Của chồng công vợ

seminoon seminoon @seminoon

Của chồng công vợ

18/04/2015 11:07 PM
1,000
  Một thống kê cho thấy, tiền bạc là nguyên nhân của 1/3 số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng. Và chủ đề nhạy cảm này luôn là mộtvấn đề nóng trong mỗi gia đình. Cuộc sống không phẳng lặng nên vai trò trụ cột kinh tế gia đình có thể thay đổi và có sự đảo vai giữa chồng và vợ.



Trong cuộc sống vợ chồng có câu “của chồng công vợ” được hiểu theo nghĩa ghi nhận công sức của cả hai người trong đời sống hôn nhân, sướng cùng hưởng, khổ cùng chịu. Thế nhưng, trong thực tế lại có những ông chồng/bà vợ lạm dụng khái niệm này để gieo rắc nợ nần cho bạn đời.





Tiền nào cũng là tiền

Chị Đ.H là cán bộ của Cục Thuế một tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Khi thi đỗ vào Cục Thuế chị Đ.H tưởng rằng cuộc đời của mình đã sang trang. Nào ngờ trong hai tháng chị đi học nâng cao nghiệp vụ ở Hà Nội, chồng chị thất nghiệp ở nhà đã sa vào lô đề cờ bạc, vay mượn lung tung. Khi chị Đ.H kết thúc khóa học ở Hà Nội cũng là lúc chồng chị phải chạy vào miền Nam trốn nợ.
Thương chồng, sợ hãi cảnh chủ nợ dọa nạt, chị cũng đành bỏ công việc ở Cục Thuế để ôm con theo chồng vào Nam với tâm trạng rối bời. Ở TP HCM, vợ chồng chị được họ hàng cho vay một khoản tiền để mở quán thịt chó mưu sinh. Sau ba tháng hoạt động, thấy quán có đồng ra đồng vào, bố mẹ chồng chị đã vào Nam với cái tiếng là để phụ vợ chồng con trai quản lý quán, nhưng thực chất họ nắm toàn bộ quyền điều hành vì sợ con trai lại sa vào cờ bạc nợ nần và không tin tưởng con dâu. 
Thế nên, bỗng dưng chị Đ.H trở thành người thừa trong chính nhà, quán của mình. Chị không được tham gia bất kỳ việc gì liên quan đến quán, chỉ có mỗi việc lo cơm cho 5 miệng ăn từ khoản tiền bố mẹ chồng đưa hàng ngày. Còn lại các khoản tiền lời lãi từ quán bố mẹ chồng chị gửi tiết kiệm dưới tên họ, tiền học, tiền chữa bệnh cho cháu nội của họ là con trai chị Đ.H bố mẹ chồng chị cũng không chi, buộc chị phải xin bố mẹ đẻ.  
Thương con gái, bố mẹ đẻ chị ở ngoài Bắc bán đất hương hỏa, gửi tiền vào để con mình tự mở một quán khác sinh sống nuôi con. Cũng đúng lúc này số tiền nợ người họ hàng vay mở quán thịt chó đến kỳ đáo hạn, cùng với sự ngấp nghé của vài chủ nợ vì chồng chị vẫn không bỏ được thói cờ bạc. Thấy con dâu có món tiền, bố mẹ chồng chị yêu cầu chị bỏ ra để trả nợ họ hàng và trả nợ cho chồng với lý lẽ tiền nào cũng là tiền, có trong lúc vợ chồng là tiền chung.
Bị ép buộc, chị Đ.H làm đơn xin ly hôn, nhưng chồng chị tuyên bố chỉ ký nếu chị đứng ra trả hết mọi nợ nần. Chị Đ.H nhất định không chịu vì đây là món tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ chị. Được sự “bật đèn xanh” của bố mẹ chồng và chồng chị Đ.H, người họ hàng cho vay nợ cùng các chủ nợ cờ bạc đe dọa sẽ kiện ra tòa nếu chị không trả nợ. 
Chỉ liên đới vì mục tiêu gia đình
Trong những tình huống nhất định, người vợ/chồng có thể thẳng thừng từ chối việc chìa vai gánh nợ hộ bạn đời của mình, đó là một “lối thoát” về phương diện pháp luật mà ít người biết. 
Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000 có điều luật quy định về trách nhiệm liên đới của vợ/chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện, cụ thể “vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự  hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”.
Như vậy, trong câu chuyện của chị Đ.H việc bố mẹ chồng chị dưới danh nghĩa quản lý hộ gia đình con trai nhưng đã sự thực chiếm dụng phục vụ mục đích riêng và chồng chị  vay nợ cờ bạc là đáp ứng nhu cầu cá nhân, chứ không phải cho nhu cầu sinh hoạt gia đình. Thế nên, chị Đ.H không có nghĩa vụ phải dùng tiền của bố mẹ mình cho riêng để thanh toán các khoản nợ.
Mặt khác, tuy hiện diện trong thời kỳ hôn nhân, nhưng bố mẹ chị Đ.H cho riêng chị khoản tiền nói trên, nên đó là tài sản riêng của chị được tặng cho trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 32 của Luật HN-GĐ. Theo tư vấn của luật sư, chị Đ.H có quyền yêu cầu chồng thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo Điều 29 Luật HN-GĐ. Người chồng sẽ dùng phần tài sản của mình để tự trả nợ nần cờ bạc mà chị Đ.H không có trách nhiệm liên đới.


Không đơn giản “của chồng công vợ”


Nhiều tiền chưa hẳn đã hạnh phúc
Một người phụ nữ kể, chồng chị kiếm được nhiều tiền, nhưng rất chi ly trong việc tiêu pha hằng ngày. Hôm nào có việc gì không thể đừng, phải chi nhiều tiền như việc cưới hỏi của các em, hay con ốm, mẹ đau là cả ngày anh cứ chậc lưỡi tiếc mãi. Khổ nỗi thu nhập của chị lại quá thấp, chỉ đủ góp phần tiền ăn vào với gia đình, đúng như yêu cầu của anh, thỉnh thoảng mới dành ra mua cho mình, cho con được cái quần, cái áo. Mỗi lần nói đến chữ tiền với chồng, chị chỉ muốn khóc. Câu chuyện này không phải là cá biệt, rất tiếc người làm ra nhiều tiền hơn bạn đời của mình đã không nghĩ rằng phải có sự giúp đỡ hỗ trợ, sự chia sẻ, gánh vác việc nhà của người kia mình mới có được thành quả ấy. Họ đã quên mất câu phương ngôn "của chồng công vợ" và gây ra nỗi muộn phiền, tủi thân và mặc cảm, tự ti cho người bạn đời.
Với không ít người, vẫn biết rằng khi đã là vợ chồng thì không hề có sự tính toán với nhau trong chuyện tiền nong, nhưng vẫn xảy ra mâu thuẫn, khúc mắc quanh chữ tiền. Bởi cuộc sống hiện đại biết bao nhiêu thứ phải chi tiêu, biết bao nhiêu nhu cầu phải đáp ứng. Nên nhiều khi chuyện không đồng tình trong sử dụng tiền bạc cũng là nguyên nhân gây ra bất hòa trong gia đình. Chồng muốn mua một cái tivi lớn, vợ lại muốn mua một cái tủ đựng quần áo thật to. Vợ muốn mua xe máy trông thật xịn cho bằng bạn bè nhưng chồng lại muốn mua ô tô trả góp…, rồi cả hai mặt nặng mày nhẹ bởi vợ chồng cứ "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" như thế.
Của chung hay riêng
Nhiều người cho rằng, mặc dù tiền bạc không phải là tất cả nhưng nó vẫn là phương tiện cực kỳ quan trọng để người ta đạt được đến hạnh phúc, nhất là hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi. Vì thế, một cuộc hôn nhân có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người vợ và chồng khi quan niệm về tiền bạc. Nhiều đôi vợ chồng trẻ sống phóng khoáng nên quan niệm về tiền bạc cũng rất thoáng. Khi mới cưới nhau xong, họ đã thống nhất rằng tiền của ai người nấy tiêu. Khi có việc gì chung sẽ bàn bạc, cùng đóng góp lại. Ban đầu, mọi việc có vẻ dễ dàng và ổn thỏa. Nhưng khi có con, kéo theo nó là một loạt những chi tiêu chung. Lúc đó họ bắt đầu hạch sách nhau, trách móc vì việc đưa nhiều đưa ít, nghi ngờ và dẫn đến rạn nứt mối quan hệ.
Vật chất tuy quan trọng nhưng không hẳn là nhu cầu duy nhất trong cuộc sống, là nguyên nhân duy nhất quyết định gia đình hạnh phúc. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sau khi kết hôn, hãy tập nói "của chúng ta" thay vì nói "của tôi" như trước đây. Chỉ khi nào nhận thức được như vậy, vợ chồng mới thật sự trọn vẹn tin tưởng, thương yêu nhau. Một điều cũng khá tế nhị trong quan hệ vợ chồng là nên cư xử với nhau như thế nào nếu một trong hai người có mức thu nhập cao hơn người kia? Trong trường hợp chồng có thu nhập cao hơn vợ, điều tối kỵ nhất là người chồng làm "quản gia" trong việc chi tiêu hàng ngày của gia đình. Còn trong trường hợp vợ có mức thu nhập cao, cũng hãy để người chồng cùng chia sẻ trách nhiệm, có như vậy người chồng mới tự tin, thoải mái và cảm thấy mình được vợ tôn trọng.
Một người phụ nữ đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý chuyện tiền. Chị rất công khai với chồng những khoản mình kiếm được. Muốn mua gì, lúc hai vợ chồng vui vẻ, chị đưa ra những dự định và công khai bàn việc hai vợ chồng nên tiết kiệm ra sao. Là người giữ tiền, nhưng mỗi khi anh cần khoản nào chính đáng, chị đều đưa anh ngay. Họ đã tìm được sự đồng thuận và rất ít khi tranh cãi với nhau về vấn đề kinh tế.


Quan hệ vợ chồng khi mới mang thai
Vợ chồng cãi nhau vì việc nhà
Quan hệ vợ chồng sau khi sinh
Quan hệ vợ chồng mới cưới
Làm gì khi chồng có bồ
Làm gì khi chồng không đưa tiền cho vợ


(ST).



Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý