Nếu mới nhìn, loại bánh này hơi có nét gì đó giống bánh khọt hay bánh bò nướng nhưng khi hoàn chỉnh thì chiếc bánh lại tròn xoe và rất dễ thương. Món bánh này có xuất xứ từ Nhật Bản xa xôi.
Tên chính thức của món bánh này là Takoyaki và nó có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đây chính là món ăn vặt khá phổ biến của người Nhật. Trên khắp các nẻo đường của Nhật đều có món bánh vô cùng đặc biệt này. Lần đầu tiên dùng nó, bạn sẽ khá là ngạc nhiên khi ngoại hình của nó quá giống một chiếc bánh ngọt. Nhưng thực ra nó là một món bánh mặn.
Món bánh Takoyaki (bánh bạch tuộc) độc đáo .
Tại Việt Nam, món ăn này đa phần chỉ có mặt trong một số nhà hàng kiểu Nhật hay trong các lễ hội giao lưu văn hóa Nhật - Việt, hay gần hơn là trong các ngày hội cosplay của giới trẻ. Nhưng còn bình thường thì sao? Tại Sài Gòn, bạn vẫn có thể thưởng thức món bánh đặc biệt này tại góc đường Hòa Hảo (gần sát đoạn Sư Vạn Hạnh).
Một khay bánh, thường bạn chỉ thấy chúng trong các lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam.
Vốn yêu thích món bánh này từ lâu nhưng người viết cũng chỉ mới biết đến quán này do một lần tình cờ gặp trời mưa và ghé quán. Quán nhỏ, đơn giản và tất nhiên là phong cách cũng rất bình dân. Ấn tượng ban đầu là hình con bạch tuộc nhỏ xinh màu đỏ trước quán, nó làm người viết nghĩ tới một quán bán đồ ăn hải sản hơn.
Và bất ngờ hơn là quán chỉ bán mỗi món bánh này cùng các loại trà sữa trân châu. Một điều lý thú nữa là ngoài hai món trên, tại quán cũng còn một đặc sản khác đến từ Nhật là các loại trà xanh Latte (trà sữa trà xanh). Không giống các món trà sữa khác, món trà xanh này có một vị rất riêng mà chỉ khi nào bạn uống thử bạn mới cảm nhận được. Theo lời anh chủ quán, ăn bánh Takoyaki thì phải uống món trà xanh này thì mới gọi là hợp khẩu vị.
Anh chủ quán kiêm đầu bếp.
Việc đổ bánh và khuôn bánh khá giống món bánh khọt Vũng Tàu.
Nhân bánh là bạch tuộc.
Khi đến ăn, nếu như có thời gian, thực khách nên "nghía" sang anh chủ quán để xem anh làm bánh như thế nào. Đảm bảo rất là thú vị vì thực khách sẽ thấy có rất nhiều điều quen thuộc. Ban đầu, khi đổ bánh, bạn sẽ thấy nó khá giống với món bánh khọt quen thuộc của Vũng Tàu. Và sẽ còn giống hơn nữa khi người làm bánh cho thêm miếng thịt bạch tuộc vào làm nhân bánh. Vì loại nhân này mà món bánh Takoyaki còn được nhiều bạn trẻ gọi tắt là... bánh bạch tuộc cho dễ nhớ.
Khi bánh sắp chính thì đầu bếp sẽ bắt đầu xóc và xoay bánh theo đường tròn.
Và thêm một lớp bột nữa.
Hình ảnh này gợi nhớ tới món bánh bò sữa nướng quen thuộc trên các con phố Sài Gòn.
Sau vài lần xoay và xóc, chiếc bánh đã bắt đầu có hình tròn xinh xinh.
Chẳng mấy chốc, bánh sẽ có hình tròn như trái bóng bàn
và đây cũng là hình dạng cuối cùng của bánh.
Khi sắp hoàn thành, đầu bếp sẽ dùng 2 chiếc que nhọn và bắt đầu xóc bánh. Sau một lúc vừa xóc vừa xoay bánh, các chiếc bánh bắt đầu trở thành hình tròn và mang một màu vàng ươm của bột chín. Về cơ bản món bánh bạch tuộc đã xong.
Lớp gia vị ăn kèm mỏng như tờ giấy bên trên chính là khô cá bào - một món không có tại Việt Nam.
Anh chủ quán phải đặt trực tiếp từ Nhật gửi về.
Thức ăn dùng kèm với món bánh này cũng khá lạ. Ngoài nước sốt quen thuộc và sốt Takoyaki, sẽ có một món gia vị cực kỳ lạ lẫm với du khách là món khô cá bào. Món khô này sẽ được rắc đều trên bánh. Và nó cũng chính là thứ tạo nên sự đặc biệt cho món bánh bạch tuộc.
Món bánh bạch tuộc ăn cùng trà sữa trà xanh Nhật Bản.
Xuất xứ của quán ăn này cũng vô cùng thú vị khi nó liên quan đến sở thích của chủ quán. Anh chủ quán sau một thời gian đi du lịch bên xứ sở hoa anh Đào đã cực kỳ thích món bánh Takoyaki và quyết định mang nó về Việt Nam. Quá trình mang món ăn này về và "Việt Nam hóa" nó cũng là một vấn đề. Vì nếu để nguyên hương vị đặc biệt của nó thì lại khó thích hợp với đa số khẩu vị người Việt Nam.
Người Nhật gọi là bánh Takoyaki, nhưng các bạn trẻ Việt thì thích
gọi nó là bánh bạch tuộc hơn.