Món ăn trị bệnh viêm họng

seminoon seminoon @seminoon

Món ăn trị bệnh viêm họng

18/04/2015 05:28 PM
2,114
Món ăn trị bệnh viêm họng. Những món ăn đơn giản nhất mà vô cùng hiệu nghiệm đối với người bị viêm họng.


Biết cách ăn uống là biện pháp sinh học, nghĩa là an toàn, để vừa giải quyết triệu chứng, vừa thu ngắn thời gian phục hồi. Muốn thế, chế độ dinh dưỡng lúc bị viêm họng cần tập trung một cách đồng bộ vào mục tiêu: Giảm đau cấp thời; ức chế phản ứng viêm tấy; Tăng cường sức đề kháng.

Thực phẩm nên dùng

- Mật ong là tác chất lý tưởng vì vừa trị viêm họng, vừa tiếp hơi cho sức kháng bệnh. Bên cạnh đó là hoạt chất kháng sinh trong trà xanh.

Để làm mát cho cổ họng đang nóng rát nên thử dùng phương pháp sau: pha nước trà xanh với mật ong theo tỷ lệ 3 phần nước, 1 phần mật. Thêm vào ít giọt dầu khuynh diệp rồi cho vào vỉ làm nước đá và đặt vào ngăn đông đá. Ngậm viên nước đá có trà xanh, mật ong, tinh dầu ngày vài lần, thay vì tốn tiền mua kẹo thuốc.

- Nếu nhai củ hành sống thì càng tốt vì hoạt chất trong củ hành có tác dụng “3 trong 1”: kháng sinh, long đàm và giảm đau.

- Cơ thể rất cần tiền sinh tố A để bảo vệ niêm mạc cổ họng và sinh tố C để tăng cường sức đề kháng trong lúc viêm họng. Hai món không nên quên là bí rợ vì bí có nhiều sinh tố A và ớt Đà Lạt.

Ớt Đà Lạt có tác dụng tăng cường sức đề kháng chống viêm họng (Ảnh minh họa).


- Ăn trứng luộc hay tốt hơn nữa là xào gan bò để vừa tận dụng chất đạm lysin cần thiết để chống siêu vi, vừa bổ sung khoáng tố kẽm thường thiếu trong lúc viêm họng.

Thực phẩm nên tránh

- Không nên ăn nho khô, đậu phộng vì ăn nhiều sẽ càng ho thêm.

- Nhiều người có thói quen súc miệng hay ngậm kẹo bạc hà quá nhiều, ngay cả khi không viêm họng. Thuốc súc miệng, kẹo thuốc tuy có tác dụng nhất thời nhưng nếu lạm dụng thì sau đó lại là nguyên nhân làm khô niêm mạc vùng cổ họng.     


DƯỢC THẢO TRỊ HO DO VIÊM HỌNG, VIÊM PHẾ QUẢN

1. Cam thảo

Trong thử nghiệm trên động vật, cam thảo đã được chứng minh có các tác dụng giảm ho, chống co thắt cơ trơn, chống viêm và chống dị ứng. Hoạt chất acid glycyrhizic ở cam thảo có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loài vi khuẩn gây bệnh.

Trong y học cổ truyền, cam thảo được dùng làm thuốc long đờm chữa ho khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản. Ngày uống 4-20g dưới dạng bột, thuốc hãm, nước sắc, thường phối hợp với các vị khác.

2. Cát cánh

Trên thực nghiệm, rễ cát cánh biểu hiện các tác dụng long đờm và giảm ho. Thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân cho thấy nhóm hoạt chất saponin của cát cánh có tác dụng tiêu đờm rõ rệt. Khi uống, saponin gây kích thích niêm mạc họng và phế quản dẫn đến phản ứng tăng tiết dịch nhầy ở niêm mạc, làm cho đờm loãng dễ bị tống ra ngoài.

Rễ cát cánh được dùng chữa ho có đờm, viêm đau họng khản tiếng, viêm phế quản. Ngày uống 10-20g dạng thuốc sắc.

3. Dâu

Cao chiết từ lá, vỏ, rễ và thân cây dâu có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gram dương và an thần nhẹ. Trong y học cổ truyền, vỏ rễ dâu chữa phế nhiệt, ho có đờm, ho gà trẻ em, ngày uống 4-12g, có khi đến 20-40g, dùng dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Lá dâu chữa ho, viêm họng, viêm phế quản. Ngày uống 4-12g, dạng thuốc sắc.

4. Gừng

Trên thực nghiệm, gừng có tác dụng chống co thắt cơ trơn, chống dị ứng, kháng histamin, chống viêm và giảm ho. Hoạt chất cineol trong gừng có tác dụng diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.

Gừng tươi được dùng chữa cảm mạo phong hàn, ngạt mũi, ho có đờm. Ngày dùng 4-8g dạng thuốc sắc. Gừng khô, gừng sao chữa ho suyễn, viêm phế quản; Làm thuốc chống cảm lạnh, chống nhiễm khuẩn trong các chứng ho và sổ mũi. Ngày uống 4-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị khác.

5. Mạch môn

Rễ mạch môn có các tác dụng kháng khuẩn đối với phế cầu và tụ cầu vàng, chống viêm, ức chế ho trong mô hình gây ho thực nghiệm trên động vật, đồng thời có tác dụng long đờm, làm tăng tiết dịch nhầy ở niêm mạc khí phế quản. Mạch môn được dùng chữa ho khan, viêm họng. Ngày uống 6-20g, dạng thuốc sắc.

6. Tía tô

Tinh dầu tía tô có tác dụng ức chế các vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu tan máu, phế cầu. Hoạt chất luteolin trong tía tô có tác dụng chống dị ứng. Tía tô được dùng làm thuốc long đờm, chữa ho nhiều đờm. Ngày dùng 3-10g, sắc uống.

7. Tiền hồ

Tiền hồ có tác dụng kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng và một số vi khuẩn khác. Ngoài ra còn có tác dụng long đờm. Trong y học cổ truyền, tiền hồ được dùng làm thuốc long đờm, chữa ho, đờm suyễn, viêm phế quản. Ngày uống 8-15g dạng thuốc sắc.

CÁC BÀI THUỐC

1. Chữa ho do lạnh:

Tía tô, bách bộ, mỗi vị 12g; Húng chanh, sả, mỗi vị 10g; Gừng, trần bì mỗi vị 8g; Bạch chỉ 6g. Sắc uống ngày một thang.

2. Chữa ho có đờm:

a. Cam thảo 8g, cát cánh 4g. Sắc uống ngày một thang.

b. Cát cánh, kinh giới, bách bộ, mỗi vị 200g; Trần bì 100g, cam thảo 60g. Các vị tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 1-3g, ngày 3 lần vào sau hai bữa ăn và trước khi đi ngủ.

3. Chữa ho viêm họng:

Vỏ trắng rễ dâu, bách bộ (bỏ lõi sao vàng), mạch môn, mỗi vị 10g; Vỏ quýt, xạ can, cam thảo dây, mỗi vị 5g. Làm dạng thuốc phiến, mỗi phiến 3g, ngày ngậm 4-5 lần, mỗi lần 1 phiến.

4. Chữa trẻ em viêm họng, viêm phế quản:

Mạch môn, huyền sâm, thiên môn mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần.

5. Chữa viêm phế quản đờm không tiết ra được:

Tiền hồ, tang bạch bì, đào nhân, bối mẫu, mỗi vị 10g; Khoản đông hoa 8g, cát cánh 5g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày một thang.

6. Chữa viêm phế quản cấp tính:

a. Kim ngân, lá dâu, mỗi vị 12g; Bạc hà, cúc hoa, lá ngải cứu, mỗi vị 10g, xạ can 8g. Sắc uống ngày một thang.

b. Tía tô 12g; Lá hẹ, kinh giới, mỗi vị 10g; Bạch chỉ, rễ chỉ thiên, mỗi vị 8g; Xuyên khung, trần bì, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

c. Tiền hồ, hạnh nhân, tử uyển, mỗi vị 12g; Cát cánh 8g, cam thảo 4g. Tán bột làm viên, ngày uống 15-20g, chia 3 lần.

d. Tiền hồ, hạnh nhân, tô diệp, mỗi vị 10g; Cát cánh 8g; Bán hạ chế, chỉ xác, phục linh, cam thảo, mỗi vị 6g; Trần bì 4g, đại táo 4 quả, gừng 3 lát. Tán bột làm viên, ngày uống 15-20g, chia làm 3 lần.

7. Chữa viêm phế quản cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn tính:

Tiền hồ, lá dâu, cúc hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, hạnh nhân, mỗi vị 12g; Cát cánh 8g, bạc hà 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

8. Chữa viêm phế quản mạn tính:

Vỏ rễ dâu, mạch môn, rau má, bách bộ, mỗi vị 10g; Trần bì, bán hạ chế, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.  

Bài thuốc hay trị viêm họng:



1. Lấy lớp vỏ bên ngoài của quả quất chín ngâm với đường hoặc mật ong rồi ăn trong khoảng 5-7 ngày là sẽ khỏi viêm họng.

2. Chanh thái lát trộn với muối hạt ngậm khi mới viêm họng rất hiệu quả.

3. Đun nóng một cốc nước chanh vắt rồi uống nhâm nhi từng ngụm nhỏ. Cứ 30 phút thì súc miệng một lần từ 3-5 phút, làm cho tới khi khỏi hẳn.

4. Cho 2-3 thìa to mật ong vào cốc nước ép cà rốt tươi rồi quấy đều lên. Pha loãng hỗn hợp này theo tỷ lệ 1:1 với nước đun sôi để nguội và súc miệng 3-5 lần/ngày, mỗi lần từ 5-7 phút.

5. Pha loãng nước ép củ cải cây với nước theo tỷ lệ 1:1 để làm nước súc họng hàng ngày khi bị viêm họng sẽ rất tốt.

6. Cỏ nhọ nồi và bồ công anh mỗi vị 20g, 12g củ rẻ quạt, 16g kim ngân hoa, 16g cam thảo đất, sắc lấy nước uống. Uống mỗi ngày một thang. Dùng trong 3 - 5 ngày để trị bệnh viêm họng.

7. Cách dễ thực hiện là pha một muỗng cà phê muối ăn vào nửa lít nước ấm, dùng súc họng, rửa mũi buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ để cổ họng luôn sạch, không bị viêm nhiễm. Nước biển (nước muối nồng độ nhẹ chứa trong chai có áp suất bán ở các hiệu thuốc) xịt vào cổ họng cũng làm dịu cơn đau họng. Hoặc có thể dùng các dung dịch kiềm nhẹ nước muối sinh lý 0,9% súc họng hàng ngày.

8. Lấy lá tía tô tươi nghiền lấy nước uống. Hoặc nấu lá tía tô với rễ cây cát cánh. Ngoài ra có thể dùng lá tía tô xanh, rễ tía tô phơi khô trong bóng râm nấu cháo với gạo nếp rang để trị ho, viêm họng.

(St)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý