thì chẳng còn sức đâu mà rặn, thứ hai là: kêu nhiều quá, bác sĩ người ta ghét cho. Cứ làm theo lời bác sĩ. Rồi đâu sẽ có đó cậu ạ.
- Khi cậu đẻ xong, sẽ có người tới lau cho cậu. Cậu hỏi luôn người ta có khâu cho cậu không. Nếu đúng thì đưa 100 cho người ta và yêu cầu khâu thẩm mỹ. Người ta khâu sẽ đẹp và không đau.
- Sau khi đẻ xong, cậu và con sẽ được đeo số để tránh nhầm lẫn.[/color] Cậu sẽ được đưa về phòng. Phòng này là do người nhà cậu đăng kí khi cậu nhập viện. Tốt nhất nên đặt phòng dịch vụ, vừa ít người, vừa có toa-let riêng.
- Sẽ có một hộ lý đưa cậu về phòng, bà này cũng phải xì 50k. Có thế bà ý sẽ bế cậu lên giường nằm, đóng bỉm cho cậu. còn nếu không, cậu sẽ phải làm một mình. Rất đau đớn. Nếu cậu sinh mổ, người ta sẽ đưa cậu về phòng hậu phẫu, theo dõi suốt 8 tiếng. Còn đẻ thường thì được về phòng nghỉ luôn.
- Mỗi ngày cậu sẽ được vệ sinh 2 lần. Tất cả các bà đẻ phải tập trung tại một phòng. Phải tự đi vào đấy, tự trèo lên bàn, tự tháo, mặc quần nữa. Hôm đầu đang còn đau, mệt, cậu có thể bảo người nhà nhờ cô hộ lý vào làm vệ sinh cho. Rồi đưa cô ấy 10K. Những lần sau thì cậu nên tự đi. Vì như vậy, sẽ mau lành hơn. Nhất là trường hợp mổ đẻ, bác sĩ càng khuyến khích đi lại cho khỏi bị dính ruột.
- Mới đẻ xong vừa đau vừa mệt, cậu có thể nằm cho bé bú. Không cần phải ngồi dậy.
- Mỗi ngày, từ 8h sáng đến 11h sáng, BV bệnh viện sẽ đuổi tất cả người nhà ra. Lúc đấy chỉ còn mình cậu với bé. Trong thời gian đấy, người ta cũng mang bé đi tắm. Trước khi người ta đưa con đi, cậu nhớ kiểm tra lại dây đeo cổ của con, cài tờ 10K vào khăn quấn, như thế người ta sẽ tắm nhanh và nhẹ nhàng hơn (hi vọng là thế). Nếu cậu muốn bé mặc quần áo của mình thì đưa cho người ta, nhờ mặc hộ, còn nếu cậu không đưa gì, người ta sẽ mặc quần áo của viện cho bé.
- Khi bé đi tắm, cậu sẽ có khoảng 30 phút nằm một mình. Lúc đấy tranh thủ mà ngủ cho lại sức cậu ạ. Bé đi tắm về, thường là sẽ đói, nếu cậu chưa có sữa, phải dậy pha cho con thì khá là vất vả đấy. Như tớ, tớ nhờ người nhà pha từ trước rồi ủ ấm bình sữa. Bé về tớ chỉ việc bế và cho ăn thôi.
Đấy là kinh nghiệm của cả tớ và mấy chị ở cơ quan. Phần lớn là kinh nghiệm cho người đẻ thường, còn tớ đẻ mổ, chỉ khác là bị đau hơn nên phải có tiểu xảo thôi. Nếu cậu muốn, thư sau tớ sẽ kể cậu nghe. Hi vọng là thông tin của thư này sẽ giúp ích cho cậu. Chào cậu nhé, tớ đi ngủ đây!
'Thần dược giảm đau đẻ' cho thai phụ ở Đức
Ở Đức, các lớp tiền sản giúp người phụ nữ trang bị những kiến thức sơ đẳng nhất trong lúc 'vượt cạn' nhưng quan trọng nhất đó là học cách thở để có thể giảm được những cơn đau.
Mẹ tôi từ Việt Nam sang để chăm sóc con gái đẻ. Bà cùng con rể vào phòng sinh để giúp tôi vượt qua những giây phút khó khăn nhất của người phụ nữ.
Bà rất ngạc nhiên tại sao khu vực này ở bệnh viện Đức lại im ắng thế, chẳng có cảnh gào khóc ầm ĩ của các thai phụ, cảnh người nhà nhấp nhổm ngồi bên ngoài, chốc chốc thấy ai từ phòng đẻ bước ra là lao tới để hỏi han tình hình.
Đã có kinh nghiệm vào các bệnh viện phụ sản ở Việt Nam từ những lần đưa con dâu đi đẻ, mẹ tôi kể, có nhiều sản phụ la hét, chửi bới chồng con và cả bác sĩ, rất buồn cười. Nhưng rồi ai cũng chẳng ai để bụng vì nghĩ có thể điều ấy khiến họ... bớt đau hơn.
Có phải phụ nữ ở Đức không đau đẻ? Hay họ có thuốc 'thần dược giảm đau' nào?
Tất nhiên đẻ thì phải đau đớn rồi. Nhưng đúng là họ có 'thần dược giảm đau' thật. 'Thần dược' ấy không gì khác chính là sự chuẩn bị tâm lý rất tốt ngay từ ban đầu và có một vài mẹo nhỏ để giúp họ 'vượt cạn' dễ dàng hơn.
Ở Đức, các bệnh viện phải luôn nâng cao dịch vụ để thu hút bệnh nhân. Nhiều bệnh viện có những giờ mở cửa dành cho các cặp đôi sắp thành bố mẹ đến thăm quan cơ sở vật chất.
Các ông bố bà mẹ sẽ được giới thiệu tỉ mỉ các phương pháp sinh khác nhau và ưu thế của chúng để lựa chọn. Họ còn có thể thảo luận trực tiếp với các bác sỹ đầu ngành về những gì còn vướng mắc.
Bên cạnh đó, hầu hết các phụ nữ có bầu đều đi học một lớp tiền sản. Họ được miễn phí cho khóa học này, tuy nhiên người đi cùng (chồng hoặc một người thân) thì phải trả một số tiền nhỏ.
Các lớp tiền sản giúp người phụ nữ trang bị những kiến thức sơ đẳng nhất trong lúc 'vượt cạn'. Bài học đầu tiên đó là phải hết sức bình tĩnh trước cơn đau, không gào khóc thảm thiết vì điều đó không hề giảm bớt đau đớn lại vừa khiến bản thân kiệt sức và làm chồng, người thân và các bác sỹ bối rối, căng thẳng.
Có nhiều hoạt động trong lớp tiền sản như mát xa, các bài tập vận động cho bà bầu, các ông chồng học cách giúp vợ như thế nào ...nhưng quan trọng nhất đó là học cách thở để có thể giảm được những cơn đau: hít một hơi thật dài, từ từ thở ra, đếm trong đầu từ 1 đến 10, khi đến 10 thì vừa thở hết hơi trong bụng.
Chú ý phải thở thật đều và nhẹ nhàng, không nín thở rồi thở phì ra luôn. Nếu bạn đã từng tập Yoga thì bài tập này rất đơn giản. Tôi đã tập như vậy hàng ngày vào buổi sáng, mỗi lần chỉ khoảng 5 phút. Bài tập này rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả cho những cơn chuyển dạ.
Trong lúc đẻ, khi một cơn co thắt bắt đầu và tăng đến đỉnh điểm của nó, bạn sẽ trải qua những cơn mót rặn mạnh để đẩy bé ra khi bé di chuyển xuống. Một bài tập hữu ích khác lúc này đó là lấy hơi bằng những hơi thở ngắn, dồn dập rồi rặn mạnh ra.
Sinh con không phải là điều bạn có thể quyết định được mà là một phản ứng theo bản năng không có sức mạnh nào chống lại được. Nhưng với cách thở như trên, bạn sẽ làm cho tiến trình ấy dễ dàng hơn.
Đến khi phần đầu của bé nhô ra là lúc bạn sẽ có một cảm giác nóng ran. Lúc này nên ngưng rặn để các chờ các mô tầng sinh môn mỏng đi và căng ra. Điều này có thể khó vì bạn vẫn đang mót rặn nhưng nên cố nhịn, nếu không bạn sẽ làm căng không đúng tầng sinh môn và sẽ làm rách hoặc cần phải cắt tầng sinh môn.
Việc thở dồn dập là một cách hay để kìm hãm chuyện mót rặn. Khi phần đầu của bé lọt ra ngoài thì công việc của mẹ không còn nhiều nữa. Với vài cái nhún nhẹ, phần vai của bé sẽ lọt ra và bé sẽ trườn người vào bàn tay của các bác sỹ đang chờ sẵn.
Lúc này các bác sĩ sẽ làm nốt các phần việc còn lại trong khi mẹ có thể sung sướng đón nhận tiếng khóc chào đời của con và hơi thở ấm áp của bé trên ngực.
Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ giúp ích ít nhiều cho những người chuẩn bị làm mẹ cũng như hành trình vượt khó để đến được với các bé yêu.
"Ngày nảy ngày nay" có một anh chàng mới 27 tuổi đã tình nguyện rời bỏ cuộc sống độc thân để “đón nàng về dinh” rồi bắt đầu xây lên một ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà ấy chỉ ít hôm nữa thôi sẽ đón một thiên thần nhỏ, một chú hổ con đáng yêu được ra đời bởi sự kết tinh của tình yêu đôi lứa...
Câu chuyện nghe có vẻ rất cổ tích nhưng quả thật nếu kể ra mọi người có lẽ cũng cảm thấy ngạc nhiên vì một chàng trai 27 tuổi từng coi quán nhậu là nhà, coi rượu là bạn thì không thể tin nổi khi một chú hổ con ra đời hay nói xa hơn khi anh chứng kiến những trận ốm nghén của vợ, một hai lần dọa sẩy, những nhọc nhằn của vợ suốt chín tháng mang thai và cả khi nghe tiếng la hét kêu đau của vợ từ phòng hộ sinh, anh mới thấy mình cần phải làm gì đó để chia sẻ với nỗi vất vả của vợ và chồng chỉ muốn nói lên một câu rằng “thương vợ nhiều lắm vợ ơi”…
Đêm ấy, khi những cơn mưa rào ào ào đổ xuống như trút nước xóa đi cái oi ả giữa tháng 6 nóng bức đến ngạt thở, 2h đêm thấy vợ cứ trằn chọc hết quay bên này rồi bên kia khiến mình không tài nào ngủ được. Mãi đến 3h sáng, vợ lay lay gọi bảo kêu đau bụng. Mình mắt nhắm mắt mở động viên vợ cứ ngủ tiếp vì từ lúc chuyển dạ đến lúc sinh cũng còn lâu lắm và rồi mình thiếp đi lúc nào không hay. Một lúc sau vợ kêu thất thanh “anh ơi, em chảy ối nhiều lắm, chắc sắp sinh rồi đây”, lúc đó mình đang mơ mơ, màng màng, vội giật mình tỉnh giấc, luống cuống trong cơn ngái ngủ. Mưa thế này không biết bao giờ mới ngớt đây, miệng lẩm bẩm không biết có gọi được taxi không nữa. Ấy thế mà vừa lỉnh kỉnh bê đồ xuống tầng dưới mưa như ngớt hẳn, phải đợi đến tận 3h15 chiếc taxi mới đậu trước cửa nhà. Vừa lễ mễ bê đồ vừa dìu vợ ra xe mà trong lòng lo lắng chỉ sợ cu cậu tòi ra lúc này thì nguy quá. Rồi chiếc xe phóng vút trong mưa đến thẳng viện sản và lúc đó trời bắt đầu ngớt mưa hẳn.
Vội vã để vợ ngồi phòng chờ và như tên bắn mình lao sang phòng trực đập cửa cầu cứu “bác sĩ, bác sĩ ơi vợ em sắp sinh rồi”. Một cô chừng khoảng ngoài 40 tuổi vẻ mặt vẫn còn ngái ngủ ra mở cửa, chẳng kịp nói thêm gì mình kéo luôn cô ấy đi về phía phòng chờ. Vợ mình lúc đó mặt mũi nhăn nhó, cứ ôm bụng kêu đau, mình thì luống ca luống cuống chẳng biết làm thế nào.
Bác sĩ bảo vợ nằm lên giường kiểm tra xem nào? Đã làm thủ tục nhập viện chưa? Cô bác sĩ vừa nói vừa đập vào bên chân của vợ kêu lên tiếng rõ to và bắt vợ dạng chân ra để thăm khám. Mình nói: "Cô ơi, bây giờ mới có hơn 4h lấy đâu ra ai để làm thủ tục. Cô cứ cho vợ cháu sinh, có gì cháu sẽ làm thủ tục sau". Vừa nói mình vừa nhét vào túi cô bác sĩ một cái phong bì.
Bác sĩ quay ra nhìn có vẻ như thông cảm và vợ đã được chuyển lên bàn đẻ trong cơn đau đang thôi thúc…
Lúc đó mẹ và các chị cũng vừa tới, vẻ mặt ai cũng lo lắng khi 15 phút đến 20 phút trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì ngoài tiếng kêu la của vợ, tiếng dép đi đi lại lại của bác sỹ và y tá khiến mình chóng hết cả mặt. Chốc chốc lại thấy vợ kêu lên làm mình như xé lòng, thấy thương vợ vô cùng, giá như chồng chịu đau thay cho vợ lúc này thì tốt biết mấy. Một lúc sau thấy bác sĩ mở cửa bước ra và nói cần phải mổ ngay thôi, cạn hết ối rồi, người nhà ký vào cái giấy này nhé. Lúc đó mặt mình như tối sầm lại, nhìn tờ giấy mà mắt cứ hoa lên, không đọc được chữ nào, chỉ vội ký soẹt một cái rồi đưa ngay cho cô bác sĩ. “Cô, cô giúp vợ cháu với nhé”…
Cứ hết đứng lại ngồi, hết ngồi lại đứng, chốc chốc lại đến bên cửa nhìn qua ô cửa vuông có miếng kính trắng mờ mà không sao nhìn thấy vợ. Bức tường ngăn cách giữa chồng và vợ sao lúc này lại xa đến thế. Mồ hôi mồ kê ướt đầm đìa trên lưng áo, mặt mày lo lắng. Thế rồi khoảng chừng 10-15 phút sau, trong phòng hộ sinh bỗng cất lên tiếng khóc, cả nhà mình mừng vui khôn xiết. Cô y tá bước ra trên tay ẵm một em bé còn đỏ hỏn, khuôn mặt tròn ve, đôi mắt nhắm nghiền nằm gọn trong cái khăn rồi cô vui vẻ nói lời chúc mừng. Con trai 2,9 kg. Ca này khó khăn quá cơ nhưng “mẹ tròn con vuông” rồi nhé. Cả nhà về ăn mừng đi thôi. Dơ hai tay đỡ lấy con mà lòng mình phấn khởi, nước mắt lần đầu được làm cha ngân ngấn vì xúc động, hạnh phúc là đây rồi…
Vội vàng gọi điện thoại báo cho ông nội ở quê mà nước mắt mình cứ tự chảy dài trên má. Thú thật với mọi người cu con mình là con đầu cháu sớm lại là thằng cháu đích tôn dòng họ Bùi nên khi biết tin vợ sắp sinh cả nhà ở quê nào là cô chú anh em đã tập trung đông đủ ở nhà bố mình rồi. Nên khi biết tin “mẹ tròn con vuông” ai cũng phấn khởi, vui vẻ lắm…
Đưa vợ từ phòng hộ sinh về phòng hồi phục sức khỏe mà nhìn vợ thấy thương ơi là thương, khuôn mặt xanh xao sau kỳ vượt cạn hết sức gian nan, nguy hiểm. Khác với mọi chị em, vợ vừa chịu cảnh đau đẻ vừa chịu cảnh đau mổ nên mất rất nhiều sức. Lúc ấy, mình cũng chỉ vội hôn lên chán vợ một cái rồi thì thầm với vợ được một câu “cảm ơn vợ nhiều lắm”. Có lẽ mình chỉ sinh một bé là đủ rồi vợ à, chồng không dám mạo hiểm lần nữa đâu…
Mặc dù cũng đã chuẩn bị một lượng kiến thức cho lần đầu làm bố nhưng cũng còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều bối rối lắm mọi người à. Nhưng rồi tình yêu gia đình, thương vợ, yêu con đã giúp cho mình vượt qua tất cả để trở thành một người chồng, người cha mẫu mực.
P/S: Những tâm sự từ đáy lòng của một người lần đầu làm cha khi viết ra đây chỉ mong các chị, các mẹ hiểu được nỗi lòng của các anh em. Không biết làm gì để bù đắp, chia sẻ chỉ biết nói lời thầm cảm ơn, cảm ơn các chị, các mẹ nhiều lắm.