Tại sao trẻ hay nói dối? Những hiểu biết cơ bản về tâm lsy trẻ để bạn có thế có phương án tốt nhất tác động thích hợp đến sự phát triển tốt nhất cho trẻ.
Bé Linh, 5 tuổi chơi đá bóng trong nhà làm vỡ chiếc ly thuỷ tinh trên bàn. Khi mẹ hỏi ai làm vỡ ly, mặt Linh tái xanh nhưng vẫn cố cãi không phải do mình gây ra.
Dũng, 6 tuổi chạy vung tay làm rơi bức tượng đất nung trên kệ xuống đất vỡ tan tành liền đổ luôn cho cậu em đang chạy phía sau làm vỡ. Lan 12 tuổi tan học đến nhà bạn chơi về muộn đã nói dối bố là đi học thêm...
Theo nhà tâm lý Nguyễn Bá Đạt, giảng viên tâm lý trường ĐH KHXH&NV, Giám đốc Trung tâm tâm lý Trẻ em và Gia đình CEPC (Hà Nội), thông thường trẻ em nói dối do tâm lý sợ hãi. Bởi khi phát hiện trẻ nói dối, các bậc cha mẹ thường trừng phạt bằng đòn roi, mắng chửi, nhẹ nhàng cũng càu nhàu hoặc phàn nàn. Vì vậy, nếu bị đánh mắng khi mắc lỗi thì trẻ càng nói dối ở những lần sau để tránh bị đòn roi.
|
Cơ chế bắt chước
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sinh tật nói dối. Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên chính là bắt chước từ người lớn. Có nhiều ông bố không muốn tiếp khách liền sai con ra cổng bảo bố không có nhà; Có những bà vợ vừa đếm tiền xoèn xoẹt trước mặt con, nhưng khi chồng về lại chìa ra chiếc ví rỗng toếch, kêu hết tiền; Có trường hợp người giúp việc cả buổi đưa trẻ sang nhà hàng xóm buôn chuyện, cười khanh khách, song khi chủ nhà về lại nhăn nhó than mệt... Những hành vi rất đơn giản này tưởng như vô hại nhưng vô tình ăn sâu vào tâm trí của trẻ, khiến trẻ bắt chước một cách vô thức.
Theo nhà tâm lý Nguyễn Bá Đạt, trường hợp trẻ học nói dối từ người lớn chính là cơ chế bắt chước thuần tuý, rất hay gặp ở trẻ có độ tuổi từ 4-6. Tuy nhiên, nếu thường xuyên nói dối, thói quen này sẽ theo trẻ trưởng thành. Vì vậy, muốn trẻ không nói dối thì người lớn đừng nói dối trước mặt trẻ.
Ngoài ra, có thể giúp trẻ không nói dối bằng việc không hỏi trực diện: "Ai làm vỡ ly nước? mà nên hỏi ly nước này bị vỡ như thế nào? để trẻ nói về quá trình ly nước vỡ. Biện pháp này sẽ giúp trẻ nói ra suy nghĩ của mình mà quên đi sự sợ hãi"- nhà tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý.
Giải thích, khuyến khích trẻ nói thật những gì đã trải qua với thái độ bình tĩnh cũng là biện pháp giúp trẻ không nói dối. Nếu trẻ bỏ học đi chơi bị cha mẹ trừng phạt bằng đòn roi, thì lần sau lâm vào trường hợp tương tự, trẻ sẽ "né" đòn bằng cách bịa đặt lý do.
Tránh dồn trẻ vào thế bí khiến trẻ hoảng sợ cũng là biện pháp hữu hiệu giúp trẻ không nói dối. Bởi khi mắc lỗi, thông thường trẻ đã rất sợ hãi, nếu làm cho trẻ thêm hoảng sợ trẻ sẽ thêm bất an và dối quanh để tự vệ. Ngoài sự sợ hãi bị trừng phạt như đánh đập, mắng chửi, trẻ còn sợ bị mất tình yêu thương của cha mẹ. Đừng vì thấy trẻ mắc lỗi lầm mà quy kết trẻ hư, xấu hoặc doạ đuổi đi... Làm như vậy sẽ khiến trẻ không những không sửa được mà ngược lại, sẽ chìm sâu trong nỗi sợ hãi và tiếp tục nói dối để tạo một lớp áo giáp bảo vệ. Lúc này, các bậc cha mẹ càng khó gần con hơn, khó hiểu trẻ hơn.
Phân biệt trẻ nói dối
1. Mẹ cháu Nhi, 5 tuổi, bảo cháu dọn dẹp phòng của cháu. 20 phút sau, trẻ ra phòng khách và nói với mẹ là cháu đã dọn xong rồi. Khi mẹ vào kiểm soát phòng, mẹ thấy phòng vẫn mất trật tự. Mẹ rầy la con đã nói dối. Thực tế: Trẻ không nói dối. Đối với trẻ, trẻ chỉ cần dời vài đồ vật và cho rằng như thế đã là dọn dẹp phòng. 2. Tuấn, 4 tuổi, được mẹ cho về quê chơi dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Khi lên Hà Nội, bà nội hỏi có vào thăm nhà bác Hà không? Em cu nhà bác Hà biết nói chưa? Tuấn đáp rành rọt: "Em cu nhà bác Hà gọi cháu là: Anh Tuấn! anh Tuấn!, cháu còn trèo lên cây ổi nhà bác Hà bứt quả to nhất ăn". Nhưng thực tế, mẹ Tuấn lại trả lời bà nội là nhà bác Hà đi nghỉ mát ở Đồ Sơn nên hai mẹ con đến không có ai ở nhà, cửa khoá kín mít. Không nên quy kết trẻ nói dối. Thực tế, do trí tưởng tượng của trẻ đang phát triển mạnh nên thích bịa chuyện nọ, chuyện kia (không phải bịa để né đòn vì lỗi trẻ gây ra) cho thoả sức tưởng tượng. Nếu sự lẫn lộn giữa sự thật và tưởng tượng thường xuyên kéo dài sau 6 tuổi thì cần phải cho trẻ đi khám ở các đơn vị tâm lý và uốn nắn. |
Một cậu bé chăn cừu rất thích thú kêu đùa: "Có chó sói, có chó sói!" để được chứng kiến cảnh dân làng tay cầm gậy gộc trên tay để đuổi chó sói. Lần sau khi con chó sói đến thật bắt cừu thì dân làng đã chán trò kêu cứu của cậu bé chăn cừu. Con sói đã ngon lành bắt một con cừu béo nhất trong đàn của cậu bé tha đi.
Thông qua câu chuyện này, trẻ sẽ thấy hậu quả của việc thường xuyên nói dối sẽ khiến mọi người sẽ không tin trẻ, thậm chí chính bản thân trẻ sẽ phải chịu hậu quả từ việc nói dối.
Nói dối là điều hoàn toàn bình thường trong quá trình trưởng thành và phát triển, khi chúng bắt đầu học phân biệt giữa những điều tưởng tượng và thực tế để hình thành nhân cách. Theo George Scarlette, GS Trường ĐH Tufts, Medford, Mass: "Trẻ con nối dối cũng vì lý do giống người lớn để đạt được điều mình muốn và tránh bị phạt". Vì vậy, bạn đừng quá ngạc nhiên khi thấy con không thành thật về một sự việc nào đó. Giai đoạn 2-5 tuổi Ngay cả khi trẻ ở độ tuổi này, trong một số trường hợp nhất định, chúng có thể phân biệt giữa những điều tưởng tượng và thực tế. Scarlette cũng cho rằng, trẻ em nói dối ở độ tuổi này chủ yếu do chúng quá mong muốn những điều đối lập với thực tế. Chẳng hạn, bọn trẻ ca ngợi trò chơi điện tử này rất hay và công bằng vì chúng luôn thắng. Từ 5-8 tuổi: Từ 5 tuổi trở đi, nói chung trẻ không bị nhầm lần giữa những điều ao ước và thực tế. Khi trẻ nói dối để có thứ mình muốn hay tránh bị phạt, bé hiểu rõ mình đang nói dối. Ngoài ra, ở tuổi này, trẻ thường phóng đại khả năng của chúng: Bé Tom tự cho rằng mìn học rất giỏi và được nhiều điểm 10 nhưng thực tế không phải như vậy. Giai đoạn 9-11 tuổi: Ở tuổi này, trẻ có suy nghĩ và khả năng tự kiềm chế khi có ý định nói dối. Những phẩm chất cần có này hình thành và phát triển dần dần trong suốt thời gian thơ ấu. Mỗi đứa trẻ đạt được phẩm chất này ở mức khác nhau. Tuổi dậy thì Ở tuổi này, các cô cậu bé thường nói dối để tránh không phải làm điều gì hay phủ nhận trách nhiệm cho những hành động của chúng. Ngoài ra, một số còn thấy rằng việc nói dối có thể chấp nhận được trong những hoàn cảnh nhất định, như không nói thật lý do chúng chia tay với bạn. Một số khác nói dối để giữ kín đời sống riêng tư vì không muốn bị cha mẹ quản thúc. Có những đứa trẻ phân biệt rõ sự khác nhau giữa lời nói và dối và sự thật kể những câu chuyện rất chi tiết khiến ai cũng tin là đúng. Chúng thường kể những câu chuyện bịa đặt này rất hăng hái, sôi nổi vì nhận được nhiều sự chú ý của mọi người. Những đứa khác cảm thấy việc nói dối lặp đi lặp lại trở thành thói quen xấu. Tuy thế, nói dối với chúng là cách dễ nhất để đối phó với những yêu cầu, đòi hỏi của cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Cũng có những đứa trẻ lại không thấy ái ngại khi nói dối hay lợi dụng người khác. Chúng thường xuyên bịa đặt để che giấu những vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn, một thiếu niên nghiện rượu hay ma tuý liên tiếp nói dối để che đậy sự thật nó đã ở đâu, tiền đi đâu mà nhanh thế. Làm gì khi bé hay nói dối:
- Trước hết, bạn cần hiểu vì sao bé lại nói dối. Có nhiều lý do, có thể là để che giấu một lỗi lầm nào đó để tránh phải chịu phạt, thử phản ứng của cha mẹ, thổi phồng một câu chuyện, thu hút sự chú ý của người khác ngay cả khi trẻ biết rằng người nghe biết rõ sự thật....
- Khi biết con nói dối, bạn nên có thái độ tích cực và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc nói thật trong gia đình.
Bạn có thể nói với con rằng bạn đánh giáo cao việc biết được sự thật và không thích trẻ nói dối mình. Bạn có thể nói: "Khi con không nói cho mẹ nghe sự thật, mẹ thấy buồn và thất vọng". Bạn cũng có thể kể một câu chuyện đề cao việc nói thật. Như chuyện "Chú bé nói dối" là một ví dụ về việc nói dối có thể gây hại cho chính mình.
- Bạn nên dạy trẻ giá trị của việc nói thật hơn là trừng phạt con vì những lỗi nhỏ. Khi bé đã đủ lớn để hiểu sự khác nhau giữa việc đúng và sai thì bạn nên bắt đầu khuyến khích và cổ vũ bé nói thật.
- Bạn cần tránh những tình huống khiến con cảm thấy mình cần phải nói dối. Chẳng hạn, bạn thấy bé làm đổ ít sữa. Bạn có thể nói: "Con làm đổ sữa à?" và bé có thể nói dối rằng "không" bởi vì trẻ nghĩ mình sắp bị mắng. Để tránh tình huống này, bạn có thể chỉ cần nói: "Mẹ biết đó chỉ là một tai nạn. Chúng ta hãy cùng dọn dẹp nó nào".
- Bạn cần có những quy định rõ ràng về những cách cư xử nào có thể được chấp nhận ở nhà. Trẻ sẽ có thể cư xử trong phạm vi những gì được phép nếu có những quy định rõ ràng.
- Khi trẻ thú nhận đã làm việc gì đó sai, bạn nên khen ngợi bé vì đã trung thực. "Mẹ thực sự vui vì con đã nói sự thật". Thực tế, điều quan trọng là trẻ biết rằng bạn sẽ không buồn nếu bé thú nhận sự thật.
- Nếu bé cố tình nói dối thì bạn cần để bé biết rằng nói dối là không được phép. Bạn hãy giải thích cho con hiểu vì sao làm như thế là không tốt và rằng bạn có thể không tin tưởng ở bé vào những lần sau. Sau đó, bạn hãy áp dụng những hình thức phạt phù hợp với hành vi khiến bé nói dối. Chẳng hạn, nếu bé vẽ lên tường thì bé sẽ phải giúp bạn lau sạch.
- Bạn không nên gọi trẻ là "kẻ nói dối" vì điều này sẽ tác động không tốt đến lòng tự trọng của trẻ và khiến con càng nói dối nhiều hơn. Bởi vì nếu bé tin mình là kẻ nói dối thì có thể bé sẽ vẫn tiếp tục nói dối.
- Bạn cũng có thể khiến bé chán việc nói dối bằng cách hùa theo trẻ, thổi phồng tình huống lên. Chẳng hạn, bé có thể giải thích vì sao đồ chơi bị hỏng bằng cách nói: "Một chú đã vào nhà và làm hỏng nó". Khi ấy, bạn có thể nói: "Tại sao con không mời chú ấy vào nhà ăn tối?". Bạn có thể tiếp tục câu chuyện đùa này cho đến khi bé thú nhận sự thật.
- Đôi khi, bé nói dối là để giữ bí mật hoặc bảo vệ ai đó. Chẳng hạn, một bé bị lạm dụng bởi một người lớn thường nói dối để bảo vệ người đó. Thường là vì sợ rằng mình sẽ bị trừng phạt nếu nói sự thật.
Nếu bạn nghi ngờ con đang nói dối một vấn đề nghiêm trọng, bạn có thể khẳng định với con rằng bé sẽ an toàn nếu nói sự thật. Bạn hãy cố gắng hết sức để thuyết phục con rằng bạn có thể giúp mọi việc tốt hơn. Bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý trong tình huống này.
(St)