Trong các tuần cuối của thai kỳ, rất ít khi có trục trặc gì xảy ra. Từ tuần thứ 32 trở đi, mối quan tâm chính của bác sĩ là sự tăng trưởng không ngừng của thai nhi và tình hình sức khoẻ của người mẹ. Những đe doạ có thể xảy ra là tăng huyết áp, mà điều này có thể báo trước cho bạn chứng tiền sản giật; ngừng tăng trọng, có nghĩa là thai nhi ngừng phát triển. Chính vì lẽ đó, bác sĩ sẽ khám cho bạn thường xuyên hơn, có thể cứ hai tuần một lần từ tuần thai thứ 32 đến tuần 36, sau đó tuần nào cũng khám cho bạn cho đến khi bạn sinh.
Một trong số những điều bạn quan tâm ở cuối thai kỳ là sự khó chịu trong người. Khi bụng của bạn càng lúc càng lớn hơn thì việc đứng ngồi bình thường cũng sẽ trở nên khó chịu. Nếu bạn nằm ngửa trên giường, sức nặng của thai nhi sẽ đè ép lên các mạch máu chính và các dây thần kinh nằm sát với xương sống, làm cho lưng bạn bị tê đi và đau âm ỉ, nó cũng có thể khiến bạn bị choáng váng và khó thở. Bạn hãy lưu ý đến cách nằm khi ngủ và chọn tư thế ngủ sao cho bạn được thoải mái nhất, đôi lúc bạn nên dùng gối hoặc đệm để lót cho cơ thể được êm ái.
KỸ THUẬT KÉO CĂNG RỒI THẢ LỎNG
Các kỹ thuật giúp thư giãn tốt sẽ phối hợp sự thả lỏng ở đầu óc và cả cơ thể bằng việc hít thở đều và sâu. Chúng rất có lợi cho bạn nếu bắt đầu thực hành những kỹ thuật này sớm để tới giai đoạn cuối thai kỳ chúng sẽ thành thói quen như một bản năng thứ hai.
Có một phương pháp giúp bạn làm cho cả cơ thể hoàn toàn thư giãn là dùng kỹ thuật căng thẳng và thả lỏng. Đây là một sự hỗ trợ thật dễ chịu để tạo thư giãn trong suốt thai kỳ, đồng thời tác dụng như một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho lúc chuyển dạ bởi đó là một phương pháp hữu hiệu cho phép bạn thả lỏng hầu hết các cơ bắp khắp thân thể. Như vậy khi dạ con đang co thắt, phần còn lại của cơ thể bạn không bị căng thẳng.
Kỹ thuật này sẽ bao gồm việc tuần tự căng lên và thả lỏng các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Chồng bạn có thể phụ bạn bằng cách chạm vào nơi bạn đang căng lên; bạn sẽ phản ứng lại việc đụng chạm ấy bằng cách thả lỏng ra. Tốt nhất, hãy thực hiện bài tập này 1 ngày 2 lần, mỗi lần trong 15 hoặc 20 phút. Nên tập trước bữa ăn hoặc khoảng một tiếng đồng hồ sau khi ăn.
Hãy tạo cho mình tư thế nằm thoải mái, nằm ngửa hay nằm nghiêng cũng được và nên lót thêm gối. Nhắm mắt lại, cố gắng xoá tan đi khỏi đầu óc những ý nghĩ, mối bận tâm, hoặc sự lo âu bằng cách hít vào, thở ra chầm chậm, đều đều và chỉ tập trung vào cách thức hít vào thở ra của mình thôi. Hãy để cho các ý tưởng dễ chịu và thư giãn của bạn tràn vào và nếu tâm trí lại bắt đầu bị xâm chiếm với những điều bực dọc hoặc âu lo, hãy ngăn chúng lại bằng cách nói "không" theo hơi thở, sau đó lại tiếp tục tập trung hoàn toàn vào việc hít thở sâu của bạn. Khi mà đầu óc của bạn đã hoàn toàn được thư giãn và hơi thở đã thật đều đặn và sâu, bạn lại có thể bắt đầu thao tác căng thẳng và thư giãn. Hãy nghĩ đến bàn tay phải của bạn: căng nó ra một lát, lòng bàn tay lật lên trên, sau đó giãn nó ra rồi buông xuôi để cảm thấy nó nặng và âm ấm, cũng làm như thế suốt bên hông phải của cơ thể bằng cách căng và giãn cánh tay trước rồi tới bắp tay và vai. Sau đó đến lượt hông trái của cơ thể cũng thế. Kế đó, gập đầu gối lại, rồi cứ căng ra và thả lỏng phần mông, đùi, bắp chân và bàn chân. Ấn phần lưng dưới nhẹ nhàng sát xuống nền nhà rồi thả ra và thư giãn.
Cuối cùng là phần cơ đầu và cổ. Thư giãn các cơ trên khuôn mặt, mắt và trán. Cố không nhăn mặt hay nhíu mày gì cả.
TƯ THẾ CỦA CON BẠN
Khi một thai nhi đạt đến mức trưởng thành đầy đủ vào khoảng tuần thứ 37 của thai kỳ, cơ thể của nó nặng hơn và đầu của nó quay xuống dưới.
Nếu đến lúc sinh mà thai nhi vẫn nằm ở tư thế mông hướng về phía đường sinh, thì có khả năng phải sinh mổ. Nếu đứa con trong bụng của bạn vẫn nằm ở tư thế này vào các tuần lễ cuối cùng của thai kỳ, bạn cũng có thể tin rằng nó sẽ tự động xoay để đầu quay xuống khi cơn chuyển dạ thực sự bắt đầu.
Có khoảng 30% thai nhi có tư thế mông hướng phía đường sinh vào tuần thứ 30 của thai kỳ. Hơn một nửa số này sẽ tự động xoay tư thế lại trong suốt 2 tuần kế tiếp.
Có 14% thai nhi vẫn còn nằm tư thế mông hướng về phía đường sinh vào tuần thứ 32. Có 60% cơ may là bé sẽ tự xoay tư thế lại trước lúc chuyển dạ diễn ra.
Có chưa tới 5% thai nhi vẫn giữ nguyên tư thế mông hướng về phía đường sinh vào tuần thứ 37. Khoảng 1/4 trong số này sẽ tự xoay tư thế lại, mặc dù chuyện này sẽ khó có khả năng xảy ra hơn nếu 2 chân thai nhi đang duỗi ra hoặc tử cung không còn chỗ, do thai nhi lớn hoặc có thai song sinh chẳng hạn.
Có một số ít thai nhi tự đạp vòng quay trong tử cung khi cơn chuyển dạ khởi sự, miễn là tử cung còn chỗ để cho chúng xoay.
(St)