Cách ngâm mủ trôm và sử dụng an toàn cho gia đình bạn. Hướng dẫn sử dụng mủ trôm đúng cách có lợi cho sức khỏe nhất.
Hiểu biết chung về cây mủ trôm
Cây trôm có tên khoa học là Sterculia foetida, là loại cây thân gỗ, mọc nhiều ở vùng rừng Ninh Thuận, Bình Thuận. Giá trị lớn nhất của cây trôm là mủ, loại nguyên liệu cần thiết trong công nghiệp chế biến nước giải khát. Mủ trôm chứa nhiều khoáng chất như Mg, K, Zn, Fe, Na và Ca ở dạng hữu cơ giúp thanh nhiệt cơ thể, chống lão hóa, tiêu chảy, đặc biệt trị táo bón rất tốt.
Mủ trôm phải được xem là thuốc, khi uống phải có hướng dẫn của thầy thuốc - Ảnh: N.C.T
Mủ trôm hay nhựa trôm là chất tiết được thu hoạch từ vỏ thân cây trôm, tên khoa học là Sterculia foetida, họ Sterculiaceae. Cây trôm phân bố rất nhiều ở các nước nhiệt đới như Ấn Độ, Úc, Pakistan, Panama, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Senegal, Sudan và Việt Nam.
Nhựa trôm là một hợp chất polysaccharide cao phân tử, khi thủy phân sẽ cho ra các đường D-galactose, L-rhamnose và acid D-galacturonic, một vài chất chuyển hóa acetylat và trimethylamin. Nhựa trôm còn chứa khoảng 37% uronic acid, nhiều khoáng tố như calcium và muối magnesium. Khi ngâm trong nước lạnh với tỉ lệ thấp (4-5%) nhựa trôm sẽ trở thành dạng keo. Nhờ tính dính nên nhựa trôm thường được dùng làm chất để kết dính trong ngành dược và kỹ nghệ.
Về mặt y học, nhựa trôm hút nước mạnh nên có tác dụng làm trương nở và gây kích thích nhu động ruột, nhờ đó phân được đẩy ra dễ dàng. Vì vậy nhựa trôm được xem là thuốc nhuận tràng, dùng điều trị chứng táo bón. Nhựa trôm còn có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương... Trong ngành dược, nhựa trôm được sử dụng với vai trò chất kết dính, nhũ hóa và bảo quản rất tốt.
Nhựa trôm được xem là thuốc, vì vậy khi dùng cần chú ý liều lượng. Không có chỉ dẫn cụ thể cho từng đối tượng mà tùy thuộc các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, bệnh lý hoặc cơ địa của từng người. Nếu sử dụng bừa bãi nhựa trôm như một thức uống giải khát thì rất nguy hiểm.
Điều quan trọng là phải tìm mua loại nhựa trôm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn hiệu và trên nhãn có hướng dẫn cách dùng cụ thể, tránh các loại giả mạo có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Tốt nhất nên theo sự hướng dẫn của thầy thuốc hoặc các chuyên viên y tế khi sử dụng. Vì nhựa trôm hòa tan và trương nở trong nước, nên nếu không đủ nước để trương nở, nó sẽ gây tắc ruột có thể dẫn đến tử vong.
Không sử dụng nhựa trôm trong các trường hợp:
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Người có khối u trong ruột.
- Đang uống thuốc chữa bệnh. Vì nhựa trôm có độ nhớt cao nên sẽ làm tăng nồng độ hấp thu của thuốc vào máu nếu uống nhựa trôm cùng lúc với một loại thuốc chữa bệnh nào đó. Để ngăn ngừa hiện tượng tương tác này, tốt nhất nên uống nhựa trôm ít nhất một giờ sau khi uống thuốc.
QUAN NIỆM ĐÔNG Y VỀ MỦ TRÔM
Ngày xưa, cây trôm trong thiên nhiên thường mọc nhiều ở vùng rừng khu vực Vĩnh hảo (Bình Thuận) hay Ninh Phước, Thuận nam (Ninh Thuận), người dân địa phương khi đi rừng thường khai thác mủ trôm đem về chế biến làm thức uống thanh nhiệt trong mùa hè, họ thường dùng mủ trôm như một vị thuốc trị táo bón hiệu quả nhất. Ngày nay, cây trôm trong thiên nhiên gần như bị cạn kiệt tuy nhiên, ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, người dân đã ươm được giống và trồng cây trôm đại trà trên vườn nhà và khai thác mủ trôm để bán cho các nhà máy chế biến nước giải khát. Mủ trôm sau khi khai thác về, đem phơi khô để dành, chọn loại mủ có màu trắng, ngâm vào nước ấm, chờ mủ trôm nở ra, pha thêm nước lọc hòa đường bỏ tủ lạnh uống rất mát. Ngày nay, ở Phan Rang đã có cơ sở chế biến mủ trôm tinh khiết, rất tiện lợi cho người tiêu dùng. Chỉ cần hòa tan một gói mủ trôm 15g vào một ly nước lọc là có thể dùng được. Có thể cho thêm nước đá nếu thích dùng lạnh.
Theo đông y, mủ trôm có vị ngọt, tính mát, có nhiều vi lượng, hàm lượng khoáng chất cao vì thế ngoài chức năng thanh nhiệt, mủ trôm còn là vị thuốc chữa các bệnh về tiêu hóa rất tốt. Không những thế mủ trôm còn có khả năng chữa được các bệnh như xơ gan, kiết lỵ, mụm nhọt nhờ vào hợp chất polysaccaride phân tử cao, đem thủy phân chiết xuất được đường D-galactose, R-Rhamnose, acide D-galacturomic…Ngoài ra mủ trôm còn có chức năng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, chống lão hóa, tuy nhiên mủ trôm được xem như là thuốc nên cần chú ý liều lượng khi dùng, không nên sử dụng mủ trôm như một loại thức uống thông thường, tốt nhất là nên theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất. Phụ nữ có thai hoặc người có khối u trong ruột không được dùng mủ trôm để giải khát, nếu đang uống thuốc thì phải một giờ đồng hồ sau khi uống thuốc mới được uống nước mủ trôm.
Vào những lúc tiết trời mùa hè nóng nực như thế này, thì mủ trôm là một loại thức uống giải khát thanh nhiệt tốt nhất mà chúng ta có thể lựa chọn. Một ly mủ trôm lạnh hay một ly chè mủ trôm có thể giúp cho chúng ta sảng khoái hơn, ăn ngon miệng hơn và sẽ có một giấc ngủ ngon hơn. Và chắc chắn đó là một loại thức uống được nhiều người lựa chọn trong mùa hè nóng nực này.
Mủ trôm, hay nhựa trôm, là dịch tiết lấy ra từ vỏ thân cây trôm, tên khoa học Sterculia foetida, họ Sterculiaceae. Còn mủ gòn là dịch tiết từ thân cây gòn, tên khoa học Gossampinus malabarica, họ Bombacaceae. Với thành phần năng lượng không đáng kể, mủ trôm, mủ gòn có một số chất khoáng như Ca, K, Mg, Zn, Na và hàm lượng cao chất xơ hoà tan trong nước. Chất xơ có thể trương nở lên gấp từ tám đến mười lần, kết dính cặn bã độc hại trong ruột già, tăng lượng phân, tăng nhu động ruột. Kinh nghiệm dân gian thường sử dụng mủ trôm, mủ gòn đơn độc hoặc kết hợp với một số thực vật khác như hột é, lười ươi để làm thức uống giải khát, giải độc và chống táo bón. Do giàu chất xơ, mủ trôm và mủ gòn còn góp phần cải thiện độ mỡ trong máu, tăng cảm giác no và điều tiết lượng đường trong máu ở người thừa cân, béo phì hoặc đái tháo đường.
Theo đông y, mủ trôm, mủ gòn vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát, nhuận tràng vị. Riêng mủ gòn còn có tác dụng lợi tiểu, sát trùng đường tiểu. Trong số những thức uống thanh nhiệt, giải khát thường dùng, mủ trôm được xem là món khá cao cấp với giá thành cao gấp ba hoặc bốn lần so với mủ gòn hoặc hột é. Mủ trôm cũng được xem là một đặc sản trong nước mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài thường mua mang theo.
Sử dụng phải cẩn thận
Tránh tương tác với thuốc Ngoài giải khát, mủ trôm, mủ gòn có tác dụng như thuốc nên sẽ có những tương tác với một số bệnh lý và một số loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng. Do đó, khi dùng mủ trôm, mủ gòn trong hỗ trợ điều trị cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Riêng với mủ trôm, do có độ nhớt nên sẽ làm tăng nồng độ hấp thu của thuốc vào máu, nếu uống mủ trôm cùng lúc với thuốc. Để tránh tương tác này, nên dùng ít nhất một giờ sau khi uống thuốc. |
Thực ra, mủ trôm, mủ gòn không có độc tính. Tuy nhiên, tính mát và nhuận trường, hai ưu điểm của các loại mủ này cũng có thể gây ra một số phản ứng phụ, nếu dùng không cẩn thận.
Trong cơ thể, hai yếu tố âm và dương cần quân bình, mát quá sẽ hoá hàn. Ngay cả người bình thường khoẻ mạnh, lạm dụng thức ăn, thức uống hàn lạnh, làm mất quân bình âm dương lâu ngày cũng có thể dẫn đến bệnh tật. Một số ít người dương khí hậu thiên suy yếu, chỉ cần uống vài hớp nước ướp lạnh, nước đá… đã có thể lập tức hắt hơi, sổ mũi, nói chi uống nhiều mủ trôm, mủ gòn. Sự ẩm thấp hoặc khí lạnh từ dạ dày sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến sức đề kháng.
Do đó, uống nhiều mủ trôm, mủ gòn cho đã khát sau khi đi nắng hoặc khi trời quá nóng, có thể dẫn đến cảm lạnh hoặc gây ra những sự cố về tim mạch. Hệ quả này do sự thay đổi nhiệt độ thình lình, làm kích thích hệ thần kinh giao cảm ở dạ dày, tạo ra những phản ứng stress có thể gây nhức đầu, chóng mặt, tình trạng mà đông y gọi là khí nghịch.
Sự đầy bụng và phình to nhất thời của dạ dày đẩy hoành cách mô lên cũng tạo áp lực thêm cho quả tim. Do đó, những người có tỳ vị yếu (đường tiêu hoá yếu), ăn kém, hay đầy bụng nên cẩn thận khi dùng mủ trôm, mủ gòn. Những trường hợp này chỉ nên dùng với số lượng nhỏ mỗi lần, chẳng hạn khoảng 10g mủ trôm pha trong một ly nước, không dùng với đá hoặc ướp lạnh để giảm bớt tính hàn.
Đặc biệt phải lưu ý, do tính nhuận trường, phụ nữ có thai không nên dùng mủ trôm, mủ gòn để tránh sẩy thai. Nếu dùng không đủ nước, khi vào dạ dày, mủ trôm, mủ gòn cũng có thể trương nở gây tắc ruột. Ngoài ra, khi mua mủ trôm, mủ gòn, nên chọn loại có nguồn gốc và nhãn mác rõ ràng, cùng những hướng dẫn sử dụng cụ thể. Quá trình ngâm chế, bảo quản cũng phải đảm bảo vệ sinh để tránh nhiễm trùng.
(St)