Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có em

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có em

18/04/2015 07:18 PM
430

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có e như thế nào. Những điều cần biết để có được niềm vui trọn vẹn trong gia đình.


Trẻ sang chấn tâm lý vì có em

Phát hiện sự thật, cô con gái liên tục cấu véo và úp gối lên mặt em, chị V.A hoảng hồn.







Đang cô độc ở trên đời, rất nhiều đứa trẻ reo lên vui mừng khi mẹ có em bé đồng nghĩa với việc từ nay chúng sẽ có bạn chơi, có người đồng hành tri kỷ. Thế nhưng, do cách hành xử không khéo của cha mẹ, gia đình và những người lớn xung quanh mà khi đứa em ra đời, những tiếng reo vui ngày nào đó lại biến thành tiếng khóc nghẹn ngào, thậm chí là hành vi tiêu cực, sang chấn tâm lý nặng nề

“Tội phạm” tuổi lên 3

Ở cùng khu tập thể với nhau nên khi biết tôi mang bầu đứa thứ hai, cách đây 5 năm, chị V.A (K4 Khu tập thể Bách Khoa, HN) đã kéo tôi vào nói chuyện để truyền đạt kinh nghiệm. Chị V.A có hai đứa con, ở thời điểm chị nói chuyện với tôi đứa lớn con gái 6 tuổi, đứa bé con trai 3 tuổi. Hai chị em con chị V.A rất thương nhau. Con chị luôn nhường nhịn em từng miếng bánh, bộ đồ chơi, suýt xoa bật khóc khi em ngã. Còn thằng em lúc nào cũng quấn quít với chị gái, ăn gì cũng nhớ phần chị. “Để có được hôm nay chị đã trải qua giai đoạn rất kinh khủng đấy em ạ” – thấy tôi say mê ngắm hai đứa trẻ chơi với nhau chị V.A nói.

Là một nhà giáo hiểu tâm lý trẻ nên khi bắt đầu mang thai đứa thứ hai, chị V.A đã chuẩn bị tâm lý dần cho đứa con gái lớn. Thế nhưng dường như “liều vắc xin ” sớm ấy vẫn chưa đủ dùng để điều trị những tình huống diễn ra khi em bé ra đời. Cuộc vượt cạn khó khăn khiến chị V.A vô cùng mệt mỏi, trong 3 tháng đầu sau sinh phần lớn thời gian chị chỉ dành chăm sóc em bé và nằm nghỉ. Mỗi khi đứa con gái đầu 3 tuổi xán đến dụi đầu vào ngực mẹ, chị chỉ hỏi han chiếu lệ rồi xua con đi chơi cho mẹ nghỉ. Đã thế, anh chồng chị cũng vụng về cư xử, vợ mệt công việc chăm sóc bà đẻ con thơ làm anh túi bụi, con bé lớn nhiều lúc bị bố mắng oan vì đã không giúp được bố lại hay làm rơi cái nọ đổ cái kia. Rồi họ hàng, bạn bè đến thăm em bé cứ vô tâm trêu con chị lớn là từ nay ra rìa nhé, nhường bố mẹ cho em nhé…

Trẻ sang chấn tâm lý vì có em - 1
Do cách hành xử không khéo của người lớn nên khi có em, nhiều trẻ cảm thấy bị 'sốc'. (Ảnh minh họa).

Sau đó không lâu, chị thấy trên người thằng cu em có rất nhiều nốt đỏ và thỉnh thoảng đang nằm chơi ngoan lại thấy khóc ré lên. Cứ ngỡ con bị côn trùng đốt chị chỉ chú tâm chuyện buông màn và xịt muỗi. Rồi có lần khi cu em được hơn 4 tháng, chạy từ dưới bếp lên, chị thấy con mặt mũi tím tái, hơi thở yếu ớt, cạnh đó lại cái gối. Cứ ngỡ con đang tập lẫy úp mặt vào gối khó thở, từ lần đó chị rất cẩn thận trong chuyện xếp cất gối chăn. Thế nhưng sự thật mà chị V.A vô tình chứng kiến đã khiến chị kinh hoảng cho tới bây giờ. Vừa xuống bếp 5 phút, thoáng nghe tiếng cu em kêu u ơ chị vào phòng thì thấy con chị đang úp cái gối lên mặt thằng em và lấy hai tay giữ chặt. Chị hốt hoảng gỡ tay con ra và hỏi: “Sao con lại làm thế, con có biết làm thế là giết chết em hay không?”, thì con bé khóc òa: “Nhưng con ghét em lắm, vì nó mà bố mẹ không yêu con nữa, con bị ra rìa. Con không muốn có em nữa”. Nghe những lời nức nở của con, chị V.A giật mình vì biết đây là lần thứ hai con gái chị úp gối lên mặt em, còn những nốt đỏ là do nó véo em cho bõ ghét. Chị V.A thấy tự giận cách hành xử vô tâm của mình bấy lâu. Tí nữa là gây ra chuyện lớn.

Bình tĩnh + yêu thương sẽ hóa giải vấn đề

Nhìn ở góc độ y học những hành vi của con gái lớn chị V.A có nguyên nhân là do sang chấn tâm lý hậu quả của chuyện có em. Thậm chí có nhiều đưa trẻ đã phải tới bệnh viện điều trị. Chuyên viên tâm lý Lê Minh Công (Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, ông đã gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Bé A.V, 10 tuổi được ba mẹ đưa đến trung tâm với các triệu chứng đau đầu, căng thẳng, cáu gắt, chán ăn. Chuyên gia tâm lý xác định các triệu chứng trên xuất hiện sau khi bé có em được 3 tháng. Do thường xuyên phải chăm sóc bé, mẹ A.V rơi vào trạng thái stress kéo dài và đôi lúc đánh mắng em bởi em vụng về không biết làm việc gì giúp mẹ, còn ba thì thường xuyên vắng nhà, không chia sẻ và dành nhiều thời gian cho bé như trước. A.V rất ghét em bé của mình và cho rằng vì em bé mà ba mẹ không yêu mình nữa.

Theo chuyên viên tâm lý Lê Minh Công, muốn đơn giản hóa việc dạy trẻ khi có em thì ngay từ khi trẻ chỉ có một mình mà chưa có em bé thứ hai, hãy giáo dục trẻ tính tự lập, nhân cách vững vàng, độc lập trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt đừng quá nuông chiều trẻ.

Theo chuyên viên tâm lý Lê Minh Công, Trước khi có em bé, trẻ thường nhận được nhiều tình thương của ba mẹ, là trung tâm của cả gia đình và được cả gia đình thương yêu, chiều chuộng. Chính vì vậy, khi mất ��i sự quan tâm đó của cha mẹ, trẻ thường rơi vào tâm trạng đau khổ, luôn so sánh, đôi khi cả thù ghét em bé mới sinh. Do đó, trước khi sinh em bé, cả gia đình cần phải chuẩn bị kỹ về vật chất và tinh thần. Điều này rất quan trọng, giúp gia đình ổn định về mọi mặt kể cả sau khi sinh em bé. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ, giúp trẻ có một tâm thế háo hức chờ đón em bé ra đời. Gieo vào lòng trẻ tình yêu thương và sự quan tâm đối với em bé. Nếu các bạn thấy việc làm đó rất khó khăn, hãy gặp một chuyên gia tư vấn tâm lý nhờ giúp đỡ. Sau khi sinh em bé, mặc dù rất bận bịu nhưng cả ba và mẹ hãy cố gắng dành thời gian cho trẻ. Lắng nghe và chia sẻ với trẻ những khó khăn trong cuộc sống.

Còn khi đối diện với tình huống bé la hét, nhéo má, cắn, giật tóc em nhỏ…,  bố mẹ nên kéo bé ra và giải thích, tránh la mắng hoặc đánh vì rất dễ làm tổn thương bé. Không nên để bé ở lại một mình cạnh bé sơ sinh vì đa phần khi chưa hiểu được thực chất vấn đề, các bé có thể làm phương hại đến em của mình, bởi chưa ý thức được nên bé hành vi của bé sẽ gây ra những hậu quả rất nặng nề.
 


Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có em:


"Cu Bin/ cái Bống sắp bị "ra rìa" nhé!" là câu không nên nói nhất để tránh shock cho bé khi sắp có em.

Nhìn thấy bụng mẹ ngày càng to lên, ban đầu không ít trẻ ngạc nhiên, thích thú. Nhưng đến khi thấy bố mẹ ngày đêm mong ngóng em bé ra đời, rồi mua hết đồ này đồ kia cho em bé, trẻ bắt đầu ghen tị. Và chúng càng buồn hơn khi nhiều người lớn vô tình trêu chọc: "Mẹ sắp sinh em bé, cu Bin/ cái Bống sắp bị "ra rìa" nhé!". Sợ bị mất vị trí độc tôn trong gia đình, sợ cha mẹ không yêu mình nữa và lo lắng rồi cả ông bà, họ hàng... mọi người đều chỉ yêu em bé mới, không quan tâm đến mình, trẻ bỗng thấy em bé thật đáng ghét.

Thực tế, có không ít các bà mẹ khi mang thai rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc stress nhẹ. Cơ thể nặng nề, mệt mỏi, thai nghén, mất ngủ khiến cho họ không chăm sóc con tốt như trước. Điều này khiến cho trẻ có cảm giác bị lãng quên và chúng cảm thấy cô đơn. Nhất là đối với trẻ sinh ra trong các gia đình khá giả vốn luôn được mọi người quan tâm. Ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ, trẻ đã dễ dàng nhận ra các nguy cơ bị "ra rìa" như: Không được ngủ cùng mẹ, không được mẹ bế nữa, không được đi chơi nhiều như trước, không được mẹ tắm và buồn nhất là không được "sờ ti" nữa... từng ấy điều càng làm cho trẻ củng cố niềm tin, em bé là kẻ sẽ chiếm mất "ngôi vị" của mình trong gia đình. 

Biểu hiện trẻ bị shock 

Đa phần trẻ sẽ ít nói và đùa nghịch hơn. Một số trẻ buồn bã ra mặt và rất dễ khóc vì lúc nào cũng cảm thấy tủi thân. Một số thì cố tỏ ra như không có chuyện gì, nhưng trong lòng lại rất buồn. Số khác thì nghịch ngợm hơn hẳn hoặc dễ nóng nảy, cáu gắt với mọi người. Dường như tất cả những biểu hiện đó đều chỉ nhằm thu hút sự chú ý của cha mẹ. 



Khi mọi cố gắng thu hút không có tác dụng, khi cha mẹ quan tâm thái quá đến em bé sắp ra đời, trẻ bị bỏ quên sẽ rất dễ có những biểu hiện tiêu cực đối với em bé. Trẻ nói những điều không tốt về em bé với mọi người, chê em bé xấu, không ngoan, hay khóc... Có trẻ lén lút cấu em để em khóc váng lên vì nghĩ rằng em bé khóc, mẹ sẽ không yêu em nữa (vì trước đây, mỗi lần trẻ khóc, mẹ nói sẽ không yêu nữa). Có trẻ thì luôn tranh giành đồ ăn với em, vì thấy em bé có nhiều đồ ăn lạ không giống như đồ trẻ thường được ăn hàng ngày. Có trẻ còn cố tình đẩy em, hoặc làm em ngã... cho bõ tức. 

Giảm shock và chuẩn bị tinh thần cho con 

Không phải là tất cả trẻ nhỏ đều bị shock khi cha mẹ có thêm em bé mới. Thái độ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử, quan tâm của cha mẹ. 

Khi mang thai, người mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về em bé trong bụng. Bạn có thể hỏi bé xem bé thích em trai hay em gái, thích đặt tên em là gì, sau này thích chơi gì cùng em? Dù bận rộn và mệt mỏi, các bà mẹ không nên từ bỏ thói quen chăm sóc con thường ngày, trừ những việc quá sức hoặc cần phải kiêng cữ. Nên thường xuyên hỏi han chuyện học hành, vui chơi, âu yếm, vuốt ve, an ủi để trẻ không thấy mình bị cô đơn. Về phía người cha thì càng nên quan tâm đến con nhiều hơn, nên giúp vợ chăm sóc và trò chuyện cùng con về mẹ và em bé sắp ra đời. Sẽ tốt hơn, nếu chúng ta biết tạo nên tầm quan trọng và trách nhiệm làm anh, làm chị đối với trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy mình lớn dần lên và thấy yêu cha mẹ, yêu em bé hơn. 

Bé được chọn đồ chơi cho em, và đừng quên mua một vài món đồ chơi để con cảm thấy được đối xử công bằng. 

Cha mẹ cũng nên tập dần cho trẻ thói quen ngủ riêng (nên huấn luyện cho trẻ ngủ riêng trước khi bắt đầu mang thai thì càng tốt). Khi trẻ chưa quen, thỉnh thoảng bạn có thể để trẻ ngủ với bố hay với ông bà để dần dần quen với việc xa mẹ. 

Rất nhiều trẻ băn khoăn hỏi mẹ: Có em bé, mẹ có yêu con nữa không? Vì sao nhà mình lại có thêm em bé? Bố mẹ có con còn chưa đủ ạ? Trước những câu hỏi hóc búa này, bạn nên giải thích một cách nhẹ nhàng như: "Có em bé, mẹ vẫn yêu em chứ. Mẹ yêu cả hai con vì hai con là những thiên thần của cha mẹ mà". Hoặc: "Mẹ yêu con lắm nên mới sinh em bé để cùng chơi với con cho đỡ buồn khi mẹ vắng nhà...."

Khi mẹ tới bệnh viện sinh em bé, người cha nên đưa trẻ vào viện thăm mẹ và em để được cảm nhận tình yêu thương trong gia đình. 

Không ít trẻ cảm thấy khó chịu khi trở thành chân sai vặt và phải làm rất nhiều việc cho em. Bé Bông từng "mách" với mẹ: "Em bé chẳng đáng yêu chút nào, suốt ngày chỉ ăn rồi ngủ với khóc và ị đùn". Đó là suy nghĩ kiểu trẻ con, điều quan trọng là chúng ta phải giải thích cho trẻ hiểu được rằng, mọi em bé mới sinh đều như thế, kể cả con trước đây cũng thế, nhưng chỉ mấy năm nữa, em bé lớn lên sẽ ngoan và đáng yêu như con bây giờ. 

Chú ý hành động của trẻ với em bé 

Ngoài việc phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc trẻ, các bậc làm cha, làm mẹ cũng cần chú ý những hành động của trẻ đối với em bé. Vì ghen tị, trẻ có thể gây hại cho em bé. Đó là những hành động bộc phát vì trẻ còn nhỏ nên chưa thể nhận thức để phân biệt sai trái và các hậu quả của hành động do mình gây ra. Trước những tình huống này, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và khéo léo giải thích để con hiểu vì sao không nên làm như thế. Đừng la mắng hay đánh đòn con, vì điều đó càng khiến cho trẻ thấy tủi thân và cô đơn, trẻ sẽ thấy là cha mẹ yêu bé và bênh bé, chẳng còn yêu mình nữa. Cùng với giải thích, cha mẹ nên tỏ ra quan tâm đến con nhiều hơn, dần dần, trẻ sẽ tự hiểu ra rằng bố mẹ vẫn yêu thương mình và mình cũng cần phải yêu thương em bé, vì tất cả là một gia đình.

Nếu trẻ vẫn không thay đổi thái độ và tiếp tục có những hành động thù địch với em, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em càng sớm càng tốt để nhờ các bác sĩ tâm lý giúp đỡ. Điều đó sẽ tránh được mối nguy hiểm cho cả trẻ và em bé mới ra đời.

Tại sao trẻ hay nói dối

Trẻ hiếu động quá

Nguyên nhân rối loạn hành vi ở trẻ

Tâm lý trẻ vị thành niên

(St)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý