Kinh nghiệm du lịch Malaysia

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Kinh nghiệm du lịch Malaysia

19/04/2015 05:45 AM
173

Malaysia có một loạt nơi đến hấp dẫn. Một sự đa dạng hiếm có mà không phải một thành phố nào cũng có được. Xin giới thiệu bạn đọc kinh nghiệm du lịch Malaysia cùng một số điểm du lịch hấp dẫn nhất đất nước Malaysia xinh đẹp này




Trải dài từ các thành phố công nghệ cao như Kuala Lumpur, đảo nhiệt đới Langkawi, Genting và cao nguyên Cameron hay là những bãi biển hoang sơ, những vườn quốc gia và cả những rừng mưa nhiệt đới lâu đời.

1.    Kuala Lumpur

Kuala Lumpur nằm ở ngã ba sông Sungai Gombak và Sungai Klang, mà có lẽ do vậy mà tên Kuala Lumpur còn có nghĩa là “Ngã ba sông bùn lầy” trong tiếng Malay.

Đến với nơi đây bạn sẽ được sống trong một thế giới muôn màu với đủ các loại hình giải trí đúng chất với một thành phố năng động và hiện đại

2.    Kelantan

Kelentan hay còn có nghĩa là “Vùng đất của ánh sang” – là một nước nông nghiệp với các lĩnh vực xanh, những làng cá mộc mạc và phi lao, những bãi biển đẹp.

Tại đây bạn sẽ khám phá được những nét văn hóa lâu đời tại đây. Kelantan cung cấp cho bạn một chuyến đi du lịch trên sông, câu cá giải trí hoặc là một chuyến thám hiểm rừng

3.    Malacca

Là một thành phố ven biển nằm tại phía Tây của bán đảo Malay. Malacca là một kho lưu trữ tuyệt vời về những di sản lâu đời tại đây. Thành phố chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc vì những người Trung Quốc đã đến đây hằng nhiều thế kỉ trước. Và qua bấy nhiêu thời gian đó, hai nền văn hóa đã giao nhau và tạo nên một Malacca như hiện nay – Một Malacca hoàn toàn độc đáo.

4.    Negeri Sembilan

Tên gọi của nó theo nghĩa Malay là “Cửu Hoa” vì nó được hợp thành bởi chin tiểu bang. Nằm ở góc tây nam bán đảo Malay, Negeri Sembilan bao gồm 6.645 km2 diện tích và một bờ biển dài 48km

5.    Penang

Penang hay còn có một cái tên mỹ miều khác là “Hòn ngọc Phương Đông”. Nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh tự nhiên và những vùng biển ấm áp, bãi biển vàng cát cùng những món ăn ngon Penang sẽ làm vừa ý cả những vị khách khó tính nhất.

6.    Perlis

Perlis là tiểu bang nhỏ nhất của Malay. Nơi đây mang đến cho ta một khung cảnh yên bình với những khung cảnh nông thôn mộc mạc bình dị. Màu xanh tốt tươi là màu chủ đạo tại đây. Đến với Perlis khách du lịch sẽ cảm thấy thư thái với không khí trong lành tại đây.

Di chuyển

Từ Việt Nam - Malaysia

Có khá nhiều chuyến bay từ Hà Nội – Kuala Lumpur và Sài Gòn – Kuala Lumpur. Thời gian bay khoảng 2 giờ. Giá vé dao động từ 1 - 6 triệu/khứ hồi/đồng.

Ở Malaysia

Sân bay quốc tế Kuala Lumpur cách thành phố khoảng 50 km. Bạn có thể về trung tâm thành phố bằng 3 phương tiện: taxi, tàu hoả và xe buýt. Giá của các phương tiện có sự chênh lệch khá cao.

Hệ thống giao thông công cộng ở Kuala Lumpur bao gồm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao (monorail), xe buýt và taxi.

Lưu ý

Nếu đi taxi, bạn phải mặc cả giá trước khi xe xuất phát (đồng hồ không chạy hay nếu có chạy thì rất nhanh), thông thường giá khoảng từ 30 – 50% mức đề xuất.

Malaysia chỉ lưu thông đồng RM, bạn nên đổi tiền trước khi đi, tỷ suất sẽ tốt hơn khi đổi tại sân bay, ngân hàng hay các trung tâm mua sắm tại đây.

Nên mua sắm bằng tiền mặt.

Luôn mang theo bản đồ, không đi một mình và ăn vận kín đáo.

Lake Green, lá phổi của Kuala Lumpur.

Thời gian đến

Bạn có thể đến Malaysia bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng nếu muốn du lịch kết hợp với mua sắm thì nên đến vào tháng 12. Đây là thời điểm giảm giá đến 80% của các thương hiệu thời trang nổi tiếng.

Lưu trú

Bạn nên đặt phòng trước qua các web đặt phòng uy tín như Asia Travel (trang đặt phòng khách sạn từ 2 sao trở lên) hay Hostel World, Agoda (trang đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn giá rẻ).

Khu phố Tàu - China town - và khu Bukit Bintang ở Kuala Lumpur có khá nhiều khách sạn và nhà nghỉ giá cho khách du lịch bình dân với mức giá vừa phải (khoảng 30-40 USD/đêm với khách sạn hoặc 10-20 USD/đêm với nhà nghỉ).

Mang theo những gì?

Bạn có thể mang bất kỳ trang phục nào mình muốn nhưng tốt nhất nên ăn vận kín đáo khi đi ra ngoài vào ban đêm hay đến các địa danh tôn giáo.

Mang dép bệt hay giày đế trệt để thuận tiện di chuyển.

Mang theo các loại thuốc trị bệnh thông thường.

Mang kem chống nắng, kem chống hay trị côn trùng.

Động Batu Caves

Ăn uống

Những món bạn nên thử là nasi lemak (cơm nấu nước cốt dừa ăn kèm cá, trứng ốp và lạc rang mặn), bakute (canh chân giò hầm), satay (thịt xiên nướng chấm nước sốt lạc, satay gà là loại dễ ăn nhất), rojak (rau củ trộn nước sốt ngọt). Món dễ ăn nhất là nasi goreng (cơm rang) hoặc mee goreng (mì xào). Thức uống đáng thử là nước quả lý chua (black currant) hay nước ô mai (sour plum).

Ngoài ra, nếu lo lắng, bạn có thể dùng bữa ở các quán ăn nhanh, hay nên mang theo ít thức ăn dự phòng.

Quà lưu niệm

Có rất nhiều thứ để bạn có thể mua làm quán lưu niệm tại Kuala Lumpur như những chiếc khăn choàng độc đáo, những cái đèn dầu, bàn ủi than, chén trà, trâm cài tóc của người Nyonya ở những thế kỉ trước, hoặc đến Pucuk Rebung Museum Gallery ở Suria Kuala LumpurCC để có những đồ cổ của Malaysia từ hàng ngàn năm trước. Ngoài ra, du khách cũng có thể mua những món hàng độc đáo như: li vại lớn, tượng chiêm tinh Trung Hoa, các loại trang sức kiểu Malaysia…

Thánh đường.

 Quảng trường Mardeka

 Bảo tàng nghệ thuật Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á

Địa điểm tham quan

Nổi bật nhất của du lịch Malaysia nói chung và Kuala Lumpur nói riêng chính là tháp đôi Petronas, hay Petronas Twin Towers một trong 5 cao ốc cao nhất thế giới, và là tòa tháp đôi cao nhất thế giới cho đến hiện nay (2009). Đến tòa tháp này, ngoài việc tham quan cây cầu trên không nối hai tòa tháp (mở cửa từ 8h30 sáng – 5h00 chiều từ thứ 3 – chủ nhật), mua sắm, bạn cũng có thể ghé thăm khu mua sắm Suria KLCC, Nhà hát Petronas, Trung tâm khoa học Petrosains, Khu trưng bày nghệ thuật Petronas và Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur, nằm bên trong tòa tháp.

Điểm tham quan tiếp theo là Lake Garden, lá phổi của Kuala Lumpur được bao phủ một màu xanh ngát của cây và hồ nước. Bên trong Vườn Hồ bao gồm Đài tưởng niệm quốc gia, vườn bướm, vườn chim, vườn nai… Hoạt động thú vị nhất tại đây là thưởng thức trà Anh bên bờ hồ vào buổi chiều.

Từ khu vực Lake Garden, bạn có thể đi bộ đến Thánh đường quốc gia, thánh đường lớn nhất Đông Nam Á, với kiến trúc độc đáo mang dấu ấn của nghệ thuật Hồi giáo; Bảo tàng Quốc gia (Muzium Negara), bảo tàng lớn nhất Malaysia, được khánh thành vào tháng 8/1963 để tìm hiểu và hình dung được cả quá trình phát triển của đất nước Malaysia về lịch sử lẫn văn hóa. Nơi đây còn có bảo tàng nghệ thuật Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 7.000 đồ tạo tác và một thư viện sách nghệ thuật Hồi Giáo độc đáo.

 Hổ trong vườn thú Zoo Negara.

Nhà hát quốc gia Istana Budaya.

 Công viên giải trí Theme Park

Nếu không thích ghé bảo tàng, từ Lake Garden, bạn có thể đi thẳng đến Zoo Negara, vườn thú quốc gia với những điểm tham quan gồm Akuarium Negara, vườn chim, khu bò sát, khu linh trưởng, Savannah Walk,  vương quốc động vật có vú... Bạn cũng có thể tham gia tour ngắm thú đêm.

Vườn quốc gia cách Kuala Lumpur 5km. Bạn có thể đi bộ hoặc đi xe điện bên trong. Vườn thú mở cửa từ 9h00 sáng – 5h00 chiều (các ngày trong tuần), 9h00 sáng – 10h30 tối (ngày cuối tuần và ngày lễ), lịch này có thể thay đổi mà không báo trước.

Batu Caves, quảng trường Mardeca  và nhà hát quốc gia Istana Budaya là 3 điểm tham quan tiếp theo mà bạn không nên bỏ qua khi đến đây.

Batu Caves là một đồi đá vôi nằm ở phía Bắc Kuala Lumpur, gồm 3 hang động chính, cùng vô số động nhỏ và đền thờ bên trong. Đây là nơi thờ phụng linh thiêng của người Hindu ở Malaysia. Có 272 bậc thang dẫn đến đền thờ trong động. Hoạt động nổi bật nhất tại đây là kỷ niệm lễ hội Thaipusam.

Quảng trường Mardeca còn được gọi là “Quảng trường Độc Lập”, đây là nơi thủ tướng đầu tiên của Malaysia – Tunku Abdul Rahman, tuyên bố Malaysia là một quốc gia độc lập vào ngày 31/8/1957. Thời gian tốt nhất để đến đây là vào buổi chiều.

Được xây dựng từ năm 1995 và hoàn thành vào tháng 9/1999, nhà hát quốc gia Istana Budaya là một trong 10 nhà hát hiện đại nhất thế giới. Istana Budaya (có nghĩa là “cung điện văn hóa”) có lối kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng của lối kiến trúc truyền thống Malaysia với tổng diện tích khoảng 54.000 m2, trong đó sảnh nhà hát rộng đến 21.000 m2.

Từ trung tâm Kuala Lumpur, du khách có thể đến Batu Caves bằng taxi hoặc đón xe buýt tại trạm Puduraya (cách China Town khoảng 100 km).

Quảng trường Merdeka cách chợ Trung tâm 5 phút đi bộ; đi xe điện Putra LRT đến chợ trung tâm Pasar Seni, sau đó rẽ trái qua sông. Quảng trường Merdeka nằm đối diện đèn đường giao thông tiếp theo.

 Kuala Lumpur về đêm.

Putrajaya, thành phố du lịch tiêu biểu của Malaysia, nổi tiếng với những công trình kiến trúc được quy hoạch hết sức thông minh.

Bên trong một trung tâm mua sắm ở Malaysia.

Mua sắm cũng là điểm nhấn của du lịch Malaysia, tại Kuala Lumpur bạn có thể ghé qua hàng loạt các trung tâm thương mại lớn như BB Plaza, Berjaya Times Square hay Mid Valley Megamall để "săn" cho mình những món hàng hiệu giá hời.

Với du khách ít tiền, China town với cách bố trí các gian hàng gần giống như các khu chợ trời ở Việt Nam cùng các loại mặt hàng phong phú với giá cả bình dân là lựa chọn không tồi. Song lưu ý, giá các món ở China town thường được người bán “hét” đến gấp 3-5 lần giá trị thực của nó.

Món Nasi Lemak.

 Satay, món ăn "thân thiện" nhất đối với khẩu vị của du khách ở đất nước này.



Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Malaysia


Tháng 4 vừa qua, mình lang thang Malaysia một mình và có đưa ảnh lên web, facebook… kèm vài lời cảm nhận. Sau đó, một số độc giả liên hệ với mình hỏi thêm về kinh nghiệm đi Malaysia theo kiểu du lịch tự túc. Mình không thể trả lời từng bạn nên viết bài này để chia sẻ những gì mình đã tìm hiểu hoặc đã trải qua. Hy vọng các bạn sẽ có đủ thông tin để quyết định đi bụi, như mình.

1. Vé máy bay

Mình đi Vietnam Airlines, phải bay chuyển tiếp qua Thành phố Hồ Chí Minh (ngồi ngáp vặt ở Tân Sơn Nhất những hai tiếng rồi mới tiếp tục bay sang Kuala Lumpur) nên mất thời gian gấp rưỡi so với bay thẳng Hà Nội - Kuala Lumpur. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, các bạn ở Hà Nội có thể tham khảo các hãng khác. Theo mình biết thì hãng hàng không giá rẻ Air Asia có đường bay thẳng Hà Nội - Kuala Lumpur, đặt vé sớm sẽ có giá tốt.

2. Đặt phòng nghỉ

Mình đặt phòng khách sạn từ Việt Nam để khi đến nơi có chỗ nghỉ ngơi luôn chứ không mất thời gian, công sức đi tìm và khảo giá nữa. Hiện có rất nhiều trang web đặt phòng uy tín như Asia Travel (trang đặt phòng khách sạn từ 2 sao trở lên) hay Hostel World (trang đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn giá rẻ), bạn chỉ cần thẻ debit và trình độ tiếng Anh cơ bản là có thể giao dịch được.

Ở Kuala Lumpur, có hai khu vực tập trung nhiều khách sạn và nhà nghỉ giá vừa phải (khoảng 30-40 USD/đêm với khách sạn hoặc 10-20 USD/đêm với nhà nghỉ) cho khách du lịch bình dân, đó là khu phố Tàu- China town và khu Bukit Bintang. China town (ảnh) gần nhà ga trung tâm (KL Sentral) và các điểm tham quan như cung điện, quảng trường, công viên, bảo tàng…, thuận tiện cho những bạn thích tìm hiểu lịch sử văn hoá. Bukit Bintang thì phù hợp với các bạn thích mua sắm và giải trí sôi động vì có nhiều trung tâm thương mại và hoạt động vui chơi về đêm.

3. Tiền nong

Malaysia “nổi tiếng” về hiện tượng ăn cắp thông tin thẻ tín dụng đến nỗi một số ngân hàng Việt Nam khoá thẻ ngay khi khách hàng có giao dịch thanh toán bằng thẻ ở nước này. Vì vậy, mình không dám khuyên các bạn sử dụng thẻ tín dụng dù là credit hay debit. Đằng nào thì chúng ta cũng có thói quen tiêu tiền mặt rồi, phải triệt để phát huy! Đơn vị tiền tệ của Malaysia là Ringgit, viết tắt là RM. 1 USD = ~3 RM, tức là 1 RM = ~ 6.000 VND. Các bạn không nên đổi VND thành RM ở Việt Nam hay đem VND sang Malaysia mới đổi, vì sẽ bị thiệt tỷ giá, nên đổi USD đem sang thì hơn. Ở China Town hay Bukit Bintang có nhiều quầy đổi tiền của tư nhân, thường là người gốc Ấn Độ, tỷ giá ở các quầy này luôn có lợi hơn là quầy đổi tiền ở sân bay hay trong các trung tâm thương mại.

4. Xuống sân bay

Nếu bay Air Asia, bạn sẽ không xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) mà xuống Low Cost Carrier Terminal (LCCT) cách KLIA vài km. Mình không có kinh nghiệm gì ở LCCT nên các bạn muốn biết thông tin gì, xin vui lòng hỏi anh Gúc ở bên phải trang web. Nếu đi các hãng hàng không giá-chả-rẻ, bạn sẽ xuống máy bay ở KLIA. Các biển chỉ dẫn đến nơi làm thủ tục nhập cảnh, nơi lấy hành lý… ở sân bay ghi bằng nhiều thứ tiếng và có mũi tên rất rõ ràng, nhân viên cũng thân thiện, nếu có thắc mắc gì, bạn cứ mạnh dạn hỏi.

5. Nhập cảnh

Các nước ASEAN (trừ Myanmar) miễn thị thực 30 ngày cho công dân của nhau nên nếu chỉ đi du lịch Malaysia trong vài ngày, bạn không cần xin visa. Tuy nhiên, nếu bạn là nữ, đi một mình hoặc đi theo nhóm nhỏ, bạn có thể bị nghi ngờ, xét hỏi, thậm chí từ chối nhập cảnh. Mình chưa rơi vào hoàn cảnh này nên chỉ biết ghi những gì mình đã làm ra đây để các bạn tham khảo, hy vọng nó có ích:

- Ăn mặc kín đáo (quần dài, áo có tay/dài tay, không bó và không hở ngực )

- Có vé khứ hồi (hoặc vé sang nước khác)

- Có thể chứng minh tài chính (đem theo ít nhất 500 USD/người)

- Điền cẩn thận tờ khai nhập cảnh (khai đầy đủ và không đánh dấu bừa khi chưa hiểu)

Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh và lấy đủ hành lý, bạn cần làm một số việc: đổi tiền, mua sim điện thoại và tìm phương tiện để về thành phố. Quầy đổi tiền (Bureau de Change) và quầy bán sim điện thoại di động (có một số hãng như Celcom, DiGi…) nằm ở ngay trong sảnh đến của sân bay, ra khỏi khu vực cách ly nhìn quanh quanh là thấy. Như mình đã nói ở trên, tỷ giá của quầy đổi tiền ở sân bay thấp hơn quầy đổi tiền tư nhân ở trung tâm thành phố, vì vậy, bạn chỉ đổi số tiền vừa đủ tiêu trong ngày thôi, đừng đổi một lúc kẻo tiếc. Để có số di động trả trước (trung bình 8-10 RM/sim, tài khoản có vài RM, đủ gọi về VN chục cuộc ngắn gọn), bạn phải xuất trình hộ chiếu, sau đó phải kích hoạt sim bằng cách lắp sim vào máy, bấm số theo hướng dẫn.

6. Từ sân bay về trung tâm

Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) cách Kuala Lumpur (KL) khoảng 50 km. Bạn có thể về trung tâm thành phố bằng 3 phương tiện: taxi, tàu hoả và xe buýt. Chi phí cho một chuyến taxi là từ 70 đến 200 Ringgit (RM) - tức là 400.000 - 1.200.000 VND, tuỳ thuộc vào loại xe và thời điểm (sau nửa đêm sẽ có phụ phí, đắt hơn ). Nếu không phải giờ cao điểm, không gặp tắc đường, thời gian đi từ KLIA vào trung tâm KL là khoảng một tiếng. Quầy bán coupon- phiếu đi taxi ở ngay gần nơi lấy hành lý trong sân bay. Nếu bạn đi một mình thì tàu hoả KLIA Ekspres là lựa chọn tốt nhất. Cứ khoảng 15-20 phút lại có một chuyến tàu, giá vé một chiều là 35 RM (khoảng 200.000 VND), chỉ mất 30 phút là về tới nhà ga trung tâm (KL Sentral). Điểm bán vé và đón trả khách lên xuống tàu ở tầng 1 của sân bay, bạn chỉ cần đi thang máy xuống. Lưu ý: Thang máy luôn bận và lên xuống hơi lộn xộn. Khi ở các tầng trên, thang chỉ mở một cửa trước, xuống đến tầng của KLIA Ekspres, nó sẽ mở cả hai cửa trước và sau, bạn nên quan sát kỹ sau lưng. Xe buýt là phương tiện rẻ nhất, giá vé chỉ khoảng 10 RM (55-60.000 VND), trả khách ở KL Sentral, thời gian đi tương đương như taxi. Mình không đi xe buýt nên chỉ nắm được sơ sơ vậy. Muốn biết cụ thể nơi đón xe và giờ giấc, bạn hãy hỏi anh Gúc hoặc nhân viên sân bay. Nếu xuống ở LCCT (sân bay cho hàng không giá rẻ), các bạn có thể đi xe buýt thẳng vào trung tâm hoặc sang KLIA để đi tàu hoả.

7. Di chuyển trong KL

Để đi lại trong thành phố, trước hết bạn phải có bản đồ. Món này luôn có sẵn ở bàn lễ tân khách sạn hoặc trong quầy thông tin ở một số điểm tập trung đông khách du lịch như nhà ga KL Sentral hay trung tâm tham quan lớn, được phát miễn phí như tờ rơi. Hệ thống giao thông công cộng ở KL bao gồm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao (monorail), xe buýt và taxi. Mình di chuyển chủ yếu bằng monorail và taxi nên chỉ nói về hai phương tiện này. Nếu các bạn muốn thử các phương tiện còn lại, xin vui lòng hỏi anh Gúc hoặc người bản xứ.

Tuyến monorail chạy dọc phần phía đông KL, nơi có ba khu vực lưu trú chính của khách du lịch là KLCC (khu trung tâm, nơi có nhiều khách sạn 5 sao và toà tháp đôi Petronas nổi tiếng), Bukit Bintang và China town. Thời gian hoạt động của monorail là từ 6h sáng đến 12h đêm, tần suất 5-10 phút một chuyến (tuỳ giờ cao điểm hay không). Giá vé từ 1-2 RM, phụ thuộc vào độ dài chặng đi. Tàu đỗ ở 11 ga, các ga cách nhau khoảng 1 km. Xuống khỏi các ga này, bạn có thể đi bộ đến phần lớn những điểm tham quan chính của thành phố. Cũng có một số điểm không gần ga monorail, bạn có thể “tăng bo” bằng taxi. Taxi ở KL có 3 loại, phân chia “đẳng cấp” theo màu sắc. Màu xanh lam là dạng taxi hàng hiệu, nghiêm chỉnh nhưng rất đắt và ít gặp. Màu đỏ và vàng thì bình dân, nhan nhản và chụp giật. :-& Đồng hồ trong xe rất ít khi được bật, nếu có bật cũng chạy như ngựa. Hành động thường trực của khách là nói địa điểm, hỏi giá và cò kè bớt một thêm hai.

Theo kinh nghiệm của mình, bạn nên mặc cả xuống còn khoảng 30-40% giá khởi điểm, lái xe xê dịch lên 50% cũng là mức chấp nhận được. Theo kinh nghiệm của nhiều người đi trước mình, các lái xe người gốc Hoa (da sáng) và gốc Malay (da sẫm vừa, dáng nhỏ nhắn) thường đáng tin cậy hơn những người gốc Ấn (da sẫm hẳn, dáng đẫy đà). Bạn nên đi monorail hay xe buýt đến các điểm đỗ cố định rồi đi taxi tới tận nơi muốn đến, tiền taxi trong trường hợp này chỉ từ 5-7 RM. Nếu cần đi các chặng tương đối dài và không tự tin vào khả năng trả giá, bạn có thể tìm tới các quầy bán phiếu đi taxi (coupon), nói địa điểm và trả theo giá cố định (thấp nhất là khoảng 10 RM).

8. Di chuyển từ KL đi các địa phương khác

Các bạn hãy bám lấy KL Sentral vì nó là trung tâm giao thông chính, nơi tập trung mọi tuyến giao thông công cộng nội đô KL như tàu điện, monorail, xe buýt…, cũng là điểm kết nối KL với các địa phương khác của Malaysia. Ngoài KL, khách du lịch Việt Nam thường đi Putrajya, Genting, Malacca, Langkawi. Putrajaya nằm trên đường từ KL đi KLIA. Bạn có thể đi xe buýt hoặc tàu hỏa. Mình đi tàu hỏa từ KL Sentral hết 9.5 RM/chiều. Vé xe buýt rẻ hơn, 3.5-5 RM/người/chiều, nhưng mình chả biết phải đón xe ở đâu. >:)

Cách đơn giản nhất để tới Genting và Malacca là đi xe khách. Xe 50 chỗ có máy lạnh, sạch sẽ và khá đúng giờ. Giá vé một chiều đi Genting xấp xỉ 10 RM, đi Malacca là khoảng 15 RM. Riêng với Genting - trung tâm du lịch giải trí trên cao nguyên, sau khi xuống xe khách, bạn sẽ phải đi thêm vài cây số bằng cáp treo mới tới nơi (chỉ khi cáp treo ngừng hoạt động để bảo dưỡng, xe khách mới chạy thẳng lên Genting). Langkawi là một đảo lớn ở phía bắc Malaysia. Để tới được đó, bạn chỉ có hai cách, đi phà và bay. Cách thứ nhất có vẻ không phù hợp với đa số khách du lịch đi ngắn ngày nên mình chỉ cung cấp thông tin về cách thứ hai. Air Asia có chuyến bay KL - Langkawi, khởi hành từ LCCT, giá vé một chiều từ 65 đến 120 RM/người lớn tùy thời điểm. Giá vé hạng phổ thông của Malaysia Airlines thì cố định và đắt hơn, khoảng 135 RM/người, khởi hành từ KLIA.

9. Ăn uống

Đối tượng độc giả của bài viết này là các bạn trẻ, đầu óc cởi mở, đi du lịch ngắn ngày và có khả năng tự lập, tự chăm sóc (thế nên mới nghĩ đến chuyện đi bụi chứ không đi tour), vì vậy, mình không có cảnh báo gì đặc biệt về ẩm thực, chỉ kể lể kinh nghiệm để các bạn đỡ bỡ ngỡ.

a. Chỉ dẫn chung Món ăn Malaysia nói chung đều nhiều dầu mỡ, vị thì rất cay và ngọt. Nước này theo đạo Hồi nên nhà hàng thường không phục vụ món thịt lợn, nếu có cũng không mấy đặc sắc. Những món mà du khách nói chung nên thử là nasi lemak (cơm nấu nước cốt dừa ăn kèm cá, trứng ốp và lạc rang mặn), bakute (canh chân giò hầm), satay (thịt xiên nướng chấm nước sốt lạc, satay gà là loại dễ ăn nhất), rojak (rau củ trộn nước sốt ngọt).

Món dễ ăn nhất là nasi goreng (cơm rang) hoặc mee goreng (mì xào), nếu không biết gọi món gì/không thích mạo hiểm thử món quá mới lạ, bạn cứ gọi hai thứ này cho nó lành. Vì luật Hồi giáo cấm uống thức uống có cồn nên bia rượu không sẵn và khá đắt. Thức uống không cồn đóng chai/hộp thì có rất nhiều loại lạ miệng như đáng thử như nước quả lý chua (black currant) hay nước ô mai (sour plum). Một kinh nghiệm thương đau của mình là các loại nước quả tưởng như rất phổ thông như cam, chanh… hay sinh tố (milkshake) bán trong các quán phần lớn là đồ nhân tạo, tức là sử dụng các loại hương liệu để pha chế chứ không phải dùng quả tươi. Các bạn nên để ý thực đơn, nếu họ ghi là fresh fruit juice thì hãy gọi, kẻo lại mất công chưng hửng.

b. Ăn uống ở KL KL là thành phố lớn nên bạn sẽ chỉ phải lo là làm sao nếm được nhiều món chứ không sợ thiếu thốn. Các trung tâm thương mại lớn đều có food court bán đủ các món, có nơi bán cả món Việt, giá cả nhìn chung cũng không phải cắt cổ lắm, khoảng 20-25 RM (~120-150 ngàn VND) /người cho các hiệu khá đàng hoàng. Nếu bạn ở khu Bukit Bintang thì có thể tìm tới đường Alor - Jalan Alor (ảnh), chạy song song với đường Bukit Bintang. Đây là phố ẩm thực chuyên phục vụ khách du lịch với hàng chục nhà hàng bình dân san sát nhau. Các món mà mình kể ở đoạn trên đều có thể tìm thấy ở đây, chúng ít nhiều đều đã được cải biên để chiều theo khẩu vị của khách bốn phương nên khá dễ ăn, giá cả cũng phải chăng (chỉ cần 10-20 RM/người/bữa). Nếu bạn ở khu Chinatown thì có thể đi dọc đường Petaling (Jalan Petaling), một trong những đường phố nhỏ cắt với Jalan Petaling có một dãy quán hàng bình dân của người Hoa bán từ sáng đến tối các loại mì, cơm, cháo, bánh bao…

Nếu muốn ăn món gì đó bớt Tàu hơn, bạn có thể hỏi đường tới Central Market. Đây là một trung tâm trưng bày và bán đồ thủ công mỹ nghệ lưu niệm của Malaysia, cách Jalan Petaling chừng 5-10 phút đi bộ. Khu ẩm thực trên tầng 2 có nhiều quầy bán món ăn đặc trưng Malaysia. Giá cả cũng ngang ngang Jalan Alor nhưng khung cảnh sạch sẽ và đỡ xô bồ hơn. Ngoài ra, ở KL có rất nhiều nhà hàng bán đồ ăn nhanh. Nếu các bạn chỉ cần ăn uống đảm bảo vệ sinh và đủ năng lượng chứ không quan tâm đến việc thưởng thức ẩm thực lắm thì có thể làm khách của các cửa hiệu này. McDonald’s và A&W là hai trong số các nhãn hiệu không có tại Việt Nam. MD thì quá nổi tiếng với các kiểu hamburger, có lẽ mình không cần giới thiệu. A&W cũng là một chuỗi nhà hàng nhanh quốc tế nhưng đồ ăn được Malay hoá hơn, món hot dog (bánh mì kẹp xúc xích) và root beer (tên là bia nhưng không phải bia, chỉ là một dạng trà thảo mộc thôi) khá ngon. Giá trung bình mấy chỗ này là 10-15 RM/người (gồm cả đồ ăn và đồ uống).

Mình ham ăn vặt và thích đồ ngọt nên quan tâm đến cả các món tráng miệng. =p~ Thứ mình thấy đáng yêu nhất trong ngành dịch vụ ẩm thực ở KL là các quầy/xe bán hoa quả trên đường phố. Bạn chỉ cần khoảng 1-2 RM là có một túi ổi/cóc/đu đủ/ xoài hoặc củ đậu… được gọt cắt sẵn sàng và ướp lạnh ngon lành. Bên cạnh các quầy/xe này thường là các bàn bán thức uống bình dân như trà bí đao, nước ổi, nước quất, giá rất rẻ, có loại chỉ 0.5 RM, cốc thì đầy những đá nhưng thức uống vẫn rõ hương vị riêng. Một số hiệu bánh ngọt như Dunkin’ Donut’s hay Secret Recipe (thường toạ lạc ở các tụ điểm đông người như trung tâm thương mại lớn và nhà ga) cũng là thiên đường cho người hảo ngọt, giá không đắt (3-5 RM/chiếc donut với DD hoặc 5-7 RM/góc bánh kem với SR) và chất lượng bánh nhỉnh hơn so với các hiệu có mức giá tương đương ở Việt Nam.

c. Ăn uống ở các địa phương khác Mình không đi hết các địa phương, và cũng không định biến bài này thành tiểu luận ẩm thực Malay, xin mời các bạn hỏi Mr. Google hoặc người dân địa phương.

10. Các chỉ dẫn lặt vặt

Malaysia ở múi giờ sớm hơn Việt Nam 1 tiếng (GMT+8, so với GMT+7) nhưng giờ làm việc thì muộn hơn rất nhiều (10h sáng). Các quán hàng nhỏ thì có thể mở sớm hơn giờ làm việc hành chính khoảng 1-2 tiếng nhưng không sớm từ tinh mơ VN, bạn nên điều chỉnh lịch sinh hoạt cho phù hợp. Ở Malaysia, ổ điện thường chỉ dành cho phích cắm loại chân vuông ba chấu.

Bạn nên mua hoặc mượn cục chuyển đổi (có loại universal travel power adapter, giá bán ở VN khoảng 800-900 ngàn ). Nếu đi đông người và/hoặc mang theo nhiều thiết bị cần sạc, bạn nên mang thêm ổ cắm kéo dài có nhiều lỗ cắm, vì phòng khách sạn thường ít ổ cắm và có thể bố trí ở chỗ không thuận tiện. Các bạn nên mang theo áo dài tay, nó cực kỳ hữu ích: chống nắng khi đi bộ ngoài trời, chống lạnh khi đi tàu xe hay vào trong nhà (vì điều hoà nhiệt độ ở mọi chỗ đều bật nấc lạnh toát) và đảm bảo lịch sự trước cái nhìn của người theo đạo Hồi bản xứ.

Các bạn nữ nên đặc biệt chú ý ăn mặc kín đáo (lý tưởng nhất là quần áo che được hết cả tay và chân) khi tới các điểm tham quan mang tính văn hoá hoặc khi ra đường vào buổi tối muộn. Các điểm truy cập internet công cộng - cyber cafe ở Malaysia cũng khá sẵn nhưng thường nằm ở các ngõ nhỏ hoặc tầng trên toà nhà chứ không có mặt tiền như ở Việt Nam, các bạn nên để ý biển hiệu trên cao. Phí truy cập rung rinh trong khoảng 3-5 RM/giờ. Khách sạn hay nhà nghỉ cũng có một vài máy tính nối mạng đặt ở khu vực chung nhưng giá thường đắt hơn hoặc luôn luôn bận.

Bạn không nên dùng ngón trỏ để chỉ đường hướng, nên dùng ngón cái hoặc cả năm ngón. Trong khi ăn và trong khi giao tiếp như bắt tay, đưa đồ, chỉ đường…, bạn nên dùng tay phải, vì người Malay quan niệm tay trái không sạch sẽ. Tiếng Anh rất phổ biến ở Malaysia nhưng giọng điệu và từ ngữ pha tạp khá lộn xộn, mỗi cộng đồng người lại có một kiểu “tiếng Anh” riêng, nếu bạn không tự tin vào khả năng nghe nói thì nên mang theo giấy bút, từ điển hoặc kim từ điển.



Kinh nghiệm du lịch Ấn Độ
Kinh nghiệm du lịch Bali (Indonesia)
Kinh nghiệm du lịch Amsterdam
Kinh nghiệm du lịch bụi Campuchia
Kinh nghiệm du lịch bụi Brunei
Kinh nghiệm du lịch bụi Bangkok



(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý