Trang phục truyền thống của người Mường

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Trang phục truyền thống của người Mường

18/04/2015 06:42 PM
13,221

So với một số dân tộc khác, trang phục của người Mường không có màu sắc rực rỡ mà đơn giản hơn nhiều, song cũng có những nét rất đặc trưng. Nam giới thường mặc áo ngắn hoặc áo dài, màu chàm, cài khuy, quần dài, rộng, thắt lưng quấn quanh cạp, đầu búi, quấn khăn dài, đầu khăn giắt sang hai bên, sau này cũng có dùng khăn xếp quấn như của người Kinh dưới xuôi.

Trang phục của phụ nữ thường là áo màu trắng hay màu sáng ngắn chấm đến eo để chỗ cho chiếc cạp váy chiếm vị trí quan trọng trong trang phục. Váy của phụ nữ Mường thường dùng vải thâm hay nhuộm chàm đen hình ống. Nổi bật nhất của chiếc váy là cái cạp váy đã trở thành một sản phẩm nghệ thuật đặc sắc nhất của người Mường. Trang phục của một phụ nữ Mường gồm có:

-Cái mũ: thực ra là cái khăn đội đầu màu trắng

-Cái yếm: giống hệt như yếm của người Kinh tuy có phần ngắn hơn, màu trắng.

-Cái áo: tương tự như áo cánh của phụ nữ Kinh, tuy ngắn hơn nhiều, cũng xẻ giữa nhưng không cúc, không khuy, màu trắng.

-Cái váy: “ống” vải đen bó thân thể người mặc từ nách xuống gần mắt cá chân. Phần cạp váy đè lên nửa dưới yếm và góp phần che ngực thêm kín.

-Cái tênh: là chiếc khăn dài thường nhuộm lục, thít quanh váy, ngang tầm hông.

-Cái áo chùng: tương tự như áo dài của phụ nữ Thái, xẻ giữa nhưng không cúc, không khuy, màu trắng, có khi màu đen.

-Cái khăn thắt áo: là chiếc khăn sồi không nhuộm thắt quanh áo chùng ngang tầm hông để khép hai tà áo lại, hai múi khăn buông ngắn đăng đối hai bên.

Chính cái cạp váy trong trang phục của phụ nữ Mường đã tạo ra nét đặc trưng riêng của người Mường về sắc thái thẩm mỹ trong trang phục. Trang trí của hoa văn nghệ thuật trên cạp váy tạo ra sự tương phản với màu đen và màu trắng trên áo, váy của người phụ nữ Mường, làm trang phục của họ nổi lên trước quang cảnh của núi rừng. Sự nổi trội ấy lại không chói lọi, rực rỡ như màu đỏ của người Dao, người Cao Lan mà lại hết sức khiêm tốn, nền nã, kín đáo. Giữa hai thái cực của màu trắng và màu đen trong cái mênh mông của màu xanh núi rừng thì hoa văn cạp váy như những đốm sáng, như “những chấm phá tôn được cả đen lẫn trắng uốn lại cái nhạt nhẽo vô tình hay cố ý của nền áo- váy. Tác dụng mà cạp váy phát huy cũng kín đáo không kém bối cảnh trên đó nó phát huy tác dụng, dù kín đáo theo một nghĩa khác. Đây không phải là kết quả vận động của riêng bản thân màu sắc…”

Cạp váy có thể tách thành bộ phận riêng, nên những khi không cần thiết hoặc chưa dùng đến, nó có thể được cất riêng. Vì thế, một cạp váy có thể sử dụng cho nhiều váy, thậm chí cho nhiều người ở các thế hệ khác nhau. So với toàn bộ váy thì cạp váy chiếm tỷ lệ khoảng 30%, lại được thắt từ sát nách xuống đến hông, do đó nó vừa có ý nghĩa trang trí vừa có ý nghĩa che kín thân thể ở mức độ cần thiết.

Điểm nổi bật nhất của cạp váy Mường là những họa tiết trang trí hoa văn trên bề mặt của nó. Với một diện tích không lớn, cạp váy chứa đựng một số lượng hoa văn khá phong phú về cả hình thức và kiểu loại. Cạp váy được chia làm ba phần gọi là: rang trên, rang dưới và cao. Thứ tự ba mảng này được tính từ miệng váy trở xuống, tức là phần trên cùng được gọi là rang trên. Hoa văn của mỗi phần là cái để phân biệt chúng với nhau, trong đó hoa văn của rang trên và hoa văn cao thuần túy là hoa văn hình học, riêng phần cao đôi khi không có hoa văn, còn phần rang trên thì luôn là hoa văn hình học. Phần rang dưới chủ yếu là hoa văn động vật với rất nhiều mô típ khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã thống kê có 37 mô típ hoa văn cạp váy, trong đó có 25 mô típ hoa văn động vật. Bởi là một sản phẩm đặc sắc của trang phục phụ nữ nên người Mường dồn toàn bộ tâm trí và tài năng của mình vào đây. Đây cũng chính là chỗ để các cô gái Mường trổ tài của mình trước cộng đồng, thể hiện ở kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy. Kỹ thuật đó được bắt đầu từ khung cửi đặc biệt dùng để dệt cạp váy với nhiều “co” (go), nhiều mẫu hoa văn hơn các khung cửi khác. Cách dệt cũng phức tạp hơn và đòi hỏi người dệt cũng phải khéo léo hơn. Kỹ thuật đó còn được thể hiện ở việc nhuộm sợi của người phụ nữ Mường để tạo ra những màu sắc đẹp, bền cho hoa văn trên cạp váy của mình. Tuy mảng màu truyền thống của người Mường cũng chỉ là những màu khá đơn giản như: trắng, đen, đỏ, vàng và xanh, song việc tìm ra những chất liệu nhuộm, kỹ thuật nhuộm cũng đòi hỏi một tài năng nhất định của người thợ mới có thể làm ra được các màu ưng ý.

Tài năng của người dệt còn thể hiện ở việc bố cục các mô típ hoa văn ở từng rang sao cho hợp lý, việc sắp xếp vị trí của từng loại hình động vật, hình trang trí ở rang dưới như thế nào cho đẹp mắt, cái nọ hỗ trợ làm nổi bật cái kia mà không phá vỡ bố cục chung… Tất cả những cái đó đòi hỏi đầu óc thẩm mỹ tinh tế và điêu luyện của người thợ dệt, để tạo ra được một sản phẩm có giá trị.

Cạp váy Mường trong bộ trang phục của người phụ nữ Mường vừa giản dị, kín đáo, không phô trương mà lại nền nã, hấp dẫn và không kém phần đặc sắc. Một điều đặc biệt là rất nhiều hoa văn trên cạp váy Mường cũng là các mô típ hoa văn phổ biến trên trống đồng Đông Sơn. Điều này cho thấy các hoa văn cạp váy Mường có giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn lịch sử, liên quan đến một thời kỳ rực rỡ của văn minh Việt Nam.

Trong trang phục của người phụ nữ Mường, ngoài những nét đặc sắc của hoa văn cạp váy thì chiếc khăn trắng quấn trên đầu người phụ nữ tuy rất đơn giản nhưng cũng mang một ý nghĩa sâu sắc. Ngoài ý nghĩa thực dụng là để che cơ thể trước nhiệt độ, thời tiết và những bất trắc ở núi rừng, khăn quấ đầu còn có một ý nghĩa xã hội rất sâu xa gắn với truyền thuyết đầy lãng mạn về một mối tình giữa một chàng trai đất Mường nghèo tên là Khỏe với cô gái nhà lang xinh đẹp là Út Dô. Do khác biệt về thân thế, đôi trai tài gái sắc không lấy được nhau đã dẫn đến một mối tình tuyệt vọng. Nàng Út Dô đi theo tiếng gọi của tình yêu đã chết và biến thành những bông hoa clăng mọc đầy ven suối. Để tưởng nhớ mối tình ấy mà con gái Mường từ già đến trẻ đều lấy một mảnh vải nguyên gốc từ sợi bông đội lên đầu để nhớ thương họ, đồng thời màu trắng của khăn cũng như màu trắng của những bông clăng là biểu tượng cho sự chung thủy, trong trắng của người con gái Mường.

Trang phục truyền thống của dân tộc Mường

Trang phục truyền thống của dân tộc Mường

Những cô gái Mường duyên dáng trong trang phục truyền thống Người Mường có những đặc trưng riêng hết sức nổi bật về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục dân tộc. Chính điều đó đã tạo nên cho phụ nữ Mường nét duyên dáng, niềm tự hào khi khoác trên mình trang phục truyền thống.

Ngày nay, xã hội phát triển kéo theo là sự du nhập của nhiều xu hướng thời trang mới nhưng không ít phụ nữ Mường vẫn luôn mặc những chiếc váy đen dài, áo pắn truyền thống như sự nâng niu, bảo tồn gìn giữ trang phục của dân tộc mình.

Trang phục Mường hết sức tinh tế và có những nét riêng nổi bật không thể pha lẫn với các dân tộc khác thường mặc áo cánh phủ kín mông, xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần lá ống rộng dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là khăn quần. Trên đầu quấn khăn trắng. Xa xưa, đàn ông Mường thường để tóc dài và búi gọn gàng phía sau. Còn trang phục nữ, người Mường thường là áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, thân ngắn hơn áo cánh của người Kinh, ống tay dài. Trước kia, áo pắn chỉ có hai màu nâu và trắng nhưng nay, phong phú hơn với đủ mọi màu sắc. Váy của người Mường là váy đen dài, đầu váy được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật, do người con gái Mường tự dệt nên. Do đó, cạp váy ôm sát ngực không chỉ là điểm nhấn tạo nên nét duyên dáng cho người phụ nữ Mường mà thể hiện sự khéo léo của người mặc váy. Đầu váy cùng với áo báng nổi lên giữa hai vạt áo pắn là phong cách trang trí đặc trưng, riêng biệt của người Mường Hòa Bình mà những dân tộc khác ít có được.

Trong các dịp lễ, tết, ta thường thấy nam, nữ Mường mặc trang phục truyền thống đánh lên những bản chiêng đầy ý nghĩa, tiêu biểu là các Phường bùa. Bà Hồ Tư (P.Chăm Mát, TP Hòa Bình) tham gia phường bùa đã được hơn 10 năm cho biết: “Phường bùa là nét văn hóa đặc trưng của người Mường. Đầu năm, chúng tôi thường đem chiêng đi khắp các nhà trong bản, đánh lên những bản chiêng chúc phúc, cầu cho gia chủ một năm mùa màng bội thu và nhiều may mắn. Điều không thể tách rời đối với mỗi Phường bùa là trang phục dân tộc truyền thống. Không chỉ thể hiện nét đẹp của người Mường, khi khoác trên người những bộ quần áo đặc trưng cho dân tộc mình chúng tôi không khỏi tự hào bởi đó là văn hóa.”

Trang phục Mường cùng với những bản sắc văn hóa dân tộc của nó đã bước qua cả giới hạn các buổi lễ hội, biểu diễn... dần trở thành trang phục thường ngày của người Mường xưa và nay. Đi bất cứ đâu trên mảnh đất Hòa Bình ta cũng dễ dàng bắt gặp các “mế” Mường trong những bộ quần áo truyền thống. Khi ở nhà, tiếp khách hay thậm chí là lúc xuống đồng, phụ nữ Mường vẫn duyên dáng trong những chiếc váy đen, áo pắn. Trong chuyến công tác Kim Bôi khi đi qua Vĩnh Đồng, chúng tôi thấy mế Bạch Thị Tình mặc trang phục Mường đang xới đất trồng rau. Màu xanh của lá và màu xanh áo pắn như hòa làm một, tạo nên nét thanh tân cho đất trời lúc vào xuân. Thấy chúng tôi tò mò, mế cười xuề xòa: “Mế quen rồi đấy, cảm giác mặc váy Mường cũng thoải mái như các chị mặc đồ tây thôi. Mế là người Mường ta mà, phải mặc trang phục dân tộc mình làm ra chứ!” Câu nói mộc mạc chân tình của mế làm chúng tôi vương vấn mãi. Với mỗi người Mường xưa và nay, ta dễ dàng bắt gặp ở họ niềm tự hào với những sản phẩm của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước mình có lẽ cũng bắt nguồn từ những điều giản dị như thế. Thiết nghĩ, đây là nét văn hóa đẹp của người dân tộc Mường thể hiện lòng tự tôn dân tộc, rất cần được phát huy để những giá trị văn hóa được bảo tồn ngay trong sinh hoạt thường ngày của đời sống.

Đất trời vào xuân, những cô gái Mường khoác trên mình chiếc áo pắn đủ màu rực rỡ đi trảy hội. Họ như những bông hoa đang khoe sắc giữa đại ngàn Tây Bắc quê hương.

Bí quyết làm đẹp của người Nhật

Trang phục cưới của người Dao

Phong tục cưới cổ truyền của người Việt

(ST).

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Tai sao lai dung khan trang doi dau
hơn 1 tháng trước - Thích (15) - Trả lời
Chiếc khăn đội đầu của người Mường là một dải vải trắng không viền, rộng chừng một gang tay, khoảng 15cm, dài khoảng 50 – 60 cm quá vòng đầu để thắt sau gáy theo kiểu thắt vặn, không luồn dưới tóc. Chiếc khăn này dùng để giữ cho nếp tóc được gọn gàng, che cơ thể trước nhiệt độ, thời tiết ở núi rừng. Ngoài những ý nghĩa đó, chiếc khăn đội đầu còn có một ý nghĩa xã hội sâu xa gắn với truyền thuyết đầy lãng mạn về một mối tình giữa một chàng trai nghèo tên là Khỏe ở Mường Dậm với cô gái nhà lang xinh đẹp là Út Dô. Do khác biệt về thân thế, bị gia đình ngăn cản, đôi trai tài, gái sắc không lấy được nhau đã dẫn đến một mối tình tuyệt vọng. Chàng Khỏe để bảo vệ bản làng đã tạm biệt người yêu và đã một mình chiến đấu với hai con hổ, sau nhiều ngày giao tranh, chàng Khỏe đã ôm cả hai vợ chồng hổ dữ lao xuống vực sâu ở núi Zang. Từ đó, người dân Mường tránh được tai họa thú dữ. Nhưng nỗi đau mất người yêu của nàng Út Dô chẳng ngày nào vơi cạn. Ngày ngày, nàng Út Dô vẫn ra bờ suối nơi chia tay với Khỏe để ngóng đợi người tình. Út Dô lấy mảnh vải trắng chưa kịp nhuộm màu mà chàng Khỏe xé ra từ vạt áo tặng lại để lau nước mắt. Mỗi lần khỏa mảnh vải xuống suối Út Dô lại thấy hình ảnh của Khỏe hiện về. Mảnh vải ướt Út Dô lại vắt lên đầu. Vào một đêm trăng sáng, nàng Út Dô đã đi theo tiếng gọi của tình yêu và nàng đã chết, thân thể nàng hóa cây clang nở hoa trắng dọc hai bên suối. Từ đó, tất cả phụ nữ Mường đều đội một cái khăn trắng trên đầu để tưởng nhớ Út Dô và chàng Khỏe. Mảnh khăn trắng đội đầu của người phụ nữ Mường không hẳn là chiếc khăn tang cho mối tình tuyệt vọng của chàng Khỏe và nàng Út Dô mà màu trắng của chiếc khăn cũng như màu trắng của những bông clăng là biểu tượng cho sự chung thủy, trong trắng của người con gái Mường. Đồng thời cũng thể hiện những khát vọng hạnh phúc lứa đôi của người Mường, những khát vọng giản dị nhưng thật đáng quý.
Trang phuc nguoi muong mac trong dip le nao?
hơn 1 tháng trước - Thích (24) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý