Dạy trẻ biết tư duy

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Dạy trẻ biết tư duy

18/04/2015 11:40 PM
706

Để nâng cao năng lực tư duy cho con trẻ, người lớn nên tìm cách 'lật ngược vấn đề' giúp trẻ tự nhận thức, thay vì 'đóng khung' suy nghĩ.


Đưa tờ giấy trắng có chấm một vết mực cho một đứa trẻ (kể cả người lớn), yêu cầu trả lời câu hỏi “thấy gì trên tờ giấy đó?”, câu trả lời thường sẽ là “thấy có chấm mực”. Ít ai chịu khó mô tả tờ giấy đó trắng như thế nào, độ bóng láng ra sao…

Tính “hai mặt”

Trên thực tế, sự vật, hiện tượng không chỉ có “hai mặt” mà có thể có “nhiều mặt”, tức là ở những điều kiện tiếp cận, sự quan tâm và nhận thức khác nhau thì sẽ nhìn nhận khác nhau. Nếu gợi cho trẻ nhìn nhận được nhiều góc của sự vật, hiện tượng, sẽ giúp trẻ nhận thức đầy đủ hơn về hiện tượng, sự vật, và chúng sẽ được nâng cao năng lực tư duy, nhận thức. Cách giáo dục này còn giúp trẻ không “đóng khung” suy nghĩ của mình.


Dạy trẻ cách tư duy nhiều mặt - 1


Gợi mở tư duy “phản biện”

Cũng từ tính “hai mặt” mà câu chuyện Bó đũa được dùng để định hướng cách nhìn nhận thích hợp với trẻ. Nếu để nguyên bó đũa thì không thể nào bẻ gãy; điều đó dạy cho trẻ tính đoàn kết, phát huy được sức mạnh của tập thể, của đám đông. Nếu tách riêng từng chiếc đũa thì bị bẻ gãy dễ dàng; điều đó chỉ ra một kinh nghiệm cho trẻ về việc một người trở nên yếu đuối nếu bị tách riêng lẻ hoặc không chủ động gắn bó với người khác. Tuy nhiên, có thể “lật ngược” để tìm hiểu “mặt trái”. Đó là chia nhỏ một việc nhiều khó khăn thành những việc ít khó khăn hơn để dễ thực hiện và có thể thực hiện dần dần cho đến khi xong việc.
Như vậy, người lớn cần gợi mở cho trẻ óc “phản biện”. Tức là cần định hướng, khơi gợi, đặt vấn đề để trẻ tìm hiểu vấn đề ở góc độ ngược lại, từ đó để hiểu câu chuyện đúng hơn, đầy đủ hơn và cũng thực tế hơn. Với một đứa trẻ, nếu ta sớm “đóng khung” về nhận thức, tức là hạn chế sự phát triển đầy đủ của trẻ, cả ở mặt tư duy lẫn mặt năng lực.

Tương tự như vậy, tinh thần của câu “một cây làm chẳng nên non/ba cây chụm lại nên hòn núi cao” đề cao sự đoàn kết, đồng lòng. Nhưng cũng cần gợi mở, nếu có một nhóm người làm việc với nhau nhưng không chia sẻ, thông cảm, giúp đỡ, nhất trí với nhau hoặc tị nạnh, kèn cựa, tranh cãi nhau thì đôi khi hiệu quả còn kém hơn từng người một làm việc riêng. Việc “nhìn rộng hơn” như vậy sẽ giúp kích thích sự động não của trẻ.

Đừng “đóng khung” suy nghĩ

Câu chuyện Thầy bói xem voi lâu nay được xem là mỉa mai, châm biếm những người chỉ biết nhìn nhận sự vật, hiện tượng ở những góc riêng nhưng đã khái quát thành một sự vật, hiện tượng hoàn chỉnh. Từ đó có người dùng từ “đoán mò” để chỉ người đã vội phán đoán khi chưa đủ căn cứ, còn thiếu dữ liệu.

Đừng vội cho rằng “ớt có màu đỏ”. Cần giải thích cho trẻ, rằng thông thường, ớt còn non thì có màu xanh, chín thì có màu đỏ; có một số loại ớt (ớt kiểng, ớt Đà Lạt…) khi còn non có màu xanh, màu tím, khi chín có màu đỏ hoặc màu vàng…. Tương tự, không nên dạy trẻ rằng “quả cam có màu vàng”, mà cần giúp trẻ biết có một số loại cam chín vỏ vẫn xanh. Ví dụ: cam sành.

Dĩ nhiên, qua trải nghiệm thực tế, trẻ sẽ nhận biết đầy đủ nhưng trong quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, người lớn cần cung cấp đầy đủ các dữ liệu, đồng thời định hướng, gợi mở sự liên tưởng của trẻ về các dữ liệu đó.

Tóm lại, trong quá trình học hỏi của trẻ, người lớn nên tham gia một cách chủ động và khoa học, thay vì gò ép theo ý của mình. Để trẻ có nhận thức đầy đủ, chân xác các sự vật, hiện tượng, cũng như nâng cao năng lực tư duy, người lớn nên tìm cách “lật ngược vấn đề” để trẻ thấy được mặt trái mà hiểu đúng hơn, đầy đủ hơn bản chất của sự vật, hiện tượng, thay vì “đóng khung” mọi thứ.



Nên tập cho con tư duy từ trong bụng mẹ

Ngay từ khi mang bầu, mẹ đã cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết, dành thời gian trò chuyện với con, cho con nghe nhạc. Giai đoạn này rất quan trọng, mang bản chất là giai đoạn“giáo dưỡng thai”. Khi con mới được sinh ra dù chưa nghe, chưa nói được nhưng đã bắt đầu biết cảm nhận. Tiếp đến khi xuất hiện dấu hiệu biết nói thì thực sự con bạn sẽ có những biến đổi mạnh mẽ trong tư duy.

Dạy con bắt đầu tư duy như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, theo TS Tâm lý học Trần Thu Hương: “Hãy bắt đầu từ tình yêu thương, cho con tình yêu thương để con biết cảm giác được yêu thương. Khi cha mẹ san sẻ tình yêu thương cho con, con sẽ làm theo, cùng yêu quý và san sẻ tình yêu thương đến mọi người xung quanh. Làm được điều này, cha mẹ đã giúp con phát triển dần khả năng tư duy nói riêng và hình thành nhân cách nói chung.

Khi con nhỏ, bố mẹ sẽ bồng bế, ẵm con, nhìn vào mắt con, âu yếm con để con cảm nhận được tình yêu của bố mẹ dành cho con. Khi con lớn lên, nếu con đánh mạnh vào bố mẹ, hãy nói với con rằng: “Con làm thế bố/mẹ sẽ bị đau đấy”. Có thể con chưa nói được, nhưng chắc chắn con sẽ hiểu lời bố mẹ nói.

Theo TS Thụy Anh, khi học lớp 1, bé mới chỉ phát triển tư duy trực quan: nhìn những hình ảnh cụ thể mới trả lời đúng nên cần có những bộ tập đếm. Mỗi tuổi bé lại mang một tư duy chủ đạo khác. Nếu 1 tuổi bé chỉ chơi với đồ vật, thì lên 6 tuổi bé đã biết suy nghĩ và bước đầu phân tích: mình sẽ học được gì từ những điều đó.

Từ lớp 1 lên lớp 2 bé lại có những biến đổi khác biệt: lớp 1chỉ tập viết chữ cái, được một cách nắn nót và cẩn thận nhưng lên lớp 2, bé gặp khó khăn hơn khi vừa phải viết thành câu đồng thời tốc độ viết nhanh dần. Giai đoạn này bé đã có sự trải nghiệm nên xuất hiện những khác biệt trong tư duy.

Khuyến khích con hỏi nhiều

Theo TS Thụy Anh, bố mẹ nên khuyến khích con hỏi nhiều. Một trong những cách tư duy cùng con là bắt đầu từ những câu hỏi. Cha mẹ nên hỏi lại để biết con nghĩ như thế nào từ đó hiểu và có cách phân tích thích hợp nhất. Vừa hỏi vừa trả lời sẽ giúp con phát triển tư duy. Quá trình này đòi hỏi cha mẹ phải kiên trì chờ đợi bé tương tác. Sau đó bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ để lí giải cho con hiểu.

Ví như khi trả lời câu hỏi của bé “Con sinh ra từ đâu?” bạn có thể kể câu chuyện “Bố và mẹ rất yêu quý nhau. Bố tặng mẹ một hạt ngọc và đã gửi hạt ngọc đó trong người mẹ. Hạt ngọc đó lớn dần lên và sau này chính là con”.

Nếu vấn đề nào con hỏi bố mẹ chưa biết cách trả lời, có thể hoãn binh: “Đến chiều/tối mẹ trả lời” và để cả nhà cùng tìm hiểu. Tránh trả lời con nóng vội, dễ dẫn tới trả lời sai.

Không nên bực vì con hỏi nhiều. Vì con hỏi nhiều là con đang tư duy. Nhờ con hỏi nhiều, bố mẹ sẽ biết thêm được nhiều kiến thức.

Ví dụ trả lời câu hỏi: “Cá mập khác cá heo thế nào”?, với các bé dưới 3 tuổi, bố mẹ chỉ cần nói đơn giản: “Giống như con tên là Bi, khác bạn tên là Mít”. Vì với các bé dưới 3 tuổi, tư duy bằng trực quan là chính. Nếu bố mẹ càng lý giải, con càng hỏi, càng khó trả lời.

Bố mẹ nên trả lời cho con bằng những câu chuyện kể như bạn bướm, bạn ong. Lớn lên, mẹ lại kể chuyện các anh các chị trong nhà hoặc hàng xóm để con dễ hình dung và liên tưởng. Quan trọng nhất là để con thấy được con rất gần gũi và thân thiết với những câu chuyện đó, sẽ khiến con cảm thấy dễ hiểu và dễ chấp nhận câu trả lời.


Con hay nói ngược lại lời bố mẹ

Theo TS Thu Hương, bố mẹ đừng quá căng thẳng với những trò nghịch ngợm của con. Trẻ em có những giai đoạn khủng hoảng tâm lý như từ 2,5 tuổi – 3 tuổi, 7 tuổi, 13 tuổi. Mẹ cứ nói một đằng, con lại làm một nẻo.

Không nên vì thế mà bố mẹ cũng nói ngược để con làm theo ý mình. Điều đó sẽ tạo thành thói quen xấu cho con. Nếu con làm điều gì đó sai trái, bố mẹ có thể gợi mở cho con bằng những câu hỏi liên quan trực tiếp tới “lợi ích” của con. Ví dụ con hay phun nước vào đồ dùng trong nhà, mẹ sẽ giao cho con nhiệm vụ dùng khăn lau cho sạch bụi bẩn trên đồ dùng. “Đây là nhiệm vụ của cháu, không ai được làm tranh. Con lau sạch tivi, sẽ xem tivi nét hơn”. Để bé thấy bé rất quan trọng, bé tự làm việc một cách thoải mái.

Ranh giới giữa kỷ luật và cưng chiều

Theo TS Thụy Anh, bố mẹ để cho con phát triển tự do, con sẽ thông minh hơn. Nhưng từ khi con biết tư duy, làm việc gì bố mẹ cũng phải có nguyên tắc để con đi vào kỷ luật. Đơn giản như buổi sáng – trưa – tối làm việc gì và như thế nào. Khi bố mẹ đã đặt ra nguyên tắc, nhất nhất phải tuân theo.

Dưới 6 tuổi, bé rất dễ làm theo những hành vi của người lớn. Nếu người lớn dễ dàng thay đổi nguyên tắc, phá vỡ nó dù chỉ một lần thì trẻ sẽ vin vào đó để biện minh khi hành động sai.

Tuy nhiên, không nên áp đặt, làm mất tự do của con. Bố mẹ cũng phải làm gương, giữ kỷ luật trước khi dạy con. Ví dụ đến 10 giờ, bố cũng nên đi ngủ sớm, không nên thức khuya xem phim để con bắt chước. Tuyệt đối không nên đánh con, trút giận của bố mẹ lên caon. Dạy con bằng kỷ luật và thông qua tình cảm.

Làm gì khi con sai?

 Theo một nhà tâm lí Thụy Sỹ, “Trẻ em thiên về vị kỷ” tức là trẻ luôn muốn mình là hơn nhất, là trung tâm của thế giới. Theo TS Thu Hương, khi con không vâng lời, thay vì mắng thậm chí dùng bạo lực, cha mẹ hãy tiết chế cảm xúc, sử dụng các cách khác nhau: “giúp con nhận ra nếu làm đúng, con sẽ được hưởng lợi ích gì hoặc mất quyền lợi gì khi làm sai hay có thể đưa ra những giải pháp mà không ảnh hưởng đến lợi ích mà bé đang được hưởng. Khi con thích đổ tội cho người khác, hãy đặt ra những câu hỏi để con phải trả lời đến cùng, cho con cơ hội biện minh đến khi không còn đổ tội được nữa, để từ lần sau con sẽ hành động đúng hơn”.

Cha mẹ cần hiểu và nắm bắt được tâm lý của trẻ ở từng giai đoạn phát triển khác nhau- đặc biệt trong các giai đoạn:  3 tuổi, 7 tuổi, 13 tuổi. Mỗi bé lại có những đặc điểm riêng có. Chỉ có cha mẹ là người trả lời chính xác nhất câu hỏi dạy con tư duy cách nào là tốt nhất.

Dạy trẻ cách tư duy

Trẻ con thường đặt ra rất nhiều câu hỏi mà trong số đó có nhiều câu hỏi ngộ nghĩnh, ngây thơ. Người lớn đôi khi thường bỏ qua các câu hỏi đó. Các bậc cha mẹ không nên như vậy bởi đó chính là những dấu hiệu cho thấy sự phá triển trí não của trẻ và chứng tỏ trẻ càng tư duy, não càng hoạt động nhiều.

Đó chính là cách giáo dục của tiến sĩ giáo dục Oscar Brenifier được thể hiện qua bộ sách “Tư duy cùng bé” trong hội thảo “Dạy con tư duy cách nào” được tổ chức ngày 15.3 vừa qua tại Hà Nội.

Hãy đối thoại với trẻ

Hàng ngày, trẻ thắc mắc và đặt đủ mọi loại câu hỏi về cuộc sống, sự vật, sự việc, mọi người xung quanh và về chính mình. Các câu hỏi này thể hiện quá trình khám phá và nhận biết bản thân và thế giới, đồng thời phản ánh trình độ ngôn ngữ, tư duy và nhận thức ở từng lứa tuổi. Trước những câu hỏi đó, người lớn thường ứng xử ra sao? Trả lời ngay hay tỏ ra bận rộn với công việc vì không có thời gian nói chuyện với con?

Nếu người lớn phản ứng như thế thì hệ quả sẽ khiến tính chủ động của trẻ bị hạn chế, tạo cho trẻ thói quen thụ động chờ đợi giải pháp có sẵn, từ bên ngoài, ảnh hưởng đến tính cách và năng lực của trẻ khi đến tuổi trưởng thành.

Theo các nhà tâm lý-giáo dục học, quá trình phát triển tư duy độc lập và chủ động ở trẻ cần được bắt đầu từ sớm, nhưng trước tiên cần sự thay đổi về quan niệm và thái độ của người lớn (bố mẹ, thầy cô). Trong quá trình đó, người lớn cần khuyến khích trẻ tin tưởng vào năng lực tư duy của bản thân, dám bày tỏ ý kiến, tranh luận… Theo tinh thần này, đối thoại là một phương cách lý tưởng, với điều kiện trẻ phải được tôn trọng, được coi là một chủ thể độc lập.

Đó cũng là phương pháp tiếp cận và thực hành trong giáo dục nhằm thúc đẩy khả năng tư duy của tiến sĩ Oscar Brenifier. Với cách thức này, tiến sĩ Oscar thúc đẩy trẻ tư duy, động não, với các thao tác đặt câu hỏi ngược trở lại, đặt câu hỏi qua lại lẫn nhau, lập luận, phê bình….

Từ đó, trẻ học cách phân tích, đối chiếu đánh giá, nghi vấn, đồng thời xây dựng và bảo vệ các nguyên tắc do chính trẻ đề ra. Điều này giúp trẻ tiếp nhận và làm chủ kiến thức, thông tin một cách có chọn lọc, chủ động và sáng tạo và trưởng thành tự tin hơn. 

Trẻ em cần được đối thoại với người lớn để tăng cường khả năng tư duy (S.L)


Trẻ cần có tư duy phản biện

Tiến sĩ Oscar Brenifier cho biết, phương pháp giáo dục truyền thống xưa nay là thầy cô giảng, trò nghe, chăm chú ghi chép cần được thay đổi. Thay vào đó là cần sự trao đổi, thảo luận và đặt ra các giả thuyết, các câu hỏi để tranh luận. Như vậy, não của học sinh sẽ linh hoạt hơn, tư duy nhiều hơn. Vì vậy, tại các nước có nền giáo dục phát triển, ngay từ bậc học tiểu học, giáo viên đã tạo cơ hội cho học sinh đưa ra các ý kiến của mình một cách tự tin, không hề e sợ. Khi giảng theo phương pháp này, các vấn đề sẽ được đào sâu, học sinh sẽ hiểu kĩ hơn.

Với bộ sách “Tư duy cùng bé”, các vấn đề được thảo luận bắt đầu từ những điều khởi đầu như đạo đức, kiến thức, hạnh phúc, những điều tốt hoặc xấu… Sách dành cho cả các em nhỏ, phụ huynh học sinh và giáo viên. Với rất nhiều câu hỏi logic được đưa ra, bộ sách dạy trẻ tư duy phản biện. Trẻ em ngày nay cần có kĩ năng học tư duy phản biện, lật lại vấn đề mà chúng còn thắc mắc. Như thế trẻ sẽ chủ động hơn trong việc tiếp nhận những điều tốt và loại bỏ những điều xấu.

Vì thế, trong thời đại ngày nay, dạy trẻ không cần chỉ truyền tải thông tin mà cần dạy chúng cách suy nghĩ, cách tư duy. Hãy tạo khoảng cách gần gũi với các em, tạo không gian mở và quan tâm hơn nữa. Đó chính là chìa khóa tiếp cận thế giới tâm lý của các em nhỏ.


Phát triển tư duy trẻ với 6 bước đơn giản



Khi được đưa ra một câu hỏi, trẻ có đưa ra một câu trả lời thông thường theo phản xạ hay không? Khi làm bài tập ở nhà hay triển khai một công việc nào đó, trẻ có gặp khó khăn trong việc đưa ra một loạt các ý tưởng khác nhau hay không?

Chọn ngay một giải pháp trước khi cân nhắc các lựa chọn khác ngăn chặn việc trẻ khám phá các cơ hội chọn lựa khác, chính vì thế khó có thể có được một kết quả tốt hơn. Ngoài ra, sự linh hoạt trong suy nghĩ cũng giúp trẻ sang tạo hơn, có những quyết định chính xác hơn, nổi bật trong tập thể, và vượt trội cả ở trường học cũng như trong cả cuộc sống.

Một cách tốt để luyện tập kỹ năng này là động não. Bruce Van Patter, một nhà vẽ tranh minh họa kiêm giáo viên dạy viêt sáng tạo cho trẻ đã nói “Hầu hết trẻ khi thử đưa ra các ý tưởng đều vội vàng chộp lấy ý tưởng đầu tiên hiện lên trong đầu.” Vậy làm thế nào để trẻ học cách suy nghĩ hiệu quả? Sau đây là một số gợi ý của Van Patter

Khuyến khích trẻ

Van Patter khuyến khích cung cấp cho trẻ môi trường để trẻ có thể khám phá các ý tưởng. Trên hết, động não không chỉ là kết quả: đó là cả quá trình. Động não cũng giống như việc tập thể dục cho trí óc: tập thể dục hàng ngày một cách kiên trì khiến trí óc của bạn ngày một linh hoạt hơn. Đó là lý do vì sao mọi người vẫn nói “Không có ý tưởng nào tồi khi bạn đang động não”. Tất nhiên một số ý tưởng có vẻ tố hơn, tuy nhiên điều quan trọng là không nên đánh giá hay bình luận khi trẻ đang đưa ra các ý tưởng.

Dạy trẻ cách suy nghĩ “không giới hạn”. Điều này thoạt nghe có vẻ điên rồ, nhưng tại sao trẻ lại không thể tạo ra mô hình con chuồn chuồn có kích cỡ của chiếc máy bay trực thăng cho hội chợ khoa học? Hãy để trẻ lựa chọn nếu trẻ muốn bùng nổ với những ý tưởng của mình.

Đặt câu hỏi

Kế tiếp, bạn cũng có thể giúp thúc đẩy quá trình động não bằng cách đặt cho trẻ các câu ỏi. Các câu hỏi cần khéo léo hướng cách suy nghĩ của trẻ sang một hướng khác. Bạn có thể đặt câu hỏi “Nếu như…” để trẻ có thể phát huy trí tưởng tượng.

Bạn cũng có thể đặt câu hỏi như “Con còn có thể thử cách nào nữa””Còn cách nào không?” Nếu như con bạn phải làm bài tập làm văn, bạn có thể giúp con bằng cách hỏi “Còn điều gì quan trọng nữa không?” hoặc “Con thử xem người đọc muốn biết gì nữa?”

Kết hợp


Trẻ sáng tạo

Không phải tất cả mọi ý tưởng đều phải được triển khai từ đầu. Trí sáng tạo giống như việc tái sắp xếp hơn. Trẻ có thể triển khai một ý tưởng mới bằng cách kết hợp 2 ý tưởng thông thường. Ý tưởng độc đáo giờ đây hình thành từ những sự kết hợp đặc biệt.

Trẻ có thể tự tạo cho mình một cột các ý tưởng theo chiều ngang, một cột ý tưởng theo chiều dọc. Các ý tưởng mới hình thành từ sự kết hợp giữa các ý tưởng ở cột và hàng tương ứng. Ví dụ, trẻ muốn sáng tạo một câu chuyện, một cột có thể là các con vật, cột còn lại là môi trường sống của chúng. Chuyện gì sẽ xảy ra với một con gấu sống trong một cái hồ thiên nga? Hoặc một con voi ở Bắc Cực.

Triển khai

Nếu trẻ còn quá nhỏ để tập viết, bạn có thể giúp trẻ ghi lại những gì trẻ nói; nếu trẻ đã biết viết hãy động viên trẻ viết các ý tưởng vào giấy. Trẻ có thẻ thích vẽ những hình tròn lên giấy và điền các ý tưởng vào hình tròn, hoặc trẻ sẽ thích viết ra một danh sách, hoặc một loạt các danh sách được sắp xếp theo mục. Động não có hiệu quả nhất khi một loạt các ý tưởng được ghi lại, mà không cần phải sửa chữa. Cứ tiếp tục viết và triển khai ý tưởng vì điều này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng mở rộng suy nghĩ. Điền kín trang giấy với các ý tưởng và lựa chọn các ý tưởng thú vị nhất. Càng nhiều ý tưởng thì cơ hội tìm được ý tưởng độc đáo càng cao.

Chờ đợi

Sau khi trẻ vận động trí não để đưa ra các ý tưởng, hãy cho trẻ nghỉ ngơi. Điều này khiến trẻ trẻ có thời gian để có cái nhìn mới mẻ với những ý tưởng của mình, khi nghỉ ngơi trẻ sẽ bắt đầu đưa ra các kết nối và xếp loại các ý tưởng. Sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi, bước cuối cùng trong quá trình “động não” sẽ đến rất dễ dàng.

Sàng lọc

Giờ là thời gian để xếp loại và chọn ra ý tưởng tốt nhất. Nếu quá trình động não để phục vụ cho bài tập làm văn, hãy để trẻ tự loại ra các ý tưởng không hợp lý trước, sau đó phân chia các ý tưởng còn lại theo chủ đề và chủ đề con. Nếu các ý tưởng được trẻ đưa vào các vòng tròn khác nhau, trẻ có thể kết nối các ý tưởng với nhau và tô cùng màu cho các ý tưởng trong cùng nhóm. Với các danh sách, trẻ có thể vẽ các hình khối và đường nối các khái niệm với nhau, hoặc sử dụng các màu sắc để đánh dấu ý tưởng.

Một khi trẻ bắt đầu thả lỏng và linh hoạt suy nghĩ thông qua động não, phụ huynh sẽ thấy rằng trẻ càng ngày càng có nhiều ý tưởng mới và độc đão, cũng như đưa ra các quyết định chính xác hơn!


9 ‘chiêu’ nuôi dạy con đỉnh nhất

Nếu mẹ muốn con của mình phát triển một cách toàn diện và trở thành người hoàn thiện nhất mai sau. Hãy tham khảo các phương pháp giáo dục con tốt nhất sau đây.

Sinh con và nuôi dạy con là cả một quá trình gian nan của bất kỳ bậc cha mẹ nào. Bởi khi cha mẹ tô đen, bôi hồng trong tâm hồn con trẻ, trẻ sẽ phát triển và học tập như đúng những gì chúng trông thấy và trải qua. Do đó, việc giáo dục và nuôi dạy con cái cần phải được bố mẹ thực sự để tâm, sát sao.
 
1. Hình thành thói quen trò chuyện với trẻ ngay từ khi còn nhỏ

 
Để thực sự trở thành người bạn lớn của con cái, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy thường xuyên trò chuyện với con ngay bất cứ khi nào có thể, thậm chí là trước khi đi ngủ, lúc tắm táp cho con hay khi cho con ăn uống... Việc thường xuyên nói chuyện với con trẻ, sẽ làm cho khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng được rút ngắn, con cái khi lớn lên sẽ không hề giữ kẽ, chúng có thể tin tưởng hoàn toàn vào cha mẹ mình. Do vậy, ngay từ bây giờ, các bố mẹ hãy dành thời gian trò chuyện với con càng nhiều càng tốt.

2. Hãy cùng con chơi các trò chơi để tạo phản ứng cho trẻ
 
Ngay từ khi còn nhỏ, nếu được cha mẹ chú ý luyện tập, dạy dỗ, trẻ sẽ rất nhanh nhạy và thông minh, chúng sẽ biết phản ứng lại đối với thái độ của người đang chơi với chúng. Chẳng hạn khi bố mẹ thể hiện sự tươi vui, hớn hở, nếu chơi với trẻ thường xuyên, trẻ sẽ nắm bắt được trạng thái tâm trạng của cha mẹ. Hơn thế việc mang các trò chơi hằng ngày cùng con, trẻ cũng được luyện tập về trí não khi vận dụng suy nghĩ để đoán định biểu hiện của cha mẹ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)


Ngoài ra các mẹ cũng nên chú ý cân bằng các trò chơi trí óc với các trò chơi vận động. Bởi những trò chơi vận động sẽ vô cùng có lợi để phát triển hệ thống thần kinh vận động cho trẻ.
 
3. Hãy cho con mặc trang phục sặc sỡ, sáng màu
 
Màu sắc tươi sáng giúp ích rất nhiều vào việc kích thích khả năng tập trung của trẻ. Chẳng hạn lấy ví dụ nếu các mẹ đưa ra một bông hoa màu đỏ và bông hoa màu trắng, trẻ sẽ ngay lập tức nhìn về phía bông hoa màu đỏ. Do đó khi cho trẻ sử dụng những trang phục đầy màu sắc sặc sỡ, trẻ sẽ được rèn luyện khả năng tập trung. Đây chính là nền móng để sau này trẻ dồn sự chú ý vào công việc học tập của mình về sau này.

4. Tuyệt đối không dùng ngôn ngữ trẻ con để nói chuyện với trẻ

Trẻ con được ví như một tờ giấy trắng. Bởi thế việc giáo dục con để sao cho trẻ về sau phát triển theo hướng tích cực dần phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ. Nếu cha mẹ luôn dùng cách nói hệt như bé để nói chuyện, phân tích, giải thích các vấn đề cho trẻ thì mãi mãi trẻ sẽ không thể lớn lên được về suy nghĩ. Bản thân não bộ của trẻ có khả năng tiếp nhận thông tin rất nhanh và sự ghi nhớ là rất tốt do đó khi cha mẹ nói gì, trẻ sẽ ngay lập tức thu nhận và học theo. Vì vậy muốn con sau này trưởng thành, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ hãy sử dụng cách nói chậm rãi, rõ ràng, đơn giản nhưng phải theo ngôn ngữ của người lớn để nói chuyện với con.

5. Dạy con tác phong nghiêm chỉnh khi làm bất cứ việc gì
 
Nếu các mẹ sau này không muốn con bị loạn hướng, lệch so với bạn đồng trang lứa về tác phong cũng như, dáng vẻ, điệu bộ... ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ phải dạy trẻ một cách nghiêm túc về phương hướng, các chiều và tác phong của bản thân đối với công việc được giao và dáng vẻ trước những người xung quanh. Khi dạy con trẻ những điều này, khi lớn lên trẻ sẽ có phong thái, tư chất của một người đĩnh đạc, nghiêm chỉnh.
 
6. Dạy con biết phân biệt và có sự chọn lựa (chọn lọc)
 
Cha mẹ hãy mang ra trước mặt trẻ nhiều món
đồ chơi khác nhau để trẻ có thể lựa chọn theo sở thích của mình. Các mẹ hãy ghi nhớ, đối với những đồ chơi của trẻ phải là những món đồ chơi khiến trẻ dễ dàng nhận được sự thu hút, có như vậy chúng mới nhanh chóng tác động vào não bộ của trẻ, khiến trẻ phản ứng nhanh nhạy hơn - giúp kích thích não bộ của trẻ.

7. Dạy cho con các số đếm

Bất cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi cha mẹ hãy dạy trẻ đếm các số tự nhiên từ 0 đến 10 (thay vì từ 1 đến 10). Hãy cho con biết sự tồn tại của số 0 ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Cách này sẽ giúp trẻ phát triển não bộ và tạo thói quen tư duy cho trẻ học hành về sau. Để việc đếm số của trẻ dễ dàng, cha mẹ hãy lấy những vật thân thuộc nhất với trẻ: các món đồ chơi đồng bộ, đếm các ngón tay, ngón chân...

8. Đã hứa với trẻ điều gì thì phải thực hiện
 
Lẽ đương nhiên khi muốn làm cho trẻ tin tưởng và lấy mình làm tấm gương, cha mẹ trước tiên phải là người gương mẫu. Một khi cha mẹ đã đưa ra lời hứa của mình dành cho con trẻ, cha mẹ phải thực hiện lời hứa đó một cách sớm nhất, đừng để trẻ phải nhắc cha mẹ về lời hứa của mình. Mặt khác khi đưa ra lời hứa và thực hiện được lời hứa đó, cha mẹ cũng sẽ uốn nắn con ngay từ khi còn bé thói quen giữ lời hứa.
 
9. Dạy trẻ cách nhận biết chừng mực
 
Khi nghe điều này thì có vẻ to tát nhưng trên thực tế rất đơn giản đó chỉ là dạy trẻ biết cách dừng lại đúng lúc. Cha mẹ bước đầu, hãy dạy con bằng cách đưa ra những câu mệnh lệnh: "Không được; dừng lại..." và tuyệt đối không để trẻ cố gắng vẫy vùng, cố làm ngược lại ý cha mẹ khi cha mẹ đã đưa ra ý kiến của mình. Điều này sẽ giúp con của bạn sau này biết nhận thức về hành động, biết lúc nào nên dừng lại. Đây là cách giáo dục cực kỳ quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ về sau.
 


Phạt trẻ như thế nào
Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt
Tăng chiều cao cho bé cẩm nang toàn tập
Chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh -
Giúp trẻ nhanh biết bò
Cho bé tập tô màu khi nào để bé phát triển tốt nhất



(st)



Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý