Kinh nghiệm ôn thi đại học môn Tiếng Anh

seminoon seminoon @seminoon

Kinh nghiệm ôn thi đại học môn Tiếng Anh

19/04/2015 04:57 AM
773

Đối với môn Tiếng Anh, học sinh cần nắm vững kiến thức căn bản như cách dùng các thì, sự hòa hợp giữa các thì, thụ động cách, câu gián tiếp, mệnh đề tính từ, mệnh đề danh từ, mệnh đề trạng từ..Kinh nghiệm ôn thi đại học môn Tiếng anh và cách làm bài thi để đạt điểm tối đa dưới đây sẽ là gợi ý hay cho bạn

1. Cách ôn tập


Phần ngữ âm: Tìm trọng âm là một trong những nội dung thi mà  thí sinh thường phạm lỗi. Để ôn tập tốt cho phần này, ngoài việc chú  trọng phát âm đúng tất cả các từ mới ngay từ đầu bằng cách lặp đi lặp  lại nhiều lần theo mẫu, thí sinh cần chú ý đến hệ thống dấu nhấn của các  từ có từ hai âm tiết trở lên.  





Các từ trong tiếng Anh có thể chia làm hai loại, một loại có dấu nhấn  không có quy luật, cần phải thuộc lòng. Tuy nhiên, rất may mắn là trong  tiếng Anh có một số quy luật nhấn phổ biến liên quan đến các suffix  (phần gắn thêm ở cuối từ để tạo ra từ mới). Vì vậy, cách ôn tập tốt nhất  cho phần này là kết hợp với việc ôn tập từ vựng. 

Phần từ vựng, ngữ pháp và cách dùng phù hợp (usage): Đa số thí  sinh có trình độ trung bình trở lên đều thực hiện được tương đối thoải  mái, do đề thi bám khá sát nội dung và yêu cầu về trình độ của chương  trình học. Thí sinh nên chú trọng ôn tập thường xuyên các nội dung đã  học trong nhà trường.  

Hai phần đọc hiểu và viết: Những phần này không dễ cho thí sinh  có trình độ trung bình. Bài đọc trong phần đọc hiểu môn Anh văn trong  kỳ thi ĐH thường có độ dài 200-250 từ, xoay quanh các đề tài thông  thường liên quan đến khoa học kỹ thuật, y học, sức khỏe, môi trường tự  nhiên và xã hội, văn hóa, giáo dục, kinh tế, đôi khi có cả các vấn đề  thời sự và chính trị.  

Để làm tốt phần đọc hiểu, thí sinh không chỉ cần nắm vững kiến thức ngôn  ngữ (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng) mà còn cần có kiến thức xã hội tổng  quát. Một kinh nghiệm tốt khi ôn thi là chú trọng đọc về những sự kiện  đang diễn ra xung quanh và chuẩn bị đọc về những đề tài tương tự. Chẳng  hạn, nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày Việt Nam gia nhập WTO, các bài đọc  trong kỳ thi có thể sẽ liên quan đến vấn đề hội nhập kinh tế hoặc toàn  cầu hóa.



Do mục đích của kỳ thi tuyển sinh ĐH là tạo sự phân hóa đối với thí sinh  để từ đó phát hiện những thí sinh có trình độ tốt nhất, nên khi ôn tập  ngoài việc dựa vào sách giáo khoa, các thí sinh cần đọc thêm từ các  nguồn tài liệu tham khảo bên ngoài. Có thể sử dụng các tài liệu luyện  thi đọc hiểu cho trình độ B có bán sẵn trên thị trường, hoặc nếu có điều  kiện thì nên đọc thêm các bài đọc về khoa học kỹ thuật, y học và đời  sống, giáo dục, văn hóa, xã hội... trên internet. Trong trang web của  wikipedia (
www.wikipedia.org) có những bài đọc được viết bằng  tiếng Anh đơn giản hóa rất phù hợp trình độ của thí sinh, nếu sử dụng để  mở rộng kiến thức thì rất tốt.


2. Lưu ý khi làm bài thi:


Phân bố thời gian hợp lý: Hiện nay, thời gian dành cho bài thi  tiếng Anh cả ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là khoảng hơn 1  phút cho một câu. Đây là thời gian tương đối dư dả cho thí sinh nếu nắm  vững bài học và hiểu rõ yêu cầu của câu hỏi, nhưng sẽ không có thời gian  để suy nghĩ từ đầu nếu thí sinh chưa hiểu rõ yêu cầu của bài thi. Vì  vậy, "mẹo vặt" đầu tiên là cần đọc lướt toàn bài để xác định xem phần  nào mình nắm thật vững để làm nhanh trước; sau đó thực hiện những phần  khó và đòi hỏi thời gian nhiều hơn nhưng vẫn còn nằm trong khả năng của  thí sinh, còn những phần quá khó thì để lại sau cùng và chỉ thực hiện  khi còn thời gian. Nếu chỉ làm tuần tự từ trên xuống dưới thì có thể rơi  vào tình trạng mất quá nhiều thời gian vào câu khó và làm sai, không có  thời gian để làm câu dễ mà lẽ ra mình đã có thể làm đúng. 



Không bao giờ bỏ trống bất cứ phần nào: Sau khi đã thực hiện  lời khuyên trên và đến gần hết giờ thi vẫn còn một số câu mà thí sinh  không thực sự hiểu rõ, thì hãy áp dụng khả năng suy đoán của mình để trả  lời, dù có thể không chắc là mình làm đúng. Do cách chấm điểm hiện nay  không trừ điểm khi thí sinh trả lời sai, nên nếu quá thận trọng và để  trống không trả lời khi mình chưa biết rõ, thì thí sinh đã tự làm hại  mình.



Để đạt điểm cao môn Tiếng Anh


Đối với môn Tiếng Anh, học sinh cần nắm vững kiến thức căn bản như cách dùng các thì, sự hòa hợp giữa các thì, thụ động cách, câu gián tiếp, mệnh đề tính từ, mệnh đề danh từ, mệnh đề trạng từ... Trong trường hợp các em mất căn bản, nên nhờ sinh viên hoặc giáo viên có kinh nghiệm kèm riêng để bổ sung ngay kiến thức.

Bên cạnh đó, thường xuyên làm bài tập để ôn luyện các kiến thức là cách để nhớ sâu. Nếu là bài tập dạng trắc nghiệm, các em phải tự lý giải cho việc chọn lựa các câu trả lời của mình. Tránh tình trạng chọn câu trả lời một cách hú họa, vừa mất thời gian, vừa không hiệu quả. Ghi chú câu hỏi thuộc các phần văn phạm không biết, không hiểu rõ để nhờ bạn hoặc thầy cô hỗ trợ. Việc làm này sẽ giúp các em nhớ từ vựng, giới từ và các điểm văn phạm đã học.

Ngoài ra, các em sưu tầm các đề thi học kỳ, tốt nghiệp THPT và ĐH - CĐ của các năm học trước để nắm vững dạng đề thi. Trong lúc làm các đề thi này, các em nên tự canh giờ, làm bài nghiêm túc như khi đi thi. Sau đó so kết quả làm bài với đáp án, tự chấm bài, ghi chú những phần lỗi sai để xem lại hoặc nhờ bạn bè, thầy cô giải thích.

Đặc biệt, học sinh nên đọc thêm các bài đọc có nội dung liên quan với các bài khóa. Cụ thể: Đối với thi tốt nghiệp THPT là các đề tài trong sách giáo khoa lớp 12, đối với thi đại học là các đề tài trong sách giáo khoa THPT để mở rộng kiến thức, vốn từ, củng cố văn phạm và rèn kỹ năng đọc hiểu. Vì đề thi nào cũng có phần đọc hiểu gồm 5 hoặc 10 câu chiếm từ 1 đến 1,5 điểm. Để tăng cường về kỹ năng này, học sinh có thể tham khảo chiến lược làm bài đọc hiểu trong các sách luyện thi TOEFL hoặc IELTS.

Thông thường khi làm bài thi, học sinh hay mắc sai về giới từ đặc biệt là các giới từ cực kỳ quen thuộc như: on Monday, On 2th September, leave London, leave for London... Tiếp theo là sai về cấu trúc câu đơn giản như there is, there are, sự hòa hợp giữa các thì, sự hòa hợp giữa chủ từ và động từ, cách dùng động từ khiếm khuyết... Về phân chia thời lượng làm bài, các em hay dừng quá lâu ở mỗi câu, mất nhiều thời gian cho phần đầu của đề thi (trắc nghiệm) và không đủ thời gian làm các câu hỏi phần sau (đôi khi dễ hơn). Như vậy các em bị mất điểm sẽ rất uổng.
Tóm lại, vì là môn thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan nên các em không nên học tủ.

Tốt nhất là thường xuyên làm các bài thi thử và canh giờ, trung bình phút cho một câu hỏi. Nếu đã hết một phút mà các em vẫn chưa chọn được câu trả lời, các em nên đánh dấu câu hỏi đó, làm sang câu kế tiếp. Khi làm xong bài sẽ quay lại các câu đã đánh dấu. Trường hợp không đủ giờ để suy nghĩ cho các câu khó, các em nên chọn theo trực giác - một "chiêu" rất quen thuộc khi làm bài trắc nghiệm.



“3 chiêu” cải thiện điểm thi môn tiếng Anh

Đối với các thí sinh thi khối D lúc này quan trọng nhất là phân bổ thời gian ôn tập hợp lí và lựa chọn các thức ôn luyện hiệu quả. Dưới đây một số chiêu ôn tham khảo dưới đây giúp thí sinh cải thiện đáng kể điểm thi tiếng Anh của mình.


#1. Định vị câu hỏi bẫy

Trong bài thi thường xuất hiện 5-8 câu hỏi bẫy chiếm tỉ lệ 7-10% số lượng câu hỏi trong bài thi. Câu hỏi của bài thi không đơn giản như vẻ ngoài của nó, các câu hỏi này đòi hỏi các thí sinh phải tư duy và trang bị tốt cho mình kiến thức để làm bài. Các câu hỏi bẫy chủ yếu nằm ở phần cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai. Câu hỏi bẫy là các câu hỏi thường là các câu hỏi mẹo và gây nhầm lẫn cho các thí sinh trong quá trình làm bài. Trên thực tế, các câu hỏi này không khó nhưng lại gây sự nghi ngại cho các thí sinh khi lựa chọn đáp án đúng.

Ví dụ:
Đề thi Đại học – Khối D (Mã đề 184, câu số 32 – Năm 2010) trong phần tìm lỗi sai:

Many (A) people have found the monotonous (B) buzzing of the vuvuzela in the 2010-World-Cup (C) matches so annoyed (D).
Đáp án đúng là (D) bởi vị trí ở đây là được sử dụng cho cấu trúc: find something +Adj (Một cấu trúc động tính từ với hai dạng thức V-ed và V-ing). Nhiều thí sinh đã chọn (C) thay vì đáp án (D), vì cảm tính rằng đáp án (C) có gì đó không ổn.

Hoặc một ví dụ khác cũng trong mã đề thi 184 có câu số 42 (năm 2010) trong phần chọn đáp án đúng nhất:

The captain as well as all the passengers ______ very frightened by the strange noise.

            (A) is                 (B) were                (C) was               (D) have been

Đây là cấu trúc sử dụng liên từ (liên kết “as well as” có nghĩa là: cũng như đông nghĩa với “and”) để kết nối chủ ngữ, theo đó động từ sẽ được chia theo chủ ngữ (số ít/số nhiều) đứng trước as well as. Trường hợp này chỉ có “is” và “was” là phù hợp, tuy nhiên đây câu trần thuật, miêu tả một sự việc đã xảy ra. Do vậy đáp án đúng phải là (C), thay vì (B) nếu xét theo ngữ nghĩa tiếng Việt.


#2. Ghi điểm phần bài đọc hiểu
Đề thi Tiếng Anh thường có từ 1 đến 2 bài đọc hiểu, chiếm tỷ lệ điểm từ 20-28% tổng điểm toàn bài. Do đó, để tránh bị mất điểm oan, các thí sinh cần lưu ý một số lỗi sau:

    • Cố tìm hiểu chi tiết nội dung của bài viết thay vì cần hiểu ý chính, thông tin câu hỏi có sẵn trong bài hoặc những đáp án lựa chọn cho sẵn.

    • Dành quá nhiều thời gian cho tìm hiểu, phán đoán ý nghĩa của từ vựng thay vì hiểu ý chính của câu và của đoạn để tìm ra ngay đáp án phù hợp.

    • Làm theo thứ tự câu hỏi thay vì lựa chọn câu hỏi và đáp án phù hợp với nội dung để hoàn thành.

    • Chỉ đọc lướt ý của câu hỏi mà không chú trọng vào nghĩa phủ định của các từ, dẫn đến việc hiểu nhầm nội dung câu hỏi. Những dạng câu hỏi này hay xuất hiện phần phủ định ở cuối câu dùng với liên từ như: but, except, excluding... hoặc cụm từ: not true, not correct, not mentioned, do(es)not refer...

#3. Tìm đúng câu hỏi cho đáp án

Phần đề thi trắc nghiệm khách quan có 10 câu hỏi liên quan đến kĩ năng viết tiếng Anh (khoảng 1,5/10 điểm). Các thí sinh thường cho rằng đây là phần dễ ghi điểm nhất tuy nhiên thực thế các câu hỏi luôn làm thí sinh mất nhiều thời gian để lựa chọn và ảnh hưởng đến tiến độ làm bài. Đề bài yêu cầu thí sinh phải tìm đáp án có nghĩa đúng nhất (tức là đúng nghĩa chứ không phải đúng cấu trúc) với câu đã cho.

Để làm tốt dạng bài này, các thí sinh cần tập trung vào kĩ năng diễn đạt bằng tiếng Anh thông qua các chuyên đề ngữ pháp thông dụng và nâng cao trong chương trình sách giáo khoa, ví dụ:

  • Các dạng câu so sánh;

  • Câu trực tiếp, câu gián tiếp;

  • Câu bị động, câu chủ động;

  • Các loại cấu trúc giả định;

  • Cấu trúc đảo ngữ, cấu trúc song song…



Chia sẻ kinh nghiệm Kinh nghiệm học tiếng Anh của thủ khoa Học viện cảnh sát



Những chia sẻ của Lê Thùy Trang rất hữu ích đối với những sĩ tử đang ôn thi môn tiếng Anh đấy.

kinh-nghiem-on-thi-dai-hoc-mon-tieng-anh

Lê Thùy Trang là cựu học sinh lớp Chuyên Anh của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) và xuất sắc trở thành thủ khoa khối D của trường Học viện cảnh sát năm 2012 với số điểm 26 (Văn 7, Toán 9,75 và Tiếng Anh 9,25). Năm học lớp 12, Trang cũng đã từng đoạt giải Khuyến khích môn Tiếng Anh và Tiếng Anh cũng chính là môn học Trang yêu thích nhất. Cô bạn đã có những chia sẻ cởi mở với Tiin về phương pháp ôn thi môn Tiếng Anh, thời gian học tiếng Anh và các nguồn tài liệu bổ ích…


Chào Trang. Khi ôn thi ĐH môn Tiếng Anh, bạn đã dành thời gian học môn tiếng Anh như thế nào?

Để ôn thi đại học môn tiếng Anh khối D, mình dành tổng cộng trung bình khoảng 3 tiếng mỗi ngày để học môn tiếng Anh. Đối với học sinh cuối cấp, việc học đôi khi trở nên rất khó khăn vì chúng ta phải gặp nhiều áp lực, lại hạn chế về mặt thời gian. Nhiều học sinh cuối cấp thường xuyên thức rất khuya để học, tuy nhiên đó thực sự không phải là cách học hiệu quả. Theo mình, thời gian học buổi tối tốt nhất là từ 8h đến 12h và buổi sáng là từ 5h đến 6h. Thời gian học buổi sáng tuy ngắn ngủi nhưng rất hiệu quả vì đó là thời điểm mà đầu óc chúng ta tỉnh táo và minh mẫn nhất, rất thích hợp cho việc học thuộc từ mới tiếng Anh.

Bên cạnh yếu tố về thời gian thì việc thay đổi không gian học cũng rất quan trọng để giúp chúng ta có thể học tiếng Anh hiệu quả hơn. Nếu như cảm thấy không gian phòng học tại nhà ở của mình đã quá nhàm chán, các bạn có thể tìm đến công viên hay thư viện, hoặc có thể đến nhà bạn để học nhóm…

kinh-nghiem-on-thi-dai-hoc-mon-tieng-anh-2

Trong nội dung chương trình môn Tiếng Anh thì phần nào mà Trang cảm thấy quan trọng nhất? Bí quyết học phần này của Trang là gì?

Trong môn tiếng Anh, phần quan trọng nhất luôn là phần ngữ pháp. Ngữ pháp chính là nền móng của ngôn ngữ, muốn học tốt một ngôn ngữ người học trước hết phải học tốt ngữ pháp, vì thế ngay từ khi làm quen với môn tiếng Anh cho đến khi ôn thi ĐH, mình cũng đã rất chú trọng đến phần ngữ pháp. Để học môn ngữ pháp hiệu quả riêng mình có một số bí quyết như sau:

1. Lên lịch học

Ghi chú những phần ngữ pháp quan trọng và lên kế hoạch học và thực hành từng phần. Ví dụ: Muốn học phần so sánh tính từ (the comparision of adjectives) thì có thể chia tất cả kiến thức và bài tập của phần đó làm đôi để học trong 2 ngày. Ngày thứ nhất học so sánh bằng (as adj as), so sánh hơn (adj + er (than N) hoặc more + adj (than N)) và thực hành các bài tập liên quan. Ngày thứ hai học so sánh nhất (the adj +est (N) hoặc the most adj (N)) và các tính từ so sánh không theo nguyên tắc (good – better – the best,…).

2. Chú ý tới những lỗi ngữ pháp thường gặp

Đây chính là cách “learn from mistakes” (Học từ những lỗi sai). Mỗi khi phát hiện ra lỗ hổng kiến thức ngữ pháp của mình thì ngay lập tức chúng ta nên chuẩn bị một cuốn sổ tay ghi lại tất cả những cấu trúc mình sử dụng sai đó để lần sau không bao giờ “tái phạm” nữa.

3. Thực hành và tìm các nguồn bài tập

Tìm các bài tập ngữ pháp từ các nguồn như sách, báo, internet… để thực hành, để học tốt được ngữ pháp thì các em cần phải luyện tập thật nhiều cho tới khi sử dụng nó một cách dễ dàng. Ngoài ra trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều tình huống để chúng ta có thể áp dụng hữu hiệu các quy luật ngữ pháp tiếng Anh.

4. Học các quy luật.

Ví dụ như khi học cách thành lập và sử dụng Thì quá khứ đơn (simple past) nên thực hành ngay các cách áp dụng này vào tình huống thực tế (tập viết một mẫu đối thoại ngắn, chỉ khoảng 5 - 6 câu, sử dụng thì quá khứ đơn. Sau đó tìm thêm một vài tình huống vui vui để thực hành cho tới khi nhuần nhuyễn)…

5. Để ý các cấu trúc ngữ pháp khi đọc

Khi đọc một câu văn hay một câu mẩu chuyện…chúng ta nên để ý đến ngữ pháp và nên tìm hiểu tại sao câu lại được viết như vậy mới có thể nắm vững được cấu trúc ngữ pháp hơn. Nếu không thể hiểu tại sao cấu trúc ngữ pháp lại như vậy thì hãy tìm những cuốn sách về những phần ngữ pháp này và tự luyện tập, ngoài ra bạn hỏi bạn bè hay thầy cô về những điểm mình chưa hiểu rõ…

6. Học các điểm (quy tắc) ngữ pháp ngoại lệ

Ngữ pháp tiếng Anh có khá nhiều trường hợp ngoại lệ. Khi gặp các ngoại lệ này, chúng ta nên ghi chép lại và đối chiếu với quy luật để có thể nhớ được chúng.


Ngoài tập trung ôn luyện kiến thức thì theo Trang, các sĩ tử cần phải chú ý điều gì để đạt được điểm cao môn tiếng Anh?

Để đạt điểm cao môn tiếng Anh trong kì thi đại học, các bạn nên tìm đề thi tiếng Anh đại học của các năm trước làm thử, để kiểm tra trình độ của mình và để biết được cấu trúc một đề thi đại học, xác định nó có những phần nào để ôn thi tập trung vào những phần đó. Thông thường, một đề thi tiếng Anh có các phần như sau:

- Tìm từ đồng nghĩa/trái nghĩa với 1 từ trong 1 câu văn cho trước

- Tìm câu đồng nghĩa với 1 câu cho trước

- Tìm từ có vị trí âm tiết nhận trọng âm khác so với các từ còn lại

- Tìm lỗi sai trong câu

- Đọc và chọn từ điền vào chỗ trong một đoạn văn/câu văn

- Đọc và chọn phương án trả lời câu hỏi

Để đạt điểm cao tất cả các phần này, các bạn sĩ tử nên tìm mua các cuốn sách bài tập tiếng Anh của các tác giả Vĩnh Bá, Mai Lan Hương, Hoàng Thị Lệ. Những cuốn sách này thực sự rất hay vì nó có những bài tập chọn lọc tiêu biểu của từng phần và kèm theo đáp án đầy đủ. Nói nhỏ thêm với các em là các câu hỏi, bài tập có trong sách các tác giả Vĩnh Bá và Mai Lan Hương thường khá sát với đề thi ĐH các năm đấy!



Kinh nghiệm học tốt môn sinh học
Kinh nghiệm học giỏi môn văn
Kinh nghiệm học giỏi môn Toán
Kinh nghiệm học tốt môn Vật lý
Kinh nghiệm học giỏi môn hóa
Kinh nghiệm học giỏi môn Tiếng Anh
Kinh nghiệm học của thủ khoa khối A
Kinh nghiệm học tốt môn lịch sử



(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
khi học bài hơi lâu em cảm thấy rất chóng mặt ,,,em muốn cải thiện tình trạng ấy ngay thì phải làm sao ......... và đôi khi vừa rời khỏi bàn học là em muốn té đó có gọi là tình trạng thiếu máu lên não không ạ
hơn 1 tháng trước - Thích (20) - Trả lời
do la tinh trang liet duong do em a
mình luôn cố gắng học tiếng anh nhưng mãi vẫn chẳng lên dc, đặc biệt là khi học rùi đến lúc làm bt vẫn thấy chóng mặt mac dù mình rat thich học dc nó lam ý, đấy là nôi khổ của mình hon 2 năm học nó rùi, chỉ có dieuf dang tiếc làm cấp 3 mình ohair học tieng pháp và ko có dkk dc học song ngữ, giá như dc chọn lại thì tốt,,,,nhung mình nghĩ bây giờ vẫn chưa muộn, mình vẫn cố
hơn 1 tháng trước - Thích (10) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý