Kinh nghiệm du lịch An Giang

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Kinh nghiệm du lịch An Giang

19/04/2015 05:07 AM
260

An Giang là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu từ chỗ sông Mê Kông chảy vào nước ta được chia làm đôi. Phía đông An Giang giáp Đồng Tháp, phía đông nam giáp Tp. Cần Thơ, phía tây nam giáp Kiên Giang, phía tây và tây bắc giáp nước Cam-pu-chia.

An Giang được biết đến với các địa điểm du lịch rất nổi tiếng, như là núi cấm, núi sam, các lễ hội thu hút rất đông du khách tham quan hằng năm như là lễ hội bà chúa xứ, lễ hội đua bò bảy núi.

1. Núi Sam

Núi Sam có tên khác Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn cao 284 m có chu vi 5.200m, là một núi nằm trong vùng Bảy núi, thuộc xã Vĩnh Tế – nay là Phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Núi Sam là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Các tỉnh miền tây . Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên có nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên tại đây gần 2 thế kỷ. Ðồng bào khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trên đỉnh núi có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp.

chau tay an o nui sam

Chùa Tây An ở núi Sam

Trên đỉnh, còn dấu tích một bệ đá, nơi tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự, trước khi được đem về miếu… Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn.

Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang) là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử – Văn hoá núi Sam dã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp quốc gia.

Đặc biệt là lễ hội miếu Bà Chúa Xứ hay còn gọi là lễ Vía Bà được tổ chức hàng năm từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch. Lễ Vía Bà hằng năm thu hút rất đông khách thập phương. Đến với lễ hội hội họ vừa được tham dự lễ hội dân gian phong phú để xin cầu tài cầu lộc. Hằng năm thu hút hơn 2 triệu lượt khách tham quan.

2. Thất Sơn – Núi Cấm

Vùng Bảy Núi hay còn gọi là Thất Sơn, gồm bảy ngọn núi không liên tục thuộc 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang.

Bảy Núi là 7 ngọn núi tiêu biểu trong 37 ngọn núi ở 2 huyện. tên của bảy ngọn núi là: núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngủ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn).

Vùng Bảy Núi còn là nơi có nhiều lễ hội, phong tục… đặc thù của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, như lễ Chol Chnam Thmay, lễ Pisat bo chia, lễ Pha Chum Bênh (tức lễ Đôn Ta)…và đặc biệt hơn cả là lễ hội Đua bò Bảy Núi được diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hằng năm…

3. Núi Cấm

Núi Cấm là một trong những ngọn núi đẹp và hùng vĩ cũa dãy Thất Sơn . Đây là địa danh du lịch rất nổi tiếng của An Giang và ĐBSCL vì khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự…Từng được xưng tụng bằng nhiều mỹ từ, là “nóc nhà của đồng bằng”, hoặc một Đà Lạt thứ hai giữa vùng sông nước miền Tây.

Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm. Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100 ha, có cảnh quan đẹp, có đường tráng bê tông khá rộng lên đến đỉnh.

tuong di lac  tren nui cam

Tượng di lặc trên núi Cấm

Bên cạnh các nguồn lợi từ du lịch, hành hương, cây trái… núi Cấm còn có các nguồn lợi khác từ tài nguyên, như đá xây dựng, cát núi, đất sét cao-lanh và nước khoáng thiên nhiên…

4. Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư cách thành phố Long Xuyên gần 100 km, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Với sinh cảnh rừng tràm ngập nước và hệ động thực vật phong phú, Trà Sư biểu trưng cho nét đẹp mùa nước nổi An Giang.

Đây cũng là khu rừng ngập nước nội địa thứ 6 của các tỉnh miền tây . Mặc dù đường vào rừng còn gập ghềnh ổ gà, ổ voi nhưng ai đã một lần đặt chân đến đây sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng cuốn hút…

rung tram tra su

Rừng tràm Trà Sư

Đứng trước cây cầu vào cổng, trước mắt du khách hiện ra con kênh dài với dòng nước mát lành, thi thoảng lại có chú cá vẫy đuôi làm xao động mặt nước. Ngay cạnh đó là cả dãy rừng tràm xa tít, ngăn ngắt màu xanh. Từ đây, du khách không đi bằng xe nữa mà phải dùng ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi trong các ngóc ngách của rừng. Ngồi trên xuồng, nhè nhẹ từng nhịp chèo khua trên dòng nước trong xanh, ngắm hàng chục loài chim hót véo von trên từng ngọn tràm mà ngỡ như mình đang lạc vào xứ sở thần tiên.

Đất lành chim đậu, một số loài chim nước sống quanh năm ở đây như cò, cồng cọc, dang sen, bìm bịp, lele… Ngoài ra còn có cả dơi quạ.

5. Cù Lao Giêng

Cù lao Giêng là một hòn đảo lớn (cù lao) nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (gồm các xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân).

Với cảnh quan thiên nhiên đầy sức quyến rũ của một vùng sông nước, cá lội tung tăng cùng vô vàn chủng loại cây trái đặc sản của miền phù sa nước ngọt, Cù Lao Giêng còn có những công trình văn hoá và mỹ thuật tiêu biểu như Chùa Bà Lê (Phước Hội Tự), một di tích lịch sử cách mạng thuộc xã Hội An, huyện Chợ Mới đã được Nhà nước công nhận di tích quốc gia. Hiện nay, bên trong còn thờ những bài vị của các anh hùng liệt sĩ cách mạng dưới hình thức tôn giáo để che mắt giặc trong thời chiến tranh.

thanh duong cu lao gieng

Thánh đường Cù Lao Giêng

Với quê sông nước hữu tình nằm giữa sông Tiền với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc như Quần thể kiến trúc Thiên chúa giáo xã Tấn Mỹ, Thánh đường Cù lao Giêng, Chùa Đạo Nằm, Phủ thờ Mã Tộc, Chùa Bà Vú,… Cũng là nơi xuất thân của nhiều danh nhân An Giang.

Ngoài ra còn có 1 số nơi như là Hồ Thoại Sơn, Búng Bình Thiên, nhà Bảo Tàng tỉnh An Giang, khu tưởng niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng,….



Cẩm nang du lịch bụi An Giang

An Giang – tỉnh miền Tây Nam Bộ giáp biên giới Campuchia tuy mới chỉ được khai phá cách đây hơn 300 năm, nhưng có rất nhiều nét văn hóa và ẩm thực độc đáo. Mời bạn cùng iVIVU lên lịch cho chuyến du lịch bụi đến An Giang để khám phá tất cả những điều lý thú ấy. Điều đầu tiên, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi bằng thao tác đặt phòng khách sạn An Giang trên iVIVU.com nhé!

Lễ hội đua bò Bảy Núi, An Giang - iVIVU.com

Lễ hội đua bò Bảy Núi diễn ra vào cuối tháng 8 âm lịch hàng năm. Ảnh: Internet

1. Phương tiện đi lại

Đi bằng ô tô:

Từ Sài Gòn, mua vé đi thành phố Long Xuyên hay thị xã Châu Đốc ở bến xe miền Tây hay của các hãng xe tư nhân trên đường Lê Hồng Phong (giá dao động từ 150.000 – 300.000 VND/lượt). Đến các địa điểm trên thì thuê xe ôm, xe lôi đạp, xe lôi máy hay taxi về khách sạn. Nếu muốn thuê xe máy, có nhiều điểm cho thuê tại thành phố Long Xuyên hay thị xã Châu Đốc, giá từ 100.000 VND/ngày.

Đi bằng xe máy:

Từ Sài Gòn – Châu Đốc đi như sau: Theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu), rẽ phải về Cao Lãnh, qua phà Cao Lãnh thì đi theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới, qua phà Thuận Giang cập bờ sông Hậu, đến phà Năng Gù thì qua phà đó, chạy theo quốc lộ 91 khoảng 30km là tới núi Sam. Hành trình này khoảng 220km, ngắn hơn hành trình xe Mai Linh khoảng 40km.

2. Nên đến vào thời điểm nào?

Đến An Giang mùa nào cũng đẹp, song nếu đến vào tháng 4 hay tháng 8 âm lịch, bạn sẽ được hòa mình vào hai lễ hội lớn là lễ hội bà chúa Xứ núi Sam (23/4 – 27/4) và lễ hội đua bò (cuối tháng 8). Các tháng 7-8 có mưa khá nhiều nên cần mang theo áo mưa hay dụng cụ đi mưa.

Non nước An Giang - iVIVU.com

An Giang mùa nào cũng đẹp. Ảnh: Phượt

3. Khách sạn, nhà nghỉ

Nhà nghỉ và khách sạn ở An Giang tập trung tại 3 điểm: khu vực núi Sam (thường dành cho khách hành hương, du khách không ở vì xa trung tâm), nội ô Châu ĐốcLong Xuyên. Một số khách sạn gợi ý như khách sạn Hải Châu (2 sao) hay khách sạn Victoria Châu Đốc (4 sao). Đặc biệt tại Long Xuyên, ngoài khách sạn, nhà nghỉ chuyên dụng còn có khu phức hợp nhà hàng, nhà nghỉ, trại nuôi cá sấu.

4. Các điểm tham quan và khám phá

An Giang có khá nhiều địa danh để bạn tham quan. Đích đến đầu tiên không nên bỏ qua khi đến đây là Cụm du lịch núi Sam với các công trình như miếu bà chúa Sứ, miếu Tây An, đền thờ Thoại Ngọc Hầu… Sau khi dạo chơi ở núi Sam, bạn có thể tạt ngang qua xã Vĩnh Ngươn (cách thị xã Châu Đốc khoảng 3km) ngắm Vĩnh Tế, kênh đào lớn nhất An Giang. Tại đây, bạn sẽ bị hút hồn hồn với vẻ thơ mộng của những ngôi nhà cập sát mé kênh hay bật cười với những ổ chuột trên ngọn tre mà nếu không được giải thích, bạn sẽ nghĩ là ổ chim.

Đặc biệt, nếu núi Sam có cả hệ thống đền chùa linh thiêng và trang nghiêm, thì núi Cấm lại hoang sơ, hùng vĩ với thác, hồ, những tán cây cổ thụ to lớn để du khách nghỉ ngơi, thư giãn. Ấn tượng nhất về núi rừng của An Giang phải kể đến thảm bèo xanh ngát, trải dài ở rừng tràm Trà Sư.  Màu xanh ấy kết hợp với màu xanh của cây cối, bầu trời tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp như cổ tích.

Rừng tràm Trà Sư - iVIVU.com

Những thảm bèo xanh ngát ở rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Internet

Ngoài ra, bạn đừng quên tạt ngang núi Sập ngắm mặt trời lặn trên 3 hồ nước, ghé Tức Dụp khám phá hệ thống hang động bí ẩn, thăm cù lao Giêng với một ngôi nhà thờ lớn nhất, lâu đời nhất nước và một ngôi chùa có nickname thú vị “chùa Đạo nằm”. Hay chiêm bái vẻ đẹp của chùa Xà Tón, ngôi chùa phong cách Angkor nổi tiếng nhất An Giang.

5. Ăn uống và mua về làm quà

An Giang có khá nhiều món ngon như cháo bò Tri Tôn, bún cá, bún nước khèn, các loại bánh, chè làm từ thốt nốt, súp bò viên, bò leo núi… Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức các món bánh hay cơm nị, cà púa của người Chăm.

Mua về làm quà: các loại mắm – chợ Châu Đốc được mệnh danh là Vương Quốc mắm, các loại khô (nhất là khô cá tra phồng với cách chế biến không giống bất kỳ loại cá khô nào khác – hầm chung với nước), tung lò mò, thổ cẩm Chăm…

Đặc sản Mắm Châu Đốc - iVIVU.com

Đặc sản Mắm Châu Đốc

6. Mang gì khi đi du lịch ở An Giang?

Bạn nêm mặc quần áo nhẹ, gọn, dễ vận động. Mang áo khoác, mũ, kem chống nắng, kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc đau bụng (đề phòng khi thưởng thức các món lạ). Nên mang giày thể thao hay giày bệt để leo núi, và cầm theo bộ kim, chỉ, nút áo, kim băng đề phòng các trường hợp bất ngờ.

Ngoài ra, nếu có dự định dã ngoại và qua đêm trên núi Cấm thì phải trang bị lều, áo ấm, thức ăn…

7. Các cung đường du lịch bụi qua An Giang:

Sài Gòn – Cao Lãnh – Tràm Chim – An Giang – Campuchia

Sài Gòn – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang – Phú Quốc – Campuchia.

Nhưng thông thường, du khách thường đến An Giang theo những tour ngắn ngày như An Giang – Đồng Tháp; An Giang – Kiên Giang; An Giang – Campuchia.


Thêm những đặc sản hấp dẫn ở An Giang

Được biết đến là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt…với những nền văn hóa đa dạng. Vì thế mà những món ăn của An Giang đều mang đậm bản sắc riêng.

1. Gỏi sầu đâu

Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.

Ẩm thực An Giang - gỏi sầu đâu - iVIVU.com

Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.

Vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá quyện với nhau càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.

2. Mắm ruột

An Giang nổi tiếng về mắm và mắm ruột là món ăn làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt để chừng ba tháng. Mắm ngấu chao với đường thốt nốt lên vị rất ngon.

Ẩm thực An Giang - mắm ruột - iVIVU.com

Mắm sống ra ăn kèm với rau thơm, ớt “sừng trâu”. Người cầu kỳ ham thích đậm đà hương vị thì cho mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát gừng xắt mỏng. Người ta thích ăn nóng hôi hổi, thoang thoảng hơi cay của sả ớt thì chọn mắm kho ăn kèm mớ rau đồng xanh mơn mởn.

3. Xôi phồng chợ Mới

Chợ Mới được phù sa bồi đắp quanh năm nên cây nếp bản địa chất lượng cao, hạt tròn, đẹp. Nếp kết hợp với đậu trồng trên đất rẫy cho ra món xôi dẻo thơm. Xôi chiên có màu vàng ươm, thơm, ăn rất ngon.

Ẩm thực An Giang - xôi phồng Chợ Mới - iVIVU.com

Ăn xôi chiên phồng Chợ Mới có thể chấm với tương ớt, xì dầu hoặc ăn không vẫn “bắt”. Khách đến Chợ Mới, cù lao Giêng có thể thưởng thức xôi chiên với gà quay. Gà được nuôi thả vườn nên thịt dai và ngọt, được quay thủ công nên giữ được vị thơm của gà và mùi vị đặc trưng. Xôi phồng Kim Hương của bà Hồng Thu ở thị trấn Chợ Mới được nhiều người biết đến nhất.

4. Tung lò mò

“Tung lò mò″ chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Từ lâu, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.

Ẩm thực An Giang - tung lò mò nướng chín - iVIVU.com

Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Hấp dẫn nhất là lạp xưởng nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín xong cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức không còn mùi mỡ bò.

“Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống. Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Hấp dẫn hơn là có ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì.

5. Bánh phồng Phú Mỹ

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm…

Ẩm thực An Giang - bánh phồng Phú Mỹ - iVIVU.com

Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.

6. Gà hấp lá trúc

Ẩm thực An Giang - gà hấp lá trúc - iVIVU.com

Đây là món ngon trên núi Cấm (Châu Đốc, An Giang). Trúc là loại cây có múi, mọc ở núi Cấm, hương vị độc đáo. Gà để hấp phải là gà thả vườn có trọng lượng 0,8-1kg, để nguyên con ướp sơ với muối, gia vị… rồi mang đi hấp cách thuỷ khoảng 20 phút. Thịt gà vừa chín tới dùng dao bén chặt thành miếng to cỡ 2 ngón tay, lá trúc xắt nhuyễn rải lên. Món ăn này mang đến cho thực khách cảm nhận được vị ngọt mềm của thịt, vị béo dai của da gà tơ hoà quyện với hương vị nồng the của lá trúc, ngọt chát của bắp chuối, cay cay của muối ớt…


An Giang: Những món ăn dân dã

in

Đến với An Giang, đến với những con người bình dị, chất phát của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thưởng thức những món ăn đầy chất dân dã.

1. Đi Bảy Núi thưởng thức bọ rầy!

Với người dân vùng Bảy Núi – An Giang, bọ rầy được xem là món ăn “độc chiêu” và trở thành nguồn cảm hứng ẩm thực của nhiều quán nhậu. Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu nâu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Loại côn trùng này ngày nay được bày bán ở các chợ Nhà Bàng, chợ Văn Giáo, An Hảo hay chợ thị trấn Tịnh Biên và các chợ miền núi huyện Tri Tôn.

Ẩm thực An Giang - bọ rầy Bảy Núi - iVIVU.com

Khi mới đem bọ rầy về, công đoạn đầu tiên là phải ngắt bỏ cánh cứng. Sau đó, móc bỏ phần đuôi, moi ruột, rồi đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng. Bước tiếp theo để bọ rầy cho ráo, rồi đem chiên hoặc xào.

Muốn cầu kỳ hơn, có thể dồn thịt ba chỉ băm nhuyễn hay nhét thêm đậu phộng đem chiên giòn. Món bọ rầy chiên giòn ăn kèm với rau sống, cà chua xắt lát, cải xà lách chấm với tương ớt, muối ớt chanh, ngon khó tả.

2. Bánh canh bò viên Bảy Núi

Bánh canh bò viên là một trong những món ăn đặc sản của vùng sơn cước có nhiều cái ngon kết hợp lại. Đầu tiên phải kể đến loại gạo thơm đặc biệt Neang Nhen, đặc sản vùng Bảy Núi được xay ra bột làm bánh canh theo công thức thủ công gia truyền.

Ẩm thực An Giang - bánh canh bò viên Bảy Núi - iVIVU.com

Kế đến là nồi nước súp hỗn hợp được ninh nhừ từ xương heo, xương gà, tôm khô, cá… những tinh túy trong nồi nước súp cho ta hương vị đậm đà, bổ dưỡng. Nhưng cái ngon nhất là bò viên. Bảy núi là xứ sở bò vỗ béo, món ngon từ thịt bò được chế biến thành bò viên đã khẳng định vị trí món ăn ngon ngọt mang phong cách địa phương vùng Bảy Núi này.

Bò viên được cắt làm đôi có màu đỏ hồng, nằm bên cạnh là những đoạn hành gọi mời hấp dẫn. Cho miếng bò viên nhẫn nha nhai, thịt vừa giòn dai, vừa thơm ngọt đậm đà.

3. Bò leo núi

Nhiều người nghĩ bò leo núi là bò được nuôi ở vùng núi, thịt rắn chắc. Thực tế vẫn là thịt bò bán tại chợ nhưng qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp, món ăn trở nên khác lạ. Đĩa thịt bò được dọn lên nhìn rất đỗi bình thường. Thịt được cắt dày hơn so với các món bò nướng như thường thấy và ướp gia vị thấm thía. Vỉ nướng được làm bằng gang. Giữa vỉ mô lên tròn trĩnh tượng hình quả núi nên tên gọi món ăn xuất phát từ cái vỉ này.

Ẩm thực An Giang - bò leo núi - iVIVU.com

Miếng thịt dù để trên bếp bao lâu vẫn không bị dai, cứng mà luôn mềm mại, ăn rất vừa miệng. Thịt nướng xong gói với bánh tráng, rau sống, chuối chát… chấm với chao hoặc mắm pro-hốc.

Một phần ăn đủ cho 3-4 người, một món ăn đặc sắc, giá hợp lý nên du khách không ai chần chừ chọn món này vào thực đơn trưa khi đến vùng biên giới Tân Châu. Rõ ràng món này có sự giao thoa văn hóa ẩm thực giữa người Kinh và người Khmer.

4. Cơm nị – cà púa

Món ăn là sự kết hợp lạ nhưng hài hòa của cơm nị và cà púa, tạo nên hương vị truyền thống của ẩm thực nơi đây. Cơm nị được nấu rất khéo từ gạo ngon, thơm mùi nụ Đinh Hương, béo thơm vị hạt điều, cà ri và thấm gia vị vừa ăn.

Ẩm thực An Giang - cơm nị cà púa - iVIVU.com

Cà púa lại được người Chăm chế biến từ thịt bò. Để món cà púa ngon, người ta khử mùi thịt bò bằng cách đổ rượu và gừng vào. Sau đó chọn quả dừa bánh tẻ đem nạo sợi nhỏ, một nửa để thắng nước cốt dừa, một nửa để rang vàng.

Thưởng thức cơm nị – cà púa, cảm nhận được vị ngọt béo của sữa dừa, bùi bùi của đậu phộng, vị ngọt của thịt bò, nho khô, cay nồng của ớt, mang lại cảm giác thơm ngon, lạ miệng. Cơm nị và cà púa kết hợp, bổ sung cho nhau tạo hương vị độc đáo trong cách thưởng thức ẩm thực cầu kỳ của ẩm thực Chăm Châu Giang.

5. Bún kèn Châu Đốc

Cũng là bún cá xuất xứ từ Châu Đốc, nhưng bún kèn lại có cách chế biến hoàn toàn khác. Bún kèn có nguồn gốc từ Nam Vang, được những người Việt vùng biên giới mang công thức về chế biến lại cho hợp với khẩu vị người Việt. Món ăn này mới thật sự là đặc sản của Châu Đốc, nhưng ít người biết đến do không phổ biến, chỉ có ở vùng thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Ẩm thực An Giang - bún kèn Châu Đốc - iVIVU.com

Nước lèo bún kèn được chế biến từ nước cốt dừa và nước luộc cá. Hương vị bún kèn có sự hòa quyện của đinh hương, quế hương, ngải bún và sả. Để món ăn thêm đậm đà mà không ngán, người ta dùng tôm khô rang để nấu nước dùng. Bún kèn ăn kèm bắp chuối, giá hoặc dưa leo và húng cây.

6. Cá leo nướng muối ớt

Cá leo là một loài da trơn, mình dài giống như cá trèn nhưng to hơn nhiều, trung bình từ 1-2 kg. Một trong những món ngon độc đáo mà các nhà hàng ở An Giang thường chế biến phục vụ cho du khách hiện nay là cá leo nướng muối ớt.

Ẩm thực An Giang - cá leo nướng muối ớt - iVIVU.com

Nước chấm thích hợp nhất với món cá nướng là nước mắm chua cay hoặc muối ớt vắt chanh. Món này có thể ăn chung với bún hoặc cuốn bánh tráng kèm thêm các loại rau, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế… Có thể coi đây là món ngon đặc sản, thịt cá lại lành, bổ dưỡng và ăn ít ngán nên mọi người đều ưa thích.

7. Chè thốt nốt

Cây thốt nốt được trồng nhiều ở miền Tây nước ta. Chè thốt nốt sóng sánh trong nước cốt dừa cũng là một đặc sản của miền Tây. Người Châu Đốc, An Giang thường mời khách món nước thốt nốt mát lạnh, cũng từ thứ “cơm thốt nốt” đặc biệt này.

Ẩm thực An Giang - chè thốt nốt - iVIVU.com

Chè thốt nốt tuyệt vời nhất khi được thưởng thức lạnh. Cái béo ngậy của cốt dừa quyện chặt lấy cái dẻo, mềm của cùi thốt nốt, ăn rất thú vị. Đặc biệt đường thốt nốt được nấu cùng món chè dân dã miền Tây này càng làm món ăn có hương vị thơm mát tự nhiên.

8. Xôi Xiêm

Xôi xiêm được chế biến từ những nguyên liệu: gạo nếp Thái, bột mỳ, trứng vịt, đường thốt nốt (đường đỏ). Khi ăn xôi xiêm, người ta xới xôi ra đĩa, rưới nước xốt và nước cốt dừa lên trên. Chế biến xôi xiêm không phức tạp nhưng lại cần có kinh nghiệm và sự khéo léo. Xôi hấp phải chín tới, dẻo, không nhão mà cũng không cứng, nước xốt có vị ngọt, ngậy mà không béo, thơm mát.

Ẩm thực An Giang - xôi xiêm - iVIVU.com

Xôi xiêm được bán ở chợ Châu Đốc vào 7 rưỡi sáng hàng ngày và đã trở thành một món quà sáng quen thuộc của người dân nơi đây.





Kinh nghiệm phỏng vấn đi du lịch Mỹ
Kinh nghiệm cho bé đi du lịch nước ngoài
Kinh nghiệm ăn uống ở Quảng Bình
Kinh nghiệm ăn uống ở Tam Đảo
Kinh nghiệm ăn uống ở Cửa Lò
Kinh nghiệm ăn uống ở Sapa
Kinh nghiệm ăn uống ở Nha Trang



(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý