Khắp một dải miền Trung, khi nhắc đến món ngon xứ Nghệ không thể không nhắc tới món nhút Thanh Chương. Món ăn dân dã này đã trở thành “thương hiệu” mà bất kì vị khách nào tới xứ “nhút mặn, cà chua” cũng nhớ, cũng vấn vương về mảnh đất và con người nơi đây…
Về với xứ Nghệ không chỉ có phong cảnh non nước hữu tình mà còn có rất nhiều món ăn dân dã đậm đà bản sắc của vùng quê nghèo khó. Món nhút là một trong vô vàn những món ăn như thế. Nhút là cách gọi quen thuộc của người miền Trung, là quả mít muối mặn ăn với cơm tựa như món dưa muối của người miền Bắc hay món kim chi của xứ Hàn vậy.
Người miền Trung vẫn kể rằng, quê hương gió Lào cát trắng lam lũ quanh năm, cơm gạo cái gì cũng thiếu nên phải tận dụng tất cả những thứ có thể ăn được thay cơm. Mà mít thì nhà nào cũng sẵn trồng, mít thường được luộc chấm với chẻo (một thức chấm cũng rất đặc biệt của người Nghệ An), mà mít ngày càng nhiều không ăn hết nên đã nghĩ cách muối mặn để ăn dần, từ đó món nhút “chào đời” gắn với quê hương khốn khó.
Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trồng được giống mít ngon nhất xứ Nghệ.
Dọc miền Trung có nhiều nơi làm nhút nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất vẫn là nhút do người Thanh Chương làm ra tại đất Thanh Chương, bởi nơi đây nổi tiếng trồng được giống mít ngon của tỉnh Nghệ An. Thường thì mỗi năm chỉ có một mùa mít, nên nhút được muối dùng để ăn quanh năm, tùy từng mùa mà chế biến những món ăn khác nhau.
Vào mùa đông gió rét, nhút xào thịt ba chỉ nêm ớt, đường ăn với cơm nóng rất ngon, vị chua chua của nhút, ngọt của đường, cay cay của ớt, sợi nhút sánh lên quyện lấy mỡ của thịt ăn rất ngậy và giòn. Vào mùa hè, nhút có thể làm nộm tai heo nhấm rượu hay đem nấu canh cá chua, canh lạc ăn bùi bùi chua chua rất lạ miệng lại có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho cơ thể. Hay chỉ đơn giản, nhút chấm nước mắm tỏi, rau kinh giới ăn cơm canh cũng ngon không kém.
Cách muối nhút cũng dân dã hệt như tên gọi của nó. Có thể làm nhút muối xổi ăn ngay trong hai ba ngày, hay muối mặn để dành ăn quanh năm. Nhút có hai loại, nhút làm từ mít xanh hay xơ mít chín đều tuyệt, tuy nhiên nhút làm từ mít xanh thì cầu kì trong cách chế biến hơn. Nếu là mít xanh phải chọn quả ương ương, trẩy trái mít từ trên cây xuống còn tươi nguyên, gọt sạch vỏ gai bên ngoài, khi gọt nên để xả dưới vòi nước để tránh nhựa mít dính vào tay rất khó rửa. Gọt xong thì dùng dao băm hoặc thái thành sợi từ ngoài vào trong, sao cho toàn bộ múi, xơ, hạt mít đều được xắt nhỏ. Sau khi thái xong, đem ngâm vào nước gạo qua một đêm cho mít hết nhựa, sợi mít được trắng, rồi vớt ra phơi săn dưới nắng. Tiếp theo, cho tất cả vào vại sành rồi trộn muối, vò cho mít mềm ra và muối ngấm đều sợi mít.
Còn với xơ mít chín thì đơn giản hơn, chính là tận dụng phần xơ của quả mít chín sau khi ăn hết phần múi, nhặt xơ rửa sạch. Tương tự như mít xanh, xơ mít cũng được trộn muối và vò cho ngấm đều vào mít. Khi cho mít vào vại, có thể cho thêm ớt, mía, lá gừng hay củ sả, rau ngải và nước ngập mít, tùy theo khẩu vị của từng gia đình mà nêm các gia vị cho nhút đậm đà hơn. Nhưng đặc biệt, nhút phải nén chặt bằng phên tre, chặn gạch, sao cho nhút không nổi lên mặt nước và bị thâm đen. Chỉ vài ngày trở ra là ăn được.
Nhút ăn giòn giòn, mặn của muối, cay xè của ớt, và dậy mùi thơm của mít, thanh ngọt của mía đường…”quyện” một vị ngon rất đặc biệt. Ngày nay, trong mỗi bữa cơm của người miền Trung không thể thiếu món ăn dân dã, bình dị này. Tuy nhiên, ở những thành phố lớn, nhút lại có tên trong menu ẩm thực đặc sản mà khiến nhiều người muốn ăn, ăn một lần nhớ mãi, cứ “thòm thèm” cái vị cay chua mặn ngọt, hệt như dư vị của mảnh đất ân tình xứ Nghệ ...
Món ăn dân dã ấy thường không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây, và đã trở thành “đặc sản”, “thương hiệu”: “Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn” mà bất cứ vị khách nào từng thưởng thức qua cũng vấn vương mãi…
Tôi vẫn thường nghe mẹ kể về “Sự tích Nhút”, thấy càng yêu, càng thương hơn vùng quê mình. Ngày trước, miền quê nghèo gió Lào cát trắng, cỗi cằn đá sỏi Thanh Chương cơm gạo nhà nào ăn cũng không đủ no, phải độn ngô, độn sắn mà vẫn thiếu, vẫn đói. Thế là người dân đã luộc mít - thứ quả nhà nào cũng sẵn có, chấm với Chẹo - một thức chấm rất độc đáo của người Nghệ, để ăn thay cơm.
Nhưng mít chỉ có duy nhất một mùa trong năm, vì thế họ nghĩ đến việc muối mặn ăn dần quanh năm. Món Nhút đã được hình thành, sống với con người quê tôi từ thuở đói nghèo như thế cho đến tận hôm nay, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có thức ăn nào thay thế nổi…
Quả mít, nguyên liệu để làm Nhút. Ảnh: Thanh Hoa. |
Mỗi khi mùa mít đến, hầu như người phụ nữ nào sống ở Thanh Chương cũng đều háo hức làm một vại (lu) Nhút cho gia đình mình, mẹ tôi cũng thế. Mẹ chọn trong số rất nhiều quả mít sai lúc lỉu trên cây (thường là loại mít bở, ít người làm mít dai) hai quả hơi dài và phẳng cho dễ làm, đặc biệt, mít phải hơi non hoặc ương ương, có vỏ xanh mởn thì mới ngon.
Trẩy quả từ trên cây xuống còn tươi nguyên, mẹ gọt sạch vỏ gai bên ngoài dưới vòi nước, và giải thích “Làm thế để nhựa mít khỏi dính vào tay nhiều. Mít đang non nên nhựa dính chặt, khó rửa lắm!”.
Gọt hết vỏ, mẹ tôi đặt quả mít vào một chiếc nong lớn, dùng dao băm thật đều tay rồi thái thành sợi từ ngoài vào trong, sao cho xơ, múi, hạt đều được xắt nhỏ thành sợi dài. Thái xong, mẹ cho tất cả vào ngâm với nước gạo cho hết nhựa, cho đến khi sợi mít hết bầm đen, trở nên trắng nõn nà, rồi đem trộn muối, xát để sợi mít mềm ra, chất mặn ngấm đều.
Cuối cùng, mẹ cho mít vào vại (lu) cùng với ớt, lá gừng và một vài khúc mía nhỏ, rồi dùng phên tre nén chặt lại, dùng viên gạch sạch chặn ở trên làm sao cho nhút không bị nổi lên mặt nước và thâm đen. Thế là chỉ vài ngày sau, gia đình tôi đã có món Nhút đậm đà trong các bữa ăn.
Có thể nói, ít có thức ăn nào làm được nhiều món, nhiều cách ăn đến thế.
Đơn giản nhất là món Nhút vắt khô, chấm nước Chẹo (được làm từ nước tương và lạc rang giã nhỏ, thêm ớt, tỏi, đường), ăn kèm với rau kinh giới. Tôi thích ăn chầm chậm để nghe vị mằn mặn của Nhút và nước tương, cay cay của ớt, ngòn ngọt của đường và mía non, bùi bùi của lạc, thơm thơm, nồng nồng của rau Kinh giới, sợi Nhút dai dai, giòn giòn không gì tuyệt bằng.
Tôi cũng mê món Nhút nộm thịt ba chỉ, lộc các loại, lạc rang, bánh đa vừng, thêm gia vị, thơm ngào ngạt khó ai có thể cưỡng nỗi sự hấp dẫn lạ kì ấy. Mùa Đông, người ta hay xào Nhút với tai heo hoặc thịt thăn; mùa Hè lại có món canh Nhút nấu cá chua…. Nhút có mặt hầu hết các mâm cơm của người dân quê tôi trong suốt cả năm nếu quản lý được tốt.
Nhút là món quà quê để tặng bạn bè, họ hàng. Ảnh: Thanh Hoa. |
Hơn thế nữa, Nhút được coi là “thức quà quê” để tặng bạn bè, họ hàng ở xa. Mấy năm trở lại đây, Nhút Thanh Chương còn là một thức hàng hóa rất đặc trưng để bán cho khách du lịch đến đây khi đã lỡ “phải lòng” món ăn bình dị này.
Người dân quê tôi vẫn thường truyền nhau câu hát thân thương: “Ngái ngôi chi mà anh nỏ về/ Hay là vì anh chê quê em nghèo đói/ Hay anh chê em vụng về câu nói/ Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà/ Chắc có lẽ rứa mà anh chê/ Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về….”. Xứ Nghệ đậm đà và mặn mà vì tình nghĩa, và phải chăng vì Nhút nữa!
Cách muối cà xổi ngon trong tích tắc
Cách làm cua rang muối ớt ngon ngây ngất
Cách uống rượu vang đúng cách
Cách làm yaourt tại nhà giúp bạn ăn thả ga
Cách làm đèn trời thả chơi
Cách làm sữa chua mít hương vị hấp dẫn không thể chối từ
Cách làm sạch dạ dày lợn để món khoái khẩu của gia đình bạn trở nên an toàn hơn
Cách xào rau muống ngon hấp dẫn cả gia đình
Cách làm quẩy nóng khỏi cần mua ngoài hàng
Cách làm bánh macaron của người Pháp
Cách làm mắm kho quẹt ngon đúng vị
Cách làm bánh khọt miền Nam
Cách làm bánh đúc truyền thống
Cách làm bánh da lợn thơm ngon
Cách làm bánh quai vạc chiên
Cách làm bánh quy bơ
Cách làm bánh quy bằng lò vi sóng
Cách làm bánh quy socola hấp dẫn cả nhà
Cách làm bánh quy mặn
Cách làm bánh quy hạnh nhân
Cách làm bánh wagashi đến từ xứ sở hoa anh đào
Cách làm bánh waffle xốp mềm, thơm ngon
Cách làm bánh cay thơm ngon đặc sản Sài Gòn
(ST).