Kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên marketing

seminoon seminoon @seminoon

Kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên marketing

19/04/2015 02:48 AM
1,618

Có kinh nghiệm, khả năng sáng tạo, giao tiếp tốt và kèm theo đó Anh văn lưu loát, năng động, tự tin... là những yêu cầu rất chung và thường thấy ở các nhà tuyển dụng khi tìm kiếm nhân viên cho bộ phận marketing. Nhưng liệu những thông tin như thế có đủ để họ có được một nhân viên đúng yêu cầu?




Những câu hỏi để bạn tham khảo


 

1. Các đồng nghiệp mô tả thế nào về anh/chị?

A. Họ nói rằng tôi là một nhân viên chăm chỉ, đối xử tốt với mọi người và có tinh thần đồng đội.

B. Trước tiên, họ cho rằng tôi là người rất nhiệt tình và siêng năng trong công việc. Tôi rất thích làm việc với mọi người. Thứ hai, tôi là người quan tâm đến các khách hàng. Và cuối cùng, tôi là người hiểu biết về kinh doanh. Tôi đã cố gắng rất nhiều để học tập về tất cả các sản phẩm và cấu trúc hoạt động của công ty.

C. Thật khó khi phải nói về điều này. Tôi thực sự không biết họ nói gì. Tôi nghĩ họ sẽ nói rằng tôi là người luôn hoàn thành xuất sắc các công việc, chăm chỉ và có kỹ năng giao tiếp tốt. Tôi hy vọng họ sẽ không nói điều gì xấu về mình.

Đáp án: B là câu trả lời tốt nhất.

Câu trả lời không những đưa ra 3 tính cách tích cực mà còn cung cấp các lý lẽ chứng minh. Vì vậy, người phỏng vấn sẽ có cơ hội biết được cách bạn suy nghĩ về những nhận xét của người khác dành cho bản thân và nhân tố tích cực nào được bạn đề cao trong phong cách làm việc.

2. Anh/chị có câu hỏi nào không? (thường được nêu ra khi kết thúc buổi phỏng vấn)

A. Tôi không có câu hỏi nào. Ông/bà đã trình bày tất cả những điều tôi quan tâm. Tôi cũng đã tìm hiểu một số thông tin về công ty.

B. Tôi thắc mắc về một số vấn đề như tiền thưởng, khi nào tôi được hưởng chế độ này? Trợ cấp hàng năm? Công ty có chính sách cho người nghỉ hưu không?

C. Xin ông/bà cho tôi biết những ưu thế của công ty trên thị trường? Tương lai phát triển của ngành nghề này? Những thuận lợi khi làm việc tại công ty?

Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.

Việc ứng viên đặt ra các câu hỏi là rất quan trọng. Nhà tuyển dụng đang trông chờ vào thái độ của bạn. Đây còn là cơ hội để bạn phỏng vấn nhà tuyển dụng, xem xét liệu đây có phải là nơi phù hợp không. Hãy lắng nghe họ và nêu lên các câu hỏi dựa vào những vấn đề đã được đặt ra.

3. Kinh nghiệm nào của anh/chị trong quá khứ phù hợp với vị trí mới này?

A. Tôi đã làm việc cho rất nhiều dự án khác nhau trong ngành marketing. Kinh nghiệm chủ yếu của tôi là thu thập và xử lý dữ liệu. Hiện tại, tôi hy vọng có thể tham gia vào toàn bộ quy trình marketing. Tôi mong muốn có được các kinh nghiệm mới và nâng cao các kỹ năng.

B. Trong 5 năm vừa qua, tôi đã làm việc tại một công ty quan hệ cộng đồng. Tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm viết lách và truyền thông. Tôi cũng am hiểu các phương pháp nghiên cứu thị trường, xác định thị trường mục tiêu và chiến lược phân khúc khách hàng. Kỹ năng vi tính và giao tiếp của tôi cũng rất thành thạo. Tôi là người làm việc tập thể và rất nhiều nghị lực.

C. Tôi không chắc chắn về yêu cầu của công việc, vì thế tôi không biết kinh nghiệm nào của tôi sẽ phù hợp. Tôi đã làm việc tại phòng marketing và kinh doanh trong nhiều năm. Tôi thích làm việc với mọi người và đã đạt được một số thành công. Thực sự, tôi chưa tìm thấy một công việc nào làm tôi quan tâm. Vì thế, tôi nghĩ rằng công việc mới này sẽ là thách thức đồng thời là cơ hội để tôi phát triển.

Đáp án: B là câu trả lời tốt nhất.

Câu trả lời này giúp người phỏng vấn nhận biết được các kinh nghiệm và kỹ năng mà bạn sẽ đóng góp cho công việc mới. “Sự nhiệt tình”, “Các kỹ năng giao tiếp” và “Kiến thức chuyên môn” là các tố chất nền tảng của nhân viên ngành marketing/quảng cáo

4. Hãy nói về các điểm mạnh và điểm yếu của anh/chị?

A. Tôi là người rất đáng tin cậy và hay giúp đỡ mọi người. Tôi cũng là người làm việc rất chăm chỉ. Tuy nhiên tôi thường mất kiên nhẫn khi không có được các dữ liệu cần thiết để phân tích, vì như thế tiến độ công việc sẽ chậm lại.

B. Tôi không hề có yếu điểm nào. Có thể tôi phải học thêm về vi tính. Điểm mạnh của tôi nằm ở khả năng giao tiếp với những người khó tính nhất. Tôi không dễ bị nản lòng thậm chí khi phải đương đầu với các công việc khó khăn nhất. Tôi là người rất giỏi phân tích

C. Điểm mạnh của tôi chính là sự linh hoạt. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành công việc đúng hạn và đạt mục tiêu. Về phần yếu điểm, tôi thật sự yêu thích công việc mình làm, do đó tôi thường bị quá tải về công việc. Tôi đang cố gắng hoàn thiện mình và tìm kiếm cách làm việc thông minh hơn nữa.

Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.

Câu trả lời đã nêu lên được ví dụ cụ thể về các điểm mạnh. Những nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ở các ứng viên khả năng giao tiếp và sự linh hoạt. Các yếu điểm đã được trình bày một cách khôn khéo bằng những lời lẽ tích cực.

5. Hãy tự giới thiệu về anh/chị?

A. Tôi sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Tôi lập gia đình, có 3 con và định cư tại đây. Tôi đã tốt nghiệp đại học và làm việc cho một công ty quảng cáo được 8 năm. Tôi rất thích ngành marketing và mong muốn được tiếp tục làm việc trong ngành này.

B. Tôi rất thông thạo các kỹ năng viết lách và quan hệ công chúng. Tôi đã làm việc cho nhiều công ty khác nhau và nhận được rất nhiều lời khen từ cấp trên và đồng nghiệp. Tôi có thể chịu được áp lực cao trong công việc. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp của tôi cũng rất tốt.

C. Tôi đã có 6 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành marketing và bán hàng. 2 năm vừa qua, tôi làm việc cho một công ty thương mại điện tử. Nhờ đó, tôi đã tích luỹ được các kiến thức về thị trường và xuất bản trực tuyến. Tôi cũng rất thành thạo về các kỹ năng phân tích và vi tính. Tôi là người làm việc tập thể và sẵn sàng đón nhận các thử thách.

Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.

Bạn đã cung cấp cho người phỏng vấn bản phác thảo mang tính cụ thể về các kỹ năng, kiến thức và tích cách của bản thân.

6. Hãy nêu lên một chiến lược marketing mà anh/chị đã thực hiện?

A. Một khách hàng đang tung ra thị trường một sản phẩm thương mại điện tử mới. Sau khi tập hợp tất cả các nghiên cứu thị trường, tôi đến làm việc trực tiếp với các bộ phận biên tập, sáng tạo và truyền thông. Sau khi thảo luận, chúng tôi quyết định lập ra một kế hoạch tiếp thị trên TV, radio, báo chí, và Internet. Tôi theo dõi tất cả các chi phí và dữ liệu trên Excel. Đây thực sự là một chiến lược rất mới mẻ và độc đáo.

B. Chúng tôi liên tục triển khai các chiến lược marketing và ứng dụng các công nghệ mới. Chúng tôi tiến hành các cuộc nghiên cứu và phân tích th�� trường. Chúng tôi cũng luôn bám sát các đối thủ cạnh tranh và xu thế mới trên thị trường để không ngừng đổi mới các dịch vụ của mình.

C. Điều này phụ thuộc vào từng dự án. Nhiệm vụ của tôi rất đa dạng, có khi là nghiên cứu thị trường, phát triển thiết kế hay phân tích khách hàng. Tuy nhiên, dù là công việc nào, tôi cũng cố gắng để hoàn thành.

Đáp án: A là câu trả lời tốt nhất.

Bằng cách nêu lên ví dụ cụ thể, bạn đã thể hiện được một số khả năng và kỹ năng tích cực như: tư duy phân tích, kỹ năng giao tiếp, kiến thức chuyên môn, tinh thần đồng đội - vốn là các tố chất rất quan trọng của các nhân viên trong ngành nghề này. Những thành công trong quá khứ sẽ mở đường cho những thành công trong tương lai.

7. Anh/chị mong muốn mức lương bao nhiêu?

A. Mức lương tôi được trả cho công việc cuối cùng của mình là 4.000.000 đồng. Tôi mong muốn được tăng lương, vì thế tôi hy vọng sẽ được trả lương cao hơn 15 đến 20%.

B. Tôi cần biết các thông tin về công việc tôi sẽ đảm nhận trước khi bàn đến vấn đề lương. Tôi xin phép được thảo luận về vấn đề này sau. Ông/bà có thể nói cho tôi biết về mức lương cũng như chính sách hoa hồng của công ty dành cho vị trí này không?

C. Tôi chắc chắn công ty sẽ đưa ra mức lương phù hợp với khả năng của tôi. Lương bổng không là điều quan trọng nhất với tôi. Tôi đang tìm kiếm các cơ hội.

Đáp án: B là câu trả lời tốt nhất.

Đừng bàn đến mức lương cho đến khi biết được yêu cầu của công việc. Việc thu thập đầy đủ các thông tin trước khi quyết định là vô cùng cần thiết. Ngoài ra bạn không nên chỉ tập trung vào mức lương cơ bản, các thu nhập khác cũng rất quan trọng như: tiền thưởng, hoa hồng, phúc lợi, lịch trả lương…

8. Công việc này có điểm gì hấp dẫn anh/chị?

A. Một người bạn của tôi đang làm việc tại công ty và nói với tôi rằng đây là một nơi làm việc rất tốt. Thời gian rất linh hoạt và có nhiều chính sách ưu đãi dành cho nhân viên. Tôi muốn được làm trong một công ty đề cao sự sáng tạo.

B. Tôi tìm thấy công việc trên Internet và biết được công ty đã triển khai một vài dự án mà tôi rất quan tâm. Tôi đã hỏi thăm ý kiến của một vài chuyên gia và được biết công ty nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Cuối cùng, tôi quyết định gửi resume đến.

C. Tôi đang tìm kiếm một công ty có kiểu mẫu kinh doanh và quan điểm hoạt động như công ty của quý ông. Chuyên môn và thế mạnh của tôi là marketing và phân tích điều kiện thị trường. Tôi rất quan tâm về ý tưởng phát triển loại hình thương mại trực tuyến.

Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.

Câu trả lời cho thấy bạn đã tìm hiểu, vạch kế hoạch và rất quan tâm đến chức năng hoạt động của công ty. Bạn cũng đã nêu lên được các kinh nghiệm quá khứ phù hợp với yêu cầu của công việc hiện tại. Nhà tuyển dụng có thể nhận thấy sự nhiệt tình và nghị lực trong câu trả lời này.

9. Vì sao anh/chị rời bỏ công việc hiện tại?

A. Công ty tôi đang tái cấu trúc lại hệ thống, 50 nhân viên trong đó có tôi phải ra đi. Tôi có thể nhìn thấy một tương lai không được đảm bảo, mọi thứ đang đi xuống, họ đang cắt giảm các hoạt động của bộ phận marketing

B. Tôi phát hiện công việc mình đang làm ngày một tẻ nhạt. Mọi việc cứ lặp lại ngày qua ngày. Tôi muốn tìm một công việc đầy thử thách. Tôi đang tìm kiếm sự hài lòng trong công việc và làm cân bằng cuộc sống của mình.

C. Tôi đã vạch ra cho bản thân một số mục tiêu. Tuy nhiên, thật không may, công ty tôi hiện đang làm việc không thể rộng mở cho tôi các cơ hội đó. Giờ tôi bỗng nhận thấy mình đã bỏ quá nhiều thời gian cho một công việc mà mình không thể tiến bộ được. Tôi mong muốn được tiếp tục trau dồi bản thân và cống hiến nhiều hơn nữa.

Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.

Câu trả lời này xác định các mục tiêu và kế hoạch của bạn. Bạn đã giữ thế chủ động hơn trong cuộc thương lượng với nhà tuyển dụng. Đôi khi có những điều xảy đến mà chúng ta không thể kiểm soát được tuy nhiên việc bạn lập kế hoạch trong tương lai chứng tỏ bạn là người mạnh mẽ.

10. Hãy kể lại một kinh nghiệm khi anh/chị phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tinh thần của nhân viên.

A. Khi tinh thần của mọi người suy giảm, tôi đối xử với họ nhẹ nhàng hơn. Tôi nghĩ họ sẽ bớt cáu kỉnh hơn khi được nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng, tôi tránh tiếp xúc với các nhân viên đang có vấn đề. Thật khó khi phải đối diện với họ. Tôi cũng tổ chức một vài cuộc họp và cố gắng giao tiếp với họ, thỉnh thoảng, điều này cũng mang lại hiệu quả.

B. Tôi không thể giải quyết các vấn đề tinh thần của nhân viên. Có một vài người không hài lòng với công việc hiện tại. Tôi nghĩ, nếu thế họ tốt hơn nên tìm cơ hội mới ở nơi khác. Vấn đề tinh thần không được đánh giá cao trong công ty tôi đang làm việc. Thật khó khi phải vừa làm việc vừa để ý đến thái độ của người khác.

C. Khi tôi trở thành trưởng phòng marketing, nhiều nhân viên đã rời bỏ công ty. Tôi ngồi xuống cùng mọi người để tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Nhờ đó, tôi biết được rằng họ không thích chương trình quảng cáo trên mạng của tôi. Tôi đã thuyết phục họ đây là chiến lược tốt nhất bằng cách nêu lên những lợi ích của nó. Cuối cùng, họ đã ủng hộ ý kiến này.

Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.

Câu trả lời nêu lên ví dụ cụ thể cho thấy khả năng lãnh đạo và các kỹ năng giao tiếp. Không nhất thiết phải là các kinh nghiệm thành công, điều quan trọng là có thể chứng minh cho các khả năng và kỹ năng của bạn.



Những tố chất cần có của nhân viên Marketing



Marketing - một lĩnh vực khá tổng quát và hội tụ nhiều yếu tố để làm nên một thương hiệu. Chính vì thế nhân viên cho bộ phận marketing cũng rất đa dạng: nhân viên chiến lược marketing, nhân viên sáng tạo, nhân viên PR, nhân viên tổ chức sự kiện, copywriter... Mỗi vị trí đều cần những ứng viên có tố chất riêng thích hợp. Đôi khi các nhà tuyển dụng cũng rất mơ hồ khi mong muốn tìm kiếm một nhân sự marketing, họ chỉ cần biết phải bổ sung lực lượng marketing hòng tìm ra hướng đi cho sản phẩm hoặc thương hiệu. Sự mơ hồ đó đã làm...

Không ít nhà tuyển dụng cũng như người tìm việc mất nhiều thời gian để tìm thấy được điểm chung. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là nhà tuyển dụng phải biết mình cần những gì và các ứng viên phải biết mình có thể làm gì 

Mỗi nghề một tố chất

Như đã nêu ở trên, bộ phận marketing chứa đựng nhiều vị trí khác nhau. Tạp chí Marketing Việt Nam xin đưa ra một số yêu cầu cơ bản cho mỗi công việc marketing riêng biệt để bạn đọc tham khảo.

-  Nhân viên chiến lược marketing (strategy): khả năng phân tích, suy luận logic, khả năng phán đoán, sự sáng tạo...

-  Nhân viên PR: khả năng giao tiếp, sự nhạy cảm, khả năng truyền đạt, khả năng thuyết phục...

-  Nhân viên tổ chức sự kiện: năng động, nhanh nhạy, khả năng xử lý và giải quyết vấn đề tức thời, khả năng làm việc tập thể...

-   Nhân viên sáng tạo (creative): có thể không cần bằng cấp, nhưng phải có cá tính, thậm chí hơi khác người.

-  Giám đốc marketing: ngoài những kỹ năng tổng hợp cần thiết cho các vị trí marketing, giám đốc marketing còn phải là người có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát và đặc biệt phải có một khả năng không liên quan đến marketing - cân đối nguồn ngân sách hiện có với chiến lược marketing thực thi.

Phát hiện tố chất

Thông thường khi có nhu cầu về nhân sự, các nhà tuyển dụng thường áp dụng nhiều phương thức như: thi trắc nghiệm, thi chuyên môn, thi ngoại ngữ, phỏng vấn trực tiếp... Tuy nhiên với vị trí marketing, phỏng vấn chính là phương thức phổ biến nhất để tìm hiểu và xác định các tố chất tiềm năng của ứng viên.

Theo Giám đốc marketing của hệ thống tuyển dụng VietnamWorks.com: “Phỏng vấn dưới dạng đặt ra các lựa chọn để ứng viên thể hiện cách tư duy là hình thức phổ biến để các nhà tuyển dụng tuyển lựa được ứng viên phù hợp, đặc biệt trong những ngành đòi hỏi nhiều tính sáng tạo, nhạy bén như marketing. Qua cuộc trò chuyện trực tiếp, nhà tuyển dụng sẽ linh hoạt hơn trong việc tìm hiểu cá tính và năng lực của ứng viên. Mặc dù các bài kiểm tra trắc nghiệm hoàn chỉnh cũng thể hiện được phần nào tính cách của ứng viên, nhưng với đặc thù của công việc marketing mà trong đó yếu tố sáng tạo và nhanh nhạy là ưu tiên hàng đầu thì chỉ có thể đánh giá được chính xác ứng viên qua các tình huống cụ thể ngay trong buổi phỏng vấn.”

Vì thế, để một ứng viên marketing có thể được lựa chọn sẽ có từ ba đến bốn cuộc phỏng vấn trực tiếp được thực hiện. Tùy vào vị trí tuyển dụng, sẽ có những cuộc nói chuyện với HR manager (Giám đốc nhân sự), PR manager, Strategy manager (Giám đốc chiến lược)... với những “chặng” phổ biến:

Vòng 1: Tìm hiểu chung về ứng viên, kinh nghiệm, kỹ năng cơ bản...

Vòng 2: Đi sâu tìm hiểu những khả năng thích ứng với từng công việc.

Vòng 3: Khảo sát tính cách ứng viên, đối chiếu với môi trường làm việc của doanh nghiệp.

Khai thác tố chất

Mỗi buổi phỏng vấn là một cuộc nói chuyện hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt với vị trí công việc là nhân viên marketing, ứng viên khó có thể lường trước những tình huống sẽ đặt ra cho mình là gì. Với yêu cầu về tính sáng tạo, tư duy logic được đặt lên hàng đầu, buổi phỏng vấn nhân viên marketing thường được mở đường một cách ngẫu nhiên với những câu hỏi khá bâng quơ, chẳng hạn như: Bạn xem cái rèm cửa kia có hợp với căn phòng không? Cái cà vạt của tôi đã thích hợp với cái áo chưa? Bạn thấy bình hoa này như thế nào?... Tất cả đều rất bất ngờ để bắt đầu cho một cuộc nói chuyện suôn sẻ và cởi mở. Sẽ ít có không khí nặng nề khi phỏng vấn ứng viên marketing, vì hơn tất cả những vị trí khác, nhà tuyển dụng mong muốn ứng viên bộc lộ càng nhiều càng tốt và như thế họ sẽ dễ dàng khai thác được những tố chất cần có cho công việc sau này.

-  Nếu được lựa chọn giữa một cái áo sơ mi hiệu Prada trị giá vài triệu đồng và một chiếc sơ mi Việt Tiến 150.000 đồng và không phải trả tiền, bạn sẽ chọn cái nào?

-  Tôi sẽ chọn cái Việt Tiến.

-  Bạn không thích hàng hiệu?

-  Có chứ, nhưng nó không phù hợp với tôi, ít nhất là tại thời điểm này. Nếu có một chiếc áo hàng hiệu đắt tiền, tôi sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn hơn thế để mua quần, giày và thắt lưng hàng hiệu cho đồng bộ. Nếu không, mọi người cũng sẽ nghĩ chiếc áo đó là hàng nhái. Với chiếc áo Việt Tiến, tôi có thể sử dụng cùng những chiếc quần và đôi giày tôi đang có.

Câu trả lời rất sắc sảo này đã ghi điểm quyết định, mang đến cho T.A vị trí Strategy Marketing Executive tại một công ty lớn kinh doanh hàng tiêu dùng của nước ngoài.

Một tình huống khác đặt ra cho Creative Director đã được H.H trả lời thuyết phục khiến ban giám đốc một công ty Anh quốc không hề ngần ngại giao việc cho cô ngay ngày hôm sau:

-  Được biết, người Việt Nam nổi tiếng với tinh thần đoàn kết, bạn hãy đưa ra một hình ảnh biểu trưng cho tinh thần đó.

-  Thông thường, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam được nhắc tới với hình ảnh khóm tre, bó đũa thể hiện số đông. Thế nhưng về phía tôi, đoàn kết không chỉ là co cụm lại với nhau mà đoàn kết là còn phải biết chia sẻ. Và hình tượng tôi chọn là bát nước mắm.

-  Lý do nào khiến bạn nghĩ bát nước mắm là thể hiện sự đoàn kết?

-  Trong bữa ăn ở phương Tây, mỗi người sẽ có một đĩa thức ăn với món ăn được sắp đặt sẵn khá riêng biệt. Còn ở các nước phương Đông như Trung Quốc và Việt Nam, trên bàn ăn thường có bát nước chấm chung và riêng ở Việt Nam, thứ nước chấm không thể thiếu trong bữa ăn là nước mắm. Bát nước mắm chung ấy đã thể hiện rõ sự gắn bó, đồng thời biết chia sẻ của người Việt Nam.

Và một dẫn chứng nữa, tình huống đặt ra cho vị trí PR, nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi khá bất ngờ: Nếu được làm một con vật hay một loài cây, bạn sẽ chọn gì? Yêu cầu chung và thiết yếu của nhân viên PR là khả năng giao tiếp và làm việc với cộng đồng. Với lựa chọn làm con kiến, H.N đã làm hội đồng phỏng vấn bất ngờ nhưng thật sự bị thuyết phục. Không phải là hổ hay sư tử - những con vật biểu trưng cho sự thống trị nhưng không phải là tố chất cần thiết của PR, mà là kiến, con vật tuy nhỏ nhưng luôn đi kèm với nó là cả một đàn - hình ảnh của một cộng đồng thường xuyên giao tiếp và làm việc cùng nhau.

Những câu trả lời nhạy bén và logic như trên luôn là điều mà các nhà tuyển dụng mong muốn và quyết định sự thành công của nhân viên marketing trong cuộc phỏng vấn.

Khi nhu cầu là nhân viên marketing cấp cao

Tuy thế, với các vị trí quản trị cấp cao trong lĩnh vực marketing như CMO, BM..., việc tìm được một ứng viên theo đúng yêu cầu của nhà tuyển dụng thực sự là một thách thức lớn. Nhà tuyển dụng sẽ khó có thể tự tìm được cho mình một ứng viên thích hợp và thông thường việc cần làm là sử dụng công ty săn đầu người thực hiện việc tìm kiếm. Các công ty săn đầu người sẽ giúp nhà tuyển dụng tìm được đúng và chính xác vị trí có nhu cầu và dĩ nhiên với một mức chi phí khá lớn. Tuy nhiên, khi sử dụng công ty săn đầu người, việc tìm kiếm ứng viên phải được thực hiện chi tiết và kỹ lưỡng, ứng viên phải trải qua một quá trình sàng lọc gắt gao. Chuyên viên nhân sự của công ty săn đầu người sẽ tùy vào yêu cầu, quy mô của nhà tuyển dụng, mức lương có thể trả... để trực tiếp tìm và phỏng vấn từng người. Tố chất của các nhân viên marketing, cho những vị trí nhân sự cấp cao, qua các vòng phỏng vấn sẽ được chi tiết đến mức rõ nhất, thỏa mãn tối đa nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đặc biệt hơn nữa, với các công ty săn đầu người, nhà tuyển dụng hầu như được “bảo hành” để có thể có được nhân viên ưng ý nhất.

Nhân tài marketing - Cung chưa đáp ứng được cầu

Marketing, dù mới xuất hiện tại Việt Nam chừng hơn một thập kỷ, đã nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất và thu hút rất nhiều lao động, những người muốn tìm kiếm cho mình một cơ hội công việc thú vị, lương cao và nhiều thử thách. 

Theo báo cáo Thông số nhân lực trực tuyến của VietnamWorks.com, marketing là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường lao động hiện nay và mặc dù nguồn cung cho lĩnh vực này tăng trưởng đều đặn với tốc độ cao nhưng vẫn chưa thật sự có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này có thể do việc đào tạo marketing bài bản và chuyên nghiệp tại Việt Nam còn khá khan hiếm. Chủ yếu những nhân viên marketing được nâng cao trình độ thông qua việc thực hành trực tiếp tại các công ty, đặc biệt là các công ty đa quốc gia.

Hơn thế, marketing hiện nay đang trở thành một trào lưu, một xu hướng việc làm mới trong giới trẻ. Thế nhưng, việc nhìn nhận đúng nghĩa và tích lũy kiến thức cơ bản về marketing lại là điều không phải dễ dàng. Đa phần những người mới tham gia công việc marketing hiện nay còn khá “amateur”, làm theo một chu trình, một thói quen đã định hình sẵn trong doanh nghiệp. Và như thế, có thể hiểu nhu cầu về một đội ngũ marketing chất lượng cao vẫn khó có thể được đáp ứng trong điều kiện hiện nay mặc dù nguồn cung cho những vị trí này ngày càng gia tăng.


Các kĩ năng cần thiết trong marketing


Kĩ năng 1: Nói
Kĩ năng nói không còn chỉ là một “điểm cộng” trong giới kinh doanh - nó đã trở thành một yêu cầu thiết yếu. Vị trí của một người trong công ty càng cao thì kĩ năng này lại càng trở nên cần thiết. Ngày nay, nói trước công chúng được xem như một tiêu chuẩn để đánh giá các nhà điều hành cao cấp.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không phải là một nhà điều hành cao cấp đứng diễn giải về một cuộc khủng hoảng trước các nhà quản lý hay các nhà đầu tư, bạn cũng sẽ vẫn thường xuyên phải nói trước các đồng nghiệp của mình về những nhiệm vụ hàng ngày của bản thân. Nếu bạn là một chủ doanh nghiệp nhỏ thì có thể bạn sẽ phải nói để nuôi sống bản thân - nói một cách khác - hàng ngày, bạn sẽ phải nói chuyện với các khách hàng để bán được các sản phẩm hay dịch vụ của mình. Sự thành bại trong các cuộc nói chuyện luôn có liên quan trực tiếp đến điểm cốt yếu của bạn.
Chúng ta điều hiểu rõ chính những ai có khả năng gây ấn tượng mạnh đối với những khách hàng tiềm năng của mình - chứ không phải người sáng sủa nhất hay có năng lực nhất - sẽ là những người đi đầu trong vấn đề này. Những người có khả năng nói tốt thường được đánh giá là thông minh hơn, có uy lực hơn và sẽ được kính nể hơn so với những người khác.
Ngoài môi trường kinh doanh bạn cũng sẽ thường xuyên có cơ hội khai thác kĩ năng nói của mình - đó có thể là tại các câu lạc bộ gây quỹ, các vấn đề liên quan đến chính trị, hay tại các buổi liên hoan chia tay đồng nghiệp và bè bạn, hoặc trong buổi phát biểu thay mặt cho các tổ chức phi lợi nhuận hoặc trong các vụ kiện.
Kĩ năng nói một cách hiệu quả không còn đơn thuần chỉ là một điều "có thì càng hay" nữa - nó đã thực sự là một kĩ năng không thể thiếu đối với những người thành công và đặc biệt là đối với các chủ doanh nghiệp thành đạt.
Kĩ năng 2: Nghe
Việc nghe có thể quyết định việc bán hay không bán đươc hàng, có được thêm hay mất đi một khách hàng, khích lệ hay làm nản lòng các đồng nghiệp, nối lại hay phá huỷ một mối quan hệ công việc. Không chỉ đơn giản như một trạng thái thụ động của con người, kĩ năng nghe còn là yếu tố quyết định sự thành bại của các chủ doanh nghiệp hay nhà quản lí trong các hoạt động kinh doanh. Plutarch đã từng nói: "Hãy học cách lắng nghe và bạn sẽ thu được rất nhiều từ những kẻ không biết cách ăn nói".
Kĩ năng 3: Viết
Sớm hay muộn, mọi thứ quan trọng đều sẽ phải được viết ra. Tuy nhiên một điều không may là đối với một số các chủ doanh nghiệp thì hầu hết những bài viết gai góc nhất - hay ít nhất là các bản thảo của những người khác đang chờ soát lại - đều dồn cả trên bàn của bạn: đơn đề nghị của những khách hàng lớn, các hợp đồng cung ứng quan trọng, các công ty hợp doanh chiến lược, các tuyên bố về chính sách của công ty, các thông cáo báo chí gửi tới công chúng, thư gửi đến các nhà đầu tư. Bạn sẽ nhận được những gì bạn nói, do vậy cần phải viết một cách rõ ràng, ngắn gọn và chính xác.
Kĩ năng 4: Điều hành một cuộc họp
Các cuộc họp có thể giúp cho mọi thứ trở nên ổn thoả song nó cũng có thể ngốn mất 15 tiếng một tuần ngay cả với những ai có khả năng quản lí thời gian tốt nhất. Các chủ doanh nghiệp cần gặp gỡ với các khách hàng của mình để kí các hợp đồng lớn, gặp gỡ các nhà cung cấp để thương lượng về các điều khoản có lợi hơn, gặp gỡ các thành viên trong nhóm để định ra chiến lược mới cho quý hay cho năm sau, điều hành các cuộc họp với ban lãnh đạo để giải quyết các vấn đề phát sinh hàng ngày. Khả năng tổ chức lãnh đạo các cuộc họp tốt ra sao sẽ quyết định việc ai sẽ làm theo bạn và họ sẽ thu được điều gì - tiêu phí thời gian hay thu được lợi nhuận.
Kĩ năng 5: Dàn xếp các xung đột
Làm chủ doanh nghiệp tất nhiên là sẽ phải có rất nhiêu xung đột. Nếu không phải là xung đột với khách hàng thì là xung đột nội bộ. Nếu không phải xung đột nội bộ thì lại là xung đột với các chính quyền hoặc cơ quan thanh tra, hoặc với các ban bộ chuyên đấu đá nhau, và xung đột với các cổ đông về các kỳ vọng và biện pháp thực hiện để có lợi nhuận mong muốn. Là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ phải phân xử như một trọng tài, tuy luôn bị chê trách nhưng lại chẳng được lợi lộc gì.
Nếu trong hành trang của bạn vẫn thiếu các kĩ năng giải để quyết những vấn đề như thế này thì bạn sẽ khó lòng đạt được các kết quả cũng như mục tiêu kinh doanh của mình. Để có thể thu được những kết quả tốt hơn, bạn hãy học cách hoàn thiện những kĩ năng này và sau đó hãy trang bị chúng cho các nhân viên chủ chốt của mình.



Tham khảo thêm những kinh nghiệm hay khi phỏng vấn



Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc của tân cử nhân



1. Cho họ thấy bạn luôn hứng thú

Hãy cho người phỏng vấn thấy bạn là ai. Hãy kết thúc buổi phỏng vấn với những câu như “Tôi thực sự mong muốn đóng góp cho công ty những thứ tốt nhất mà tôi có thể làm và tôi sẽ rất hạnh phúc nếu công ty chọn tôi”.

Cùng với đó, đừng rời phòng phỏng vấn mà không yêu cầu họ nói rõ cho họ biết bạn sẽ phải làm gì nếu có giấy gọi trở lại. Liệu những người được chọn sẽ quay lại gặp mọi người trong công ty? Vào ngày nào họ mong muốn kí hợp đồng?

Và những câu hỏi thể hiện bạn rất hào hứng với công việc. Cùng với đó, hỏi người phỏng vấn thời gian họ sẽ gọi điện cho bạn để tránh bị áp lực trong khi chờ đợi.

2. Chuẩn bị cho cách liên lạc trong tương lai

Không có ai muốn quá vồ vập nhưng đôi khi sự im lặng của bạn lại khiến người ta nghĩ bạn thờ ơ. Cũng đừng nên ngồi đoán mò mà hãy tìm hiểu trước xem nhà tuyển dụng lao động ưa thích cách liên lạc ra sao.

3. Hãy luôn đúng giờ

Nếu như bạn hứa sẽ gửi tài liệu tham khảo cho người phỏng vấn vào sáng mai, hãy làm theo những gì bạn hứa. Giữ lời hứa và trả lời ngắn gọn xúc tích về cách làm việc của bạn nếu bạn được nhận.

4. Biết giữ vững tâm lý

Nếu như bạn được thông báo rằng bạn sẽ được trả lời trong một tuần, hãy tôn trọng thông báo đó. Việc gọi điện ngay vào ngày hôm sau sẽ khiến bạn bị cho là nôn nóng, cập rập.

5. Hãy gửi một tấm thiệp cảm ơn

Một cách tích cực mà không quá lấy lòng người phỏng vấn chính là việc bạn gửi một tấm thiệp có ghi lời cảm ơn của bạn. Nên gửi tấm thiệp 24h sau khi bạn phỏng vấn.

6. Hãy gửi cho từng người trong nhóm phỏng vấn một bức thư

Công cụ trao đổi thông tin này sẽ là một cơ hội để bạn tỏa sáng, vì thế đừng nói chung chung. Nên viết kèm theo từng bức thư những tài liệu cụ thể và những gì bạn đạt được dựa vào những nhu cầu của công ty.

Đồng thời qua đó bạn cũng có thể cho họ thấy bạn có thể làm những điều bạn chưa kịp nói cho họ trong buổi phỏng vấn

7. Hãy cho họ biết họ cần gì

Một cách hữu hiệu nữa là hãy cư xử như bạn là một nhà tư vấn chứ không phải một người dự tuyển. “Trong cuộc phỏng vấn, hãy tìm hiểu xem điểm yếu của công ty là gì hay những mặt mà họ muốn phát triển mạnh”.

Hãy luôn giữ trong đầu ý tưởng đưa ra lời khuyên cho họ. Làm như vậy bạn sẽ chứng tỏ rằng bạn thông minh, có kiến thức và có thể đưa ra những đóng góp quan trọng.

8. Luôn luôn tìm hiểu về công ty bạn xin việc

Hãy chuẩn bị cho mình tâm lý khi bạn được gọi phỏng vấn hoặc trả lời điện thoại thêm vài lần sau cuộc phỏng vấn. Tích lũy thêm những thông tin về công ty, nghĩ về những câu hỏi mà bạn nghĩ bạn sẽ được hỏi, về những chủ đề bạn muốn bàn tới.

Những hành động này sẽ cho họ, người phỏng vấn, thấy bạn vẫn luôn tìm hiểu sát xao về công ty này dù rằng cuộc phỏng vấn chính đã qua.

9. Hãy dựa cả vào những tác động bên ngoài

“Nếu bạn có quen biết hay có mối quan hệ nào đó với người có ảnh hưởng hoặc biết rõ người phỏng vấn, hãy nhờ họ nói tốt về bạn” – Myers nói.

10. Chấp nhận sự từ chối một cách lịch sự

Cuối cùng là luôn giữ cho tâm trạng bạn bình tĩnh và đừng hành động quá đáng nếu như bạn thấy ai đó trúng việc còn bạn thì không. Không ai biết tương lai sẽ ra sao. Có thể công việc này không chấp nhận bạn nhưng sẽ có một cánh cửa, một tương lai khác mở ra cho bạn.

“Nếu như bạn bị từ chối, hãy gửi thêm tấm thiệp cảm ơn tới người phỏng vấn. Điều này sẽ giúp bạn khác biệt với những người bị từ chối khác, đưa bạn lên một vị trí cao hơn” – Myers nói.


Kinh nghiệm tuyển dụng: 6 điều cần tránh khi đi phỏng vấn


Không chuẩn bị trước và thể hiện sự không chuyên nghiệp trong lúc phỏng vấn, sẽ đánh mất cơ hội để có được việc làm. Hãy tránh xa những điều dưới đây...

1. Không chuẩn bị trước cho cuộc phỏng vấn là một sai lầm lớn. Trước khi đến cuộc phỏng vấn xin việc, hãy chuẩn bị kỹ, lập kế hoạch và thực tập trước ở nhà.

 2. Không truyền đạt một cách rõ ràng và hiệu quả. Đây là điều quan trọng trong lúc phỏng vấn và cả trong quá trình làm việc. Sự lo lắng sẽ làm suy nghĩ của bạn bị xáo trộn, vì vậy bạn phải chuẩn bị thật tốt và thực hành nhiều về nội dung cuộc phỏng vấn để khi trực tiếp đối mặt với nhà tuyển dụng, bạn trình bày một cách lưu loát.

3. Gây hấn, kiêu ngạo. Không một ai muốn thuê một người hoặc làm việc chung với một người có suy nghĩ rằng họ vượt trội hơn những người khác. Cẩn thận với thái độ của bạn. Đồng thời, nếu bạn nghĩ bạn là một người được bao quanh bởi sự kém cỏi, nên gạt bỏ ý nghĩ đó đi. Tự tin là thái độ tốt nhất. Sự kiêu ngạo hay kém cỏi thì thật là tồi tệ.

4. Bào chữa những yếu kém. Không một ông chủ nào bỏ của cải ra để thuê một người chỉ biết làm sai mọi việc mà không biết chịu trách nhiệm cho những việc mình làm, lại còn tìm cách bào chữa. Bạn phải biết chịu trách nhiệm cho những gì bạn làm. Bạn sẽ không bao giờ có được sự đánh giá cao bằng việc đổ lỗi cho người khác khi bạn làm sai. Cũng như đừng giải thích cho những mặt yếu kém của bạn trong lúc phỏng vấn mà hãy thể hiện sự chuyên tâm học hỏi.

5. Nói xấu về những nơi làm việc trước. Thậm chí những ông chủ trước đây của bạn là những người ích kỷ, gây khó dễ cho bạn thì cũng không được sỉ nhục họ trước nhà tuyển dụng tương lai. Nói xấu sau lưng là một điều cấm kỵ nơi công sở. Tốt nhất là đừng nói xấu họ trong lúc phỏng vấn. Khi bạn được hỏi “Vì sao bạn nghỉ làm ở đó?” Hãy đáp lại rằng “Tôi muốn tìm kiếm cơ hội để phát huy tốt cho những mục tiêu công việc của mình. Và công ty ông là cơ hội để tôi thực hiện được điều đó”.

6. Bắt tay một cách yếu ớt. Vì sao mọi người nghĩ bạn sẽ là một nhân viên tệ, nếu bạn đưa ra cái bắt tay yếu? Điều này nghe như không hợp lôgic, đúng không? Đơn giản là vì nó không để lại một ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy bắt tay một cách mạnh mẽ và tự tin nhưng cũng đừng bóp chặt tay họ và giật mạnh. Nếu bạn không muốn làm hỏng cuộc phỏng vấn thì đừng thế.


Kinh nghiệm phỏng vấn đi du lịch Mỹ
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng cực hữu ích

Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc tiếng anh
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc lần đầu cực hữu ích
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc ngân hàng
Những kinh nghiệm khi phỏng vấn xin việc


(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý