Giấc mơ làm giàu của giới trẻ

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Giấc mơ làm giàu của giới trẻ

18/04/2015 04:50 PM
468

Rất nhiều bạn trẻ muốn làm giàu, muốn học giỏi và vươn lên thành công. Thế nhưng rất ít người biết cách lên kế hoạch để đạt tới cái mình cần. Nhiều người luôn miệng nói sẽ làm người có nhiều tiên nhưng lại rụt rè và chờ đợi vào số phận.



Làm sao lập kế hoạch

Trong số 20 người được hỏi “Bạn có muốn giàu có không?” thì chỉ có 17 người trả lời ngay: “Có chứ? Ai mà chẳng thích”.

Nhưng khi được hỏi tiếp “Bạn phải làm gì để trở nên giàu có?” thì chỉ có 2 trong số 20 người đưa ra được kế hoạch riêng cho mình. Còn lại chỉ biết cười trừ…

Nguyễn Thị Thanh Huyền, SV ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Sau khi tốt nghiệp mình sẽ đi làm cho một số công ty để lấy kinh nghiệm, công ty đa quốc gia thì càng tốt sau đó thì mở công ty riêng”.

Còn Hoàng Linh, SV HV Báo chí tuyên truyền thì lại cho rằng sẽ mở công ty truyền thông quảng cáo. Công việc này gần với những gì mà Linh đang được học trong trường.

Cả hai bạn đều cho rằng muốn giàu có thì cần mục tiêu rõ ràng, cụ thể, hướng đi đúng đắn. Mình phải biết đang muốn gì, cần gì, thiếu gì, được gì và mất gì? Cả hai đều cảm thấy khó nhất là lập kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Theo Huyền, trước mắt mình nghỉ quan trọng nhất là cần phải đi làm trước để có kinh nghiệm và mối quan hệ, tìm nhân tài cùng hợp tác, trau dồi những kĩ năng chuyên môn trước khi hình thành một cái gì đó cho riêng mình.

Ai nói giàu có là do số phận?

Trong khi nhiều bạn trẻ vẫn cho rằng giàu có là do số phận nên rất thờ ơ với kế hoạch làm giàu thì một số bạn lại cố gắng lên kế hoạch để thực hiện ước mơ của mình.

Nguyễn Thị Diệp, SV năm 2 cho rằng: “Mình học luật thì sẽ ra làm luật sư để kiếm thật nhiều tiền. Bây giờ lập kế hoạch sớm chi cho mệt, để tính sau, ra trường, đi làm rồi sẽ giàu có”.

Trái với suy nghỉ như Diệp, chị Trần Thị Thảo, cựu SV ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM tâm sự, ngay từ năm học thứ nhất mình đã ấp ủ ý tưởng mở quán cafe. Và giờ đây quán “Đen Trắng Coffee” như là một minh chứng cho việc dám nghĩ, dám làm. Để đạt như thế mình phải mất rất nhiều công sức, suy nghĩ để lên kế hoạch thực hiện.

Còn anh Lê Danh Hoàng, chủ một công ty hàng đầu tại Việt Nam về kinh doanh yến sào và công nghệ nuôi chim yến cũng cho hay: “Trước đây khi là sinh viên, trong một lần tình cờ trò chuyện với tiến sĩ Elisa Nugroho-chuyên gia hàng đầu về chim yến ở Indonesia, mình đã ấp ủ và lên kế hoạch thực hiện mới có được như bây giờ. Tôi không nghĩ đó là do số phận mà là phải làm”.

Vậy muốn giàu phải làm sao?

Ông Nguyễn Anh Tuấn- chủ nhiệm Hội quán gia đình cho rằng: “Ai cũng muốn giàu có và mỗi người đều thực hiện một cách riêng như, đầu tư bất động sản, kết hôn với vợ/ chồng giàu, lập công ty...

Tôi thấy có nhiều người bỏ tiền ra học các khóa để làm giàu. Nhưng cần nhớ rằng không phải học xong là các bạn sẽ giàu mà chúng chỉ cho ta biết cách những người thành công đã từng thực hiện. Từ đó nâng cao thêm niềm tin cho các bạn”.

Cần phải biết quan sát cuộc sống, học hỏi để tích lũy kinh nghiệm.

Còn thầy Nguyễn Tuấn Dương, cựu SV ĐH Ngoại Thương lại nhìn nhận “SV muốn làm giàu cần phải xác định thế nào là giàu có? Có người cho rằng lương tháng 20 triệu là giàu nhưng có người muốn 100 triệu. Giàu có thể định lương bằng số tiền mà các bạn kiếm được trong 1 tháng nhưng cũng có thể là làm giàu từ sự trau dồi kinh nghiệm, kĩ năng, trí thức…”

Cái bạn cần tự tin rằng mình có thể giàu là tốt nhưng đừng quá tự tin mà xa rời thực tế. Phải trải nghiệm vào thực tế để thấy rõ điều nào nên và cần làm.

Mỗi cách suy nghĩ về làm giàu đều khác nhau. Người muốn làm giàu bên cạnh việc ước muốn, họ tìm cho mình hướng đi riêng để hiện thực hóa ước mơ. Còn bạn nếu cho rằng chưa đến lúc có nghĩa bạn đang từ chối cơ hội và phản biện ước mơ làm giàu của chính bản thân.



0 năm liền, Bầu Đức làm việc miệt mài, không có ngày nghỉ. Ông say mê kiếm tiền đến quên cả bản thân như để trả món nợ cuộc đời, trả nợ cho tuổi thơ nghèo khó làm thợ kéo cày tại quê nhà.Lâu nay bầu Đức không chỉ nổi tiếng với những thương vụ đình đám trong làng bóng đá như mua cầu thủ nổi tiếng Kiatisuk, sở hữu phi cơ... người ta còn biết đến ông với danh hiệu người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008. Thế nhưng có một bầu Đức khác mà ít ai biết, đó là cậu bé nghèo khổ của mấy chục năm trước, với những trải nghiệm đắng cay đã trở thành ký ức hằn sâu trong con người ông cho đến tận bây giờ.

Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió. Lúc bấy giờ Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.

 Khát vọng của bầu Đức là có tên trong danh sách tỷ phú thế giới.

Lớp 12, năm 1982, cậu khăn gói quả mướp vào TP HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, con đường học vấn không mở ra trước mắt. Năm ấy, Đức trượt đại học… Không nản lòng, cậu lại vùi đầu vào sách vở. Sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Nhưng dù cố gắng đến mấy, Đức vẫn không thể vào được cổng trường đại học. Như một định mệnh, cả 4 lần đi thi Đức đều không đạt kết quả như ý muốn.

Những năm 80, học vấn được coi là thước đo giá trị con người. Nếu không vào đại học cũng đồng nghĩa ước mơ thoát nghèo của cậu bé Đoàn Nguyên Đức chấm dứt và sẽ phải chấp nhận chôn vùi tuổi trẻ tại quê nhà, với con trâu cái cày, nương rẫy và đại ngàn.

“Sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó", Đức nhớ lại. Khi ấy, ông nhớ đến hình ảnh của mẹ, người phụ nữ miền sơn cước tần tảo nuôi 9 anh em Đức ăn học. Và ông chợt nhận ra rằng có nhiều con đường để dẫn đến thành công. "Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, bầu Đức nói.

Thế rồi, cậu thanh niên 22 tuổi khăn gói quả mướp nên đường mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát vọng làm giàu. Không tiền, không học vấn, con đường đầy mịt mù mở ra trước mắt. Lúc bấy giờ, ông không biết sẽ bắt đầu từ đâu và bằng công việc gì. Ông chỉ nhớ rằng mình đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm và cố sáng tạo để tìm lối đi riêng. Và cũng chính vì không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn nên Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời.

Sau một thời gian làm thuê, Đức tích góp được một khoản tiền đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Ấy là vào năm 1990, ông tự tay cưa, bào đục đẽo để làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác để hình thành lên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày hôm nay.

Bầu Đức thừa nhận có một nhân vật tỷ phú đã tác động khá mạnh tới tính cách, lối sống, và cách nghĩ suy của ông bây giờ. Đó chính là Bill Gates - tỷ phú người Mỹ khởi nghiệp bằng một chiếc máy tính nhỏ với con đường học vấn dở dang. Ông đã đọc say sưa cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, trong đó có nói về tỷ phú thế giới Bill Gates - người giàu thế giới suốt mấy năm liền. Ông có cảm giác như mình có duyên nợ và nét gì đó rất tương đồng với Bill Gates - tỷ phú thành công không bằng con đường học vấn. “Và tôi hiểu rằng trường đại học của tôi chính là đường đời. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu không có tuổi thơ cơ cực, và thất bại trong con đường học vấn, chắc gì, tôi đã có ngày hôm nay”, ông Đức nói.

Miền quê Gia Lai của Bầu Đức giờ đã đổi thay nhiều. Đời sống người dân cũng đã nâng lên, căn nhà gỗ gắn bó với tuổi thơ của ông cũng đã được sửa sang, cơi nới. Và cậu thanh niên Đoàn Nguyên Đức từng suốt 10 năm dắt trâu ra đồng kéo cày đẽo đất khi xưa giờ đã là tỷ phú và là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt năm 2008. Thế nhưng bầu Đức vẫn kiên quyết giữ lại mảnh đất cũ - nơi ông đã từng nếm trải đắng cay, cơ cực. Ông tâm sự: “Ba mẹ tôi vẫn ở quê cách thành phố 20 km. Anh em chúng tôi lớn lên mỗi đứa lập nghiệp một nơi song vẫn quây quần bên ba mẹ những ngày lễ Tết. Quê nghèo nhắc cho tôi rằng phải phấn đấu không ngừng nghỉ. Tôi cảm ơn mảnh đất này”.

Vẫn là hình ảnh cây cau cây dừa, nhưng mỗi lần về thăm quê Bầu Đức lại thấy cảm giác khó tả và cay cay nơi sống mũi. Những kỷ niệm buồn vui xa xưa lại ùa về. “Lúc ấy, tôi lại thấy mình ngày xưa, đang dắt trâu ra đồng chuẩn bị cày trên thửa ruộng sắp vào mùa”, bầu Đức nói.

40 năm qua đi, giờ ông Đức đã có trong tay tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với giá trị ròng lên tới vài chục nghìn tỷ đồng, một câu lạc bộ bóng đá lừng danh với những chân sút nổi tiếng được mua về. Thế nhưng bầu Đức vẫn không cho phép mình được dừng lại. Ông vẫn làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ. Làm việc như thể để trả nợ cuộc đời và một điều lớn lao hơn - ông muốn thực hiện khát vọng của một doanh nhân Việt. Ông muốn làm điều mà nhiều doanh nhân thế giới đang làm.

Và khát vọng cuối cùng của bầu Đức là có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu VN. “Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc”, bầu Đức nói.

Ở cái tuổi ngoại tứ tuần, sự nghiệp đã đạt độ chín, tiền bạc cũng không còn là vấn đề bận tâm, bầu Đức đang dành nhiều thời gian hơn để thực hiện khát vọng của mình. Năm 2008, lần đầu tiên, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với trên 55% số cổ phiếu sở hữu, bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2008 do VnExpress.net bình chọn.

Bất chấp khủng hoảng, suy thoái, dưới bàn tay chèo lái của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn đạt kết quả khá ấn tượng với lợi nhuận 1.700 tỷ đồng năm 2009. Bầu Đức chia sẻ, năm 2008 khi nhìn thấy bức tranh ảm đạm và âm u của nền kinh tế, Hoàng Anh Gia Lai chỉ dám đặt ra mục tiêu lợi nhuận cho năm 2009 ở con số khiêm tốn 1.150 tỷ đồng. Thế nhưng khi lao vào cuộc chiến, ông nhận thấy có rất nhiều cơ hội và có nhiều ngách nhỏ để ông len vào và đạt thành công. “Kết quả thật ấn tượng, chúng tôi đã làm được và đạt tới con số 1.700 tỷ đồng lợi nhuận”, ông Đức chia sẻ.

Ông cho hay trong cuộc đời kinh doanh của mình chưa khi nào đối mặt với khó khăn như năm 2008 và 2009. Thị trường tiền tệ 2008 quá tồi tệ, năm 2009 chưa thoát khỏi khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nhìn đâu cũng thấy khó. Bức tranh ảm đạm bao trùm kinh tế của cả thế giới. Bầu Đức rơi vào trạng thái bi quan thực sự, và có lúc ông tính chuyện buông xuôi. Ấy là vào tháng 7/2008, khi chứng kiến cảnh hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn của thế giới tuyên bố phá sản. Cứ mỗi sáng mở mắt, đã thấy có 2 doanh nghiệp của Mỹ tuyên bố phá sản hoặc có đơn xin bảo hộ, ông lại thấy hoang mang và cảm giác, khủng hoảng như đang đến sát mình.

Tại VN, doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh điêu đứng hàng loạt. Thị trường chứng khoán tụt dốc, chỉ số VN-index dò dẫm tìm đáy, bất động sản đóng băng…, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh càng kinh doanh càng lỗ. Bầu Đức hiểu rằng, trong bối cảnh như vậy, người tài giỏi lắm cũng không tránh khỏi trạng thái hoang mang và ông đặt Hoàng Anh Gia Lai vào tình trạng khẩn cấp với nhiều kịch bản được đưa ra. Các kế hoạch kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận liên tục được điều chỉnh. Và nhờ những quyết sách đúng, kịp thời nên Hoàng Anh Gia Lai là một trong số những doanh nghiệp sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và giữ vững được hoạt động kinh doanh của mình.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2010, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến đạt mức tổng lợi nhuận trước thuế từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng. Công ty đang đẩy nhanh triển khai nhiều dự án, chẳng hạn Dự án Khu chung cư An Tiến (Nhà Bè, TP HCM), Riverview, Phú Hoàng Anh, đường Nguyễn Hữu Thọ, TP HCM và nhiều dự án khác ở Đà Nẵng, Đăk Lăk và Gia Lai…

Những sự kiện đáng nhớ và gây sốc của bầu Đức:

1. Mua tiền đạo người Thái Kiatisuk

Năm 2002, Hoàng Anh Gia Lai quyết định đưa tiền đạo số một Đông Nam Á - Kiatisuk về Gia Lai với mức lương khiến giới chuyên môn, người hâm mộ sửng sốt. Thậm chí, đến cả CLB của Thái Lan cũng không tin nổi điều này. Khi bầu Đức sang Thái để đàm phán hợp đồng mua Kiatiasuk, CLB chủ quản của anh còn không thèm tiếp. Bầu Đức phải ở lại Bangkok ròng rã trong hai tháng để tìm mọi cách tiếp xúc và tiến tới ký kết hợp đồng. Bầu Đức nhớ lại chính chân sút người Thái cũng chất vấn rằng "lấy tiền đâu ra mà trả lương". Khi đó, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai lập tức điện về và ra lệnh chuyển số tiền tương đương hai năm lương vào tài khoản của Kiatisuk.

2. Hợp tác với Arsenal và khai trương Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG

Sự nổi tiếng của CLB nước Anh lan tỏa ở Việt Nam và khắp thế giới nhờ những trận đấu ở giải Ngoại hạng. Học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng trên phố núi với quy trình đầu tư bài bản cho các tài năng bóng đá trẻ. Những mầm non này sẽ tương lai của bóng đá Việt Nam. Hàng tuần, người yêu bóng đá cả nước được thấy dòng chữ Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam chạy trên những banner quảng cáo khắp sân Emirates của Arsenal tại London (Anh).

3. Sở hữu máy bay riêng

Ngày 1/10/2008, chiếc Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD chở bầu Đức lần đầu tiên cất cánh trên bầu trời theo đường bay từ Tân Sơn Nhất tới Gia Lai và quay trở lại. Phí hoạt động của chiếc máy bay cá nhân đầu tiên ở Việt Nam có thể lên tới hàng chục nghìn USD mỗi tháng với phí thuê người lái, xăng dầu, phụ phí sân bãi và bảo dưỡng. Chi phí mua máy bay đều do tự bầu Đức chi trả nhưng để phục vụ công việc cá nhân và cả công ty. Tháng 12/2008, Bầu Đức từng dùng Beechcraft King Air 350 để tới Phuket (Thái Lan) xem một trận đấu của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008.

4. Lên sàn và trở thành người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán

Tháng 12/2008, 190 triệu cổ phiếu (tương đương 1.900 tỷ đồng) của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai niêm yết trên sàn TP HCM. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức nắm giữ 55% cổ phần, tương đương khoảng 104 triệu cổ phiếu.

Với 55% cổ phần trong tập đoàn, ông Đức đã dẫn đầu danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2008 với 6.160 tỷ đồng cổ phiếu HAG. Ngoài ra, tổng tài sản mà Bầu Đức đang có vào khoảng 11.000 tỷ đồng, chưa bao gồm cổ phiếu. Tài sản của Hoàng Anh Gia Lai bao gồm các lĩnh vực như cao su, thủy điện, khai thác mỏ, sản xuất, kinh doanh khách sạn...
 



Một doanh nghiệp đã thu về 4 triệu USD mỗi tháng thông qua hoạt động đấu giá để giành việc giữa các thành viên. Trong khi bạn trẻ có thể kiếm được một việc làm thêm kỳ lạ như... gọt bút chì.

Ý tưởng lạ

Ở Singapore, ngày càng có nhiều người đăng thông tin thuê người hoàn toàn xa lạ để thực hiện một số công việc nhất định thông qua các cổng online, thường gọi là trang mạng xã hội dịch vụ.

Ít nhất 5 trang mạng như vậy đang hoạt động và thu hút sự quan tâm đặc biệt của netizen Singapore. Những người sáng lập các trang mạng này đều lấy cảm hứng từ TaskRabbit - một trang hiện cực kỳ hút khách ở Mỹ. Quan điểm của TaskRabbit rất đơn giản: Bất cứ ai có việc vặt, cần tuyển người, đều có thể đăng tải lên mạng. Mọi người sẽ đấu giá để giành được công việc đó hoặc đồng ý thực hiện theo một khoản phí định trước.

Ý tưởng kinh doanh độc đáo này nhanh chóng thu về lợi nhuận khổng lồ cho người sáng lập TaskRabbit, Leah Busque - nữ kỹ sư phần mềm ở Boston, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hiện nay.

Hiện TaskRabbit đã mở rộng phạm vi đăng tải và thực hiện nhiệm vụ tại các thành phố khác như Chicago, New York, Seattle và San Francisco.

Trong một lần phỏng vấn với New York Times hồi tháng 11 năm ngoái, Leah Busque cho biết, TaskRabbit thu về 4 triệu USD mỗi tháng thông qua hoạt động đấu giá để giành việc giữa các thành viên. Nhiều netizen đã biến những việc làm tình cờ trên mạng thành công việc chính của mình. Những thành viên tích cực nhất thậm chí có thể kiếm được 5.000 USD/tháng. 

Cơn sốt nhỏ trong giới trẻ Singapore

Ở Singapore, 5 trang mạng kinh doanh dịch vụ đặc biệt này có từ 50-300 thành viên. Những người sáng lập hầu hết ở độ tuổi còn rất trẻ và họ thừa nhận đây là một ngành kinh doanh vô cùng mới mẻ và thú vị. George Moh, 23 tuổi, điều hành trang Juubs, tiết lộ: "Singapore là một đất nước có mật độ dân số đông. Do đó, luôn có cơ hội để ai đó sẵn lòng bỏ thời gian và công sức giúp đỡ bạn thực hiện những công việc, nhiệm vụ hàng ngày". Điểm mấu chốt ở chỗ, phải tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa những người sẵn sàng giúp đỡ và những người cần hoàn thành công việc. Và đó cũng chính là nơi các trang mạng như Juubs đáp ứng nhu cầu đôi bên.



Từ trái sang: Garreth Peh, người sáng lập TaskAmigo, Andrew Fam, phụ trách PR và phát triển kinh doanh, Dawn Lee, chịu trách nhiệm quản lý người dùng và phát triển kinh doanh.



Một trang web khác chuyên chạy tin rao vặt là TaskAmigo, được sáng lập bởi chàng trai 23 tuổi, còn chưa tốt nghiệp đại học, Garreth Peh. Anh chàng cho biết, TaskAmigo đã thu hút khoảng 300 thành viên kể từ khi ra mắt khoảng 2 tháng trước. Cho đến nay, 17 công việc vặt đã được đăng tải và hoàn tất.Nguồn thu chính của các trang dịch vụ này bắt nguồn từ khoản phí giao dịch thu từ các thành viên mỗi khi có một nhiệm vụ/công việc được hoàn thành.

Những người như George Moh và Garreth Peh đều tin rằng, vẫn còn nhiều thứ cần làm để hình thức kinh doanh này được nhiều người biết tới hơn nhưng chắc chắn cùng với thời gian, nó sẽ ngày càng trở nên phổ biến.

Peh khẳng định: "Luôn có một nguồn cung sức lao động cực kỳ dồi dào, trong khi nhiều kỹ năng và dịch vụ còn chưa được khai phá hết. Chúng tôi nắm trong tay công nghệ cao, giúp mọi thứ vận hành linh hoạt và trơn tru hơn. Cùng với chiến dịch marketing sâu rộng, chắc chắn những trang mạng mà chúng tôi đang chạy sẽ biến thành ngành kinh doanh quy mô lớn với lợi nhuận cao".

Mới đây nhất, thành viên Aldrich Ho, 23 tuổi, đã nhận lời làm công việc gọt 900 chiếc bút chì trên TaskAmigo. Sau khoảng 4-5 giờ làm việc cùng với sự trợ giúp của một vài người bạn, anh chàng đã hoàn thành nhiệm vụ và được trả 150 USD.

Aldrich Ho thích thú cho biết: "Ý tưởng làm việc vặt kiếm tiền thật là tuyệt vời. Nó đem tới cho những sinh viên nghèo như tôi cơ hội tăng thêm thu nhập mặc dù tôi có thể sẽ không nhận gọt bút chì thêm một lần nữa đâu. Công việc đó thật là nhàm chán và khiến cổ tay tôi đau như muốn gãy rời".

Đảm bảo sự tin cậy và minh bạch

Những người điều hành các trang mạng dịch vụ tuyển người làm việc vặt tiết lộ, họ luôn cố gắng để hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng lừa đảo hoặc gian dối. Cả người đăng tin lẫn người có nhu cầu làm việc vặt kiếm tiền đều phải để lại phản hồi công khai trên trang. Điều này giúp tránh những sự cố như đã đồng ý làm, cuối cùng lại không xuất hiện.

Thông tin việc vặt cũng được nhóm quản lý trang chủ động kiểm tra kỹ lưỡng. Đặc biệt, dạng tin tuyển người liên quan tới ma túy hoặc mại dâm đều bị xóa bỏ ngay.

Một số trang còn khuyến khích thành viên gặp trực tiếp người điều hành để phỏng vấn. Sau khi danh tính được xác định, hồ sơ trên trang online của họ sẽ xuất hiện dấu hiệu xác nhận tính chân thực và độ tin cậy.


Từ bỏ công việc với mức lương "trong mơ” 1.000 USD mỗi tháng, Hải Nhân (sinh viên Đại học Công nghệ thông tin – ĐHQG TPHCM) quyết định cùng bạn mở một quán cafe sinh viên để thỏa khao khát được làm chủ bản thân.

Lê Hồng Hải Nhân là sinh viên khóa 2006. Với kinh nghiệm làm việc tích lũy thời sinh viên, ngay từ năm thứ 3, Nhân đã được nhận vào làm việc ở một công ty nước ngoài với vị trí lập trình viên.
Khởi nghiệp
Công việc đúng chuyên môn với mức lương lý tưởng không đủ thỏa mãn khao khát làm chủ bản thân của Nhân. Vốn ham thích sáng tạo và đam mê đặc biệt với cafe, năm thứ 4 đại học, Nhân cùng nhóm bạn thân nuôi ý tưởng mở một quán cafe dành riêng cho sinh viên.

Ý tưởng cuối cùng cũng đến giai đoạn “chín muồi” khi nhóm tìm được một căn nhà lý tưởng để làm địa điểm. Công việc chuẩn bị cho quán cafe quá bận rộn khiến Nhân phải đi đến một quyết định khó khăn: xin nghỉ việc.

Nhớ như in cảm giác của buổi sáng ngày nộp đơn xin nghỉ việc, Nhân bồi hồi: “Ngày tụi mình kí hợp đồng thuê căn nhà ấy cũng là ngày mình quyết định bỏ việc ở công ty để tập trung cho quán. Sáng hôm đó, mình thức dậy mà sợ đến nỗi hai chân cứ va lập cập vào nhau. Suốt thời gian sống tự lập của mình, chưa bao giờ mình cảm thấy sợ đến như vậy. Cảm giác giống như vứt bỏ đi tổ ấm bình an để đến với một thứ đầy rủi ro”. Nhân cho biết, lương của cậu lúc ấy, sau gần 2 năm làm việc là 1.000 USD/tháng.

Những sự lựa chọn khắc nghiệt như thế là cái giá đầu tiên mà những sinh viên ước ao khởi nghiệp phải trả. Đinh Ngọc Linh (21 tuổi, Bình Thuận) lại có một câu chuyện khác.

Năm thứ hai ở Đại học Sư phạm TP.HCM, cô sinh viên Đinh Ngọc Linh sau khi đến trình bày ý tưởng mở quán ăn với hơn 10 nhà đầu tư và thất bại, đành ngậm ngùi nhận ra mình cần bắt đầu từ những điều nhỏ hơn. Từng là một hướng dẫn viên làm đồ handmade trên truyền hình, Linh mày mò tự làm những món đồ độc đáo và tập tành rao bán trên mạng.

Những con búp bê xinh xắn được làm từ chung rượu, bóng bàn và giấy
 được Ngọc Linh chọn để khởi nghiệp. Ảnh: Xuân Hường

từ chung rượu, bóng bàn và giấy của Linh sau một thời gian dần trở nên “hút hàng”. Bận rộn với công việc và nhận ra niềm yêu thích của mình với kinh doanh, Linh quyết định nghỉ học ở Đại học Sư phạm trong sự lo ngại của gia đình và bạn bè.

Nhớ lại quyết định táo bạo của mình, Linh nói, đầy kiên quyết: “Quyết định bỏ luôn thời gian 2 năm học chứ không bảo lưu là cách để tạo động lực cho riêng mình. Nếu cứ làm và nghĩ rằng không được thì quay về học lại, mình biết mình sẽ không thể toàn tâm toàn ý cho kinh doanh”.

Cách đây 2 tháng, cậu sinh viên năm 3 khoa Triết học, trường Đại học KHXH&NV TPHCM Nguyễn Anh trở thành ông chủ của một tiệm photo trong khuôn viên Kí túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Từng là nhân viên ở đó một thời gian dài, khi ông chủ có ý định sang nhượng, cậu quyết định thuê lại tiệm để kinh doanh. Nhìn tiệm photo luôn đông khách, ít ai ngờ Anh đã từng phải cầm xe máy và vay mượn đến cả gia đình bạn gái để có đủ tiền.

Thời gian đầu, không dễ để cạnh tranh với các tiệm photo mọc như nấm ở xung quanh, Nguyễn Anh mở cửa tiệm từ 6h sáng và chỉ đóng cửa sau 22h30, nhằm có thêm lượng khách cần photo gấp.

Nguyễn Anh trong tiệm photocopy của riêng mình. Ảnh: NVCC

Lấy công làm lời, thời gian đi chơi, đá bóng ngày xưa của Nguyễn Anh dành hoàn toàn cho công việc bên máy móc và giấy tờ, cả việc học cũng bị ảnh hưởng vì không còn nhiều thời gian lên lớp. “Bắt đầu kinh doanh rồi mới thấy, những áp lực lúc học hành thực sự không là gì cả!”, Nguyễn Anh nói.
Những bước đầu gian nan
Hải Nhân – ông chủ trẻ của quán cafe - gọi những khó khăn khi sinh viên bắt đầu khởi nghiệp là những hòn đá tảng.

Hòn đá đầu tiên và lớn nhất buộc phải nghĩ đến là vốn. Ước tính số vốn để mở quán là hơn 700 triệu đồng, cả nhóm của Nhân dường như rơi vào bế tắc.

Chủ trương không kinh doanh bằng tiền của người khác, Nhân đã phải thuyết phục từng thành viên và cùng họ lập ra một bản kế hoạch để xin đầu tư từ phụ huynh. Niềm tin của cậu lúc ấy dựa trên kinh nghiệm bản thân là, sinh viên đi học xa luôn được bố mẹ luôn dành cho một khoản dự trữ. “Chỉ cần chứng minh bằng một kế hoạch thật thuyết phục, ba mẹ sẽ không ngại ngần để đầu tư”, Hải Nhân tự tin.



Hải Nhân (ngồi ngoài cùng bên trái) và các thành viên của quán cà phê của mình. Ảnh: NVCC



Thuyết phục được phụ huynh, huy động được vốn, nhóm lại phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác. Mê cafe là thế, nhưng Nhân kể, đến bây giờ cậu vẫn còn ám ảnh cái lần phải thử hàng trăm ly cafe đen suốt mấy ngày trời để chọn ra nguyên liệu phù hợp cho quán mình. Sau đó là hàng loạt công việc khác, thiết kế menu, lên giá cho món, thiết kế quán, nhất là các vấn đề thủ tục, giấy tờ khiến Nhân và nhóm bạn không kịp “đỡ”. “Quán biến thành nhà, những bạn gái trong nhóm cũng xắn tay áo xông vào sửa điện, ốp gỗ”, Nhân cười, nhớ lại.

“Nhiều bạn sinh viên đến quán vẫn hay xuýt xoa khen tụi mình nhiều tiền, mình chỉ cười. Các bạn ấy đâu có biết là đến bây giờ, sau khi quán đã hoạt động được 8 tháng, nhóm vẫn đang phải bù lỗ mỗi tháng 15 - 20 triệu đồng. Có những khó khăn phát sinh chỉ khi làm rồi mình mới biết được”, Hải Nhân chia sẻ.

Ngọc Linh cũng kể ra vô số khó khăn khi cô bắt đầu nhận đặt hàng sản phẩm búp bê. “Những con búp bê nhìn thì cứ nghĩ là dễ làm, nhưng không khéo thì keo sữa sẽ lem vào đen thui khi quấn giấy. Thời gian đầu, tiền nguyên liệu quá đắt cộng với tiền vận chuyển theo xe khách khiến giá sản phẩm cao ngất”, Linh “kể khổ”. “Đấy là chưa kể, cả gần một tháng sau ba mẹ mới chịu bỏ qua chuyện mình tự ý bỏ học đi làm”.



“Xưởng” chế tạo búp bê Yaki của Ngọc Linh tại Bình Thuận. Ảnh: NVCC


Niềm vui khi có nhiều đơn đặt hàng biến thành "ác mộng" khi Linh và nhóm bạn phải làm ngày làm đêm cho kịp giờ giao.

“Lúc chỉ còn hai chị em Linh làm với nhau, hai đứa sợ đến mức phát khóc và chỉ muốn bỏ cuộc. Em gái Linh thì phải nghỉ hẳn việc học thêm để giúp cho máu kinh doanh của mình. Giờ nghĩ lại, mình luôn thấy áy náy”, Linh chia sẻ.

Mùa hè này, những ông chủ, bà chủ trẻ đang ấp ủ những kế hoạch riêng, vừa để phát triển việc kinh doanh, vừa "khắc phục hậu quả" của những quyết định ngày xưa. Hải Nhân và nhóm sẽ có một chiến dịch quảng cáo hoành tráng đến sinh viên ở các trường đại học; Ngọc Linh thì đang bận rộn với việc mở một cửa hàng nhỏ trưng bày sản phẩm của mình và sẽ quay lại trường đại học để tiếp tục học hành; còn Nguyễn Anh, sau khi về quê giúp mẹ việc buôn bán, sẽ quay lại để tiếp tục mở cửa quán photo đặc biệt, sẵn sàng mở cửa suốt 17 tiếng một ngày…


Quán trà chanh Phượt ở Ngã tư Sở (Hà Nội) ngày nào cũng đông khách. Chủ yếu họ đều là thanh niên còn khá trẻ. Khách hàng trẻ, cô chủ cũng rất trẻ, sinh năm 1990 và đang theo học tới hai trường đại hoc.


Trà chanh = Kinh doanh + Du lịch

7 rưỡi tối, khi những ánh nắng cuối ngày tắt hẳn cũng là lúc Thanh Nhị (hay còn có biệt danh là Cám) lục đục chuẩn bị đồ đạc mở quán. Quán trà chanh - me đá của Nhị nằm ngay ngã tư Sở, cuối đường Trường Chinh. 8h tối, khách hàng đã bắt đầu kéo tới quán. “Cô chủ Cám” đon đả mời chào, hướng dẫn chỗ để xe, tay thoăn thoắt pha trà chanh hay me đá mời khách.

Nhìn dáng bán hàng rất chuyên nghiệp của Nhị, ít ai biết cô gái trẻ này đang là sinh viên của hai trường ĐH: SV năm thứ 3 khoa Du lịch - Viện ĐH Mở HN và khoa Kinh tế đối ngoại, hệ tại chức,ĐH Ngoại thương.

Là Cám nhưng rất đảm đang
Là Cám nhưng rất đảm đang

Học ở một trường Đại học thôi cũng đã khá vất vả rồi, vậy mà Nhị quyết tâm theo học bằng được hai trường. Nhị nói: “Em thích làm kinh doanh lắm chị ạ, mà cũng rất thích du lịch nữa.

Hai khoamà em đang theo học cũng thể hiện rõ những đam mê của em. Ban đầu, em cũng chỉ thử sức mình xem như thế nào, có theo được một lúc hai nơi vậy không. Thế rồi 3 năm cũng trôi qua lúc nào không biết”.

Tất nhiên, việc học hành ở hai trường Đại học chiếm nhiều thời gian của Nhị, nhưng em tâm sự, mở một quán trà chanh như thế này cũng là mong muốn rất lâu rồi. Vốn mở quán không nhiều, chỉ vài triệu thôi, nhưng đang là sinh viên, lại theo học hai trường như vậy nên gần đây, Nhị cũng mới tự tích lũy đủ.

Thời điểm này em cũng đang nghỉ hè, thời gian thoải mái hơn, vậy là quán “Phượt” mới chính thức ra đời, và vẫn hội tụ đủ những điều em yêu thích bấy lâu nay: kinh doanh và du lịch.


Trà chanh Phượt của Nhị
Trà chanh Phượt của Nhị 


Quán trà nhỏ ước mơ lớn

Quán của Nhị mới mở nhưng lúc nào cũng đông khách tới uống trà. Ban đầu chỉ là bạn bè đến ủng hộ, nhưng vì cô chủ xởi lởi, vui tính, dễ thương, “xì - teen” nên quán bắt đầu cũng có khách quen. Khách đến uống, ai cũng gọi Nhị theo nickname là Cám nên không khí quán trà chanh của em càng vui vẻ và thân mật.

“Từ ngày mở quán đến giờ, em cũng phải thay đổi địa điểm mấy lần vì trục trặc. Ngồi ở Ngã tư Sở, khu Định Công, rồi Lê Trọng Tấn. Dọc đường Trường Chinh này cũng phải thay đổi vị trí đôi ba lần. Nhưng khách quen trước khi ra thường gọi điện nên em vẫn không bị mất khách”, Nhị kể.

Quyết định mở quán của Nhị được rất nhiều bạn bè, anh chị ủng hộ. Duy chỉ có bố mẹ ở quê là ban đầu chưa biết. “Lần trước, mẹ ra thăm em, mới biết em tối tối đi bán hàng như thế này. Thấy em nghiêm túc với quyết định của mình, công việc này cũng không có gì xấu xa cả nên mẹ ủng hộ em lắm.



Quán nhỏ nhưng luôn đông khách
Quán nhỏ nhưng luôn đông khách


Còn bố thì tỏ ra lo lắng. Chủ yếu là lo em tối đi bán trà chanh như thế này liệu có gì không hay xảy ra không. Rồi thời gian, việc học hành của em có bị ảnh hưởng gì không.

Em nói sẽ cố gắng sắp xếp khi vào năm học. Vả lại, em còn mở quán cùng một chị nữa, nên em tin em sẽ tìm được cách cân đối thời gian hợp lý. Tất nhiên là em vẫn sẽ ưu tiên việc học thật tốt rồi”.

Hiện tại, Nhị vẫn đang rất tận tâm và say sưa với quán trà nhỏ của mình. Chiều chiều em vẫn hãm chè, pha nước đường, mua chanh tươi, chuẩn bị đồ tối cùng chị bạn mở quán. Tuy quán nhỏ, lời lãi cũng không nhiều nhặn gì nhưng đây là những gì tự tay em làm ra, là bước đầu để em thực hiện những mơ ước trong tương lai của mình. Nhị yêu quý nó vì điều đó.

“Tối nay, hội đi phượt của em lại off (gặp mặt) ở đây chị ạ. Quán sẽ đông và vui lắm đấy, nhưng em đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ rồi”, cô chủ Thanh Nhị 9X vừa nói vừa cười khoe với tôi.


Nên có thái độ đúng đắn đối với đồng tiền

Bạn có thể áp dụng cách thức cực kỳ đơn giản này để kiếm được nhiều tiền hơn trong trải nghiệm đời mình. Mỗi ngày, hãy nghĩ đến những lời này một đôi lần:

Tôi muốn có tiền. Tôi thích có tiền. Tôi sẽ dùng tiền một cách khôn ngoan, sinh lời và đúng đắn. Tiền bạc có thể xoay vòng không ngừng trong cuộc sống của tôi.

Tôi vui vẻ tiêu tiền và tiền lại sinh sôi kỳ diệu khi trở vào túi tôi. Tiền là hữu ích và cần thiết. Tiền với tôi là nguồn mạch để có thể trở lên giàu có. Tôi sử dụng tiền vào những mục đích tốt đẹp, nên tôi hài lòng vì những điều tuyệt vời và sự giàu có trong tâm hồn mình.

Tiền bạc dưới góc nhìn khoa học

Giả sử bạn tình cờ phát hiện một mỏ vàng, bạc, chì, đồng, hay thậm chí chỉ là sắt có trữ lượng dồi dào trong lòng đất, thì liệu bạn có cho rằng chúng là những thứ xấu xa? Tất nhiên là không rồi phải không! Những vật chất ấy vốn không có ý niệm, những gán ghép cho rằng chúng xấu xa đều xuất phát từ cái nhìn hạn hẹp, từ sự ngu dốt hay từ cách hiểu cuộc sống lệch lạc của con người và từ việc vận dụng tiềm thức không đúng đắn.

Vì tiền bạc đơn giản chỉ là một công cụ trung gian, chúng ta cũng có thể dễ dàng dùng chì hoặc thiếc hay bất kỳ kim loại nào cũng có thể là vật ngang giá khi giao dịch. Trong những năm đầu tiên của thế kỷ hai mươi, đồng hào và đồng một phần tư đô-la của Mỹ được làm bằng bạc. Đôi khi, chúng thực sự có lượng bạc chứa lượng bạc có giá trị đúng bằng mười và hai mươi lăm xu. Sau đó, chính phủ đúc tiền bằng kim loại rẻ tiền hơn. Nhưng khi ấy, những đồng một phần tư đô-la vẫn biểu thị mệnh giá hai mươi lăm xu, cho dù chúng được chế tạo bằng chất liệu gì và lượng kim loại tạo nên chúng thực sự đáng giá bao nhiêu đi nữa.

Sự khác nhau giữa kim loại này và kim loại khác chỉ là ở số lượng và các loại hạt cơ bản có trong một nguyên tử của nó. Nếu có thể bắn một luồng hạt cơ bản vào một khối kim loại có giá trị thấp thành vàng của các nhà giả kim thời xa xưa giờ đây nằm trong khả năng của chúng ta. Nhưng như vậy nghĩa là sao?

Hãy khát vọng để trưởng thành

Chúng ta không thể khẳng định vàng xấu hay tốt hơn chì, bởi chúng đơn giản là những vật khác nhau. Có khác nhau chăng là vì suốt một thời kì dài lịch sử, con người đã xem vàng là thứ kim loại đặc biệt quý giá, thế nên người ta thích nó – cũng có người ghét nó – nhiều hơn so với chì.

Bạn có thể vượt qua bất kỳ cuộc đấu tranh tư tưởng nào trong nội tâm về sự giàu có bằng cách thường xuyên tự nhủ: “Ngày qua ngày, tôi vẫn luôn thành công trong mọi vấn đề quan trọng của mình”.

Sự đố kỵ và ganh ghét chính là chướng ngại đáng gờm trên con đường dẫn đến sự giàu có. Vậy nên, hãy vui mừng và chia sẻ với sự thành công của người khác.

Đừng bao giờ nói “của cải là bất nhân” hay “tôi xem thường tiền bạc”. Bạn sẽ không thể có được bất cứ gì mà bạn lên án hay xem nhẹ. Tiền bạc căn bản không tốt cũng không xấu, mà chính cái cách ta nhìn nó sẽ làm cho nó trở lên như vậy.

Tuổi trẻ: Xây dựng ý thức làm giàu

Có thể khi đọc tiêu đề bạn cũng sẽ nói: “Tôi muốn giàu có và thành công”. Hãy lặp đi lặp  lại lời nói đó với chính mình, trong năm phút, ba hoặc bốn lần mỗi ngày: “Giàu có và thành công”. Những từ này có sức mạnh hết sức to lớn, chúng chất chứa sức mạnh nội tại của tiềm thức. Cảm giác về sự giàu có sẽ tuôn tràn trong bạn khi bạn chăm chú vào ý niệm giàu có. 

Cảm giác giàu có tạo ra sự giàu có, hãy luôn lưu giữ điều này trong tâm thức.

 Tiềm thức của bạn giống như một ngân hàng, một thứ thể chế tài chính phổ quát. Nó sinh lời cho bất cứ thứ gì bạn ký gửi hoặc lưu lại, bất kể đó là ý niệm giàu có hay nghèo nàn. Vì thế hãy chọn sự giàu có.

Vì sao bạn thất bại dù đã quả quyết về sự giàu có

Nhiều người thường xuyên phàn nàn với tôi rằng: “Tôi đã nói liên tục hàng tuần và hàng tháng rằng: Tôi giàu có, tôi phát đạt, mà chẳng có gì xảy ra cả”. Tôi khám phá ra rằng khi họ nói điều đó, họ có cảm giác đang tự lừa dối mình.

Một người đàn ông kể với tôi: “Tôi đã không ngừng quả quyết tôi thành đạt đến khi mệt mới thôi. Thế mà giờ đây mọi chuyện càng tồi tệ hơn. Khi nói những lời nói đó, tôi biết rõ ràng là nó không thật”. Điều đó chứng tỏ những khẳng định của ông ta bị ý thức phản bác và vì thế kết quả sẽ xảy ra ngược lại với lời quả quyết của ông ta.

Lời qủa quyết của bạn được coi là thành công khi nó mang nội dung cụ thể không mâu thuẫn với nội tâm. Những lời khẳng định của người đàn ông này làm cho vấn đề thêm tồi tệ vì chúng đã mâu thuẫn với nội tâm của ông ta.

Tiềm thức của bạn chấp nhận những gì bạn cảm thấy là thật chứ không phải những tuyên bố hay những lời lẽ ngẫu hứng. Tiềm thức chỉ chấp nhận ý niệm hoặc lòng tin trong những lời quả quyết của bạn.

Tránh xung đột nội tâm

Muốn tránh xung đột nội tâm cách lý tưởng là trước khi đi ngủ, bạn hãy thường xuyên lặp lại khẳng định thiết thực sau: “Tôi đang ngày càng phát đạt trong tất cả lĩnh vực tôi quan tâm”. Khẳng định này sẽ không khơi gợi sự bất đồng nào vì nó không mâu thuẫn với cảm giác thiếu hụt tài chính của tiềm thức bạn.

Tôi đã gợi ý cho một thương nhân đang vô cùng lo lắng về doanh số và tình hình tài chính rằng ông hãy ngồi trong văn phòng của mình, trấn an tâm trí, và lặp lại câu này nhiều lần: “Doanh thu của tôi đang tăng lên mỗi ngày”. Khẳng định đó tạo ra sự hợp tác giữa ý thức và tiềm thức, và kết quả tất sẽ tìm đến.

Tiềm thức mang lại lợi nhuận

Người mang cảm giác giàu có sẽ càng giàu có hơn, người mang cảm giác thiếu thốn sẽ càng thiếu thốn hơn. Tiềm thức của bạn luôn thực hiện phép tính nhân với bất cứ điều gì bạn gửi vào nó. Mỗi sáng khi thức dậy, hãy gửi cho tâm thức của bạn ý niệm về sự phát đạt, thành công giàu có và bình an. Lưu giữ những khái niệm này, cố gắng để tâm trí bạn bận rộn với chúng càng thường xuyên càng tốt. Khi được gửi vào tiềm thức, những ý tưởng xây dựng đó sẽ tự tìm thấy đường đi của chúng và mang lại sự thành công cho bạn.

Tại sao tiềm thức không được đáp lại

Cũng có nhiều người phàn nàn: “Ồ tôi đã làm thế, nhưng chẳng có gì xảy ra cả”. bạn không gặt hái được kết quả có thể vì sau khi ngẫm những lời đó, bạn lại dung dưỡng những ý nghĩ sợ sệt. Điều này đã vô hiệu hóa điều tốt đẹp mà bạn quả quyết. Cũng giống như việc bạn gieo một hạt giống vậy. Khi gieo một hạt giống bạn không được lấy nó lên ngay sau đó mà hãy để nó nảy mầm, bén rễ và phát triển.

Sự giàu có đích thực

Tiềm thức của bạn luôn đầy ắp ý tưởng. nó là một thực thể bền vững trong những vật tượng trưng, hữu dụng, cần thiết khác như tiền, vàng, cổ phiếu luôn thay đổi.

Điểm tôi muốn nhấn mạnh là nếu bạn thuyết phục tiềm thức rằng sự giàu có thuộc về bạn và rằng nó không ngừng lưu chuyển trong cuộc sống của bạn, bạn nhất định sẽ có nó, dưới bất kỳ hình thức nào.


 (ST).


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý