Cô dâu mới trong ngày Tết và những câu chuyện dở khóc dở cười

seminoon seminoon @seminoon

Cô dâu mới trong ngày Tết và những câu chuyện dở khóc dở cười

19/04/2015 01:28 AM
223

Mùa cưới, mùa của những “đôi uyên ương” làm tổ thường lại vào thời gian cuối năm, chuẩn bị bước sang năm mới. Có bao nhiêu đôi uyên ương sẽ có bấy nhiêu cô dâu mới đón cái Tết đầu tiên ở nhà chồng.



Hầu hết các bạn gái đều có tâm trạng lo âu, hồi hộp, ngại ngần và trên hết là rất sợ mẹ chồng “thử tài” con dâu trong ngày Tết. Tất cả những nỗi lo ấy khiến bạn kém vui, kém háo hức đón chờ Tết đến. Làm thế nào bây giờ được nhỉ?

Chủ động những việc trong “tầm tay” của mình

Cùng chồng bạn trang hoàng lại một chút phòng khách, phòng ăn, quang cảnh xung quanh ngôi nhà, mua một vài bộ ấm chén đẹp, lọ hoa, đồ dùng đựng bánh kẹo... Bạn làm được chứ gì! Cả cây cảnh nữa, bạn nên mua trước Tết độ một tuần để có thể chọn được cây đẹp, giá lại không đắt và căn bản để không khí xuân đến gia đình bạn sớm. Bạn nhớ sắp xếp công việc thật ổn thỏa, thật khoa học để có được vài ngày áp Tết lo việc nhà. Đừng để xảy ra chuyện chiều 29 Tết vẫn gọi điện về nhà lúng túng xin lỗi mẹ chồng bạn còn mắc công chuyện nọ, dở việc kia chưa về nhà được. Sẽ mất điểm với mẹ chồng lắm đấy. Trước Tết 2 tuần, bạn phải ghi ra tất cả những thứ “đồ khô” cần chi ngày Tết: bánh kẹo, ô mai, trà mứt các loại rồi vào siêu thị “khuân” về là xong.

Chồng phải là “đồng minh” của bạn

Hãy khéo léo khai thác chồng bạn để anh ấy kể cho bạn những điều rất riêng của gia đình anh ấy trong ngày Tết. Điều này bạn rất cần biết để có kế hoạch, khỏi bị lúng túng, khỏi làm phật lòng những người thân trong gia đình chồng khiến ngày Tết mất vui. Ví dụ như bố chồng bạn thích nhất quà gì trong ngày Tết, cả mẹ chồng bạn nữa, món nào khiến bà cảm động nhất. Cô dì, chú bác, các anh chị, em các cháu... món quà nào đem lại sự vui sướng cho họ mà lại phù hợp với khả năng tài chính vợ chồng bạn. Đừng coi thường chuyện này bởi nó rất quan trọng khiến bạn thêm điểm hoặc mất điểm vào ngày Tết. Cũng qua chồng bạn, bạn phải biết được lịch gặp gỡ, sum vầy của gia đình anh ấy trong ngày Tết, những món ăn đặc trưng của gia đình mà mẹ chồng bạn vẫn làm...

Kế thừa và sáng tạo

Biết về món ăn “tủ” mà mẹ chồng bạn vẫn làm trong ngày Tết, nếu mẹ chồng bạn là người xởi lởi, vui vẻ, thì bạn có thể nhỏ to để bà hướng dẫn cho bạn cách nấu món ăn đó. Còn nếu mẹ chồng bạn là người nghiêm khắc hoặc vẫn còn giữ một khoảng cách với bạn thì hãy “cắp sách” về nhà học mẹ đẻ, hoặc qua bạn bè; không loại trừ việc bạn nên mua một quyển sách hướng dẫn nấu ăn về để tra cứu, tập dượt. Ngoài ra, bạn cứ tự tin chuẩn bị một “món tủ” của mình, món mà bạn thành thạo nhất, đã được sự “kiểm nghiệm” của gia đình bạn, bạn bè bạn ấy. Chắc chắn gia đình chồng, nhất là mẹ chồng sẽ rất vui và phục bạn đấy.

Ra mắt họ hàng nhà chồng là điều không thể thiếu

Chỉ là năm bạn vừa về làm dâu này thôi. Từ năm sau trở đi, bạn đã là “dâu cũ” rồi thì điều này cũng không nhất thiết lắm. Bạn hãy vui vẻ và chủ động cùng chồng làm tốt việc này. Gia đình chồng sẽ rất hỷ hả về cô dâu mới biết đối nhân xử thế.

Ốm trong ngày Tết sẽ “xui” lắm đấy

Đùa vậy thôi, nhưng chắc chắn nếu ngày Tết mà bạn lăn ra ốm thì còn vui vẻ nỗi gì? Hãy chú ý đến việc nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và thư giãn, giải trí để có thể bạn không phải chịu một sự bất thường vào ngày Tết mà “biểu tình” bạn, gây mệt mỏi cho bạn và cả khiến người khác khó xử, nhất là chồng bạn. Anh ấy sẽ đi chơi Tết với ai bây giờ được nhỉ?

Ngày Tết bạn lại càng phải đẹp hơn

Đẹp cho bạn, cho người chồng mới cưới của bạn và đẹp cho cả một mùa xuân trăm hoa đua nở ngoài kia, cho người người phơi phới niềm vui, sự náo nức. Hãy chú ý đến trang phục, đầu tóc của bạn, cả việc làm gì để có một khuôn mặt tươi tắn, ánh mắt sáng lấp lánh. Và trên tất cả là một vẻ đẹp, sức hấp dẫn toát ra ở một có gái trẻ, hiện đại, sành điệu chứ không phải là trông rất “lố”.

Có tất cả những điều đó, bạn còn phải lo gì khi là cô dâu mới trong ngày Tết nữa?


2 việc cô dâu mới cần nhớ cho ngày Tết

Để tránh mắc cỡ ở nhà chồng, ngoài 'nhập gia tùy tục', các cô dâu cần biết những điều kiêng kỵ và các nghi thức cúng lễ.

Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng bao giờ cũng đem đến nhiều háo hức và áp lực cho các cô dâu mới. Những người vốn tài giỏi, đảm đang nữ công gia chánh có thể không sao nhưng với các "dâu tây" thì lo toan cái Tết chu toàn cũng "toát mồ hôi hột". Dưới đây là một số lưu ý về phong tục tổ chức Tết truyền thống mà các cô dâu mới cần lưu ý để tránh dính "sẹo" ngày đầu năm.

1. Nghi thức cúng lễ truyền thống

Ngày Tết là dịp để sum họp và bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà tổ tiên đã phù hộ cho cả gia đình trong suốt năm qua. Điều này được thể hiện thông qua những mâm cỗ cúng không thể bỏ qua. Tính từ thời điểm này đến Tết, bạn cần có các nghi thức cúng lễ sau:

- Cúng tất niên trước Giao thừa: Thông thường, việc cúng tất niên thường được làm vào trưa ngày 30 Tết. Bạn cần chuẩn bị hai mâm cỗ. Một mâm cúng thổ thần đất đai, đặt ở vị trí trước cửa nhà. Mâm kia đặt trước bàn thờ ông bà tổ tiên.

Lễ vật gồm có hoa, quả và mâm cơm mặn, giấy bạc, hai cốc nước trong và hay cây đèn (nến). Những thứ này có thể thay đổi tùy theo thói quen của gia đình chồng, vì vậy, bạn hãy hỏi ý kiến mẹ chồng trước khi quyết định mua sắm.

- Cúng Giao thừa: Từ 11h đêm trở đi, bạn có thể bày mâm lễ vật gồm ngũ quả, hoa, bánh chưng, xôi, gà, mứt... ra trước sân để thực hiện nghi thức cúng Giao thừa.

Sở dĩ có lễ cúng này là do dân gian tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian. Hết năm thì thần nọ bàn giao việc cho thần kia và việc cúng tế để tiễn ông cũ, đón ông mới về.

- Cúng ông bà: Thông thường trước Tết, mỗi gia đình đều ra mộ ông bà, người thân để mời mọi người về nhà ăn Tết. Vì thế, trong 3 ngày Tết (từ mùng 1 đến mùng 3), bạn phải sửa soạn bữa cơm sáng, trưa, tối để mời ông bà tổ tiên.

- Cúng hóa vàng: Thường diễn ra vào chiều mùng 3 hoặc mùng 4 (hoặc tùy vào cách chọn ngày của mỗi gia đình). Ngày này, bạn chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn để tiễn ông bà tổ tiên sau mấy ngày ăn Tết cùng gia đình.

2. Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết

Ở mỗi miền Bắc-Trung-Nam đều có các điều kiêng kỵ trong dịp năm mới. Các cô dâu mới về nhà chồng bên cạnh việc "nhập gia tùy tục", cũng nên lưu ý không làm những điều dưới đây để tránh bị mang tiếng là "tạo điều xui xẻo".

- Đối với miền Bắc:

Kiêng quét nhà, đổ rác: Trong ba ngày Tết, các gia đình thường không quét nhà vì cho rằng làm thế là quét hết may mắn đi. Vì thế, mọi việc dọn dẹp, làm sạch đồ đạc, nhà cửa phải được hoàn thành trước lúc Giao thừa.

Kiêng cho lửa ngày Tết: Trong ngày mùng một Tết, dù ai đến xin lửa cũng không cho vì lửa màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Cho người khác lửa là bỏ đi cái may và rước vận đen về. Ngoài ra, bạn cũng nên để ý về bình ga để tránh ngày Tết đang đun nấu thì "hết lửa", điều này theo quan niệm là ảnh hướng tới may mắn của cả nhà.

Xông nhà: Các gia đình miền Bắc quan niệm rằng những người "nặng vía", không hợp tuổi với chủ nhà đến xông nhà đầu năm thì cả năm nhà đó sẽ kém may mắn. Các cô dâu mới nên lưu ý điều này để tránh làm nhà chồng phật ý.

Tránh nói giông: Không dùng các từ có ý xui xẻo như "Chết rồi!", "Tiêu rồi!" trong ngày đầu năm mới.

Kiêng làm vỡ bát đĩa: Những ngày Tết, hẳn là bạn sẽ phải dọn rửa rất nhiều bát đĩa những hãy cẩn thận hơn chút vì bát đĩa tượng trưng cho gia đình. Nếu bạn làm vỡ bát đĩa, điều đó được coi như điềm báo cho một năm gia đình bất hòa xô xát.

- Đối với miền Trung:

Kiêng ăn tôm: Người miền Trung sợ đi giật lùi như tôm nên trong các mâm cỗ ngày Tết, bạn nên tránh làm các món ăn từ tôm.

Kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt: Người miền Trung cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo nên họ kiêng sử dụng thực phẩm này trong cả tháng Tết.

Kiêng mua quần áo màu trắng, vải trắng suốt tháng Giêng (Âm lịch).

- Đối với miền Nam:

Kiêng để cối xay không có gạo trong nhà: Điều này tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa năm tới. Chính vì vậy, người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.

Không được từ chối bữa ăn: Ngày Tết có lệ ai đến nhà, bất kể giờ giấc nào, gia chủ cũng dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối bữa ăn, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít.

Về trước giờ Giao thừa: Ai không về kịp xem như cả năm sau người ấy phải bôn ba vì công việc làm ăn.

Sau khi quét dọn phải cất hết chổi: Nếu trong ngày Tết để mất chổi nghĩa là năm đó gia đình sẽ bị trộm vét sạch của cải.




Chia sẻ kinh nghiệm



 Rất nhiều nàng dâu gặp phải những sự cố dở khóc, dở cười trong vai trò dâu mới ngay trong cái Tết đầu tiên, có những người may mắn được bố mẹ chồng cảm thông nhưng cũng có những nàng dâu bị “mất điểm” nặng...

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Mới lập gia đình được 3 tháng, đây là cái tết đầu tiên của Thanh ở nhà chồng. “Chồng mình quê ở Nghệ An, mình có về thăm bố mẹ vài lần, nhưng chưa khi nào ăn Tết ở đây, không biết quê chồng  sắm Tết ra sao? Mình sắm thứ gì cho hợp lý? Hơn nữa, không chỉ sắm cho bố mẹ chồng mà còn các em chồng? Phong tục mỗi nơi một khác, mà mình hỏi chồng thì anh ấy cũng lắc đầu vì chưa phải sắm tết bao giờ...”. Cô dâu trẻ tâm sự.

Nhờ bạn bè, người thân đặc biệt là cô em chồng “chân trong” tư vấn nên Thanh cũng cảm thấy yên tâm phần nào: “Lo nhất là ai cũng nhìn vào cô dâu mới. Mình chuẩn bị không khéo thì xấu mặt lắm”.

Còn với Thúy, vốn gốc là con gái Hà Thành, quen được bố mẹ lo cho từ nhỏ, Thúy chưa hề nghĩ đến chuyện đi làm dâu phải thu vén, lo cho gia đình như thế nào. Trăm thứ lo nghĩ cũng đủ khiến cô dâu mới đau đầu.

Cũng giống như Thúy, Linh mới lập gia đình cách đây 1 tháng. Tết năm nay cũng là Tết cô làm dâu Hà Nội. Dù đã sinh sống ở mảnh đất này nhiều năm, nhưng nghĩ đến chuyện sắm Tết cho nhà chồng cô cũng không khỏi băn khoăn. “Nhà chồng mình nền nếp lắm. Nhìn mẹ chồng mình lo quán xuyến nhà cửa thì đủ biết. Mình hiểu cái Tết nào cụ cũng lo chu toàn. Giờ đến lượt con dâu mới, mà lại là dâu trưởng, mình không biết phải làm như thế nào?”.

Càng lo lắng hơn khi cô được mẹ chồng giao trọng trách sắm tết. Để mẹ chồng vừa ý, cô đã cẩn thận hỏi ý bà là sắm gì cho ngày tết... Mẹ chồng cô nói: "Con cứ tùy ý mua.” Thế là Linh phải đi chợ với một tâm trạng đầy thấp thỏm, lo âu.  Mặc dù đã từng đưa mẹ đẻ đi sắm Tết bao nhiêu lần, nhưng phần lớn là đứng để mẹ mua, cô cũng không để ý xem mẹ mua những gì, mua như thế nào. Rồi phải đối mặt với việc làm mâm cỗ cúng gia tiên mà cô thì thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu. “Cuối cùng mình đành nói thật với mẹ chồng, nhờ mẹ chỉ bảo. Mẹ chồng cũng vui vẻ nói sẽ từ từ hướng dẫn cho mình biết làm tất cả mọi thứ . Hy vọng rằng Tết năm sau mình có thể học mẹ lo chu toàn mọi thứ cho gia đình”. Linh cho biết.

Với chị Giang, dù lấy chồng được 3 năm, nhưng chị vẫn nhớ như in cái tết đầu tiên của mình ở nhà chồng. 

Mẹ chồng Giang rất đảm đang, muốn qua dịp này để xem nết ăn nết ở và tài thu vén của con dâu mới nên đã giao cho Giang nhiệm vụ làm cỗ tất niên và chuẩn bị việc ăn uống trong mấy ngày tết.

 Nghe mẹ chồng nói mà Giang tái cả mặt, bởi ở nhà, Giang chỉ việc ăn và học, thỉnh thoảng mới mua đồ trang trí hay mua quà tặng bố mẹ, việc chuẩn bị cho các ngày lễ tết đều do mẹ cô đảm nhiệm. Nhưng... nàng dâu nào dám “từ chối” phân công của mẹ chồng, Giang đành gồng mình nhận lấy nhiệm vụ khó khăn và phải trông cậy vào sự giúp đỡ của mẹ mình.

Việc “đi chợ” thì Giang hoàn thành tốt nhờ có mẹ hướng dẫn, chỉ bảo cặn kẽ và thậm chí là tìm mua giùm một số thứ nhưng... phần chuẩn bị bữa cơm tất niên mới thực sự là vấn đề! Vì chưa rõ tính nết mẹ chồng nên cô không dám hỏi mà ứng phó bằng cách... cầm riết điện thoại để hỏi mẹ từng chút, nhưng dù có được sự trợ giúp đắc lực ấy, Giang vẫn phải đánh vật đến toát mồ hôi mà... mâm cỗ vẫn không trọn vẹn.

Gà luộc để cúng phải mổ moi mà cô lại mổ phanh và luộc quá lửa nên khi chặt ra, chỉ toàn là những miếng thịt gà nham nhở. Món xào thì cô cho nhầm thứ tự, rau trước rồi mới đến thịt, bóng, mộc nhĩ, nấm hương, nên thịt với bóng thì dai mà rau thì nhừ!

Nhìn mâm cỗ cúng gia tiên, mẹ chồng Giang lắc đầu nói: “Tí con thử ăn cỗ xem có nuốt được không nhé”. Giang chỉ biết cúi đầu, rơm rớm nước mắt. Đến cả chồng cô cũng... thất vọng không giấu giếm khiến Giang càng mặc cảm về sự vụng về của mình. 

Với Giang, cái tết đầu tiên bên nhà chồng trôi qua thật nặng nề, làm việc gì Giang cũng bị ám ảnh bởi ánh mắt thất vọng của mẹ chồng.

Tết vốn là dịp rất long trọng thiêng liêng nhưng cũng sẽ là thử thách thực sự với nàng dâu mới. Để có được cái nhìn thiện cảm từ gia đình chồng, các cô dâu mới nên giắt túi vài “bí kíp” nhỏ về kỹ năng nấu nướng, phong tục kiêng kỵ...

Thái độ lễ phép cởi mở, gần gũi với mẹ chồng, gia đình nhà chồng của  nàng dâu cũng vô cùng cần thiết để có được cái ứng xử phù hợp “nhập gia tuỳ tục” đối với những người thân trong tổ ấm mới của họ.


Nỗi niềm dâu mới trong ngày Tết

Thực hiện đúng lời hứa "ra giêng anh cưới em", chú rể của tôi đón dâu vào tháng một Dương lịch, dịp gần Tết, có nghĩa cái Tết đầu tiên của tôi là cái Tết của cô dâu mới về nhà chồng.

Mà Tết đối với người Việt Nam lại không đơn giản dù ai đó có cố gắng làm đơn giản hóa hết mức đi nữa. Thế là thay vì đi hưởng trăng mặt, thì chúng tôi, mà tôi là chủ yếu, cùng mẹ chồng lo chuẩn bị mọi thứ cho Tết.

Đầu tiên là vụ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Vì là dâu mới nên tôi được... ưu tiên thể hiện hết mình khả năng quán xuyến nhà cửa, trong khi mẹ chồng phụ giúp và em chồng thì có nhiệm vụ... quan sát, nhận xét, đánh giá công việc và cả óc thẩm mỹ của tôi thông qua việc mua sắm, chọn lựa những vật dụng và đồ trang trí trong nhà. 

Gu thẩm mỹ thì đúng là mỗi người mỗi vẻ nên các ý tưởng cứ đụng nhau chan chát, chẳng thể dung hòa. Cuối cùng thì mọi việc cũng xong xuôi và mọi thành viên trong nhà chồng đều cho là năm nay họ mang một cái áo mới, khác hẳn mọi năm vì cái áo ấy là do tôi chọn. Còn họ có thực sự tâm đắc với tấm áo không thì tôi tuyệt nhiên không nghe nói đến???!!!

Mà chưa cần đụng tay vào việc tề gia nội trợ thì ngay đêm đầu tiên về làm dâu, tôi đã gây được ấn tượng sâu sắc với các thành viên gia đình chồng rồi. Chuyện là ngay trước đám cưới, ông xã tôi bị cảm, viêm họng. Vì thế, dù rất náo nức, chúng tôi đã thỏa thuận ngầm rằng "trăng mật" của chúng tôi sẽ được tạm lui để ông xã khỏe hẳn trở lại. Và tối hôm ấy, tôi vô tư nói với chồng "Anh đừng có làm em đau kẻo mai em lại không đi làm được? Thế là mọi người đang ngồi ở phòng khách được dịp cười ré lên.

Ôi, lúc này tôi mới nhận ra cái kiểu ăn nói vô tư của mình... vô duyên quá. Chẳng là đối với người miền Nam, việc ốm, bệnh còn được kêu là đau. Ý của tôi là sợ bị lây bệnh cảm của ông xã, thế mà... Rồi ngay tối hôm ấy, tôi được mẹ chồng cấp tốc "luyện" cho một khóa về giữ gìn lời ăn tiếng nói, về việc ý tứ trong phát ngôn.

Phù, cũng may là mẹ chồng biết là tôi chỉ... lỡ mồm nên cũng dễ thông cảm. Cũng về chuyện ăn nói, tôi còn mắc...trong tôi là cứ quen kêu mẹ chồng, bố chồng là...bác. Riết rồi đến ba mẹ chồng tôi cũng nhầm lẫn, lúc thì xưng bác, lúc lại xưng ba, mẹ với con dâu khiến mọi người cứ mắt tròn mắt dẹt.

Trước đám cưới, mọi người trong gia đình chồng chưa có dịp thử tài nấu ăn của tôi vì mấy lần đến chơi, tôi đều có cớ bận công việc, sát giờ mới đến nên mọi thứ đều đã sẵn sàng rồi. Chồng tôi thì nói với mẹ: "Cô ấy không có nhiều thời gian và tính cũng đơn giản nên những món tiệc thì có thể không đảm nhận được, chứ món ăn thường ngày thì xá gì, thỉnh thoảng cô ấy vẫn nấu cho con ăn, ngon lắm".

Chà, ông xã có lẽ đỡ lời cho tôi, hoặc cũng có thể anh tưởng đó là sự thật. Anh đâu có biết rằng mấy lần anh đến chỗ trọ ăn cơm cùng tôi, ba nhỏ bạn thân đã phải lăn vào giúp tôi cả một buổi chiều để cho ra một thực đơn với mấy món ăn đơn giản nhưng trình bày khéo léo và nêm nếm thiệt ngon. Rồi anh vừa thích thú thưởng thức những món do... bạn của vợ tương lai lại nấu vừa nhìn vợ tương lai (vẫn còn đeo chiếc tạp dề trước ngực như thể đảm đang lắm) với ánh mắt yêu thương.

Tôi đã âm mưu chinh phục anh theo một cách cũ mèm nhưng ít khi sai là... đánh vào cái dạ dày. Nhưng giờ đây, âm mưu ấy lại quay về hại chính tôi.

Lúc này, đối mặt với tôi là con gà đang chờ tôi làm các công đoạn để có mặt ở mâm cũng gia tiên và tôi thì thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng chỉ còn cách thú thật với mẹ chồng. Mẹ chồng bảo sẽ từ từ hướng dẫn cho tôi biết làm tất cả mọi thứ và đảm bảo đến Tết sang năm, tôi có thể tự tay làm thành thục những việc chuẩn bị cho ngày Tết.

Mặc dù không vui sướng trước viễn cảnh tương lai đảm đang này chút nào nhưng tôi cũng tự nhủ rằng một thách thức nữa đã qua đi và hóa ra, mẹ chồng tôi cũng thật... bao dung đó chứ, không trách mắng tôi nửa lời.

Rồi sau mấy ngày lu bù với việc cùng mẹ chồng chuẩn bị cho ba ngày Tết, vợ chồng tôi tiếp tục cuộc sống không có thời gian riêng tư cho nhau đến hết Tết vì suốt ngày bận rộn với lịch tiếp đón rồi đi thăm viếng bà con trong dòng họ nhà anh. Cũng may là đến thăm họ hàng thì tôi là khách rồi, đỡ phải xắn tay áo vào bếp nội trợ.

Hết Tết khi thở phào, tôi rút ra kinh nghiệm: không nên cưới vào dịp trước Tết, thay vào đó đợi qua Tết hãy về làm dâu. Nhưng chắc kinh nghiệm này rất ít ai dám xài, bởi có cô gái nào muốn mình lỡ chuyến đò cuộc đời chỉ vì không biết làm gà, không biết ăn nói ý tứ, không biết... đủ thứ như tôi.

 

“Anh ơi, tết này anh mà không giúp thì làm sao em xoay sở kịp?”. Còn gần một tháng nữa mới tới tết mà hôm nào Hạ cũng ca điệp khúc ấy với chồng.

Bạn bè cứ trêu Thương: Sao mà dại thế, ngày rộng tháng dài chả cưới, lại chọn đúng dịp những ngày cuối năm mà vu quy, dâu mới, tết này, tha hồ mà “sướng”. Nhưng biết làm sao được, hợp tuổi, hợp ngày thì “lên kiệu”, chứ chả lẽ sợ mấy ngày tết mà hoãn đám cưới ư? An ủi mình là thế, chứ trong bụng, Thương lo lắm.

Nhà chồng đông anh, đông em, cả gái, cả trai cả thảy là 8 người. Chồng Thương là út, bây giờ mới có gia đình, chứ các anh các chị chồng Thương đều đã yên bề gia thất từ lâu, có người còn sắp sửa có con dâu, con rể đến nơi. Thế nên, ngày giỗ, ngày tết, cả nhà họp mặt đông đủ cứ gọi là đông hơn quân nguyên.

Riêng việc mua quà tết biếu từng anh chị, sắm sửa quần áo cho mấy đứa cháu nhỏ cũng khiến Thương mệt bở hơi tai. Chả là từ trước tới giờ, chồng Thương có lệ, ngày tết, dù nhiều dù ít, cũng sắm nắm quà bánh, quần áo, đồ chơi cho từng đứa cháu một, từng anh, từng chị. Thế nên anh được hết thảy mọi người, đặc biệt là lũ nhỏ thương yêu. Năm nay, Thương về làm dâu, lệ cũ không những không thể bỏ mà còn phải “hoành tráng” hơn. Vì “năm nay nhà cậu có hẳn hai người” – đứa cháu chồng mới 6 tuổi đầu đã nói trước như thế.

Cũng giống như Thương, Hạ cũng đang lo ngay ngáy 3 ngày tết sắp tới. Chồng Hạ lại là con trưởng trong nhà, cho nên cô phải gánh trọng trách vô cùng nặng nề. Sau tuần trăng mật hồi tháng trước, hai vợ chồng Hạ đáo qua nhà thăm bố mẹ chồng, ông bà chưa gì đã khoán trắng tết này cho vợ chồng cô.

“Năm nay, bố mẹ già rồi, tết nhất giao cả cho hai đứa, sắm sửa gì thì sắm sửa. Nhưng mà nhà mình là cầu kì trong việc cỗ bàn, cúng kính lắm. Hai đứa liệu mà về sớm sớm, đừng có đến 30 mới về thì không kịp đâu”.

Bà mẹ chồng không nhắc thì thôi, cứ nhắc tới cỗ bàn là Hạ khiếp vía. Hôm cưới, gia đình, họ hàng ăn uống linh đình 3, 4 ngày trời. Ngày đầu tiên về nhà chồng Hạ phải lăn vào bếp để nấu nướng mời họ hàng thân thiết, bà con chòm xóm gọi là “cảm tạ”. Hạ chả ăn được gì, vì chỉ ngửi thấy mùi dầu mỡ, cô đã no rồi.

Mọi người ăn uống xong cô lại ra sức “quần” với đống bát đĩa. Báo hại, Hạ lăn quay ra ốm cả tuần, đi trăng mật cũng mất cả lãng mạn, tình tứ.

Nhà bố mẹ đẻ Hạ vốn ít anh, em. Lại ở thành phố, nên chuyện ngày tết, ngày nhất cực kì đơn giản. Nhưng ở quê lại khác, cầu kì lắm. Nhất là ở nhà chồng Hạ, mới chỉ nghĩ tới viễn cảnh ngày tết ở quê mà cô đã muốn ốm. Tết là nghỉ ngơi, nhưng xem ra, năm nay, cô chẳng có nổi một ngày nhàn hạ rồi.

“Anh ơi, tết này anh mà không giúp thì làm sao em xoay sở kịp?”. Còn gần một tháng nữa mới tới tết mà hôm nào Hạ cũng ca điệp khúc ấy với chồng.

Bố chồng Hạ đi bộ đội, nên sau gần 10 năm cưới, ông bà mới sinh chồng cô là con đầu lòng. Nay con có gia đình, ông bà cũng đã cao tuổi. Các em chồng thì còn nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi chơi. Hạ cũng đã xác định tinh thần trước khi hai người cưới. Nhưng ngày trước còn đỡ, chứ cưới xong rồi, Hạ thực sự bị sốc trước trách nhiệm nặng nề mà mình được mẹ chồng ủy thác.

Chắc là tết này cô phải xin nghỉ trước vài ngày. Chứ nếu không, với cái thói “rùa ngủ gật” thì cô “chết chắc”.

Du cũng đang nhấp nha nhấp nhổm lo cho cái tết đầu tiên về nhà chồng. Thương, Hạ dù sao cũng còn dễ đỡ vì gia đình nhà chồng cùng ở miền Bắc, phong tục tập quán nhìn chung vẫn còn giông giống với nhau. Chứ Du, lấy chồng tận trong miền Nam, với biết bao khác biệt, cô chưa biết xoay sở ra sao.

Từ hồi yêu nhau, rồi kết hôn, Du cũng về nhà Tuấn 4, 5 lần. Nhưng chỉ gọi là đảo qua nhà chốc lạt rồi lại cùng nhau vi vu du lịch chỗ nọ chỗ kia. Mới lại, hồi ấy, yêu nó khác, còn giờ, đã là vợ người ta, là con dâu của nhà người ta thì mọi chuyện phải khác.

“Nhà chồng cũng có hai bà chị dâu rồi. Nhưng chả lẽ ỷ vào họ mà không làm gì thì coi sao được. Mới lại, bà mẹ chồng mình không khó tính nhưng rất cẩn thận và khuôn phép. Hơn nữa, mình cũng không muốn làm xấu mặt chồng. Nhưng xem chừng khó đây!” – Du vừa nói vừa thở dài.

Tết đầu tiên về nhà chồng là khoảng thời gian khó khăn và thử thách nhiều tân cô dâu. Các bà mẹ chồng cũng qua 3 ngày tết mà đánh giá nàng dâu của mình. Chính vì vậy, dù có vất vả, các cô dâu cũng hãy cố gắng để những ngày đầu năm mới là những ngày vui vẻ, ấm cúng và hạnh phúc, đồng thời ghi điểm với gia đình chồng nhé!

Bởi theo như Du nói thì người miền Nam ăn uống khá cầu kì. Cùng là thịt gà, nhưng người miền Bắc chỉ có luộc, rang, nấu đông… thì trong ấy, họ phối hợp với nhiều gia vị khác nhau, làm thành nhiều món ăn độc đáo: nào là cơm gà, nào là gỏi gà… Những món ấy, ăn ngon tuyệt, nhưng Du có “tu luyện” một năm nữa chưa chắc đã làm nổi.

Rồi thì thịt kho cũng khác, canh măng nấu cũng khác…

Du có “tuyệt chiêu” gói bánh chưng, nhưng chỉ gói được bánh chưng Tày (hình tròn), chứ còn bánh chưng vuông thì cô “bó chiếu”. Mà nhà chồng thì chỉ gói độc bánh chưng vuông. Thế là cô cũng hết cơ hội để thể hiện.

Hiện tại, theo “quân sư” chồng,Du đang tập nấu vài món ăn miền Nam, dưới sự chỉ đạo của “đầu bếp” tập tọelà chồng. Cô hi vọng, mấy ngày tết, cũng biết làm “phụ bếp” cho hai bà chị dâu miền Nam. Dù có vất vả, nhưngDunói “Đâm lao thì phải theo lao, lấy chồng thì phải theo nhà chồng, khó cũng ráng mà học”.








Quà tặng cho bố mẹ chồng
Ý nghĩa và thủ tục tiến hành lễ xin dâu
Mẹ chồng làm gì khi con dâu bắt đầu về nhà
Phong tục rước dâu miền Nam
Cải thiện quan hệ mẹ chồng nàng dâu
Cô dâu chuẩn bị gì cho ngày cưới
Tại sao mẹ cô dâu kiêng không đi đưa dâu


(st)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý