Bác sỹ sau khi ra trường sẽ làm gì?

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Bác sỹ sau khi ra trường sẽ làm gì?

19/04/2015 02:57 AM
1,505



Nghề Y trong quan niệm của mọi người là một nghề cao quí. Ngày xưa, người ta cho rằng thầy thuốc có vai trò như một “thánh nhân”, người luôn hy sinh để cứu người mà không hề vụ lợi. Cuộc sống thay đổi, xã hội thay đổi, quan điểm của con người cũng thay đổi…Nhiều sinh viên ngành Y đang có nhiều trăn trở: bác sỹ sau khi ra trường sẽ làm gì?




NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ NGÀNH Y



Khối ngành Y Dược là một trong những khối ngành thu hút được sự quan tâm đông đảo của học sinh, với lượng hồ sơ đăng ký dự thi hàng năm lớn, tỉ lệ chọi cao, điểm chuẩn của các chuyên ngành này luôn nằm trong các ngành có điểm chuẩn cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm qua.

Bác sĩ đa khoa

Bác sĩ đa khoa là một trong những ngành lấy điểm chuẩn cao nhất trong khối ngành Y Dược nói riêng và các ngành thi ĐH-CĐ nói chung. Chuyên ngành Bác sĩ đa khoa có chương trình đào tạo 6 năm, sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu về y học lâm sàng và cộng đồng, Y học hiện đại, Y học cổ truyền. Với chương trình đào tạo toàn diện, sau khi tốt nghiệp sinh viên ngành bác sĩ đa khoa có khả năng khám và chữa bệnh ở các cơ sở y tế; điều trị và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân tại nhà; thực hiện công tác phòng bệnh và giáo dục sức khỏe; tổ chức và quản lý các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các bệnh viện, các cơ sở y tế và một số ban ngành có nhu cầu sử dụng bác sĩ đa khoa…

Sau khi tốt nghiệp ngành Bác sĩ đa khoa, nếu muốn đi theo chuyên khoa nào thì cần học thêm 1-2 năm định hướng theo chuyên khoa sinh viện chọn (học Bác sĩ nội trú) tại các bệnh viện, sau đó người học có thể học nâng cao chuyên ngành (BSCK cấp I hoặc cao học) tùy theo bằng cấp và yêu cầu của chuyên ngành.

Bác sĩ y học cổ truyền

Chuyên ngành Bác sĩ y học cổ truyền có chương trình đào tạo 6 năm, được đào tạo chuyên sâu về sử dụng thuốc Bắc, thuốc Nam, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… để chữa bệnh và nghiên cứu các phương pháp tập luyện phục hồi chức năng cho người bệnh.

Sinh viên học ngành Bác sĩ Y học cổ truyền ngoài các kiến thức đại cương sinh viên còn được nghiên cứu chuyên sâu về Y học cổ truyền: Dược học cổ truyền (Thực vật dược, Dược lâm sàng, Dược học cổ truyền, Chế biến dược liệu, Các phương pháp bào chế các dạng thuốc y học cổ truyên); Dưỡng sinh (Phương pháp xoa bóp, Phương pháp thực dưỡng); Châm cứu (Điện châm, Đầu châm, Châm tê, Thủy châm); Bệnh học (Bệnh học kết hợp nội khoa, Bệnh học kết hợp Ngoại, Nhi, Nhiễm, Phụ sản và Điều trị học dùng thuốc y học cổ truyền…). Sinh viên sau khi ra trường có khả năng khám, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, dự phòng bệnh tật, giáo dục tăng cường sức khỏe bằng y học cổ truyền; phát hiện và xử lý ban đầu một số bệnh cấp cứu; tổ chức quản lý các dịch vụ, các chương trình chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền tại cộng đồng; tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học…

Bác sĩ Răng Hàm Mặt

Thời gian đào tạo: 6 năm

Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt được đào tạo chuyên sâu về Răng - Hàm - Mặt; có nhiệm vụ khám, chữa bệnh, phẫu thuật, khôi phục chức năng về răng, hàm, mặt cho người bệnh.

Sinh viên học ngành Bác sĩ Răng- Hàm - Mặt ngoài các kiến thức chung còn được đào tạo chuyên sâu về Răng - Hàm - Mặt như: Nha khoa cơ sở, Phẫu thuật hàm mặt, Mô phỏng nha khoa… để khi học xong sinh viên chuyên ngành có khả năng khám và chữa bệnh răng miệng ở các cơ sở y tế; làm công tác phòng bệnh, tư vấn và giáo dục sức khỏe răng miệng; tổ chức quản lý các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; tham gia công tác  đào tạo nghiên cứu khoa học…

Bác sĩ y học dự phòng

Thời gian đào tạo: 6 năm

Bác sĩ y tế dự phòng được đào tạo chuyên sâu về công tác phòng chống, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh xã hội, sức khỏe môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe trường học, dinh dưỡng cộng đồng... Quản lý vắc xin, sinh phẩm y tế và hoá chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Y học dự phòng là cầu nối giữa y học và y tế công cộng. Trong khi y học quan tâm đến chẩn đoán và điều trị bệnh cho một bệnh nhân thì y tế công cộng quan tâm nhiều hơn đến phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Vì vậy mục tiêu hàng đầu của Y học dự phòng là nâng cao sức khỏe của cá nhân, gia đình và cả cộng đồng.

Sinh viên ngành Bác sĩ y tế dự phòng được đào tạo như Bác sĩ đa khoa và chuyên sâu về các vấn đề chẩn đoán sức khỏe cộng đồng, sức khỏe dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề sức khỏe liên quan các tác nhân ngoại sinh, nội sinh, kể cả di truyền và lối sống, dịch bệnh nhiễm trùng, không nhiễm trùng, dịch bệnh liên quan đến lứa tuổi, phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình dịch vụ y tế, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe…

Cử nhân điều dưỡng

Tùy thuộc vào hệ đào tạo mà có thời gian đào tạo khác nhau, thời gian đào tạo trong các trường đại học cấp bằng cử nhân điều dưỡng là 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân điều dưỡng có các kỹ năng: Tổ chức thực hiện tốt y lệnh của bác sĩ, đề xuất các biện pháp xử lý hợp lý, phối hợp với bác sĩ để chăm sóc và nâng cao sức khỏe người bệnh; thực hiện được đầy đủ và thành thạo các kỹ thuật chăm sóc điều dưỡng tại các cơ sở y tế điều trị; xây dựng, lập kế hoạch thực hiện và tổ chức thực hiện quy trình điều dưỡng tại các cơ sở y tế điều trị; làm tốt công tác quản lý ngành, tham gia tổ chức và đào tạo cán bộ điều dưỡng và các nhân viên y tế; áp dụng y học cổ truyền trong công tác chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho nhân dân; tham gia phát hiện sớm các bệnh dịch tại địa phương và đề xuất các biện pháp phối hợp nhằm phòng chống dịch; tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng.

Kỹ thuật y học

Chương trình đào tạo ngành kỹ thuật y học 4 năm, có các trường phân chia thành các chuyên ngành như: xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, vật lý trị liệu. Ngoài các kiến thức chung của khối ngành Y, người học được trang bị các kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: giải phẫu bệnh, huyết học cơ bản, huyết học tế bào, ký sinh trùng, đông máu, truyền máu, hóa sinh, vi sinh, gây mê hồi sức, xét nghiệm, vật lý trị liệu, X-quang…
Dược học

Chương trình đào tạo trình độ ĐH ngành dược với thời gian 5 năm, Sinh viên được trang bị hệ thống kiến thức chung về khoa học cơ bản, y dược học cơ sở, có kiến thức chuyên môn cơ bản về sản xuất, đảm bảo chất lượng, cung úng và tư vấn sử dụng thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; Các kiến thức bổ trợ về sản xuất và phát triển thuốc, dược lâm sàng; Quản lý, kinh doanh cung ứng trong lĩnh vực dược…
Sinh viên sau khi ra trường có thể công tác được trong các cơ quan quản lý, cơ sở điều trị, sản xuất, kinh doanh, kiểm tra giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có yêu cầu sử dụng dược sỹ trình độ đại học.

Có khả năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý trong các đơn vị đào tạo và nghiên cứu chuyên môn y dược.

Ngoài ra, các ngành Hộ sinh, Vật lí trị liệu, Gây mê hồi sức, Kĩ thuật PHR… cũng đang thu hút được sự quan tâm của các bạn học sinh, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng của ngành này đang tăng nhanh trong những năm trở lại đây.



MỘT CÁI NHÌN NHÂN BẢN VỀ NGƯỜI BÁC SỸ



Nghề Y trong quan niệm của mọi người là một nghề cao quí. Ngày xưa, người ta cho rằng thầy thuốc có vai trò như một “thánh nhân”, người luôn hy sinh để cứu người mà không hề vụ lợi. Cuộc sống thay đổi, xã hội thay đổi, quan điểm của con người cũng thay đổi…


Có hai ngành thường nhận được sự kính trọng trong xã hội: người dạy học luôn được gọi là “thầy”, người chữa bệnh được gọi là “bác sĩ”, đặt một cách trân trọng trước tên riêng của mỗi người. Ngày xưa, người bác sĩ trong bệnh viện còn được các sinh viên, đồng nghiệp cấp dưới gọi bằng “thầy”. Điều đó thể hiện sự tôn trọng của xã hội và đồng nghiệp trong ngành đối với người bác sĩ.


Một cái nhìn nhân bản về người bác sĩ

Để học y khoa, bác sĩ ở Việt nam phải học 6 năm, trong khi sinh viên các ngành khác chỉ học 4 năm. Nếu tính cả thời gian thực hành, trực gác ở bệnh viện thì thời gian học của một sinh viên y khoa gần gấp đôi sinh viên các trường khác. Sinh viên y khoa ngay từ khi đi học đã phải tiếp xúc với môi trường độc hại của ngành y như nguồn lây bệnh, hóa chất, bệnh phẩm…. Bên cạnh đó, sinh viên y khoa còn phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, căng thẳng, đau đớn, mất mát, chết chóc…

Sự trui rèn và khổ luyện đó và sự tôn trọng của xã hội đã làm nên vị thế của người bác sĩ. Người bác sĩ phải tự mình điều chỉnh các mối quan hệ, cách cư xử, tiếp xúc với mọi người để phù hợp với vị trí của mình trong xã hội. Như vậy, vị thế và hình ảnh của người bác sĩ được hình thành từ nhiều yếu tố: (1) tiềm năng và nỗ lực bản thân, (2) quá trình đào tạo và (3) sự phản hồi từ xã hội và người bệnh.

Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều về “y đức” và sự suy thoái của cái gọi là “y đức” như là một vấn đề nhức nhối, nan giải của ngành y. Vậy y đức là gì. Có phải y đức nghĩa là “lương y như từ mẫu” như mọi người thường nói? Hay y đức là đạo dức của người làm nghề y. Thật ra thì người làm nghề nào cũng cần có đạo đức. Ngay cả nghề vá xe, nếu không có đạo đức thì hậu quả cũng khôn lường (đinh tặc!) Còn rất nhiều ngành nghề khác mà đạo đức của con người cũng rất quan trọng và sự sút kém đạo đức còn có thể để lại những hậu quả tai hại và lâu dài hơn cả ngành y. Sự xuống cấp về đạo đức hiện nay, là một vấn đề chung của xã hội, chứ không phải đơn thuần là của ngành y. Như vậy thì tại sao “y đức” lại được nói và bàn đến nhiều thế? Có lẽ là vì sức khỏe là mối quan tâm trực tiếp và trước mắt của hầu hết mọi người.

Xin không bàn thêm về “y đức” nữa.  Tôi muốn nêu một số ý kiến về sự “xuống cấp” của vị thế và hình ảnh của người bác sĩ trong xã hội ngày nay.

Nếu muốn tìm hiểu nguyên nhân này, chúng ta cần đi ngược lại để phân tích sự thay đổi của các yếu tố chính góp phần vào sự hình thành nên vị thế và hình ảnh của người bác sĩ trong xã hội như đã nêu ở trên, bao gồm (1) tiềm năng và nỗ lực bản thân, (2) quá trình đào tạo và (3) sự phản hồi từ xã hội và người bệnh.

Theo lời kể của những người thầy đi trước, các trường y ở Việt nam trước đây thường chỉ đào tạo mỗi năm trung bình trên dưới 100 bác sĩ với cơ sở vật chất khá đầy đủ. Sự chọn lọc sinh viên y khoa là khá gắt gao. Sinh viên được tuyển chọn phải là những học sinh xuất sắc, có nền tảng tốt về giáo dục và văn hóa. Các giáo sư, thầy cô là những người nhiều kinh nghiệm và nhiều người trong số họ được xem là trí thức lớn trong xã hội. Môi trường y khoa và bệnh viện là môi trường mà vị thế của người sinh viên y khoa và người bác sĩ được đánh giá rất cao. Khi ra trường, người bác sĩ thường có những vị trí làm việc ổn định ở bệnh viện, thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung. Với một nền tảng học vấn, văn hóa tốt và được đào tạo và làm việc trong một môi trường học tập và xã hội như thế, nhiều thế hệ bác sĩ xuất sắc đã ra đời và góp phần củng cố thêm vị thế của người bác sĩ trong xã hội.

Các trường y ở Việt nam bây giờ tuyển sinh ồ ạt, mỗi năm có thể lên đến hơn 500 sinh viên y khoa vào học để trở thành bác sĩ. Việt nam hiện nay có nhiều trường y thuộc loại lớn nhất thế giới, nếu xét về số sinh viên y khoa vào trường hàng năm. Vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu về bác sĩ cho xã hội, chúng ta mở rộng nhiều mức độ tuyển sinh và hình thức đào tạo: chuyên tu, tại chức, cử tuyển, giảm điểm, hạ điểm, ưu tiên… Và như vậy chất lượng đầu vào của sinh viên y khoa bị xuống cấp trầm trọng. Trình độ của các sinh viên có sự chênh lệch rất lớn.

Với số lượng và chất lượng đầu vào như vậy thì chất lượng đào tạo hẳn cũng phải xuống cấp theo. Thầy không đủ về số lượng, chất lượng người thầy cũng là vấn đề, thời gian thầy cô dành cho sinh viên cũng ít. Hàng ngày, sinh viên y khoa còn chứng kiến cảnh người thầy của mình phải bôn ba, chạy vạy để mưu sinh. Điều kiện thực hành sinh viên cũng xuống cấp. Số sinh viên thực tập quá đông, do đó đôi khi sinh viên y khoa trở thành “ám ảnh” đối với các bệnh viện thực hành và bệnh nhân. Từ đó hình ảnh của người sinh viên y khoa cũng dần dần xuống cấp. Bên cạnh đó, các tiêu cực trong xã hội và trong bản thân ngành y cũng ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và sự tôn trọng của sinh viên đối với nghề y mà mình theo đuổi. Đến khi ra trường, nhiều bác sĩ tân khoa không có đủ kiến thức, trình độ, bản lĩnh để đối mặt với nghề y và không ít hoài bão về một nghề cao quí cũng bị thui chột.

 Sau 6 năm đèn sách, tiêu tốn bao nhiêu công sức, tiền bạc của gia đình, cha mẹ, các bác sĩ ra trường lại phải loay hoay đi xin việc. Để xin được việc làm ở một bệnh viện mong muốn, thường phải “chạy chọt”, “gửi gắm” nhiều nơi. Lương khởi điểm của bác sĩ hầu hết đều rất thấp. Gia đình bác sĩ thường phải tiếp tục “bù lỗ” cho khoản đầu tư cho con học làm bác sĩ. Bác sĩ ra trường bắt đầu một công việc căng thẳng, trách nhiệm cao, kỳ vọng của bệnh nhân và xã hội quá nhiều.

Thử suy nghĩ, hai học sinh tốt nghiệp trung học có năng lực và tiềm năng xuất sắc như nhau. Một trở thành sinh viên y khoa, một đi học về một ngành nghề “thời thượng” khác. Một người học trong 4 năm, trong khi học, với quĩ thời gian rộng rãi, đã có thể tìm việc để vừa học vừa làm. Nếu có năng lực, kết quả học tốt và có một số kinh nghiệm trong thời gian là sinh viên, thì ra trường có thể kiếm ngay được một việc làm tốt. Với một nền kinh tế phát triển, năng động và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao như Việt nam, một người giỏi có thể có một vị trí và thu nhập tốt trong vòng 3-5 năm sau khi tốt nghiệp. Người này thường chỉ đi làm đến chiều là có thể về nhà, không phải làm việc cuối tuần, trực gác. Nhờ đó, có thể có nhiều thời gian cho gia đình và nuôi dạy con cái. Ngoài ra, với quĩ thời gian này, người này còn có thể học tập cho việc phát triển nghề nghiệp, giải trí hay tìm cơ hội để đầu tư thêm về tài chính cho gia đình. Trong khi đó, sau 6 năm ra trường, một bác sĩ phải mất ít nhất từ 5-10 năm để có thể giỏi về chuyên môn và được bệnh nhân tin cậy. Mỗi ngày phải làm việc ở bệnh viện, chế độ trực gác, chiều tối và thời gian nghỉ phải tranh thủ làm thêm ở phòng mạch, chạy vạy để cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, phải thường xuyên đối phó với nguy cơ sai sót, tai biến, kiện tụng… Theo tôi không ai muốn mình có một cuộc sống bất thường như vậy. Bạn bè tôi là bác sĩ thường bảo với nhau là làm bác sĩ ở Việt nam sao cực quá!

Con người, không ai không có sai sót. Sai sót trong ngành y là không thể tránh khỏi. Tất cả các kỹ thuật điều trị, ngay cả khi thực hiện đúng vẫn có một tỉ lệ biến chứng, tai biến, không lường trước được. Thật ra, người làm việc ở bất cứ lãnh vực nào, ngành nào cũng đều có thể sai sót. Nhưng một sai sót hay biến chứng trong ngành y có thể dẫn đến hậu quả rất nặng nề. Hầu như không có bác sĩ nào muốn cố ý làm sai hay muốn bệnh nhân của mình bị biến chứng. Họ luôn được dạy và cố gắng học hành để làm đúng và điều trị cho người bệnh.

Không may là trong hoàn cảnh chung là vị thế là hình ảnh của người bác sĩ đang đi xuống trong con mắt của nhiều người trong xã hội, thì đa số các sai sót, biến chứng lại được nhiều phương thông tin đại chúng khai thác triệt để vì nhiều mục đích… Thậm chí một số bệnh nhân công khai dựa vào những điều này để “làm tiền” bác sĩ. Thật nguy hiểm là khi chưa hiểu rõ sự thật, thì hầu hết dư luận đều rất dễ đi đến thống nhất là lỗi ở bác sĩ. Những việc này vô tình dẫn đến là người bác sĩ và người bệnh mất dần niềm tin lẫn nhau. Không ít bệnh nhân hiện nay đến gặp bác sĩ để chữa bệnh với một tâm trạng hoài nghi!

Sắp tới đây, nghe nói là bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ phục vụ ở vùng xa trong thời gian 2 năm trước khi có thể có được một việc làm ở một bệnh viện ở thành phố. Hình như rất ít ngành nghề nào ở Việt nam có qui định này. Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ một người chọn ngành y để học tập và tiếp tục làm việc trong ngành y suốt cuộc đời, trong bối cảnh xã hội hiện nay, đã là một sự hi sinh lớn cho nghề nghiệp rồi. Nhiều bác sĩ ra trường đã phải bỏ dỡ sự nghiệp vì không chịu được qui luật quá khắt khe của nghề y như hiện nay, hoặc trước áp lực của cuộc sống họ không đủ can đảm để tiếp tục theo đuổi nghề y để đến một lúc chợt nhận ra là hình như mình không còn “y đức”!

Không phủ nhận là chúng ta vẫn có đó những cá nhân xuất sắc của ngành y dù trong điều kiện khó khăn, vẫn còn những người tài năng, bản lĩnh, đang hy sinh và tận tụy với nghề y. Nhưng đó là một số ít, thậm chí là quá hiếm hoi trong nhiều ngàn bác sĩ ra trường mỗi năm ở Việt nam.

Rõ ràng, nếu bình tĩnh và nhìn lại chúng ta dễ dàng thấy rằng tất cả những yếu tố để giúp hình thành đạo đức, tài năng, vị thế và hình ảnh người bác sĩ mà xã hội mong đợi và kì vọng đã và đang bị xuống cấp một cách nghiêm trọng và hình như chưa có điểm dừng. Vậy thì chúng ta cần làm gì để vực dậy một nghề y cao quí, một bản lĩnh nghề nghiệp và vị thế cho người bác sĩ để đáp ứng với sự phát triển và kỳ vọng của xã hội? Phải chăng chỉ là những khẩu hiệu, lời kêu gọi, qui định, luật lệ hoặc là đơn giản là bổ sung một số tiết học về y đức trong trường y?!


NỖI LÒNG CỦA MỘT BÁC SỸ TRẺ



Đọc các ý kiến tham gia Diễn đàn Dân trí về tình trạng xuống cấp của y đức, bản thân tôi là sinh viên y mới tốt nghiệp, sắp trở thành một cán bộ y tế thực thụ cũng rất đau lòng. Là những thầy thuốc trẻ tuổi, chúng tôi luôn tâm niệm làm thế nào để phục vụ bệnh nhân tốt, nhưng...

Tôi nghĩ rằng trong cơ chế thị trường hiện nay, cũng có thể coi sức khoẻ là hàng hoá đặc biệt mà người bán là các thầy thuốc, còn người mua là bệnh nhân. Người bán hiện nay thì còn ít mà người mua thì rất nhiều. Do đó dễ sinh ra những hiện tượng tiêu cực.

Trong tình trạng hầu như bệnh viện nào cũng quá tải, thầy thuốc phải làm việc căng thẳng, áp lực cao thì việc đối xử của thầy thuốc làm bệnh nhân không vừa lòng là điều dễ xảy ra. Nếu có một đợt vận động nào đó nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và y đức của người thầy thuốc thì cũng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy.

Tôi nhớ hồi  đi thực tập tại một bệnh viện thì có đợt kiểm tra của thanh tra Bộ Y tế về. Đáng lẽ nếu như muốn kiểm tra nghiêm túc thì giả dạng làm bệnh nhân hay cứ đến đột xuất thì sẽ biết rõ sự thật, đằng này đoàn thanh tra báo trước cho bệnh viện gần cả tháng. Và để đối phó, bệnh viện này chọn 3 khoa tiêu biểu để giới thiệu với đoàn thanh tra.

Tôi đang thưc tập ở khoa được kiểm tra. Họ nhắc sinh viên chúng tôi mặc áo blu, đội mũ, đeo khẩu trang cẩn thận; các cô y tá đi dặn dò các bệnh nhân “khi đoàn thanh tra xuống hỏi: các bác sỹ ở đây thế nào, các cô chú nói là rất nhiệt tình với bênh nhân”. Sau khi kiểm tra lấy lệ, nghe đâu đoàn thanh tra được mời tới một nhà hàng sang trọng để ăn trưa. Cách kiểm tra như vậy thì làm sao biết rõ sự thật tình trạng hoạt động của bệnh viện?

Còn chuyện mua chỗ làm ở các bệnh viện thì tôi dám khẳng định là hoàn toàn có thật. Biết tôi mới ra trường, có người đã gặp và nói thẳng: Ở bệnh viện này bác sĩ muốn vào thì phải 50 triệu, còn y tá thì  30 triệu.Tôi nộp đơn vào một bệnh viện khác, họ cũng đặt vấn đề muốn về khoa nào cũng được miễn là có 30 triệu là xong.

Thiết nghĩ chúng tôi thi vào ngành y đã là rất khó, học tập vất vả 6 năm, đến khi ra trường, muốn kiếm một chỗ làm lại phải đút tiền thì ra làm sao. Tôi bất bình quá và nhất quyết sẽ không tiến thân bằng con đương ấy. Xin hãy hiểu cho tâm trạng những ngưòi thầy thuốc trẻ như chúng tôi. Chúng tôi muốn tiến thân bằng con đuòng chân chính và tự khẳng định mình bằng năng lực có thật  chứ không phải bằng đồng tiền!

Bệnh viện của chúng ta lẽ ra phải mở rộng cánh cửa đón nhận những người thầy thuốc mới ra trường và có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc. Tôi không hiểu tại sao trong khi bác sĩ ở bệnh viện thì thiếu, phải làm việc quá tải, nhưng bác sĩ mới ra trường lại phải đút lót tiền mới tìm được chỗ làm việc. Nghịch lý ấy vẫn đang tồn tại là do đâu?

Trên đây, tôi đã trình bầy những điều được mắt thấy, tai nghe, rất mong rằng ông tân Bộ trưởng Y tế  có những cải cách thật sự trong cơ chế quản lý ngành y tế nói chung và bệnh viện nói riêng để đáp ứng đúng lòng mong mỏi của nhân dân ta. Bản thân những bác sỹ trẻ như chúng tôi luôn muốn được cống hiến hết sức mình để phục vụ người bệnh, và được hưởng thành quả lao động do chính mình làm ra.


GIÀU NGHÈO, ĐỜI BÁC SĨ


Có những bác sĩ mỗi tháng bỏ túi hàng trăm triệu đồng từ tiền “chạy sô” đi mổ, từ tiền “hoa hồng” kê toa cho các hãng dược, sống vinh hoa với nhà cao xe xịn. Nhưng cũng có những bác sĩ lương không đủ nuôi sống chính mình, chôn chân ở mỗi ca mổ từ 5 đến 10 tiếng đồng hồ với đồng tiền công bèo bọt…


 Bài 1: Lương y mặc cảm vì lương


Phần lớn bác sỹ ngoại khoa đang phải vật lộn từng ngày để kiếm cơm nuôi gia đình trong cơn bão giá. Nhìn vào bảng lương của họ, không khỏi giật mình: Bác sĩ nghèo đến thế ư?

Có tiếng, nhưng miếng nơi đâu?

Sau 6 năm ra trường với tấm bằng bác sĩ đa khoa, bác sĩ Lê Đức Định Miên đang công tác ở khoa Ngoại thần kinh bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương phải mất thêm 2 năm đi học sơ bộ và thêm 2 năm nữa theo học chuyên khoa. Như vậy, để vào nghề với tư cách một bác sĩ ngoại mổ xẻ thành thạo phải mất 10 năm để củng cố chuyên môn.

Sau gần 10 năm công tác, hiện nay lương mỗi tháng của bác sĩ Miên chưa tới 4 triệu đồng/tháng. Cầm bảng lương, vị bác sĩ trẻ, rầu rĩ: “Đi đâu ai cũng trầm trồ bảo lương bác sĩ cao ngất ngưỡng, giàu lắm!”.

Nói số tiền trên là lương nhưng thực ra theo tính toán của bác sĩ Miên ngoài mức lương được hưởng theo hệ số khoảng 3 triệu đồng, số tiền còn lại là tiền trực đêm và tiền mổ mới được 4 triệu đồng. “Bác sĩ ở khoa tôi ai cũng sàn sàn như nhau, ai cũng mong được đóng thuế thu nhập” – bác sĩ Miên cười nói.

Nếu không giảng dạy thêm ở ĐH Y Dược TPHCM, có lẽ bác sĩ Phạm Anh Tuấn, hiện là phó khoa Ngoại thần kinh, BV Nguyễn Tri Phương cũng phải chật vật với cuộc sống chăm lo hai con nhỏ. Bác sĩ Tuấn cho biết, hiện tại lương của phó khoa ở BV Nguyễn Tri Phương của anh chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, làm được một năm ở khoa Nội tổng quát – BV đa khoa tỉnh Long An, bác sĩ Anh xin đi học nội trú tại Trường ĐH Y Dược TPHCM mong củng cố chuyên môn trong công việc. Quá trình đi học kéo dài 3 năm, vị bác sĩ trẻ bắt đầu quay lại như thời sinh viên khi phải thuê phòng trọ, ăn cơm bụi… và mọi thứ sinh hoạt đều một tay cô vợ ở quê đỡ đần.

“Đi học nên không có lương, tiền trực, tiền làm ngoài giờ đều không có, nhờ vào vợ là chính. Ai cũng nghĩ bác sĩ giàu lắm nhưng những người trong cuộc như tôi mới hiểu thôi”- Anh chia sẻ. Thi vào được đại học y dược điểm cũng chót vót, học 6 năm, nhưng không giống như mọi ngành, đa số bác sĩ khi ra trường muốn vào viện phải trải qua ít nhất một năm làm việc không lương.

“Cái tiếng của bác sĩ nghe to tát lắm nhưng miếng thì ở đâu đâu. Tụi tui bám với bệnh viện, bám nghề vì yêu nghề, yêu bệnh nhân nên đôi khi chẳng màng đến “cái miếng” làm gì. Nhưng lắm lúc cảm thấy tủi phận, buồn bã cho công việc gắn đầy trách nhiệm như mình. Vậy mà vẫn không thể sống nổi bằng lương”- bác sĩ Lê Tuấn Anh công tác ở BV Nguyễn Trãi cho biết.

Gần 8 năm học xong nội trú, bác sĩ T. P.H ký hợp đồng với Đại học Y Dược TPHCM làm giảng viên của trường cho đến nay. Cứ tưởng giảng viên sẽ rủng rỉnh tiền. Nhưng, liệt kê của bác sĩ P. khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

“Từ khi làm việc ở đây, hệ số lương của tôi là 2,67, tiền trường hỗ trợ cơm trưa 300 ngàn đồng, về phía bệnh viện tôi được hỗ trợ 640 ngàn đồng/ tháng cho bác sĩ nhà trường có bằng chuyên khoa 1, tiền phụ mổ 500 ngàn đồng/tháng, tiền trực 180 – 200 ngàn/tháng. Nếu có lễ tết tôi được thưởng bằng 1/2 nhân viên bệnh viện. Tổng cộng tôi có khoảng 3,5 triệu đồng/tháng”- bác sĩ H. cho biết

Tôi thử hỏi làm việc ở thành phố lớn nhất nước, khi mà mọi thứ đều tăng giá ào ào thì số lương này có đủ hay không?- bác sĩ H. hỏi lại tôi. Đó là thời điểm mà bác sĩ H. chưa có vợ con. “Tôi chẳng dám nghĩ tương lai sẽ ra sao nếu cưới vợ và nuôi con”- bác sĩ H. nói.

Năm giờ đứng mổ đủ ăn… bát phở!

Cùng học chung từ phổ thông với bác sĩ Đặng Văn Phú, công tác ở BV đa khoa Thủ Đức nhưng những người bạn ra trường từ các ngành kinh tế, bách khoa… mỗi tháng đi làm thu nhập hàng chục triệu đồng, xây nhà mua xe không chỉ cho mình mà cả người thân. Vậy mà 15 năm lặn lội với nghề cứu người, bác sĩ Phú vẫn không tìm nổi cho mình mảnh đất cắm dùi ở thành phố.

Là một bác sĩ chuyên phẫu thuật nhưng theo anh tiền công mỗi ca mổ cũng chả đáng là bao, chỉ đủ ăn sáng, cà phê. Mỗi ca mổ nghe bác sĩ kiếm được tiền triệu?- tôi hỏi. Bác sĩ Phú nhếch mép cười: “Vài triệu cũng có nhưng ở bệnh viện tư, mổ dịch vụ, còn bác sĩ bệnh viện công đứng mổ 5 tiếng chỉ đủ ăn bát phở ngon ngon”.
“Đối với tôi, tiền lương là một gánh nặng nhưng tôi vẫn không can đảm rời bỏ công việc của một lương y cứu người. Có lẽ vì tôi quá yêu nó”- bác sĩ Phú bộc bạch. Có những lúc gặp lại bạn bè, tôi cảm thấy mặc cảm và buồn vì thu nhập của mình. Nhưng tôi nghĩ yêu nghề thì vượt qua được thôi, không có nghề nào giống nghề nào.


Ngành y rất đặc thù gắn với trách nhiệm cao nhưng lương của bác sĩ vẫn bị coi không hợp lý

 

 

Gần 13 năm làm ở khoa Vi phẫu, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng đã trở thành một tay mổ chi, nối ghép mạch máu có tiếng ở TPHCM. Nhưng, ngoài lương hơn 3 triệu đồng/tháng, tiền mổ vi phẫu của anh cũng thấp hơn cả các bác sĩ ngoại khoa thần kinh khác ở bệnh viện công.

Để chứng minh cho tôi, anh Thắng đưa ra bảng lương và bảng tiền mổ. Mỗi ca mổ chính được gần 100 ngàn đồng. Theo anh Thắng mổ một ca đứt lìa cánh tay mất ít nhất 4-8 tiếng đồng hồ và thực hiện các kỹ thuật mổ đều qua kính hiển vi, nhưng bác sĩ mổ chính cũng chỉ nhận được 60.000 đồng.

“Trong các phẫu thuật, vi phẫu được xem là khó khăn nhất bởi ở đó chủ yếu là nối các mạch máu, thần kinh… đòi hỏi sự tập trung, toàn tâm toàn ý, có ca mổ kéo dài 10 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không được tính vào danh mục “siêu vi phẫu” cho dù các mạch máu đều nhỏ.

“Có ca nối mạch máu ở ngón tay bị đứt mạch máu chỉ 0,75mml nhưng theo quy định vẫn không được tính siêu vi phẫu do đó những ca này vẫn được tính cao nhất 65.000 đồng”- bác sĩ Thắng cho biết.

 Mới đây, bác sĩ Thắng và các đồng nghiệp tiến hành ca phẫu thuật có một không hai khi nối ghép 5 ngón tay bị đứt lìa và đứt một phần cánh tay từ 5 giờ chiều hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau nhưng vẫn chỉ nhận được hơn 60.000 đồng.

Một giờ sáng mồng 3 Tết, sau cú gọi của điều dưỡng, bác sĩ Lê Đức Định Miên khoác áo blouse thẳng xuống phòng cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương để hội chẩn cho ca chấn thương sọ não. Sau đó, một cuộc mổ cho bệnh nhân này kéo dài 4 tiếng đồng hồ đến tận sáng. Vẻ mặt mệt mỏi còn in hằn trên mặt các bác sĩ, nhưng nếu ai biết được ca mổ để cứu sống người bệnh đó, mỗi bác sĩ mổ chính chỉ được 45.000 đồng và các bác sĩ phụ mổ chỉ nhận được 35.000 đồng, hẳn nhiều người cảm thông.

Đó là chưa kể những ca làm tiểu phẫu thì chỉ được 20.000 đồng. Bác sĩ Miên chia sẻ, đã xác định theo nghề chắc ai cũng lường trước vất vả, bởi có bệnh nhân mổ cấp cứu là anh em phải vào cuộc ngay, bất kể giờ nào, có khi chưa có miếng cơm lót dạ.

“Lương thấp, tiền mổ chỉ đủ ăn bác phở nếu như không có người thân đỡ đần khó ai trụ nổi với nghề, hoặc “nhảy” qua bệnh viện tư ngay”- bác sĩ Miên chia sẻ.

Bác sĩ Trần Chí Cường- khoa can thiệp nội mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết các kỹ thuật can thiệp mạch máu là vô cùng khó, nhưng tiền công mỗi ca phẫu thuật từ 3-5 tiếng cũng chẳng đáng là bao.

Lê Nguyễn

Bài 2: Vì nghèo nên bác sĩ phải ‘chân trong chân ngoài’

Đồng lương ở bệnh viện công ít ỏi, không đủ sức níu giữ những bác sĩ phải lo cơm áo gạo tiền. Nhiều bác sĩ bám trụ bệnh viện công nhưng tìm mọi cách đứng chân trong chân ngoài.

Lương thấp, chịu nhiều áp lực khiến không ít bác sĩ nhảy việc qua BV tư với chế độ đãi ngộ hấp dẫn

 

Lương thấp, chịu nhiều áp lực khiến không ít bác sĩ nhảy việc qua BV tư với chế độ đãi ngộ hấp dẫn . Ảnh: L.N

 Xoay xở làm thêm

Khi chưa con cái, bác sĩ Anh Thoa ở BV Từ Dũ (TPHCM) chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải xoay xở kiếm tiền. Nhưng khi đứa con đầu lòng được 7 tháng tuổi, chị đành phải gửi con ở nhà người thân để vừa làm chuyên môn ở bệnh viện vừa làm thêm ở một phòng khám sản khoa trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3.

Tan sở chị lại tức tốc phi xe tới phòng khám tư để làm thêm đến 8-9 giờ tối mới về nhà. “Mỗi tháng làm thêm cũng kiếm được gần 5 triệu đồng, cộng với tiền lương ở bệnh viện nữa mới đủ lo cho con cái”- bác sĩ Thoa tiết lộ.

Theo chị chẳng ai muốn phải xoay xở công việc ở bên ngoài nhưng cuộc sống khó khăn nên cũng phải chân trong chân ngoài để kiếm thêm.

Bác sĩ Bình Khang – Phó khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, được xem là cựu trào của bệnh viện với tổng thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng nhưng chừng ấy tiền nuôi cả gia đình với 2 đứa con đang tuổi đi học xem ra chả thấm vào đâu. Vì vậy, nếu không phải đứng mổ cấp cứu, xong việc là bác sĩ Khang chạy về phòng mạch tại gia.

Ngay cả Tiến sĩ Nguyễn Thy Hùng – Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cũng chưa bao giờ chịu nhận lời nhâm nhi với ai trước 8 giờ tối. Bởi, sau khi xong việc ở bệnh viện, ông phải làm thêm ở phòng mạch của mình.

Khi còn đương nhiệm chức Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng vẫn có mặt ở phòng khám riêng đều đặn sau giờ làm việc. Theo ông, ngoài công việc quản lý, phải khám chữa bệnh thêm để kiếm đồng ra đồng vào.

Gần 200 bác sĩ và điều dưỡng viên ở các khoa Cấp cứu, Hồi sức của BV Chợ Rẫy- nơi chịu áp lực nặng nề với thời gian trực dày đặc nhưng thu nhập chỉ đủ sống. Không ít bác sĩ và điều dưỡng viên phải xoay xở làm thêm như đi thay băng, truyền dịch..

Đã gần tuổi 50, nhưng hiện tại thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp của bác sĩ Nguyễn T.X. làm ở khoa Nội thuộc BV quận 7 chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Lương không đủ sống, hai con đang học đại học, bác sĩ X. đành in hẳn tờ rơi với dịch vụ “tiêm thuốc, thay băng, cắt chỉ và truyền dịch tại gia” kèm theo số điện thoại liên lạc, sau đó đi phát cho từng căn hộ, với hy vọng kiếm thêm thu nhập cho cả nhà.

Có hàng trăm cách xoay xở kiếm tiền khi mà lương và các khoản phụ cấp ở bệnh viện chỉ ở mức đủ sống, thậm chí thiếu trước hụt sau.

Dược sĩ Phan Thị Ngọc C. đang quản lý bán hàng cho một công ty dược có văn phòng đại diện ở Việt Nam không ngần ngại cho biết, hầu như các bệnh viện hiện nay đều có bác sĩ làm “cộng tác viên” cho các nhãn hàng thuốc của công ty chị với mức lương từ 1 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.

Khác với các trình dược viên, các bác sĩ này ngồi ở phòng khám và kê toa thuốc cho công ty đồng thời vận động các bác sĩ khác hoặc người bệnh kê và mua thuốc cho công ty là coi như hoàn thành nhiệm vụ.

“Cũng chả ai thích làm chuyện này bởi nếu bệnh viện biết được chẳng hay ho gì, nhưng nếu không làm thì rất khó sống”- dược sĩ C. nói – “Người ta nói bác sĩ giàu nhưng theo tôi đó chỉ là số ít. Hoặc là họ giàu từ gốc, khi họ đã có tên tuổi lớn… còn lại nếu ăn lương bệnh viện chắc khó ai mua được nhà, xe hơi”.

Nhảy việc và hai chóp

Sau 6 năm công tác ở khoa Chấn thương chỉnh hình thuộc BV đa khoa khu vực Củ Chi, bác sĩ Võ T.H. đành nói lời chia tay để lên thành phố đầu quân cho bệnh viện tư nhân Hồng Đức ở quận Gò Vấp với mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp đứng mổ và phụ cấp khác.

So với đồng lương gần 3,5 triệu đồng/tháng trước đó, có lẽ đây là con số mơ ước. “Giờ tôi có vợ và hai con đang tuổi ăn tuổi học, mức lương gần 4 triệu/tháng làm sao chịu nổi”- bác sĩ H. tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng- Tổng giám đốc Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ cho biết, các bác sĩ ở hệ thống BV Hoàn Mỹ được trả lương cao nên khi Hoàn Mỹ yêu cầu không ai được mở phòng mạch để tập trung chuyên môn cho bệnh viện, hầu hết bác sĩ không phản ứng. Bác sĩ Nguyễn Đình Phú- Phó giám đốc BV Nhân dân 115 nói rất lo, vì cơ chế hiện nay của bệnh viện khó giữ chân người tài.
 

Mỗi ca mổ như thế này ở BV tư, bác sĩ có thu nhập từ 2-3 triệu đồng, trong khi ở bệnh viện công chỉ chưa tới 100.000 đồng             Ảnh: L.N


 

Cũng như bác sĩ H. sau nhiều năm công tác ở BV Tai Mũi Họng TPHCM, bác sĩ Lê Lợi đành chia tay với bệnh viện này chỉ vì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở thành phố. Lương 3 triệu đồng, cộng với tiền trực, tiền khám ngoài giờ và tiền phụ cấp mổ, mỗi tháng thu nhập của anh chỉ xấp xỉ 4 triệu, trong khi tiền thuê nhà đã 2 triệu đồng/tháng, con nhỏ phải gửi nhà trẻ ngốn thêm 1,5 triệu nữa.

 Vậy là sau mỗi đợt nhận lương, anh còn lại 500.000 đồng. Cuối cùng bác sĩ Lợi nhảy ra làm cho bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.

Bác sĩ Hiếu làm ở Viện Tim Tâm Đức ở quận 7 nói, mỗi tháng một bác sĩ đây thu nhập không dưới 20 triệu đồng. Mỗi đêm bác sĩ trực được hưởng từ 400.000-500.000 đồng, trong khi ở các bệnh viện công, mỗi tháng một bác sĩ chỉ được hỗ trợ từ 180.000 – 200.000 đồng.

Chế độ đãi ngộ hấp dẫn từ bệnh viện tư, các phòng khám đa khoa… khiến không ít bác sĩ làm ở bệnh viện công khi đã “đủ lông đủ cánh”, thậm chí vừa mới ra trường cũng không mặn mà với bệnh viện nhà nước.

Nhiều năm làm việc ở BV Nhân dân 115, cuối năm 2010, ba bác sĩ giỏi ở đây đồng loạt nhảy việc sang BV Pháp Việt quận 7 với mức lương hơn 1.000 USD/tháng. Có bác sĩ được bệnh viện này mời chào như ông hoàng với mức lương cao còn “khuyến mãi” thêm cho chức trưởng khoa.

“Dòng chảy bác sĩ bệnh viện công sang tư mạnh nhất phải kể đến BV Thống Nhất. Từ năm 2007 đến nay, có gần 200 bác sĩ nhảy việc với nhiều lý do viện ra trong đơn như chuyển công tác về quê, ra riêng làm phòng khám… nhưng thực tế hầu hết đều nhảy việc sang bệnh viện tư.

Bác sĩ Nguyễn Phan T. D.- công tác ở Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, anh đã nhảy sang làm cho bệnh viện An Sinh TPHCM từ hai năm nay.

Theo anh, tại bệnh viện công, mỗi ca phẫu thuật anh chỉ nhận khoảng 30.000 đồng/ca tiền bồi dưỡng, có khi phẫu thuật loại 1(đại phẫu) cũng chỉ được 50.000 đồng/ca với thời gian mổ 4-6 tiếng. Trong khi đó, phẫu thuật tương tự tại bệnh viện tư, được hưởng từ 1-3 triệu đồng/ca. Ngay cả khi hết giờ tranh thủ làm thêm cho phòng khám đa khoa tư nhân, chỉ trong 1-2 tiếng đồng hồ cũng kiếm thêm ít nhất là 300 nghìn đồng.

D. cho biết nhiều bác sĩ không nhảy việc, cũng tranh thủ làm hai chóp: vừa làm cho bệnh viện vừa đứng tên ở phòng khám đa khoa hay ở bệnh viện tư. “Có bác sĩ vừa làm ở bệnh viện nhưng cũng làm cho công ty dược. Tôi nghĩ chẳng ai muốn nhưng họ làm vì thu nhập để nuôi gia đình” – bác sĩ D. nói.

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm- Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, ngoài chuyện nhảy việc ra làm cho các bệnh viện nước ngoài, các bệnh viện tư hoành tráng, một lượng lớn bác sĩ đổ về các phòng khám quốc tế như Medic Care, Victoria Healthcare, International SOS… với mức lương rất cao khiến họ không còn bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền. “Điều này chẳng ai cấm được”- bác sĩ Nghiệm nói.

Nghèo còn gặp eo

T., bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật có tiếng ở BV Bình Dân sau cú kiện tụng kéo dài đã không chịu nổi áp lực của công việc và dư luận đành bỏ về quê sinh sống. Năm 2008, sau một ca phẫu thuật thoát vị bẹn bị biến chứng nhiễm trùng, bệnh nhân tử vong, bác sĩ T. đã rơi vào kiện tụng. Phải chạy vạy người thân để kiếm đủ 300 triệu bồi thường cho gia đình bệnh nhân.

Bác sĩ T. sau đó một thời gian không dám động đến dao mổ, cho dù anh đã đạt đến đỉnh một bác sĩ chuyên khoa có tiếng ở Sài Gòn. Bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng – khoa Vi phẫu BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM nói, có nhiều ngày anh mổ 3 – 4 ca, chủ yếu là nối tay chân, thoát vị đĩa đệm… ca nào cũng khó, nhưng sợ nhất vẫn là kiện tụng từ phía người nhà bệnh nhân.

Ngoài việc bị khiếu kiện do có sự tắc trách của bác sĩ trong quá trình điều trị, không ít thân nhân người bệnh cứ thấy xảy ra chuyện là đâm đơn kiện tụng. Đã có những trường hợp bệnh nhân đưa ra mức đền bù quá sức với bác sĩ như vụ gia đình bệnh nhân đòi Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM bồi thường gần 1,4 tỷ đồng, hay mới đây một Việt kiều Mỹ đòi Bệnh viện Sài Gòn đền bù 85.000 USD vì cho rằng các bác sĩ bệnh viện này đã làm mù mắt của mình.

Bác sĩ Trần C.C cho rằng nếu như những vụ kiện trên không được giải quyết hợp tình hợp lý, bác sĩ không được phân trần đúng sai, không chỉ mình bác sĩ tán gia bại sản mà bệnh viện cũng trở thành con nợ. “Đối với những bệnh viện tư có khi vì danh tiếng mà chịu đền còn bệnh viện công, bác sĩ làm lương không đủ sống thì chỉ có nước… mắc nợ” – bác sĩ Thắng cho biết.

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, mỗi năm Sở Y tế TP thụ lý hàng trăm vụ khiếu nại, tố cáo liên quan bác sĩ. “Ngoài những lá đơn kiện, một số trường hợp, bệnh nhân, thân nhân người bệnh chửi mắng bác sĩ, lợi dụng những rủi ro nghề nghiệp của bác sĩ để trục lợi”- bác sĩ Nghiệm cho biết.

 Bài 3: Bác sĩ “đại gia”

Bên cạnh những bác sĩ lương không đủ sống, có nhiều bác sĩ ngày ngày đến bệnh viện trên những chiếc xe hơi hạng sang, sống trong biệt thự lớn ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền (TPHCM)…

 Kiếm tiền như đùa

Lái chiếc Volkswagen 5 chỗ có giá khoảng 1,8 tỷ đồng đi làm, bác sĩ T. trưởng khoa ở một bệnh viện thuộc Sở Y tế TPHCM làm nhiều đồng nghiệp lé mắt. Nhưng nhiều người vẫn chưa biết, ngoài xe thay đổi xoành xoạch, bác sĩ T. còn sở hữu 2 căn biệt thự ở khu Phú Mỹ Hưng có giá hơn chục tỷ đồng, không ở mà chỉ cho thuê.

Ông không nói về sự giàu có của mình nhưng nhìn cách làm việc và chạy sô mổ xẻ, khám phòng mạch và giảng dạy cho sinh viên y khoa… cũng đủ biết mức thu nhập khủng khiếp mà ông được hưởng. Lương chức danh trưởng khoa theo ông chẳng thấm thía gì (6-7 triệu/tháng), đủ đổ xăng, nhưng mỗi ngày bác sĩ này chạy 5-6 ca mổ chỉnh hình ở các bệnh viện tư, dịch vụ với phí 1,2 đến 2 triệu đồng/ca đủ để ông sống dư dật.

Đó là chưa kể ông còn khám cho hai phòng mạch ngoài giờ, mỗi giờ phí không dưới 500.000 đồng và giảng dạy cho trường Đại học Y Dược TPHCM. Tính sơ sơ, mỗi ngày bác sĩ này thu nhập không dưới 12 triệu đồng.

 Ở bệnh viện Bình Dân, các bác sĩ đàn em luôn thấy bác sĩ C. thoắt ẩn thoắt hiện ở bệnh viện. Bác sĩ C. là trùm chạy sô về mổ nội soi ở TPHCM nên không lúc nào ông rảnh. “Hình như không có ngày nào anh ấy mổ dưới 10 ca ở bệnh viện Bình Dân và các bệnh viện tư nhân”- một bác sĩ công tác cùng ông nói.

Gần như không có thời gian nghỉ, sau mỗi ca mổ, chỉ kịp thay vội áo ngoài rồi chạy thẳng ra chiếc BMW X5 được tài xế chờ sẵn và phóng đến một bệnh viện tư trên đường Trần Huy Liệu để mổ. Xong việc, có khi không kịp lấy tiền, lại lao đi mổ ca khác.

Mỗi ca mổ nội soi ở bệnh viện tư, giá phải trả cho bác sĩ C. ít nhất 1 triệu đồng, có ngày bác sĩ này mổ hơn 10 ca. Chỉ tính tiền mổ mỗi năm bác sĩ này thu nhập từ 2-3 tỷ đồng. Tài xế cho bác sĩ C. nói, anh cũng chạy sô theo nên khi nào bác sĩ C. vào mổ là tranh thủ đi ăn để có sức mà chạy.

Nói về chạy sô phải kể đến bác sĩ H.N ở BV Đại học Y Dược, với mỗi ngày 7-8 ca mổ. Mỗi ca 1 triệu đồng thì mỗi ngày thu nhập cũng đủ gấp đôi lương của các bác sĩ bệnh viện công. Chưa hết, bác sĩ H.N còn là giảng viên và đứng tên quản lý cho một bệnh viện tư với mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng.

Chưa kể tháng nào anh cũng có 2-3 cuộc nói chuyện về sức khỏe, mỗi cuộc chỉ hơn 1 tiếng nhưng được các công ty dược tài trợ 1-2 triệu đồng và hàng chục cuộc hội chẩn khác ở các bệnh viện tư với phí hậu hĩnh. Tính sơ sơ mỗi tháng bác sĩ H.N có thu nhập gần 300 triệu đồng.

Nói về thu nhập khủng của bác sĩ nữ, gần như ai cũng biết đến tên bác sĩ L. ở BV Từ Dũ. Ngoài làm việc ở Từ Dũ, bác sĩ L. là chuyên gia về đỡ đẻ dịch vụ tại các bệnh viện tư, mỗi ca không dưới 2 triệu đồng. Ngày cao điểm, bác sĩ L. đỡ đẻ 5 ca.

Tại phòng mạch của bác sĩ L. chuyên điều trị vô sinh, hiếm muộn và khám phụ khoa, lúc nào cũng nghẹt người trong thời gian từ 17 đến 21 giờ hằng ngày. Mỗi ngày, 300 lượt người khám. Nhẩm tính tiền khám 50.000 đồng, mỗi ngày bác sĩ L. thu nhập 10 triệu đồng, mỗi tháng 300 triệu, chưa kể điều trị vô sinh với các thuốc đặc trị có khi lên tới cả tỷ đồng/tháng.

Trong khi đó, đàn chị là bác sĩ T. ở BV Nhi đồng 2 chạy chiếc Camry 3.5 đời mới sau mỗi lần tan ca từ bệnh viện về phòng khám của mình trên đường Nguyễn Trãi. Phòng mạch của bác sĩ T. nổi tiếng gần 10 năm nay nên khi nào cũng ken cứng bệnh nhi khám từ 5 đến 8 giờ tối. Tính mỗi lần khám giá 30.000 đồng/trẻ, sau 3 tiếng làm việc bác sĩ T. thu về hàng triệu đồng, chưa kể tiền bán thuốc.

Chồng của bác sĩ T. cũng là bác sĩ chuyên khoa gan mật, ngoài làm ở một bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng có phòng mạch tại gia. Bác sĩ này làm ở bệnh viện với mức lương 7 triệu/tháng, còn tư vấn chuyên môn cho 3 phòng khám, bệnh viện tư lớn với lương cố định 15 triệu đồng/ tháng, đồng thời mỗi tháng có thêm 10 triệu đồng từ lương giảng dạy và hàng chục triệu nữa từ chiết khấu dùng thuốc, đi báo cáo, hội thảo cho hãng dược trong và ngoài nước. Tính sơ sơ mỗi tháng ông có thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng.

 Muốn hậu vận giàu, tiền vận phải hy sinh

Để có được những khoản thu nhập khủng ấy, theo các bác sĩ họ phải “trầy da tróc vẩy”, đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí hy sinh nhiều thứ. Bác sĩ T. làm ở bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, nếu như không cày đêm cày ngày thì không thể đủ tiền để nuôi hai con đang du học ở Mỹ! Bác sĩ T. đã trải qua những năm tháng tằn tiện, đầu tư cho học tập, nâng cao chuyên môn, bỏ bê cả chuyện con cái.
“Nhiều người hỏi làm sao tôi có đủ thời gian để mổ cả chục ca mỗi ngày, thu về hàng chục triệu đồng như vậy? Tôi khuyên các bạn đang theo nghề hãy cố học thực giỏi, tạo được uy tín và chuyên môn cao, để trở thành một tay mổ chính thì không khó để làm giàu. Tiền có khi là tất cả, nhưng đừng để tiền đánh cắp y đức của mình.” – Bác sĩ N. phát biểu trên diễn đàn

 

Bao giờ và những ai trong số sinh viên y khoa ngày tốt nghiệp này sẽ thành bác sĩ “đại gia”?

 

 

 

Sau khi đã có tên tuổi trong làng bác sĩ nhi khoa, chị làm việc dễ dàng hơn, ít cạnh tranh hơn và dĩ nhiên thu nhập cũng tăng vọt. “Ngày xưa khi còn đi học chuyên khoa 1 và 2 tôi đã phải vay tiền từ người thân và bệnh viện, chứ lương bác sĩ khó làm được điều gì” – bác sĩ T. tâm sự – “Nhưng nay mọi chuyện đã khác, đây là thời gian để hái trái ngọt”.

Hơn 10 năm chạy sô đi mổ cũng là chừng ấy thời gian bác sĩ C. ở BV Bình Dân không biết đến du lịch, về quê hay những thú vui khác. Thậm chí mỗi buổi sáng, đồ ăn được người giúp việc dọn sẵn, ăn xong và đi làm chưa có khoảng thời gian rảnh rỗi để ngồi nhâm nhi cà phê với bạn bè.

Cũng như những bác sĩ danh tiếng khác, bác sĩ C. cày quanh năm suốt tháng. Vì bận bịu kiếm tiền việc giỗ chạp, ma chay… ông phải giao hẳn cho vợ hoặc gửi tiền về quê. Vợ chồng ông cũng không có những ngày du lịch thực sự, thi thoảng nhận được tài trợ của các hãng dược đi báo cáo ông mới tranh thủ cho vợ đi cùng.

Bác sĩ Ng., một trong những bác sĩ phẫu thuật sọ não có tiếng ở TPHCM, đã về hưu, cho biết ngoài nỗ lực làm giàu từ bản thân với y hiệu tạo dựng suốt mấy chục năm, không ít bác sĩ giàu lên từ những khoản thu bất thường, trong đó có tiền hoa hồng kê toa, lôi kéo bệnh nhân ra ngoài mổ dịch vụ…

Trên các diễn đàn y khoa, hàng trăm câu hỏi đều tập trung xin cao kiến “làm sao trở thành một bác sĩ giàu?”. Nhìn vào những khoản thu nhập khổng lồ, sự giàu có của bác sĩ đại gia như xe xịn, nhà cao… không ít bác sĩ mới ra trường và sinh viên y khoa phát thèm.


SUY NGẪM VỀ NGHỀ THẦY THUỐC

Có lẽ chưa một lãnh tụ nào trên thế giới đưa ra lời dạy quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh là quan hệ 'lương y như từ mẫu' như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hải Thượng Lãn Ông cũng nói về nghề thầy thuốc nhưng là kê bảy tội của thầy thuốc trong đó tội thứ bảy là tội dốt. Gam-bi-ơ người Pháp cũng nói 'bất hạnh nhất cho người bệnh là gặp phải người thầy thuốc dốt chữa bệnh cho mình'. Chính vì vậy, lời khuyên bảo của Bác vừa nhân ái, vừa sâu sắc lại dễ hiểu, vì muốn làm mẹ hiền thì một trong những tiêu chí quan trọng phải là thầy thuốc giỏi. Khi Bác nói thương yêu người bệnh như 'mẹ hiền thương con' thì đó là chữ Nhân của người thầy thuốc phải đứng lên hàng đầu. Đó chính là sự đúc kết sau khi Người đã đi chiêm nghiệm ở khắp năm châu, chứng kiến được nhiều cuộc đời đau khổ của những người vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, Người đã đúc kết lại và nêu được hình tượng cho ngành y tế Việt Nam là 'lương y như từ mẫu'. Nghề y là nghề 'đặc biệt', có thể nói nó là 'dây chuyền công nghệ cao' vì tính mạng con người khâu nào cũng quan trọng, nên tất cả phải đoàn kết một lòng. Bác dạy: 'Từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân...'. Lời Bác nhắc nhở để mỗi người thầy thuốc chúng ta không thể quên tính quan trọng hàng đầu của bài học đoàn kết, trong công việc và thủ trưởng phải quý trọng nhân viên đồng nghiệp mới làm nên chuyện lớn được...

Tôi còn nhớ như in kỷ niệm ngày tháng 7-1954, chúng tôi tập trung tại một hội trường rất lớn ở Thái Nguyên sau chiến dịch Điện Biên Phủ để chỉnh huấn tham gia cải cách ruộng đất, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ. Các học viên được chia làm hai nhóm: Một nhóm đi tham gia cải cách ruộng đất, nhóm còn lại đi tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào trước 10 ngày chuẩn bị cho Chính phủ và quân đội chính thức vào tiếp quản Thủ đô. Bác Hồ đến nói chuyện và chỉ đồng hồ trên tay và nói nhiệm vụ của đồng hồ: 'kim giờ, kim phút, kim giây đều quan trọng như nhau nên việc tiếp quản Thủ đô cũng quan trọng và cải cách ruộng đất cũng quan trọng miễn là làm gì cũng hoàn thành nhiệm vụ...'. Câu chuyện đơn giản nhưng ý nghĩa sâu sắc của nó thấm vào tâm trí chúng tôi rất lâu dài về chung sức, chung lòng, đoàn kết mới hoàn thành nhiệm vụ.

Bây giờ nền kinh tế thị trường phát triển, khoa học - kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, nền y học ngày càng tiên tiến, nhưng bảo hiểm y tế bắt buộc theo không kịp và thu nhập đầu người còn thấp lại không có bảo hiểm thương mại nên người nghèo tuy có rất nhiều chính sách bảo đảm nhưng vẫn còn thiệt thòi trong việc hưởng dịch vụ kỹ thuật cao và chưa được đối xử nhân ái của một con người lúc hoạn nạn bệnh tật, mỗi một người thầy thuốc nên suy ngẫm lời khuyên của Bác Hồ, hãy cố gắng vượt bậc để cho chữ 'tâm' luôn luôn sáng khi nghĩ về người bệnh.

Một trong những bộ mặt sáng đẹp của y học, y tế Việt Nam chính là do thành tựu của y học dự phòng biểu hiện tiêm chủng mở rộng thành công đạt từ 80 đến 90% vào năm 1990, bất chấp khủng hoảng kinh tế xã hội 1988, và duy trì cho đến nay. Chúng ta đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; 15 năm phấn đấu đã loại trừ uốn ván sơ sinh 100% các huyện trên toàn quốc và đương phấn đấu loại trừ bệnh sởi. Thành tựu phòng, chống sốt rét cũng rất đáng tự hào; Dịch tiêu chảy cấp không có tử vong và khi có bệnh được điều trị nội trú miễn phí. Trong 10 năm đầu thế kỷ 21, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật y tế phát triển mạnh như: Hỗ trợ sinh sản, ung thư, các bệnh về tim mạch, máu... được đưa vào chữa, điều trị cho người bệnh đạt nhiều kết quả cao. Y học - y tế phục vụ chiến tranh nhân dân qua 30 năm chiến tranh giành độc lập là kinh nghiệm trường kỳ vừa xây dựng vừa phục vụ có một không hai trên thế giới về thời gian và xuất phát từ không thành có.

Tuy nhiên, vẫn còn có những điều ngành y tế chúng ta làm chưa thật tốt, như việc kết hợp điều trị đông, tây y cho người bệnh, tìm những nguồn dược liệu cây con làm thuốc từ nguồn bản địa (thí dụ: cây thanh hao hoa vàng chiết xuất ra artesiminin khống chế được sốt rét do Plasmodium kháng thuốc đủ dùng trong nước; phát huy chữa bệnh không dùng thuốc như tác động cột sống tăng lượng sữa và chữa tắc sữa...). Có làm như vậy thì y học Việt Nam mới có chỗ đứng trong y học quốc tế và đậm nét nền y học Việt Nam.

Nghề y không thể coi là một ngành kinh doanh, một mũi nhọn kinh tế, vì nếu như thế người ta sẽ nghĩ đến việc khai thác tối đa lợi nhuận trên sức khỏe con người! Người thầy thuốc thường mất ăn mất ngủ trước một ca bệnh lý, thường bứt rứt ăn năn dài lâu trước một lỡ lầm đôi khi không sao tránh khỏi trong lúc hành nghề. Xã hội cần tôn trọng và đánh giá đúng sự đóng góp của người thầy thuốc để giúp họ sống xứng đáng với vai trò, chức năng mà xã hội đã giao phó.




Kế hoạch cuộc đời lập thế nào để luôn thành công
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc lần đầu cực hữu ích
Cách tạo CV ấn tượng để nhà tuyển dụng chọn bạn
Kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên nhân sự
Chuẩn bị gì khi đi xin việc
Làm việc ở công ty nhỏ được và mất!






(st)




Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
sau khi học 6 năm ngành bác sĩ y học dự phòng ,em muốn trở thành một bác sĩ chuyên khoa nhi thì em cần làm gì ,cần phài học thêm bao nhiêu năm nữa?
hơn 1 tháng trước - Thích (4) - Trả lời
Cái này mình cũng chịu rồi. Phải hỏi phòng đào tạo thôi
tiền lương bác sĩ y học cổ truyền là bao nhiêu
hơn 1 tháng trước - Thích - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý