Ý nghĩa của hoa tigon

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Ý nghĩa của hoa tigon

18/04/2015 08:16 PM
6,387

Hoa tigon có ở nhiều nơi trên đất Việt, nhưng với Hà Nội hoa gắn bó theo một cách riêng của nó. Theo chân người Pháp, hoa tigon đến vói Hà Nội vào những năm đầu của thế kỉ 20. Mới đầu hoa được trồng trong những ngôi biệt thự, giờ đây hoa đã có ở khắp nơi. Con phố nhỏ, nơi tôi làm việc cũng trồng nhiều tigon lắm. Hoa được trồng trong khuôn viên mỗi ngôi nhà, vươn lên thành hàng rào…vòng qua bất cứ cái gì mà bàn tay khéo léo của nó với được… Hôm nay, đứng trên lan can tầng 2 công ty thấy cành hoa rung rinh trước gió, bất chợt tôi cảm thấy bồi hồi…ngày xưa…



….Kí ức trong màu hoa thắm mãi
Đậm nhạt một vùng mê mải tuổi thơ

(HL)
Trong kí ức xa thẳm của tôi cũng có Tigon. Ngày còn bé, chúng tôi thường đi tới trường qua một con đường tắt. Con đường nhỏ hẹp cỡ chừng khoảng một sải tay, hai bên là tường gạch xây mộc cao ngất và trên cùng được rào bằng dây kẽm gai. Chúng tôi chẳng biết sau bức tường cao ấy là gì, nhưng biết rõ là hoa Tigon leo lên đó nhiều lắm. Cả bốn mùa đều có hoa, nhưng nở nhiều nhất vào độ cuối thu đầu đông…

Cũng chẳng hiểu sao, các bạn cùng lớp biết tôi đi học qua con đường đó nên cũng thường nhờ hái hộ vài cành vào mỗi độ hoa nở. Và cũng không biết nữa, một đứa con trai ưa nghịch ngợm, phá phách…như tôi lại làm cái việc ấy. Thường thì tôi chọn những cành hoa nở vừa phải, có đủ cả nụ và bông,cẩn thận đặt vào cái hộp cacton đựng phấn viết cũ, rồi đem đến lớp chia cho các bạn. Phải chăng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi yêu hoa Tigon…hay đơn giản, đó chỉ là …là vì những người bạn trái dấu?

Có nhiều người bảo hoa là biểu tượng của chia ly của sự ly biệt, bởi hoa nở thành từng chùm hồng hồng trông chẳng khác gì trái tim vỡ ra mấy mảnh….Mãi sau này khi biết về bài thơ : Hai sắc hoa Tigon (của nữ sĩ TTKH viết vào năm 1937, gần sáu chục năm sau, người ta mới biết đên tên thật của tác giả là Nguyễn thị Anh Thơ), tôi mới hiểu tại sao người ta nói như vậy…bài thơ hay và quá nổi tiếng, có lẽ vì vậy làm người ta đã đồng nhất hoa và thơ…


Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng : "Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi !"

(TTKH)
Dường như mùa đông lạnh giá...chút gì đó hoài niệm dành cho mùa thu cùng sắc Ti Gôn ...làm người ta chợt hụt hẫng và mang trong mình một nỗi buồn man mác...Hoa đẹp đấy...nhưng tại sao lại mang dáng hình trái tim vỡ...và tại sao lai mọc trơ trọi một mình giữa mùa thu...Kiên cường..mạnh mẽ...hay vươn lên ??? Màu hồng của hoa , màu úa của lá...và màu tím của lòng người như quyện vào nhau làm nên một nỗi sầu thiên thu ...Tưởng là bình yên đó....nhưng thực chất là mầm ly biệt..Hoa Ti Gôn - Loài hoa buồn - Hoa biệt ly...và cũng là loài hoa lòng thì phải ..và dường như nó mang trên mình hai sắc phong sương...


Tôi thì chẳng thích nghĩ như vậy, xem ra đôi chút còn giận cả nữ sĩ TTKH. Tại sao nữ sĩ lại viết bài thơ hay thế…nổi tiếng đến vậy, để rồi gieo vào lòng bao người sau này ấn tượng không hay về loại hoa đẹp đến dịu dàng ấy?

Với tôi hoa Tigon là biểu tượng của tình yêu cao đẹp và trong sáng, mạnh mẽ và mềm mại. Nhìn cành hoa lung linh trong nắng, mang cả sắc trắng và hồng. Hình như cũng như tình yêu vậy. Khi mới yêu, đó là tình cảm trong sáng và thuần khiết tượng trưng cho màu trắng. Và khi tình yêu kết trái, mầu hồng biểu tượng cho tương lai, cho sự gắn bó với nhau trọn đời và là khát vọng được dâng hiến…
Thật vậy, hoa Tigon khi rụng khỏi giàn vẫn giữ nguyên màu hồng đầy quyến rũ ấy. Cả ngàn trái tim bay bay trong gió và nắng tựa như ai đó chia sẻ hạnh phúc, chia sẻ trái tim mình cho một người và mọi người…

“…Hoa mang cả con tim anh trao đó!
Một tâm hồn anh gửi nhánh tigon..”


Nếu ai đó đã đọc sự tích về hoa Tigon chắc hẳn cũng sẽ đồng ý với cách nghĩ của tôi. Hoa Tigon còn đẹp hơn cả khi đại diện cho người con gái hiếu thảo mang tên Antigone. Ngôi mộ của cô gái đầy lòng hiếu thảo với cha, lòng thương anh và mẹ, có một loài hoa lạ mọc trên ngôi mộ của mình. Dân thành Athenes không dám gọi thẳng là tên Antigone, mà người ta gọi tắt là hoa Tigone. ..

“Ti-gôn” là chữ Antigone. tên khoa học là Antigonon leptosus. Người miền Bắc và miền Trung gọi tắt thành “Ti-gôn”, còn người Nam gọi là "nho kiểng". Là loại dây leo, nhánh và phát hoa có vòi ở chót, chùm kép to, hoa có 5 tai đỏ, ngoài 3 trong 2, tiểu nhị dính nhau ở đáy ; noãn sào 3 cánh, 3 vòi, nhụy bế quả ( Việt nam tự điển - Lê văn Đức và Lê ngọc Trụ ). Hoa Ti gôn có ba màu. Trắng, hồng xác pháo và đỏ tươi. Ti gôn là loại dây leo thường niên nhờ có củ to, ưa chịu nóng mùa hè và thích nhiều nước. Về mùa đông, người ta cứ tuởng Ti-gôn đã chết, nhưng thực ra không phải vậy. Lá rụng nhiều, ngọn cây chết nhưng gốc cây không chết và phục hồi chóng ở mùa tới. Có thể trồng Ti-gôn bằng củ, hoặc cành đều được. 
Antigone có nguồn gốc ở xứ "Mễ tây* Nguồn gốc là một loài hoa hoang dại,  ở Mỹ nghe nói có nhiều ở vùng sa mạc thấp tại California và Arizona, còn ở Việt nam thì nó phù hợp với tâm hồn lãng mạn của người Hà Nội hơn hết, nên ở Hà nội thường được trồng thành giàn trước sân, thành dậu xung quanh nhà. Riêng ở miền Trung, hoa Ti - gôn có thể mọc hoang cả trên cánh đồng, bên đường đi thành từng bãi. ở Miền Nam thì ít thấy hơn và thông thường chỉ có loài màu đỏ. 
Ti-gôn còn mang nhiều tên khác rất đẹp tùy theo địa phương xứ sở như:
·                    Sách Cây cỏ Việt nam của Phạm Hoàng Hội ti gôn còn được gọi là "Dây Hiếu nữ", "Hoa Nho"
·                    Queen's Wreath  ( tràng hoa vương miện của Nữ Hoàng )
·                    Rose de Montana  ( Hoa hồng của vùng Montana )
·                    Tên Mỹ thông dụng là Coral Vine ( dây leo san hô).
Những fan hâm mộ của “Hai sắc hoa ti gôn” thì gọi Ti-Gôn là “hoa máu”, “hoa lòng”, "hoa tim vỡ". Tôi cho rằng, có lẽ do hình dáng đặc biệt của Ti-Gôn, nên một thiếu nữ mơ mộng nào đó đã dệt nên một chuyện tình bằng thơ đầy lãng mãn và có phần bi thương. Thiếu nữ cầm giữ cả Ti-gôn cùng với mình chơi trò ú tim với thi ca. Những cánh hoa màu hồng xác pháo mang hình hài của trái tim vỡ  rụng rơi trên đất lạnh ở cuối mùa thu do vậy đã trở nên bí ẩn, ly kỳ. Một cuộc truy lùng “Hai sắc hoa Ti-Gôn” kéo dài dễ quá  một nửa thế kỷ nay vẫn chưa kết thúc trên các tao đàn văn chương ở Việt Nam.
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi lòng thấy buồn
Ngậm ánh nắng tà qua làn tóc
Tôi chờ người đến với yêu thương!
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Giải tường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ xa cách
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng thế  thôi. 
Với “Hai sắc hoa ti gôn”, bao kẻ si tình vẫn còn ngẩn ngơ, đọc thơ rồi lại tự vấn vương, ám ảnh vào mình như thể là TTKH là mình, như thể tình yêu trong bài thơ đó là của mình… 
Tôi sợ chiều thu nắng phớt mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây trắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã có chồng
Trời ơi! người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ đến loài hoa rụng
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng!
Ti – gôn nhờ vào lời thơ có cánh của TTKH,  tạo nên ảo giác buồn se sắt . Hình ảnh của một thiếu phụ Việt Nam khóc cho tình yêu xưa cũ không thành, mà loài hoa có nguồn gốc từ xứ sở xa xôi ấy bỗng nhiên có ngôn ngữ riêng của mình:
·                    Hoa của “trái tim mong chờ”
·                    Hoa của “tình yêu không phai mờ”
·                    Hoa của sự “tan tác sinh-ly”
Nói đến đây, tôi lại không thể không kể đến một câu chuyện mà tôi biết. Một câu chuyện tình có thực, không hư ảo, ú tim như “Hai sắc hoa ti-gôn”, nhưng câu chuyện lại bắt đầu từ hai người cùng mê bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn”, bị “Hai sắc hoa ti-gôn” mê hoặc mà hệ lụy đến nhau, hệ lụy đến câu chuyện chưa kết thúc của Ti-gôn, tựa như là kiếp luân hồi của Ti-gôn vây. Và tôi đã có viết một bài về câu chuyện ấy, xin được đưa vào đây nguyên văn…
Những hạt hoa ti gôn
Cơn gió lạnh tạt qua khu vườn, lay nhành hoa ti gôn màu xác pháo đung đưa. Hoa nở trên hình hài của những trái tim vỡ, sương đọng giọt lại dưới những cái cánh vỡ ra ấy, chúc xuống như thể là giọt chảy ra chính từ trong tim. Thu bỗng nghe nhói đau ở lồng ngực bên trái. Từ lâu lắm rồi Thu vẫn có cảm giác ấy, bởi vì trái tim trong lồng ngực của Thu giờ đây cũng vỡ và nhỏ giọt từng ngày như loài hoa ti gôn kia có khác gì đâu…
Đó là một buổi chiều mùa thu, nắng vàng vọt xanh xao dự báo một cơn mưa biển sắp đến. Thu hồi hộp đứng chờ chuyến tàu khách, trong lòng có đôi chút không yên, phần vì biển động khiến con tàu về bến muộn những gần một tiếng, phần vì đó là lần đầu tiên Thu hẹn gặp anh.
Rồi anh cũng xuất hiện với bộ dạng rất bụi, không hành lý, không nón mũ, hai tay đút túi quần như thể từ nhà anh đến nhà Thu chỉ cách vài lối ngõ. Thu đón anh như đón một người thân quen từ lâu lắm, chỉ là đi xa mới về mà thôi. Giữa hai người hình như không cảm thấy có khoảng cách, chí ít là Thu cảm thấy như thế. Rồi trong những ngày bên nhau ấy, một sự nhầm lẫn hi hữu buồn cười của anh đã gieo mầm nên dây hoa ti gôn trong vườn  nhà Thu…
Thu nhớ, hôm đó hai người lên đồi dạo chơi, đầu lối vào có một tường ti gôn nở hồng chào đón. Thu bảo anh hái cho Thu một nhành. Nhưng anh không hái nhành hoa nở, mà lại hái một cành đầy những nụ màu xám, rồi anh bảo: “Hoa ti gôn là loài hoa của sự chia ly, nên anh chỉ hái cho em cành nụ thôi, nụ chưa nở thì không hề có sự chia ly!”. Thu ngoan ngoãn cầm lấy nhành nụ thả vào cốp xe để đem về nhà và cắm vào bình nước. Những ngày sau đó, vì có anh bên cạnh nên Thu không còn để ý đến nhành hoa là mấy. Nhưng khi anh đi rồi, Thu rất buồn nhớ. Nhớ anh, Thu lại đem bình hoa ra ngắm, mới hay nó không phải là nụ. Đó là những bông hoa ti gôn đã phai, cánh bạc  thành màu xanh xám, có lẽ là do cánh hoa khép lại để bảo vệ hạt hoa nên hình hài trông giống như là nụ. Và bên trong những cái tưởng là nụ ấy đã có những cái hạt màu nâu - mầm mống mới của một câu chuyện luân hồi kiếp hoa buồn đang hình thành. Thu đem những cái hạt đúc vào đất và một tuần sau, nhưng chỉ có duy nhất một mầm Ti - gôn non chanh đã nhú lộc.
Thu cũng không biết vì sao ti gôn lại vận phải số mệnh chia ly vào mình, khi mà đâu chỉ có hoa, từ màu sắc cho đến cái lá của ti gôn đều mang hình hài trái tim. Đáng lẽ nó phải được đại diện cho tình yêu hạnh phúc mới phải chứ. Rồi khi những chiếc lá hình trái tim ấy bắt đầu xanh mượt, cũng là lúc Thu cảm nhận được khoảng cách tình yêu dần xa.
Không giống với quy luật đời thường, những đôi tình nhân khác gần nhau thì cãi nhau mà xa nhau lại nhớ nhung. Ngược lại, anh với Thu khi gần bên nhau hạnh phúc thật êm đềm, nhưng xa nhau lại hóa ra có chuyện. Mà chuyện lại chẳng có gì to tát đáng kể, Thu chỉ lờ mờ nhận ra có điều gì đó phũ phàng đang đến với mình. Có thể là do Thu đã sai lầm khi dễ dàng chấp nhận anh sớm quá để anh coi thường? Nếu quả là như vậy, thì sự im lặng bây giờ của Thu là hợp lý. Cho dù như thế trái tim Thu rất đau. Nhưng thà Thu chấp nhận nuôi một trái tim đau trọn đời hơn là để nó phải đập nhịp hỗn độn giữa sự nhầm lẫn yêu và nhân ngãi. Nếu yêu, tự anh sẽ cảm nhận được khát vọng của mùa thu để quay về mà hóa giải cho ti gôn thoát khỏi số mệnh chia ly. Bằng không người đời thiếu chi kẻ sĩ vốn khoái chí gán cho Ti - gôn những sự tích buồn để mà tùy bút…
Thu nghe trong trái tim mình đang vỡ mảnh nên những tiếng thơ buồn:
Đã biết rằng hoa mang kiếp sầu
Sao tôi còn những muốn đem gieo
Để giờ hoa đỏ như tim vỡ
Tôi vận vào tôi buốt sắc màu.
Kể chuyện Ti- gôn bằng hình ảnh
Những nụ ti gôn mang hình hài trái tim hồng
Tim vỡ
Tàn phai - và kết hạt- báo hiệu kiếp luân hồi
Đọc bài thơ "Hai sắc hoa tigôn" này chắc bạn sẽ hiểu hơn về hoa tigôn.

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ đến với yêu đương.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: “Hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”.

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”.

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời gian khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.

Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai.

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
Theo truyền thuyết Hy Lạp thì tiền thân của hoa Antigôn là một nàng công chúa xinh đêp con vua Ơđipơ và hoàng hậu Jocaxto. Ngày xưa ở vùng Thêbet, khi hoàng hậu Jocaxto sinh hạ hoàng tử Ơđipo thì nhà vua Laios được báo mộng rằng lớn lên hoàng tử sẽ giết vua cha và lấy hoàng hậu. Sợ hãi vua sai đem hoàng tử vứt bỏ một nơi thật xa. Ơđipơ được những người chăn cừu vùng Corintho đem về nuôi. Lớn lên, chàng trở thành một thanh niên tuấn tú, có sức khoẻ phi thường. Một lần vì bất hoà với một người đi đường, chàng không ngờ đó là vua cha của mình, chàng đã giết chết người đó.

Lúc bấy giờ ở Thêbét, có một con quái vật đầu người mình sư tử (nhân sư) thường đến quấy nhiễu nhân dân. Vua Crêon, người kế nghiệp Laios trao giải thưởng: Hễ ai giết được con quái vật sẽ được truyền ngôi và lấy hoàng hậu làm vợ. Ơđipơ đã giết được con nhân sư và lên làm vua. Sau khi sinh hạ với Jocaxto được ba người con: một con gái tên là Antigôn và hai anh trai là Ereoclơ và Polynixơ, Ơđipơ được thần báo mộng về mối tình oan trái của mình.

Đau đớn và thất vọng ! Jocaxtơ treo cổ tự tử còn Ơđipơ thì chọc mù hai mắt và rời khỏi thành phố. Vua Crêon đem Polynixơ ra xử tử và cấm không một ai được đến gần. Vì thương em, Antigon đã dũng cảm đem xác em đi mai táng. Nàng bị vua Crêon giết chết. Cô vừa ngã xuống, một dây hoa rất mảnh trườn lên khỏi mặt đất. Xen giữa những chiếc lá xanh là những chùm hoa màu hồng rất đẹp, bất chấp tất cả mọi luật lệ hoa cứ vươn mãi ra khoe sắc.

(ST).

Ở buôn làng kia, có một cô gái rất xinh đẹp, nết na thùy mỵ. Nàng tên là Ti-gôn. Tuổi vừa lên đôi tám, lứa tuổi trăng rằm tròn vằng vặc, tràn đầy mộng mơ và rừng rực sức sống.

Nàng Ti-gôn là con gái của vị tù trưởng danh gia vọng tộc, uy thế lẫy lừng. Gia đình nàng Ti-gôn giàu sang tột bực, của cái, chiên ché ê hề, trâu bò, vàng bạc, voi ngựa đầy dẫy, cơ man nào đếm cho xuể.

Nàng Ti-gôn có một giọng hát thánh thót vút cao tuyệt vời làm ngất ngây các chàng trai khắp vùng. Mỗi khi nàng Ti-gôn cất tiếng hát thì dường như mây trời cũng sững sờ ngơ ngẩn, cây lá cũng ngây ngất lắng nghe, chim im tiếng bàng hoàng, cá thẩn thờ quên bơi. Tiếng hát của nàng Ti-gôn nương theo gió ngàn, bay theo cánh chim mà lướt qua ba ngọn núi, chạy qua bốn quả đồi, chảy theo dòng thác đổ, nhảy lên từng ghềnh đá mà lướt bay vút cao, vút cao mãi làm say đắm lòng người.

Biết bao nhiêu chàng trai giàu có đem lễ vật đến xin hỏi cưới nàng nhưng nàng quyết không chịu. Biết bao nhiêu đám danh giá quyền quý đến xin với cha mẹ nàng mà nàng nhất định không ưng. Trái tim nàng Ti-gôn đã thương trao cho chàng trai Pho-nin trong làng.

Pho-nin là một chàng trai mồ côi cùng đinh nghèo khổ. Gia tài chàng chẳng có gì ngoài cái chòi lá rách nát và chiếc ống sáo trúc cũ mèm.

Chàng Pho-nin và nàng Ti-gôn vẫn thường xuyên lén lút hò hẹn gặp nhau bên bờ suối vắng, trao cho nhau những lời thề hứa chân tình. Nàng Ti-gôn đã thề hứa sẽ trao cho chàng Pho-nin trái tim nồng thắm yêu thương của nàng, đễ mãi mãi nó chỉ thuộc về một mình chàng mà thôi.

Khi gia đình nàng Ti-gôn biết chuyện thì cấm ngặt đôi trẻ gặp nhau. Cha nàng Ti-gôn lập mưu đưa chàng Pho-nin vào rừng sâu và giết chàng chết thảm thương.

Còn nàng Ti-gôn thì bị giam giữ nghiêm ngặt trong phòng kín. Từ đó tiếng hát của nàng im bặt, suối lệ nàng ngày đêm tuôn rơi không lúc nào ngớt, luôn miệng nhắc đến tên người nàng yêu thương.

Cha mẹ nàng Ti-gôn nhận lời cầu hôn của một tù trưởng buôn làng bên cạnh. Dự định đầu tuần trăng sau sẽ tổ chức lễ cưới cho nàng Ti-gôn với vị tù trưởng đó. Cha mẹ nàng bàn tính sẽ tổ chức lễ cưới kéo dài cả một tuần trăng.

Một đêm tối mịt mù, lợi dụng dân đinh canh gác lơi lỏng, nàng Ti-gôn đào vách trốn đi.

Thoát được rồi, nàng chạy mãi, chạy mãi vô định. Cứ nhắm hướng rừng sâu mà chạy mãi, chạy mãi.

Nàng chạy đã ba ngày ba đêm trong rừng vắng, không ăn không uống, nước mắt lã chã tuôn rơi, tuôn rơi đến cùng kiệt. Những bầy chim Tước chứng kiến cảnh nàng Ti-gôn kiệt sức gục ngã dưới một gốc cổ thụ già, miệng vẫn không ngừng gọi tên người mình yêu thương.

Sau một nửa tuần trăng tìm kiếm, theo lối chim Tước chỉ đường, người ta gặp thấy nàng Ti-gôn kiệt sức gục chết dưới gốc cổ thụ già. Một cây dây leo xanh ngát mọc lên từ người nàng, đúng ngay nơi trái tim đớn đau tan vỡ của nàng.

Cây dây leo mọc lên với những cành lá xanh ngát mềm mại như những cánh tay vươn lên tìm kiếm của nàng và nở ra những bông hoa mang hình trái tim tan vỡ đỏ tươi như màu máu. Đó là hình trái tim đau đớn tan vỡ của nàng Ti-gôn.

Từ đó người ta gọi loài hoa này là Hoa Tim Vỡ; hay còn gọi theo tên của nàng – Hoa Ti-gôn!

HOA TIM VỠ

Có một loài hoa

Như con tim vỡ

Ở trên cành cao

Đỏ hồng rướm máu !!!

Hoa hình tim vỡ

Một thuở yêu thương

Luôn luôn thắm nở

Tình yêu vô bờ !!!

Loài hoa tim vỡ

Ai nỡ trao ai

Trái tim tan vỡ

Đớn đau tan tành !!!

Nụ hoa đã nở

Nhắc nhở sẽ tàn

Trái tim tan vỡ

Lấy chi gắn hàn !!!

Theo truyền thuyết Oedipus Rex cho rằng Cadmus, người lập thành phố Athens, tức giận thần Apollo nên giết chết vị thần rắn. Thần Apollo tức giận nên có lời nguyền, dân Athens sẽ bị bệnh dịch cứ mười năm sẽ có một trân dịch lớn, giết hại ngàn người. Cho đến ngày kia những đứa con của Camuds sẽ mắc vào lời nguyền nếu Laius (vua Thebes sau này) và vợ Jocasta khi nào sinh ra một đứa con mà chân có bớt đỏ màu máu thì chính đứa bé này ngày kia sẽ giết cha, rồi kết hôn với mẹ.

Vua Athens, Laius, sau khi nghe tin vợ mình, Jocasta, sanh một bé trai khỏe mạnh, gót chân bé có một màu đỏ máu, trước rất vua mừng, nhưng chợt nhớ đến lời nguyền truyền kiếp trăm năm trước nên vua lo sợ sai tên hầu cận, đêm khuya phải đem đứa bé lên núi cao mà giết nó, rồi đem trái tim nó về trình diện cho ta.

Người hầu cân nghe lời, nửa đêm đợi hoàng hậu ngủ yên, tên này mới bồng đứa bé, rồi cưỡi ngựa chạy về dãy núi cao. Dãy núi cao đó tên là Mt. Cithaeron. Đứa bé sơ sanh ngủ ngon lành, tên hầu cận không nỡ giết, nên giao bé cho một kẻ chăn cừu trên triền núi Cithaeron, rồi đem một trái tim cừu về trình diện vua Laius. Thấy trái tim con mình, vua Lauis bật khóc, nhưng làm sao hơn được.

Tên chăn cừu ôm đứa bé, xuống làng chân núi mà xin sữa cho bé, bé không chịu uống sữa cừu. Gõ ngay cửa nhà, người đàn bà ra mở cửa, thấy bé dễ thương nên cho tiền tên chăn cừu mà mua đứa bé cho mình. Merope, vợ vua Polybus (vua xứ Corynth) đặt tên bé là Oedipus Rex (Oedipus nghĩa là gót chân đỏ hay gót chân sưng danh từ Hy Lạp cổ xưa). Đứa bé lớn lên khỏe mạnh, làu thông võ nghệ, chân tay chắc nịch, gươm giáo, tên nỏ chàng làu thông.

Ngày kia lên trên đền thờ Delphi, thì chàng gặp một giáo sĩ tiên tri Pythia lập lại lời nguyền của Apollo là Oedipus sẽ giết cha và lấy mẹ làm vợ. Oedipus kinh hoàng, nên bỏ xứ Corynth mà trốn đi xa. Trên con đường rong ruổi, chàng thấy một cỗ xe ngựa chạy vùn vụt đến, trên xe có 2 người, chưa kịp tránh thì bánh xe ngựa cán ngang chân chàng trai, tên lái xe lại vụt Oedipus một roi vào mặt rồi cười khoái trá. Oedipus tức giận, dù chân bị thương nhưng chàng vẫn rượt kịp chiếc xe ngựa.

Giải quyết xong, Oedipus hướng về thành Athens. Lúc này dân trong thành đang cực kỳ hoảng hốt, vì thành Athens đang bị bệnh dịch. Cứ 10 năm thì đáo trở lại không ai trị được bệnh dịch này. Đồng thời kèm bệnh dịch thì có thêm một hung thần Sphinx (đầu người mình sư tử), xuất hiện mai chỗ này mốt chỗ kia. Hung thần này hay ăn thịt người. Trước khi ăn thịt thì thần Sphinx hỏi nạn nhân một câu: “Con vật gì mà ban mai thì đi bốn chân, trưa thì hai chân, chiều tối thì ba chân?” Nếu trả lời được, thì lời nguyền sẽ được tan biến theo hình ảnh của hung thần Sphinx. Dân chúng xứ Thebans không một ai trả lời được.

Cùng lúc đó, vua láng giềng Damasistratus được lính báo rằng vua Laius bị kẻ lạ mặt giết chết trên con đường về thành Delphi. Như vậy hoàng hậu Jocasta trở thành góa bụa rồi. Vua ban chiếu khắp xứ Creon, luôn thành Athens, nếu ai mà giết được hung thần Sphinx thì nhà vua sẽ chia nửa giang sơn cho người đó, và gả em gái mình là Jocasta cho người đó. Hung thần Sphinx rất dễ giết nếu giải được câu hỏi mà hung thần hỏi trước khi bị giết thì thần Sphinx sẽ bị biến hình bốc hơi mất lên cung đình Zeus. Phần thưởng được dán khắp ngã tư đường, từ mọi ngã đường về thành phố Athens. Dân Thebans càng lúc càng chết nhiều hơn và hung thần Sphinx xuất hiện thường xuyên hơn nữa. Dân xứ Creon kinh hoàng, thành phố Athens trở nên hoang vắng. Không một ai dám ra khỏi nhà khi màn đêm kéo đến.

Oedipus không biết chuyện này, chàng trai trẻ đi đến cổng thành Athens thì thấy bảng treo của vua láng giềng Damasistratus cho ai giải được câu hỏi của thần Sphinx thì sẽ cưới được em gái vua tên là Jocasta, rồi được chia nửa giang sơn Creon cho.

Thình lình hung thần đầu người mình sư tử Sphinx hiện ra, trước khi xé xác chàng trai lạ mặt, thần đưa câu hỏi kết thệ (riddle) như lần trước: “Vật gì mà ban mai đi bốn chân, trưa đến thì đi hai chân, chiều về thì đi ba chân?” Chàng trai Oedipus Rex không do dự trả lời liền: “Đó là con người. Lúc ấu thơ thì bò bằng bốn chân, khi lớn thì đi bằng hai chân, về già với cây gậy thì đi bằng ba chân.” Lời thệ nguyện (riddle) được giải lập tức hung thần Sphinx rùng mình biến hình, rồi bốc hơi tan mất trước hàng ngàn cặp mắt sợ sệt dân thành Athens. Bệnh dịch lập tức không còn nữa.

Giữ lời hứa, vua Damasistratus làm lễ thành hôn Jocasta, em gái mình cho chàng trai trẻ phương xa đến. Toàn dân hoan hỉ, hoàng hậu Jocasta xinh đẹp cũng nguôi ngoai tang lòng ngày xưa. Chàng trai làm vua được hai chục năm, thì biết được tin vua trước mình là Laius bị kẻ lạ mặt giết chết, hung thủ không tìm ra. Vua Oedipus Rex bèn treo giải thưởng cho toàn dân tìm cho ra hung thủ giết vua Laius. Oedipus và Jocasta có 4 người con, tên là Antigone, Ismene, Eteocles và Polyneices. Riêng người con gái Antigone trẻ nhất, xinh đẹp và rất có hiếu với cha mẹ.

Ngày kia, tin dữ dưa đến. Người hầu cận ngày xưa của vua Laius, người mà được lệnh vua đem đứa bé có gót chân đỏ vào núi rừng giết chết. Hầu cận này tình cớ thấy gót chân vua, khi vua bước qua một tảng đá cuội trên dòng suối cạn. Hầu cận này đã già, nhưng vẫn nhớ chuyện ngày xưa. Vua Oedipus nghe được chuyện, biết chính mình là kẻ đã giết cha ruột. Vua Oedipus nghe được câu chuyện ngày xưa của mình. Về cung điện, bỏ ăn bỏ ngủ ba ngày đêm liên tiếp. Chuyện kinh hoàng không thể nói nên lời.

Ngày kia, vua Oedipus không chịu nỗi cắn rứt lương tâm, không muốn thấy Jocasta, Antigone, Ismene, Eteocles. Vua Oedipus Rex bèn dùng tay móc cặp mắt của mình. Trọn đời mù lòa. Ông bỏ cung điện mà lang thang trong rừng sâu núi thẳm. Cô gái xinh đẹp nhất, Antigone thương cha mình tự dưng nổi điên mà tự làm đui mù, nên Antigone khóc nức nở mà chạy theo cha vào rừng sâu núi thẳm. Một lòng hiếu thảo vô biên, nhưng cô không hiểu tại sao cha mình, từ khi đui mù thì lại tìm cách xa lánh, không muốn nói chuyện gì với cô hết, ngày đêm than khóc mà thôi.

Cho tới ngày kia vua Oedipus chết héo rủ trong một ngôi đền Eumenides ở Colone. Chôn cất cha xong, Antigone trở về Athens. Antigone bị bắt, rồi Thượng hội Đồng kết án tử nàng. Bắt giam sống trong ngôi nhà mồ của dòng họ. Cửa nhà mồ bị bít kín, ngày đêm dưới mộ sâu, Antigone chiu không nỗi thảm cảnh xảy ra liên tiếp cho đời mình. Antigone đành quyên sinh. Dân làng sau đó lập một ngôi mộ mới chôn nàng. Nhưng tại ngôi mộ của cô gái đầy lòng hiếu thảo với cha, lòng thương anh và mẹ, có một loài hoa lạ mọc trên ngôi mộ của mình. Dân thành Athenes không dám gọi thẳng là tên Antigone, mà người ta gọi tắt là hoa Tigone.

Ý nghĩa của hoa bất tử

Ý nghĩa của hoa rum

Cách làm nem nắm Giao Thủy

Bản sao của Mai Phương Thúy

Bản sao của Hồ Ngọc Hà

Triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ

Bản sao của Angela Phương Trinh

Hoàng My và Philip Nguyễn - cặp trai tài gái sắc chỉ sau Hà Tăng và Louis Nguyễn

Cách làm quất ngâm mật ong chữa ho cực hiệu quả

Cách làm xôi xoài thơm ngọt, hấp dẫn

Cách làm tempura Nhật Bản khiến bạn mê tít

Cách làm nem cua bể vị ngọt đặc trưng, hấp dẫn không thể quên

Cách làm nem nướng Nha Trang

Cách làm bánh gai ngon

Cách làm thạch sữa chua cực ngon, hương vị hấp dẫn

Cách làm rau câu dẻo thơm ngon, thanh nhiệt cơ thể

Cách ngâm rượu táo mèo ngon

Ý nghĩa của hoa đào ngày Tết

Những scandal của Angela Phương Trinh

Ý nghĩa của hoa camellia

Ý nghĩa của hoa cẩm tú cầu

Ý nghĩa của hoa bằng lăng tím

Ý nghĩa của hoa bách nhật

Bản sao của Uyên Linh

Cách làm nem nướng Ninh Hòa

Bản sao của Minh Hằng

Bản sao của Ngọc Trinh

Bản sao của Đông Nhi

Bản sao á hậu Ngọc Oanh

Cách làm quen bạn gái qua tin nhắn

Cách làm quạt giấy vừa đẹp mắt vừa hữu ích

Cách làm xôi khúc ngon hấp dẫn mang hương vị truyền thống

Cách làm nem cuốn tôm thịt hương vị hấp dẫn

Cách làm nem chua rán ngon ăn không chán

Cách làm nem tai thính thơm ngon

Cách làm thạch xanh đẹp mắt

Cách làm rau câu trái cây thơm mát, cực kỳ bắt mắt

(ST).

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý