Dạy trẻ biết tự lập từ sớm

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Dạy trẻ biết tự lập từ sớm

18/04/2015 11:40 PM
511

Ba bốn tuổi đã là lúc trẻ cần học tính tự lập. Sau đây là một số phương pháp rèn luyện tính tự lập ở trẻ độ tuổi mẫu giáo mời các bạn tham khảo:
 

1. Tạo cho trẻ cảm giác được quan tâm đầy đủ về mặt tinh thần. Cân đối thời gian giao tiếp với trẻ hàng ngày, không vì bận bịu mà phó mặc con mình cho trường mẫu giáo hoặc người giữ trẻ. Việc tâm sự, hỏi han hoặc cùng chơi với còn là rất quan trọng. Không chê bai trẻ, không dùng những từ như “hư”, “kém”, “xấu” đối với trẻ; bởi tự lập, tự chủ bắt nguồn từ việc chế ngự được cảm giác sợ hãi, lo lắng - đồng nghĩa với sự tự tin.

Hằng ngày trước khi đi ngủ, bố mẹ kể cho bé một câu chuyện về một nhân vật nhất định2. Hằng ngày trước khi đi ngủ, bố mẹ kể cho bé một câu chuyện về một nhân vật nhất định. Ví dụ về bạn chuột Típ. Hôm nay kể chuyện chuột Típ đánh răng, ngày mai kể chuyện Típ học cách mặc quần áo thế nào... ở lứa tuổi này, trẻ rất thích bắt chước. Và nhân vật chuột Típ có thể là tấm gương cho trẻ trong đời thực.

3. Dạy trẻ tự chủ trong tư duy: biết cái gì hay, cái gì dở, cái gì hợp lý, cái gì không. Ví dụ, bạn có thể dùng một con gấu bông làm nhân vật để dạy trẻ mặc quần áo. Gấu bông lẽ ra phải đeo vào tay, hoặc mặc áo vào người thì lại đội lên đầu. Khi theo dõi cảnh đó, bé sẽ phát biểu ngay như thế là sai, phải như thế này mới đúng. Hoặc thay vì “ra lệnh” cho bé “tự” làm một việc: “Con mặc quần áo đi, con đi giày đi!” thì bạn nên hướng bé đến hành động đó một cách gián tiếp.

4. Bắt đầu từ 1,5 - 2 tuổi, bạn làm bất cứ việc gì trước mặt trẻ cũng nên phân tích, giảng giải cho con biết lý do và cách thức hành động. Ví dụ, bạn lấy khăn lau lau miệng cho trẻ sau khi ăn, bạn nói: “Ồ, thức ăn làm má và mồm của con bị bẩn rồi, mẹ vò khăn ướt lau cho con sạch sẽ nhé... Lau hết những cái bẩn đi rồi này... Mẹ thơm con một cái nhé!”. Về sau, bạn để khăn ở một nơi bé có thể với tới. Khi ăn xong, bạn hỏi: "mẹ muốn thơm con quá mà má con bị bẩn, làm sao bây giờ?”... Việc giải thích được lý do của hành động quan trọng hơn kết quả của hành động ấy.

5. Trước khi đạt được việc tự lập hoàn toàn của trẻ trong một kỹ năng nào đó, cần cho trẻ trải qua quá trình “cùng hành động”. Cùng dọn đồ chơi, cùng đi giày (mẹ đi hộ con chiếc trái, con tự đi chiếc phải), cùng rửa tay (mẹ xoa xà phòng hộ con, con tự rửa bọt xà phòng đi)... Cho trẻ tham gia bất kỳ việc gì trẻ muốn. Mất thời gian một chút, nhưng sự kiên nhẫn của bạn sẽ là chìa khoá của thành công.

6. Tuyệt đối không phê phán trẻ, không dùng những từ “Không được! Vỡ bây giờ! Hỏng hết rồi! Hậu đậu thế!...” với trẻ khi đang học một kỹ năng nào đó.

7. Không phải lúc nào bạn cũng có đủ thời gian để đợi trẻ tự làm một việc. Trong những trường hợp bạn giúp trẻ làm việc gì mà trẻ đã từng tự làm được, bạn hãy giải thích lý do: “Hôm nay mình vội quá nên mẹ giúp con đi giày, còn con tự mặc áo, vì nếu không thì mình sẽ không kịp đến nhà bà, bà đợi lâu không thấy bà lại đi chơi mất!”.

8. Khi trẻ khó chịu trong người, hơi mệt hoặc bỗng dưng hay cáu gắt vì một lý do nào đó... bạn không nên đòi hỏi bất kỳ sự "tự lập" vào lúc này. Hãy bình tĩnh, dịu dàng với trẻ.

9. Nhưng đôi khi cũng phải thể hiện sự kiên quyết. Bé tung đồ chơi ra mà không chịu dọn lại, cố tình làm nước bắn vào quần áo khi rửa tay một mình... Bạn hãy bình tĩnh cho bé biết là bạn không hài lòng, và đi sang phòng khác, nhưng tuyên bố dứt khoát: “Con để đồ chơi như thế, lát nữa bố sẽ rất buồn. Bây giờ mẹ đi rửa bát, con ở đây dọn đồ chơi vào hộp. Mẹ sẽ quay lại xem con làm đến đâu rồi”. Việc bỏ ra chỗ khác của bạn khiến trẻ chấm dứt được ý muốn đùa nhả hoặc thể hiện bướng bỉnh với người lớn.

10. Không bao giờ bắt ép trẻ làm một việc gì. Việc dạy cho trẻ một kỹ năng “tự hành động” luôn tiến hành khi trẻ có hứng. Đừng tiết kiệm lời khen.

Những bài tập rèn luyện tính tự lập cho bé, mỗi bậc phụ huynh đều có thể nghĩ ra dựa trên tính cách và đặc điểm về tâm sinh lý của con mình. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự gần gũi của bố mẹ đối với con, là việc "hiểu con" sâu sắc thay vì đòi hỏi ở con những điều mà mình kỳ vọng.
 



Tôi vẫn nhớ mãi lần xem một bộ phim của Mỹ. Người bố vì có việc phải đi xa, trước khi đi đã dặn cậu con trai 10 tuổi ở nhà một câu như sau: “Giờ con là người đàn ông duy nhất trong gia đình, con phải là trụ cột cho mẹ và em. Con có hứa với bố là sẽ thay bố chăm sóc tốt họ không?”. Cả tôi và chồng đều bàng hoàng.

 

Hình minh hoạ. Nguồn ảnh: dinhduong


Câu đó, nếu được phát ra từ một ông bố, bà mẹ Việt thì hẳn phải là: "Con ở nhà phải ngoan, nghe lời mẹ biết chưa?”. 

Một điều dễ dàng nhận thấy là phụ huynh Tây dạy con tự lập từ rất sớm. Các bé được học cách tự chăm sóc chính bản thân mình và đầy đủ các kỹ năng để tự làm mọi việc.

Phụ huynh Tây không bao giờ coi con họ là "trẻ ranh", chẳng biết gì, mà luôn lắng nghe con trẻ và tôn trọng chúng như người lớn.  

Chị họ tôi kể rằng, một khi đã hứa gì với hai đứa nhà chị, bố mẹ đều phải cố gắng thực hiện để không mang tiếng “hứa lèo” với con, dẫn đến việc lâu dần chúng không tin những gì bố mẹ nói. Những hôm đã trót hứa mà không đưa con đi chơi được, bố mẹ đều phải “công khai xin lỗi” hai đứa. Tương tự, để cho công bằng, nếu con đã hứa gì với bố mẹ thì cũng phải thực hiện cho được.  

Ở nhà, tôi rất hay “nhờ vả” con làm việc này việc kia, và con bé dường như rất vui khi được “sai vặt” như vậy. Ăn kẹo xong phải tự giác vứt giấy gói vào thùng rác, ăn cơm xong thì bê bát đũa bỏ vào chậu rửa chờ sẵn, nếu với không tới thì bắc ghế cho tới....


Đi siêu thị, mẹ cũng nhờ con “xách” hộ túi đồ và con cứ thế khệ nệ xách về nhà nhưng vẻ mặt rất "hãnh diện". Thay vì ôm hết mọi việc vào người và nghĩ trẻ con không biết làm gì, hai vợ chồng tôi rất “tranh thủ tạo công ăn việc làm” cho con, nhất là khi nấu bếp, dọn nhà.

Việc đó không chỉ giúp con tự lập mà còn tạo cho con ý thức trách nhiệm với gia đình và tạo không khí gắn bó hơn giữa các thành viên.  

Tất nhiên, một yếu tố quan trọng giúp vợ chồng tôi dạy con kiểu Tây thành công là vì chúng tôi được... ở riêng. Rất nhiều bạn bè tôi, dù cũng cố gắng tham khảo tài liệu giáo dục nước ngoài, nhưng cuối cùng đều bó tay chịu trói vì phải ở chung với ông bà.

Thay đổi tư duy giáo dục và chăm sóc con trẻ của cả một thế hệ người đi trước thực sự là việc nan giải, và nếu không có sự quyết tâm, kiên trì thậm chí là phản kháng mãnh liệt của bố mẹ trước “ông bà”, nhiều em bé Việt sẽ tiếp tục lớn lên với thảm cảnh bị ép ăn, bị nuông chiều quá mức thành ra "cớm nắng", "em chã".

Những đeều bố mẹ nên tránh khi dạy con

Có hành vi tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng lại tác động lớn đến nhận thức của trẻ.

 

Lên chức cha mẹ, ai cũng mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho con. Nhưng đôi khi, chính sự chăm sóc và quan tâm không đúng của cha mẹ lại là nguyên nhân khiến con chán chường, mệt mỏi, sẵn sàng ‘bung’ quyết liệt hoặc không học được cách đứng vững trên đôi chân của chính mình.

Dù có thương yêu và lo lắng cho con thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng cần nhớ rằng có những nguyên tắc bạn không bao giờ được phép vi phạm. Dạy con tự lập ngay từ bé, bạn sẽ thu về nhiều 'trái ngọt' bất ngờ.

Để rèn con lối sống chủ động, không ỷ lại, cha mẹ tuyệt đối không làm giúp con 3 việc dưới đây:

1.   Làm bài tập thay con

Nhìn thấy con ‘cắn bút’ vì không nghĩ ra ý tưởng cho bài văn hoặc ‘bí’ trước bài toán khó… bạn lo con căng thẳng, chép miệng cầm bút và ‘xắn tay’ ứng cứu ngay. Việc giúp đỡ con xuất phát từ mục đích tốt, nhưng không phải lúc nào cũng mang đến kết quả như mong đợi.

“Con không làm được đâu" – tiếng ‘rên rỉ’ yếu ớt của con trẻ khiến bạn động lòng trắc ẩn. Xót con, bạn vớ lấy cây bút, miệng dỗ dành còn tay cầm bút viết nhoay nhoáy bài luận thay con. Sự thật, làm thay con luôn dễ hơn việc kiên nhẫn chỉ bảo, khuyến khích để con suy nghĩ và tự làm. Nhưng nếu như con trẻ gặp khó khăn, luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa của cha mẹ thì chúng sẽ không học được cách ứng biến và trưởng thành

Hãy nhớ, nếu trẻ không hiểu đề bài hay chưa nghĩ ra cách giải, hãy dành thời gian xem xét kỹ câu hỏi và có những gợi mở cho chúng, tuyệt đối không đưa luôn đáp án. Một điểm nữa bạn cần ghi nhớ là đừng 'kè kè' ngồi bên lúc trẻ làm bài tập về nhà, vì chúng sẽ có xu hướng ‘cầu cứu’ khi vừa mới gặp một chút khó khăn.

2.    Nói thay trẻ

Với vốn từ vựng chưa phong phú, khó tránh khỏi việc trẻ 'lắp bắp', khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ của mình. Nhưng không phải vì thế mà bạn đoán ý và ‘mớm lời’ cho trẻ ngay.

Trong bất kỳ trường hợp nào, đừng vội vàng tước đi quyền được nói, được trải nghiệm của con trẻ. Hãy nhớ, tuyệt đối không phát ngôn thay trẻ, tránh mắc phải lỗi ‘Ý con là…’.

Tất nhiên, những khi trẻ gặp nguy hiểm, bạn cần can thiệp, nhưng nếu mọi việc chẳng có gì đáng ngại, hãy khuyến khích chúng tự tìm cách kết thân hay giải quyết mâu thuẫn.

3.    Chọn bạn

Trong thâm tâm cha mẹ luôn nghĩ mình biết điều gì – ai – là tốt nhất cho con. Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi con trẻ phải 'chọn bạn mà chơi' theo ý của cha mẹ.

Thực tế, người mà cha mẹ nhận định là tốt, chưa chắc con đã có thể kết thân và chơi một cách cởi mở. Do vậy, đừng ép buộc con trẻ vì có thể chúng sẽ nổi loạn. Tất nhiên, không có gì sai nếu cha mẹ như nhịp cầu nối con với những người mới, nhưng hãy để trẻ được tự đưa ra chọn lựa kết bạn hay không.

Trách nhiệm của cha mẹ là hãy để mắt đến các bạn của con, nhanh chóng 'nhận diện' những trẻ hay chửi thề, hành vi xấu hoặc thói quen có thể gây hại cho con... để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nhưng không phải là cấm đoán.

Kết: Trở thành 'cha mẹ trực thăng', luôn lo lắng và đắm đuối vì con, kiểm soát con tới cùng… là bạn đang tự ‘ươm mầm’ họa cho chính bản thân. Hậu quả của những bậc cha mẹ này gây ra là trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào họ về tình cảm và mất khả năng tự phát triển, ứng phó với những biến cố của cuộc sống. Nghiêm trọng hơn, những phụ huynh nuông chiều con theo kiểu 'cầm tay chỉ việc' đang tạo ra một thế hệ trẻ có lối sống ích kỷ, chỉ biết ỷ lại và không biết sẻ chia... hay có bất kỳ ý tưởng, dự tính nào cho bản thân.

Nuôi dạy con cái  nên đồng nghĩa với việc cha mẹ được nghỉ ngơi và để trẻ tự khám phá, học hỏi nhau… Hãy quên đi vai trò “hy sinh” hay “đắm đuối cá chuối…” để tận hưởng cuộc sống ngay cả khi bạn đã có con.
 

Cách dạy con tự lập ngay trong bữa ăn

 

Chỉ với 30 phút trong bữa ăn nhưng nhiều ông bố bà mẹ đã bỏ qua “cơ hội vàng” này để dạy con những tính cách tích cực.

Hãy từ bỏ thói quen làm hộ trẻ

Cứ tầm 5h chiều, sân chơi khu chung cư lại rộn rã tiếng trẻ con. Không phải các cháu đang chơi đùa, mà vừa chơi vừa ăn. Bà ngoại, bà nội, mẹ, ô sin, mỗi người cầm một bát cháo chạy theo đút từng thìa. Mà không phải chỉ là em bé, có cả những anh chị lớn 3-5 tuổi.

Chị Vân, mẹ bé Quỳnh Anh 4 tuổi than thở: Quen rồi, nếu mình không đút thì con chẳng chịu ăn, chỉ ngồi bốc thức ăn nghịch thôi. Bà nội bé Khánh Đan 2 tuổi giãi bày: đầu tiên cũng cho cháu tập xúc ăn đấy chứ, nhưng mà bẩn lắm, rơi vãi lung tung, bôi cả lên đầu tóc quần áo, mà lại không ăn được mấy, nên không tiếp tục được. Khi nào lớn, bày dạy dễ hơn…

Theo các tài liệu chuyên môn, năng lực tự giác của trẻ phát triển rất mạnh trong những năm đầu đời. Nếu biết khuyến khích, nuối dưỡng ý muốn tự làm của trẻ trong giai đoạn này, ngay từ chuyện ăn uống, trẻ sẽ dần hình thành tính cách tự lập.Và ngược lại, vì gia đình quá chăm sóc, việc gì cũng làm hộ sẽ khiến cho năng lực ấy bị ức chế, thậm chí là thui chột, biến trẻ thành một con người thụ động, yếu đuối, tự ti.

 

Ảnh minh họa

Giúp trẻ tự phục vụ chính mình

Tập cho trẻ thói quen tự đưa thức ăn vào miệng

Khi trẻ bắt đầu biết cầm nắm, gặm nhấm đồ vật là bạn có thể cho trẻ tập cầm nắm thức ăn và hướng dẫn trẻ cách đưa vào miệng được rồi. Hãy bắt đầu bằng những loại hoa quả chín mềm như xoài, đu đủ, hồng xiêm….hoặc các loại rau củ luộc kĩ, các loại bánh ăn dặm (Wakodo, Hipp, Bibica, …)

Độ mềm của giai đoạn đầu đạt tiêu chuẩn khi chỉ cần lấy tay ấn nhẹ là thực phẩm nhuyễn, tránh để bé bị hóc, tạo tâm lý sợ hãi. Bé chưa có răng bạn vẫn có thể tập. Bé Bảo Linh, con gái chị Hòa (ngân hàng Techcombank) biết đưa thức ăn vào mồm, nhai hoàn toàn bằng lợi khi 6 tháng tuổi.

Khi trẻ lớn hơn, tầm trên dưới 1 tuổi, bàn tay đã trở nên khéo léo hơn, bạn có thể hướng dẫn trẻ cầm thìa xúc thức ăn, cầm dĩa ghim hoa quả, cầm cốc uống nước.

Nếu được, bạn hãy để trẻ ngồi ăn cùng gia đình, cho trẻ bát thìa của chúng và bỏ vào đó 1 ít đồ ăn. Nhớ là 1 ít thôi, ăn hết lại cho tiếp. Quá nhiều đồ ăn sẽ làm trẻ …”rối mắt”, dễ dẫn đến nghịch phá, phung phí bừa bãi và chóng chán. Khi cho ăn từng ít một, bạn cũng có cơ hội khen ngợi, cổ vũ, giúp bé hào hứng tiếp tục.

Giai đoạn đầu bố mẹ không vội vàng giao phó chuyện ăn luôn cho con. Chỉ là tập cho con thôi, vừa tranh thủ tập vừa đút, như vậy bữa ăn của bé vừa vui vẻ mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.

Việc dạy con tự phục vụ bữa ăn của mình không chỉ giúp con hình thành, rèn giũa đức tính tự lập mà còn khơi gợi niềm thích thú khám phá các loại thực phẩm khác nhau, khám phá khả năng của bản thân. Bé cũng giống như bạn, luôn muốn chinh phục những thử thách và tự hào phấn khởi khi thành công. Đó cũng là nền tảng cơ bản của sự tự tin vào bản thân trong mỗi con người.

Ảnh minh họa

uân thủ kỉ luật bữa ăn

Việc tạo ra nề nếp bữa ăn cũng góp phần quan trọng trong việc giáo dục trẻ tính kỉ luật và tự giác.


Bố mẹ không nên chiều chuộng và dần dà biến mình thành nô lệ cho con khi đưa trẻ đi ăn rông hoặc làm đủ trò, lấy đủ thứ đồ chơi theo yêu cầu của trẻ.


Ngay từ những bữa ăn đầu tiên bằng sữa mẹ hay bú bình, mẹ đã giúp trẻ nhận biết, phân biệt giờ ăn và giờ chơi. Luôn luôn ăn một chỗ, trẻ lớn có thể dùng ghế ngồi.


Đến bữa, mẹ tắt ti vi, dọn gọn đồ chơi để tránh tình trạng vòi vĩnh hết thứ này đến thứ khác. Mẹ có thể chế biến các món ăn thành đồ chơi cho bé. Ví dụ rau củ quả luộc chín, cắt hình ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc. Hoặc đồ chơi chính là cốc, bát, thìa, dĩa…


Bé Duy, con trai chị Trinh (Văn Quán Hà Đông), 1 tuổi cháu bắt đầu tập xúc ăn. Đến bữa ăn biết đi lại chỉ vào ghế. Tròn 20 tháng, cháu tự xúc ăn ngon lành, rất ít rơi vãi. Chị Trinh rất yên tâm khi cho con đi trẻ bởi cháu có thể tự phục vụ bữa ăn của mình rất nghiêm túc.


Những bí quyết giúp bố mẹ thành công


Bố mẹ phải kiên nhẫn vì ban đầu trẻ chưa thể thành thạo ngay được. Thấy con vụng về, bố mẹ giành làm lấy cho nhanh thì 100% thất bại.


Bố mẹ không được sợ bẩn, sợ phiền toái. Bởi vì con có thể vấy bẩn mọi thứ xung quanh. Phương châm là trước và sau khi ăn đều rửa ráy cho con và không nề hà dọn dẹp “bãi chiến trường”…


Rất nhiều ông bố bà mẹ có suy nghĩ là con còn bé, nó chưa làm được, rồi áp đặt luôn là con không biết làm, để người lớn làm hộ. Dần dà trẻ không còn ý muốn tự làm nữa.


Bố mẹ có biết tại sao trẻ con phương Tây tự lập ngay từ nhỏ? Chính là bởi chúng được lớn lên trong một môi trường luôn được khuyến khích tự làm mọi việc trong cuộc sống. Đó là điều khác biệt ngay trong cách nuôi dạy con, ngay trong chuyện cho con ăn uống.

Để con tự lập, cha mẹ đừng làm thay

 

Cha mẹ cần có cách hướng cho con biết tự chịu trách nhiệm với kế hoạch mình đặt ra. Và phải cho con biết rằng người không có tính tự lập sẽ sống lệ thuộc người khác, dễ sa ngã.

Dạy con sống tự lập là chuyên đề giáo dục do Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng hướng dẫn diễn ra sáng 26-3 tại hội trường Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Rất nhiều ông bố, bà mẹ đến tham dự chuyên đề cùng chung mong mỏi: Con tôi không tự làm được việc gì cả. Có cách nào giúp nó tự lập được không?

Sao chuyện gì con tui cũng không chịu làm?

“Cô ơi, có cách gì giúp tui với. Con tui đã 15 tuổi mà không biết làm gì để tự chăm sóc bản thân. Mỗi ngày tới giờ đi tắm là nó cứ nằm ì ra, phải kêu cả chục lần nó mới chịu đi tắm. Thậm chí ăn cơm nó cũng bỏ cơm vào miệng rồi ngồi đó dán mắt vào màn hình tivi. Phải đợi kêu nhai cơm nuốt đi nó mới chịu nhai!” - chị Phương Anh than thở.

Tiến sĩ Bích Hồng cho rằng cần hướng cho con tự giải quyết vấn đề cá nhân chứ không áp đặt con. Ví dụ thay vì bảo con đi tắm đi thì nên hỏi con tính chừng nào tắm? Đồng thời, cha mẹ cần có cách hướng cho con biết tự chịu trách nhiệm với kế hoạch mình đặt ra. Thay vì thuê ôsin để làm hết mọi việc trong nhà thì nên giới hạn những việc gì ôsin làm, việc gì con mình phải làm. Ví dụ như phòng riêng của con con phải tự dọn dẹp, quần áo con phải tự ủi… Cần cho con hiểu rằng cha mẹ không làm thay con vì không thể sống mãi với con được, rồi đây con sẽ có cuộc đời riêng của mình nên con phải tập làm chủ cuộc đời.

Đừng bảo bọc con quá đáng

Chị Hà cho biết có lẽ chị đã sai lầm trong cách nuôi dạy người con trai đầu tiên. Chị kể: “Lúc còn nhỏ, nó tự múc cơm ăn nhưng thấy cơm rơi nhiều quá sợ dơ nhà nên tôi đút nó ăn cho rồi. Lớn lên chút, nó muốn đi học bằng xe đạp nhưng tui sợ tai nạn nên toàn lấy xe máy chở đi. Riết rồi đâm ra nó ỉ lại. Giờ có vợ rồi mà có chuyện gì cũng chạy về một mẹ ơi, hai cũng mẹ ơi…”.

Theo Tiến sĩ Bích Hồng, tính tự lập của con người được rèn từ lúc sơ sinh, tùy vào từng lứa tuổi mà có cách rèn khác nhau. Ví dụ như trẻ khoảng 7-8 tháng tuổi thì để con tự cầm bình sữa bú. Trẻ lớn chút nữa để con tự xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, tự chọn trang phục cho mình. Nếu không được rèn tính tự lập từ nhỏ, khi trưởng thành con người ta sẽ khó có hạnh phúc. Chẳng hạn như trường hợp một người con gái cưới chồng chưa đầy một năm thì chồng đòi chia tay vì không biết nấu ăn, suốt ngày vợ chồng chở nhau đi ăn quán. Mặc dù cô gái đó có công việc tốt, lương cao nhưng trong gia đình thì người chồng cần một người vợ biết nấu ăn.

Tiến sĩ Bích Hồng khuyên cha mẹ nên tin tưởng vào khả năng của con và khích lệ con làm, đừng bảo bọc con quá đáng. Có những học trò lớn được cha mẹ chở đi học đến hết phổ thông trung học vì sợ con ra đường không an toàn. Trong khi đó, có những học trò từ lớp 6 đã được cha mẹ cho tự đi học bằng xe đạp. Có thể có va vấp, trầy xước trên đường đi nhưng có té ngã, có va vấp mới lớn lên được. Có thể những ngày đầu phụ huynh nên âm thầm theo sau xem con mình đi xe có vững không để có cách hướng cho con, về sau thì buông dần để con tự đi.

Chân dung người thiếu tự lập

- Vô tư bày xả để người khác dọn dẹp.

- Thụ động, vụng về, không biết sắp xếp.

- Hay nhờ vả, sai khiến người khác.

- Bấn loạn khi gặp rắc rối.

- Lệ thuộc vào người khác, ỉ lại người khác.

Cha mẹ làm gì khi con bị té ngã, bị bạn bè bắt nạt…?

Thông thường khi trẻ con té ngã, cha mẹ hay đỡ con dậy ngay, rồi còn đánh vào cái vật đã làm cho con bị té để xoa dịu con. Đó là cách làm sai. Hãy khuyến khích con tự đứng dậy, đừng đổ lỗi cho vật đã làm cho con té. Khi nào con không đứng dậy được thì cha mẹ hãy lại đỡ.

Khi con bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ thường giải quyết vấn đề ngay rằng con nên làm thế này thế nọ. Cách làm đúng là cha mẹ không vội đưa ra giải pháp ngay mà hãy hỏi con nguyên nhân vì sao bị bắt nạt để trẻ tự phân tích. Sau đó, hãy đặt bài toán cho đứa trẻ bằng cách hỏi giờ con tính sao để con tự đưa ra phương án. Trừ khi phương án của con không ổn, cha mẹ hãy gợi ý và hướng cho trẻ. Sau đó, ân cần theo dõi, hỏi han xem trẻ đã xử lý vấn đề đó như thế nào, kết quả ra làm sao. Dần dần trẻ sẽ tự biết cách giải quyết vấn đề của bản thân một cách tối ưu nhất.

Quên dạy con tự lập, mẹ lãnh đủ

Nhìn sàn nhà bừa bãi quần áo, bàn học của con vương vãi đồ dùng, trong khi cậu nhóc 7 tuổi thì luôn mồm réo mẹ cho uống nước, chị Dung nóng bừng mặt. Vừa mắng con chị vừa ân hận vì mình đã quá nuông chiều con nên ra nông nỗi này.

Chị Dung (Thụy Khuê, Hà Nội) tâm sự, sau vài năm chữa hiếm muộn chị mới sinh được mụn con trai nên từ nhỏ chị rất nuông chiều cháu. Tất cả mọi việc cá nhân bé hầu như không phải tự làm bao giờ: từ xúc ăn tới rót nước uống, mặc đồ... Ngay cả việc nói năng, nếu thấy ai hỏi mà con ngại ngùng, chị thường trả lời thay vì nghĩ "trẻ con, ép nó nói phải tội".

Khi con lớn hơn chút, vào mẫu giáo lớn, nghe cô giáo góp ý bé ở lớp ăn rất chậm và không biết cách xúc, trong khi các bạn khác đã làm thành thạo, chị Dung cũng muốn rèn con cách tự ăn. Nhưng lúc thấy con ăn chậm và vương vãi, chị lại tặc lưỡi: "Ở lớp con đã không được chăm, về nhà lại thế nữa thì thể nào cũng yếu, còi".

Cũng vì lý do này, khi con vào lớp 1, cả hai mẹ con đều stress, không phải vì bé chậm đọc chậm viết mà bởi con không biết xin phép cô khi muốn đi vệ sinh, không thể tự ăn trong giờ nghỉ trưa... Ở nhà, cháu cũng không tự sắp xếp sách vở hay làm bất cứ việc gì.

"Có lúc mình muốn vỡ cái đầu. Giờ muốn bắt đầu dạy con tự lập mà không biết bắt đầu từ đâu, khi cháu đã quá quen được phục vụ mọi thứ rồi", chị Dung than thở.


Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, bố mẹ nào cũng lo lắng cho con và muốn chăm sóc con tốt nhất, nhưng nuông chiều, làm thay con mọi việc chỉ tạo cho trẻ thói quen ỉ lại và gặp khó khăn khi hòa nhập với môi trường mới.

Bà cho rằng, dạy con tự lập bắt đầu từ lúc trẻ còn rất nhỏ, và điều quan trọng là người mẹ phải vượt qua được chính mình. "Chỉ một việc nhỏ là rèn con ăn nhưng không phải ai cũng làm được. Người thì sợ con xúc lâu, làm đổ đồ ăn, người lại xót xa sợ con đói, ăn không đủ", nhà tâm lý chia sẻ.

Theo bà, trong việc này, nên cho trẻ ăn cùng bữa với các thành viên trong gia đình, hướng dẫn con cách xúc, ban đầu bé có ăn lâu hay làm rơi vãi đồ ăn thì cũng không cần quá bận tâm. Sau khi cả nhà đã ăn xong, cho con thêm 15-20 phút nữa, nếu trẻ không ăn hết cũng dọn đi, không cần ép bé hay tỏ ra sốt ruột, quát mắng. "Trẻ đói sẽ muốn ăn, đó là bản năng sinh tồn và bố mẹ đừng vô tình tước mất", bà nói.

Nhà tâm lý cho biết, trẻ con rất "nhạy", nếu thấy bố mẹ quá sốt sắng, nuông chiều, chúng sẽ sinh yêu sách, ỷ lại.

"Nếu rèn cho con vào nếp, sau này mẹ sẽ nhàn hơn và trẻ có ý thức tự lập, tự chịu trách nhiệm sẽ dễ thành đạt hơn trong cuộc sống", nhà tâm lý chia sẻ.

Chia sẻ trên Webtretho, thành viên có nicknam Jonhtom tâm sự, bé nhà chị mới 2 tuổi nhưng đã biết làm được nhiều việc: Tự đi vệ sinh, tự xúc cơm, chơi đồ chơi xong là cất vào chỗ quy định, khi ngã đau là tự đứng dậy ngay, không nhõng nhẽo hay đòi người khác đỡ dậy.

Để có được "thành quả" này, mẹ đã phải rèn bé từ khi con chưa tròn tuổi. Mỗi lần chơi xong, con thường vứt đồ lung tung thì mẹ nhắc, và hướng dẫn bé cất đồ chơi vào một chiếc rổ, thậm chí thực hiện nguyên tắc 'nếu con không cất đồ gì thì lần sau không chơi'. Mấy lần đầu, mẹ sẽ cùng làm với con và khen ngợi khi bé hoàn thành tốt. Dần dần, con quen nếp, không cần mẹ nhắc nữa.

Ngoài ra, lúc nhỏ, mỗi lần ngã, dù không đau, bé cũng không chịu đứng dậy mà cứ chổng mông lên kêu gào. Mẹ nhất định không đỡ lên mà chỉ khuyến khích: 'con trai mẹ giỏi lắm, tự đứng lên được đấy', và bé làm ngay....

Chị Liên (một bà mẹ hai con đang sống ở Zurich, Thụy Sĩ) thì chia sẻ, nhiều mẹ dạy con nhưng không hướng dẫn cụ thể, và rồi lúc con lúng túng, làm không đúng thì lại la mắng, phàn nàn. Thực tế, muốn con biết tự làm nhiều việc, mẹ cần kiên nhẫn và cụ thể, từng bước một.

"Dạy con tự lập không có nghĩa là con phải làm hết mọi thứ trong khi mẹ đứng chỉ tay năm ngón. Tập cho con biết tự lập không dễ dàng, mà chính ra điều đó còn tập cho mình tính kiên nhẫn, không được la hét", chị nói.

Phó giáo sư Nguyễn Công Khanh, Đại học sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, có thể để trẻ tham gia giúp việc nhà hết mức có thể ngay khi trẻ 2-3 tuổi. Lau bàn, lấy cái này, cất cái nọ, lau đĩa… tìm nhiều việc vừa sức để trẻ làm giúp. Cha mẹ hướng dẫn và giao cho trẻ tự lấy bô khi đi vệ sinh, tự rửa tay, buộc dây giầy, cài cúc áo, tự gấp quần áo cất vào tủ, tự dọn dẹp đồ chơi…

Khi bé được 4-6 tuổi, bạn có thể dạy bé cách thu dọn phòng ngủ, gấp chăn màn, quần áo của bé, lau bàn ghế, giường tủ... thậm chí hướng dẫn bé rửa chậu, lau bồn rửa mặt và bồn tắm. Trẻ con rất thích được cọ rửa đồ. Những đứa trẻ 4 - 5 tuổi còn rất thích công việc phân loại quần áo sáng và tối màu để gấp, cất vào các ngăn tủ.

Khi bé 5–6 tuổi, bé có thể giúp việc rửa chén, bát. Bố mẹ hãy hướng dẫn con cách làm từng công đoạn và giao từng phần việc cụ thể, chẳng hạn như gạt thức ăn thừa vào thùng rác, tráng bát bằng nước sạch... Khi trẻ 7-8 tuổi, chúng có thể tự mình chuẩn bị một bữa ăn...


Dạy con từ thuở lên 3
Nuôi con khỏe dạy con ngoan
Dạy con tiêu tiền
Dạy bé tập ngồi cho vững
Dạy bé tập đếm từ đơn giản đến phức tạp
Làm sao dạy con biết vâng lời
Hãy dạy con từ 'thủa trong thai'


(st)



 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý