Kinh nghiệm làm bố

seminoon seminoon @seminoon

Kinh nghiệm làm bố

18/04/2015 11:07 PM
465
Với một vài ông bố, trở thành bạn thân của “bé xíu” trong nhà dễ như cái búng tay. Song cũng không ít người mới lên chức cha phải lóng ngóng và bối rối trong một thời gian dài. Đây, cách giúp bạn phát triển “tình bằng hữu” với thiên thần bé nhỏ.

“Bạn thân” là gì?

Tất nhiên không giống tình bạn của người lớn. Làm “bạn thân” với đứa con mới sinh đồng nghĩa với bảo vệ cho bé an toàn, cho bé ăn, và cả yêu thương bé thật tự nhiên, bản năng nữa. Một nhiệm vụ khó khăn hơn cả là dạy bé biết đáp lại yêu thương.


Mất thời gian đấy!


Rất nhiều ông bố cảm thấy như đã “gặp” và “quen biết” con ngay khi nhìn thấy bé trên màn hình siêu âm. Song cũng không ít người phải đợi đến lúc bé chào đời mới thấy rằng mình thực sự có con, mình thực sự làm bố từ thời khắc ấy. Bạn đừng hy vọng có được 60 cung bậc tình cảm trong vòng 60 giây. Sự kết nối với con không có được ngay từ cái chớp mắt đầu tiên hay từ lúc cắt dây rốn.


Con của bạn là một cá thể độc lâp, có tính cách, đặc điểm riêng. Và để “thân” được với nhau, hai cha con nhất thiết phải “tìm hiểu”. Khởi đầu, bé sẽ chẳng làm gì nhiều ngoài ngủ, ăn, và khóc. Khí thế “kết thân với con” đang hừng hực trong ông bố trẻ là bạn có thể vì thế mà tắt ngấm. Song đừng vội nản, mọi việc mới chỉ bắt đầu. Rồi sẽ có lúc bé biết cười, biết ngồi, biết bò… Một khi bé trở nên linh hoạt hơn, tương lai mối thân tình cha con sẽ sáng sủa hơn đấy.


Bạn không đơn độc


- Nếu bạn hoàn toàn không thấy gắn bó với con, đừng lo lắng. Bạn không phải ông bố duy nhất cảm thấy như vậy lúc ban đầu.


- Đừng mong thế hết vai trò của mẹ bé. Hãy giúp vợ một tay trong việc chăm sóc con, nói với cô ấy rằng bạn muốn được thân thiết với bé hơn.


- Hãy tìm đến cả những người đã làm cha như bạn để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm.


Bí quyết nho nhỏ


- Hãy nhớ rằng bạn đóng vai trò quan trọng và duy nhất trong cuộc đời của bé, vai trò của một người cha. Đừng nghĩ mình kém quan trọng khi “so bì” với vai trò của mẹ bé.


- Nên biết trước rằng cảm giác lo lắng, bối rối hay quá tải là hoàn toàn bình thường khi mới có con. Hãy nói chuyện với vợ, với bạn bè, với những ông bố khác nếu bạn thấy cần được chia sẻ.


- Hãy có mặt trong hành trình mỗi ngày của bé, rồi bé sẽ nhận ra ai là người “chăm sóc chính” của mình. Hãy cho bé ăn, cho bé tắm và cho bé ngủ thường xuyên hết mức có thể.


- Chơi cùng bé - rồi bé sẽ dành cho bạn tất cả sự quan tâm, và bạn cũng vui như bé. Hai cha con có thể bơi hoặc cùng nhau nghe nhạc.


- Hát, nói chuyện và đọc sách cho bé nghe - Hát những bài hát bạn yêu thích, nói những điều bạn muốn được chia sẻ hoặc kể cho bé nghe những câu chuyện do chính bạn “sáng tác”.


- Đừng quên vuốt ve, cù kít và chơi đùa, ôm ấp bé. Những màn “âu yếm” như thế này thực sự giúp gắn kết tình cảm cha con.


- Dành tặng mẹ của bé những lúc nghỉ ngơi bằng cách tự trông bé. Như thế, bạn cũng tự tin hơn trong việc làm cha đấy.


- Tự nói với bạn thân “mình là ông bố tuyệt vời”. Bạn càng tự tin, bình tĩnh và hạnh phúc, tình cảm cha con càng gắn bó.


Hầu hết các ông bố đều thấy sợ hãi:

Đọc thông tin về sinh nở, quá trình mang thai một đứa trẻ, tham gia lớp học tiền sản với bạn đời… nhưng chắc hẳn trong tâm trí người lần đầu làm bố bao giờ cũng có những nỗi sợ điển hình.

Ngoài tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc khi đón đợi giây phút lần đầu tiên trong cuộc đời được ẵm bồng đứa con của mình như các bà mẹ, người bố cũng có nhiều nỗi sợ, ám ảnh và lo lắng khi được 'lên chức'.

1. Sợ bị chết

Bạn có sự khởi đầu của cuộc sống, chắc chắn bạn không thể tránh khỏi suy nghĩ về sự kết thúc của cuộc sống. Điều này càng hiện rõ khi bạn trở thành cha, bởi lẽ lúc đó trách nhiệm của bạn đã được nâng lên cao hơn.

Bạn sợ phải chết trước con, sợ khi chưa lo, chưa chăm sóc con nên người đã phải bỏ chúng lại trên cõi đời này. Nhiều ông bố thể hiện khát khao sống cho rằng họ không có quyền chết, họ phải có nhiều sức mạnh hơn để chiến đấu với cuộc sống, để có thể làm tất cả mọi điều vì con cái.

 

Lần đầu làm bố, đàn ông sợ chết nhất - 1
Người bố cũng có nhiều nỗi sợ, ám ảnh và lo lắng khi được 'lên chức'. (Ảnh minh họa).
 

2. Gánh nặng về sự an toàn, che chở

Nỗi lo lớn nhất của người đàn ông khi biết mình chuẩn bị lên chức là không biết mình có đủ sức mạnh, đủ năng lực để bảo vệ, che chở cho vợ và con cái của mình không. Người cha bao giờ cũng được coi là trụ cột, chính vì vậy áp lực về tài chính vô cùng to lớn.

Vui mừng được lên chức bố, nhưng người đàn ông cũng phải tính toán xem liệu thu nhập của mình hiện tại đã đủ cung cấp, nuôi dưỡng thêm một đứa trẻ chưa? Không chỉ về mặt kinh tế, người cha còn phải che chở, mang lại tình cảm cho con, liệu mình đã sẵn sàng cho việc đó?

3. Sợ khi thấy vợ ốm nghén và lúc sinh nở

Nhiều người đàn ông thấy bất lực khi nhìn vợ xanh xao vì ốm nghén. Lúc đó, có không ít ông bố ước giá có thể nghén thay vợ.

Tuy thương vợ, muốn ở bên cạnh động viên vợ khi “lâm bồn” nhưng không phải người đàn ông nào cũng đủ nghị lực để làm việc đó.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, khoảng 80% cảm thấy sợ khi nhìn vợ đau đớn chuyển dạ. Có những người chồng còn ngất ngay khi nhìn vợ lúc đẻ.

4. Sợ không biết mình có đúng là cha đứa bé

Các nhà nghiên cứu tiết lộ, khoảng 50% các ông bố thừa nhận khi biết vợ có mang, họ đã có suy nghĩ thoáng qua rằng liệu đứa trẻ có thực sự là máu mủ của họ?

Dù biết là suy nghĩ đó sẽ làm người bạn đời bị tổn thương, bị xúc phạm, nhưng các ông bố lo sợ mình không phải là cha của đứa bé và vợ mình là người không chung thủy.

5. Sợ mối quan hệ cha con bị chia rẽ

Khi có con, được chơi đùa, chăm sóc, lo lắng cho con là niềm vui của những người cha. Chính vì vậy, những người lần đầu làm bố bao giờ cũng lo mối quan hệ cha con bị chia rẽ, họ không được ở bên con mỗi ngày.

Cũng chính vì điều này mà đôi khi các ông bố cảm thấy “ghen tỵ” khi con quấn quít, gần gũi với mẹ hoặc người khác hơn mình.

Trưởng thành hơn qua những lo toan:

Chồng đang thiu thiu ngủ thì vợ đến bên lỏn lẻn: “Chồng massage chân cho vợ nhé?”. Đã buồn ngủ ríu rìu mà vợ còn ‘cháo hành’, chồng tặc lưỡi nằm yên vờ như không nghe. Nhưng vợ thì vẫn không chịu ‘buông tay’, giọng ngọt lịm: “Chồng ơi, hôm nay em thử rồi…chồng sắp làm bố”. Ôi thiên địa ơi, mọi thứ tối sầm trước mắt, 24 tuổi, chồng vẫn chưa chuẩn bị tâm lý làm bố.

Nghén ngẩm, nửa đêm vợ mè nheo đòi ăn dưa chua. Bắt tội chồng mắt nhắm, mắt mở sang cậy cục nhà mẹ vợ xách về 1 bát dưa đầy. Nhìn vợ ăn ngon lành chồng ứa chân răng. Chẳng kiềm chế nổi chồng xà xuống gắp ăn cùng vợ. Ôi thôi, cảm động lắm!

Khi chồng làm... bố trẻ con - 1
Ngày đầu đón vợ và cu Tít về nhà, chồng trải nệm tươm tất. (Ảnh minh họa).

Bầu bí, vợ vui buồn lẫn lộn, đâm ra hay chấp nhặt chuyện cỏn con. Chồng online muộn vợ cũng cằn nhằn là không thương vợ, thương con… rồi vợ dằn dỗi, phụng phịu… cả đêm nằm quay lưng về phía chồng. Chồng nịnh nọt thế nào cũng không nghe, thở dài: “Đúng là bà bầu khó chiều”, rồi lăn ra ngủ khì, bỏ mặc vợ.

Rồi cái ngày vợ nằm ổ cũng đến. Một ngày trời mưa rào rạt. Vợ đau bụng dữ dội, giật mạnh tay chồng mà chồng thì ú ớ… “Gì đấy vợ?”, mắt lại nhắm tịt lại. Lúc đó, vợ chỉ muốn 4 mũi giáp công ‘cào – cấu – cắn – xé’ với chồng nhưng than ôi, cơn đau khiến vợ không còn đủ sức mà nổi đóa. Chồng thấy vợ than, trợn mắt rồi giật mình “Ôi, em sinh à? Từ từ… đợi anh, đợi anh!”. Nháo nhào gọi sang nhà bố mẹ vợ rồi bế bổng vợ ra xe. Đến bệnh viện, chồng vừa bế vợ vừa hét ‘như cháy nhà’: “Bác sĩ ơi, cấp cứu, cấp cứu… vợ em đẻ”. Làm vợ lúc ấy vừa đau, vừa xấu hổ. Làm như một mình chồng có vợ đẻ?

23h03 phút, ngày 1/3/2011, chồng với đôi mắt thâm xì, đi nhận vợ và cu Tít. Lần đầu nhìn thấy con, chồng lặng người, mặt rất ngố “Em ơi, sao con mình nhìn tai tái ấy”, làm vợ vừa tủi thân, vừa bực mình. Con mới chào đời mà đã bị bố chê.

3 ngày ở bệnh viện, ban ngày cu Tít ngủ không vãy tai, có thức dậy mắt cũng chỉ he hé rồi lại ngủ tiếp. Đêm mới thực sự là ‘khốn khổ’, nàng ta oe oe, hết bú lại ị… chồng nằm kế bên vỗ muỗi đen đét, vừa gà gật, vừa nựng con “Con ơi! Ngủ đi cho bố ngủ với” (giọng chồng nghe rất chi van nài và khốn khổ). Thương lắm!

Ngày đầu đón vợ và cu Tít về nhà, chồng trải nệm tươm tất, nhưng vợ vừa đặt cu Tít nằm xuống, nàng ta đã xón hết ra nệm. Chồng bật như tôm “Úi giời ơi! Con với chả cái” rồi mặt cau lại nghe vợ sai bảo (cái vẻ mặt ‘hằm hằm như thịt bằm nấu cháo’ ấy).

Từ ngày có cu Tít, chồng không còn trốn vợ đi nhậu đêm. 7 giờ tối đã thấy ‘điểm danh’ ở nhà, vì 'Nếu về trễ thì đừng có động vào con và hôn con’, đạo luật thứ nhất trong lệnh giới nghiêm của vợ. ‘Cuối tuần, chồng sẽ là người lo giặt giũ và phơi phóng tã lót cho con, pha sữa cho con bú, chơi với con… còn vợ sẽ được nghỉ ngơi và có thể đi chơi cùng bạn bè, nếu muốn’, đạo luật thứ hai… rồi đạo luật 3, 4, 5… chồng tuân thủ răm rắp. Vợ nghĩ, số vợ đúng là sướng!

Nhưng quy định là quy định thế chứ nhìn chồng lóng ngóng pha sữa, gấp đồ cho con… rồi tí cái lại ‘Em ơi con khóc!” ‘Em đang bận một tí, anh dỗ con đi”. ‘Anh không dỗ được. Con không nín”‘Vâng’… rồi trong lúc vợ tất tưởi chạy ra chồng đã xịu mặt ‘Sao mà lâu thế?”...

Giờ cu Tít đã được hơn 4 tháng tuổi, chồng cũng đã 'cứng cáp' hơn nhiều trong chuyện nựng và chăm con. Nhưng nghĩ lại những ngày đầu chồng mới làm bố thì vợ lại cười chảy nước mắt.
 

Khi biết tin vợ mình mang thai, chắc hẳn những ông chồng lần đầu tiên làm bố sẽ không khỏi hân hoan, vui mừng tột độ. Bên cạnh những cảm xúc lâng lâng khó tả, thì tính cách của họ “bỗng dưng” có nhiều thay đổi.

Mỗi người một vẻ, nhưng đa phần là theo hướng tích cực để chuẩn bị cho một vai trò mới – làm một người bố tốt.

Bỗng dưng… “ngoan ngoãn”

Hùng là một nhân viên cho cơ quan liên doanh với nước ngoài, chuyên về lĩnh vực điện, cưới vợ đã được 5 năm. Giống như nhiều người đàn ông khác, anh ao ước cưới vợ xong rồi có một đứa con để vui nhà vui cửa, nhưng chờ mãi mà chưa có kết quả mặc dù đã nhờ đến y học giúp đỡ.

Một số bạn bè trêu đùa là “thằng đàn ông bất lực”, Hùng càng tự ái, buồn bã, sinh ra rượu chè rồi chán về nhà, chỉ muốn đi đâu đó cho khuây khỏa. Trong cơ quan, anh cố lầm lũi làm việc để né những ánh mắt, những câu chuyện soi mói vào đời tư của mình.

Tuy sinh tật nhưng Hùng chưa bao giờ xúc phạm vợ mà chỉ tự trách bản thân mình. Rồi đến một ngày, khi cô vợ thông báo cho Hùng biết rằng mình đã có thai, như kẻ đang rơi xuống vực thẳm bỗng vớ được sợi dây, Hùng sung sướng tột độ, ôm vợ vào lòng hôn lấy hôn để rồi hét toáng lên thật to. Cũng từ đó, anh giống như đứa trẻ ngoan ngoãn lạ thường.

Lần đầu làm bố, anh lâng lâng lạ - 1
Lên chức bố, anh bỗng dưng thấy mình ngoan hơn (Ảnh minh họa).

Hết giờ làm, anh lao thẳng về nhà và chỉ muốn ở bên vợ, áp sát vào bụng vợ để trò chuyện với thiên thần nhỏ của mình. Vợ sai gì anh cũng làm theo, không dám cãi “lệnh”. Anh dành hết việc nặng về phần mình vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con.

Vợ thèm bát cháo gà, dù đã khuya, anh cũng cố đi mua cho bằng được. Bạn bè rủ đi nhậu, anh đều khước từ với lý do rất chính đáng: “Vợ tớ sắp sinh, không thể để tâm lý của nàng bị căng thẳng được!”. Bất đắc dĩ lắm Hùng mới đi lai rai vì có sếp tham dự.

Bỗng dưng… chăm chỉ

Từ ngày vợ mang thai, xem ra Cường không còn là anh chàng lười nhác nữa. Nhớ thuở mới rước nàng về dinh, cậy nhà có của ăn của để, cộng với sự chiều chuộng thái quá của bố mẹ, Cường sinh ra lười biếng và ỷ lại; ra trường đi làm việc gì cũng chê khổ, ít tiền nên không đi.

Ngày nào vợ Cường cũng làm quần quật từ sáng cho đến khuya ngoài chợ để bán hàng ăn, trong khi anh chỉ nằm lì ở nhà xem ti vi, đọc báo, chơi game online, hoặc đi đánh bạc với những người ăn không ngồi rồi trong xóm.
Một hôm, cô vợ thẽ thọt với chồng: “Anh không chịu lao động, vậy sắp tới đây con mình chào đời thì lấy gì mà lo cho nó? Em và anh sao cũng được, nhưng phải biết hi sinh đời bố củng cố đời con chứ!”.

Cường giật mình, ngỡ ngàng đưa mắt dò xét vợ: “Em có thai rồi sao? Thật chứ? Sao em không nói cho anh biết sớm hơn?”. Cô vợ cười: “Thật 100% đấy anh yêu!”. Cường mừng quá, nhảy cẫng lên và hét to: “Tôi sắp làm bố rồi!”.

Bắt đầu từ hôm đó, Cường không cho vợ đi làm nữa, chỉ cho ở nhà lo việc nội trợ. Còn anh, lấy cái bằng kinh tế “chưng tủ kính” lâu nay của mình để đi xin việc. Nhờ có bố “đỡ đầu”.

Cường nhanh chóng nhận được việc làm với mức lương tương đối. Cả nhà Cường đều rất vui vì cậu ấm đã có việc làm, chăm chỉ lao động, không còn lông bông như xưa.

Bỗng dưng… thấy lạ


Không giống như hai anh bạn kể trên, khi nghe vợ thỏ thẻ bên tai rằng: “Em có thai rồi!”, Hoàng thấy lạ lẫm thế nào đấy. Cảm giác đó thật khó tả xiết, lâng lâng đến tột độ, pha chút khó xử và vẻ bối rối lộ rõ trên gương mặt Hoàng.

Anh tưởng tưởng ra đủ thứ chuyện về một đứa trẻ sắp chào đời và gọi mình bằng bố. Nhớ mới hôm nào mình chỉ còn là người chồng “trẻ con”, ham vui, hay đôi co với vợ vì những chuyện không đâu, thì nay đã là bố rồi. Lạ thật đấy!

Bước ra phố, hàng xóm hoan hỉ chúc mừng: “Sắp có cháu rồi phải không? Chúc mừng anh nhé”. Đến cơ quan, đồng nghiệp thì hóm hỉnh chia sẻ: “Xem kìa, người ta sắp làm bố nên chững chạc ghê gớm. Trông y như ông cụ non vậy!”. Sang thăm nhà bố mẹ ruột, Hoàng cũng nhận được những câu tương tự như vậy: “Cũng ra vẻ làm bố rồi đấy. Nhớ chăm sóc cho mẹ con nó thật tốt!”.

Anh bỗng thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn và căn nhà nhỏ của Cường như ấm cúng hơn. Chắc đó là điều hiển nhiên, bởi ông bố nhà ta chỉ vừa tròn 25 tuổi đầu, chưa quen với “thế giới gia đình” cho lắm!

Hãy là một ông bố tốt

Tuy con bạn chưa chào đời, nhưng trong thời gian vợ mình mang thai, bạn cần có một kế hoạch cụ thể cho việc làm bố của mình sắp tới. Chẳng hạn chú tâm vào công việc hơn, không bê tha hay hoang phí quá mức, lập quỹ tiết kiệm nhiều hơn để có thể lo cho con mình một cuộc sống đầy đủ.

Bạn cũng có thể đăng kí tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ ông bố, bà mẹ trẻ hoặc tham khảo sách về nuôi dạy con tốt để rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc làm cha.

Tuyệt đối không nên suy nghĩ mông lung rằng: “Liệu mình có là người cha tốt?” hay: “Vợ mình có sinh con trai không?”. Hãy cân bằng tâm trạng làm việc tự tin ở chính bản thân để mình luôn là chỗ dựa vững chắc cho hai mẹ con (dù có vất vả và mệt nhưng vui); và luôn có ý nghĩ dù gái hay trai cũng là khúc ruột do chính mình tạo ra.

Hơn nữa, trong lúc vợ mang thai, tránh gây xung đột hay đùn đẩy quá nhiều công việc nội trợ cho vợ. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của cả vợ và thiên thần nhỏ sắp chào đời. Những việc này chắc chắn không khó thực hiện đối với các ông bố biết yêu thương vợ và con của mình.

Dạy trẻ nhút nhát như thế nào?
Dạy con sống độc lập
Dạy bé tập nói nhanh
Dạy trẻ uống nước
Dạy chim sáo nói tiếng người
Làm gì khi con lười học


(ST).

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý