Thế nào là sót nhau sau sinh con?
Sót nhau sau sinh tức là sau khi sản phụ sinh con, một phần nhau thai không được đẩy hết ra ngoài mà vẫn sót lại trong tử cung. Theo lẽ thường, sau khi sinh khoảng 30 phút, nhau thai sẽ được đẩy hết ra ngoài. Trường hợp nhau thai còn lưu lại trong tử cung sẽ gây nguy hiểm cho sản phụ.
Tuy nhiên, hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra.
Nguyên nhân gây ra tình trạng sót nhau thai
Các cụ trước nay vẫn không cho bà bầu ăn cơm khê bởi nghĩ rằng như vậy sẽ gây ra sót nhau thai sau này. Nhưng đây là quan niệm không có cơ sở khoa học. Phụ nữ mang thai không nên ăn cơm khê vì không tốt cho sức khỏe chứ không phải là nguyên nhân gây sót nhau.
Sót nhau là tình trạng bất thường của nhau thai. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất thường nhau thai này. Ví dụ như:
- Sản phụ bị nhau cài răng lược (nhau bám sâu vào thành tử cung, khi lấy ra thì nhau bị đứt hoặc không lấy hết được)
- Nhau thai có thể dính vào vết sẹo do lần mổ đẻ trước để lại, hoặc vết rạch nào đó ở tử cung.
- Nhau thai cũng có thể dính vào chỗ đã nạo phá thai, chỗ tử cung bị viêm hoặc nhiễm trùng.
- Nhân viên y tế lấy nhau không kỹ và không hết. Nguyên nhân này thường xảy ra ở những cơ sở y tế không đảm bảo uy tín, nhân viên không có trình độ.
Dấu hiệu sản phụ bị sót nhau thai
Sau sinh, sản phụ có thể bị ra dịch kéo dài, đó là hiện tượng bình thường. Nhưng trong trường hợp sản dịch ra quá nhiều, có màu đen, mùi hôi khó chịu và sản phụ có những cơn đau âm ỉ hoặc liên tục ở vùng bụng dưới, có sốt kèm theo… thì đó rất có thể là triệu chứng của sót nhau sau khi sinh
Cách xử trí
Những sản phụ bị xót nhau thai thường bị chảy máu rất nhiều nên nếu thấy hiện tượng bị chảy máu quá nhiều nghi ngờ đó là dấu hiệu bất thường (thông thường sau khi sinh sản phụ thường ra sản dịch trong vòng 6 tuần, ra nhiều nhất trong 3 ngày đầu, mỗi ngày trung bình khoảng 250ml máu, nhưng sản dịch có xu hưởng giảm dần trong những ngày tiếp theo nếu sản dịch ra quá nhiều hoặc không giảm dần thì đó là dấu hiệu bất thường) thì bạn cần kịp thời thông báo với bác sỹ để được khám và có phương án điều trị tốt nhất, nếu máu ra bất thường có thể cần phải tiến hành phẫu thuật để làm ngưng chảy máu. Ngoài ra, còn phải nạo hút nhau ra ngoài, dùng kháng sinh kháng viêm và làm co tử cung. Trường hợp nặng (nhiễm khuẩn, chảy máu nặng) có thể phải mổ cắt tử cung.
Động tác kiểm soát buồng tử cung có thể được nhân viên y tế thực hiện bằng tay có đeo găng, bằng dụng cụ hay siêu âm.... Sau khi sinh, tử cung, cổ tử cung, âm đạo nở rất rộng (tới 10 cm) nên việc dùng tay kiểm soát buồng tử cung rất dễ dàng.
Phòng ngừa hiện tượng sót nhau thai
Phụ nữ có thai nên bổ sung sắt từ quý thứ 2 của thai kỳ, tức tháng thứ 4 trở đi sẽ hạn chế được hiện tượng sót nhau thai.
Sót nhau có ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này không?
Sản phụ bị sót nhau sau sinh thường phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, nhất là với sức khỏe sinh sản như: viêm nhiễm niêm mạc tử cung, tắc ống dẫn trứng, viêm cơ tử cung, nhiễm trùng và xuất huyết nặng,… nặng hơn có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do tính chất nguy hiểm của tình trạng này mà sản phụ ngay khi phát hiện những dấu hiệu khác lạ, sản phụ cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt. Rất có thể bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật để cầm máu, nạo hút nốt nhau thai ra ngoài và kê thuốc kháng sinh để làm co tử cung và ngăn ngừa viêm nhiễm. Nếu phải dùng kháng sinh, sản phụ nên cẩn thận khi muốn cho con bú.
(St)