Cư xử với người yêu cũ của chồng như thế nào. Cách cư xử tốt nhất với người yêu cũ của chồng.
Ám ảnh về người yêu cũ của chồng
Người yêu cũ của chồng như “mối nguy tiềm ẩn” với bất kỳ người vợ nào. Dù cô người cũ là đoan trang hay “lả lơi” thì cũng hiếm có người vợ nào thấy an lòng khi hai người họ còn liên lạc với nhau, bằng cách này hay cách khác.
Nhiều người lo sợ “tình cũ không rủ cũng tới” và cũng có không ít anh chồng “nem chả” bởi xao lòng trước người cũ. Phụ nữ vẫn tin rằng, dù chồng mình có đàng hoàng đến mấy thì chắc vẫn nuối tiếc tình cũ hoặc nếu đối phương “chủ động” thì các anh cũng muốn “nhào vô” vì chẳng mất gì. Chính điều đó khiến chị em, cứ thấy chồng “mập mờ” với người cũ, chẳng cần biết có trong sáng hay không là phải yêu cầu cắt đứt “cho nó lành”.
Người chồng nên hiểu tâm lý này của vợ. Bởi nếu lật ngược lại vấn đề, nếu thấy vợ mình sáng tối chat chit với người yêu cũ thì có anh nào không khó chịu.
Tuy nhiên, cách ứng xử của đôi bên mới thực sự quan trọng. Người nghi ngờ cần sáng suốt để không suy diễn quá đáng. Người bị nghi cần biết có khoảng dừng để không làm căng thẳng tình cảm vợ chồng. Hãy để chồng mình kể về người cũ như một người bạn. Qua đó, nhắc nhở anh ấy không được làm thế này, mà nên làm thế kia... sao cho vợ chồng thấy dễ chịu. Còn hơn cấm đoán gay gắt ngay từ đầu, người chồng không muốn chia sẻ gì, âm thầm gặp gỡ thì mọi chuyện càng nhanh nằm ngoài tầm kiểm soát.
Nếu như một ngày anh ấy bỗng nhiên quan tâm nhiều đến người yêu cũ của mình thì bạn cũng đừng quá sốt ruột hay ghen tuông. Hãy là người phụ nữ có cách ứng xử tế nhị, khéo léo.
Tình cũ là một phần của ký ức mỗi người. Nó là điều không dễ quên và cũng chẳng cần thiết phải quên. Nếu như mối tình ấy đã từng rất sâu sắc thì nó càng trở nên quan trọng trong ký ức của mỗi con người. Riêng điều này thôi đã là lý do để mỗi người luôn trân trọng tình cũ, người xưa.
Khi gặp lại người cũ, cả nam giới và phụ nữ thường cố gắng đối xử giống như một người bạn. Sự quan tâm của họ trước hết là sự quan tâm đến một người bạn lâu không gặp. Hơn thế, tâm lý tò mò về sự đổi thay, cuộc sống hiện tại của người cũ làm cho họ cảm thấy nóng lòng khi gặp mặt. Điều này dễ làm người bạn đời nghĩ rằng đó là do những cảm xúc trước đây sống lại. Họ nhìn sự việc này với con mắt dò xét và nghi hoặc. Nhưng thực ra, “động cơ” gặp người cũ lúc này hoàn toàn nghiêm túc.
Khi từ cuộc gặp trở về, tâm trạng của người trong cuộc thường bất ổn tý chút. Dù muốn hay không thì những kỷ niệm về ngày xưa cũng sống lại. Tâm trạng họ sẽ có sự xáo trộn ít nhiều. Nếu như thấy chồng bạn bỗng dưng trầm lắng hơn sau khi trở về từ cuộc gặp “lịch sử” thì đó cũng không phải là điều quá lo lắng. Cứ để anh ấy ở một mình với những suy nghĩ. Đây chưa phải là thời điểm để bạn hỏi han anh ấy nhiều thứ về “cô ta”.
Khi gặp lại, nếu như thấy người cũ hạnh phúc là một điều đáng mừng. Nhưng nếu như người ấy chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ thì lại làm người kia trăn trở. Họ vừa thương vừa cảm thấy day dứt. Họ muốn giúp đỡ người ấy trong khả năng có thể. Điều này làm cho người bạn đời hiện tại hiểu nhầm là tình xưa đang sống dậy, hai người đang làm tất cả để hàn gắn tình cảm. Và thế là những cơn ghen tuông, trách mắng có cơ hội bùng phát. Nếu như bạn rơi vào hoàn cảnh này, hãy tìm hiểu một cách tế nhị về cuộc sống hiện tại của “cô gái ấy”. Đồng thời chia sẻ những nỗi niềm của chồng mình xem anh ấy thực sự muốn gì. Nếu như việc anh ấy làm không có gì quá đáng thì bạn nên vui vẻ chấp nhận và ủng hộ.
Không thể bắt anh ấy đối xử với người xưa như với một người quen biết bình thường. Bởi “tình xưa nghĩa cũ” dù sao cũng là một điều thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người. Đối xử với tình cũ của chồng do vậy là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Sự khéo léo và tấm lòng bao dung của bạn là cách tốt nhất để chồng cảm nhận rõ ràng đó vẫn là “cái cũ” mà thôi.
Đối xử với con riêng của chồng như thế nào
Nỗi sợ hãi của chồng khi sắp lên chức bố
Cải thiện quan hệ mẹ chồng nàng dâu
(St)