Cai sữa là một bước chuyển quan trọng trong sự phát triển những năm tháng đầu đời của bé. Nhưng không ít bà mẹ vô tình rơi vào tình cảnh “đối đầu” với bé do không biết lựa thời điểm và cách cai sữa...
Gian nan hành trình cai sữa
2 lần tiếp theo, chị áp dụng "chiêu" bôi cloroxit, dầu cao hay dùng băng dính vào đầu ti nhưng vẫn không ăn thua vì đến ngày thứ 3, bé "bắt bài" và ăn vạ mẹ, gào khóc suốt đêm, mọi thứ lại như cũ. Hạ quyết tâm, đến lần thứ 4, đúng sinh nhật 2 tuổi của Bin, chị hóa trang lem luốc bầu ti. Mỗi lần bé lật áo mẹ đòi ti, chị lại "ra vẻ" nhăn nhó kêu đau, cùng cả nhà hô "đắng lắm, sợ lắm". Bin cũng thức giấc nhiều lần trong đêm, thương con, sữa mẹ về cương cứng cả ngực trong khi con thì khát sữa đòi lại không được bú. Con khóc, mẹ khóc nhưng nhất quyết không cho ti nữa. Cứ bế bé vỗ về, hát khe khẽ, xong bật điện lên cho bé nhìn thấy ti xanh thật, rồi cho bé uống ít nước. Sau 4 đêm, bé Bin thôi quấy khóc, không đòi ti mẹ, "chiến dịch cai sữa dài kỳ" kết thúc bằng một giấc ngủ trọn vẹn cho cả nhà!
Không chỉ mẹ Bin mà nhiều bà mẹ khác cũng gặp khó khăn khi cai sữa cho bé yêu. Chị Phương kể: Chị có người bạn cũng quyết định cai sữa cho con nên đã gửi bé 20 tháng về nhà ngoại một tuần. Chị làm theo lời mẹ dặn: Nhất định không được vắt sữa đi vì càng vắt càng ra sữa, sau hơn 1 ngày, chị căng tức bầu vú rồi lên cơn sốt. Chị phải xin nghỉ làm, mua thuốc giảm đau về uống nhưng vẫn không đỡ.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động (Hà Nội), đây là những trường hợp do cai sữa không đúng cách, do đó, có thể bị tắc tuyến sữa, viêm, sưng đầu vú, hoặc bị áp xe vú, nhưng không phải là nguyên nhân gây ung thư vú như một số lời đồn thổi!
Chuẩn bị cho cả mẹ và bé
Không được tự ý
sử dụng thuốc
“Việc bôi một ít thuốc kháng sinh liều thấp thông thường không ảnh hưởng xấu đến trẻ, nhưng không được tự ý sử dụng các loại thuốc này. Với cách bôi dầu nóng hay cay cũng nên hạn chế, bởi da trẻ em rất mỏng, nhạy cảm, cần kiểm soát độ nóng, độ cay của thuốc tránh trường hợp bé bị bỏng”.
BS Lê Thị Kim Dung
|
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Cùng với việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, việc chuẩn bị tâm lý trong thời kỳ cai sữa cũng đóng một vai trò quan trọng. Bú mẹ, bé không chỉ nhận được nguồn dinh dưỡng dồi dào, mà còn là sợi dây vô hình gắn kết mẹ và bé. Bé cảm nhận sự ấm áp, an toàn trong vòng tay mẹ. Nếu đột ngột cai sữa, bé không thích ứng được, sẽ có những biểu hiện như khóc lóc, tỉnh giấc ban đêm, chán ăn, quấy phá... Do đó, cần cai sữa từ từ, bằng cách giãn dần các lần bú, ví dụ bình thường bé bú 7-8 lần/ngày, nay có thể giảm xuống còn 3-4 lần. Thay vào đó là tăng dần các bữa ăn dặm trong ngày cho bé, đồng thời kết hợp cho bé ăn ngoài bằng các loại sữa thay thế thông thường như sữa bột, sữa hộp, sữa đặc hay sữa bò. Với sữa, nên cho bé tập ăn bằng thìa.
Cai sữa không khoa học không chỉ ảnh hưởng đến nhịp sinh học, mà còn có thể phát sinh những ảnh hưởng không tốt cho tâm lý trẻ. Điều này càng đáng lưu ý với những trẻ có thời gian bú mẹ lâu và không được bổ sung những thức ăn phụ kịp thời. Cần phải tạo cho bé niềm tin rằng: Cai sữa chứ không "cai mẹ". Khi bé đã quen với hơi mẹ ngày đêm, việc cách ly mẹ (do gửi người thân, hoặc không ngủ cùng bé) rất dễ khiến cho bé cảm giác hụt hẫng, cô đơn, sợ hãi. "Do đó, theo tôi, thay vì "trốn tạm thời", mẹ vẫn nên gần gũi bé nhưng không được cho bé sờ ti, hay cho con bú mà hãy thay thế bằng các loại thức ăn bé khoái khẩu, hoặc hướng bé đến các thú vui khác"- BS Dung chia sẻ.
Từ trước đến nay, nhiều biện pháp cai sữa được "truyền khẩu" trong dân gian và hiện tại nhiều người áp dụng là bôi những vị thuốc đắng hoặc cay lên đầu núm vú, "hoá trang" các màu, dán băng keo... để đánh lạc hướng hay làm giảm dần thói quen bú sữa mẹ của bé. Mỗi phương pháp có thể hiệu quả với bé này nhưng lại vô hiệu với bé kia. Tuỳ từng bé để áp dụng bởi trong nhiều trường hợp, những bé yếu bóng vía, nhạy cảm, hoá trang không khéo có thể làm bé bị tổn thương, sốc, sợ hãi... hoặc phản ứng tiêu cực. Có bé không chỉ sợ ti mẹ mà còn sợ luôn cả mẹ, xa cách mẹ.
Các chuyên gia y khoa đều khẳng định: Không có thời điểm nào cố định cho "sự kiện trọng đại" này, cũng như dấu hiệu để cai sữa cho bé. Ngành y tế khuyến cáo: Nếu mẹ khỏe, không có bệnh tật truyền nhiễm thì nên cho trẻ bú mẹ từ lúc sinh ra đến khi 24 tháng tuổi; Bắt đầu từ tháng thứ 6, cho bé ăn dặm. Không nên cai sữa quá sớm (trước 1 tuổi) ngoại trừ những trường hợp bà mẹ bị các bệnh mãn tính, bị lao, phổi hay HIV... Không cai sữa cho trẻ trong thời kỳ nắng nóng hay thời tiết khắc nghiệt, chuyển mùa. Không cai khi bé đang có vấn đề về sức khoẻ, nhiễm khuẩn, hay suy dinh dưỡng...
Cai sữa đối với một số bé rất dễ, nhưng nếu gặp phải trường hợp "khó bảo", bà mẹ trẻ cũng phải xác định tâm lý kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm. Những ngày đầu khi mới bắt đầu cai, bé rất hay quấy khóc, không nên chỉ vì xót con khóc mà lại cho bé sờ ti hay bú lại. Điều này rất dễ gây nên tình trạng "tái nghiện" và rất khó cai cho lần khác.
Nếu bé có những phản ứng quá tiêu cực, hoặc mẹ nhận thấy biện pháp không thích hợp, nên dừng ngay và để dành lần sau. Trong một số trường hợp, nếu bà mẹ khi cai sữa cho con thấy cương tức ngực quá, có thể băng ngực hoặc dùng thuốc nội tiết làm giảm tiết sữa. Tuyệt đối không được tự tiện dùng thuốc giảm đau mà cần có ý kiến của bác sĩ. Có thể nặn sữa, nhưng không được nặn hết và không nặn thường xuyên bởi càng nặn, càng thông thì sữa càng ra.
Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo và tốt nhất cung cấp cho bé đầy đủ các dưỡng chất, bú mẹ bé sẽ lớn nhanh và có sức đề kháng để phòng chống được bệnh. Cai sữa mẹ chỉ đơn giản là ngừng cung cấp các chất dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ nhưng bé lại được bổ sung bằng nguồn sữa khác.
Quá trình cai sữa cho bé tưởng chừng đơn giản nhưng chẳng hề đơn giản chút nào vì việc cai sữa thường phụ thuộc vào độ tuổi của bé và sự khéo léo của mẹ. Nếu người mẹ thiếu hiểu biết và chọn không đúng thời điểm, dễ xảy ra những tổn hại không đáng có.
Bé nhà mình sắp được 18 tháng tuổi, mình đang có kế hoạch sẽ cai sữa cho con. Mình đã được các chị cơ quan và mọi người xung quanh chỉ bảo hướng dẫn nhiều cách cai sữa nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con. Xin chia sẻ cùng các mẹ để việc cai sữa cho con trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
Quá trình cai sữa cho bé tưởng chừng đơn giản nhưng chẳng hề đơn giản chút nào (Ảnh minh họa).
Cách 1 (cách này là của mẹ mình đấy!)
Ngày xưa mẹ cai sữa cho ba chị em rất đơn giản. Mẹ mình bảo chỉ cần bôi ít cao vào đầu ti, nếu con đòi bú thì trước tiên chỉ cho ngửi thôi đừng cho bé bú ngay. Bé sẽ gửi thấy mùi hăng hắc và sẽ bỏ không bú nữa. Vài ba ngày sẽ quên luôn.
Mẹ mình còn kể ngày ấy, mỗi lần mẹ vạch ti lên mình đều nói “cay lắm”…”cay lắm” và bỏ ti luôn.
Cách 2
Lưu ý: - Mẹ bé không nên cai sữa khi bé đang bị ốm vì sẽ khiến bé khó thích nghi với những thay đổi mới, gây ra biếng ăn, còi xương. - Không cai sữa cho bé trong thời kỳ nắng nóng hay thời tiết khắc nghiệt, chuyển mùa. Không cai sữa khi bé đang có vấn đề về sức khoẻ, nhiễm khuẩn, hay suy dinh dưỡng. - Khi tiến hành cai sữa cần quan tâm đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng của bé để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết thay thế bầu sữa mẹ. - Quá trình cai sữa cho bé các mẹ sẽ rất sốt ruột khi con quấy khóc nhưng các mẹ hãy kiên trì nhé. |
Ví như bạn có thể làm hề trên đầu ti như tô son, buộc sợi chỉ, buộc tóc…bé sẽ sợ và bỏ ti. Đây là cách hay và cũng rất hiệu quả vì rất nhiều chị em đã áp dụng thành công.
Cách 3
Bạn có thể tạm xa bé 2 - 3 ngày. Có thể vào các ngày lễ bạn cho bé về quê thăm ông bà. Đấy cũng là cách để giúp bạn cai sữa cho bé.
Cách 4
Một số người còn giã lá lốt hay lá dâu để lấy nước uống vì sau khi uống 2 loại nước này, mẹ sẽ mất sữa. Lúc bé ti mẹ mà thấy không có sữa sẽ chán và tự bỏ.
Cách này cũng rất hiệu quả nhưng mẹ sẽ bị rát và đau đầu ti khi bé đòi bú trong những ngày đầu.
Cách 5
Mẹ bé thay vì hóa trang đầu ti hay uống nước để làm bớt sữa thì có thể chế biến cho bé các món ăn ngon, hợp khẩu vị với bé. Mẹ bé có thể làm thưa dần các bữa bú của bé. Ví như ngày bé thường ti mẹ 5 lần/ngày thì dần dần giảm xuống 3 -4 lần/ngày và 1-2 lần/ngày để thay vào đó là các bữa sữa hoặc những đồ uống, hoa quả, bữa ăn phụ cho bé.
Cách này thì khoa học hơn nhưng mẹ sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể cai sữa cho bé.
Đấy là cách để cai sữa cho bé còn về phần mẹ thì phải làm sao đây khi dòng sữa về liên tục sẽ làm cương, tức khó chịu. Mẹ bé hãy
- Lấy lá bắp cải cho vào tủ lạnh rồi úp lên ngực, mỗi bên 1 lá hay có thể giã nát ra rồi lấy hai chiếc khăn sữa của con cho lá bắp cải vào và úp lên hai bầu ti, cách này sữa sẽ rút nhanh hơn.
- Khi sữa căng bạn có thể dùng tay hoặc máy để vắt sữa nhưng mình được tư vấn là không nên vắt kiệt chỉ nên vắt theo nguyên tắc giãn dần giữa các lần và giảm dần lượng sữa vắt ra, trước khi vắt sữa bạn nên lấy khăn ấm đắp lên hai bầu ngực để cho mềm rồi hãy vắt nếu không sẽ bị đau đấy.
Bạn không nên ngừng hẳn việc cho bé bú vì điều này có thể khiến bé bị bất ngờ và sinh ra thói lười ăn. Tốt nhất, bạn nên giảm từ từ số lần cho bé bú: Nếu bạn thường cho bé bú 5-6 lần thì có thể giảm còn 2-3 lần và cuối cùng là còn khoảng 1 lần trước khi bạn cai sữa hẳn cho bé.
- Rút ngắn thời gian cho bé bú: Phương pháp này đòi hỏi bạn nên chủ động khống chế thời gian cho bé tiếp cận với ti mẹ. Chẳng hạn, trước đây mỗi lần bé bú kéo dài 5-7 phút, bây giờ, bạn cắt xuống còn 2-3 phút/lần.
- Bạn có thể thay các cữ bú bằng những món ăn bé ưa thích để tạo cảm giác ngon miệng và bé không quấy khóc. Bạn nên chế biến những món ăn thật mềm, nhỏ như cháo loãng hay bột thành các món ăn dặm cho bé và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Bạn không nên cai sữa cho bé vào những ngày thời tiết xấu (quá nóng hoặc quá lạnh) sẽ khiến cơ thể bé khó chịu. Bạn cũng tránh cai sữa khi bé ốm (hoặc bị bệnh) vì sự thay đổi thói quen dinh dưỡng trong những điều kiện này sẽ khiến bé khó chịu hơn.
- Khi cai sữa, bé có thể quấy khóc nhiều hơn. Tuy vậy, bạn không nên “mềm lòng” chiều theo sở thích của bé. Bạn cũng không nên để bé có thói quen sờ ti mẹ vì điều này có thể gợi cơn thèm bú cho bé.
- Bạn có thể cách ly bé bằng việc gửi bé cho ông bà trong một khoảng thời gian nhất định để bé quen dần với việc ngừng bú mẹ. Nếu không, bạn có thể cho bé ngủ riêng phòng với ông bà vì ban đêm là thời điểm nhu cầu ti mẹ của bé khá cao.
- Ngoài ra, bạn có thể thử cách dán băng dính lên đầu ti mẹ và bảo “Mẹ bị đau” để bé từ chối bú. Hoặc bạn có thể dùng bút màu vẽ hình lên đầu vú để bé sợ không dám bú.
- Các bác sĩ khuyến cáo rằng, người mẹ phải thật cẩn thận khi muốn bôi các loại thuốc đắng, dầu xoa… lên đầu vú để bé ngăn bé bú. Một số hóa chất có khả năng gây hại cho cơ thể nếu bé nuốt phải.
- Nếu bạn kiên trì áp dụng mọi biện pháp mà việc cai sữa cho bé không thành công, thì đó có thể là do bạn chọn thời điểm chưa thích hợp. Trường hợp này, bạn nên đợi thêm một thời gian nữa (khi bé khỏe hơn hoặc thời tiết tốt hơn) rồi mới nên tiếp tục cai sữa cho bé.
Thời điểm cai sữa phù hợp cho bé
Phần lớn các bé đều không thích thú nếu phải chuyển từ bú mẹ sang bú bình hoàn toàn. Nhiều bà mẹ thường có xu hướng cai sữa khi bé được 8-9 tháng tuổi. Nguyên nhân là vì thời điểm này, sữa mẹ không còn đủ các nguồn dưỡng chất cho bé nữa.
Các chuyên gia cho rằng, bạn không nên cai sữa cho bé sớm quá (trước 6 tháng tuổi), cũng không nên muộn quá vì để lâu bé sẽ khó cai sữa.
Cần nhấn mạnh rằng, không có thời điểm nào là tuyệt đối chính xác để cai sữa cho bé. Việc lựa chọn thời gian cai sữa cho bé phụ thuộc phần lớn vào người mẹ. Các bác sĩ thuộc Viện Nhi khoa Hoa Kỳ gợi ý, người mẹ không nên cai sữa cho bé trước 1 tuổi để đảm bảo quá trình phát triển ổn định của bé.
Sau khi cai sữa, bạn nên chú ý tới chế độ ăn dặm (bao gồm cả sữa ngoài) cho bé, sữa bình hàng ngày là nguồn dinh dưỡng quý với sự phát triển của bé. Các loại sữa đặc, sưa tươi chỉ nên áp dụng cho bé lớn hơn 1 tuổi.
Bí quyết nào có thể giúp mẹ cai sữa dễ dàng cho bé, cai sữa như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con... là nỗi băn khoăn của các bà mẹ trẻ.
Dưới đây là một số bí quyết giúp mẹ có phương pháp đúng khi cai sữa mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của con:
Cai sữa khi bé tròn 24 tháng tuổi
Đây là tiêu chuẩn được Bộ y tế khuyến cáo. Tuy nhiên vì một số lý do mà các bà mẹ có thể sẽ phải cai sữa cho con sớm hơn.
Mẹ không nên cai sữa đột ngột vì dễ làm cho trẻ bị sang chấn tinh thần và dễ sinh biếng ăn. Với trẻ nhỏ, bú mẹ không chỉ là một nhu cầu ăn uống mà còn là một nhu cầu tình cảm, muốn được mẹ ôm ấp, bế ẵm. Vì vậy, đột ngột ngừng hẳn việc cho con bú có thể khiến trẻ bị sốc. Tốt nhất là nên giảm từ từ, nếu vẫn cho bú 4-5 lần một ngày thì giảm thành 3, sau đó thành 2, rồi 1.
Cho bé làm quen với nhiều món ăn hấp dẫn
Khi cai sữa cho bé, bên cạnh việc giảm bú từ từ cho trẻ, mẹ hãy cho trẻ làm quen với nhiều món ăn mới. Khi trẻ thích thú với những món ăn khoái khẩu, việc cai sữa cũng trở nên dễ dàng hơn, lại đảm bảo được dinh dưỡng cho bé.
Không cai sữa cho bé khi thời tiết xấu
Tránh nhất là cai sữa khi trẻ ốm vì đây là lúc trẻ thường hay biếng ăn nên sẽ khó thích nghi với chế độ ăn mới. Đặc biệt, với trẻ bị tiêu chảy thì càng bất lợi vì hệ tiêu hóa của trẻ vốn non yếu nay lại bị bệnh, khả năng hấp thụ thức ăn giảm sút, bệnh tiêu chảy dễ nặng thêm, trẻ càng biếng ăn và dẫn đến suy dinh dưỡng. Lúc này sữa mẹ sẽ là thực ẩm an toàn và tốt nhất cho bé.
Mặt khác, khi trẻ ốm, trẻ có nhu cầu tình cảm được mẹ ôm ấp, bế nựng và bú mẹ. Bú mẹ sẽ giúp bé bớt quấy khóc và ngủ ngon hơn.
“Hóa trang” ti mẹ
Hóa trang ti mẹ là những bí quyết mà các bà mẹ có thể truyền tai nhau vì mỗi mẹ đều có những bí quyết riêng giúp dễ dàng cai sữa cho bé. Một số bí quyết được các mẹ chia sẻ rất hữu hiệu như: bôi 1 chút ớt (đủ để làm bé sợ chứ không làm bỏng môi bé), bôi 1 chút dầu, bôi son đỏ… có thể khiến bé ‘bai bai’ ti mẹ.
Tạm thời cách ly bé với mẹ
Mẹ có thể lên kế hoạch gửi bé về nhà bà nội/bà ngoại một thời gian hoặc cho bé ngủ riêng để bé giảm dần việc bú mẹ.
Mặc dù cai sữa cho con các bà mẹ sẽ rất sốt ruột khi con quấy khóc nhưng các mẹ hãy kiên trì, cộng thêm một chút kiên quyết vì thay đổi này sẽ giúp cho bé trưởng thành hơn. Chúc các mẹ cai sữa cho bé thành công!
Người chỉ đơn thuần sử dụng mẹo cai sữa “truyền khẩu” dân gian, người tuân thủ một cách có quy tắc từng bước của cách cai sữa hiện đại. Mỗi người một cách, điều quan trọng là “công cuộc” cai sữa thành công, cả mẹ và bé yêu được đảm bảo sức khỏe...
Những “kỷ niệm” khó quên
Ngoài những cách cai sữa chúng tôi đã nêu ở bài trước như: Mẹ quấn tóc rối vào đầu ti; “hóa trang” bằng cách vẽ “nhem nhuốc” lên đầu hoặc quanh bầu vú bằng màu sắc sặc sỡ; dán băng dính vào đầu ti theo hình chữ thập hay hình sao... (kèm theo là vẻ mặt nhăn nhó hay lời nói chứng tỏ mẹ đang đau); Bôi các loại chất đắng, cay: Mướp đắng, thuốc cloroxit hòa với nước, dầu gió, cao... Cách ly bé với mẹ: Không cho bé ngủ với mẹ hoặc cách ly hẳn trong vài ngày... chúng tôi cũng đã nhận được không ít ý kiến chia sẻ rất thú vị của độc giả.
Bà mẹ có nick name Mehaisam chia sẻ 2 cách cai sữa: Để thật căng sữa đến khi không chịu được nữa, sau đó cho con bú kiệt thì sữa không về nữa. Chị cũng lưu ý: Cách làm này rất đau. Và cách thứ 2 là: Ăn mì tôm hàng ngày, sữa sẽ tiêu dần và hết hẳn. Cách này chị thực hiện thấy hiệu quả lắm, nhẹ nhàng và không gây đau đớn.
Còn với bà mẹ của Tom2007 lại mách bạn bí quyết: Lấy cao sao vàng bôi vào đầu ti, khi bé đòi thì cho vào gần mũi bé. Bé rất sợ mùi đó, tuyệt đối không cho vào miệng. Kết hợp với cách mà chị học được: Luộc 1 quả trứng gà bóc sẵn cho vào bát đặt vào gậm giường (nơi bé có thể tự lấy được), mẹ chỉ cho bé ra lấy rồi cho bé ăn, không nhất thiết phải ăn hết nhưng miễn là bé có ăn, như thế bé sẽ không đòi ti nữa(!?).
Nick name Be_tun_yeu “bật mí”: Thật đơn giản, các bạn mua lá dâu về đun uống thay nước thường sẽ mất sữa ngay. Như vậy khi bú, không thấy có sữa, bé sẽ chán... ti, còn mẹ đỡ cảm giác bị đau tức. Còn muốn cho con không bú sữa mẹ nữa thì các bạn cứ ăn liên tục các thức ăn nặng mùi như tỏi, hạt tiêu, ít ngày các bé sẽ bỏ bú ngay vì mùi sữa có mùi hôi nên các bé không thích và sẽ bỏ.
Meyeumouse25908 lại băn khoăn: Em có nghe thấy mẹ em bảo ăn lá lốt là mất sữa luôn đấy các chị ạ. Con em mới 2 tháng nên em không hỏi kỹ, chỉ thấy có lần mẹ dặn em là đừng có dại mà đụng vào lá lốt, mất sữa luôn thì khổ đấy.
Một bạn đọc ở địa chỉ megacon...@yahoo.com chia sẻ: “Mình đọc trong sách nói rằng lá bắp cải cai sữa rất tốt. Nhưng không phải là ăn đâu mà là lấy lá đắp lên ngực khi bị căng sữa. Còn một thứ ăn được để cai sữa đó là hạt sen. Hạt sen nếu không có tâm sen thì ăn lại có sữa và rất tốt cho mẹ và bé, nhưng nếu có tâm sen thì lại làm mất sữa đấy...”.
Trên diễn đàn lamchame, bà mẹ có nick meBee chia sẻ: Mình có nghe chị bạn mách là cai đúng vào mồng 6 âm, mình làm đúng như vậy. Đêm đó mình cho Bee ngủ với bà ngoại. Nửa đêm, bé cũng tỉnh dậy tìm mẹ nhưng không khóc, thế là thành công luôn...
Thực hư câu chuyện “mẹo vặt”
Theo các chuyên gia Đông y: Dân gian ta không có bài thuốc hay công trình nào chứng minh được việc ăn lá lốt, đắp lá bắp cải hay lá khoai lên bầu ngực sẽ làm giảm cương tức sữa, đau ngực hay giảm khả năng tiết sữa.
Với mẹo “ăn mỳ tôm” như có độc giả phản ánh, thật ra có một cơ sở có thể nhận định về mẹo này - đó là trong mỳ tôm có vị mạch nha (lúa mỳ), là một vị thuốc đặc biệt trong y học cổ truyền làm giảm khả năng tiết sữa. Cũng như thế, hạt sen, nếu bóc bỏ tâm sen, có khả năng làm tăng lượng tiết sữa nhưng ngược lại, nếu vẫn để nguyên tâm sen lại cho kết quả ngược lại. “Việc một số chị em mách nhau những mẹo cai sữa cho con vào các ngày mồng 6 hay 15 âm lịch, cá biệt còn có người chia đôi lấy nửa khoảng đó trong tháng là mồng 10 để làm ngày “mở đầu” cho “chiến dịch” cai sữa cho con, tôi nghĩ là hoàn toàn mê tín. Bên cạnh đó, dân gian ta có câu “Mồng 5, mười bốn, hai ba. Đi chơi còn lỗ huống hồ/nữa là đi buôn”. Có lẽ mẹo trên xuất phát từ câu nói này, chị em đề phòng nên lấy trệch ngày thành mồng 6 hay 15... Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học”- Thầy thuốc ưu tú- BS Phùng Đình Khánh (Hội Đông y Việt Nam) cho hay.
“Một số bà mẹ đun lá dâu lấy làm nước uống cũng có thể làm giảm khả năng tiết sữa, hay ăn các vị như tỏi, hạt tiêu... sẽ làm nặng mùi làm bé cảm thấy khó chịu, bỏ dần thói quen bú mẹ, chứ không phải ăn những vị này sẽ làm giảm khả năng tiết sữa của mẹ”- Th.S Đỗ Thanh Hà (Trưởng khoa Phụ - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) chia sẻ.
BS. Khánh cũng cho biết: Không thể có một bài thuốc hay một mẹo nào có thể áp dụng cho tất cả các bà mẹ. Bởi nếu bà mẹ có vấn đề về tâm lý, tư tưởng, hoặc thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể làm lượng sữa ít dần đi. Dù làm theo cách nào, cũng cần đảm bảo về mặt dinh dưỡng và đặc biệt là sự chuẩn bị tâm lý cho cả mẹ và bé một cách kỹ lưỡng trong thời gian cai sữa.
(ST).