Làm gì khi chồng thất nghiệp

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Làm gì khi chồng thất nghiệp

18/04/2015 10:28 PM
356

Làm gì khi chồng thất nghiệp. Cuộc sống kinh tế gia đình đang rất xông xênh vì cả vợ, chồng đều độc lập tài chính, công việc thu nhập tương đối tốt. Nhưng biết đâu đấy, một ngày chồng bạn... gần như thất nghiệp và sức nặng kinh tế đột ngột đổ xuống đầu bạn, sẽ chẳng dễ chút nào…


j

Người ta vẫn bảo đến 70% các cuộc cãi vã vợ chồng là vì chuyện hầu bao, thì đây, đúng là giai đoạn để các trận cãi vã bùng nổ, cho dù bạn là người phụ nữ ngọt ngào hay ghê gớm đến độ nào…


Bài toán chi tiêu cho hơn 2 người


Thử hình dung nhé, bạn quen tiêu với mức 6 triệu/ tháng cho bản thân, còn chồng bạn lo các khoản đóng góp cho mẹ chồng, lại đưa thêm cho bạn vài triệu tiêu những khoản cố định. Thế là thoải mái, thậm chí bạn có thể “quỹ đen” được vài triệu để ngóng những đợt sale off của Parkson. Nhưng một hôm chồng nghiêm túc bảo: Anh muốn em hỗ trợ anh những khoản chi tiêu chung của gia đình trong thời gian này, vì anh đang phải tập trung vào một số việc khác và sẽ có một chút khó khăn về tài chính. Bạn bắt đầu phải ngồi lục lại và lên kế hoạch chi tiêu trong khoản tiền của mình, dành cho bạn, cho chồng và một số “đối tượng” liên quan đến cuộc sống nhà bạn.

Điều khó chịu nhất là khoản tiền cố định chi tiêu, ban đầu bạn nghĩ nó đơn giản, nhưng vì đó là do bạn đã có chồng hỗ trợ. Nhưng khi tất cả gói gọn trong lương của bạn, hàng tháng bạn cắt đứt từng đó tiền mà không thể bớt được xu nào, thì các khoản chi ngoại biên còn lại sẽ trở nên vô cùng eo hẹp.

Phương Anh, một nhân viên làm cho văn phòng nước ngoài tâm sự: “Ở chỗ của mình, lương trả một lần, chỉ được cố định 8 triệu, không được gì thêm. Nếu như trước đây mình tiêu thì thoải mái, nhưng đã có chồng hỗ trợ 5 triệu chợ búa hàng tháng. Giờ đây chồng mình tạm thời nghỉ việc để học hơn 1 năm cao học. Anh ấy làm chuyên viên Bộ, mỗi tháng lĩnh đúng lương tháng theo bậc là 2 triệu đồng vì thời gian này coi như đóng cửa tất cả công việc thêm nếm khác. Vậy là mọi khoản chi ở lương của mình. Cứ tháng nào có sinh nhật, đám cưới hay vụ gì đó cần phong bì, là mình hoang mang không biết lấy đâu ra. Biết là chồng đầu tư cho tương lai, thế cũng tốt, nhưng trước mắt là một năm đau đầu thường trực vì tiền!”


Kiểu gì vẫn…khó mà ổn được!


Người ta vẫn bảo đến 70% các cuộc cãi vã vợ chồng là vì chuyện hầu bao, thì đây, đúng là giai đoạn để các trận cãi vã bùng nổ, cho dù bạn là người phụ nữ ngọt ngào hay ghê gớm đến độ nào…

Trường hợp thấp điểm nhất, bạn là một phụ nữ mà sức chịu đựng có hạn, lại quan niệm rất “truyền thống” : thu nhập của vợ chỉ là hương hoa, của chồng mới là tất cả. Thì chắc chắn bạn sẽ khủng hoảng khi mà chồng không đưa vợ đồng nào, hoặc nếu có, đưa rồi lại rút ra vì anh ấy cũng cần rất nhiều khoản chi tiêu cho những mối quan hệ mới đầu tư. Một cô bạn tôi sau 2 tháng đã lên cơn stress vì cứ còn 10 ngày cuối tháng là không còn xu nào trong ví. Hỏi khéo chồng, chồng cũng nhăn nhó bảo: thôi em phải cố gắng, giai đoạn này anh cũng không kiếm được tiền. Cô ấy bắt đầu có những thái độ buồn bực và hay phàn nàn với chồng. Thậm chí, cô còn thắc mắc là sao đợt này chồng tiêu gì mà tiêu nhiều thế, đi biếu xén cũng nhiều, trong khi gia đình lại chẳng đủ tiền ăn…

Trường hợp được điểm cao hơn, là bạn thu nhập cũng ổn. Ừ thì co kéo một chút, bạn vẫn thấy mình chi đủ cho gia đình, thậm chí không quên hỏi chồng “đã hết tiền chưa để vợ đưa thêm”. Nhưng vấn đề lại nảy sinh ở chồng bạn. Đàn ông mà, họ ý thức rất rõ sự bất lực về tài chính ở thời điểm hiện tại của họ, biết vợ cũng đang cố gánh cho mình, nhưng cái “tôi” của các đức ông chồng lại rất dễ lấn át.

Lê Hương, một trưởng phòng nhân sự chia sẻ: “Chồng tôi làm cho công ty tài chính của Mỹ, không hiểu vì sao mà chồng tôi liên tục nhầm lẫn 3 lần trong 2 tháng. Theo nguyên tắc, họ đuổi khéo bằng cách bảo chồng tôi nên có chế độ nghỉ dưỡng do cơ quan đài thọ. Thực ra là anh ấy nhận một chút tiền để đi tìm việc mới. Chồng tôi có lẽ bị sốc. Tôi biết anh cũng không khó khăn trong chuyện xin việc, nhưng thời buổi này, cũng phải mất vài ba tháng là ít.

Tôi không khó khăn về tài chính, vấn đề là khi chồng tôi không kiếm ra tiền, anh ấy như phát điên. Buồn bực thì anh ấy đi uống rượu, thấy tôi hỏi xem anh ấy có cần thêm tiền không thì nổi xung lên vì nghĩ tôi đang thương hại anh. Kỷ niệm ngày cưới, tôi muốn anh vui nên tặng anh một món quà giá trị, anh giận dỗi bảo: chẳng lẽ anh bất lực đến mức không có tiền mua quà tặng em, để em phải mua cho anh!!! Tôi thấy buồn lắm, vì tôi nghĩ vợ chồng ai chẳng có lúc này lúc kia nhưng sự sĩ diện của chồng tôi sao lớn quá. Nhất là trước đó anh kiếm cũng rất ổn, vì thế bây giờ lúc nào cũng cảm thấy mình kém cỏi và bất lực trước vợ…”

Khéo lo thì no, khéo co thì ấm

Đọc bài viết này, tôi mong rằng bạn là người lạc quan và tin tưởng giai đoạn “thất nghiệp tạm thời” này của chồng bạn sẽ qua thật nhanh thôi. Nếu ông chồng bạn đã dũng cảm chia sẻ với bạn và “nhờ cậy” bạn lo cùng anh ấy mối lo tài chính, thì bạn cũng nên tin tưởng rằng: anh ấy đặt niềm tin nơi bạn, và chắc chắn tương lai bạn sẽ được bù đắp xứng đáng. Điều tối kị nhất của các bà vợ trong giai đoạn này là dằn vặt chồng về vấn đề tiền nong. Nghĩ xem, anh ấy đã đủ căng thẳng lắm rồi.

Dù biết là khó, nhưng nếu muốn gia đình bạn đi qua giai đoạn này nhanh và êm đẹp, thì bạn phải biết nhẫn nhịn và tập cho mình một thói quen chi tiêu khác hẳn những lúc bình thường, mục tiêu chính là tiết kiệm cho gia đình. Thêm vào đó, việc bạn quan tâm đến anh ấy lúc này cũng chỉ là công việc anh ấy đang theo đuổi và động viên để anh ấy làm tốt, chứ không phải biến thành bảo mẫu suốt ngày lo đổ tiền vào ví cho chàng. Nếu có một ông chồng trẻ, biết nghĩ và thương vợ vất vả, thì tội gì bạn không tận dụng cơ hội này để anh ấy thấy bạn là người “nội tướng” biết vun vén như thế nào. Tâm sự với anh ấy và nói để anh ấy yên tâm rằng có khó khăn thật, nhưng bạn sẽ ổn, nhất là khi có anh quan tâm. Mềm mỏng và bình tĩnh, chắc chắc đó là những điều bạn cần trong hoàn cảnh này…

Một số lưu ý chi tiêu trong thời “chồng tạm thất nghiệp” mà chị em có thể tham khảo:

1. Để dành khoản cố định từ tháng trước:


Những khoản điện, nước, internet hay tiền đưa cho bố mẹ (nếu 2 bạn ở chung), bạn có thể dành từ phần dư của tháng trước, để không có cảm giác bị “mất xoẹt lương” khi vừa nhận tiền tháng này. Sau mỗi khoản chi tiêu, phải ghi chép lại và nhẩm tính xem trong 10 ngày nữa, bạn dự chi từng nào, rồi xếp trước một khoản dự phòng. Nếu không tiêu hết, lại chuyển sang khoản cố định tháng sau.

2. Dùng đến tiền bỏ ống


Nếu thực sự thu nhập của bạn quá thấp không đủ chi cho cả gia đình, thì đây là lúc bạn cần đến phần dành dụm trước đó từ tiền của chồng bạn đã có. Hãy lên kế hoạch rút ra một khoản nào đó cho 3 tháng, và tuyệt đối không cho phép mình tiêu thêm. Đây coi như là khoản đột xuất cần dùng, để bạn không rơi vào trạng thái khủng hoảng chi tiêu.

3. Tính đủ chứ đừng lo tiết kiệm


Trong thời điểm này, bạn buộc phải hi sinh mục tiêu mỗi tháng bỏ lợn được bao nhiêu đó, trừ khi thu nhập của bạn cực kỳ cao. Vì ngoài khoản chi tiêu cố định, bạn phải tính đến một khoản để hỗ trợ chồng cho những chi phí phát sinh. (Vì tiền của anh ấy có thể chỉ đủ lo những chi tiêu cá nhân, nếu không thì anh ấy đã hỗ trợ cho bạn rồi). Bạn có thể khéo gợi ý xem nếu anh ấy cần đầu tư khoản gì, thì có thể hỗ trợ thêm từ chính tiền của bạn. Nếu bạn nói đúng tiền dùng vào mục đích đầu tư anh ấy đang cần, thì chàng sẽ không nổi tính sĩ diện ra đâu!

4. Trong mắt mọi người, anh ấy vẫn là “chủ chi”


Với những khoản chi chung trước mặt gia đình của bạn hay của anh ấy, hoặc những khoản chi với bạn bè anh ấy, thì tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến chồng trước, và đưa chồng một khoản để anh ấy tự chi. Bạn đừng lanh chanh cái gì cũng chủ động chi, anh ấy sẽ có cảm giác bị bạn lấn át một cách khó chịu!

5. Nếu khó khăn, hãy nói để chồng biết


Điều này khác với việc bạn kêu ca hoặc bóng gió so sánh chuyện chi tiêu gia đình người này người kia với anh ấy suốt ngày khiến anh ấy thấy ức chế và như bị…kết tội. Nếu thật sự sau khoảng 3 tháng, bạn thấy mình quá căng thẳng trong chi tiêu, hãy chọn thời điểm và chân thành chia sẻ với chồng, rằng bạn thấy khó khăn và thử cùng nhau tìm giải pháp tốt hơn. Hãy nhớ rằng anh ấy từng, và thực chất sẽ phải là trụ cột chính, bạn chỉ là giải pháp tạm thời thôi. Vì thế tin tưởng anh ấy, và cũng là để anh hiểu, bạn chỉ hỗ trợ, chứ không thể nào thay thế được vai trò của chồng mình.


Cách ứng xử khi chồng thất nghiệp


Phải xem thất nghiệp dài hay ngắn

TS Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu con người cho biết: Nếu người chồng thất nghiệp trong thời gian ngắn thì không ảnh hưởng nhiều đến gia đình, nhưng nếu lâu, người chồng càng ngày càng tự ti, ít vai trò trong gia đình hơn. Người vợ mất thời gian trong công việc, nghĩ đến mục tiêu phấn đấu, mất nhiều thời gian tìm nguồn việc để kiếm tiền, rồi sẽ ít thời gian chăm gia đình, chồng con hơn. Trong quá trình hoạt động xã hội, người vợ giao lưu nhiều, quen biết và dẫn đến so sánh, còn người chồng suốt ngày ở nhà sẽ sinh ra lẩn mẩn, ghen tuông, nghi ngờ, ghen ghét, đố kỵ với sự thành đạt của vợ.

Phải xem thất nghiệp dài hay ngắn và nguyên nhân, tố chất của người chồng. Nếu chỉ thất nghiệp ở việc "vấp ngã" thì người đàn ông sẽ nhanh chóng đứng lên. Khi đó, người vợ nên động viên, chia sẻ bằng cách "cúi xuống và nâng chồng lên" (trường hợp này, bản thân họ cũng dằn vặn, đau khổ, xác định thất nghiệp là gánh nặng cho gia đình). Người phụ nữ nên tin vào năng lực, động viên chồng, cố gắng không lấn sân của chồng để tự tin, cố gắng hơn. Người vợ nên cố gắng từ từ, không phô trương để người chồng không nghĩ rằng "vắng mình thì vợ vẫn đảm đương được nhiều việc". Còn nếu thất nghiệp do tố chất, tức là có những người đàn ông cứ ì ra, kệ vợ làm, phụ thuộc vợ, thì lâu dần đến một lúc người phụ nữ không chịu được gánh vác, áp lực gia đình, con cái sẽ dẫn đến mâu thuẫn và ly hôn.




Hãy nghĩ người đàn ông vào bếp, làm việc nhà là chia sẻ gánh nặng với vợ mình.

 
Cần nghĩ: "Ai có thể làm gì"?
 
Còn theo ThS Phạm Hồng Phương, giảng viên Bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình: Việc người đàn ông ở nhà để làm các công việc gia đình, người vợ ra ngoài kiếm tiền thì có 2 trường hợp: Thứ nhất là do "hoàn cảnh xô đẩy" - sức khoẻ yếu hoặc chẳng may thất nghiệp. Thứ hai là người đàn ông tự nguyện trở về "tuyến sau" khi thấy mình có thể đảm đương được các công việc gia đình để giúp vợ phát triển, thăng tiến.

Ở trường hợp thứ nhất: Áp lực đối với người đàn ông là rất lớn khi bắt buộc phải chấp nhận cảnh hoán đổi vai trò. Người đàn ông có thể có tâm lý mặc cảm, tự ti và rất nhạy cảm khi có người đả động đến vấn đề này (trường hợp này, người vợ phải thật khéo léo và tế nhị, thường xuyên động viên cổ vũ người chồng làm tốt công việc nhà, thể hiện thái độ cảm ơn khi thấy chồng có tinh thần trách nhiệm). Trường hợp thứ hai thì đơn giản hơn vì người đàn ông thay vì nghĩ "bếp là chỗ của phụ nữ" thì đã nghĩ rằng vào bếp hay làm các công việc nhà là chia sẻ gánh nặng với vợ.

Với cả 2 trường hợp, để tránh tình trạng mâu thuẫn xảy ra, người vợ nên: Có thái độ đúng đắn về vai trò của mỗi giới (cái này cũng cần phải thay đổi quan niệm không chỉ của cá nhân người vợ mà cả người chồng và xã hội), không nên nghĩ theo kiểu đàn ông phải làm gì, phụ nữ phải làm gì mà cần nghĩ "Ai có thể làm gì?".

Người vợ cần suy nghĩ theo chiều hướng tích cực: Chồng ở nhà thì có thời gian quan tâm đến gia đình, con cái nhiều hơn, kèm cặp dạy dỗ con tốt hơn và vì thế mà cũng có trách nhiệm với gia đình hơn, hiểu gánh nặng những công việc không tên bấy lâu của vợ. Không nên tỏ thái độ khinh thường, coi thường chồng "ăn bám" hoặc so sánh chồng với những người đàn ông khác.

"Việc người đàn ông ở nhà giữ vai trò hậu phương hiện nay cũng không còn xa lạ. Trên thế giới, tỷ lệ đàn ông nội trợ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Ở châu Á, tỷ lệ đàn ông Hàn Quốc sẵn sàng ở nhà để vợ đi làm cũng ngày càng nhiều".



Làm gì khi chồng nổi giận

Làm gì khi chồng nói dối

Làm gì khi chồng có bồ

Quan hệ vợ chồng mới cưới

Cải thiện quan hệ mẹ chồng nàng dâu

(St)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý