Kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên nhân sự

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên nhân sự

19/04/2015 02:48 AM
8,791
Những người làm nhân sự có bằng cấp chuyên môn đang làm việc ở các tổ chức, công ty hiện nay không nhiều. Đa số các công ty tuyển người đã tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh ở các trường đại học hoặc chuyển từ các bộ phận "có liên quan" như nhân viên hành chính văn phòng, phụ trách tuyển dụng, đào tạo

Việt Nam mới chỉ có Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Trung cấp Lao động tiền lương ở Hóc Môn, Viện Phát triển nguồn nhân lực (TPHCM), Công ty CPDV tư vấn và phát triển nguồn nhân lực BCC... đào tạo những khóa nhỏ như quản trị nguồn nhân lực, quản lý hành chính, các khóa về tiền lương, khóa kỹ năng làm nhân sự

Thoạt nghe thấy "oách"...

Có khá nhiều việc dành cho một người làm nhân sự: Tuyển dụng, đào tạo, phỏng vấn, làm lương, bảo hiểm, hợp đồng, báo cơm, nghỉ phép, tăng lương, thưởng, xử lý kỷ luật, làm hồ sơ người lao động nghỉ việc... Tất nhiên không ai có thể "ôm đồm" một lúc quá nhiều công việc như thế, nhưng với những công ty nhỏ ít người, có nhân viên phải "gánh" từ 3 - 5 đầu việc. Chỉ những công ty lớn mới phân chuyên mảng, chẳng hạn nhân viên tuyển dụng, nhân viên làm lương, nhân viên phụ trách đào tạo...

Bộ phận nhân sự gần như là "rốn" của một tổ chức, công ty , nhất là những công ty mới thành lập. Cái "rốn" này sẽ là nơi tuyển chọn các vị trí quan trọng lẫn bình thường cho tất cả các phòng, ban, bộ phận khác. Nghe thì "oách" vậy, nhưng thực ra mức thu nhập của người làm nhân sự hiện nay lại chưa "oách" chút nào. Trung bình lương một nhân viên nhân sự từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Chỉ những người làm lâu năm, có vị trí trợ lý, hoặc trưởng phòng thì có thể thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng. Và nếu ai làm nhân sự cho các công ty nước ngoài thì mức lương có thể cao gấp hai, ba lần...

Bận như "nuôi con mọn"

Nghề nhân sự có tính ổn định, lâu dài và ít phải chịu áp lực về chỉ tiêu như các bộ phận khác như marketing, bán hàng, tiếp thị... Song, ai muốn làm nghề nhân sự phải chuẩn bị tâm lý "như nuôi con mọn". Chị Thu Trang, cựu nhân viên nhân sự của công ty may mặc, xuất khẩu Hàn Quốc N.B đúc kết về nghề nhân sự bằng câu: "Bận như nuôi con mọn".

Chị Min Nhựt, nhân viên phòng nhân sự ở một hệ thống siêu thị, quận 12 cho biết, phòng chị chỉ có ba người nên chị vừa tham gia phỏng vấn ứng viên, vừa phải làm những việc lặt vặt khác như điều động, tham gia khuân vác khi hàng về; tổ chức sinh nhật; tổ chức tour du lịch rồi kiêm "săn sóc viên" cho nhân viên; thậm chí khi nhân viên trúng gió, mấy chị em làm nhân sự cũng phải "xúm" lại cạo gió, xức dầu... Người làm nhân sự vừa là người phải biết quan tâm đến nhân viên nhưng đồng thời cũng phải đại diện cho công ty dàn xếp các mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ trong những trường hợp cần thiết.

So kinh nghiệm - đo bằng cấp
Với những vị trí tuyển dụng khác, bằng cấp khá quan trọng, càng nhiều bằng cấp càng dễ được đánh giá cao. Nhưng với công việc nhân sự, các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao kinh nghiệm thực tế. Vậy kinh nghiệm đào đâu ra?

Nhiều nhà tuyển dụng đã từng khuyên các bạn sinh viên mới ra trường rằng nên nộp hồ sơ ở các công ty lớn, có uy tín để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng nghề nhân sự thì ngược lại. Các bạn sinh viên, những người yêu thích công việc liên quan đến nhân sự nên tìm việc ở các công ty nhỏ.

Vì có thể công ty yêu cầu nhân viên mới làm nhiều việc, nhiều khâu. Không nên nề hà, chính những việc lặt vặt này sẽ là kinh nghiệm thực tế cho mỗi người. Sinh viên mới ra trường, trong thời gian đi học, có làm thêm hoặc thực tập những công việc gần với công việc của nhân sự cũng sẽ được nhà tuyển dụng chú ý hơn, chẳng hạn như hành chính, chi trả lương, làm thủ tục bảo hiểm, theo dõi kế hoạch đào tạo...

Những công ty lớn bao giờ cũng đánh giá cao, trọng d��ng nhân viên biết nhiều kỹ năng liên quan như làm ở bộ phận phỏng vấn phải hiểu cách xử lý mâu thuẫn; làm hồ sơ tuyển dụng cũng phải làm được tiền lương... Tất nhiên, những công ty lớn thường thiết lập bộ máy hành chính nhân sự chuyên nghiệp nên họ thường chọn người làm nhân sự đa năng, nhưng chỉ giao việc nào phù hợp với chuyên môn nhất để nhân viên đó nỗ lực và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.

Kỹ năng làm việc Hành chính - Nhân sự

Kỹ năng làm việc Hành chính - Nhân sự


Nhân viên của bạn có hiểu biết rất sâu rộng về chuyên môn, nghiệp vụ? Họ năng nổ trong các hoạt động xã hội? Nhưng kỹ năng làm việc của họ, điều tối quan trọng trong quá trình hội nhập, lại thiếu hoặc yếu? Những kỹ năng làm việc chuyên nghiệp có thể là cách giao tiếp ứng xử, cách quản lý thời gian, cách lãnh đạo con người và quản lý công việc hợp lý, cách phối hợp với đồng nghiệp, trình bày ý tưởng v.v..

Kỹ năng của nhân viên nếu được đào tạo, nuôi dưỡng thường xuyên không chỉ giúp cho bản thân họ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn trực tiếp đem lại sự thành công và tạo nên nhiều giá trị, sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Hẳn nhiên, doanh nghiệp nào cũng nhận thức được điều quan trọng này. Vấn đề là đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân viên như thế nào để tiết kiệm thời gian, chi phí mà vẫn đạt được mục tiêu có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, linh hoạt, hiệu quả.

- Tạo tác phong làm việc, giao tiếp chuyên nghiệp;

- Tư vấn về cách rèn luyện óc tổ chức, tư duy hiệu quả và sáng tạo, cách thể hiện ý tưởng;

- Thực tiễn trong cách lãnh đạo con người;

- Cách quản lý thời gian, phương pháp kiểm soát stress;

- Sắp xếp tài liệu trên máy tính, trên bàn làm việc;

- Sử dụng có hiệu quả các phương tiện, công cụ làm việc;

- Sắp xếp thứ tự công việc; xác định công việc quan trọng

 

TTO - * Tôi chuẩn bị thi tuyển vào một công ty cổ phần về đồ thực phẩm. Vui lòng cho tôi biết thế nào là hành chính tổng hợp? Công việc của một nhân viên hành chính tổng hợp là gì?

Để đảm nhiệm được công việc này, tôi cần phải có những phẩm chất gì? Làm thế nào để thành công khi thi tuyển vào vị trí này? Công việc nào quan trọng nhất bắt buộc tôi phải thực hiện được? 

(Nguyen Thien But) 

- Tư vấn của VietnamWorks.com:

Công việc chính của một nhân viên hành chính tổng hợp là lưu trữ văn bản, giấy tờ, hồ sơ và biên dịch các tài liệu, hợp đồng của công ty; nhận, phân phát thư tín và thực hiện các công việc hỗ trợ cho các chuyến đi công tác của đồng nghiệp như đặt xe, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, làm thủ tục xin visa, đặt phòng họp, quản lý và đặt văn phòng phẩm… 

Công việc hành chính tổng hợp đòi hỏi người nhân viên phải có óc tổ chức, nhanh nhẹn, cẩn thận, kiên nhẫn và có thể làm nhiều việc cùng một lúc. Những yêu cầu khác bao gồm: có thể sử dụng một hay một vài ngoại ngữ như Anh, Hoa, Pháp, Nhật (tùy theo yêu cầu của từng nhà tuyển dụng), sử dụng vi tính thành thạo, có khả năng giao tiếp tốt, chịu được áp lực công việc và có khả năng làm việc theo nhóm. 

Nếu bạn chứng tỏ được mình có khả năng sắp xếp thời gian, hoàn thành công việc đúng thời hạn và không bỏ sót công việc nào thì bạn có thể thuyết phục được nhà tuyển dụng. 

Không riêng gì nhân viên hành chính tổng hợp mà đối với tất cả những người làm việc chuyên nghiệp, bên cạnh chuyên môn và năng lực cá nhân, thái độ làm việc tích cực và tinh thần hỗ trợ đồng nghiệp là điều rất quan trọng, góp phần quyết định sự thành công trong công việc

* Em đang dự định học lớp đào tạo nhân viên bán vé máy bay nhưng không biết mức lương khởi điểm của ngành này là bao nhiêu, xin tư vấn giúp em. 

(Chung Thi Thai Binh)

- Mỗi hãng hàng không và phòng vé máy bay đều có những mức lương khởi điểm cụ thể tùy thuộc vào chiến lược nhân sự của họ cũng như khả năng chuyên môn của từng ứng viên cụ thể. Nếu bạn thực sự yêu thích nghề bán vé máy bay và thực sự chứng tỏ được năng lực của mình qua thực tế làm việc, nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho bạn một mức lương thỏa đáng. Chúc bạn thành công!


Tham khảo thêm một số kinh nghiệm phỏng vấn

Được mời phỏng vấn, bạn đã tiến gần hơn đến việc làm mơ ước. Hãy chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn này vì bạn sẽ không có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên. Hãy áp dụng 10 bí quyết sau để có một buổi phỏng vấn thành công.

Luyện tập ngôn ngữ cử chỉ. Những cử chỉ sau giúp bạn thể hiện sự tự tin: tư thế đứng thẳng, sự giao tiếp bằng mắt và cái bắt tay chắc chắn. Ấn tượng không lời đầu tiên có thể mở ra một khởi đầu tốt đẹp hoặc đặt dấu chấm hết cho buổi phỏng vấn của bạn. Vì vậy, bạn cần luyện tập để tạo phong thái tự tin chững chạc ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên.

Trang phục chuyên nghiệp. Vẻ ngoài chỉn chu và chuyên nghiệp thể hiện sự tôn trọng bạn dành cho nhà tuyển dụng và sự nghiêm túc với công việc ứng tuyển. Trang phục công sở thường phù hợp với những buổi phỏng vấn. Trang trọng nhất bạn có thể mặc vest. Ngoài ra, nếu vị trí bạn ứng tuyển cần thể hiện nổi bật cá tính, bạn có thể chọn trang phục ít trang trọng hơn.

Lắng nghe. Khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ cung cấp thông tin một cách trực tiếp hay gián tiếp về công việc, đồng nghiệp/sếp của bạn hay văn hóa công ty… Để có cái nhìn bao quát về công việc mình đang ứng tuyển bạn cần chú ý không bỏ qua thông tin nào và hãy hỏi lại nếu có điều chưa rõ hoặc không hiểu.

Kỹ năng giao tiếp tốt bao gồm cả khả năng lắng nghe và cho nhà tuyển dụng biết bạn đang lắng nghe họ bằng cách đặt những câu hỏi khai thác sâu về đề tài đang nói. Ví dụ, nhà tuyển dụng trao đổi với bạn: “Môi trường làm việc tại công ty chúng tôi luôn tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và phát triển”, bạn có thể đạt câu hỏi: “Anh/chị có thể chia sẻ thêm về những chương trình đào tạo của công ty? Các tiêu chí đánh giá kết quả làm việc của nhân viên cụ thể như thế nào?” Qua câu hỏi này, bạn không những lắng nghe mà còn thể hiện sự quan tâm thực sự đến vị trí ứng tuyển.

Nói vừa đủ. Trả lời lan man, không tập trung vào vấn đề nhà tuyển dụng muốn biết sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá không tốt về kỹ năng giao tiếp của bạn. Để “nói đúng và nói đủ”, bạn cần nắm rõ phần mô tả công việc, yêu cầu công việc là gì, những điểm mạnh của bạn phù hợp với yêu cầu đó ra sao. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu trước về công ty và những câu hỏi phỏng vấn cơ bản để không bất ngờ hay nói lạc đề khi trả lời.

Giữ khoảng cách phù hợp. Phỏng vấn là buổi gặp mặt nghiêm túc để nói về công việc chứ không phải là cơ hội để kết bạn. Do vậy, bạn nên điều chỉnh mức độ thân thiện cho phù hợp với thái độ của nhà tuyển dụng. Truyền năng lượng và sự nhiệt huyết của bạn vào các câu trả lời là rất quan trọng, tuy nhiên đừng vượt quá giới hạn cần thiết.

Sử dụng ngôn từ lịch sự. Bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp và lịch thiệp của mình trong từng lời nói. Luôn ghi nhớ rằng, việc dùng tiếng lóng hay nhận xét không phù hợp liên quan đến tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tôn giáo và chính trị sẽ khiến bạn phải sớm nói lời “tạm biệt” nhà tuyển dụng.

Biết mình, biết ta. Thái độ ứng xử trong buổi phỏng vấn là yếu tố quan trọng dẫn bạn đến cánh cửa thành công. Bạn cần cân bằng giữa sự tự tin, tài năng và lòng khiêm tốn. Đừng để tính tự mãn “lấn át” ngay cả khi bạn đang nhấn mạnh thành tích của mình.

Trả lời cụ thể. Nhà tuyển dụng thường đặt các câu hỏi để tìm hiểu hành vi trong quá khứ của ứng viên, họ tin rằng đây là cơ sở đáng tin cậy để dự đoán cách ứng viên xử lý công việc trong tương lai. Ví dụ nếu bạn viết trong hồ sơ “Khả năng giải quyết vấn đề tốt”, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn đưa ra một trường hợp cụ thể  trong quá khứ chứng minh khả năng này của bạn. Khi gặp câu hỏi dạng này, bạn cần trả lời thật cụ thể bằng cách áp dụng C.A.R:
-    Case - Tình huống: Bạn phải đối mặt với vấn đề gì? Tình huống lúc đó thế nào?
-    Action - Hành động: Cụ thể bạn đã làm gì? Bạn đóng vai trò nào trong việc giải quyết vấn đề?
-    Result - Kết quả: Kết quả ra sao? Bạn rút ra được kinh nghiệm gì?

“Phỏng vấnnhà tuyển dụng. Đừng bao giờ trả lời “không” khi nhà tuyển dụng hỏi “Bạn có câu hỏi nào không?” vào cuối buổi phỏng vấn. Đây là cơ hội để bạn thể hiện sự quan tâm đến công việc và công ty. Đặt câu hỏi cũng giúp bạn đánh giá mức độ phù hợp giữa khả năng của bạn và vị trí đó. Lắng nghe kỹ những gì nhà tuyển dụng nói sẽ giúp bạn đặt câu hỏi phù hợp. Những câu hỏi về văn hóa công ty, cơ hội học hỏi, phát triển… sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Giữ thế chủ động. Khi tham dự phỏng vấn với suy nghĩ “Làm ơn, xin hãy tuyển tôi!”, bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin và tuyệt vọng. Hãy thể hiện phong thái điềm tĩnh, tự tin và lạc quan trong suốt buổi phỏng vấn. Một khi bạn tin bạn là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí đó, bạn sẽ tìm được cách chứng minh điều đó với nhà tuyển dụng!



8 dấu hiệu của một buổi phỏng vấn thành công

Thông thường, các ứng viên hay chú tâm đến những sai sót đã mắc phải hơn là những “điểm” ghi được trong buổi phỏng vấn. Chính vì thế, nhiều bạn tuy đã trả lời phỏng vấn khá tốt nhưng vẫn băn khoăn không biết mình có được tuyển hay không? Những dấu hiệu sau từ phía nhà tuyển dụng (NTD) có thể giúp bạn đánh giá được khả năng thành công của mình sau buổi phỏng vấn.

1. NTD tìm hiểu và xác minh thông tin về bạn
Theo Honaman, các công ty chỉ xác minh thông tin về ứng viên (
reference checking) khi thấy người này có triển vọng. Vì thế, để tiện cho việc xác minh của NTD, bạn nên cung cấp họ tên và thông tin liên lạc của tối thiểu 3 người. Đây là những người đã làm việc trực tiếp với bạn tối thiểu là 6 tháng và nắm rõ kỹ năng và thành tích làm việc của bạn (trong đó phải có ít nhất một người quản lý trực tiếp của bạn).

2. Giới thiệu bạn với đồng nghiệp tương lai

Quả là một dấu hiệu tốt đẹp khi NTD muốn giới thiệu bạn với đồng nghiệp tương lai ngay trong lúc phỏng vấn hoặc cho bạn biết có một số người họ muốn bạn gặp ngay sau đó.




Honaman nhận xét: “Các nhà quản lý rất cẩn trọng. Họ sẽ không mạo hiểm giới thiệu ứng viên mới với nhóm làm việc của họ nếu người này không có nhiều triển vọng trở thành nhân viên của công ty. Cần lưu ý là NTD có thể yêu cầu các thành viên trong nhóm làm việc đưa ra nhận xét về bạn, vì thế hãy tỏ ra thân thiện và tạo ấn tượng tốt với tất cả những người bạn gặp.”

3. Quan tâm đến quy trình chuyển đổi công việc
Khi bạn có khả năng lọt vào tầm ngắm của NTD, bạn sẽ được hỏi những điều như: khi nào bạn có thể bắt đầu làm công việc mới? Những điều khoản nào trong hợp đồng lao động liên quan đến cạnh tranh trong cùng ngành nghề… Theo Honaman, NTD cần biết những thủ tục cần phải làm để bạn có thể nghỉ việc công ty hiện tại và chuyển qua làm cho họ.

4. “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”
Tùy thuộc vào giai đoạn của quy trình tuyển dụng, nếu NTD hỏi mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu, đây có thể là một dấu hiệu tốt vì điều đó thể hiện họ quan tâm đến năng lực của bạn. Câu hỏi này thường có 2 dạng “
Bạn muốn mức lương ra sao?” hoặc “Mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?”. Việc bạn có được tuyển dụng hay không phụ thuộc khá nhiều vào cách bạn trả lời câu hỏi này. Vì thế, hãy chuẩn bị sẵn phương án trả lời cho câu hỏi này, chứ đừng đợi đến lúc NTD hỏi mới suy nghĩ.

5. Bạn được NTD dành nhiều thời gian để chia sẻ thông tin
Khi NTD dành nhiều thời gian để trả lời câu hỏi của bạn, đó là dấu hiệu cho thấy họ muốn giới thiệu hoạt động kinh doanh của công ty, đồng nghiệp và công việc với bạn để thuyết phục bạn làm việc cho họ. Theo Honaman, trong đa số các cuộc phỏng vấn, NTD sẽ hỏi bạn có câu hỏi nào dành cho họ không như một thủ tục không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu bạn không gây được ấn tượng cho họ thì họ sẽ không dành nhiều thời gian để trả lời câu hỏi của bạn.

6. Thời gian phỏng vấn kéo dài hơn
Nếu NTD không “chấm” bạn, họ sẽ tìm cách kết thúc sớm buổi phỏng vấn. Honaman nhận xét: “Đôi lúc, thời gian buổi phỏng vấn sẽ kéo dài hơn dự tính vì NTD muốn biết thêm thông tin về bạn hoặc muốn chia sẻ thêm với bạn nhiều điều về công ty và công việc bạn dự tuyển”. Nếu bạn không gây được ấn tượng với họ, họ sẽ không bao giờ kéo dài thời gian phỏng vấn.

7. Những cử chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ
Các cử chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ của NTD thường cho bạn biết nhiều điều về cách họ đánh giá bạn. Hãy chú ý đến những cử chỉ của NTD như ghi chú, mỉm cười, lắc đầu hoặc hỏi những câu thăm dò. Theo Honaman, cùng một lúc mà NTD vừa ghi chú vừa liên tục nhìn đồng hồ hoặc chỉ hỏi những câu chung chung thì rất có thể bạn đang trả lời phỏng vấn không được như ý họ.

8. Sự phù hợp giữa bạn với văn hóa công ty
NTD càng nói nhiều về sự phù hợp giữa bạn với văn hóa công ty họ thì bạn có thể vui mừng. Đa số các nhà quản lý thường tìm kiếm ứng viên có khả năng hòa nhập vào tập thể hay làm việc độc lập một cách hiệu quả. Theo Honaman, nếu NTD muốn trao cơ hội cho bạn, họ sẽ chia sẻ thêm nhiều thông tin về văn hóa doanh nghiệp với bạn và ra sức gây ấn tượng với bạn về những ưu thế của công ty.

Hẳn nhiên, các dấu hiệu trên đây chỉ phần nào giúp bạn dự đoán khả năng giành được việc làm mong muốn. Và rất có khả năng các ứng viên khác cũng trả lời phỏng vấn tốt như bạn. Tuy nhiên, nếu bạn thấy hai hay nhiều hơn những dấu hiệu này, bạn biết mình sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng. Ngoài ra, Honaman cũng lưu ý là dù bạn nhận ra nhiều dấu hiệu cho thấy bạn đã trả lời phỏng vấn tốt, bạn cũng nên tích cực giữ liên lạc với NTD để đảm bảo việc chuyển đổi công việc của bạn diễn ra suôn sẻ.

 


Câu hỏi phỏng vấn nhân viên hành chính
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng cực hữu íc
Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng du học
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc qua điện thoại
Kinh nghiệm phỏng vấn việc làm cực hữu ích
Thủ tục đăng ký kết hôn với người Mỹ


(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý