Lợi ích khi cho trẻ bú sữa mẹ

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Lợi ích khi cho trẻ bú sữa mẹ

18/04/2015 11:18 PM
364

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ. Sữa mẹ được tạo ra trong những tháng cuối của thời kỳ mang thai và được tiết ra sớm ngay sau khi sinh. Do vậy cần cho con bú sớm trong vòng 30 phút đến 1 giờ đầu sau khi sinh, điều này sẽ giúp cho trẻ khỏe mạnh.


Lợi ích của sữa mẹ với sức khỏe của trẻ sơ sinh

Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng tối đa, cung cấp kháng thể tăng cường cho hệ miễn dịch của trẻ, giảm nguy cơ hen suyễn, dị ứng, nhiễm trùng, béo phì, tiêu chảy và các bệnh về tai và phổi khác. Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa và hấp thu đối với trẻ. Không có gì ngoài sữa mẹ là thức ăn cho trẻ trong 6 tháng đầu tiên của cuộc sống.
 


Cho trẻ bú mẹ mang lại những lợi ích sau đối với bà mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ là một cách nuôi dưỡng trẻ vô cùng kinh tế và tiện lợi vì sữa mẹ luôn sẵn có. Cho trẻ bú sữa mẹ không chỉ giúp bạn giảm cân tự nhiên, giúp co hồi tử cung sau khi sinh, phòng được chảy máu sau đẻ. Làm giảm nguy cơ bị ung thư vú, buồng trứng hoặc ung thư dạ con, giảm nguy cơ loãng xương và đái tháo đường. Cho con bú sẽ giúp tăng cường tình cảm gắn bó giữa mẹ và con.

Khi nào thì bắt đầu cho trẻ bú sữa mẹ

Sữa mẹ do chính cơ thể mẹ tạo ra trong suốt quá trình mang thai. Sữa mẹ tiết ra sớm được gọi là sữa non, có độ đặc, màu hơi vàng, chứa nhiều chất dinh dưỡng và kháng thể giúp bảo vệ con bạn khỏi bị nhiễm trùng. Do vậy cần cho con bú sớm trong vòng 30 phút đến 1 giờ đầu sau khi sinh, điều này sẽ giúp cho trẻ khỏe mạnh.
Trong 6 tháng đầu chỉ cho bú sữa mẹ không cần cho ăn thêm bất kỳ thức ăn, nước uống nào khác. Những thức ăn, kể cả nước uống sẽ gây hại cho bé, thậm chí là nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Như vậy, sữa mẹ sẽ là thức ăn duy nhất gắn chặt với bé trong 6 tháng đầu đời. 

Sữa mẹ tốt hơn rất nhiều so với sữa công nghiệp. không có một loại sữa công nghiệp nào có chứa đủ các thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, tinh bột để giúp trẻ lớn nhanh và phát triển trí não như là sữa mẹ.

Giai đoạn từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12, sữa mẹ vẫn cung cấp một nửa số lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng tuổi.Tiếp tục cho bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn vì có những lợi ích cho sức khỏe của con bạn và sự phát triển về lâu dài. Đặc biệt sẽ tiếp tục tăng sự gắn kết tình cảm giữa mẹ và con.

Cho trẻ bú đúng cách

Cho trẻ bú đúng cách sẽ làm cho mẹ có nhiều sữa hơn và bé cũng bú được nhiều hơn. Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi, đặt đầu trẻ lên phía trên ngực bạn, mặt trẻ hướng vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú, toàn thân trẻ sát vào người mẹ, đầu - thân - mông trẻ nằm trên một đường thẳng, miệng trẻ mở rộng, ngậm sâu vào quầng thâm của núm vú mẹ, cằm chạm vào bầu vú mẹ và chuyển động theo mỗi lần mút, bạn sẽ nghe được tiếng trẻ bú mút nhịp nhàng cùng với tiếng trẻ nuốt vào đều đặn. Hãy để trẻ bú mẹ bao lâu tùy thích, trẻ bú mẹ càng nhiều sữa sẽ được tiết ra càng nhiều. Mỗi lần cho con bú bạn hãy cho trẻ bú hết một bên vú, đến khi cảm thấy vú xẹp và nhẹ đi mới chuyển sang vú bên kia. Vì sữa mẹ bao gồm sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu bữa chứa nhiều đạm, Vitamin và nước giúp trẻ hết khát. Sữa cuối bữa có màu trắng đục, chứa nhiều chất béo và năng lượng giúp cho trẻ no bụng. Cho trẻ bú mẹ theo cách này sẽ giúp cho trẻ nhận được 100% các dưỡng chất cần thiết có trong sữa mẹ.

Chế độ ăn, uống và cách bảo vệ nguồn sữa mẹ

Muốn có sữa cho con bú thì ngay trong thời kỳ mang thai người mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

Khi cho con bú các bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, ngủ đẫy giấc. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường và ăn các loại thực phẩm chứa nhiều sắt, Vitamin A, và a xit folic như sữa, hoa quả , thịt cá, trứng, đậu phụ, lạc, đậu đỗ, các thực phẩm có màu vàng đỏ... và các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ có tác dụng kích thích bài tiết sữa.  

Để sữa được tiết ra một cách thuận lợi, tinh thần người mẹ phải thoải mái, tự tin, tránh những căng thẳng, buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Chế độ lao động, nghỉ ngơi sau khi sinh đẻ có ảnh hưởng đến bài tiết sữa.

- Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước mỗi ngày từ 2 lít trở lên tốt nhất nên ăn thêm cháo, uống nước hoa quả tươi và sữa.

- Không nên dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc... Giảm ăn các loại gia vị như tỏi, ớt, tiêu, giấm...

- Ðiều quan trọng để tạo nhiều sữa là cần cho con bú thường xuyên, đúng cách. Trẻ ngậm bắt vú đúng sẽ bú có hiệu quả và tránh làm người mẹ đau rát vú.

Sữa mẹ là thức ăn thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú đến 2 năm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sau này.

Nuôi con bằng sữa mẹ! đã đến lúc cộng đồng xã hội cần nhận thức đúng đắn,  vì sức khỏe của những đứa con thân yêu ngay từ những năm tháng đầu đời mỗi người mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức khoa học căn bản nhất về nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là nghĩa vụ và quyền thiêng liêng nhất của một người mẹ khi sinh con.
 

Khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới

Tổ chức này đặc biệt khuyến khích việc các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Sau đó các mẹ có thể cho con dùng thêm thực phẩm bên ngoài trong chế độ tập cho bé ăn dặm, tuy nhiên việc bú mẹ vẫn nên được tiếp tục cho đến khi bé 2 tuổi hoặc hơn. Ngoài ra theo các chuyên gia y tế, việc cho bé bú mẹ cần được thực hiện trong vòng 1 giờ kể từ khi bé chào đời; bé cần được cho bú bất cứ khi nào có nhu cầu – bất kể ngày hay đêm và cần tránh bú bình hoặc dùng ti giả.

Lợi ích sức khỏe ngắn hạn cho bé

Sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 năm tuổi – nó cung cấp đủ mọi dưỡng chất bé cần để phát triển khỏe mạnh. An toàn và chứa nhiều kháng thể, sữa mẹ sẽ giúp bảo vệ bé khỏi những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như tiêu chảy và và viêm phổi – 2 nguyên nhân chính gây tử vong trẻ em trên toàn thế giới.
Cho con bú không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho bé mà còn tốt cho sức khỏe của mẹ.

Lợi ích sức khỏe dài hạn cho bé

Ngoài những lợi ích ngắn hạn đã được nêu trên, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc được nuôi bằng sữa mẹ có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe của một người trong cả một quãng đường đời rất dài sau đó. Những người khi còn nhỏ được nuôi bằng sữa mẹ thường có huyết áp và mức cholesterol thấp hơn, ít bị béo phì và tiểu đường hơn những người được nuôi dưỡng bằng sữa công thức. Không chỉ vậy còn có một vài nghiên cứu cho thấy những người được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số IQ cao hơn.

Lợi ích sức khỏe cho mẹ

Thông thường khi nói đến việc nuôi con bằng sữa mẹ, người ta chỉ đề cập đến lợi ích của bé; tuy nhiên trên thực tế bản thân người mẹ cũng được hưởng lợi rất lớn từ việc này. Không chỉ giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng, nó còn giúp các mẹ nhanh chóng lấy lại cân nặng trước khi sinh và làm giảm tỉ lệ béo phì, thừa cân ở mẹ.

Vì sao không dùng sữa công thức?

Các loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh không chứa các kháng thể được tìm thấy trong sữa mẹ. Không những vậy, nếu không được pha đúng cách, dùng nguồn nước không đảm bảo hay bình pha sữa không được khử trùng tốt, sữa công thức thậm chí còn gây hại cho trẻ bởi sự hiện diện tiềm năng của vi khuẩn trong sữa bột – dẫn đến việc trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu vì một lý do nào đó bạn cho con dùng sữa công thức và sau đó trở lại dùng sữa mẹ thì nguồn sữa mẹ có thể sẽ bị thiếu hụt do cơ thể bạn không tiết ra đủ lượng sữa nữa.

Nếu mẹ cần trở lại làm việc?

Hãy vẫn tiếp tục cố gắng cho bé được uống sữa mẹ ngay cả khi bạn đi làm và không thể cho bé bú trực tiếp. Bạn có thể vắt sữa ra bình để bé ở nhà dùng, và nếu nơi làm việc không quá xa nhà bạn nên về buổi trưa để cho con bú. Nhiều người muốn nhanh chóng trở lại với công việc càng sớm càng tốt; tuy nhiên một bà mẹ cần ít nhất 4 tháng để hoàn toàn bình phục sau khi sinh và nuôi con bằng sữa mẹ.

Khó khăn khi cho con bú

Trong vài tuần đầu tiên bé bú, không ít các mẹ gặp trường hợp núm vú bị đau, nứt nhẹ gây cảm giác khó chịu. Nếu gặp trường hợp này, bạn không nên lo lắng bởi đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang dần thích nghi với việc cho con bú.

Tuy nhiên, nếu núm vú bị nứt nhiều, chảy máu hoặc có mụn nước thì bạn cần để ý hơn – nguyên nhân của các vấn đề này có thể do tư thế cho bé bú chưa đúng. Bạn cần chắc chắn rằng em bé ngậm miệng được cả vào khu vực quầng xung quanh chứ không chỉ núm vú – bởi nếu không bạn sẽ bị đau nhức nhiều và nứt núm vú. Với các bà mẹ trẻ, việc cho con bú là một cảm giác mới lạ và có thể có chút khó chịu, nhưng nếu bạn thấy quá khó chịu và chưa biết cách điều chỉnh tư thế, hãy tìm đến sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm quanh mình, chắc chắn họ sẽ rất vui lòng được giúp đỡ bạn đấy!
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những trẻ bú mẹ thường có chỉ số IQ cao hơn.

Bé bị tưa lưỡi

Đây là tình trạng phổ biến ở phần lớn trẻ sơ sinh – gây ra bởi sự phát triển quá mức của một loại nấm trên lưỡi bé. Vấn đề là loại nấm này có thể dễ dàng lây lan qua núm vú của mẹ và gây ra nhiều đau đớn cho người mẹ. Nếu bạn đang trải qua những cơn đau dữ dội ở núm vú và không được cải thiện qua việc thay đổi tư thế cho bé bú thì bạn cần gặp bác sỹ để kiểm tra và điều trị hiện tượng tưa lưỡi của bé. Điều trị tưa lưỡi khá đơn giản, nhưng điều quan trọng là cả mẹ và bé cần được điều trị song song bởi nếu không bạn sẽ bị đi bị lại nhiều lần mà không dứt hẳn được.

Tắc ống dẫn sữa và viêm vú

Trong vài tháng đầu tiên nuôi con bằng sữa mẹ - khi nguồn sữa đang được thiết lập, không ít người bị ứ sữa và tắc ống dẫn sữa. Nếu bạn sờ thấy một cục cứng nhỏ trên ngực, có thể là một trong các ống dẫn sữa của bạn đang bị tắc. Ngoài ra nếu bạn bị sốt, đau nhức cơ thể và một vài dấu hiệu bất thường khác thì có thể ống sữa bị tắc đã gây nên tình trạng viêm vú.

Các ống dẫn sữa sẽ tự giãn ra mỗi lần bé bú mẹ, tuy nhiên có một vài mẹo để bạn đẩy nhanh quá trình này, giúp phòng tránh việc bị viêm vú:

- Nhẹ nhàng xoa bóp quanh bầu ngực với hai bàn tay của bạn – mát xa theo hướng sữa chảy về núm vú.

- Rang nóng ít gạo rồi cho vào một chiếc bít tất nhỏ, xoa nhẹ lên bầu ngực và khu vực xung quanh núm vú giữa mỗi lần cho bé bú. Tác động nhiệt sẽ có tác dụng rất lớn trong việc làm giãn các ống dẫn sữa, giúp thông lại chỗ bị tắc.

- Cho bé bú ở các tư thế khác nhau. Nếu có thể, bạn điều chỉnh cằm bé ngay dưới chỗ ống dẫn sữa bị tắc. Việc này sẽ hơi khó khăn một chút nhưng sẽ rất hiệu quả khi bé trực tiếp tác động vào chỗ ống dẫn sữa đó.

- Cố gắng nghỉ ngơi thật nhiều. Sức mạnh hệ thống miễn dịch của bạn liên quan trực tiếp đến khả năng phục hồi nhanh khi bạn bị tắc ống dẫn sữa và viêm vú.

Mang thai khi cho con bú
Chế độ ăn cho bà mẹ cho con bú
“Vệ sinh” trong thời gian cho con bú
Làm sao có nhiều sữa cho con bú sau sinh
Có nên uống thuốc tránh thai khi cho con bú


(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý