Đây là loại ung thư thường gặp nhất ở giới nữ và là nguyên nhân dẫn đến tử vong ở các phụ nữ từ 35 đến 50 tuổi. Tại Anh, cứ 12 phụ nữ lại có một người có nguy cơ mắc chứng ung thư vú.
Mặc dù có những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật điều trị ung thư vú, nhưng tỉ lệ tử vong khó giảm bớt trong thế kỷ này. Tuy nhiên chúng ta cần biết rằng tỉ lệ chữa khỏi bệnh tuỳ thuộc vào giai đoạn khi ung thư được phát hiện và việc nó đã lan ra nơi khác hay chưa. Tình trạng bất thường càng sớm được phát hiện chừng nào thì khả năng chữa khỏi càng lớn chừng ấy.
Mặc dù hiện chưa có kỹ thuật chẩn đoán ung thư vú có hiệu quả tương đương với xét nghiệm phết mỏng cổ tử cung, loại xét nghiệm có thể phát hiện các thay đổi tiền ung thư trong cổ tử cung, song chúng ta lại có một kỹ thuật x-quang được coi là chụp nhũ ảnh có khả năng phát hiện các khối u rất nhỏ trong vú mà không thể cảm nhận bằng tay được. Tuy vậy vẫn có trường hợp nhờ khám vú thường quy mỗi tháng mà có thể tìm thấy các khối u mới xuất hiện và còn khả năng chữa lành, do đó tất cả phụ nữ đều nên học cách tự khám vú để phòng bệnh cho mình.
Triệu chứng
Một khối u thật nhỏ có thể được phát hiện khi bạn tự khám vú. Vị trí phổ biến nhất để tìm ra một khối u vú ác tính là phần ngoài và trên của vú, nơi bạn dùng tay sờ nắn sẽ dễ phát hiện hơn là quan sát bằng mắt. Khối u ít khi gây đau nức. Các dấu hiệu giúp ta dễ nhận ra ung thư là: núm vú, tiết dịch, núm vú vừa mới thụt ngược vào trong, trên hai vú, cả nách hoặc dọc theo xương đòn có khối u hoặc chỗ sưng; trên vú có chỗ nhăn hay lõm vào.
Điều trị nội khoa
Không nhất thiết phải dùng đến những phương pháp điều trị tận gốc căn bệnh, thí dụ như cắt bỏ tuyến vú từng phần hay toàn bộ, mới cải thiện được tỉ lệ sống sót. Nhiều nhà phẫu thuật hiện nay đề xuất kỹ thuật mổ lấy u vú phối hợp với xạ trị hoặc các loại thuốc chống ung thư (hoá trị) để điều trị ung thư vú.
Trước khi bạn trải qua phẫu thuật vú, có thể bạn sẽ được yêu cầu ký tên vào một mẩu giấy cho phép bác sĩ phẫu thuật tiến hành điều trị luôn trong khi mổ thăm dò. Bạn hãy suy nghĩ thật kỹ về điều này, bạn luôn luôn nên nắm vai trò chủ động trong mọi quyết định liên quan đến việc điều trị của mình. Nếu thấy có dấu hiệu khối u đã lan sang các hạch bạch huyết ở nách, bạn sẽ cần mổ rộng hơn để ngăn chặn việc lan ra thêm. Nếu khối u của bạn là loại nhạy cảm với các nội tiết tố bác sĩ có thể kê toa cho bạn sử dụng loại thuốc kháng oestrogen
Tamafixen là tên một loại thuốc dùng để điều trị một số thể ung thư vú. Nó có tác dụng phong toả các thụ thể oestrogen trong các tế bào vú và nó ít có tác dụng phụ hơn các loại thuốc chống ung thư khác. Phản ứng phụ do thuốc có thể gây ra chứng nóng bừng mặt, nôn mửa, phù cổ chân và thỉnh thoảng bị xuất huyết âm đạo bất thường. Các phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao như phụ nữ có tiền sử gia đình có người mắc bệnh rồi, có thể được bác sĩ kê thuốc tamoxifen để ngăn ngừa ung thư phát triển.
Ung thư vú và liệu pháp nội tiết tố thay thế
Việc dùng liệu pháp nội tiết tố thay thế để điều trị cho các phụ nữ bị ung thư vú (đã hay đang bị) và phụ nữ bị những ung thư khác đang được bàn cãi. Mặc dù có nhiều bác sĩ cho rằng ung thư vú và các chứng ung thư khác là một lý do để không dùng liệu pháp nội tiết tố thay thế, nhưng một số bác sĩ khác vẫn dùng liệu pháp này. Dù nội dung sách này luôn cố gắng phản ánh quan điểm y khoa hiện tại về liệu pháp nội tiết tố thay thế, nhưng chính bác sĩ của bạn sẽ là người cuối cùng quyết định liệu bạn có thích hợp để chữa trị bằng liệu pháp này hay không.
Tiên lượng về căn bệnh
Nếu như một khối u thật nhỏ được điều trị sớm thì hầu như bệnh cũng được chữa khỏi hoàn toàn. Tất cả phụ nữ đã bị ung thư vú đều được yêu cầu kiểm tra định kỳ nhằm mục đích phát hiện tình trạng tái phát hoặc lan ra nơi khác trong cơ thể. Bạn hãy chú ý đến việc kiểm tra vú thường xuyên và tiến hành chụp nhũ ảnh hằng năm. Thậm chí nếu ung thư tiếp tục tái phát, nó có thể được kiềm chế trong nhiều năm bằng phương pháp giải phẫu dùng thuốc và xạ trị.
Những yếu tố nguy cơ
Một số thói quen ăn uống có thể đẩy bạn lên nhóm có nguy cơ cao hơn trung bình. Theo tài liệu có một sự liên quan giữa ung thư vú và việc dùng nhiều protein từ thịt động vật, chất béo gốc động vật và các sản phẩm chế biến từ sữa. Các yếu tố gây nguy cơ khác được liệt kê dưới đây.
Những yếu tố gây nguy cơ từ trung bình đến cao cho bệnh ung thư vú gồm:
Tiền sử gia đình đã có người ung thư vú (Người mẹ, chị…).
Bắt đầu có kinh nguyệt sớm và mãn kinh trễ.
Độ tuổi trên 40.
Có con trễ (sinh trễ so với độ tuổi trung bình).
Mắc chứng béo phì và có chế độ ăn uống nhiều mỡ động vật và chất béo từ sữa.
Các yếu tố làm giảm nguy cơ ung thư vú gồm có:
Sinh nhiều con
Cho con bú sữa mẹ
Có dáng người thấp và ốm
Bắt đầu có kinh nguyệt trễ và mãn kinh sớm.
Trước đây người ta cho rằng các phụ nữ uống thuốc ngừa thai có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn những người không uống thuốc ngừa thai. Tuy vậy, các nghiên cứu gần đây đã cho thấy điều đó là không đúng, không có mối tương quan nào giữa hai việc này.
Chẩn đóan ung thư vú:
Phần đông các bác sĩ đều hướng dẫn phụ nữ có khối u ở vú đến bệnh viện để làm thêm xét nghiệm.
Nếu bạn có một túi nang, chất dịch bên trong của nó sẽ được rút ra và đem đi xét nghiệm để chẩn đoán. Kỹ thuật này gọi là sinh thiết kim, không làm đau. Sau khi đã được gây tê, một cây kim nhỏ được đâm vào u nang và lấy ra một số các tế bào. Trong 85% các bươú ung thư, tế bào ác tính được phát hiện qua sinh thiết kim.
Nếu u nhỏ và nông (không nằm sâu trong mô vú) khả năng là bác sĩ sẽ lấy cục u ra mà bệnh nhân không cần nhập viện: Cục u đó được cắt bỏ cùng với một số mô xung quanh và được xét nghiệm. Nếu phát hiện ung thư, các xét nghiệm máu, X-quang và chụp xương sẽ được tiến hành để giúp quyết định điều trị thích hợp.
(St)