Kinh nghiệm học ở Mỹ hữu ích cho bạn

seminoon seminoon @seminoon

Kinh nghiệm học ở Mỹ hữu ích cho bạn

19/04/2015 04:52 AM
150

Giáo dục ở Mỹ đòi hỏi cao, tuy khó nhưng không phải là không đạt được thành công. Muốn có được một tấm bằng bạn phải có trong tâm hai chữ kiên trì và siêng năng. Cùng tham khảo kinh nghiệm học ở Mỹ hữu ích cho bạn dưới đây nhé





Tùy mỗi ngành nghề và cách học của mỗi người, tuy nhiên tôi có một vài kinh nghiệm trong việc học ở Mỹ mà những năm ngồi ghế giảng đường ở Mỹ tôi đúc kết được. Xin được chia sẻ và cũng mong nhận được những chìa khóa khác ở các bạn là sinh viên đang học ở Mỹ như tôi.

Giáo dục ở Mỹ đòi hỏi cao, tuy khó nhưng không phải là không đạt được thành công. Muốn có được một tấm bằng bạn phải có trong tâm hai chữ kiên trì và siêng năng. Mà muốn có được hai đức tính này thì bạn phải có một động lực thúc đẩy mạnh mẽ là học vì tương lai của mình, học vì sợ đói nghèo (nếu như bạn nghĩ là học được thì học, không học vô cũng đâu có sao vì bố mẹ là đại gia, tiền bạc và danh tiếng có thừa sẽ bao bọc được bạn thì tôi miễn bàn với những trường hợp này). Bạn phải có sự quyết tâm cao độ để “chiến đấu” thì bạn mới chống chèo được.

Ở những năm đầu bạn sẽ vất vả về khả năng nghe của mình. Sinh viên Việt Nam chúng ta đa số viết khá nhưng nói và nghe không khá lắm. Cũng dễ hiểu vì bạn đang ở Mỹ sẽ nghe nhiều từ chuyên ngành, kiểu cách nói khác nhau, giáo viên người thì nói nhanh, rõ, người thì nói nhỏ, và sinh viên Mỹ thì nói nhanh lướt chữ dùng nhiều từ lóng nên bạn sẽ vất vả đấy. Khi đó quyển sách là người bạn vô cùng thân thiết, tôi thường đọc bài trước nắm được ý chính, vào lớp nghe giáo viên họ giảng chú ý cách phát âm những từ chuyên ngành, dùng từ của họ, do có đọc bài trước nên bạn sẽ có được vốn từ mới trong bài và sẽ hiểu được những ý phát triển mà giáo viên họ giảng. Nếu như vì một lý do nào đó bạn không đọc trước bài kịp thì ngồi nghe như “vịt nghe sấm” vậy, hoặc hiểu rất ít, thì bạn có thể dùng máy ghi âm ghi lại lời giáo viên nói (trường học họ cho phép). Tôi xin mở ngoặc nói riêng về khả năng sinh ngữ, một thời gian sau, bạn nghe quen, đến một lúc nào đó tỷ lệ phần trăm bạn nghe hiểu nhiều khi giáo viên nói là chuyện bình thường, nhưng khi bạn nghe hiểu hết được sinh viên Mỹ nói chuyện thì trình độ tiếng Anh của bạn lúc đó rất rất khá. Yên tâm đó là vấn đề thời gian sẽ luyện cái tai của bạn.

Sau khi tôi đọc xong bài thì tôi tự ngồi viết lại tất cả những kiến thức quan trọng mà tôi hiểu (take note). Và làm bài tập, thường thì giáo viên cho làm bài số chẵn (hoặc số lẽ) tôi thì làm tất cả, đôi khi chừa lại vài bài để đến gần ngày có exam thì làm để nhớ kiến thức. Khi làm xong bài tập tôi “nhìn lại” tất cả mọi kiến thức trong bài (điều này rất quan trọng), tự bản thân đặt ra những câu hỏi đại khái như là ý này nó sẽ móc xích với ý kia như thế nào, rồi tôi so sánh tất cả các quan điểm trong bài nêu ra, rút ra một cái móc xích ý chính. Vì kinh nghiệm cho tôi biết là nếu không “tổng duyệt” lại kiến thức thì khi làm test sự suy luận sẽ không chính xác. Những câu hỏi trong test hay đưa ra những quan điểm ngược với những cái mình học, rồi hay có sự so sánh, bắt chéo nhau của những kiến thức. Do đó nếu mình nắm vững được “cái sườn” của quan điểm thì khi bị hỏi “lắt léo” (cheating) tôi vẫn nhanh nhạy mà phán đoán đưa ra câu trả lời chính xác.

Và tôi đi kiếm những đề bài ôn tập mà giáo viên họ cho để sinh viên làm thử (nói nôm na là những đề thi thử). Bạn có thể lên internet đánh chủ đề (topic) kèm theo chữ exam hoặc test thì có vô số đề cho bạn luyện tập. Nó cũng lắt léo nhiều suy luận vô cùng, mức độ khó không thua kém gì đề bài giáo viên họ sẽ cho bạn. Các quyển sách học đều có in tên webside bạn vào đó họ có tóm tắt bài, các đề bài luyện tập... tha hồ mà bạn làm, rồi họ chấm điểm và sữa bài cho bạn, giảng giải cho bạn hiểu những câu bạn làm sai ngay tức khắc, rất là tiện lợi. Hoặc bạn vào những phòng Tutor (nơi dạy kèm sinh viên), họ có để những bài luyện tập (test mẫu) và có đáp án. Quan trọng là bạn có thời gian và siêng năng hay không mà thôi. Kinh nghiệm tôi thấy là làm những bài test mẫu này rất bổ ích cho tôi, nó tập tôi suy luận, và kiểm tra tổng thể mình hiểu bài được bao nhiêu phần trăm, không hiều rõ phần nào thì xem lại. Khi bạn làm quen và nhuần nhuyễn với các luyện tập test thì tốc độ phân tích của bạn cũng tăng và bạn có thể đuổi kịp cái giới hạn thời gian làm bài.

Bên cạnh đó nếu như bạn không hiểu bài bạn có thề nhờ tutor (người có khả năng dạy kèm) giúp bạn, không có tốn tiền và tất nhiên bạn có thể hỏi giáo viên. Đối với tôi mỗi buổi sáng sớm hoặc cuối giờ trưa, tôi thường ôm tập vở vào phòng giáo viên bộ môn hỏi bài là chuyện rất bình thường. Bạn đừng ngại ngùng về tiếng Anh của mình hoặc cũng đừng sĩ diện và mắc cỡ, phải mạnh dạn, vì giáo viên Mỹ họ rất là tốt, giúp bạn hết lòng, họ rất thích bạn hỏi, họ sẽ chăm chú nghe bạn nói cho dù tiếng Anh bạn không tốt, họ hiểu tất cả, vì họ quen rồi, họ đoán được ý bạn hỏi, và giáo viên họ sẽ dùng những từ ngữ vô cùng đơn giản, dễ hiểu để nói với bạn, hoặc viết ra, diễn tả ra cho đến khi nào bạn hiểu rõ được vấn đề thì mới thôi (nếu để ý bạn sẽ thấy nói chuyện với riêng bạn giáo viên họ dùng từ ngữ khác với họ nói với sinh viên Mỹ). Giáo viên không có chuyện xem đồng hồ thấy hết giờ làm việc là ngưng tiếp bạn (ngoại trừ những giờ họ có lớp), họ sẵn sàng phục vụ bạn như một thượng khách vậy, lúc nào cũng nở nụ cười với bạn, luôn mong bạn hiểu bài và pass lớp.

Khi học một lớp mới bạn nên ngồi kế hoặc kết thân với một sinh viên Mỹ, thường thì người lớn tuổi họ hoà đồng hiểu bạn nhiều hơn những sinh viên vừa xong trung học. Vì chơí với họ bạn có lợi nhiều thứ, tiếng Anh bạn khá lên, nhiều khi giáo viên viết tắt hoặc giảng nhanh quá bạn ghi không kịp bạn có thể xem hoặc hỏi người bên cạnh. Nhiều sinh viên Mỹ họ giúp bạn tất cả, ngoại trừ bạn không được copy bài test của họ mà thôi. Nhiều sinh viên Việt Nam học theo nhóm với nhau, giúp nhau hiểu bài và thảo luận cũng rất tốt (nhưng nhớ là theo hướng tích cực nhé).

Khi làm bài test, exam bạn cố gắng đừng căng thẳng, nếu gặp nhiều câu khó chớ có mất bình tĩnh, và luôn nghĩa rằng tất cả có trong sách, không bao giờ giáo viên họ bắt bí mình cả, ráng phân tích, nhớ kiến thức và làm bài. Nếu bạn gặp trong một đề bài có những câu dạng điền từ vào chỗ trống (nếu họ cho vài từ để chọn thì dễ), nhưng sẽ có nhiều giáo viên không cho từ nào bạn phải suy nghĩ từ mà điền vào thì lúc đó chớ mất tinh thần, cố gắng suy nghĩ tìm từ điền vào, nếu cảm thấy quá sức thì đừng tập trung vào nó mà tập trung vào làm những phần khác cho thật đúng để gỡ điểm. Nói thật cái dạng điền từ vào chỗ trống đến giờ vẫn là “kẻ thù muôn kiếp” của tôi và nhiều bạn sinh viên cũng e ngại nó lắm. Cho nên ai nói là học ở Mỹ là dễ? Đủ thứ biến hoá của đề bài test, bạn sẽ “tơi tả” không thể nào tưởng tượng nổi, nhưng phải cố lên mà thôi.

Thường thì một giờ học trên lớp thì đi kèm với 3 giờ học ở nhà, vì phải đọc sách rồi làm bài tập rất nhiều, có khi phải nghiên cứu đề tài, tìm tư liệu, mà một khóa học lấy 3 lớp, nên thời gian đôi khi không đủ để mà học.Mà sách giáo khoa thì thay đổi cải cách liên tục. Một quyển sách lâu lắm là hai năm thay đổi, nhưng đại đa số giáo trình 6 tháng là thay đổi rồi, vì người Mỹ luôn cập nhập những cái mới và cải tiến. Cho nên bạn sẽ tiếp cận những kiến thức mới liên tục đến “chóng mặt”.

Khoảng 3 tuần đầu của khóa học, do chưa quen cách dạy của giáo viên, cũng như đọc sách có nhiều từ mới chuyên ngành của một kiến thức mới nên đọc sẽ chậm, vì vậy mà điểm số đầu khóa của bạn thường thấp, nhưng bạn đừng nản lòng, đến tuần thứ 5 trở đi là thời gian chạy nước rút để gỡ điểm (vì lúc này đã quen với cách học). Và nếu mà môn nào bạn không được điểm cao thì cũng chớ có mất ý chí, vì “không phải ngày nào cũng có nắng đẹp cả”, một hai môn hoặc vài cái test bị điểm C hay D có khi là F không đủ sức “phá sản” việc học của bạn. Hãy luôn tự nhủ là sẽ học tốt những môn còn lại để kéo điểm qua.

Tôi học chung với nhiều du học sinh Việt Nam. Khi mới sang các bạn cũng hay tự đề cao mình là học sinh giỏi, xuất sắc (tuổi trẻ 8x, 9x mà) và các bạn có nhiều hoài bão, lý tưởng rất cao (tất nhiên là rất tốt), nhưng khi “chạm tay” vào các test, exam thì “bật ngửa”, bạn nào có nhiều kỳ vọng thì thất vọng cũng không ít. Và cũng có bạn tự mãn nguyện ,”hoan hỉ” là mình học giỏi hơn Mỹ. Trường cao đẳng cộng đồng là đủ mọi thành phần sinh viên lớn tuổi có, lười học có, trung bình... Nếu bạn so sánh mình với những sinh viên Mỹ lười học thì tất nhiên bạn hơn họ rồi. Nhưng khi vào đại học, ở vạch xuất phát toàn là “ngưạ chiến” cả thì trên đường đua những bạn nào sớm tự mãn là người “ngã ngựa” đầu tiên, các du học sinh ở lâu đều biết chuyện này. Cũng có những bạn là giỏi thuộc loại “vàng thiệt” đấy, các bạn cũng có những ngày thức đến qua nữa đêm để làm bài, hoặc là những đêm bạn trằn trọc ngủ không yên vì chợt phát hiện cái đề bài lúc sáng nó “đánh lừa mình về câu chữ” mà mình sẽ bị mất điểm, hoặc “tức mình muốn điên lên” vì mình biết làm mà không đủ giờ làm bài, và có những bữa cơm ăn không ngon vì lo lắng sắp có test.

Bên cạnh đó tôi chỉ muốn đưa ra cái nhìn của mình về nền giáo dục của Mỹ là một ngọn núi cao không có đỉnh, sự học là vô hạng. Đôi lúc bạn sẽ gặp những cái exam quá sức của bạn, vì giáo dục Mỹ muốn cho bạn khám phá và phát triển khả năng của bạn hết mức mà bạn có. Tất nhiên cũng có những quy định đòi hỏi khả năng của bạn đến đâu thì sẽ đạt tiêu chuẩn họ cấp bằng cho bạn. Tôi ví von rằng nếu bạn trèo lên ngọn núi đó được 200 mét thì bạn được bằng một năm, trèo được 600 mét thì tốt nghiệp đại học. Cho nên tôi muốn nhắn nhủ với các bạn du học sinh một điều là các bạn phải biết “lượng sức mình”. Nếu bạn học nửa đường mà thấy quá sức thì nên chuyển sang học chương trình lấy bằng hai năm (A A), nếu mà sức học đuối quá thì lấy bằng một năm, chẳng sao cả vì chẳng ai cười chê mình hết. Đâu phải chỉ có vào đại học là con đường thành công duy nhất đâu.

Nên nhớ rằng trong chương trình transfer có 80% lớp học của chương trình lấy bằng 1 và 2 năm, bạn học thêm vài lớp nữa của chương trình 2 năm là bạn có bằng rồi. Vì tôi thấy rất nhiều bạn du học sinh học không nổi, họ biết ch���c là sức học của mình không đủ diểm để transfer nhưng cứ phải lao theo, vì sức ép của phụ huynh ở Việt Nam, là khi đi du học là phải lấy được bằng đại học. Tội nghiệp lắm các bạn ơi! Những du học sinh này vì sức ép, vì “sĩ diện” mà họ cứ “thường trú” ở các trường cao đẳng cộng đồng, học điểm thấp bị tiểu bang này không cho học, nhưng vì vẫn còn thời hạn visa nên đi qua tiểu bang khác học lại, rồi lên cao lên không nổi rồi lại đi tiểu bang khác. Cho nên có nhiều bạn ở Mỹ 4 năm mà vẫn “lang thang” ở cao đẳng cộng đồng và cuối cùng về nước. Hoặc có những bạn học ngành này thấy khó quá, vào chuyên ngành là bị “bật ra” liền thay đổi ngành khác, nhưng ngành nào cũng vậy, cũng có cái khó riêng của nó, và các bạn lại “lang thang” tiếp. Vì vậy các phu huynh khi thấy con mình học ở cao đẳng cộng đồng 3 năm rồi mà không thấy được vào trường đại học, hoặc cứ di chuyển chỗ ở liên tục thì phải xem điểm số con mình có vấn đề.

Tóm lại khi bạn có tấm bằng trong tay bạn sẽ thấy rất tự hào là bạn đã “chiến thắng được bản thân mình”, bằng 1-2-4 năm đó là niềm tự hào của bạn. Còn những bạn mê chơi hơn mê học, những “cậu ấm cô chiêu” hoặc “những kẻ gian lận” thì hãy suy nghĩ lại xin đừng đánh mất giá trị tuổi trẻ của mình.

Cuối cùng tôi xin chia sẻ một câu chuyện ngắn: trong một buổi chúng tôi nói chuyện với một vài người Mỹ, một sinh viên Việt Nam nói là người Việt Nam rất thông minh và giỏi, một người Mỹ liền nói lại là “Bạn nói người Việt Nam thông minh, vậy người Việt Nam có những phát minh gì giúp ít cho nhân loại chưa? Nước bạn có chế được xe hơi, máy bay, về công nghệ thông tin bạn có sáng chế được những thành tựu nào?” Tôi nghe họ nói vậy cũng thấy “chạm tự ái dân tộc lắm”. Bạn sinh viên Mỹ ấy không có ý đả kích Việt Nam vì bạn ấy nói tiếp “Tôi biết các bạn rất chăm chỉ, cần cù, sinh viên Việt Nam nhiều bạn cũng thông minh, tiếc rằng các bạn không được trao dồi phát huy hết khả năng của các bạn. Tôi hy vọng rằng những gì các bạn học được ở Mỹ sẽ giúp các bạn phát triển đất nước các bạn hơn” .

Các bạn thấy đó người nước ngoài họ chỉ nhìn thực tế vào sự phát triển đất nước Việt Nam. Giáo dục Việt Nam đào tạo con người giỏi mà giỏi ở mức độ nào? Còn giáo dục Mỹ họ đào tạo nhân tài phải giỏi ở mức độ nào? Hai cái mức (level) giỏi này chất lượng có ngang nhau không? Tôi cũng không dám chối bỏ những công ơn mà các thấy cô đã dạy tôi ở Việt Nam. Tôi biết cũng có nhiều giáo viên có nhiều tâm huyết với nghề, nhưng họ lại bị vướng vào cơ chế... Và cái gì mình sai thì mình phải sửa, cái gì mình không biết thì mình phải học, học cái hay cái giỏi của người khác để phát triển hoàn thiện cho mình.

Bạn nghĩ là làm giáo sư dạy đại học ở Mỹ sẽ sung sướng lắm sao? Họ cũng chiến đấu với kiến thức gian nan lắm, một năm phải thuyết trình 3 lần trước hội đồng khoa về 3 cái đề tài mới họ nghiên cứu, nếu không thuyết phục được hội đồng khoa họ sẽ tạm nghỉ việc. Vì kiến thức của sinh viên cũng rất to lớn, có những lúc sinh viên trình bày quan điểm giáo sư cũng không có câu trả lời, và giáo sư phải nghiên cứu. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi ở đại học nhiều vị giáo sư nói là “khi nào tôi học được gì ở người sinh viên thì tôi mới cho họ điểm A”. Ngồi ở cao đẳng cộng đồng bạn có thể lấy A dễ nhưng khi lên đại học thì giáo sư họ cho điểm chặt lắm, đòi hỏi bạn cao hơn.

Còn lớp người sống ở Mỹ sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường học, không phải sự nghiệp “học” của họ là chấm hết, ngược lại còn căng thẳng hơn, những kỹ sư, bác sĩ... phải luôn học hỏi nghiên cứu với những kỹ thuật mới (technology), những căn bệnh lạ… vì nếu họ không đáp ứng được những nhu cầu xã hội thì họ cũng sẽ bị đào thải. Như tôi đây tháng 3/2011 sẽ ra trường, trong vòng một năm mà không kiếm được việc làm thì cái bằng đại học xem như bỏ, vì xã hội Mỹ họ lập luận rằng “văn ôn võ luyện” bạn không tiếp xúc, không làm nghề một năm thì kiến thức của bạn bị mai một rồi, bạn quên nghề rồi. Và tôi phải kiếm đường học lên tiếp để cái bằng của mình có giá trị về mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng đi học hoài thì lấy tiền đâu mà sinh sống. Bạn thấy không từng nhân tố nhỏ nhất sống ở Mỹ đều phải vận động không ngừng.

Những gì các bạn du học sinh trải qua trong học tập tôi cũng từng trải qua. Tôi không hề có ác cảm với các du học sinh Việt Nam. Tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn đi sau không bị “sập hầm, sập hố” và lường trước được những khó khăn các bạn sẽ gặp phải và các bạn có tinh thần “chuẩn bị để chiến đấu”. Bởi vì người học sau sẽ phải học vất vả hơn người học trước, vì bạn phải học những gì tiến bộ của những năm qua và từ đó tiếp tục cải cách phát triển nó.

Và các bạn luôn nhớ rằng sự suy luận sáng tạo là thương hiệu của nền giáo dục Mỹ. Người Mỹ sẽ luôn bảo vệ cái thương hiệu đó, cho nên trong sự học sẽ đòi hỏi bạn vất vả đó. Chủ ý tôi viết nhiều sự khó khăn, vất vả trong việc học, ít khi viết ca tụng du học hoặc những ý “lên dây cóp” tinh thần du học sinh là vì tôi nghĩ “có dám nhìn thấy và dấn thân chiến đấu với những khó khăn thì con người mới trưởng thành” . Còn những bạn thấy khó khăn nhiều quá quyết định không “bước vào trận chiến”. Ồ! Ý chí các bạn ở đâu rồi “chưa lâm trận đã buông súng rồi sao”, các bạn cứ thử bước vào thì sẽ khám phá bản thân mình nhiều thứ lắm.

Xin mọi người hãy nhìn các khía cạnh của những vấn đề khi so sánh ở tính chất là xây dựng lẫn nhau để cùng tiến, chứ không phải tôi viết ở mục đích là “kể tội”, “tự đề cao mình”, “ca tụng Mỹ”, hoặc là phải “hơn thua”, “đả phá công kích”, tất cả mọi vấn đề đều có những mặt trái của nó, không ai là hoàn mỹ cả. Chúng ta đang đi tìm một chân lý để bước lên sự cải tiến, văn minh được lấy từ yếu tố giáo dục làm nền tảng. Xã hội Việt Nam phát triển, “nhà nhà du học”, hy vọng qua chuỗi bài viết của tôi giúp các bạn sinh viên cũng như phụ huynh mường tượng được phần nào về “thương hiệu” nền giáo dục của Mỹ, và cách học cách sống của du học sinh.

Quay trở lại câu chuyện, sau khi bạn sinh viên Mỹ ấy nói, một du học sinh Việt Nam khác liền trả lời “Tôi biết mình chỉ là một con cá bé , nhưng con cá bé này sẽ ngày một lớn nhanh, và sẽ ngang hàng với con cá lớn”, và sinh viên Mỹ ấy cười nói “I hope so” (hy vọng là vậy). Vâng! Tôi chúc các bạn du học sinh luôn có nhiều ý chí và thành công trên con đường học vấn, khi các bạn quay về Việt Nam sẽ cùng với các bạn trong nước đưa Việt Nam mình ngày một tiến nhanh hơn nữa.



Kinh nghiệm khi đi du học tại mỹ




kinh-nghiem-khi-di-du-hoc-tai-my

Làm bạn với sinh viên quốc tế, chịu khó tham gia các câu lạc bộ của trường đã giúp tôi nhanh hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ.


Gần đây tôi có đọc một số bài viết của các bạn trẻ Việt Nam về kỷ niệm du học của mình trên xứ Mỹ.Các bài này có vẻ mang xu hướng tiêu cực về việc du học ở vùng đất này. Tôi đã đến đất Mỹ với tư cách là du học sinh....










Theo trải nghiệm của bản thân mình, quãng thời gian đó rất khó quên, tuy có khó khăn nhưng cũng tràn đầy niềm vui và sự thú vị. Sau đây cũng là câu chuyện của tôi và cũng là các cách thức tôi đã làm để học tiếng Anh tốt, hoà nhập nhanh, tránh trầm cảm, và một số kinh nghiệm khác.

Muốn du học ở Mỹ dễ dàng thì trước tiên cần phải nói tiếng Anh tốt. Muốn tiến triển nhanh trong bất cứ ngoại ngữ nào thì cũng cần phải sử dụng nó nhiều. Tôi đến du học nước Mỹ vào năm 2005 tại trường Green River Community College để học hai năm đầu của chương trình cử nhân của Mỹ. Trường của tôi nằm ở bang Washington và cách thành phố Seattle 45 phút chạy xe. Tôi được trường xắp xếp ở chung nhà với một gia đình người Mỹ. Việc ở chung với người Mỹ trong thời gian đầu giúp tôi tiến bộ trong tiếng Anh, giao tiếp, và cuộc sống ở Mỹ rất nhanh. Trong thời gian đó, cũng có một số bạn bè du học người Việt Nam của tôi đã không theo sự xắp xếp của trường và tư ý dọn ra ngoài ở với các gia đình người Việt. Hầu hết các bạn này về sau tiếng Anh cũng tiến bộ rất chậm vì suốt ngày sử dụng tiếng Anh rất ít.


Một mặt không kém phần quan trọng nữa là tôi làm bạn rất nhiều với các sinh viên quốc tế đến từ các nước khác nhau. Vì tiếng mẹ đẻ khác nhau nên chúng tôi luôn sử dụng tiếng Anh để nói chuyện, việc này cũng làm tiếng Anh của tôi khá lên. Ngược lại, các sinh viên Việt bên này hay đi thành từng nhóm và rất ít khi giao tiếp với các sinh viên quốc tế và người Mỹ. Hậu quả của việc ít nói tiếng Anh và nói tiếng Việt là các bạn học được rất ít tiếng Anh và cách giao tiếp của Mỹ.


Bên cạnh ngôn ngữ, một vấn đề khá nghiêm trọng mà nhiều du học sinh gặp phải khi mới sang đây là sự trầm cảm. Họ trầm cảm do nhiều lý do như xa nhà, xa người thân, đất nước lạ, văn hoá lạ, con người lạ. Để tránh trầm cảm thì sinh viên nên có các hoat động ngoài giờ ngoài việc học. Tôi đã tham gia một số câu lạc bộ sinh viên của trường để giết thời gian và tìm thêm bạn. Trường Green River cũng hay tổ chức các chuyến du ngoạn giá rẻ cho sinh viên và tôi có tham dự vài lần. Giá mỗi lần đi chơi như vậy chỉ từ 10-20 đô, chỉ bằng một phần năm số tiền bỏ ra nếu tự đi. Ngoài ra, vào các cuối tuần ngày thứ bảy, tôi và một số người bạn thân, một cô Thụy Điển gốc Phi và một cô người Hàn Quốc, thường hay bắt xe buýt lên Seattle để đi chơi và ăn uống. Giá cả của Seattle cũng không quá đắt đỏ, xe buýt thì chỉ có $1.50 một vòng đi lúc bấy giờ và ăn no cũng chỉ cần $10.00 là cùng. Ngược lại, một vài người bạn của tôi chỉ nằm nhà cả ngày vì than nhớ nhà hoặc sợ đi bộ. Khi trầm cảm mà làm vậy chỉ thêm trầm cảm mà thôi.


Ngoài hai vấn đề chính trên, tôi cũng có một số kinh nghiệm khác cho các em có dự định đi du học. Thứ nhất là đừng nên vội vàng ra ở riêng. Khi mới qua Mỹ, lựa chọn kinh tế nhất là ở với host family/ home stay. Khi ở theo chương trình này, sinh viên sẽ được nấu cho ăn ba bữa và có thể được đưa đón đi học mỗi ngày. Việc ở riêng rất tốn kém vì sinh viên phải tự đi chợ, nấu ăn, trả tiền dịch vụ như điện, nước, internet, và tiền phòng. Cụ thể hơn, lúc đó tôi phải trả $500 một tháng cho host family, và giá phòng ở ngoài là $450 cho một căn hộ một phòng chưa tính tiền ăn và các dich vụ. Thế nhưng, chỉ có một số trường có dich vụ home stay. Trong trường hợp đó thì sinh viên nên ở ký túc xá trường vì gần trường và trả ít tiền dịch vụ. Mướn phòng chỉ kinh tế và rẻ khi sinh viên ở chung hai, ba người trở lên trong một phòng ngủ.

Môt lời khuyên thứ hai là nếu các bạn đừng nên vội mua xe hơi nếu được học tập ở thành phố có hệ thống giao thông công cộng tốt. Mua xe hơi là cần phải mua bảo hiểm hàng tháng, mua xăng, và trả tiền bảo dưỡng. Đó là chưa kể đến trả tiền để đậu xe hoặc sửa chữa các trục trặc bất ngờ. Số tiền này ít nhất là hai, ba trăm đô một tháng. Trong khi đó, vé tháng cho các phương tiện công cộng chỉ chừng hai trăm đô trở lại. Các phương tiện này chạy rất đúng giờ nên sinh viên cũng chẳng sợ trễ học. Sử dụng phương tiên giao thông công cộng là một cách tiết kiệm tiền rất tốt cho sinh viên.


Vào đoạn kết, tôi cũng xin nói rõ ở đây là quá trình du học vui nhiều hay buồn nhiều cũng tuỳ thuộc vào tính cách của mỗi sinh viên, và đây chỉ là kinh nghiệm của bản thân tôi. Các bạn rút kết ra ít hay nhiều bài học phù hợp từ bài viết này hay không là tùy bản thân mỗi người. Du học Mỹ có nhiều cái khổ như tốn kém, phải xa gia đình, quê hương trong một thời gian khá dài và phải tự lập 100%, nhưng đất nước Mỹ có một nền giáo dục bậc nhất thế giới và nhiều cơ hội tốt cho những sinh viên học tập, làm việc chăm chỉ. Chúc các bạn thành công trong con đường du học.



Kinh nghiệm làm thêm ở Mỹ của tôi

Sau cảm giác hồ hởi khi đến Mỹ, đa số du học sinh bắt đầu mang nặng nỗi lo về tiền bạc để trang trải sinh hoạt và học phí đắt đỏ. Tôi cũng không nằm ngoài số đó.

Chỉ sau một học kỳ, bao nhiêu tiền gia đình cho gần như cạn kiệt. Dù tôi có cố gắng tiết kiệm bằng cách đi xe buýt, tự nấu ăn và hạn chế mua sắm, nhưng vẫn không đủ tiền chi trả tiền học phí và tiền nhà đắt đỏ. Do đó, tôi quyết định đi làm thêm để đỡ gánh nặng tiền bạc cho gia đình.

“Chai mặt” đi xin việc

Do là du học sinh nên tôi không được đi làm thêm ngoài khu vực trường học và cũng không có số an sinh xã hội để đi làm, vì vậy tôi phải kiếm việc làm “chui” ở bên ngoài. Tôi bắt đầu đọc những tờ báo tiếng Việt ở đây để xem có nhà hàng nào cần người giúp việc không. May mắn là có một nhà hàng - quán nhậu ở khu vực người Việt cần tuyển người phục vụ nên tôi vội vàng liên lạc. Khi đến gặp chủ quán, họ bảo rằng tôi phải trên 21 tuổi và phải làm việc sau 12 giờ đêm mới được nhận vì đây là quán nhậu và luật pháp Mỹ nghiêm cấm người dưới 21 tuổi đi làm. Thế là tôi trở về trong thất vọng.

Sau đó, tôi đi phỏng vấn để làm việc ở một tiệm bán nước giải khát cũng ở khu vực người Việt. Họ hỏi tôi về kinh nghiệm làm việc trước đây và đã có số an sinh xã hội chưa. Do lần đầu trả lời phỏng vấn, tôi thật thà bảo rằng chưa bao giờ làm việc này và cũng không có số an sinh xã hội. Nghe vậy, họ nói rằng sẽ liên lạc lại khi cần nhưng sau đó họ chẳng bao giờ liên lạc với tôi.

Chuỗi ngày tiếp theo

Tôi lân la vào những tiệm phở và siêu thị của người Việt với chút hi vọng mong manh. Vì trước đây ở Việt Nam, tôi thường được mời làm những công việc văn phòng khá dễ dàng nên việc “chai mặt” khi đi xin việc đối với tôi thật quá xấu hổ. Cửa hàng nào cũng lắc đầu nguầy nguậy, còn siêu thị thì nói rằng không còn chỗ. Những ngày đó tôi luôn phải ra về trong thất vọng và nghĩ rằng mình thật vô dụng. Trong khi bạn bè ai cũng có chỗ làm tốt trong trường hoặc xin được việc làm ở nhà hàng đủ để trang trải tiền nhà thì tôi vẫn phải dựa dẫm vào gia đình.

Đồng tiền làm thêm đầu tiên

Một ngày đọc tờ báo tiếng Việt, tôi mừng như bắt được vàng khi thấy ở trang rao vặt đăng tin “cần tuyển một trợ lý văn phòng”, thế là tôi gọi ngay đến số điện thoại phía dưới mẩu tin ấy để xin được phỏng vấn. Người đàn ông trong điện thoại nói tiếng Việt khá sõi và bảo tôi ngày mai đến nhà ông ta để phỏng vấn.

Hôm sau, tôi đến theo hẹn và người tiếp tôi là một ông Tây da trắng nói tiếng Việt rất tốt, dù cha mẹ ông không phải là người Việt. Trong căn phòng ở ga-ra được sửa lại thành một văn phòng xuềnh xoàng để làm việc, ông ta đang tiếp một cô gái đi xin việc. Ông hỏi một số thông tin cá nhân rồi cho cô ấy về và bảo sẽ gọi lại nếu cần. Còn với tôi, ông bảo rằng tôi có vẻ đàng hoàng và đáng tin cậy khi đến đúng giờ nên nhận làm trợ lý. Công việc là trả lời điện thoại và dọn dẹp văn phòng với mức lương là 8USD/ giờ.

Ngay chiều hôm đó, tôi được đi làm 2 giờ. Có cả trăm cuộc điện thoại liên tục gọi tới văn phòng để xin làm công việc… tôi đang làm. Có người xin làm vì không có việc làm, có người đang có việc làm toàn thời gian vẫn muốn xin việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập… Một số người sau khi được hỏi thông tin cá nhân qua điện thoại thì được gọi tới văn phòng để phỏng vấn tiếp. Với mấy cô gái thì ông ta nói rằng để tuần sau sắp xếp nhớ gọi lại. Nhưng khi không có ai ở đó, ông ta nói với tôi rằng, vì ông hay liên lạc với đối tác nên cần những người ăn nói hoạt bát, vui vẻ để đối tác thích chịu kí hợp đồng. Do đó, mục đích của ông là kiếm những cô gái có ngoại hình đẹp và biết nói chuyện để đi cùng với ông.

Nghe nói vậy tôi bắt đầu cảm thấy lo sợ cho công việc của mình. Vì ông ta luôn tỏ ra là người trí thức khi khoe những bo mạch mà ông ta chế tạo, dạy tôi cách nói chuyện qua điện thoại, nhưng với căn nhà bẩn thỉu, văn phòng tạm bợ thì có thể ông ta đang… lừa đảo. Tôi chỉ mong sao 2 giờ trôi qua nhanh để lấy tiền rồi trở về nhà ngay.

Thấy tôi ngồi không có việc gì làm, ông bèn kêu đi dọn dẹp nhà vệ sinh và văn phòng cho gọn gàng lại. Do đây là công việc đầu tiên nên tôi chấp nhận đi dọn dẹp nhà vệ sinh với hi vọng kiếm được 16 USD.

Có lẽ đây là quyết định khá sai lầm của tôi khi phải dọn nhà vệ sinh, từ bồn cầu đến bồn rửa tay đều bám đầy bụi và bốc mùi khủng khiếp khiến tôi chỉ muốn bỏ chạy. Mặc dù khi còn ở Việt Nam tôi đã có kinh nghiệm dọn dẹp nhà vệ sinh trong nhà mình.

Sau hơn 30 phút dọn dẹp, tôi bị ông sai lau dọn tiếp nhà bếp bẩn thỉu. Sau khi dọn dẹp xong xuôi, ông ta cho tôi về cùng với tiền công 16 USD và bảo rằng nếu tuần sau vẫn muốn đi làm thì gọi lại.

Tôi cầm 16 USD tiền công đầu tiên mà cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ vì mình phải đi làm công việc như vậy, xấu hổ vì mình bị lừa khi dọn dẹp với giá rẻ mạt mà không đủ kinh nghiệm để từ chối. Sau đó, tôi không gọi lại vì nghĩ rằng ông ta chỉ cần người dọn dẹp nhà giá rẻ chứ không hề cần người trợ lý như quảng cáo trên báo. Đó là công việc đầu tiên của tôi ở Mỹ.


Chia sẻ kinh nghiệm ở Mỹ


Những mẩu chuyện của Jessica Phạm – một cô bạn đang học đại học năm thứ 2 ở Mỹ sẽ giúp chúng ta hình dung về cuộc sống của du học sinh tại đất nước kì lạ này – thật trung thực và thú vị.

Những rắc rối dồn dập trong những ngày đầu tiên khiến tôi có cảm giác bị quá sức, nhưng khi đọc bài báo về trường hợp một bạn gái mới đây phải bỏ về khi không hòa nhập được với môi trường Mỹ, tôi lại dặn mình phải can đảm hơn …
Đi dép lê rất có thể bị… từ chối Visa

Tôi đến Mỹ một ngày cuối tháng 8. Kinh nghiệm đầu tiên dành cho các bạn chuẩn bị đi du học: hãy đặt vé máy bay sớm từ… 4 tháng đến nửa năm, để chắc chắn rằng mình không phải nhận được những cái lắc đầu “hết vé” từ bàn giao dịch và cũng để tiết kiệm tối đa chi phí có thể.

Thông thường, vé một chiều sang Mỹ rẻ nhất khoảng 500 – 600 USD của Vietnam Airlines nhưng luôn hết từ đầu mùa. Các lựa chọn tiếp theo là Japan Airlines, American Airlines, China Airlines hay Cathay Pacific…

Tôi vẫn nhớ trong cùng ca phỏng vấn với mình, một bạn gái tuy đã từng ở Mỹ 2 năm vẫn bị từ chối bởi lý do đơn giản: “I don’t believe you” (Chúng tôi không tin tưởng cô).

Dù bạn ấy có kiên quyết đến phát khóc rằng “Sẽ trở về Việt Nam” nhưng điều gì đó đã không đủ chứng minh cho đại sứ quán. Mà “điều gì đó” ở đây, theo tôi quan sát, rất có thể là đôi dép lê màu đỏ, áo sơ mi buông thõng và chiếc quần bò loe ống đã bạc màu.

Chuyện này có vẻ hơi tế nhị, nhưng nếu ai đã từng lắng nghe những kinh nghiệm “cổ điển” về ăn mặc khi xin Visa thì sẽ không khỏi có đôi chút hoang mang.

Dân du học chúng tôi luôn rỉ tai nhau “phải thật giản dị”, “không mặc quần Jean”, “con gái không trang điểm” nhưng cũng từng ấy thứ trái ngược, “nên chải chuốt”, “nên lịch sự”, “nên có một gương mặt rạng rỡ”… chẳng biết đâu mà lần.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mọi người Mỹ đều “trông mặt mà bắt hình dong”. Không đâu! Họ không đánh giá nhân cách hay gu thẩm mỹ, cái họ quan tâm là gia cảnh và mục đích tới Mỹ – điều trực tiếp ảnh hưởng đến tỉ lệ thành công khi xin Visa.

Là một trong số hàng nghìn “non-US citizen” (không phải công dân Mỹ) xếp thành hàng dài chờ tới lượt vào nộp thủ tục nhập cảnh, tôi hát thầm thật khẽ, tránh không phá vỡ sự im lặng bao trùm cả căn phòng khổng lồ.

“We are the face of our nation” (Chúng ta là gương mặt quốc gia), câu khẩu hiệu ấy nổi trên nền lá cờ sao vạch là poster nhắc nhở các cán bộ hải quan – họ ân cần một cách rất… kiệm lời.

7 giờ sáng ở Mỹ, những ánh nắng nhạt màu lan qua khung cửa kính rọi từ trên cao, một vài bóng ô tô hối hả chạy ngược chiều.

Ở nhà một mình

Kết thúc chuyến đi nửa vòng trái đất là 150 USD tiền taxi, tôi tự làm giàu vốn liếng của mình bằng một vài bài học nhỏ: “Đừng tiếc tiền mua vali tốt, vì 80kg hành lý không hợp với đồ “lởm” (vali của tôi đã hỏng khiến tôi không thể tiếp tục đi bus hay train).

Và nếu chấp nhận đi taxi, bạn nên có giao ước bằng giấy về tiền thanh toán, đừng để bác tài phải đề nghị bạn gọi điện nhờ ai đó trả hộ số tiền chênh lệch so với thỏa thuận ban đầu.

Giờ đây, mỗi lần nhớ lại quãng đường hơn 100km say ngất ngây trên chiếc xe cũ kỹ, không biết tài xế chở đi đâu, mà cũng chẳng còn sức lực để ý thức, tôi lại khâm phục mình dũng cảm.

Khi xe dừng trước cửa căn hộ thuê qua mạng từ Việt Nam, tôi biết rằng quyết định đi taxi cũng có đôi chút an ủi tinh thần vì nó không dễ tìm một chút nào.

Căn nhà hoàn toàn không có ai

Cả cửa trước và cửa sau đều không khóa, căn nhà biệt lập giữa một cánh đồng ngô, nhìn “từ góc sân nhà em” sẽ thấy đồi núi điệp trùng. Số đồ đạc khổng lồ tôi tự khuân vác, tự tìm phòng ở, cố trấn an mình đừng hoảng sợ. Ngày đầu ở Mỹ, tôi một mình.

Suốt tuần đầu ở đây, tôi ngủ một mình trong căn nhà lớn không cửa nẻo gì cả, giữa khoảng không bát ngát của những cánh đồng, của tiếng côn trùng rả rích và từng hồi gió thổi lạnh xám.

Thỉnh thoảng tôi cảm thấy quá sức

Ngày thứ 11, một anh bạn học say rượu đập cửa vào nhà, ngã loạng choạng và đe dọa lung tung, nguyên nhân là do thất tình với… tôi.

Ngày thứ 14, một nam sinh bị đánh chết trên con phố tấp nập nhất thị trấn.

Ngày thứ 17, một nam sinh khác chết do bị tàu hỏa đâm rất gần khuôn viên trường, hiện cảnh sát đang truy tìm tung tích “người đàn ông thứ 2” xuất hiện tại nhà ga cùng thời điểm.

Bản thân tôi cũng gặp một chút rắc rối với anh bạn say rượu nọ, một vài chi tiết rất dễ liên tưởng tới nguyên nhân gây ra thảm họa tại ĐH Virginia Tech.

Và ngày nào đường đi học cũng dài ngút ngát, qua một gầm cầu cao tốc, qua cánh đồng bạt ngàn, qua một sân bay với những chiếc máy bay trực thăng, máy bay chuồn chuồn ngộ như trong ảnh, thêm một nghĩa địa và một nhà thờ thì đến trường.

Bầu trời rộng và xanh, sải cánh đại bàng to khổng lồ khiến có đôi lần tôi sợ hãi. Vạch mây thẳng tắp, bao nhiêu máy bay cất cánh để lại khói động cơ và những đường ngang dọc trên vòm trời trong veo. Gió từ cánh quạt như muốn hất tung tôi đi với bụi đường, những trống trải của bước chân đi bộ khép nép trên vệ cỏ tránh từng chiếc xe tải lăn bánh hừng hực. Bấy nhiêu áp lực với một cô gái rất hiếm khi ra khỏi Hà Nội như tôi, thỉnh thoảng cũng là quá sức.

Băn khoăn là thế, nhưng khi đọc bài báo về trường hợp một bạn gái mới đây phải bỏ về khi không hòa nhập được với môi trường Mỹ, tôi lại dặn mình phải can đảm hơn.

Gần như là người Việt Nam duy nhất trong số 10 nghìn sinh viên của trường, đồng thời cũng là người duy nhất nhận được học bổng toàn phần, tôi có nhiều hơn một gánh nặng. Tôi có một gia đình, một niềm tự hào chờ đợi phía trước.

Những háo hức ban đầu đôi lúc mờ phai thành ám ảnh, nửa đêm tỉnh dậy phải mất một khoảng lặng mới nhớ ra mình đang không ở nhà…




Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng du học
Kinh nghiệm phỏng vấn du học Nhật Bản
Kinh nghiệm phỏng vấn đi du học Mỹ -
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng Úc
Kinh nghiệm học và thi TOEFL
Kinh nghiệm học và thi TOEIC
Kinh nghiệm học và thi IELTS hữu ích



(st)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý