Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc bán hàng

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc bán hàng

19/04/2015 02:46 AM
8,774

Hầu hết vị trí bán hàng đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm. Tuy nhiên, những chiến lược dưới đây sẽ giúp bạn xin việc bán hàng thành công dù chưa có kinh nghiệm:



Chiến lược 1: Kiên trì

Kiên trì là đặc điểm quan trọng nhất của một người bán hàng thành công. Nếu bạn kiên trì xin việc một cách chuyên nghiệp, nhà tuyển dụng có thể sẽ chú ý tới bạn. Họ muốn kiểm tra cách bạn phản ứng trước lời từ chối của họ.

Do đó, đừng vội đầu hàng khi hồ sơ xin việc của bạn bị loại. Bạn có thể nhờ người quen giới thiệu lại bạn với nhà tuyển dụng. Sau đó gọi điện trực tiếp cho họ và gửi email cho người quản lý, trong đó giải thích ngắn gọn tại sao họ nên tuyển dụng hoặc ít nhất là phỏng vấn bạn. " Tôi sẽ nỗ lực hết mình bán hàng cho công ty giống như tôi đang làm để đạt được công việc này" sẽ là một mở đầu ấn tượng khi viết cho nhà tuyển dụng.

Chiến lược 2: Chuẩn bị kỹ lưỡng

Sai lầm lớn nhất của nhân viên là thiếu sự chuẩn bị. Hãy nhớ cuộc phỏng vấn giống như một cuộc trao đổi mua bán giữa bạn và nhà tuyển dụng. Khi đến lượt mình nói, hãy cho người phỏng vấn biết bạn đã chuẩn bị ra sao bằng cách nói " Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn này, tôi đã..." và nêu những gì bạn đã làm, chẳng hạn:

- Đọc 3 báo cáo mới nhất về tình hình công ty

- Nghiên cứu website công ty để xác định sự phù hợp của mình với công ty

- Nói chuyện với một khách hàng về cách thức bán hàng và dịch vụ của công ty

Điều quan trọng là nhấn mạnh sự chuẩn bị của bạn. Nhà tuyển dụng muốn thấy điều đó ở bạn bởi họ cho rằng nếu không làm như vậy để đạt được công việc, bạn cũng sẽ không chuẩn bị khi làm việc cho họ.

Chiến lược 3: Tuỳ chỉnh CV

Hãy đảm bảo rằng sơ yếu lý lịch của bạn nói rõ mình đang tìm kiếm công việc bán hàng ở lĩnh vực nào thay vì chỉ nói công việc bán hàng chung chung. Ngoài ra, CV cũng nên tập trung vào sự tương thích giữa năng lực, kỹ năng, quan điểm của bạn với công ty. Vì không có kinh nghiệm bán hàng nên bạn phải tập trung vào những yếu tố khác để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Chiến lược 4: Tiếp thị mạnh mẽ những thành tựu của bản thân

Hãy chứng tỏ rằng bạn có thành tích và có khả năng đạt tới thành công bởi đạt thành tích liên tục là chìa khoá thành công của nghề bán hàng. Dù chưa có kinh nghiệm về sales nhưng bạn đã đạt được nhiều thành công ở các lĩnh vực khác như trường học, thể thao... Hãy nhớ sự thể hiện trong quá khứ chính là dự đoán chính xác cho tương lai.

Chiến lược 5: Định hình triết lý bán hàng trước khi bước vào phòng phỏng vấn

Nếu muốn xin việc bán hàng thành công, hẳn nhiên bạn phải có kiến thức cơ bản cũng như có thể trình bày trôi chảy triết lý bán hàng khái quát và của công ty nói riêng. Khi đó, bạn có thể thảo luận với người phỏng vấn tầm quan trọng của việc nắm được nhu cầu khách hàng và tìm ra giải pháp nâng cao doanh số.

Chiến lược 6: Chuẩn bị một câu chuyện minh hoạ về kỹ năng bán hàng

Hãy chuẩn bị sẵn một tình huống khi bạn thuyết phục người nào đó thực hiện điều bạn muốn và miêu tả cách bạn đạt được mục tiêu của mình. Bạn cần phải chứng tỏ rằng mình có những kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc này.

Chiến lược 7: Luôn sẵn sàng làm việc

Khi không có kinh nghiệm bán hàng, bạn có thể bắt đầu bằng công việc thực tập hoặc tình nguyện. Tinh thần sẵn sàng làm việc không lương hoặc lương thấp (nếu điều kiện tài chính của bạn cho phép) sẽ là một chiến lược tốt giúp bạn tích lũy kinh nghiệm cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ và gia tăng cơ hội cho bản thân.



Nghệ thuật phỏng vấn nhân viên bán hàng


Nghe thuat phong van nhan vien ban hang
Những người phỏng vấn chuyên nghiệp thử nhiều nghệ thuật khác nhau để tìm ra những gì họ cần biết về ứng viên. Dưới đây là một số nghệ thuật phỏng vấn:

Một chút căng thẳng

Một cách có chủ ý, tỏ ra bất đồng với khuyết điểm hoặc thất bại của anh ta. Để ý xem anh ta bối rối hay phản ứng lại như thế nào để biết được thái độ của anh ta khi đón nhận những lời phê bình. Một vài người phỏng vấn chờ cho đến hết buổi mới giải thích về điều đó và xin lỗi.

Tỏ ra hững hờ, thiếu nhiệt tình

Điều này sẽ có tác dụng với những người không có những ưu thế đối với công việc bán hàng. Nó cho ta thấy thiện chí của anh ta đối với công việc như thế nào. Hãy đưa ra những bất lợi của công việc để trắc nghiệm động cơ của anh ta.

Tạo ra những khoảng ngừng

Một vài người phỏng vấn cố ý sắp xếp trước những cuộc điện thoại và những ngắt quãng để xem anh ta xử sự như thế nào trước những hoàn cảnh như thế. Anh ta có nắm được những gì đã nói trước đó và hướng bạn tiếp tục với câu chuyện? Sự ngắt quãng có làm anh ta bực mình không?

Những lúc nghỉ hơi lâu và khó xử

Điều này ám chỉ rằng bạn cảm thấy câu trả lời của anh ta ngắn hoặc chưa đủ, khoảng dừng lâu sẽ làm cho anh ta hơi căng thẳng và bắt buộc anh ta phải tiếp tục. Những gì anh ta nói thêm có thể là quan trọng.

Làm cho anh ta đến với bạn

Đây là một cái bẫy của những nhà tâm lý. Họ khăng khăng rằng nhận xét miệng đầu tiên về cuộc phỏng vấn là từ một người khác. Điều này ám chỉ rằng một người khác có quyền chủ động hơn họ. Anh ta sẽ đến với họ (đề phòng: anh ta có thể không thích bị đem ra phê bình).

Những câu hỏi để ngỏ

Ví dụ như là "Hãy nói cho tôi biết về những năm ở trường đại học của bạn". Câu hỏi này sẽ cho ứng viên chọn những gì anh ta thích để nói: chuyên môn của anh ta, thể thao hoặc sinh hoạt xã hội, điều này cho bạn biết những gì là quan trọng đối với anh ta.

Những câu hỏi đào sâu

Người phỏng vấn không phải lúc nào cũng đặt những câu hỏi đầy đủ. Thỉnh thoảng những câu hỏi đơn giản như "rồi sau đó như thế nào?" đủ để khích lệ anh ta nói tiếp (ngược lại "Tôi thấy đủ rồi" có thể làm chấm dứt cuộc đối thoại). Đôi lúc chỉ cần nhắc lại một vài từ quan trọng là đủ.

Ví dụ: "Tôi không thấy tiến bộ trong công việc, vì vậy chúng tôi quyết định tốt nhất là tôi nên nghỉ việc". Người phỏng vấn chỉ cần hỏi: "Chúng tôi quyết định?". "Ồ, ý tôi muốn nói là vợ tôi và tôi bàn chuyện đó và cô ấy nghĩ rằng tốt nhất là tôi nên nghỉ việc".

Tránh hỏi "tại sao"

Thường hay dùng câu hỏi bắt đầu bằng "tại sao" sẽ dễ dẫn đến thái độ tự bảo vệ khác thường ở người ứng viên. Chẳng hạn, "Tại sao anh lại chọn việc bán hàng" thường nhận được những câu trả lời giả tạo. Bạn có thể lái anh ta khỏi những tình cảm cá nhân và đưa ra những câu hỏi mà anh ta sẽ thấy thoải mái hơn "Nghề nghiệp bán hàng so với những nghề nghiệp khác có những gì hay hơn?".

Những câu hỏi có vấn đề

Những câu hỏi này kiểm tra kiến thức và cho thấy thái độ của ứng viên. Năm câu hỏi đã được đề cập ở trên thuộc vào loại này. Những câu trả lời thường chỉ ra rằng người đó có sự ngăn nắp và logic trong ý nghĩ hay anh ta thường lan man, lạc đề.

Chuyển qua một khía cạnh mới

Tốt nhất là bạn đặt hết những câu hỏi quan trọng cho một khía cạnh cụ thể nào đó cho đến khi bạn hài lòng với nó thay vì nhảy từ đề tài này qua đề tài khác. Tuy nhiên, việc thay đổi đề tài đôi lúc cũng có lợi. Ví dụ: "Chúng ta đang bàn về việc giáo dục của anh, tôi cũng muốn biết đôi chút về cuộc sống gia đình anh" sau đó đặt một câu hỏi chung chung về đề tài đó.



10 kinh nghiệm phỏng vấn xin việc của tân cử nhân



Sau đây là một số kinh nghiệm đi phỏng vấn xin việc của các tân cử nhân.


1. Cho họ thấy bạn luôn hứng thú

Hãy cho người phỏng vấn thấy bạn là ai. Hãy kết thúc buổi phỏng vấn với những câu như “Tôi thực sự mong muốn đóng góp cho công ty những thứ tốt nhất mà tôi có thể làm và tôi sẽ rất hạnh phúc nếu công ty chọn tôi”.

Cùng với đó, đừng rời phòng phỏng vấn mà không yêu cầu họ nói rõ cho họ biết bạn sẽ phải làm gì nếu có giấy gọi trở lại. Liệu những người được chọn sẽ quay lại gặp mọi người trong công ty? Vào ngày nào họ mong muốn kí hợp đồng?

Và những câu hỏi thể hiện bạn rất hào hứng với công việc. Cùng với đó, hỏi người phỏng vấn thời gian họ sẽ gọi điện cho bạn để tránh bị áp lực trong khi chờ đợi.

2. Chuẩn bị cho cách liên lạc trong tương lai

Không có ai muốn quá vồ vập nhưng đôi khi sự im lặng của bạn lại khiến người ta nghĩ bạn thờ ơ. Cũng đừng nên ngồi đoán mò mà hãy tìm hiểu trước xem nhà tuyển dụng lao động ưa thích cách liên lạc ra sao.

3. Hãy luôn đúng giờ

Nếu như bạn hứa sẽ gửi tài liệu tham khảo cho người phỏng vấn vào sáng mai, hãy làm theo những gì bạn hứa. Giữ lời hứa và trả lời ngắn gọn xúc tích về cách làm việc của bạn nếu bạn được nhận.

4. Biết giữ vững tâm lý

Nếu như bạn được thông báo rằng bạn sẽ được trả lời trong một tuần, hãy tôn trọng thông báo đó. Việc gọi điện ngay vào ngày hôm sau sẽ khiến bạn bị cho là nôn nóng, cập rập.

5. Hãy gửi một tấm thiệp cảm ơn

Một cách tích cực mà không quá lấy lòng người phỏng vấn chính là việc bạn gửi một tấm thiệp có ghi lời cảm ơn của bạn. Nên gửi tấm thiệp 24h sau khi bạn phỏng vấn.

6. Hãy gửi cho từng người trong nhóm phỏng vấn một bức thư

Công cụ trao đổi thông tin này sẽ là một cơ hội để bạn tỏa sáng, vì thế đừng nói chung chung. Nên viết kèm theo từng bức thư những tài liệu cụ thể và những gì bạn đạt được dựa vào những nhu cầu của công ty.

Đồng thời qua đó bạn cũng có thể cho họ thấy bạn có thể làm những điều bạn chưa kịp nói cho họ trong buổi phỏng vấn

7. Hãy cho họ biết họ cần gì

Một cách hữu hiệu nữa là hãy cư xử như bạn là một nhà tư vấn chứ không phải một người dự tuyển. “Trong cuộc phỏng vấn, hãy tìm hiểu xem điểm yếu của công ty là gì hay những mặt mà họ muốn phát triển mạnh”.

Hãy luôn giữ trong đầu ý tưởng đưa ra lời khuyên cho họ. Làm như vậy bạn sẽ chứng tỏ rằng bạn thông minh, có kiến thức và có thể đưa ra những đóng góp quan trọng.

8. Luôn luôn tìm hiểu về công ty bạn xin việc

Hãy chuẩn bị cho mình tâm lý khi bạn được gọi phỏng vấn hoặc trả lời điện thoại thêm vài lần sau cuộc phỏng vấn. Tích lũy thêm những thông tin về công ty, nghĩ về những câu hỏi mà bạn nghĩ bạn sẽ được hỏi, về những chủ đề bạn muốn bàn tới.

Những hành động này sẽ cho họ, người phỏng vấn, thấy bạn vẫn luôn tìm hiểu sát xao về công ty này dù rằng cuộc phỏng vấn chính đã qua.

9. Hãy dựa cả vào những tác động bên ngoài

“Nếu bạn có quen biết hay có mối quan hệ nào đó với người có ảnh hưởng hoặc biết rõ người phỏng vấn, hãy nhờ họ nói tốt về bạn” – Myers nói.

10. Chấp nhận sự từ chối một cách lịch sự

Cuối cùng là luôn giữ cho tâm trạng bạn bình tĩnh và đừng hành động quá đáng nếu như bạn thấy ai đó trúng việc còn bạn thì không. Không ai biết tương lai sẽ ra sao. Có thể công việc này không chấp nhận bạn nhưng sẽ có một cánh cửa, một tương lai khác mở ra cho bạn.

“Nếu như bạn bị từ chối, hãy gửi thêm tấm thiệp cảm ơn tới người phỏng vấn. Điều này sẽ giúp bạn khác biệt với những người bị từ chối khác, đưa bạn lên một vị trí cao hơn” – Myers nói.



Kỹ năng cần có của nhân viên bán hàng


Tìm kiếm, biết lắng nghe và giao tiếp tốt - đó là những kỹ năng không thể thiếu nếu bạn muốn thử sức với nghề sales. Ngoài ra, sự đam mê, tính trung thực và giỏi chịu đựng cũng là những yếu tố đem lại thành công.

Kỹ năng giao tiếp:

Kỹ năng giao tiếp là nhân tố quan trọng, cần thiết cho nghề này vì giao tiếp tốt sẽ tạo cho bạn có mối quan hệ tốt với khách hàng. Phát triển và duy trì mối quan hệ bền vững với khách hàng sẽ giúp bạn có niềm tin nơi khách hàng và việc bán hàng sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Kỹ năng lắng nghe:

Kỹ năng này nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là thành phần quan trọng tạo nên quan hệ tốt đẹp giữa người bán hàng và khách hàng. Bởi vì để biết được mong muốn của khách hàng để chỉ tập trung vào những nhu cầu đó thì bạn phải là người “lắng nghe” giỏi và nhận biết nhanh. Từ đó bạn mới có thể nhận được sự quan tâm từ phía khách hàng.

Đoán biết được nhu cầu của khách hàng:

Nếu bạn biết được tâm lý và nhu cầu của khách hàng thì bạn sẽ có thể giới thiệu ra những sản phẩm làm vừa lòng họ. Ngược lại, công việc của bạn sẽ không đạt kết quả gì nếu bạn không “đánh trúng” vào tâm lý của khách hàng. Ngoài khả năng nghe những yêu cầu của khách bạn cần phân tích những thông tin của khách hàng và phán đoán theo nhiều chiều hướng để hiểu được tâm lý của họ. Có triển vọng trong nghề này hay không phụ thuộc rất nhiều vào óc phán đoán của bạn.

Xoay chuyển tình thế:

Tuy nhiên, nếu bạn đã đưa ra đề nghị không hợp với ý khách hàng thì bạn không nên dừng lại, tiếp tục nói về sản phẩm đã đưa ra là lựa chọn của một nhân viên giỏi. Hãy giới thiệu những tính năng và thông tin cơ bản về sản phẩm cho khách hàng nhưng không đề cập đến việc mời họ ký hợp đồng mua bán. Khi bạn hoàn thành xong phần trình bày hãy đợi ý kiến từ phía khách hàng là cách tốt nhất. 

Giới thiệu sản phẩm với phong cách tự tin:

Một phong cách tự tin trong giao tiếp sẽ quyết định bạn thành công hay không. Ví dụ, nếu khách hàng có những câu hỏi như “Sản phẩm hãng bạn đang bán có gì vượt trội hơn so với sản phẩm của các hãng khác?”. Một câu trả lời hoàn hảo là cách nói tự tin và rõ ràng, sau đó đưa ra những tính năng của sản phẩm hướng vào nhu cầu của khách khi mua loại sản phẩm đó.



Cẩm nang cho nhân viên bán hàng

Khách hàng la mắng, chửi bới, than phiền

Tình huống: Có người còn nói vui rằng “chưa gặp khách hàng chửi mắng chưa phải đi bán hàng”. Khách hàng có thể phàn nàn vì vô vàn lý do, có khi chỉ là vì họ không biết cách sử dụng một thiết bị, hay đơn giản nhân viên bán hàng đến gặp khách hàng ngay khi tâm trạng họ không được thoải mái. Những lúc ấy, nhân viên bán hàng cũng có thể bị trút giận lên người. Với những sự cố luôn luôn có thể xảy ra ấy, một nhân viên bán hàng giỏi phải biết khéo léo xử lý để thoát hiểm.

Giải quyết: Đây là điều mà hầu hết nhân viên bán hàng đều gặp phải. Cho dù lý do nổi giận của khách hàng là gì, nhân viên bán hàng cần phải khiến khách hàng cảm thấy rằng họ rất quan trọng đối với bạn. Hãy lắng nghe họ, đặt mình ở vị trí của khách hàng và trong khả năng có thể, cố gắng giải quyết vấn đề đó một cách nhanh chóng. Đừng trì hoãn việc giải quyết hay chuyển cho người khác giải quyết. Khi khách hàng đang nổi giận vì một vấn đề nào đó, với sự nỗ lực giải quyết của nhân viên bán hàng, họ sẽ tự nguôi ngoai. Ở những tình huống này, biết lắng nghe là kỹ năng quan trọng nhất. Lắng nghe thật cẩn thận để hiểu rõ ràng và đầy đủ vấn đề mà khách hàng gặp phải, sau đó kịp thời tìm ra giải pháp hiệu quả nhất nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng.

Khách hàng quỵt nợ

Tình huống: Khách hàng kỳ kèo, không chịu trả nợ cũng là một tình huống hết sức đau đầu với nhân viên bán hàng. Anh Mai Quốc Hùng (cựu nhân viên bán hàng của Unilever) nói vui rằng “Nhiều lúc tôi làm bán hàng kiêm luôn đòi nợ”. Nợ là điều khó tránh khỏi, bởi vì bán hàng chịu là một cách thu hút được thêm nhiều khách hàng hơn.

Giải quyết: Dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt của thị trường, kiếm được khách hàng đã khó, giữ được khách hàng đó còn khó hơn. Đòi nợ thô bạo không phải là cách giải quyết trong mọi trường hợp. Nguyên tắc quan trọng nhất mà nhân viên bán hàng phải biết là cần phải bắt đầu thu nợ từ khi bạn cho nợ. Người bán hàng phải luôn luôn kiểm soát quá trình này. Nếu bạn muốn nhắc người mua trả nợ, hãy nhắc một cách gián tiếp. Chẳng hạn “Chúng tôi có lô hàng mới với giá cực kỳ ưu đãi, hoa hồng rất cao, và tất nhiên anh có thể mua khi thanh toán số tiền nợ cũ”. Trong thực tế, không phải khách hàng mắc nợ nào cũng vui vẻ trả tiền. Cách mà các nhân viên bán hàng thường làm là nhìn vào khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu thực sự họ quá khó khăn không thể trả liền được một lúc thì có thể cho họ trả làm nhiều đợt, tùy vào số tiền nợ ít hay nhiều của mỗi khách hàng. Như vậy, khách hàng vừa trả nợ được cho mình mà họ cũng lại vui vẻ mua hàng mà không bỏ đi mua nơi khác.

Nhân viên làm mất hàng

Tình huống: Một trong những rủi ro khi đi bán hàng là xảy ra trường hợp để mất hàng, có thể do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Dù do bất kỳ nguyên nhân nào thì việc nhân viên bán hàng làm mất hàng cũng khiến họ phải “mất ăn mất ngủ”, sợ bị kỷ luật, phạt tiền  hoặc tệ hơn là bị đuổi việc.

Giải quyết: Khi lâm vào tình cảnh này, hầu hết các nhân viên bán hàng có kinh nghiệm đều cho rằng nên “thành khẩn khai báo”. Sự chân thật, tính chịu trách nhiệm bao giờ cũng được đánh giá cao. Hãy trình bày thật rõ ràng về việc để mất mát hay thất thoát hàng hóa với cấp trên và chấp nhận đền bù do công ty quyết định. Chính thái độ thành thật và dám nhận trách nhiệm sẽ được công ty đánh giá cao và nhận được sự hỗ trợ cũng như giúp đỡ của đồng nghiệp. Đừng tìm cách giấu giếm hay cố tình bịa ra một câu chuyện thật bi đát về việc mất hàng của mình, vì “cây kim trong bọc có ngày lòi ra”. Lúc đó, mọi lời nói cũng như hành động của bạn có thể đều trở nên vô nghĩa.

Gặp đối thủ khuyến mãi lớn

Tình huống: Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp phải luôn tìm cách chinh phục khách hàng mới, đặc biệt là nguồn khách hàng từ tay đối thủ. Họ tung ra những chiêu khuyến mãi hấp dẫn nhất như giá rẻ, dịch vụ tốt, địa điểm thuận tiện, quà tặng,…

Giải quyết: Lúc này, nhân viên kinh doanh rất cần đến sự hỗ trợ của công ty trong chiến lược marketing, vì thế hãy thẳng thắn trình bày những vấn đề mình đang gặp phải, cũng như nêu lên một vài nhận xét về đối thủ mà mình thu thập được từ ý kiến của khách hàng để công ty đề ra những chiến lược thích hợp. Quan trọng nhất là nhân viên kinh doanh nên có niềm tin vào sản phẩm của mình. Họ phải hiểu được lý do tại sao các khách hàng lại mua sắm sản phẩm/dịch vụ của công ty mình chứ không phải là của các đối thủ cạnh tranh? Con người thường không thích phá bỏ sự quen thuộc và tiện nghi thường ngày để thử một cái gì đó mới mẻ. Vì vậy, hãy cố gắng suy nghĩ một cách sáng tạo để đưa ra nhiều lý do thuyết phục khách hàng một cách hợp lý.

Khi công ty hết hàng

Tình huống: Một tình huống cũng không kém phần oái oăm là khi bạn đã thuyết phục được khách hàng ký kết hợp đồng và chỉ chờ đến ngày giao hàng. Tuy nhiên, công ty lại hết hàng đột ngột khiến bạn không có hàng giao cho khách. Dĩ nhiên để thoát hiểm trong tình huống này cũng đòi hỏi sự khéo léo của nhân viên bán hàng.

Giải quyết: Hầu như tất cả các nhân viên bán hàng đều cho rằng trong tình huống này đầu tiên hãy nói lời xin lỗi chân thành với khách hàng của mình, sau đó đưa ra một nguyên nhân nào đó tốt nhất để giải thích cho việc giao hàng chậm trễ. Đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là nguyên nhân thường xuyên được các “salesman” lựa chọn, có thể là do “nhà máy ở Thái Lan bị bạo động không sản xuất được”, hoặc do “xe vận chuyển hàng bị hư hỏng giữa đường”…

Có trăm ngàn lý do khách quan mà nhân viên bán hàng có thể sử dụng, nhưng cần phải sử dụng nguyên nhân hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh. Bạn cũng nên tìm hiểu xem việc giao hàng chậm trễ này có gây ra thiệt hại gì cho khách hàng của mình không? Khách hàng có cần mặt hàng này gấp hay không? Trong trường hợp buộc phải giao hàng đúng ngày, bạn có thể liên lạc với những khách hàng khác của mình, hỏi xem liệu họ còn loại hàng đó trong kho không. Nếu bạn có thể mượn hàng này để giao cho khách hàng đúng hạn thì dĩ nhiên, khi trả lại số hàng đã cho mượn, bạn nên kèm theo một số ưu đãi hay ưu tiên cho họ



Kinh nghiệm phỏng vấn đi du lịch Mỹ
Nghệ thuật trả lời phỏng vấn khi xin việc
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng
Nghệ thuật phỏng vấn nhân viên
Những câu hỏi phỏng vấn kế toán thường gặp
Kinh nghiệm mở cửa hàng quần áo


(st)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Kính gửi người quản lý wed! Em là một sinh viên mới ra trường và không có kinh nghiêm phỏng vấn. Em không biết phải thể hiện thái độ như thế nào khi đi phỏng vấn. Ví dụ như. Cách đi đứng, cách gây ấn tượng tốt, thái đọ như thế nào để người khác tin tưởng mình. Xin wed chỉ e nhưng kỷ nang ấy, giúp e để e thêm tự tin và tìm đượ việc làm. Trước khì nhận được câu trả lời e xin cam ơn rất nhiều. Em xin việc bán hàng ạ.. E xin
hơn 1 tháng trước - Thích - Trả lời
Nhung câu hỏi thường gặp khi di phỏng vấn nhan vien tiếp thị dien may
hơn 1 tháng trước - Thích - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý