Làm việc ở công ty nhỏ được và mất!

seminoon seminoon @seminoon

Làm việc ở công ty nhỏ được và mất!

19/04/2015 01:19 AM
1,422

Rất nhiều người, đặc biệt là sinh viên mới ra trường luôn có xu hướng muốn làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn với nhiều lí do… Tuy nhiên, làm việc cho công ty nhỏ cũng là một lựa chọn không tồi bởi những lợi thế mà không đâu có được.



Bạn có biết rằng giai đoạn đầu của Apple là từ một garage và Facebook khởi đầu từ một phòng ngủ trường đại học? Hiện nay cả 2 đã trở thành những “ đại gia” trong nền kinh tế thế giới. Điều đó cho thấy ngay cả những tập đoàn lớn cũng bắt đầu một cách khiêm tốn. Và bạn không nhất thiết phải làm việc cho một công ty lớn mới có thể thành công.

Quy mô công ty là điều quan trọng nhưng không phải yếu tố hàng đầu cần xem xét trong quá trình tìm việc. Theo thống kê, dù ứng tuyển vào công ty lớn hay nhỏ, người tìm việc chú ý nhất tới yếu tố: văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến và các khía cạnh nghề nghiệp. Cuối cùng, nhiều người đã nhận ra rằng công ty nhỏ phù hợp nhất với bản thân. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định sự lựa chọn công ty của mình.

Dưới đây là một số lợi thế nổi bật khi làm việc cho công ty nhỏ:

Dễ được chú ý hơn

Bất cứ nhân viên nào cũng sẽ nói rằng những gì bạn phải làm trong thực tế sẽ không hoàn toàn giống như phần mô tả công việc và chức danh chính thức của bạn. Do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công ty yêu cầu nhân viên đảm nhận thêm nhiệm vụ ngoài phần trách nhiệm thông thường. Đối với những nhân viên trong các tổ chức nhỏ, đây không phải là một hiện tượng mới. Các công ty nhỏ cũng không lập hàng đống phòng ban riêng biệt như tập đoàn lớn nên nhân viên có thể giúp đỡ giải quyết các nhiệm vụ khác nhau khi cần thiết. Bạn có thể thường bắt gặp ở công ty nhỏ hình ảnh phó phòng bán hàng đang trả lời điện thoại thắc mắc của khách hàng hay thực tập viên marketing đưa ra ý tưởng cho chiến dịch quảng cáo mới.

Với số lượng nhân viên hạn chế và mức độ cạnh tranh thấp như vậy, ý tưởng của bạn sẽ nhanh chóng được mọi người chú ý. Hơn nữa, khi công ty phát triển, bạn sẽ được nhớ đến là một người năng động và xuất sắc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng sẽ tích lũy kha khá kĩ năng và kinh nghiệm quan trọng.

Sự ghi nhận và cơ hội thăng tiến rộng mở hơn

Bởi vì công ty nhỏ có số lượng nhân viên giới hạn, nhân viên thường làm việc nhiều hơn so với chức vụ hay mức lương được nhận. Kể cả nếu có làm đúng theo phần mô tả công việc, họ cũng phải nỗ lực hơn để đạt kết quả thật xuất sắc. Điều đó không có nghĩa là bạn phải làm việc 12 – 15 tiếng một ngày. Bạn có thể chỉ làm việc muộn một số ngày khi cần thiết, đóng góp một ý tưởng hữu ích cho sếp hoặc nâng cao doanh thu bán hàng. Bằng cách đó bạn chứng tỏ rằng mình thực sự quan tâm tới công ty chứ không đơn giản là hàng ngày đến và rời công sở đúng giờ.

Trong ngắn hạn, sếp sẽ đánh giá cao những cố gắng của bạn. Còn trong dài hạn, khi công ty mở rộng, lợi nhuận tăng cao, giám đốc và ban quản lí, những người gắn bó với công ty ngay từ đầu, sẽ nhìn nhận, đánh giá cao và tất nhiên trao thưởng một cách xứng đáng cho sự cống hiến của bạn.

Ít áp lực hơn

Công ty nhỏ cũng có áp lực khi phải cạnh tranh với các tập đoàn lớn và cố gắng thu hút sự chú ý của cộng đồng. Nhưng quy mô nhỏ có thể cũng có nghĩa nhân viên đối mặt với ít áp lực hơn trong phần công việc hàng ngày. Khi tình hình kinh tế khó khăn, công ty nhỏ không phải trả khoản tiền khổng lồ cho việc thuê mặt bằng hay lo lắng về cuộc họp cổ đông. Nếu công ty phạm sai lầm, các phương tiện truyền thông quốc gia cũng không chú ý tới nhất cử nhất động của công ty. Và kết quả, mức độ stress ở công ty nhỏ sẽ thấp hơn so với công ty lớn. Đây là điều nhiều nhân viên mong muốn và thỏa mãn thay vì tiền lương hậu hĩnh nhưng đầu óc lúc nào cũng căng lên đối mặt với thời hạn hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt của nó. Làm việc cho công ty nhỏ có một số hạn chế nhất định, như ngân sách eo hẹp ảnh hưởng tới công việc hàng ngày của bạn, mạng lưới quan hệ nhỏ… Vì vậy, trước khi chấp nhận làm việc ở một công ty nhỏ, hãy tự hỏi bản thân đã sẵn sàng trải nghiệm.


Làm “sếp” ở công ty nhỏ hay làm “lính” ở công ty lớn?


Thông thường, chức vụ càng cao thu nhập càng nhiều. Tuy nhiên, có những trường hợp vị trí cao không hề tỉ lệ thuận với mức lương, đơn giản vì làm sếp ở công ty nhỏ lương thưởng chưa chắc đã bằng một “chú lính” ở công ty lớn. Bạn sẽ chọn gì giữa quyền lực và thu nhập?

Hẳn không ít người đã hơn một lần băn khoăn lựa chọn việc làm sếp ở công ty nhỏ hay làm “lính” ở công ty lớn. Bên cạnh quyền lực hay thu nhập, sự lựa chọn của bạn sẽ còn mang lại những giá trị thực tế khác.

“Sếp” của “Người tí hon”

Dù là sếp, lương cũng như các khoản trợ cấp khác của bạn ở công ty “tí hon” có thể sẽ thấp hơn nhân viên các công ty lớn do doanh thu và lợi nhuận thấp. Hơn nữa, một số doanh nghiệp nhỏ thường thiếu bề dày kinh nghiệm và cơ cấu chặt chẽ, điều này khó đảm bảo cho bạn một công việc ổn định. Cũng phải chấp nhận khả năng bạn có thể bị “kém thế” hơn sếp hoặc thậm chí, nhân viên ở những công ty lớn.

Tuy nhiên, theo một góc nhìn khác, khi làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ, bạn sẽ đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau, có cơ hội chứng tỏ năng lực bản thân. Khi làm sếp, bạn sẽ được chủ động giải quyết vấn đề lớn nhỏ của công ty và nắm trong tay quyền điều hành cả đội ngũ nhân viên (dù ít). Ngoài ra, bạn sẽ tích lũy được nhiều kỹ năng mới trong công việc, cũng như có môi trường phù hợp để rèn luyện phương pháp quản lý và khả năng lãnh đạo.

“Lính” của “Gã khổng lồ”

Tính ổn định, các khoản thu nhập tương đối tốt, cùng rất nhiều cơ hội để bạn chứng tỏ khả năng, phát triển sự nghiệp của mình – đấy là những ưu điểm khi bạn “đầu quân” cho một “gã khổng lồ” nào đấy. Bạn cũng sẽ học hỏi được rất nhiều về sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức công việc ở một công ty lớn. Ngoài ra, là nhân viên của một công ty “hàng hiệu” kể cũng “oai”!

Tuy nhiên, mặt trái của sự “oai phong” chính là mức độ áp lực công việc khá cao. Quỹ thời gian nghỉ ngơi quý báu của bạn sẽ nhanh chóng bị rút gọn khi bạn “tối mắt tối mũi” quay vòng với lịch làm việc dày đặc, đó là chưa kể việc đôi lúc bạn còn phải đương đầu với sự cạnh tranh khá gay gắt từ đồng nghiệp.

Bạn sẽ chọn làm gì?

“Sếp” ở công ty nhỏ và “lính” ở công ty lớn, vị trí nào nào phù hợp với bạn nhất? Điều đó phụ thuộc vào tính cách, khả năng, sở thích và kinh nghiệm của bạn.

Nếu làm sếp, bạn sẽ có uy quyền hơn, nhưng đồng thời trách nhiệm cũng sẽ nặng nề hơn. “Làm sếp khó đấy, phải đâu chuyện đùa”, bởi những quyết định bạn đưa ra ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành của công ty. Do đó, để trở thành người sếp giỏi, bạn cần phải có thực lực, kiến thức rộng, khả năng phân tích, đánh giá sắc bén và tầm nhìn xa.

Ngược lại, có thể hiện tại bạn chọn cách “ẩn mình” trong công ty lớn để thu thập kinh nghiệm cho nấc thang mới – trở thành sếp cho công ty của riêng bạn, hoặc củng cố khả năng lãnh đạo ở công ty nhỏ, rồi bất ngờ một ngày đẹp trời, bạn đứng vào vị trí chủ chốt tại một “gã khổng lồ” danh tiếng. Những bước đệm ấy là một phần rất quan trọng trong tiến trình sự nghiệp của bạn.
 
Điều quan trọng hơn cả không phải là chuyện làm sếp hay “lính” mà là chọn công việc phù hợp nhất và bạn thật sự đam mê để qua đó, bạn có thể phát huy hết “nội lực”. Một khi đã xác định rõ con đường của mình, bạn hẳn sẽ không còn vướng bận bởi nỗi băn khoăn chọn lựa giữa “lính” và sếp.


Giữ chân nhân tài tại công ty nhỏ


Năm cũ qua, năm mới đến cũng là lúc nhiều người, nhất là các bạn trẻ, tìm thách thức mới bằng cách thay đổi chỗ làm, còn ban giám đốc nhiều công ty thì đau đầu vì nhân viên đua nhau nộp đơn xin thôi việc.

Việc đào tạo lại một nhân sự mới tốn rất nhiều chi phí và thời gian của công ty, mà không phải bao giờ cũng đạt được kết quả như ý. Để giải quyết vấn đề này, các công ty cần phải phát triển các chiến lược thu hút và giữ nhân tài.

Điều quan trọng mà các công ty cần lưu ý là tăng lương hay thăng chức chỉ có tác dụng nhất thời. Công ty cần cải thiện môi trường làm việc, có nhiều dự án hấp dẫn, có các kế hoạch đào tạo... đồng thời có các biện pháp xây dựng thương hiệu ngày một vững mạnh để chiếm được niềm tin và cảm tình của đội ngũ nhân viên.

Vậy làm sao có thể tạo được môi trường làm việc để nhân viên không bao giờ muốn rời xa công ty? Dưới đây là vài kinh nghiệm của các chuyên gia nhân sự về nghệ thuật giữ chân nhân viên giỏi tại các công ty nhỏ.

Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh

Để việc kinh doanh đạt kết quả tốt, cần có sự nỗ lực của cả tập thể. Không ai có thể tự mình làm tốt mọi việc dù cho đó là phần việc của mình, nên điều quan trọng là xây dựng tinh thần đồng đội và nếp thi đua trong công ty.

Có thể chọn một trong hai cách sau để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công ty:

Thiết lập trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí công việc và nhân viên nào hoàn thành phần việc của mình sẽ được khen thưởng;

Tạo môi trường làm việc mà tại đó, thay vì đánh giá hiệu quả riêng từng người, nhân viên trong nhóm cùng được khen thưởng nếu thành quả chung tốt đẹp.

Cách thứ hai khó áp dụng hơn, nhưng mang tính cạnh tranh lành mạnh hơn cách thứ nhất.

Thiết kế giờ làm việc linh động

Nhân viên trẻ thường thích được chủ động công việc của mình thay vì gò bó mỗi ngày làm việc tám giờ, năm ngày mỗi tuần. Thực tế qua khảo sát cho thấy nếu được tự do, thời gian để họ hoàn tất mọi công việc chỉ chiếm một nửa thời gian ngồi tại công ty.

Hãy làm một cuộc thăm dò ý kiến trong công ty, nếu đa số nhân viên đồng ý hãy cho họ cơ hội chủ động giờ làm việc của mình với điều kiện đạt được hiệu quả công việc cao.

Đừng tiết kiệm lời khen

Nhiều giám đốc chỉ phê phán nhân viên khi có sai phạm nhưng quên khen khi nhân viên làm tốt công việc của mình. Họ cho rằng đó là trách nhiệm tất nhiên của nhân viên.

Hãy cải thiện tình thân giữa giám đốc và nhân viên, đồng thời khích lệ họ tiếp tục phấn đấu bằng hình thức khen thưởng công khai bằng vật chất. Nếu tình hình tài chính không cho phép thì một cái thiệp, thư tay, hay mail cảm ơn và động viên cũng có tác dụng tốt.

Không tùy tiện phê bình

Khi có sai sót xảy ra trong công việc lập tức mọi nhân viên đều lo lắng sẽ bị qui trách nhiệm. Hành động sáng suốt hơn việc “qui tội” là ban giám đốc cùng các nhân viên có liên quan trực tiếp thảo luận để tìm ra nguyên nhân dẫn tới sai phạm trên, sau đó đề ra các giải pháp cần thiết để tránh sai lầm tương tự bị lặp lại.

Tạo cơ hội học tập

Để giữ chân nhân viên, bạn có thể cho họ thấy rằng công ty mong muốn góp phần làm cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, mở ra cho họ những hiểu biết mới bằng cách tạo mọi cơ hội học tập có thể.

Bất kỳ người nào cũng thích được hướng dẫn, dạy dỗ người khác. Hãy xây dựng đội ngũ giảng viên về một số đề tài quan trọng và giao cho họ nhiệm vụ truyền đạt kiến thức kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên. Nếu kết quả huấn luyện nhân sự tốt như yêu cầu, công ty nên có thể khen thưởng các giảng viên, còn giả như không có phần thưởng lớn thì lời tuyên dương hay thư cảm ơn cũng đủ để làm vui lòng họ.



Quy mô công ty nào phù hợp với tân cử nhân?


Nhiều người thường nghĩ rằng ra trường nhất định phải làm việc cho công ty tên tuổi thì mới có cơ hội phát triển nên trong quá trình tìm việc họ chỉ nhắm vào mục tiêu này. Nhưng thực tế không hẳn vậy.

Tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng, mong muốn mà mỗi cá nhân có sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân mình.
Tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng, mong muốn mà mỗi cá nhân có sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân mình..

Mỗi cấp độ quy mô đều có những ưu khuyết điểm riêng. Vì vậy, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng, mong muốn mà mỗi cá nhân có sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân mình.

Dưới đây là những điểm khác biệt lớn giữa làm việc cho công ty lớn và doanh nghiệp nhỏ, hi vọng sau sự so sánh, cân nhắc này, bạn sẽ có đánh giá chính xác nhất về lựa chọn quy mô công ty cho mình khi tìm việc:

Quá trình tuyển dụng ở công ty lớn phức tạp và kéo dài hơn

Theo Anita Cambell, giám đốc điều hành của Small Business Trends – nguồn thông tin doanh cho doanh nghiệp nhỏ, “Quá trình tuyển dụng ở doanh nghiệp nhỏ diễn ra khá nhanh và đơn giản. Trong khi đó, ở tập đoàn lớn, bạn phải trải qua 4 -7 vòng phỏng vấn mới có thể được chấp nhận”.

Công ty càng lớn, tình trạng quan liêu càng phổ biến

Khi làm việc cho tập đoàn lớn, đơn giản như để một dự án được duyệt, bạn phải trải qua rất nhiều khâu, trình kế hoạch lên các cấp lãnh đạo và nhiều thủ tục khác. Ngược lại, ở công ty nhỏ ít có xu hướng quan liêu, phức tạp hơn. Ngoài ra, với quy mô nhỏ hơn, những nhân viên nổi bật dễ dàng thu hút sự chú ý của cấp trên hơn.

Mối quan hệ ở công ty nhỏ phức tạp hơn

Nếu làm việc cho một tập đoàn lớn, bạn hầu như chỉ biết tới những người làm việc cùng mình hàng ngày. Còn ở công ty nhỏ, bạn sẽ biết tất cả mọi người, từ lễ tân tới giám đốc. Campbell cho rằng: “Ở đây sẽ có nhiều mối quan hệ cá nhân hơn. Nếu bạn hòa hợp với họ, mọi người sẽ giống như trong một gia đình. Nhưng ngược lại, nếu không có mối quan hệ tốt đẹp, bạn sẽ không thể tránh mặt hay tạo khoảng cách với họ như trong tập đoàn lớn”.

Đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn ở công ty nhỏ

Làm việc cho công ty nhỏ có thể khiến bạn phải đảm nhận đa nhiệm vụ. Chẳng hạn, quản lý tài chính ở công ty nhỏ sẽ phải kiểm soát ngân sách, dự đoán và lập báo cáo tài chính, trong khi ở tập đoàn lớn, bạn có thể chỉ có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo tài chính.

Điều kiện làm việc ở công ty nhỏ linh hoạt hơn

Doanh nghiệp nhỏ thường không có những đề nghị hấp dẫn như tập đoàn lớn nhưng bù lại, họ có ít quy tắc hơn nên linh hoạt, thoải mái hơn trong điều kiện làm việc cho nhân viên.

Sự chuyên môn hóa cao hơn ở tập đoàn lớn

Là nhân viên của một tập đoàn lớn, bạn sẽ tập trung phát triển chuyên môn vào một mảng công việc nhất định. Tuy nhiên, như vậy bạn khó có cơ hội khám phá các khía cạnh sâu rộng hơn của ngành nghề.

Cơ hội phát triển nhiều hơn ở công ty lớn

Tại doanh nghiệp lớn, các bậc thang thăng tiến đều được phân chia rõ ràng, cụ thể và nhân viên có cơ hội phát triển như nhau. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự nghiệp của bạn sẽ bị “mắc kẹt” khi làm việc cho một công ty nhỏ. Rất nhiều công ty lớn đã có sự khởi đầu khiêm tốn trước khi mở rộng quy mô.

Thay đổi dễ áp dụng hơn ở công ty nhỏ

Công ty lớn có quá trình, thủ tục, trình tự làm việc chung cho từng công việc. Như vậy, bạn sẽ phải chờ đợi lâu hơn khi kiến nghị một thay đổi nào đó với sếp.

Mức độ ổn định ở công ty nhỏ cao hơn

Khi làm việc cho công ty nhỏ, bạn được xem là một thành viên trong gia đình nên việc sa thải là điều khó xảy ra (tất nhiên, trừ khi bạn không đủ năng lực hay phạm lỗi nghiêm trọng). Còn ở doanh nghiệp lớn thường xảy ra trường hợp, một người lên làm lãnh đạo sẽ cắt giảm những nhân viên xa lạ và tạo điều kiện cho nhân viên “cưng” của mình.



Cách sắp xếp bàn làm việc hợp lý
Giảm áp lực công việc
Nghệ thuật trả lời phỏng vấn khi xin việc
Sắp xếp công việc hợp lý
Lấy lại cảm hứng làm việc
Đắc nhân tâm nơi công sở bạn đã biết


(st)



Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý