Vợ chồng cãi nhau vì tiền

seminoon seminoon @seminoon

Vợ chồng cãi nhau vì tiền

18/04/2015 06:17 PM
690

Vợ chồng trẻ hay già thì chuyện cãi nhau vì tiền vẫn cứ diễn ra như thường! Vậy đâu là thời điểm thích hợp để có thể nói chuyện về tiền bạc?

Ngọn nến được thắp sáng lung linh soi sáng những món ăn ngon được bày biện rất tinh tế trên bàn, chàng nhìn vào mắt nàng, nàng nhìn vào mắt chàng, tin hay không tùy bạn nhưng cuối bữa ăn chính là thời điểm lý tưởng nhất để bạn và “đối tác” nói chuyện về một chủ đề cấm kỵ: tiền bạc, để bắt đầu cuộc sống chung thực sự giữa hai người.

Khi yêu nhau, người ta thường tránh nhắc đến chủ đề này vì ngại đụng chạm, nhưng hôn nhân lại khác. Chỉ cần một trong hai người cảm thấy không thoải mái về tài chính khi sống chung, chiến tranh rất dễ nổ ra và đó luôn là những cuộc chiến khó chịu nhất.

Sự khác nhau về nền tảng văn hóa, giáo dục sẽ dẫn đến thái độ tiếp cận với chuyện tiền bạc ở mỗi người khác nhau. Bạn phải thừa nhận rằng, dù là chồng hay vợ, dù kiếm được nhiều hay ít tiền, bạn cần có trách nhiệm trong việc quản lý tài chính và hiểu được vị trí, trách nhiệm của bạn đời về chuyện tiền bạc. Biết cách quản lý tài chính sẽ giúp các bạn không bị stress sau khi kết hôn.

Bắt đầu nói chuyện thôi!

Nhiều người chọn giải pháp thảo luận chuyện tiền bạc với người yêu trước khi kết hôn. Vì sẽ sống chung nên cả hai cần có sự thẳng thắn bởi tiền bạc là chuyện nhạy cảm. Hãy nói cho nhau biết bạn thường tiết kiệm tiền như thế nào. Bạn muốn tiết kiệm vì cái gì và bạn có thể tiết kiệm bao nhiêu, cũng như những vấn đề tài chính bạn đang gặp phải.

Trên nền tảng của sự hiểu biết đó, các bạn sẽ xác định được mục tiêu và cách thức dùng tiền trong cuộc sống chung sắp tới. Bạn phải nói rõ ngay từ đầu với người bạn đời của mình, bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu trong mỗi tháng và bạn hy vọng hai người sẽ để dành được tiền để chuẩn bị cho những kế hoạch gì. Và số tiền tiết kiệm này sẽ được tính tỷ lệ với thu nhập của hai người.

Thùy Hương, nhân viên văn phòng, chia sẻ kinh nghiệm đơn giản của cô: "Theo tôi, bạn nên bàn thảo với nhau về tài chính trước hôn nhân. Thậm chí, có thể sơ lược với nhau những khoản chi tiêu hàng tháng và hoạch định rõ trách nhiệm của mỗi người trong chuyện chi tiêu gia đình. Bất cứ một kế hoạch mua sắm nào, cả hai nên thảo luận trước với nhau, kể cả chuyện thay điện thoại cầm tay”.

“Hồi giữa năm, chúng tôi dự định sẽ mua ti vi màn hình phẳng vào cuối năm, khi có thưởng Tết, thế nhưng mới tháng bảy, anh ấy đùng đùng đòi mua ti vi vì thấy những chương trình giảm giá hấp dẫn”, chị Liên, nhân viên một công ty chứng khoán kể. “Chúng tôi cãi nhau. Tôi cảm thấy rất khó chịu vì những kế hoạch đã định ra vào tháng tám, tháng chín sẽ bị phá hỏng”.

“Tôi kiếm được nhiều tiền hơn anh ấy và hai vợ chồng tôi góp chung thu nhập. Thời gian này anh ấy nghỉ ở nhà chờ việc mới nên không có lương. Hôm qua anh ấy mới rút năm triệu cho thằng bạn vay. Còn tháng trước, anh ấy lấy tiền đi đổi điện thoại. Điều tôi khó chịu nhất là anh ấy làm những việc đó một cách ngẫu hứng, không thèm bàn trước với tôi”, chị Ngọc, nhân viên kinh doanh một công ty địa ốc chia sẻ.

Để tránh những khúc mắc “Tại sao tiền chỉ còn từng này?” vào cuối tháng, nhiều đôi đã chọn giải pháp ghi chép mọi khoản chi tiêu, để từ đó cân bằng thu – chi. Bạn đừng nghĩ việc này sẽ làm “khô” quan hệ giữa hai người. Nếu chi tiêu không hợp lý, chi lạm sang cả tiền tiết kiệm, chiến tranh giữa hai người còn khó chịu hơn.

Cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh là của tôi!

Mình dùng quỹ chung, hay mỗi người có quỹ riêng? Mình gửi tiền vào ngân hàng hay giữ tiền mặt? Mình chia nhau những khoản chi phí cho cuộc sống chung thế nào?... Chỉ có thể có được câu trả lời cho những câu hỏi này khi hai bạn cùng nhau “đàm phán”.

Trong trường hợp gia đình bạn thuộc kiểu, quỹ anh, quỹ em, quỹ chúng ta, việc đóng góp nên tính toán để người “mạnh” dìu người “yếu”. Trên thực tế, có nhiều cặp không thích việc cứ kiếm được bao nhiêu tiền đều đưa vào quỹ chung. Vậy nên, hai bạn cần xác định rõ hàng tháng mỗi người sẽ phải bỏ vào quỹ chung bao nhiêu, và trách nhiệm tiền bạc của mỗi người trong những khoản chi tiêu của gia đình.

Nếu bạn muốn có quỹ riêng, hãy cho người bạn đời được biết. Việc có quỹ riêng không nằm trong phạm trù đúng – sai vì đó là tiền bạn kiếm được và bạn có quyền làm những gì bạn thích. Nhưng đã sống chung, mọi thứ cần được công khai và thống nhất để tránh hiểu nhầm.

Hãy cho bạn đời biết, bạn sẽ chịu trách nhiệm chi trả những khoản nào và hãy chia một cách công bằng. Nhưng công bằng ở đây là nếu thu nhập của bạn gấp đôi bạn đời thì bạn cũng sẵn lòng đóng góp vào việc chi tiêu gấp đôi. Tuy nhiên, những “thương thảo” trên cần được xem xét lại khi các bạn có em bé. Nhưng hãy chắc chắn là các bạn có đủ tiềm lực kinh tế cho chuyến đi hạnh phúc này!

Tôi là con cả trong nhà, ngược lại chồng tôi là con út và quen được cha mẹ cưng chiều. Từ nhỏ, anh hầu như không phải lo lắng điều gì. Chuyện chi tiêu của anh ấy cũng rất thoải mái.

Lúc còn yêu nhau, tôi rất ngạc nhiên vì mỗi tháng, anh ấy chỉ đưa cho mẹ mình 500 nghìn, gọi là tiền sinh hoạt phí. Còn lương của mình, anh ấy tiêu xài hết cho bản thân, cũng không tiết kiệm được đồng nào vì bố mẹ anh ấy lo cho hết rồi. Ngoài lương hưu, hai cụ còn có văn phòng cho tây thuê vì thế, chồng tôi chẳng bao giờ phải tính toán. Kết hôn rồi, anh ấy vẫn thế, lương mới lấy hôm trước, hôm sau đã cạn. Tôi góp ý, bảo chồng tôi nên đưa một nửa lương để góp sinh hoạt cho bố mẹ nhưng anh ấy nói rằng, mẹ không lấy. Mẹ chồng tôi mỗi tháng cũng chỉ cầm của vợ chồng tôi 1 triệu. Đưa thêm, bà cũng không nhận.

Cãi nhau chỉ vì tiền - 1
Tôi rất muốn chồng mình thay đổi để anh ấy thấy có trách nhiệm hơn với gia đình nhưng không biết làm cách nào. (Ảnh minh họa)

Dù rằng gia đình chồng kinh tế cũng khá, chồng tôi tuy ham bạn ham bè nhưng cũng biết mua sắm cho cả nhà. Anh ấy không cờ bạc, trai gái, cũng không chơi bời bạt mạng. Tuy nhiên, tôi thực sự không bằng lòng với cách quản lý chi tiêu của chồng và nhà chồng. Tôi đã nêu ý kiến nhưng mẹ chồng tôi không quan tâm. Bố chồng tôi cũng xem đó là chuyện nhỏ. Chồng tôi lúc nào cũng vô tư vì sinh con đẻ cái hoặc có việc gì to lớn là bố mẹ lo hết cả rồi.

Tôi rất muốn chồng mình thay đổi để anh ấy thấy có trách nhiệm hơn với gia đình nhưng không biết làm cách nào? (Chi Mai)

Ý kiến tư vấn

Nếu chồng và nhà chồng bạn đã quen với nếp sống thế rồi thì việc bạn muốn thay đổi là điều khó. Trước tiên, bạn thử tiếp tục nhỏ nhẹ với chồng xem liệu anh ấy có đưa cho bạn phần nào để hai vợ chồng tiết kiệm hàng tháng không… Vì anh ấy quen tiêu xài thoải mái nên bây giờ, bỗng dưng phải đưa một phần lương cho vợ cũng khiến anh ấy khó chịu. Tuy nhiên, nếu bạn thuyết phục tốt, đưa lý do hợp lý thì có thể chồng bạn cũng nghe theo.

Cãi nhau chỉ vì tiền - 2
Ngoài ra, có thể tạm lên kế hoạch cần chi tiêu trong tháng như đám giỗ, đám hiếu, đám hỉ của hai bên họ hàng. (Ảnh minh họa)

Nếu bạn thấy khó khăn khi muốn quản lý lương của chồng, bạn có thể bàn với chồng để anh ấy tự lo những việc chi tiêu trong nhà chồng, chẳng hạn mua đồ hoặc đóng góp sinh hoạt cho bố mẹ. Còn phần lương của bạn, sẽ dành để hai vợ chồng tiết kiệm. Nhưng bạn cần giám sát chặt chẽ, chẳng hạn, ngày nào trong tháng anh ấy sẽ phải đóng cho bố mẹ. Tốt nhất là bạn giúp chồng đưa tiền cho mẹ chồng, để tránh trường hợp, mẹ anh ấy không nhận tiền của con trai.

Ngoài ra, có thể tạm lên kế hoạch cần chi tiêu trong tháng như đám giỗ, đám hiếu, đám hỉ của hai bên họ hàng. Từ đó, rút ra khoảng tiền cần vợ chồng đóng góp.

Những đôi nghèo khó cãi nhau vì thiếu thốn, người giàu cãi nhau vì nghi ngờ đối phương có quỹ đen. Làm sao để tiền không là kẻ thứ ba?

Trong một cuộc khảo sát, hai nhà tâm lý Scott Stanley và Howard Markman đã tìm được nguyên nhân chính dẫn đến những vụ ly hôn là tiền. Trung bình cứ hai cuộc cãi nhau thì một cuộc có nguyên nhân là tiền hoặc liên quan đến tiền. Tại sao tiền trở thành cốt lõi của các xung đột vợ chồng? Trước hết vì quan niệm của hai người về tài chính khác nhau, chẳng hạn một người tiết kiệm, người kia hoang phí hoặc một người muốn kiếm tiền mạo hiểm, trong khi người kia đặt an toàn lên hàng đầu. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình giàu có và kết hôn với người xuất thân từ gia đình nghèo, cách sử dụng đồng tiền của hai bạn sẽ khác nhau.

Cãi nhau vì tiên là chuyện rất thường xảy ra trong gi đình. Ảnh: internet

Thứ hai là “bệnh bóc ngắn cắn dài”. Trên thị trường có rất nhiều mặt hàng bán trả góp, từ nhà chung cư, xe ô-tô đến ti-vi, tủ lạnh, xe máy. Có người nghĩ rằng muốn hôn nhân hạnh phúc, cuộc sống phải khá giả, tiện nghi. Họ mơ ước một căn nhà khang trang. Họ mua xe ô-tô để đi làm, đi đón con khỏi mưa nắng. Chủ nhật đưa nhau đi chơi. Những khoản trả góp này ngốn hết thu nhập của họ. Cuối tháng, họ phải đối diện với hàng chục hóa đơn tiền điện hay Internet với cái túi rỗng không. Lúc đó, vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ, người nọ đổ tại người kia. Hóa ra sống trong một căn hộ khang trang, đi ô-tô đẹp đâu phải là hạnh phúc nếu lúc nào bạn cũng như ngồi trên đống lửa. Trạng thái tinh thần thảnh thơi, thoải mái, không phải lo nợ nần chất chồng mới là nền tảng của hạnh phúc.

Nhiều bạn trẻ trước khi kết hôn đã có hàng chục năm sống độc thân, lĩnh lương xong đút tiền vào ví, tiêu đến đâu rút đến đấy, chẳng kế hoạch gì. Bây giờ làm chủ một gia đình bạn cũng tiêu tiền theo kiểu đó thì vợ chồng không cãi nhau mới lạ. Nhiều đôi vợ chồng trẻ để tiền chung vào một chỗ, khi cần lấy ra tiêu. Lúc ấy, chồng nổi hứng mua điện thoại mới, vợ thấy bộ đầm đẹp cũng mạnh tay chi, thế là cả hai cãi nhau. Vì thế, các nhà nghiên cứu hôn nhân xem việc quản lý chi tiêu trong gia đình là kỹ năng hàng đầu của hạnh phúc gia đình. Nếu không, dù thu nhập cao, bạn vẫn có thể rơi vào cảnh thiếu tiền. Khi nợ nần, khó khăn thiếu thốn bước vào nhà, chắc chắn hạnh phúc ra khỏi cửa.

vợ chồng cãi nhau

Vợ chồng nên trao đổi thắng thắn với nhau về vấn đề tiền bạc. Ảnh: internet

Theo chuyên gia về gia đình Scott Stanley, tuy mỗi nhà có mức chi tiêu và thu nhập khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ có hai khoản buộc phải chi. Thứ nhất là khoản chi cơ bản. Gọi là cơ bản vì chỉ khi bảo đảm được khoản này, gia đình mới tồn tại. Đó là những khoản không chi không được như tiền nhà, tiền ăn, tiền học cho con hay tiền xăng xe. Bạn cộng tất cả xem hết bao nhiêu mỗi tháng. Nếu nó chiếm khoảng 2/3 thu nhập của hai vợ chồng là chấp nhận được. Nếu vượt quá, bạn phải điều chỉnh rút xuống. Thứ hai là khoản dự phòng. Gia đình nào cũng có thể gặp những sự cố bất ngờ như ốm đau, tai nạn giao thông, nếu không có khoản dự phòng biết lấy tiền từ đâu? Đó là chưa kể phải tích lũy, nhắm đến những mục tiêu dài hạn. Cộng cả hai khoản sẽ ra con số tổng chi của một gia đình. Cả hai phải đóng góp thế nào để bảo đảm cuộc sống gia đình tồn tại. Vì thu nhập của hai người khác nhau, không nên đặt ra mức đóng như nhau mà tùy vào khả năng và ý thức của mỗi người. Sau khi đóng góp, mỗi người còn lại bao nhiêu, đó là quỹ riêng, được quyền chi tiêu theo ý thích của mình.

Theo các chuyên gia về đời sống gia đình, khi tìm hiểu bạn nên trao đổi với nhau về vấn đề này, chẳng hạn sống cùng cha mẹ hay thuê nhà ở riêng? Dự tính khoản chia cơ bản, khoản dự phòng là bao nhiêu để biết tổng chi hàng tháng và xem thu nhập của hai người có đảm bảo mức chi đó không để có kế hoạch giảm bớt hoặc làm thêm để kiếm tiền bù vào? Nếu có tính toán trước, khi bước vào hôn nhân, bạn sẽ thấy ung dung và thoải mái.

Các bài viết khác:

Vợ chồng hòa hợp khi yêu

Mối quan hệ vợ chồng sau khi sinh con

(ST).

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý