Kinh nghiệm học lái xe ở Úc

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Kinh nghiệm học lái xe ở Úc

19/04/2015 04:52 AM
243

Kinh nghiệm học lái xe ở Úc hữu ích cho bạn. Cùng tham khảo ngay nếu có ý định sang đất nước "chuột túi" nhé


Khác với Việt Nam, biển chỉ dẫn của Australia rất to, khoảng 500-1000m là có thể biết ngã rẽ tới đi đâu, cần chuyển làn xe chưa. Hiện đang ở địa phận nào. Còn bao nhiêu Km thì có quán ăn, đổ xăng, nghỉ ngơi hay trạm bảo dưỡng xe. Lái xe cứ yên tâm và có kế hoạch trước cho chuyến đi của mình.

Lái xe an toàn là mơ ước của tất cả mọi người ở tất cả các nước trên thế giới. Ở những nước phát triển, đảm bảo điều kiện cho lái xe an toàn càng được ưu tiên và được bảo đảm bằng luật pháp. Dần dần việc tuân thủ luật lệ giao thông đã trở thành thói quen, tạo một nét văn hóa giao thông đô thị.

Là người Việt Nam, nếu bạn sinh ra và lớn lên tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, lại không có điều kiện mục sở thị văn hóa giao thông ở nước ngoài thì có lẽ bạn không quan tâm đến thế nào là an toàn giao thông. Như thế nào là giao thông đúng luật. Điều này thể hiện qua cách đi xe của người thành phố.

Có một người nước ngoài khi nhận xét giao thông Việt Nam đã nói: “Khi có xe máy, người ta đi như xe đạp. Đến khi có ôtô thì người ta lại đi như xe máy”. Quả là không sai. Nói về vấn đề an toàn giao thông của ta thì biết rồi khổ lắm. Tôi cảm thấy may mắn là đã có một thời gian học tập và sinh sống ở nước Australia, ở bên đó người tham gia giao thông luôn có tâm lý rất thoải mái, góp phần quan trọng đảm bảo an toàn giao thông. Nhân dịp đầu năm tôi chỉ xin chia sẻ với các bạn 10 yếu tố giúp có tâm lý tốt cho người tham gia giao thông được an toàn ở nước Australia.

1- Bắt đầu từ học lái xe an toàn: Trước tiên mọi công dân muốn lái xe đều phải học luật (tự học) qua trang web của Cục quản lý đường bộ Australia. Luật của Australia là luật theo tiêu chuẩn quốc tế, rất thực tế và dễ nhớ. Trong đó các điều khoản về an toàn được đánh giá rất cao, khi thi không được sai câu nào liên quan đến an toàn. Sau khi thi luật, nếu đỗ sẽ được cấp bằng L (Learning). Người có bằng L phải trải qua 150 giờ học lái trên đường thực tế, bao gồm ban ngày, đêm, đường cao tốc. Điều đáng nói là học lái xe không cần trường, người nhà có thể dạy cho nhau được. Với người dưới 25 tuổi thì phải chờ 1 năm kể từ khi có bằng L mới được thi bằng lái.

Khi sát hạch xe trên đường thực tế (không có trường thi, sa hình hay xe điện tử, chíp), một giám thị với một thí sinh nhưng vô cùng nghiêm túc, có tới hơn 50% người thi trượt ngay lần đầu. Với những lỗi rất đơn giản là không nhìn trái phải 3 lần qua ngã tư, rẽ trái không quan sát người đi bộ, không thường xuyên nhìn gương hậu. Đi chậm hơn tốc độ yêu cầu. Nếu may mắn thi đỗ thì được cấp bằng P đỏ. Bằng P đỏ bị hạn chế tốc độ 80km/h dù chạy trên đường hạn chế 100km/h. Nồng độ cồn là 0mg/1 lít khí thở, tức là không một giọt bia rượu. Và phải cắm biển P đỏ trên xe cho mọi người biết là dân mới có bằng. Sau 1 năm, nếu không có vi phạm gì, người có bằng P đỏ được thi lấy bằng P xanh, nội dung thi chủ yếu là an toàn. Điều kiện giống P đỏ nhưng được lái đến 90km/h. Tiếp theo 1 năm nữa, nếu không có vi phạm gì sẽ được thi lấy bằng Full. Lúc đó có thể chạy xe với tốc độ quy định trên đường và không phải cắm biển tập lái (P).

Như vậy, để có một tấm bằng Full thì người lái xe đã có rất nhiều kinh nghiệm rồi, kể cả luật lẫn tay lái. Quá trình học và cấp bằng làm cho người lái xe luôn ý thức được lái xe phải an toàn cho mình và người khác nếu muốn có bằng Full.

2- Đường xá và các ngã rẽ:

Ở Australia có tới 70% các tai nạn xảy ra tại ngã rẽ trong đô thị, do vậy ở tất cả các ngã rẽ luôn luôn có một chiều phải nhường đường cho chiều kia, bất kể bên phải hay trái. Thậm chí có biển Stop phải dừng xe quan sát và nhường cho xe kia dù trông thấy từ xa. Các xe chạy trên hướng ưu tiên thường không giảm tốc độ khi qua ngã rẽ vì lái xe tin rằng bên kia phải nhường đường.

Ở những chỗ không có biển nhường đường thì sẽ có vòng xuyến để lái xe bắt buộc giảm tốc độ và nhường đường xe bên phải theo luật.

Đường xá bên Australia là nhỏ, có nơi chỉ một làn xe nhưng ít khi tắc vì không có xe nào lấn làn bên kia hay leo vỉa hè, chen hàng…cứ tuần tự mà đi rồi cũng thoát.

Ngoài ra, có các red light camera ghi hình các xe vượt đèn đỏ nên cũng hạn chế lỗi cho lái xe và hạn chế tai nạn. Các loại camera này được cảnh báo để lái xe biết và có tính phòng ngừa hơn là để cho vi phạm rồi phạt như mình.

3- Dây an toàn, ghế trẻ em

Dây an toàn là bắt buộc, trẻ em dưới 5 tuổi phải có ghế riêng lắp đặt theo tiêu chuẩn. Chỉ 1 người trên xe không cài dây là lái xe bị phạt rất nặng, thậm chí trừ 2 điểm trong 3 năm trên tổng số 12 điểm. Nếu hết điểm thì bị treo bằng, có thể phải thi lại. Theo thống kê, dùng dây an toàn có thể thoát chết tới 70% nếu xảy ra va chạm. Theo luật, cứ lên xe là cài dây an toàn bất kể đi gần hay xa, nhanh hay chậm.

4- Tốc độ lái xe, cảnh báo bắn tốc độ

Tốc độ ảnh hưởng rất nhiều đến nguyên nhân tai nạn. Biển báo tốc độ được cắm theo điều kiện đường và in rõ luôn trên mặt đường để tiện quan sát khi trời tối hoặc biển bị che lấp. Cảnh sát Australia có thể bắn tốc độ bằng xe chuyên dụng trên các tuyến đường tuy nhiên camera tốc độ (speed camera) được dùng rất phổ biến và lắp cố định trên nhiều ngã rẽ và cac tuyến đường cao tốc. Điều đáng nói là cảnh báo có speed camera được thông báo từ xa để lái xe biết mà điều chỉnh tốc độ. Mục đích là hạn chế tốc độ để an toàn cho lái xe. Nếu bị chụp hình lỗi speeding thì bị phạt rất nặng, đặc biệt vào ngày nghỉ lễ có thể mất cả bằng lái trong 3 năm.

Khi lưu thông, các phương tiện (ngoại trừ xe đạp) đều bình đẳng và có hạn chế tốc độ như nhau, góp phần thông thoáng trên đường.

5- Biển báo to và rõ ràng

Khác với Việt Nam, biển chỉ dẫn của Australia rất to, khoảng 500-1000m là có thể biết ngã rẽ tới đi đâu, cần chuyển làn xe chưa. Hiện đang ở địa phận nào. Còn bao nhiêu Km thì có quán ăn, đổ xăng, nghỉ ngơi hay trạm bảo dưỡng xe. Lái xe cứ yên tâm và có kế hoạch trước cho chuyến đi của mình.

6- Nhường đường, xin đường

Một trong những yếu tố quan trọng khi lái xe là phải có tâm nhường đường. Nếu bạn có trẻ em trên xe với tấm biển “Baby on board” thì sẽ có nhiều xe nhường đường cho bạn nếu điều kiện cho phép. Khi hòa nhập vào đường chính bạn cần xin đường bằng xi-nhan hoặc ra hiệu bằng tay. Xe khác sẽ nhường cho bạn, đổi lại bạn thường cảm ơn bằng ánh mắt, cái gật đầu hoặc giơ tay lên gương hậu báo cho xe sau là “thanks a lot”.

7- Vạch sơn cho người đi bộ

Ở những chỗ có vạch sơn cho người đi bộ, khi có người chuẩn bị đi qua tất cả các xe phải dừng lại cho người đi bộ qua, thấy thật an toàn rồi mới lái xe đi tiếp. Đặc biệt vào giờ sáng và chiều tại các khu trường học luôn có người cầm biển ra hiệu cho các xe dừng khi có học sinh đi qua.

8- Dừng đỗ trên đường, bãi xe

Có hai loại biển cấm dừng và cấm đỗ trên các tuyến phố và đường. Tuy nhiên tùy theo loại đường mà có thể chỉ cấm theo giờ cao điểm. Trên biển cấm ghi rõ giờ nên lái xe cứ yên tâm mà đỗ theo giờ được phép.

Các bãi đỗ xe thường là miễn phí, tuy nhiên nếu đỗ tầng 1 thì hạn chế 1 giờ, lên cao thì đỗ lâu hơn hoặc không hạn chế thời gian. Tùy theo nhu cầu lái xe tự chọn chỗ đỗ phù hợp.

9- Cơ quan chức năng và nộp phạt.

Nếu chẳng may bị phạt vì lỗi gì đó bạn sẽ được thông báo về tận nhà, thông báo chi tiết lỗi, mức phạt và các nộp phạt qua mạng như thế nào. Nếu bạn không phục hoặc thấy oan ức thì có thể kiện lại cơ quan gửi phiếu phạt. Trên thực tế người bị phạt thường do thanh tra giao thông chụp ảnh lỗi dừng, đỗ sai quy định hay quá tốc độ nên rất it khi nhầm. Lái xe thường không tiếp xúc với nhân viên giao thông nên cũng bớt ức chế khi bị phạt tại chỗ. Điều này cũng giảm tệ nạn tham nhũng. Ngoài ra không bao giờ có CSGT đứng lấp ló ngã tư, không lo bóng “áo vàng” hay “cây thông” bất ngờ xuất hiện. Cảnh sát Australia không có biên chế CSGT mà chỉ có xe cảnh sát tuần tra xử lý mọi việc, không riêng giao thông. Các tuyến xe bus hay tầu điện có lực lượng an ninh riêng.

10- Hỏng xe trên đường, va chạm giao thông

Bảo hiểm hỗ trợ trên đường là bắt buộc phải có. Nếu không may bị hỏng xe, chỉ cần một cú điện thoại là có xe cứu hộ đến ngay. Thay lốp, hỏng bình acqui hay sửa chữa vặt đều được thực hiện nhanh chóng. Nếu cần bạn có thể yêu cầu kéo xe về gara gần nhất rồi yên tâm về nhà.

Khi va chạm mà không bị thương, các lái xe thường chỉ cần trao đổi thông tin bằng lái là đủ. Việc sửa chữa, đền bù sẽ do các công ty bảo hiểm lo. Còn nếu có thương tích thì chỉ 5 phút sau là có cả chục xe cảnh sát, cứu hỏa, cứu thương đến trợ giúp.

Trên đây là các yếu tố chính tôi quan sát được, còn nhiều yếu tố nữa giúp cho có được tâm lý tốt để lái xe an toàn ở bên Australia nhưng giấy bút có hạn nên tôi xin nêu 10 yếu tố chính. Mong rằng trong tương lai gần các cơ quan chức năng của ta sẽ có những quy định thực tế hơn giúp cho văn hóa giao thông của chúng ta lành mạnh hơn. Đem lại an toàn trên mọi tuyến đường và hạnh phúc cho mọi nhà.



Học lái xe ở Australia

Xe của người tập lái bao giờ cũng phải dán chữ L trên cửa kính xe như thế này. Ảnh: Tam Kiều.

Sau khi nhận bằng lái xe ở Australia, tôi nhận ra rằng giao thông ở xứ sở chuột túi này an toàn, thuận lợi là do đường sá thoáng rộng, biển báo rõ ràng, luật giao thông chặt chẽ, chi tiết, thiết thực, và nhất là cho khâu... học lái xe.

Theo giới thiệu của bạn bè, tôi liên lạc với Andy Tứ, một người người Australia gốc Việt chuyên dạy lái. Buổi đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên khi Andy bảo tôi ngồi vào sau tay lái, chỉnh gương, chỉnh ghế ngồi, thắt dây an toàn, giải thích một lượt nhanh chóng về cách nổ máy, bật đèn xin đường, phanh, cần số... rồi bình thản nói: "Chị lái xe đi".

Tôi rất bối rối vì tuy đang ở đường nhỏ, nhưng cũng vẫn có khá nhiều xe đang lăn bánh. Cố nhớ lại những gì đã đọc và những hướng dẫn chóng vánh vừa rồi, tôi từ từ cho xe bò ra đường, trong lòng đầy lo âu và căng thẳng. Nhưng thật lạ là tất cả các xe xung quanh đều rất kiên nhẫn đi thật chậm và cách xa xe tôi, thậm chí có xe còn dừng hẳn lại, chờ cho tôi loay hoay tiến ra đường xong xuôi rồi mới đi tiếp.

Lái như rùa bò đến cuối đoạn đường nhỏ, tôi tấp xe vào vệ đường theo yêu cầu của Andy. "Chị chưa từng học lái bao giờ phải không? Chúng ta sẽ học từ đầu. Nếu học theo buổi sẽ là 50 đô/h, nếu học cho đến lúc thi đỗ bằng P1 là 1.800 đô". Tất cả đều rất rõ ràng, sòng phẳng và nhanh chóng. Tôi chọn cách học thứ hai mà người Việt ở đây vẫn gọi là học bao bằng. Nhưng còn có cách học khác rẻ hơn rất nhiều.

Qua giải thích của Andy, tôi mới biết hóa ra ai cũng có thể dạy lái xe ở Australia, miễn có bằng Full, nghĩa là đã hoàn tất các bằng lái lần lượt từ bằng L, rồi P1, P2. Thời hạn tối thiểu để học lái là 6 tháng với 75 giờ học chạy xe trực tiếp ngoài đường trong mọi tình huống, thời tiết. Với người dưới 25 tuổi thì thời hạn này là 12 tháng. Vì thế để tiết kiệm tiền và thời gian, mọi người trong nhà thường tự dạy nhau lái xe, sau khi đã tương đối thành thạo mới nhờ những người như Andy dạy bổ sung vài buổi và chấm thi. Tất cả hết khoảng 400 đô và chỉ 400 đô, không bao giờ có chuyện phải phong bì cho thày hay mời thày đi ăn trưa hoặc uống nước.

Như tôi không có người thân dạy lái hoặc con cái có cha mẹ quá bận bịu thì có thể học từ đầu với người dạy lái tư hoặc đăng ký học tại các trường dạy lái. Giá cả ở các trường có đắt hơn một chút, khoảng 60 đô/h. Khi học lái bao giờ cũng phải mang theo bằng L và dán ở kính trước, kính sau 2 chữ L màu đen trên nền giấy vàng theo đúng kích cỡ qui định. Người đi đường thấy các xe như thế đều hiểu là xe đang học lái, đều tạo điều kiện thuận lợi bằng cách nhường đường như với tôi trong ngày học đầu tiên. Ngược lại, người mới học cũng phải tuân thủ tuyệt đối những qui định bắt buộc với bằng L, nếu không sẽ bị phạt rất nặng. Ví dụ không dán chữ L lên kính xe sẽ bị phạt 250 đô, 2 lần như thế sẽ phải thi lại bằng L.

Suốt 6 tháng trời, mỗi tuần 2 buổi, Andy lái chiếc Honda Civic mới cứng đến nhà, đến trường hoặc đến bất cứ đâu mà tôi hẹn trước để dạy tôi lái. Mới đầu là đường nhỏ, rồi đường chính, giờ vắng xe rồi giờ tan tầm, lúc trời khô ráo rồi khi mưa trơn, ngày rồi đêm, đường thẳng rồi đường uốn lượn lên đồi, xuống dốc, vào các siêu thị nhỏ vắng vẻ rồi đến các trung tâm mua sắm lớn, đông đúc nhộn nhịp để học cách đỗ xe, Andy rất kiên nhẫn và tận tình hướng dẫn. Một thày, một trò, một xe nên tôi có thể tận dụng được hết thời gian của buổi học.

Căng thẳng nhất lại là những lúc lái qua các trường học đầu buổi sáng và cuối chiều. Tốc độ bắt buộc lúc này là 25km/h và tuyệt đối dừng xe khi có tín hiệu nhường đường dù các cô cậu học trò còn đang tít đằng xa. Xe cảnh sát có gắn camera đo tốc độ đứng đầy các khu vực này, chỉ cần vượt quá tốc độ cho phép chút thôi là tôi nhận ngay một phiếu phạt với số tiền khá lớn hoặc thậm chí bị dừng học lái vài tháng.

Sau mỗi buổi học, Andy và tôi đều cùng ký vào cuốn nhật ký học lái, ghi ngày giờ và nội dung học. Cứ như thế cho tới khi cảm thấy hoàn toàn yên tâm về tay lái của tôi, Andy dẫn tôi đi đăng ký thi lấy bằng P1. Andy cũng là người chấm thi luôn. Nếu tôi có chút “tư túi” để Andy nương tay cho qua thì sau này, khi tôi lái xe và xảy ra bất cứ chuyện gì trên đường, chính Andy phải có phần chịu trách nhiệm và bị phạt không hề nhẹ. Bởi thế, người người dạy và chấm thi lái xe phải nhận thấy người học thực sự vững tay lái thì mới tính điểm. Đạt 85% số điểm là thì đỗ. Thời điểm thi được tự lựa chọn nên tôi hoàn toàn chủ động và thoải mái. Tôi được 15 phút lái xe lòng vòng để lấy lại tinh thần và quen tay. Sau đó là các bài thi theo qui định... nói chung tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng vì đó đều là những tình huống tôi đã tập dượt nhiều lần.

Tôi thi đỗ và mang tấm giấy xác nhận của Andy cùng cuốn Nhật ký học lái tới Trung tâm phục vụ lái xe. Cô lễ tân nhanh chóng tìm thấy mọi thông tin về tôi cũng như về Andy trên máy tính. Hai phút sau, tôi có chứng nhận được lái xe một mình ngoài đường không cần người giám sát. Người đi đường cũng sẽ lịch sự nhường đường cho tôi với chữ P màu đỏ dán trên 2 kính xe của người vừa nhận bằng lái.

Thỉnh thoảng, sở giao thông lại gửi đến tận nhà tôi một lá thư nhắc lại những qui định khắt khe dành cho người có bằng P1, nhắc tôi các mức phạt với từng tình huống nếu tôi vi phạm cũng như chúc tôi lái xe an toàn và thi đỗ bằng P2 sau một năm theo qui định. Khi đó tôi sẽ phải thi lái xe trên màn hình máy tính, y như trò chơi điện tử. Có bằng P2, tôi sẽ không phải còn phải dán chữ P trên kính xe, nhưng vẫn còn những ràng buộc về tốc độ lái. Thêm 6 tháng nữa, nếu không vi phạm hay bị phạt gì, tôi mới được nhận bằng Full và có thể dạy lái xe cho người khác




Có nên cho con đi du học?
Thủ tục đăng ký kết hôn với người Úc
Kinh nghiệm phỏng vấn đi Mỹ
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng Úc
Kinh nghiệm học và thi IELTS hữu ích



(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý