Phong tục cưới hỏi của người Nhật Bản

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Phong tục cưới hỏi của người Nhật Bản

19/04/2015 01:39 AM
2,004

Nhật Bản được biết đến là một cường quốc của khoa học kỹ thuật, một xứ sở của tuyết và hoa anh đào. Nhật Bản luôn tìm cách bảo tồn và phát huy tinh hoa dân tộc. Con Người Nhật Bản rất yêu quý và giữ gìn bản sắc dân tộc của mình. Một trong những yếu tố ấy là phong tục cưới.


Khái niệm về nghi lễ và hôn nhân tại Nhật tuy có một vài thay đổi để phù hợp nhưng vẫn duy trì những sắc thái cổ truyền. Ở Nhật có hai loại hôn nhân chủ yếu là hôn nhân dàn xếp và hôn nhân lựa chọn. Nhưng ngày nay hôn nhân dàn xếp giảm dần khi chế độ dân chủ phát triển, thanh niên Nhật ngày nay đã tự do tìm hiểu nhau trước khi tiến đến hôn nhân. Khi cảm thấy không thể thiếu nhau trong cuộc đời thì họ sẽ đi đến kết hôn.
Tỉ lệ  đám cưới giữa người Nhật Bản với người nước ngoài cũng khá cao.

Các cuộc hôn nhân sắp đặt là đặc điểm rất Nhật Bản. Đây là những cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu đôi lứa mà qua giới thiệu của người mai mối khi thấy hai người hợp với nhau. Thông thường, cha mẹ của người con trai hoặc người con gái đưa ảnh của con mình cùng một số thông tin về bản thân, cho người mối mai và đề nghị tìm vị hôn phu hoặc hôn thê thích hợp. Nếu tìm được, hai người sẽ được giới thiệu với nhau trước sự có mặt của cha mẹ trong một cuộc gặp gỡ chính thức, tiếng Nhật gọi là miai. Trong buổi gặp gỡ này, họ nói chuyện về sở thích cá nhân, về kiểu gia đình mà họ mong muốn và những vấn đề khác với mục đích xem hai bên hòa hợp nhau tới mức nào.

Cùng với quá trình dân chủ hóa sau khi chiến tranh kết thúc, các cuộc hôn nhân tự do, không thông qua sắp đặt, tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, kiểu hôn nhân sắp đặt vẫn có nhiều người theo. Vào năm 90, các cuộc thăm dò với đối tượng là những người mới lập gia đình trong các công ty hàng đầu của Nhật cho thấy, đến 20% ủng hộ hôn nhân sắp đặt.

Về lễ cưới, có thể nói lễ cưới mang tính chất quan trọng nhất trong 4 lễ lớn ở Nhật, thường được gọi là kankon sosai, bao gồm lễ thành nhân, lễ cưới, lễ tang và lễ cúng tổ tiên. Để chính thức hóa cuộc hôn nhân phải đăng ký với chính quyền địa phương nhưng sự thừa nhận của xã hội và mọi người lại là ở các buổi tiệc cưới với những y phục trang trọng. Kiểu đám cưới truyền thống thường thấy ngày nay áp dụng các thủ tục đặt ra trong thời Minh Trị (1868-1912). Tùy theo từng địa phương, thủ tục cưới xin khác nhau rất nhiều, nhưng hầu hết các đám cưới theo kiểu truyền thống đều theo những phong tục như sau:

Trước hết, ngày tổ chức lễ cưới được chọn rất cẩn thận để tránh những ngày mang điềm xấu. Các lễ nghi đám cưới truyền thống bắt đầu một ngày trước đám cưới chính thức, khi cô dâu đi thăm đền chùa hoặc tổ chức liên hoan chia tay với cha mẹ và hàng xóm. Các lễ nghi trong ngày cưới chủ yếu diễn ra ở nhà chú rể. Khi cô dâu chia tay với cha mẹ để sang nhà chú rể phải mặc đồ trắng. Tại nhà chú rể, cô dâu mặc kimono màu trắng, đội loại mũ gọi là tsuno-kakushi, có nghĩa là “giấu sừng”, ám chỉ gạt bỏ và giấu đi sự ghen tuông của phụ nữ. Chú rể mặc kimono có gắn gia huy và quần chùng, gọi là hakama.

Khi rước dâu về tới nhà sẽ tổ chức nhiều nghi lễ mà quan trọng nhất là việc đôi tân hôn hứa hẹn thề nguyền bằng cách trao các chén rượu sake cho nhau. Nghi thức này, tiếng Nhật gọi là sansan kudo, vốn xuất phát từ những gia đình quyền quý nhưng nay được coi là tiêu chuẩn trong các đám cưới kiểu truyền thống trên toàn Nhật Bản, theo đó cô dâu và chú rể 3 lần nhấp rượu sake trong một bộ 3 chiếc chén từ nhỏ đến lớn. Tiếp sau nghi thức này là giới thiệu gia đình hai họ và tiệc đón dâu. Khoảng 3 hoặc 5 ngày sau, người vợ và đôi khi cả chồng, trở về nhà mình, mang theo quà cho người thân và bạn bè. Nghi thức này gọi là satogaeri.
Đám cưới truyền thống về cơ bản là những lễ nghi thế tục theo phong tục tập quán địa phương. Đám cưới hiện đại ngày nay cũng vậy nhưng có thể có thêm một nghi thức tôn giáo, dẫu đôi tân hôn có thể chẳng theo tôn giáo nào. Các đám cưới Thần đạo – trở nên được ưa chuộng sau lễ cưới Thần đạo cho thái tử vào năm 1900 – phổ biến hơn các đám cưới theo kiểu Phật giáo và Thiên chúa giáo, tuy các đám cưới kiểu Thiên chúa giáo ngày càng phát triển như cái mốt ở Nhật.
Địa điểm tổ chức lễ cưới cũng chuyển từ ở gia đình tới các đền, chùa và kể từ sau Thế chiến 2 là các khách sạn, nhà hàng, nhà thờ hoặc các phòng cưới đặc biệt. Nhiều người vẫn theo nghi thức về thăm nhà gái sau ngày cưới, nhưng hầu hết người Nhật thích trước đó hưởng tuần trăng mật ít nhất là 1 tuần. Tuy vẫn có nhiều đám cưới linh đình, tốn kém và cha mẹ chịu chi phí, cách tổ chức đang dần dần thay đổi vì không ít đôi vợ chồng muốn có một đám cưới độc đáo, theo sở thích riêng của họ.
Ở Nhật Bản, khi tổ chức lễ cưới, có người tổ chức theo kiểu truyền thống nhưng cũng có người muốn tổ chức theo kiểu hiện đại. Hình thức kết hôn có 4 kiểu.. Tổ chức theo nghi lễ thần đạo, tổ chức theo nghi lễ của thiên chúa giáo, tổ chức theo nghi lễ Phật giáo và tổ chức theo kiểu bình thường của con người. Đặc biệt Vào thời Meiji, tại Nhật Bản hình thức tổ chức lễ cưới theo nghi thức thần đạo rất phổ biến và phát triển. Nhưng gần đây các lễ cưới được tổ chức chủ yếu ở khách sạn hay nhà thờ ngày càng nhiều hơn. Tại đây, lễ cưới cũng được giải thích theo nghi thức thần đạo.
Qui mô tổ chức lễ cưới nhỏ, thông thường chỉ có sự hiện diện người thân đôi bên gia đình cô dâu chú rể. Ngày xưa lễ cưới được tổ chức tại các đền thờ nhưng ngày nay khách sạn cũng là nơi nhiều người tổ chức lễ cưới theo nghi thức thần đạo. Lễ cưới là sự kinh doanh lớn tại Nhật Bản.


Lễ cưới diễn ra ngắn gọn nhưng được tổ chức rất trang trọng. Đầu tiên, người của thần đạo sẽ thực hiện nghi lễ làm sạch, sau đó cô dâu và chú rễ cùng nhau thề ước tin tưởng và yêu nhau đến cuối cuộc đời. Tân lang và tân nương giao uống với nhau chén rượu ngày cưới. sasankudo là hình thức cô dâu chú rể giao nhau và uống rượu ngày cưới. Gần đây, hình thức trao nhẫn trở nên nhiều hơn. Sau đó tân lang và tân nương sẽ gương cao cây sakaki (đây là cây thần thánh trong đạo Shinto) trước mặt các vị thần. Tiếp đến, bà con và gia đình hai bên cô dâu chú rể sẽ mời nhau những chén rượu. Chính điều đó đã trở thành một kỉ niệm trong ngày cưới. Thường thì một thiếu nữa trẻ của đền thờ mặc áo đỏ và trắng rót rượu. Kết thúc lễ cưới có chụp ảnh làm kỉ niệm diễn ra khoảng 20~30 phút.
Sau phần nghi lễ quan trọng dành cho cô dâu chú rể kết thúc, tiệc chiêu đãi ăn uống bắt đầu. Tân lang và tân nương cùng chúc mừng với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình. Bữa tiệc thường kéo dài khoảng 2 tiếng, khoảng thời gian này thật sự vất vả đối với cô dâu chú rễ, hai người cứ cúi đầu chào khách nhiều lần và không quên nói: xin cám ơn.
Kết thúc tiệc cưới thường có thêm tăng 2, thường thì mọi người kéo nhau đi hát karaoke hay đến quán rượu để cùng nhau uống bia và hát hò, nhảy múa.
Ở Nhật Bản, mọi người thường đi quà cưới bằng tiền khoảng trên 20 ngàn yên đến 30 ngàn yên( 200 USD ~ 300USD) . Chi phí để tổ chức một lễ cưới rất lớn, vì vậy tiền bạc đối với cô dâu chú rể thật khó khăn. Về phía khách cũng sẽ được nhận lại món quà kỉ niệm như bánh ngọt, đũa…

Người Nhật có một tục lệ trong ngày cưới gọi là “san-san-kudo” nghĩa là uống 3 ngụm. San = 3, ba ngụm rượu đầu tiên thay mặt cho cô dâu chú rể và bố mẹ của hai bên. San = 3, ba ngụm rượu tiếp theo là tượng trưng cho uống cạn đi lòng căm thù, đam mê và dối trá. Ku = 9, là con số may mắn trong quan niệm của người Nhật. Do = kết thúc bằng sự hòa hợp của hai tâm hồn.

Người Nhật thích cưới "cả trâu lẫn nghé"
Các cô dâu để lộ bụng bầu sau lớp áo cưới từng bị coi là điều xấu hổ ở Nhật cách đây chỉ vài năm. Nhưng bây giờ, kết hôn khi có bầu được coi là niềm vui nhân đôi

Các công ty tổ chức hôn lễ tới tấp nhận được đặt hàng tổ chức đám cưới và cả ăn mừng đứa trẻ sắp chào đời. Masashi Tsubonouchi, giám đốc công ty hôn lễ Frist Advantage, cho biết chỉ vài năm trước, hình ảnh cô dâu với chiếc bụng bầu lộ rõ bị coi là xấu xa, nhưng thái độ của người Nhật hiện nay đang thay đổi nhanh chóng. Ông cho biết công ty này bắt đầu tổ chức "gói hôn lễ" gồm cả đám cưới và cả tiệc mừng đứa trẻ sắp chào đời vào năm 2003 và nhận được 50 đơn đặt hàng. Năm ngoái, công ty này tổ chức đám cưới cho 200 cô dâu mang bầu.

Chika Hirotani, quản lý công ty hôn lễ Watabe Wedding, cho rằng trào lưu này bắt nguồn từ những năm cuối 1990 rồi sau đó được chấp nhận rộng rãi hơn khi các ngôi sao lộ rõ chuyện mang bầu trong đám cưới.
Ngôi sao nhạc pop Shizuka Kudo kết hôn cùng diễn viên đồng thời là ca sĩ Takuya Kimura năm 2000. Nữ diễn viên Sae Isshiki tiếp bước năm 2002 và gần đây, vợ của ngôi sao sumo Hakuho khoe bụng bầu trong đám cưới.

"10 năm trước, người ta có thể thấy xấu hổ vì có bầu trước khi cưới nhưng giờ đây, đến 20% các đám cưới kiểu này và điều đó tốt cho cả ngành dịch vụ hôn lễ cũng như tỷ lệ sinh của Nhật", Hirotani nói.

Đất nước mặt trời mặt đang đối phó với tốc độ dân số già đi nhanh chóng và tỷ lệ sinh giảm. Hiện tại, tỷ lệ sinh trung bình của phụ nữ Nhật là 1,25 trẻ trong khi để duy trì dân số, tỷ lệ này phải là 2,1.


Phong tục cưới của người dân Nhật rất đặc sắc và mang đậm truyền thống dân tộc. Phần tiếp theo này là phần giới thiệu tiếp theo về phong tục mừng lễ cho lễ cưới. Thay vì mang quà cưới, theo truyền thống, quan khách Nhật được mời dự lễ sẽ mang tiền mừng cho cô dâu và chú rể. Khi về, họ thường được tặng quà lấy may.

Người Nhật có truyền thống gói quà thật đẹp để nói lên lòng thành của người tặng quà đối với người nhận. Một vật liệu dùng để gói là giấy Nhật (Washi). Theo kỹ thuật Orikata, giấy phải được xếp như thế nào để người nhận biết trong có quà gì. Vào thế kỷ thứ 15, phép xếp giấy Orikata quy định phải xếp từng nếp gấp như thế nào, từ đầu đến cuối. Việc chú ý đến những chi tiết tỉ mỉ như thế này vẫn còn thấy ở Noshi-bukuro, là những chiếc phong thư thật đẹp đựng tiền làm quà. Phong thư được xếp theo một hình Orikata cổ điển gọi là Noshi-awabi (Awabi là bào ngư, một loài ốc biển dùng làm quà để chúc mừng). Truyền thống gói quà đẹp đã được truyền lại từ lâu đời. Phong thư được làm đẹp bằng giây thắt chung quanh gọi là Mizuhiki. Theo truyền thống Nhật, số tiền này không nên là số chẵn có thể chia là hai phần bằng nhau vì "điều đó là điềm báo hai người có thể sẽ ly dị". Tiền mừng đối với người Nhật là một vấn đề vô cùng rắc rối. "Chúng tôi sợ phải nhận thiệp mời", một vị khách nói sau khi rời một tiệc cưới ở Tokyo hồi đầu tháng. "Chẳng có cuốn sách nào dạy bạn làm thế nào cả. Bạn phải tự nghĩ ra hết".

Đối với những tiệc cưới sang trọng và truyền thống thì vấn đề tiền mừng cưới trở nên phức tạp hơn. Một hiệp hội văn hoá ở Nhật đã xuất bản cuốn sách hướng dẫn khách mời đám cưới nên tặng cho cô dâu chú rể bao nhiêu tiền. Theo họ, những người gần gũi với cô dâu và chú rể như anh chị em trong gia đình nên mừng khoảng 100.000 yên trong khi số tiền mà bạn đồng nghiệp nên tặng cô dâu, chú rể là 30.000 yên. "30.000 là một số rất đẹp", một chuyên gia văn hoá Nhật nói.

Theo truyền thống, những vị khách được mời nên mang theo tiền mừng đủ để chi trả chi phí cho bữa ăn của họ trong tiệc cưới và dư một chút dành cho cô dâu và chú rể. Số tiền mừng thường tỷ lệ thuận với độ lớn của nơi tổ chức lễ cưới. Đối với buổi tiệc tổ chức ở những nơi sang trọng, đồng nghiệp của cô dâu, chú rể có thể phải mang tới 70.000 yên. Đồng nghiệp nữ có thể mừng ít hơn một chút.

“Mốt” thuê người tới dự đám cưới ở Nhật

Bên cạnh việc chọn váy cưới, đặt tour cho tuần trăng mật, có một việc khác mà các cặp uyên ương tại Nhật Bản cũng có thể thêm vào danh sách những khâu chuẩn bị cho đám cưới: thuê bạn giả. Office Agents, một công ty có văn phòng tại Tokyo, đang ăn nên làm ra với một loại hình dịch vụ mới: cho thuê bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là cả người thân để tới dự đám cưới.

Nhiều người Nhật rất coi trọng đám cưới. Họ cho đó là một sự kiện quan trọng mà tất cả các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đều tham dự. Tại bữa tiệc, "sếp" của cô dâu hoặc chú rể thường hay phát biểu, trong khi bạn bè hoặc đồng nghiệp dàn dựng chương trình của đám cưới còn đại diện hai bên gia đình phải đón chào các vị khách. Một trong những lý do khiến các cô dâu hoặc chú rể phải thuê người tới đám cưới là để chứng tỏ với người bạn đời rằng họ có nhiều bạn.

Với 100 USD, một trong số các nhân viên của công ty sẽ tham dự đám cưới với tư cách là khách mời. Nếu muốn khách mời có một bài phát biểu thật sự cảm động, khách hàng phải trả thêm 100 USD. 50 USD là giá cho một bài hát hoặc một tiết mục khiêu vũ.

Suy thoái cũng góp phần thúc đẩy loại hình dịch vụ cho thuê người tới dự đám cưới phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp cao và số người Nhật Bản phải làm việc bán thời gian ngày càng gia tăng, khiến các cô dâu và chú rể phải thuê "sếp" giả và đồng nghiệp giả.

“Chúng tôi tham dự đám cưới với tư cách là bạn của bạn”, Hiroshi Mizutani, giám đốc công ty Office Agents cho hay.

“Khách hàng tìm đến chúng tôi khi đột nhiên một vị khách không thể có mặt. Hoặc bạn lo lắng về chuyện số lượng khách mời quá ít so với khách của gia đình nhà bên kia. Hoặc cũng có thể các công nhân tạm thời không thoải mái lắm khi mời các ông chủ”.

Ông Hiroshi Mizutani cho hay, trong một đám cưới gần đây, chú rể đã bí mật thuê 30 vị khách đóng giả bạn bè, các thành viên gia đình và bạn đồng nghiệp đến dự đám cưới. “Đây là đám cưới lần 2 nên chú rể không muốn mời đúng các vị khách đã đến trong đám cưới lần đầu”, ông Mizutani nói. Ngoài cho thuê người tới dự đám cưới, công ty cũng cung cấp dịch vụ cho thuê người tại các sự kiện khác nhau, từ các buổi gặp mặt tập thể cho tới đám tang hay những sự kiện riêng tư.

Một điều khách hàng có thể yên tâm là những người đóng giả không bao giờ tiết lộ địa vị của họ trong các sự kiện được thuê. Đôi khi, ngay cả cô dâu hoặc chú rể cũng không hay biết người bạn đời của mình đã thuê khách giả. Ông Misutani cho hay, điều quan trọng là các khách mời đóng giả đều là những người vui vẻ, lịch sự. Họ làm việc như một lao động bình thường. Còn những người đi thuê thì cảm thấy hài lòng vì nhu cầu của họ đã được đáp ứng.

Office Agents nhận được khoảng 100 yêu cầu thuê khách cho đám cưới một năm. Công ty luôn có khoảng 1.000 nhân viên sẵn sàng phục vụ tại các sự kiện khác nhau như đám tang hay các buổi hội thảo đào tạo. Khách hàng cũng có thể thuê người yêu giả để đưa về giới thiệu với gia đình.

Khi họ Ly Hôn

Không lặng lẽ chia ly mỗi người một ngả, người Nhật tổ chức lễ ly hôn hoành tráng như lễ cưới, chỉ khác về kết quả.Từng bước, từng bước một, Michiko tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để hoàn tất việc ly hôn: chia tài sản, xác định quyền trông nom con cái, thu xếp học phí cho con gái. Tuy nhiên, khi chạm tới mối sầu là kết thúc 8 năm chung sống với Taka, luật pháp lại không có một thủ tục chính thức. Đó là khi Michiko quyết định làm một lễ ly hôn.

Hiện giờ, ở Nhật, cứ 4 cặp vợ chồng lại có một đôi ly hôn dù vấn đề này hiện bị coi là một điều cấm kỵ. Những lễ ly hôn ngày càng được ưa chuộng đã giúp một số người Nhật đương đầu với những thay đổi về quy tắc xã hội, nhà tổ chức lễ ly hôn Hiroki Terai cho biết.

Taka, người sắp trở thành chồng cũ của Michiko cho biết, ý tưởng trên quả là một điều ngạc nhiên. Người đàn ông này chưa bao giờ nghe nói về lễ ly hôn cho tới khi Michiko đề cập tới. Tuy nhiên, khi xem quảng cáo trên mạng - vốn giải thích rằng lễ ly hôn cũng được tổ chức như lễ cưới và chỉ khác về kết quả, thì Taka quyết định một nghi lễ kết thúc hôn nhân chính thức có thể đem lại cho bản thân một sự chấm dứt về mặt tình cảm.

Mặc bộ yukata mùa hè, Michiko gặp Taka bên ngoài một ngôi chùa ở Tokyo. “Nó đánh dấu giai đoạn kết thúc trong cuộc sống vợ chồng của chúng tôi”, Taka - mặc bộ vét đơn giản, nói. Cặp vợ chồng trên yêu cầu không nêu tên nhưng cho phép phóng viên CNN tham dự buổi lễ.

Lễ ly hôn bắt đầu với cảnh đôi vợ chồng Taka và Michiko bước lên những chiếc xe kéo riêng rẽ. Hai chiếc xe lặng lẽ đi qua các con phố. Đi sau hai người là bạn bè, với tư cách là nhân chứng.“Tôi thích như vậy vì sẽ có nhiều thời gian để suy ngẫm”, một người bạn của Michiko tên là Isao Yokoyama nói. “Chả phải nó hay hơn nhiều so với việc chia ly đơn thuần sao”.

Chuyến xe dừng một cách có chủ đích ở phía trước một cửa hàng có gắn dòng chữ “Ly hôn” “Hấp hôn” ở bên ngoài. “Cảm ơn các bạn đã tới đây”, nhà tổ chức nghi lễ Terai nói. Với một bài phát biểu ngắn, người đàn ông này giải thích Taka và Michiko đã rời xa nhau như thế nào kể từ đám cưới của họ năm 2002. Đã tới lúc nói lời chia tay, Terai tuyên bố.

Tiếp đó, cầm một chiếc búa nặng được sơn xanh như một con ếch, Michiko và Taka đập ciếc nhẫn cưới bằng platinum và kim cương của Michiko. Chiếc nhẫn không gẫy dù bị đập khá mạnh. Cặp vợ chồng đập chiếc nhẫn 6 lần cho tới khi nó không thể sửa chữa được và hạt kim cương đã rụng khỏi chiếc nhẫn. Tôi cảm thấy tự do”, Michiko nói, thư giãn và mỉm cười lần đầu tiên trong ngày này. “Sau khi đập chiếc nhẫn, tôi cảm thấy tự do”. Taka cũng có cảm giác như vậy. “Tôi cảm thấy thoải mái hơn so với trước đây. Mọi việc đã qua”.

Không chỉ có một cặp vợ chồng thực hiện nghi lễ để đương đầu với cuộc ly hôn. Terai cho biết, việc làm ăn của ông rất phát đạt. Terai nhận được hàng nghìn cuộc gọi và đặt trước lễ ly hôn ở Nhật và Hàn Quốc. “Ly hôn là một quá trình buồn bã song tôi tin rằng bằng cách tuyên bố sự khởi đầu mới trước các bạn bè, họ hàng và gia đình, bạn sẽ vạch ra một ranh giới rõ ràng. Nó có tác dụng về mặt tình cảm”.

Sau nghi lễ đập nhẫn là một bữa ăn nhẹ. Tượng trưng cho cuộc sống mỗi người một ngả hiện nay, Taka và Michiko ngồi quay lưng với nhau ở hai bàn. Cuối ngày, Taka và Michiko cảm ơn bạn bè tới dự và chia tay nhau. Cúi chào nhau một cách lịch sự, họ đi mỗi người một đường.



Phong tục tập quán ba miền Bắc Trung Nam trong cưới xin
Phong tục hôn nhân của người Việt
Phong tục tập quán trong ngày Tết Nguyên Đán cổ
Văn hóa truyền thống của Nhật Bản
Các bước chuẩn bị cho đám cưới bạn cần biết
Phong tục cưới hỏi của người Chăm


(st)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý