Trẻ em lười học là nỗi khổ tâm của không ít bậc cha mẹ và thường được các bậc cha mẹ cho là lười biếng. Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề trẻ em lười học một cách đầy đủ và cụ thể hơn. Trẻ em lười biếng tức là trẻ em không làm gì cả, mà chỉ ngồi yên một chỗ, bạc nhược, âu sầu, không thích chơi đùa. Nếu con bạn lâm vào tình trạng đó thì bạn nên đưa nó tới các cơ sở y tế dể khám và điều trị vì chắc rằng nó đã bị ốm đau hoặc đang có vấn đề không bình thường về sức khỏe. Một trẻ em bình thường không có vấn đề về sức khỏe thì không lười biếng.
Trẻ em ham hoạt động bình thường như những đứa trẻ khác nhưng nó lười học là do trong việc học có điều làm cho nó không thích, chán ngán, lo sợ. Nếu trẻ không thích làm thì việc làm đó đối với nó nặng nhọc, không hứng thú hoặc nó không thấy rõ sự cần thiết, ích lợi. Nó ham chơi vì trong trò chơi có những điều hấp dẫn, đáp ứng lại nhu cầu hoạt động, hiểu biết của nó, gợi được niền vui cho nó.
Trẻ em lên ba, lên bốn tuổi thấy anh chị đi học cũng đòi cắp sách tới trường. Đó là một biểu hiện tốt. Nhưng khi đã tới trường một lần rồi thì nó không muốn đi học nữa. Chúng ta thấy nhiều trẻ em đi học với vẻ mặt buồn sầu, nước mắt giàn giụa, vừa đi vừa quay mặt về nhà như để cầu cứu;
Nhiều trẻ em khác mỗi lần đi học là một lần phải ăn đòn. Học với tâm trạng đó thì làm sao không lười được. Bước đầu trên con đường học vấn của trẻ là rất quan trọng. Cha mẹ nên có bước chuẩn bị thật tốt cho cho trẻ khi đến trường để trẻ nếu chưa thấy được bông hoa thì cũng đừng trông thấy quá nhiều gai góc mà chán. Cha mẹ phải thường xuyên tiếp xúc với trường con học để tìm cách giúp đỡ nó. Về nhà cố gắng giúp nó học bài, làm bài.
Điều quan trọng là cha mẹ chỉ nên cho con học những lớp, những trường vừa với khả năng của nó đừng vì tham vọng của người lớn mà bắt trẻ phải đương đầu với những khối kiến thức khổng lồ ngoài sức của nó. Nếu con bạn chưa đủ kiến thức để chuyển lên lớp trên thì nên cho nó ngồi lại lớp cũ còn hơn là lên lớp mà không theo kịp. Một số cha mẹ tìm mọi cách để xin thầy cô cho con được lên lớp hoặc vào những lớp dành cho học sinh năng khiếu để rồi rốt cuộc không theo kịp chúng bạn nên chán nản lười học. Một vấn đề nữa là chúng ta cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc về phương pháp giáo dục, dạy trẻ đã thực sự gây được hứng thú cho trẻ học chưa.
Trẻ em vốn ham hoạt động. Biết đi chập chững trẻ đã hoạt động rồi và thường hoạt động của nó không có mục đích. Nó cần có sự hướng dẫn của cha mẹ.
Ví dụ trẻ em vừa bày trò chơi bạn đã bắt nó dẹp đi vì cho là vô ích. Thái độ đó của bạn là không đúng vì bạn đã tiêu diệt ý trí hoạt động của trẻ khi mới chớm nở. Trẻ em thích chơi cứ để nó chơi, chơi đối với trẻ tức là làm việc. Bạn tìm cách hướng dẫn để cho trẻ học qua trò chơi của trẻ, giúp trẻ qua trò chơi để mở mang kiến thức, trí khôn, khả năng tư duy sáng tạo... Bạn nên khéo léo vận dụng những kiến thức của trẻ đã học để vận dụng vào trò chơi . Đó là cách giúp trẻ củng cố kiến thức đồng thời trẻ thấy được để thực hiện tốt trò chơi của mình thì phải học tốt.
Bạn có thể yêu cầu con bạn làm giúp bạn một việc gì đó nhưng đừng ra lệnh cho con. Ví dụ bạn muốn con bạn sửa một cái chân ghế bị hỏng thì bạn nên mang chiếc ghế đó ra và hỏi con bạn xem nên sửa cái chân ghế này như thế nào. Nếu con bạn đưa ra ý kiến chưa đúng thì bạn có thể thêm vào ý kiến của bạn nhưng phải để nó tin rằng đó là ý kiến của nó, như vậy nó thấy được nó cũng làm được những việc có ích chứ không phải nó vô tác dụng. Bạn nên dự đoán xem con bạn có đủ sức và khả năng để làm được việc bạn giao không.
Nếu thấy con bạn bị điểm kém thì không nên rầy la nó vội mà cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân tại sao để khắc phục. Từ trước đến nay chúng ta thường dùng biện pháp mạnh để trừng trị trẻ lười học và đối với một số trẻ chúng ta đã thu được một ít thành công nhưng xét cho kỹ thì sự thành công đó không bù lại được sự thất bại bởi vì ta đã rèn luyện cho trẻ làm việc theo mệnh lệnh chứ không không phải do nhận thức được nhiệm vụ hoặc do hứng thú, như vậy không phát huy hết khả năng tự lập, sáng tạo của trẻ. Thực tế cho thấy không phải bạn cứ cho con vào học các trường năng khiếu, có đủ tiện nghi là trẻ học tốt vì đó chỉ là điều kiện học tập còn trẻ có học tốt hay không là do sự cố gắng của trẻ và do cách giáo dục của nhà trường và cha mẹ.
Tóm lại trẻ em lười học không phải là do bản chất nó lười mà chính là do phương pháp dạy dỗ và điều kiện học chứa nhiều yếu tố không phù hợp với trẻ khiến trẻ sợ học và sinh lười học ngay từ lúc đầu. Vì vậy cha mẹ cần thật sự quan tâm một cách thật hợp lý để trẻ không sợ học và có hứng thú với việc học.
Ngày nào cũng thế, không bố, mẹ thì ông bà đến đón Việt ở trường là lại mượn vở của bạn lớp trưởng photo để Việt về chép cho đủ bài trên lớp.
Việt đã học lên lớp 2, tính rất hiếu động mải chơi, thực ra Việt cũng thông minh lắm, các trò chơi cậu tìm hiểu rất nhanh và thường hay thắng các bạn. Ngày đầu học chữ Việt cũng nhớ mặt chữ cái, số đếm rất nhanh thế nhưng càng đi học Việt càng trở nên lười học.
Ở nhà bố mẹ phải thay phiên nhau ngồi kèm Việt học suốt cả tối, có hôm mẹ hò hét khản cả cổ, hôm khác bố bực quá tét cho Việt mấy cái thước vào mông. Ấy thế mà không hôm nào Việt làm xong hết được bài tập trước 10h30 có hôm muộn đến hơn 11h, đấy mới chỉ là chép lại cho đủ bài trên lớp và các bài tập trên lớp chứ không phải làm thêm bài.
Hằng lại là một trường khác, là nữ nhưng Hằng cũng nghịch không kém các bạn nam trong lớp. Trong cặp của Hằng luôn có rất nhiều đồ chơi, búp bê…. Ở trường Hằng luôn bị cô giáo nhắc nhở không được nói chuyện trong giờ học, phải viết bài đầy đủ, không chịu khó nghe giảng trên lớp…thậm chí Hằng còn đánh bạn.
Mẹ Hằng cũng rất buồn vì con, nhiều lần bố mẹ Hằng phải đến gặp cô giáo vì những lỗi trên lớp của Hằng, ở nhà Hằng cũng rất bướng bỉnh ương ngạnh, thích thì học không thích thì dù bố mẹ có quát nạt, hăm dọa hay dỗ dành thế nào Hằng cũng không chịu học, nhiều lúc bị bố mẹ phạt roi Hăng còn ngồi lỳ ra không thèm khóc, nhiều lúc bất lực mẹ Hằng bật khóc và nói “bố mẹ chịu thua Hằng rồi, chẳng còn cách nào để dạy được Hằng nữa”
Bố mẹ hãy tìm hiểu kỹ và chọn những phương pháp giáo dục phù hợp với con
Việc trước tiên các bậc cha mẹ nên nói chuyện và tìm hiểu kỹ nguyên nhân tại sao con lười học, Đôi khi nguyên nhân rất đơn giản tại bố mẹ chăm con quá làm con ỉ lại hoặc quá nuông chiều con, không nên cho trẻ mang đồ chơi đến lớp hay vừa học vừa chơi, chú ý đến sức khỏe của trẻ, trẻ ốm yếu cũng là nguyên nhân khiến trẻ khó học.
Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến con lười học, sợ học bố mẹ nên nói chuyện với con (đừng coi con còn quá bé không biết nói chuyện). Qua buổi nói chuyện một cách nghiêm túc hãy xác định tầm quan trọng của việc học đối với con. Hãy kể cho con nghe những điển hình học tốt và những thành công của họ cũng như nêu những nhân vật không học đến nơi đến chốn, cuối cùng phải gánh chịu hậu quả. Hãy cho con thấy nếu việc con học chăm, học giỏi sẽ được những lợi ích gì từ việc ở lớp được các bạn khâm phục, được cô giáo yêu mến, ở nhà bố mẹ sẽ vui hơn, để khuyến khích con tự giác học…
Đặc biệt nên khuyến khích động viên trẻ tự giác học tạp, nên khen và động viên trẻ đúng lúc có thể bằng những phần thưởng mà con thích. Dạy trẻ rất cần sự nghiêm khắc nhưng không nên nạt nộ, đánh mắng trẻ khiến trẻ mất tâm lý, trở nên sợ học. Khi con bị điểm kém bố mẹ cũng không nên rầy la nhiều mà hãy cùng con phân tích tại sao con bị điểm kém và hướng dẫn con cách khắc phục.
Bố mẹ củng rất cần lập thời gian biểu cho trẻ chủ động trong các khoảng thời gian của mình. Không nên bắt ép trẻ học quá muộn, thời gian học không nên kéo dài quá khiến trẻ không thể tập trung. Nên hướng dẫn trẻ học và ôn bài từ dễ đến khó, từ những môn trẻ yêu thích hơn dần đến các môn khác, không nên bắt ép trẻ quá mức, đặc biệt có những hôm trẻ ốm, mệt sức khỏe không đảm bào nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn.
Trong thời gian này phụ huynh cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhà trường thông qua trao đổi và hợp tác với giáo viên để có sự điều chỉnh phù hợp từ học tập ở nhà đến rèn luyện ở trường giúp trẻ vượt qua thời gian đầu chưa quen với những thay đổi. Sau khi trẻ đã từ bỏ được những thói quen xấu và dần đi vào nề nếp lúc đó bố mẹ và giáo viên có được thành quả như mình mong muốn.
Nhiều gia đình luôn tái diễn tình trạng quát mắng, đánh đòn thì con mới chịu ngồi vào bàn học. Làm thế nào để giúp trẻ chăm học và học tốt đang là vấn đề được rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm
Các chuyên gia về sư phạm đã đưa ra những lời khuyên cho các bố mẹ như sau:
- Tìm hiểu lí do tại sao con không muốn học bài bằng cách gần gũi, hỏi han con một cách nhẹ nhàng. Không nên mắng mỏ, dọa nạt con. Đồng thời cha mẹ nên gặp riêng cô giáo chủ nhiệm để tìm hiểu nguyên nhân và bàn biện pháp khắc phục.
- Cùng con lập thời gian biểu hợp lí, cân bằng giữa học tập, vui chơi, làm việc nhà…để con không dành quá nhiều thời gian cho việc học dẫn đến chán học.
- Không bao giờ so sánh con với các bạn khác để lấy đó làm cớ phê bình, chỉ trích con. Điều đó vừa làm cho con chán nản vì thua kém bạn bè vừa lo lắng mình không thể bằng các bạn.
- Dành thời gian từ 30-60 phút mỗi ngày để giám sát và hướng dẫn con học nhưng không nên để con có cảm giác bị theo dõi mà chỉ nên gợi ý và động viên trẻ. Nếu trẻ chịu khó làm bài thì có đúng hay sai cũng phải khen ngợi để trẻ cảm thấy hào hứng.
- Tạo cho trẻ một môi trường học tập yên tĩnh, thoáng mát. Bé sẽ khó tập trung học nếu tiếng ồn quá nhiều vọng đến từ ti vi, đài, tiếng nói chuyện. Nên tham khảo ý kiến của con khi thiết kế góc học tập cho con.
- Có thể cho con nghỉ một buổi học ở nhà nếu con mệt hay có điều gì lo lắng.
- Đừng tiếc lời khen ngợi và những món quà nho nhỏ cho con, vì đó là liều thuốc kích thích tinh thần con rất tốt, giúp trẻ tự giác học bài mà không cần phải nhắc nhở.
- Trong thời gian con học, cha mẹ không nên nói chuyện quá to hay ngồi xem ti vi với tiếng loa quá lớn. Không chỉ làm bé mất tập trung mà còn khiến trẻ cảm thấy đơn độc, ghen tỵ vì trong khi mọi người ngồi chơi thì trẻ lại phải học…
Để giúp trẻ chăm học, trước tiên cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ lười học. Đó có thể là do tình trạng sức khoẻ của trẻ có vấn đề như các bệnh về mắt, tai hay trẻ không ngủ đủ thời gian, chế độ ăn uống chưa hợp lý.
Thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của trẻ quá hạn hẹp khiến thần kinh bị ức chế, mệt mỏi… Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sức khoẻ và như vậy trẻ sẽ không theo được nhịp học trong lớp dẫn đến sự chán nản không muốn học.
Bên cạnh đó còn có thể do tâm lý nhu nhược bẩm sinh của trẻ. Tức là trẻ sinh ra vốn chậm chạp này khiến trẻ sinh ì, tạo thành thói quen lười nhác. Song nếu trẻ quá hiếu động cũng là một nguyên nhân, vì tính hiếu động nhiều khi biến thành sự ham chơi nên sẽ không tập trung học hành.
Và một nguyên nhân quan trọng nữa là sự lười học của trẻ rất có thể được tạo nên do chính cha mẹ chúng. Đó là khi trẻ cảm thấy thất vọng hay chán ghét cha mẹ, như hàng ngày chúng phải chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa hoặc cảm thấy cha mẹ không quan tâm, không thương yêu mình, không để ý đến chuyện học hành của con… Từ những lý do trên đã hình thành ở trẻ tâm lý mệt mỏi, chán nản, bất cần, thờ ơ…
Giúp trẻ khắc phục
Trước hết là thái độ của cha mẹ. Khi thấy con cái lười học, hầu hết các bậc phụ huynh thường giận dữ, quát mắng ép con phải học nhiều hơn. Thậm chí với những đứa trẻ ngang bướng thì bị áp dụng phương pháp trừng phạt như đòn roi, không cho ăn cơm hay doạ cho đi bụi đời… Đó là phương pháp hoàn toàn sai lầm.
Nên nhớ thái độ của cha mẹ đối với việc học tập của con là rất quan trọng. Nếu cha mẹ đối xử với con bằng thái độ tiêu cực thì ngay lập tức chúng sẽ “phản đối” lại bằng những thái độ, việc làm tiêu cực khác. Như chúng sẽ tìm cách nói dối về chuyện điểm số hoặc vẫn đến lớp học thêm như cha mẹ yêu cầu, song cốt để “khuất mắt” bố mẹ.
Một học sinh tâm sự: “Theo em, học có hiệu quả hay không không quan trọng, vì chủ yếu để cho bố, mẹ thấy em rất chăm chỉ đi học, mà chăm đi học tức là chăm học. Còn suốt ngày ở nhà “lởn vởn” sẽ ngay lập tức bị coi là lười học”.
Một em khác tâm sự: “Em phải áp dụng kiểu học đối phó vì ngày nào bố mẹ em cũng bắt ngồi học từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm mới được rời bàn học. Em không thể học liền 5 tiếng, nhưng vì đó là “luật” của bố mẹ nên em phải thực hiện, nhưng bằng cách chỉ tập trung học trong 2 tiếng, thời gian còn lại vẫn ngồi ở bàn học để bố mẹ yên tâm, nhưng em làm việc khác hoặc nghĩ lung tung cho hết thời gian qui định …”.
Chỉ vì để cha mẹ thấy mình chăm học mà các em đã phải nghĩ ra bao trò để “chống đỡ”. Thấy con lười học, đương nhiên là bạn cần có thái độ phê bình. Nhưng trước khi phê bình con, bạn nhất thiết phải tìm hiểu rõ nguyên nhân. Có tìm hiểu rõ mới có cách giải quyết chính đáng.
Lười biếng học là một thói xấu, tuy nhiên thói xấu ấy không khó sửa nếu như có một nhận thức đúng đắn và lòng quyết tâm cao. Vì thế khi phê bình con bạn nên giữ thái độ bình tĩnh, dùng lời nói khéo léo, nhẹ nhàng để chỉ dạy, thuyết phục trẻ. Những lời lẽ thô tục, hành vi bạo lực chỉ đưa trẻ đến tình trạng chống đối rất xấu mà thôi. Và khi trẻ tỏ ra nghe lời, hành động theo những chỉ bảo đúng đắn thì nên tỏ thái độ bao dung, quan tâm, yêu quí chúng nhiều hơn.
Muốn trẻ dễ tiếp thu lời phê bình của bạn thì trước khi phê bình cần biểu dương nhưng ưu điểm trẻ đã đạt được. Như thế chúng sẽ nhận lỗi dễ dàng hơn và có ý thức sửa chữa. Điều quan trọng là hãy cho con bạn một môi trường sống tốt, trong đó vợ chồng bạn giữ vai trò chủ đạo.
Một gia đình yên ấm hạnh phúc sẽ là môi trường tốt để con cái chăm chỉ phấn đấu học hành giỏi giang. Đừng bắt con bạn phải phân tâm bởi bất kì chuyện gì của gia đình, nhất là về đời sống tình cảm, một tinh thần ổn định sẽ khiến trẻ cảm thấy yêu mến cuộc sống, sẽ ham muốn học hỏi để tạo cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.
(ST)