Chăm sóc cây quất ngày Tết

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Chăm sóc cây quất ngày Tết

19/04/2015 12:29 AM
2,455


Chơi quất cảnh những ngày Tết đã trở thành thói quen trong nhiều gia đình, vì vậy mà dù đã có đào, có mai...mà vẫn chưa mua được cây quất thì coi như Tết đó kém màu sắc, không đủ đầy và tất nhiên là niềm vui ngày tết không được trọn vẹn...


Thông thường, đại đa số người ta cứ thấy quất quả sai, quả to, cành lá sum sê... là mua. Tuy nhiên, kiểu mua dễ dãi này đôi khi cũng bị “mắc lừa”, bởi bây giờ nhiều nhà vườn  đã chỉ coi trọng đồng tiền mà không trọng cái đức cho lắm khi họ gắn cành giả, gắn quả rởm bằng keo 502... khiến cho chỉ được vài hôm là cành ủ, lá rũ và quả thì rụng lả tả... Gặp phải những cây quất như vậy (thường là mua ở ngoài đường phố của những người đi bán dạo) thì coi như bị xui xẻo cả năm. Vì vậy, bạn cần lưu ý trong việc chọn mua quất cảnh.

Làng Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng
Làng Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng


Quất đẹp là quất tứ quý


Tiêu chuẩn hàng đầu của một cây quất đẹp thì cây quất đó phải hội tụ đủ “tứ quý”, nghĩa là:

- Dáng chuẩn: Là dáng thông cao vút, hoặc dáng tròn. Cây quất không được méo dáng, không có chỗ nào lõm vào, thò ra. Gốc cây phải có chạc phân nhánh làm 3, làm 4 tùy theo cây to, nhỏ. Cây không được phân nhánh lung tung, mà phải xuất phát điểm ở cùng 1 chỗ, bởi nếu không thì lộc sẽ “chảy” tứ tung, như thế gia đình sẽ làm ăn không về... một mối.

- Quả to, sáng màu: Quả có thể là không cần sai trĩu, nhưng phải là phân bố đều khắp quanh cây. Cây quất mà có vệt bên này sai quả, vệt bên kia ít quả không được xem là đẹp.

- Thêm một chút quả xanh: Nếu trên cây quất vàng rộm mà chỉ cần thêm độ dăm ba quả xanh thì quá tuyệt vời. Những người duy tâm thường bảo như thế mới đủ đầy các thế hệ trên cây.

- Hoa, lá, lộc: Một chậu quất cảnh với lốm đốm hoa trắng muốt thơm nồng, lá to xanh mướt và lộc biếc tua tủa thì quả là mỹ mãn.


Cách chăm sóc cây


Sau khi đã chọn được cây quất như ý rồi thì cần biết cách chăm sóc cây.

Khi đánh vừng cây từ vườn cho vào chậu, bạn nhớ bảo chủ vườn đánh vừng rộng ra chút xíu, như thế sẽ không làm đứt quá nhiều rễ cây và cây sẽ không bị chột mà héo đi. Khi về nhà rồi, bạn chỉ nên tưới cho vùng đất trong chậu của cây chỉ đủ độ ẩm mà thôi. Hằng ngày, bạn phải dùng bình xịt nước phun lên trên lá cây để cây tươi tốt. Nếu thực hiện đúng như vậy, chậu quất cảnh nhà bạn sẽ chơi được rất lâu, tới rằm tháng giêng, thậm chí hết tháng giêng mà cây chưa héo, quả chưa rụng.


BÍ QUYẾT GIỮ QUẤT TƯƠI LÂU NGÀY TẾT

Một chậu quất vàng mọng, tươi rói tô điểm những tán lá xanh và những chùm hoa trắng nhỏ, không chỉ mang lại không khí Xuân rộn ràng mà còn mang lại may mắn cho gia đình của bạn. Infonet có vài lời khuyên hữu ích trong việc mua và chăm sóc loại cây này trong những ngày xuân gần kề.


Việc chọn mua và bảo quản chậu quất tươi và đẹp không đơn giản như sắm hộp trà hay chai rượu đón xuân. Đôi lúc dù đã chọn được một chậu quất hoàn hảo, vậy mà chỉ sau vài ngày cây bắt đầu rụng lá và héo rũ và chủ nhân của chúng đành mua lại cho mình một cây quất khác vì không ai muốn giữ một cây quất héo đầu xuân. Để tránh những xui xẻo nhỏ trong những ngày đầu năm mới, vài lời khuyên dưới đây hẳn sẽ có ích cho bạn trong việc mua và chăm sóc loại cây này.

Ông Nguyễn Văn Chiến, chủ tịch hiệp hội sinh vật cảnh Vị Khê, làng cây cảnh nổi tiếng đất Nam Định cho biết để tránh mua phải những cây quất héo rụng phải để ý kỹ phần bầu đất. Đôi khi do khi vận chuyển cây bị vỡ bầu, dẫn tới cây chết héo chỉ sau một thời gian ngắn. Bởi vậy, khi mua bạn cần chú ý chọn cây còn nguyên vẹn bầu đất. Bạn cũng nên chú ý không tưới quá nhiều nước hay bón thêm phân đạm và nước không thoát dẫn đến cây bị thối rễ rồi chết dần. Quất mua về phải được trồng vào chậu có diện tích lớn hơn bầu đất, có nhiều khe hở để lèn thêm đất mà không tạo áp lực cho phần đất trong bầu.

Bạn nên xếp lớp xỉ than vừa phải dưới đáy chậu làm lớp cách nước, sau đó mới cho cây lên trên. Điều này giúp lớp dưới cùng của cây thoát nước tốt, chống úng ngập. Khi tưới cây nên phun xịt bằng bình tia sương.

Về bí quyết chọn cây, anh Lê Đức Sơn, ở Thụy Khuê, Hà Nội thường chọn cây còn non. Những cây này chưa có các vết tròn đồng tâm loang lổ trên thân. Cây có bộ tán tròn đều, các chùm quả khoe đều về các phía. Lá phải to, xanh đậm và bóng. Quả đều, căng, mọng. Đa số các quả trên cây đã chín, nhưng còn các mảng hay các vân xanh, đây là loại quả mới chín, trưng bầy được lâu.

Anh Sơn cho biết, cây quất đẹp và chơi bền hơn cả là những cây có nhiều lộc non, tươi, trên đó còn có đủ búp, quả non, hoa và nụ. Tuy nhiên chọn được những cây quất thế này cần phải kỳ công hơn nhiều.

Một số người bán hàng thường tân trang lại những cây quất xấu và héo của mình bằng cách cắm thêm nhiều quả tươi và gắn thêm lá xanh vào những thân cây đã chết để che mắt những người mua thiếu cẩn thận. Cảnh giác không thừa, hãy kiểm tra cây cho kỹ nhé, kẻo những lời khuyên kể trên lại kể như vô ích nếu bạn mua phải một cây chết héo với chi chít lá xanh.

CHƠI QUẤT CẢNH TẾT DƯỚI GÓC NHÌN PHONG THỦY


Quất là loại cây “Tứ quý”- hoa trái bốn mùa, trong đó mùa đông quả sai nhất. Quất là biểu tượng của thành tựu quanh năm, đơm hoa khởi phát vào mùa xuân. Vì vậy mỗi độ xuân về hầu như mọi nhà đều trưng quất, ước vọng năm mới phát đạt, thịnh vượng. Tuy nhiên, có lẽ ít người chú ý đến những liên quan của quất về phương diện phong thuỷ…

Nửa cuối tháng 12 âm lịch năm nay Hà Nội rét đậm kéo dài, đào hiếm, vì thế quất đã quý lại thêm quý. Mới qua Rằm tháng 12 vài hôm mà người đến vùng quất Tứ Liên đặt mua đã khá đông. Rét ngặt, người mua “lượn” vườn quất vài vòng rồi lại xúm về các quán trà nóng lưu động ngay vườn quất. Chuyện Đại hội Đảng, chuyện tổng kết cơ quan, chuyện thưởng cuối năm, chuyện vật giá leo thang dịp tết… được dịp nở rộ, nhưng tập trung nhất vẫn là chuyện “quất và nghề chơi quất”.

Chơi quất cảnh ngày tết dưới góc nhìn phong thuỷ
Chọn quất sớm (Ảnh: Thế Vinh) 

Bên quán trà cạnh vườn quất của ông Mai (Hoà), hơn chục người đang xúm xít ngồi uống trà, nghe một nghệ nhân cây cảnh tên Long tán “nghề chơi của người xứ đào – quất”: “Đào là giống hoa trấn quỷ trừ tà, dù đẹp hay không thì cũng phải có một cành. Ấy là tránh dữ, đón vận may. Quất là thành tựu quanh năm, khởi vận đầu năm, phải chọn cây hợp với tuổi mình, phong thuỷ nhà mình mới thực sự là gấm thêu hoa, quý càng thêm quý. Quất nhà ông Mai thường đủ cả Dáng – Thế - Cách; tứ quý, tam đa, ngũ phúc đều có nên năm nào tôi cũng qua sớm để chọn, đặt một cây rồi khi nào đánh về cũng được…”.

Qua câu chuyện của ông Long (nghệ nhân cây cảnh ở Nhật Tân, tuổi ngoại 70) và nhờ có chút hiểu biết về phong thuỷ, cổ học tôi mới chợt nhận ra rằng người Hà Nội, nhất là người làng nghề hoa, cây cảnh tinh diệu lắm lắm.

Người mệnh kim chơi quất tán tròn, ngọn như ngọn tháp là “lưỡng kim đới hoả - hao tán”, nếu gặp hành niên thuộc mộc thì càng hao tán. Người Tàu gọi quất là “Kim quất”, quất là loài thảo mộc đương nhiên thuộc mộc nhưng hoa trắng thuộc kim, quả vàng thuộc thổ, lá xanh thẫm như màu nước biển thuộc thuỷ.

Quất thuộc mộc nên mộc vượng sinh hoả, lá nhọn và dáng ngọn cây nhọn đều thuộc hoả. Có thể nói loại cây này hội đủ ngũ hành và ngũ hành đều vượng, biểu lộ ra ngoài nên mới có thể kết đủ bốn mùa hoa trái.

Quả quất sai trĩu vào mùa đông là mùa thuỷ vượng, mà thuỷ đại biểu cho tài lộc. Thuỷ vượng sinh mộc cho nên cuối đông đầu xuân thì quất đơm hoa. Mộc là biểu tượng của sinh khí, sinh khí đơm hoa. Do đó dân gian nói rằng quất là biểu tượng của thành tựu và khởi phát, biểu tượng của tài lộc và sinh khí.

Vườn quất nhà ông Mai (Hoà) năm nào cũng có trên nghìn cây. Ông Long bảo nó khác với các vườn quất khác là ở chỗ dáng – thế - cách đa dạng, phù hợp với ngũ hành sinh vượng; không giống các vườn thuần tán tròn, ngọn hình tháp hoặc cây lớn phân tán như si, sanh; hoặc trồng tự nhiên không cắt tỉa.

“Cho nên những người kỹ tính như chúng tôi thường đến vườn ông Hoà, đến là thấy ngay cây hợp ý mình” – ông Long nói rồi đưa mắt nhìn về phía xa, nơi gia chủ (ông Mai) còn đang bận đánh cây quất “Hùng kê báo hiểu” (Gà gáy mừng ngày mới) cho khách.


Chơi quất cảnh ngày tết dưới góc nhìn phong thuỷ
Cây "Hùng kê báo hiểu" - Gà gáy mừng ngày mới (Ảnh: Thế Vinh) 


Có người cho rằng cây có 3 cành lớn, 3 tán hoặc đủ hoa – quả - lộc, hoặc đủ quả xanh – quả chín và hoa là “quất Tam Đa”. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Những tiêu chí nêu trên thông thường đều có thể tạo ra tương đối dễ dàng.

Cây quất đẹp và giá trị cao là ở kỹ thuật chăm sóc đặc biệt, đạt các yêu cầu: Gốc cây mập khoẻ, vỏ thân cây dày dặn, lá cây xanh thẫm như được đúc bằng nhựa, vỏ trái quất dày và căng mọng... Muốn có cây như vậy thì công phu và kỹ thuật chăm sóc lớn lắm. Đủ các tiêu chí này, cây quất có thể bày chơi cả tháng trời mà vẫn tràn căng sức sống, nhiều cây tiếp tục đơm hoa phát lộc.

Ngược lại, vỏ cây mỏng, lá và vỏ trái mỏng là cây không được chăm sóc tốt, đánh khỏi vườn một hai hôm là rủ lộc, dáng cây buồn thiu, chăm tưới thế nào cũng không bật lên được; còn như những cây lá vàng, vỏ thân vỏ quả kiểu “khô chân gân mặt” thì đánh ra khỏi vườn là héo.

Vì thế nói tam đa là yêu cầu đa sức (tràn căng nhựa sống), đa lộc (nhiều lộc) và đa quả (nhiều quả); thông thường người ta cứ nghe nói “tam là ba” rồi lấy số 3 mà tạo dáng, không hiểu cái thâm ý của người xưa. Trong cổ học phương Đông, “Tam” gắn với rất nhiều quan niệm, tín ngưỡng, như: Tam bảo, tam thế, tam thân, tam đại, tam sinh, tam tài… Tam đa vừa gắn với mơ ước nhiều phúc đức, nhiều tài lộc, trường thọ; vừa ngầm ý đánh giá công chăm sóc và tài nghệ của người trồng quất.


Chơi quất cảnh ngày tết dưới góc nhìn phong thuỷ
Một góc vườn quất nhà ông Mai - Hoà (Ảnh: Thế Vinh). 

Ông Long khẳng định: Quất nhà ông Mai dáng thế tự nhiên nhưng ẩn chứa sự tác động của con người, không tạo dáng thô theo cách trói cây buộc cành. Nhưng điều quan trọng nhất là cây nào cũng hội đủ “Tam đa”, bởi vậy người chơi tinh năm nào cũng đến vườn ông Mai tìm quất từ sau rằm, chơi từ 23 tết cúng ông Táo cho đến ngoài Rằm mới “hoàn cây trả gốc”.

Đầu năm mua cây đào cây quất, mang sinh khí về nhà, hy vọng một năm mới an khang thịnh vượng, cũng nên thận trọng lựa chọn; bởi chẳng may sơ ý chọn phải cây chóng héo, dù không duy tâm cũng kém vui. Quất đào dâng lộc, làm cho cả gia đình tràn căng sức sống, phới phới xuân phong.


TRỒNG LẠI QUẤT CẢNH SAU TẾT


1. Xử lý cây quất cảnh trước khi trồng lại:

Chăm sóc quất trong thời gian chơi tết: Mỗi ngày dùng bình bơm nhỏ (loại có dung tích 0,5-1,5lít) phun hoặc dùng tay rẩy nước sạch lên tán lá 1-2lần, tưới đủ ẩm cho gốc quất, đảm bảo lá vẫn tươi và rụng ít sau đợt chơi tết.

Trước khi trồng lại 10ngày. Dùng sản phẩm Siêu ra rễ hoặc nước tăng trưởng Vườn sinh thái; A-H502; Orgamin pha với nước sạch, nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, phun ướt đẫm tán lá, tưới ướt đẫm gốc cây. Sau 10 ngày xử lý, bộ rễ cây quất đã được phát động, các rễ mới được hình thành. Dùng tay vặt 1/2 đến 2/3 số lá trên cây, tiến hành trồng, tưới ẩm như những cây quất giống bình thường. Quất nên trồng nơi đất thịt nhẹ, thịt trung bình để khi đánh bầu có độ liên kết tốt, không bị vỡ.

Chăm sóc: Khoảng 5-7 ngày, xới xáo quanh gốc (cách gốc 30cm) cho đất tơi xốp và tưới hoặc bón phân khoáng (mỗi gốc bón 0,5-1kg NPK (12:5:10) cách gốc 30cm cho quất nhanh phát triển cành lá, có thể tưới, bón thêm nước hoặc phân chuồng hoai mục cho quất tốt bền và giảm sâu, bệnh hại. Dùng phân hữu cơ vi lượng PTS9 bón thay phân chuồng kết hợp với nước tăng trưởng Vườn sinh thái phun lướt qua (nồng độ 5ml/15lít nước khi lá non nhiều và 5ml/10lít nước khi lá già, lá bánh tẻ) khoảng 15-20ngày/lần, lá quất dày, xanh, quả to, mập chín màu sắc tươi đẹp lâu rụng, cây quất khoẻ mạnh chống lại sâu, bệnh hại tốt.

Tạo tán, tạo thế: Có thể tạo thế mới hay duy trì thế sẵn có đã tạo từ năm trước.

Người tạo tán, tạo thế phải tìm hiểu qua tài liệu, thực tế sản xuất, nắm được hình dạng cơ bản của từng loại thế thì mới thành công.

Khi cắt tỉa tạo thế chú ý phải dùng dao, kéo sắc chuyên dùng, tiến hành công việc vào những ngày nắng ráo. Việc tạo thế cần làm định kỳ 7-10ngày/lần.

Tạo quả, lộc cho cuối năm: Cần đảo quất vào trung tới hạ tuần tháng 5 dương lịch. Trước khi đảo quất, tưới đủ ẩm, dùng đầm sắt hay gỗ đầm xung quanh gốc (cách gốc 20-30cm) cho phần đất đó liên kết với nhau, hạn chế nứt, vỡ bầu khi đào, đánh.

Bầu to hay nhỏ phụ thuộc vào cây, vào đường kính tán, đường kính chậu định bứng trồng sau này. Đầu tiên dùng cuốc, thuổng moi đất xa cách gốc 60-100cm, đào rãnh sâu 40cm, rộng 20cm, sau đó tỉa bỏ bớt đất đến đường kính bầu đã định, trong quá trình bỏ bớt đất, ta chặt bỏ các rễ quá to (đường kính>1cm) không quấn quanh bầu được, còn các loại rễ nhỏ, mềm dài đem quấn quanh bầu, dùng dây nilon buộc chặt rễ qua gốc.

Nếu định để trên tán chỉ có một loại quả chín ta làm như sau: Để cây vừa đánh bầu vào nơi râm mát, tránh mưa to làm rã hỏng bầu, trong 10-20 ngày, khi nào các lá héo rụng gần hết (80-90% lá rụng) đem trồng lại và chăm sóc bình thường, cây sẽ ra hoa kết quả đồng loạt vào tháng 7-8, chín vào tháng 1-2 (dịp Tết Nguyên đán).
  Muốn có tán vừa có quả chín, quả xanh, vừa có lộc hoa, sau khi đánh bầu đảo quất cần để trong bóng mát 7-10 ngày sao cho tán cây héo rụng bớt 1/2 lá, tiến hành đem trồng lại. Khi cây kết quả ở lứa hoa đầu và lứa hoa thứ hai (tháng 6-8), ta vặt bớt 1/2 lượng quả, cắt ngọn non, vặt 1/2 số lá bánh tẻ, bón thúc phân đạm + kali hoặc nước tăng trưởng Vườn sinh thái cây lại tiếp tục ra hoa, kết quả, phát lộc những lứa sau, cuối năm sẽ được cây trên tán vừa có quả chín, quả xanh, vừa có hoa và lộc non như ý muốn.


PHƯƠNG PHÁP CHĂM SÓC QUẤT CẢNH TRƯNG TẾT

Trồng quất có thể trồng thẳng trực tiếp trên đất nhưng cũng có thể trồng vào chậu. Thường để quất phát triển khỏe thì nên trồng ngoài đất vườn sau đó mới đưa vào chậu.


Vào dịp Tết Nguyên đán, cây quất cảnh (tắc kiểng) được nhiều người ưa chuộng để trưng bày. Để trồng được một cây quất thương phẩm dạng trung bình (chiều cao cây 1m, đường kính tán 0,6m) thì cần thời gian là 3 năm kể từ khi chiết cành. Đất trồng thường là đất vườn, đất pha cát, sét, bảo đảm được độ thông thoáng và độ ẩm. Độ pH thích hợp đối với đất trồng cây quất là từ 5 - 6.

Trồng quất có thể trồng thẳng trực tiếp trên đất nhưng cũng có thể trồng vào chậu. Thường để quất phát triển khỏe thì nên trồng ngoài đất vườn sau đó mới đưa vào chậu. Đất trồng cần lên líp cao, thiết kế mương nước xung quanh, líp rộng từ 4 - 6m, mương khoảng từ 20 - 30cm, tránh để nước ngập, quất sẽ ngừng phát triển và thậm chí có thể chết.


Quất cảnh cần bón lót, bón thúc cho hợp lý thì mới phát triển tốt, cho trái nhiều.



Quất không trồng bằng hạt vì cây dễ bị biến dị, chậm ra trái. Nên áp dụng phương pháp trồng chiết cành. Sau khi chọn cành chiết rồi tiến hành khoanh vỏ, để khô 3 - 4 ngày, quấn rơm nhào với đất bùn ướt, bên ngoài bao một lớp nylon có lỗ thoát nước.

Để cây phát triển tốt trong giai đoạn đầu cần chăm sóc và quản lý tốt như bón phân, tưới nước, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh,… Bón lót mỗi gốc 20 - 25kg phân chuồng hoai, ráo mục. Bón thúc với phân N-P-K 16-16-8 mỗi gốc trung bình từ 0,3 - 0,5kg/năm, chia làm 2 lần bón cách nhau 40 ngày. Khi cây chuẩn bị ra hoa, bón thêm phân KCl 100g/gốc để tăng cường đậu trái và trái ít bị rụng.

Ngoài ra để cây phát triển mạnh, cành lá xanh mướt, cần phun thêm phân bón lá, cứ 15 ngày phun một lần. Quất là loại cây cho ra trái quanh năm, nhưng để điều chỉnh cho quất có trái đúng vào dịp tết, cần có kỹ thuật. Đến khoảng tháng 5, 6 âm lịch bắt đầu phải thăm chừng thường xuyên vườn quất. Nếu phát hiện thấy cây nào có trái phát triển mạnh thì tiến hành đào bứng cây trồng vào chậu, chú ý đừng để vỡ bầu rễ.

Sau 1 tháng, cây sẽ có một đợt ra hoa đầu tiên, nên lẩy bỏ hết, đến đợt sau ra hoa nở rộ, đợi cho các cánh hoa rụng hết, cỡ một tuần lễ, là bắt đầu bón thúc phân chuồng hoai, phân lân, nhất là phân hóa học K2SO4 cỡ 10g cho một bình 8 lít. Không nên bón phân KCl, trái sẽ mất mùi thơm. Có thể rắc thêm vôi bột cách xa gốc 10 - 15cm. Lưu ý tỉa cành, tạo nhánh cho cây quất có dáng đẹp. Tiếp tục tưới nước chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, mỗi tháng bón thúc thêm phân 1 lần, đến tháng 12 âm lịch, khi trái quất bắt đầu chín mới thôi.



Cây cảnh trong dịp Tết theo phong thủy mang lại tài lộc
Những loại cây mang lại may mắn
Cách làm quất ngâm mật ong chữa ho cực hiệu quả
Cây trúc trong phong thủy có ý nghĩa như thế nào
Các bài thuốc dân gian chữa ho cực kỳ hiệu quả
Phong thủy trong kinh doanh lớn và nhỏ


(st)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý