Kinh nghiệm thi đại học môn Toán

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Kinh nghiệm thi đại học môn Toán

19/04/2015 04:57 AM
362

Kinh nghiệm thi đại học môn Toán cực hay cho bạn. Cùng tham khảo để đạt điểm cao trong kì thi đại học sắp tới nhé



Dưới đây là hướng dẫn làm bài thi có hiệu quả nhất của các thầy giáo dạy môn Toán có kinh nghiệm của các trường ĐH, THPT.

Kinh nghiem lam bai thi mon Toan


Thạc sĩ Phạm Hồng Danh (GV toán Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Đề thi sẽ không quá khó

Thông thường, thang điểm môn toán của đề thi tuyển sinh ĐH được phân bố như sau: phần khảo sát hàm và những vấn đề liên quan (2 điểm); phần hình học giải tích (2 điểm) và phần hình học cổ điển (1 điểm); phần đại số và lượng giác (3 điểm); phần tích phân và giải tích tổ hợp (2 điểm).

Nhìn lại 27 đề thi môn toán trong ba năm (từ 2002 2004 gồm chín đề thi chính thức và 18 đề dự trữ) chúng ta thấy những vấn đề thường xuất hiện trong đề thi như sau:

1) Toàn bộ các đề thi đều có câu khảo sát và vẽ đồ thị hàm số (100%).
2) Biện luận về sự tương giao của đồ thị bằng kiến thức tam thức bậc 2 (40%). Thật ra, hơn 90% các đề thi đều đòi hỏi biết sử dụng kiến thức về tam thức bậc 2.
3) Tìm giá trị nhỏ nhất và lớn nhất (25%).
4) Tìm điều kiện để hàm số có cực trị (23%).
5) Viết phương trình tiếp tuyến (15%).
6) Tìm giới hạn của hàm số bằng cách khử dạng vô định (14%).
7) Viết phương trình đường thẳng; xác định tọa độ các điểm đặc biệt như tâm đường tròn,
trực tâm tam giác… (40%).
8) Các câu hỏi về đường tròn (30%).
9) Các câu hỏi về elip (15%).
10) Các câu hỏi về parabol (6%).
11) Các câu hỏi về tọa độ điểm, đoạn vuông góc chung, phương trình đường thẳng, mặt phẳng trong không gian (60%).
12) Những câu hỏi liên quan đến mặt cầu (30%).
13) Các bài toán liên quan đến tích phân (75%).
14) Các bài toán liên quan đến giải tích tổ hợp (76%).
15) Phương trình, bất phương trình và hệ phương trình chứa logarit (60%).
16) Phương trình, hệ phương trình, bất phương trình chứa căn (27%).
17) Chứng minh các bất đẳng thức bằng các phép biến đổi tương đương và dùng bất đẳng thức Cauchy (28%).
18) Các hệ phương trình đối xứng (13%).
19) Những bài toán thuần túy là hình học cổ điển thường có tỉ lệ là 1 điểm.

Để chắc chắn đậu đại học, các em nên học thật chăm từ năm lớp 10, cần hiểu kỹ những điều căn bản trong sách giáo khoa và chỉ cần làm bài tập với độ khó ở mức trung bình và trung bình khá.

Thầy Nguyễn Vũ Lương (Chủ nhiệm khối Chuyên Toán-Tin ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG HN): Ngắn, đúng, đủ

Đề thi thường có 10 câu, trong đó có 6 câu cơ bản, 3 câu hơi khó một chút và 1 câu khó. Vì vậy, TS cần chú ý vào những kiến thức, dạng bài tập cơ bản.

Đặc biệt khi làm bài TS không nên sa đà vào những bài tập quá khó sẽ mất rất nhiều thời gian; hãy bắt đầu bằng những bài mình có thể làm được; và trong những bài đó lại bắt đầu bằng những bài ngắn nhất để kiếm từng 0,25 điểm một. Quy tắc vàng khi làm bài là: thời gian và 0,25 điểm trong phòng thi quý hơn cả kim cương!

Yêu cầu của bài làm của TS là: giải bài tập ngắn, đúng, đủ (nhiều TS làm bài 1 điểm, do ẩu chỉ đạt 0,5 điểm).

Trong quá trình ôn thi, TS cần luyện tập cho mình những kỹ năng sau:

Trình bày: đặt điều kiện cho bài toán có nghĩa; sau khi giải phải kiểm tra kết quả thu được.

Luyện và học các phương pháp giải cơ bản: giải các dạng phương trình, sử dụng đạo hàm, tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất...

sau khi làm nhất thiết phải thử lại các nghiệm xem đúng hay sai.

Các nội dung TS cần lưu ý:

Đại số: Khảo sát và vẽ đồ thị; giải toán tiếp tuyến; các câu hỏi về cực trị của các dạng đường cong cơ bản phụ thuộc tham số; sử dụng đồ thị; sử dụng đạo hàm giải bài toán cực trị; tìm các nguyên hàm cơ bản; tích phân xác định và tổ hợp; các dạng phương trình, hệ phương trình chứa căn, mũ và lô-ga; bất đẳng thức.

Lượng giác: Chứng minh các đẳng thức lượng giác (LG) và các công thức LG trong tam giác; giải các phương trình LG cơ bản.

Hình: Hình học giải tích gồm: đường thẳng, mặt phẳng, đường tròn, mặt cầu, các đường cô-nic; Hình học không gian: các bài toán song song, vuông góc; các bài toán về tính chất song song, vuông góc trong các khối đa diện (tứ diện, lăng trụ, hộp chữ nhật).

Kinh nghiem lam bai thi mon Toan

Thầy Thượng Võ

Thầy Nguyễn Thượng Võ, cựu giáo viên Toán trường Hà Nội Amsterdam:

Bí quyết ở sách bài tập

Tôi vẫn nói với học sinh, ra HN ôn thi, các em mất ba điều: tiền bạc, thời gian và sức lực thì các em phải moi cho được ba điều: Kiến thức cơ bản, cách trình bày và tốc độ làm bài.

Kiến thức cơ bản ở đâu?

Để đạt điểm cao, trước hết HS phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Kiến thức cơ bản ở đâu, thì đó là ở trong sách giáo khoa (SGK).

Tôi đi ôn thi nhưng vẫn khuyên các học trò: Các em không cần đến các lò mà vẫn có thể đỗ được. Không cần mua sách gì cao siêu, chỉ cần mua đúng SGK của nhà nước, đặc biệt là 3 cuốn sách bài tập (SBT) Toán, lớp 10, 11, 12.

Tại sao lại là sách bài tập toán? Là vì đề thi ĐH có tới gần một nửa là kiến thức từ lớp 11 và lớp 10. Vì vậy cần có ông thầy tổng kết lại cho.

Nếu không có thầy thì cứ sách bài tập mà làm, lầm tất cả bài tập trong đó là đã có thể yên tâm vào phòng thi ĐH. Trong SBT có cả đáp số, mình làm xong thấy sai thì có thể đối chiếu, tự tìm ra cái sai. Bí quá có thể hỏi các thầy giáo ở địa phương, tôi tin là các thầy đều có thể giải thích được.

Hai đề năm 2003 về tính giá trị lớn nhất nhỏ nhất còn cũng y hệt dạng đề trong SGK, con số còn không lẻ bằng SGK. Đề tích phân khối B năm ngoái còn dễ hơn SGK. Vì sao HS vẫn không làm được, vì coi thường SGK.

Đừng tách ra luyện thi khối A, khối B, khối D vì không có sự chênh lệch rõ rệt về độ khó. Đề năm 2004, câu Tích phân của khối B khó hơn khối A.

Tất nhiên, cũng có những câu của đề khối A ra khó hóc búa để tìm HS giỏi. VD đề khối A năm vừa rồi có thể có câu 5 được 1 điểm để chọn HS giỏi.

Một kinh nghiệm là đừng quá chú tâm vào câu quá khó, đừng có tham bát bỏ mâm. Thà cứ làm tốt tất cả các câu còn lại đi, để được 9 điểm cũng đã đủ đỗ.

Cách trình bày: Sử dụng giấy nháp đúng lúc, đúng chỗ

Những tính toán lặt vặt đừng có làm vào bài thi, hãy tính ra giấy nháp, Một bài thi chỉ 6-8 mặt giấy là vừa, có người làm đến 12 mặt giấy thì quả là khủng khiếp. Trong hoàn cảnh trời nắng nóng, tìm mãi không thấy đáp số, dễ gây ức chế cho người chấm bài.

Ví dụ, sau khi tính được tích phân, dùng định nghĩa thay giá trị cận trên cận dưới, khi thay số vào có thể làm ra giấy nháp và điền kết quả vào, vì người ta có thể nhẩm được, không thầy nào chấm điểm cho anh khi anh thay số vào cả.

Hoặc như khi giải phương trình bậc hai, anh không cần phải tính delta trong giấy thi, làm luộm thuộm, dài dòng. Nếu không nhẩm được nghiệm thì tính ra giấy nháp và điền kết quả.

Khi vẽ hàm số, tôi vẫn dạy học sinh vẽ chính xác không cần chú trọng bằng vẽ đẹp.

Tốc độ làm bài: Làm luôn ra giấy thi

Có những người nhờ tôi chấm lại bài trên giấy nháp, thấy đúng hết những điểm vẫn thấp. Đó là vì khi anh làm bài trên giấy nháp thì anh tập trung, khi anh chép ra bài thi, đầu đầu óc bắt đầu “lỏng”, vì chủ quan, nghĩ là làm xong rồi.

Thậm chí có em vừa chép vừa nghĩ ra cách giải bài khác nên dòng nọ đánh dòng kia, nhầm con số, vậy là giấy nháp đúng còn bài sai. Vì vậy nên hết sức hạn chế giấy nháp. Hạn chế giấy nháp để tăng tốc độ làm bài.

Ví dụ giải phương trình bậc hai, anh không cần ghi các bước tính ra, hoàn toàn có thể tính ra nháp rồi viết vào vừa sạch đẹp.

Một điều nữa tôi muốn nói, đó là các bạn đừng xao động tâm lý vì những tin đồn, có người gần ngày thi cứ nói sẽ ra đề này, ra đề kia chỉ làm hoang mang tư tưởng, chưa bao giờ tôi thấy các tin đồn đó là chính xác cả.

Tuần cuối cùng trước khi thi không học thêm ở đâu hết, không làm bài tập, anh phải đọc kỹ lý thuyết từ đầu đến cuối. Chúng tôi đi chấm bài, cái sợ nhất là sai cơ bản, sai cơ bản là gạch ngay.

Cái thứ hai là sợ lạc đề, văn lạc đề, sử lạc đề toán cũng có lạc đề vì anh không đọc kỹ đầu bài. VD: Tiếp tuyến tại điểm khác với tiếp tuyến đi qua. Tại điểm chỉ có 1 tiếp tuyến, đi qua có nhiều tiếp tuyến. Chính vì HS không đọc kỹ đề nên mới nhầm

Sau khi phát đề, đừng có cắm đầu làm ngay, hãy dùng 5 phút phát đề để đọc kỹ, gạch ra những ý chính, những từ quan trọng trong đề. Câu nào khó thì đánh dấu hỏi (?) ra bên cạnh. Người ta hỏi tính diện tích thì gạch từ diện tích, khoảng cách thì gạch chân từ khoảng cách…để tránh bị nhầm.

Câu dễ làm trước câu khó làm sau. Đừng tỏ vẻ ta đây có "răng cứng" mà làm "phần xương" nhất trước, đến khi xong thì đã hết cả thời gian mà làm câu nạc rồi. Câu nào dễ, HS nên làm ngay vào giấy thi, chỉ tính ra nháp cái lặt vặt thôi.

Dấu cộng trừ nhân chia phải hết sức cẩn thận. Rõ ràng. Căn, logarit…nên viết ra đằng sau, con số viết lên đằng trước. Đơn giản thế này, viết căn hai nhân 3, chỉ cần anh kéo dài dấu căn một chút, sẽ thành căn của hai nhân ba. Vì vậy nên viết ba lên trước, thành ba nhân căn hai thì anh có kéo dấu căn dài đến bao nhiêu cũng không sợ.

Trong bài thi, HS vẽ hình elíp, hình tròn đừng nên dùng compa, dễ bị rách giấy. Nên dùng thước có khoét sẵn hình tròn và hình elíp. Kích thước to nhỏ không quan trọng vì nó phụ thuộc vào việc mình đặt. Vẽ tay nhiều khi hình elip trông giống… củ khoai.

Sử dụng máy tính, trừ khi dùng thật thành thạo hãy sử dụng vào việc tính những hàm phức tạp. Có những người tính bằng máy tính xong lại phải tính bằng tay vì không tin tưởng vào kết quả đó, vừa mất thời gian vừa gây ức chế tâm lý.

Tiếp nữa là đừng dùng hai thứ mực, đừng dùng bút xoá vì như vậy có thể coi là đánh dấu bài. Nếu viết sai, các em cứ gạch đi viết lại.


Kinh nghiệm luyện thi đại học môn Toán

1. Sách giáo khoa 

là kho kiến thức quý báu giúp các bạn nắm chắc được 70% kết quả.   các em học sinh nên làm nhiều bài tập Toán, từ dễ đến khó, rút ra bài học cho mỗi lần làm, cứ như vậy các em sẽ quen với tốc độ làm bải của mình.

2. Học cách tập trung

Thi ĐH hay thi cao đẳng đòi hỏi sự tập trung rất lớn. Có rất nhiều bạn không thể tập trung trong một thời gian dài, cứ đến gần cuối giờ là đầu óc bắt đầu lung tung. Đừng để đầu óc mình cứ miên man, hay dễ bị phân tâm vì một việc gì đó. Tốt nhất là điều chỉnh đồng hồ sinh học hoạt động theo ca thi. Cứ đúng 8 giờ và khoảng 1g là bắt đầu tập trung. Cách này tôi thấy có hiệu quả nhất.

 3.nắm vững kiến thức

Để luyện thi đại học thành công các bạn mỗi ngày đọc lại lý thuyết một lần, hoặc nhiều ngày một lần. Điều này sẽ giúp cho các em hệ thống kiến thức toán một cách toàn diện. Không quên dù là những chi tiết nhỏ nhất.

4  duy trì việc học

vào mỗi buổi sáng và chiều, đừng quá dày đặc. Có thể buổi sáng học 2 tiếng, buổi chiều 2 tiếng nhưng chuỗi thời gian không được cắt ngang. Nếu bạn ” tự thưởng” cho mình một ngày nghỉ ngơi thì khó có thể bắt đầu trở lại. Có lần tôi tự thưởng 1 ngày du lịch và tôi mất gần cả tuần để lấy lại nhịp học.

5 Học nhóm

cũng là một biện pháp tốt giúp các em có thể tự tin và năng động hơn, nhớ bài lâu hơn. Khi học nhóm bạn có thể dễ dàng phát hiện ra một số điều mà bạn đã nhầm lẫn từ lâu. Khi thảo luận sẽ làm người ta nhớ lâu. Nhưng lưu ý họp nhóm phải tập trung, đùng biến nó thành “chợ tám”.


Tham khảo thêm bí quyết đạt điểm cao thi ĐH các môn khối A



Thủ khoa khối A Trường ĐHSP Hà Nội kỳ tuyển sinh 2012 - bạn Lê Thành Đạt chia sẻ những bí quyết bổ ích về thi học, thi.

Thủ khoa Lê Thành Đạt (phải). Ảnh: gdtd.vn

Thủ khoa Lê Thành Đạt (phải). Ảnh: gdtd.vn

Kinh nghiệm học tốt 3 môn khối A

Lê Thành Đạt chia sẻ: Sau khi thi tốt nghiệp, toàn bộ khoảng thời gian còn lại em dành cho việc ôn thi đại học. Tuy nhiên, không giống suy nghĩ nhiều bạn cho rằng, khoảng thời gian này “cắm mặt cắm mũi” “thâu đêm suốt sáng” để học, bản thân em cảm thấy quá trình ôn của mình trong năm khá ổn, giờ là lúc nên bình tĩnh, nhìn nhận mọi vấn đề một cách thấu đáo. Do đó, em không học nhiều, một ngày em chỉ học 3-4 tiếng, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chơi thể thao, đêm em có xem euro.

Đối với môn Toán, em tải trên mạng đề thi thử mới của các trường, mua tuyển tập các đề thi Toán năm trước. Mỗi ngày em làm một đến hai đề. Lúc làm bài, em cố gắng phân dạng bài tập rõ ràng, tự bấm giờ, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Môn Toán em cũng rất chú ý làm cho thật chỉn chu, trình bày thật logic, chặt chẽ, từ các chi tiết nhỏ nhất. Bên cạnh đó, em và các bạn tập trung làm nhiều dạng câu 5, thường là câu khó nhất đề “hệ phương trình” và “bất đẳng thức”. Có bài Toán khó nào hay, cách giải đặc sắc, hoặc phương pháp nào mới, em và các bạn đều tích cực chia sẻ cho nhau hoặc học trên mạng.

Với môn Lý, lúc này bọn em không chỉ luyện các đề thi mà còn làm lại các chuyên đề bài tập mà các thầy cô đã giao trên lớp. Môn Lý, em cố gắng hiểu bản chất của hiện tượng, từ đó mình có thể tránh việc học thuộc vẹt quá nhiều làm quá tải, lẫn lộn các công thức với nhau. Phần nào còn yếu em tập trung vào phần đó, tuy nhiên với phần mình đã nắm vững cũng nên ôn lại cẩn thận. Do yếu tố đặc trưng là trắc nghiệm nên mỗi năm đề lại ra nhiều câu rất hay và mới, do đó bọn em thường lên mạng xem các tài liệu về dạng bài mới cũng như tự lập một số công thức tính nhanh của riêng mình để áp dụng nhanh vào bài tập. Khi luyện đề, em cũng bấm giờ, luôn tập trung hết mức. Thông thường, cũng như môn Hoá, bọn em sẽ làm hai lượt, để có thể soát lại bài một cách chắc chắn nhất. Rèn luyện kỹ năng bấm máy cũng là một điều rất quan trọng trong quá trình ôn thi.

Với môn Hoá, tuy mức độ khó, theo em đánh giá là không khó bằng hai môn trên nhưng độ đa dạng trong bài tập, các mẹo đánh lừa học sinh thì lại “nhất”. Ngay trong năm, từng phần kiến thức, từng loại bài tập bọn em đã làm khá kĩ trên lớp. Không chỉ thế, thầy giáo dạy hoá bọn em còn yêu cầu chúng em tự sáng tạo bài tập để nắm được tư duy ra đề. Do đó, tháng cuối cùng, bên cạnh việc luyện đề, bọn em cũng tự ôn lại các chuyên đề Hoá đã học.

Nói chung , do quá trình học trong năm chắc và cẩn thận nên việc ôn lại các dạng bài tập không quá vất vả mà chủ yếu bọn em luyện kĩ năng làm bài và phần lý thuyết. Quả thật là phần lý thuyết Hoá cực kỳ đa dạng và không dễ chút nào. Em và các bạn thường đọc rất kỹ sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo, và hay tổ chức các cuộc thi nho nhỏ, một bạn cầm tài liệu sẽ ra câu hỏi, kiểm tra kiến thức các bạn. Những lần như vậy, vừa vui vừa ghi sâu kiến thức rất nhanh. Cũng giống cả hai môn Toán, Lý, năm nào hầu như cũng có các câu hỏi, bài toán hay, lạ, do đó, bọn em luôn “lùng sục” các đề thi thử để tìm các dạng bài mới và trao đổi với nhau. Riêng môn Hoá, phải ghi nhớ nhiều nên em có cuốn sổ tay nhỏ, ghi những kiến thức, công thức, bí kíp, tên các chất, các quặng... để có thể thuận tiện ôn lại.

Cũng phải nói thêm, bên cạnh việc tự học, không khí học tập trong lớp cũng khá quan trọng. Lớp bên hay tổ chức các kì thi thử song song với việc thi thử ở trường, điều này đã giúp chúng em có một tâm lý rất vững vàng khi thi thật. Em và các bạn rất hay cùng nhau lên thư viện học nhóm. Quả thực, việc học với các bạn đều thông mình chăm chỉ giúp chúng em học hỏi ở nhau được nhiều điều. Tuy vậy, lớp em còn hay đi chơi, làm cho không khí thi thử của cả lớp rất thoải mái!

Làm bài thi: Bình tĩnh, tập trung, đúng phương pháp


Đối với Lê Thành Đạt, kinh nghiệm làm bài cả 3 môn là phải bình tĩnh, tập trung, và có phương pháp làm bài đúng đắn.

Khi làm Toán, câu nào khó, không nghĩ ra được, em lập tức bỏ qua, làm câu dễ hơn, khi mình đã giải quyết các câu dễ xong, em cảm thấy tự tin và thoải mái hơn để đối mặt với các câu khó.

Đối với các câu khó, em thường đọc kỹ đề bài, cố gắng nhận dạng thực chất nó thuộc dạng bài nào, điều kiện, giả thiết này tương với điều gì, hoặc bản chất điều kiện ấy sẽ suy ra điều gì, thông thường khi nhìn ra điểm mấu chốt của bài toán, ta sẽ có hướng giải quyết. Em khuyên mọi người, hãy làm ngay bài toán với hướng làm đầu tiên mà bạn nghĩ ra trong đầu, việc cau mày suy nghĩ để tìm lời giải đẹp, nhanh gọn nhiều khi có hại khi chỉ làm mất thời gian của chúng ta.

Toán là môn trình bày duy nhất và việc mất nửa điểm trình bày hay 0,25 cũng có thể làm chúng ta mất cơ hội với trường đại học mơ ước. Do đó, em cỗ gắng trình bày chậm, logic. Thầy giáo dạy Hình học của em thường dạy rằng, trình bày cũng thể hiện tư duy người viết. Câu chữ, dấu suy ra, dấu tương đuơng, các phép biến đổi, điều kiện xác định... cũng rất đáng lưu ý. Nếu làm sai gạch đi làm lại, không nên viết chèn, hay tẩy xoá, điều đó làm xấu bài làm và gây khó chịu cho người chấm.

Với môn Lý, Hoá, cũng theo phương châm của môn Toán, câu nào không làm được lập tức bỏ qua làm câu khác, câu đó sẽ để lượt hai giải quyết. Cũng do mới vào thi hồi hộp nên tức thời ta quên mất hoặc không nhìn ra dạng bài quen thuộc nên yên tâm là sau khi đã bình tĩnh nhìn lại, các câu hỏi sẽ được giải quyết.

Với môn Lý, em làm rất cẩn thận và suy nghĩ thật kỹ các câu phần điện, đây là phần phức tạp và khó nhất trong đề. Sau khi đã chắc chắn các câu khác, em sẽ để thời gian còn lại suy nghĩ các câu khó trên. Nhưng chú ý là em cũng để dành khoảng 10 phút cuối, kiểm tra lại một lượt đáp án, các kết quả tính toán, các câu lý thuyết.

Với môn Hoá, đề Hoá thường rất hay bẫy nên em đọc kỹ đề bài, xác định thật rõ ràng cần tính cái gì, phải dùng kiến thức gì, dạng bài gì, công thức nào để làm bài. Các câu lý thuyết cũng rất khó, yêu cầu em tổng hợp kiến thức thật chắc, suy luận tốt để trả lời các câu hỏi. Nhiều khi không có câu trả lời rõ ràng, mình phải dùng phương pháp loại trừ, cũng khá hữu ích. Môn Hoá em cũng bấm lại máy nhiều lần, kiểm tra lại các câu trả lời đáp án của mình cho thật chính xác.

Quả thực, trong kì thi đại học em cảm thấy mình rất tự tin và bình tĩnh, phải đến môn cuối cùng, môn Hoá, em mới cảm giác chút hồi hộp, không như thi Toán, Lý, em cũng thấy mình “tỉnh bơ”. Một phần cũng do thi thử rất nhiều lần với kết quả tốt, bố mẹ cũng rất thoải mái với sự lựa chọn và tin tưởng em. Hơn nữa, khi thi em ở ngay trong trường sư phạm, em cũng học 3 năm rồi nên không lạ lẫm. Trước mấy hôm thi em không học nhiều mà chủ yếu nghỉ ngơi thư giãn, chẳng nghĩ gì nhiều đến kì thi đại học, chỉ mơ màng nghĩ đến lúc nghỉ hè nên tâm trạng rất thoải mái!


Chuẩn bị trước khi thi đại học


Ôn thi đại học là thời gian vất vả nhất đối với các bạn học sinh chuẩn bị "vượt vũ môn", ai cũng muốn có những kết quả tốt nhất nhưng đâu là phương pháp
ôn thi đại học hiệu quả?
Phần lớn các bạn học sinh đều chịu áp lực rất lớn cho việc thi đại học với khối lượng kiến thức phải tiếp thu và nắm vững để có thể vượt qua kỳ thi đại học không hề nhỏ. Áp lực thi cử là một “vấn nạn” không chỉ học sinh mà cả các bậc phụ huynh, nhà trường cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm, muốn đạt kết quả tốt các bạn phải khắc phục được áp lưc cũng như chuẩn bị tốt về các mặt tâm lý và thể chất.
Sau đây là các kinh nghiệm để các sỹ tử có thể chuẩn bị tốt nhất cho
kỳ thi đại học sắp tới cả về mặt tâm lý, sức khỏe, kiến thức:

  • 1. Sức khỏe:

-Ngủ ít nhất 6 tiếng 1 ngày:

Hình đã gửi


Thông thường, chúng ta hay học tập, làm việc một cách tùy nghi và ít khi có kế hoạch quản lý thời gian. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy không có thời gian biểu hợp lý dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng (stress), mất cân bằng trong cuộc sống và luôn có cảm giác không đủ thời gian. Vì vậy, càng đến gần ngày thi, các bạn học sinh phải đưa ra thời gian biểu rõ ràng, sắp xếp lịch học bài, nghỉ ngơi và giải trí phù hợp. Việc cho rằng cả ngày học bài sẽ ôn tập được nhiều kiến thức là sai lầm, vì não bộ của chúng ta cần có thời gian nghỉ ngơi.
-Thực phẩm là người bạn đồng hành tuyệt vời của các “cú đêm”. Hãy nhờ mẹ để trong tủ lạnh thật nhiều trái cây, rau xanh và cá. Bánh mì hay sô-cô-la cũng là những đồ ăn vặt giàu năng lượng để các bạn có sức “cày khuya”.

-Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Dân gian có câu “có thực mới vực được đạo” và điều này càng đúng hơn với những thí sinh chuẩn bị thi đại học. Để có sức khỏe tốt, thí sinh cần đảm bảo ăn đúng giờ, đủ bữa và đầy đủ dưỡng chất. Những dưỡng chất cần chú ý trong mùa thi là: nhóm Gluco có nhiều trong cơm, bánh mì, bún, gạo, khoai…; nhóm chất béo thiết yếu có trong cá basa, cá thu, cá trích và các loại quả hạt như bí đỏ, hướng dương; nhóm đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng,..; nhóm vitamin và khoáng chất có nhiều trong rau xanh, hoa củ quả và nhóm sắt.

-Không bao giờ dùng đến loại thuốc lá, các thuốc kích thích để làm tỉnh táo, nhưng có thể sử dụng cafe hoặc nước trà. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng chúng thái quá, nhất là không nên thường xuyên sử dụng.

Hình đã gửi

-Nên vận động

Vận động không có nghĩa là bạn phải dành 1 tiếng hoặc 45 phút để ra sân vận động hoặc tập thể dục. Bất cứ động tác nào khiến tay chân bạn phải vận động đều có lợi cho sức khoẻ của bạn, thậm chí còn giúp bạn giảm stress để
ôn thị đại học hiệu quả.

-Tránh ô nhiễm

Tránh xa những căn phòng có khói thuốc, những khu vực giao thông đông đúc. Tránh tập thể dục gần những khu vực giao thông đông đúc. Bạn có thể tập thể dục trong nhà nếu chất lượng không khí tốt.

  • 2. Tâm lý:

Các bạn phải chuẩn bị tâm lý thoải mái, tự tin cho mình trước kỳ thi đại học. Với những bạn thí sinh lần đầu bước vào kỳ thi quan trọng như đại học thường cảm thấy áp lực, không tự tin khi nghĩ đến tương lai phụ thuộc vào 03 giờ làm bài. Rất nhiều bạn rơi vào tình trạng lo lắng, run rẩy.
Để tránh tình trạng cơ thể rơi vào trạng thái mỏi mệt hoặc căng thẳng quá mức, thí sinh phải có kế hoạch nghỉ ngơi, giải trí hợp lý. Đôi khi cũng cần phá lệ, hội họp bạn bè hay đi chơi cùng gia đình sẽ giúp bạn giải phóng bộ não khỏi sự tù túng. Trong quá trình học, các bài tập thể dục tại chỗ nhẹ nhàng cũng giảm bớt sức ép thi cử đối với tâm lý của bạn. Đại học — bước ngoặt của cuộc đời. Điều đó thật quan trọng nhưng nó cũng chỉ là một kỳ thi, nếu chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng, cố gắng hết mức thì hãy tự tin vào chính mình

  • 3. Kiến thức:

-Chú ý đến những kiến thức cơ bản nhất: Các bạn khi ôn thi đại học không nên chỉ vùi đầu vào các kiến thức cao siêu khi mà kiến thức cơ bản mình chưa thực sự nắm chắc, hãy chú đến quyển sách giáo khoa ngay bên cạnh bạn.
-Chọn ra phương pháp học khiến bạn phát huy tối đa năng lực của mình. Đừng cố tự học nếu bạn vốn lười nhác, thụ động. Trong trường hợp này, lò luyện và các nhóm ôn thi là một lựa chọn thông minh để bạn có động lực tích kiến thức. Ngược lại, nếu sở hữu khả năng tập trung và tự học tuyệt vời thì bạn đừng đua theo phong trào, phung phí thời gian và tiền bạc vào những lớp học thêm chật chội.
-Ôn thi đến đâu chắc đến đó: Phần nào, bài tập nào sức mình làm được thì ôn thật kĩ, để khi đi thi chắc chắn sẽ có điểm. Có ôn như vậy, khi đi thi sẽ giúp “sỹ tử” cảm thấy tự tin và khi thi xong cũng không lo lắng sai phần này hoặc phần kia.
-Học cách tập trung: Gạt bỏ những suy nghĩ lung tung đi bằng cách chỉ nghĩ đến bài cần học và phải ý thức được tầm quan trọng của bài học. Khi bạn biết lo lắng cho bài vở, cho trình độ học của mình, bạn ắt sẽ tập trung học được.

Hình đã gửi

On thi dai hoc

Tìm một chỗ tuyệt đối yên tĩnh. Tránh xa cái ĐTDĐ và cả điện thoại bàn ra. Treo một cái bảng gì đó tựa như “Không làm phiền” hay đại loại như thế. Nếu bạn muốn nghe nhạc, OK thôi, nhưng đừng nghe nếu như nó sẽ làm bạn xao lãng việc học
-Duy trì việc học vào mỗi buổi sáng, chiều và tối đừng quá dày đặc và không nên cắt ngang buổi học đó. Ví dụ buổi sáng học 2 tiếng, buổi chiều học 2 tiếng, buổi tối học 2 tiếng, trong khi học nên tập trung, tất nhiên nên có thời gian nghỉ ngơi giữa buổi học từ 5 - 10 phút.
-Nên chọn và phân bổ thời gian ôn thi hợp lý nhằm giúp quá trình tự ôn thi đạt hiệu quả cao và làm cho trí óc bớt căng thẳng. Nếu bạn thi khối A hãy phân bố thời gian ôn thi cho cả 3 môn toán, lý, hóa cho hợp lý, vì đạt điểm khá 3 môn không khó bằng việc 1 môn đạt điểm giỏi trong khi 2 môn kia lại đạt điểm trung bình.
-Ghi những kiến thức mà bạn hay nhầm lẫn vào 1 mảnh giấy, bỏ vào 1 hộp. Nhớ là tổng hợp hết tất cả các môn học nhé. Mỗi lần đi qua lấy 1 tờ rồi mở ra xem và trả lời. Như vậy sẽ giúp bạn nhớ đều và có thể trả lời khi bất ngờ đối diện với kiến thức.
-Không cần thiết phải học nhóm: Khi học nhóm bạn có thể dễ dàng phát hiện ra một số điều mà bạn đã nhầm lẫn từ lâu. Khi thảo luận sẽ làm người ta nhớ lâu nhưng học nhóm cũng có thể dẫn tới tình trang không tập trung, bạn nên nhìn nhận đánh giá để sao cho có hiệu quả nhất.
-Luyện thi với các cấu trúc dạng để năm trước để biết khả năng của mình đến đâu. Ngoài ra mình cũng ủng hộ các bạn việc thi thử tại các trung tâm uy tín.
-Học những môn khó vào giờ mà bạn thấy mình minh mẫn nhất, và ngược lại. Đa số học sinh đều học những môn khó vào buổi tối, khi họ mệt mỏi sau một ngày dài, và thế là họ càng khó tập trung học hơn. Hãy đi ngược lại thói quen đó.

  • 4. Kinh nghiệm thi trắc nghiệm:

-Khi nhận phiếu trả lời trắc nghiệm phải khai báo đầy đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Để khai báo đầy đủ, bên cạnh sự hướng dẫn của cán bộ coi thi, học sinh phải đọc kỹ từng mục (cụ thể 10 mục), mục nào cần ghi bằng bút mực, mục nào ghi bằng bút chì.

Hình đã gửi

-Làm các câu lí thuyết trước rồi mới làm các câu bài tập, câu dễ làm trước, câu khó làm sau (nhớ coi chừng bỏ sót). Một bài thi trắc nghiệm tuyển sinh ĐH, CĐ có 70 - 100 câu. Thời gian làm bài là 90 phút. Như vậy, thí sinh có khoảng chưa đầy một phút để trả lời một câu hỏi.

-Sắp hết giờ, mà bài vẫn chưa xong, để có cơ hội giành điểm cao nhất, nhất thiết học sinh phải tô các phương án trả lời theo phương châm: Thà tô nhầm còn hơn bỏ sót. Không nên để trống một câu nào.

-Nên mua các loại bút chì đen mềm từ 2B đến 6B ( nhớ gọt sẵn vài cây để dự trữ) để làm bài thi. Không nên gọt đầu bút chì quá nhọn, mà nên dẹt, phẳng để nhanh chóng tô đen các ô trả lời. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và tô các câu trả lời bằng bút chì, bài thi phải viết rõ ràng, tuyệt đối không viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi có dấu riêng sẽ bị phạm vi và không được chấm điểm.



Kinh nghiệm học khối A
Kinh nghiệm học của thủ khoa khối B
Kinh nghiệm học môn hóa để luôn đạt điểm cao
Kinh nghiệm học ngữ pháp Tiếng Anh
Kinh nghiệm học giỏi môn văn
Kinh nghiệm học khối D để đạt kết quả cao nhất
Kinh nghiệm học thuộc môn địa lý

(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý