Làm sao để cải thiện kỹ năng giao tiếp nhanh mà hiệu quả

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Làm sao để cải thiện kỹ năng giao tiếp nhanh mà hiệu quả

19/04/2015 05:56 AM
480

Làm sao để cải thiện khả năng giao tiếp không phải ai cũng biết. Tham khảo ngay những thông tin bổ ích dưới đây để có thể cải thiện kỹ năng và trở thành người tự tin, tạp ấn tượng trong giao tiếp nhé




 

Thiếu giao tiếp hay giao tiếp không hiệu quả dẫn đến tình trạng quản lý kinh doanh yếu kém, không hiểu khách hàng, không nắm bắt được những nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của thị trường, kém sự phối hợp trong hoạt động… dẫn đến kết quả cuối cùng là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thấp.

Để giao tiếp trong môi trường doanh nghiệp đạt hiệu quả, đòi hỏi phải hội đủ 3 yếu tố. Trước hết, tất cả mọi người tham gia đều phải có những kỹ năng phù hợp và biết cách giao tiếp tốt. Để đạt được điều này, phải đảm bảo rằng, bạn và nhân viên trong doanh nghiệp có được những kỹ năng và kiến thức cần thiết để giao tiếp có hiệu quả.

Bên cạnh đó, để giao tiếp trong doanh nghiệp đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có môi trường hỗ trợ. Môi trường đó là lòng tin, sự cởi mở, việc chia sẻ trách nhiệm… Nếu thiếu môi trường này thì mọi kỹ năng đều trở nên vô nghĩa. Trong môi trường đó, bạn cần đóng vai trò nòng cốt để làm sao tạo ra bầu không khí thoải mái và cởi mở.

Để giao tiếp có hiệu quả còn đòi hỏi phải luôn tập trung chú ý. Nếu bạn quan tâm và luôn nỗ lực cải thiện giao tiếp thì nhân viên sẽ cảm nhận được tầm quan trọng của vấn đề được đề cập tới. Ngược lại, nếu bạn xem nhẹ vấn đề, xem nhẹ giao tiếp thì nhân viên cũng sẽ có phản ứng tương tự.

Dưới đây là 5 lời khuyên cụ thể giúp nâng cao khả năng giao tiếp:

1. Luôn cố tìm kiếm những thông tin phản hồi từ mỗi cuộc giao tiếp. Hãy hỏi nhân viên những câu hỏi đại loại như: Khi nói chuyện, các bạn có hiểu rõ điều tôi nói không? Các bạn đánh giá thế nào về cuộc giao tiếp này? Các bạn có ý tưởng gì để cải thiện khả năng giao tiếp của chúng ta?

2. Tự đánh giá sự am hiểu và kỹ năng giao tiếp của mình

3. Khi làm việc với nhân viên trong doanh nghiệp, hãy xác định cách thức giao tiếp phù hợp và hiệu quả. Để làm việc này, bạn cần tìm sự đồng thuận về những vấn đề như: Những bất đồng cần được giải quyết như thế nào? Giao tiếp giữa các nhân viên nên như thế nào? Giao tiếp giữa nhà quản lý với nhân viên và giữa nhân viên với nhà quản lý nên ra sao? Đâu là giới hạn về thông tin trong giao tiếp?

4. Đánh giá tác động của cơ cấu doanh nghiệp đối với giao tiếp. Giao tiếp gián tiếp (được truyền đạt thông qua người khác) thường dễ gây ra hiểu sai vấn đề, nên cố gắng giao tiếp trực tiếp càng nhiều càng tốt.

5. Học và áp dụng những kỹ năng nghe. Việc này sẽ có tác động tích cực đến môi trường giao tiếp.


Không phải ai sinh ra cũng có khả năng ăn nói tự tin, khéo léo và thu hút sự chú ý của người khác.

Bạn phải tích lũy và phát triển khả năng này như một thói quen hằng ngày để đạt được thành công trong sự nghiệp cũng như cuộc sống.

Cách cải thiện kỹ năng giao tiếp trong công việc:

Nói lí nhí là dấu hiệu của sự thiếu tự tin. Nếu là người nói chậm, bạn nên luyện tập cách nói to, nhanh và dứt khoát hơn. Hãy ngẩng cao đầu và nói một cách rõ ràng, khẳng khái.

Không nói vòng vo

Khi được hỏi, hãy trả lời thẳng thắn và trực tiếp. Bạn có thể dành vài giây suy nghĩ nhưng đừng trả lời một cách vòng vo, đi ra ngoài chủ đề cuộc đối thoại. Hãy nói một cách trực tiếp để chứng tỏ sự tự tin của mình cũng như thể hiện sự tôn trọng thời gian của đối phương.

Tránh ậm ừ

Những từ dư thừa như "à, ừ" đã tố cáo sự lo lắng, hồi hộp hay không nắm rõ thông tin của bạn. Đặc biệt trong những buổi thuyết trình, sự ậm ừ sẽ khiến mọi người đánh giá thấp bạn. Vì vậy, bạn cần hạn chế tối đa thêm các từ đó trong cuộc nói chuyện của mình.

Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ "phản chiếu"

Ngôn ngữ cử chỉ cũng quan trọng không kém lời nói. Theo Susan Constantine, một chuyên gia về ngôn ngữ cử chỉ, 90% giao tiếp của chúng ta là phi ngôn ngữ. Vì vậy, khi giao tiếp hãy chú ý tới ngôn ngữ cử chỉ của bạn.

Đặc biệt, bạn nên tận dụng ngôn ngữ cử chỉ "phản chiếu", tức là có hành động giống như người nói chuyện cùng mình. Chẳng hạn, trong cuộc phỏng vấn tìm việc, nếu nhà tuyển dụng hơi ngả người về phía trước, bạn cũng nên làm như vậy. Tất nhiên, bạn phải thực hiện một cách tế nhị, khéo léo, tránh để người phỏng vấn có cảm giác bạn đang trêu tức anh/cô ấy.

Hỏi lại những điều chưa rõ

Đây là cách bạn thể hiện sự tham gia và tập trung vào cuộc nói chuyện. Hơn nữa, hỏi lại những điều mình chưa rõ sẽ giúp bạn nhìn nhận và tương tác với người nói chuyện một cách chính xác, hiệu quả hơn.

Liên lạc qua ánh mắt

Ánh mắt có thể thể hiện sự tự tin, quả quyết và thấu hiểu. Người đối diện sẽ biết bạn có thoải mái, tự tin và nắm được vấn đề trong cuộc nói chuyện hay không thông qua ánh mắt của bạn.

Chứng tỏ khả năng giao tiếp qua văn viết

Bên cạnh nói, viết cũng là cách thức thể hiện phong cách giao tiếp của bạn bởi các công việc hiện nay đều đòi hỏi kỹ năng viết ở một mức độ nào đó, đơn giản nhất là qua email trao đổi nhiệm vụ hằng ngày. Vì vậy, bạn có thể chứng tỏ sự tiến bộ trong kỹ năng giao tiếp của mình qua các bài viết trên blog, mạng xã hội… Tất nhiên, nội dung của chúng phải liên quan tới lĩnh vực của bạn.

Nhớ tên người đối diện

Khi gặp đối tác, khách hàng hay sếp/đồng nghiệp mới, hãy nhanh chóng nhớ tên của họ và gọi một cách thân mật. Ví dụ, thay vì nói một cách chung chung "Rất vui được gặp anh", hãy nêu tên cụ thể của người đó "Rất vui được gặp anh Minh". Như vậy, bạn sẽ gây thiện cảm tốt hơn với người nói chuyện cùng.

Tạo sự thân mật

Những cuộc nói chuyện thành công là những cuộc nói chuyện mang lại cảm giác như một cuộc trao đổi thân tình chứ không phải như một cuộc thẩm vấn. Hãy thoải mái, thân thiện khi giao tiếp, tỏ ra cứng rắn khi cần thiết và không nên liên tục ngắt lời đối phương.



Làm thế nào để tạo sự tin tưởng khi giao tiếp

Nói dối rất đa dạng, chẳng hạn như nói dối theo kiểu phản xạ, nói dối đôi chút, nói dối không hại ai… Chúng có tác dụng rất khác nhau lên người tiếp nhận. Với người nói dối, hậu quả thấp nhất mà họ chắc chắn phải chịu chính là sự day dứt trong tâm hồn. Dưới đây, chúng ta đề cập đến nói dối vô hại hàng ngày chứ không xét nói dối như là một bệnh lý.

Tại sao chúng ta lại nói dối hoặc nói tránh sự thật, trong khi có nhiều cách giao tiếp khéo léo rất chân thật và đúng mực?

Đây là một số lý do: nói dối để tránh mâu thuẫn, tránh làm người khác nổi giận hay tránh tổn thương cảm xúc người khác hoặc khiến họ cảm thấy bị hạ thấp hay buồn phiền, để được kính trọng và nể phục, để có quyền lực, để tránh phiền toái, tránh nhận lỗi, tránh va chạm, để mọi việc được suôn sẻ...

Điều thú vị là những lí do để nói dối thường có mục đích tốt, trừ một số trường hợp xuất phát từ cái tôi cá nhân hay bản tính tự kiêu. Mặc dù vậy, cách mà những mục đích này được thực hiện thật khó mà chấp nhận được thậm chí nó còn làm cho các mối quan hệ trở nên miễn cưỡng cũng như gây ra sự không thanh thản trong tâm hồn.

Chúng ta có thể nói thật một cách khéo léo trong những tình huống nêu trên hay không? Thông thường, câu trả lời là có. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải thực tập thường xuyên và có suy xét.

Sau đây là một số lời khuyên giúp chúng ta bỏ được thói quen lảng tránh sự thật để có thể giao tiếp một cách chân thành và đúng mực.

THAY ĐỔI SUY NGHĨ


Chúng ta nói dối vì muốn kiểm soát được tình huống. Tuy nhiên đó lại là một lựa chọn thiếu khôn ngoan vì nói thật mới làm cho các khả năng cũng như kết quả của vấn đề được gợi mở và giải quyết.

Với những người đã quen nói dối, đầu tiên phải thay đổi suy nghĩ. Nói dối thường được hình thành trong thời thơ ấu hay thời gian trước đây nên cần có sự quan tâm, khéo léo và kiên trì để từ bỏ nó và thay bằng một thói quen mới, tốt hơn.

HIỂU ĐƯỢC KHI NÀO VÀ TẠI SAO CHÚNG TA NÓI DỐI

Động lực nào khiến ta cho rằng nói dối là giải pháp tốt nhất? Nỗi sợ hãi nào đang ẩn sau quyết định đó? Chẳng hạn như, sợ phạm sai lầm, sợ bị cho là không tốt hay thô lỗ nếu nói thật, sợ không đủ khéo léo để nói thật mà không làm tổn thương hay phiền lòng người khác...

Thử đặt câu hỏi, trong những tình huống như vậy, tại sao chúng ta lại tin là nói dối sẽ làm vấn đề tốt hơn, và tốt hơn cho ai? Hãy vận dụng hiểu biết của mình để gạt bỏ những quyết định không đúng cũng như xem xét và đưa ra câu trả lời đầy đủ cho những câu hỏi nêu trên. Một khi động cơ để nói dối của chúng ta không thỏa đáng, tốt hơn nên kìm lại và tìm cách giải quyết khác.

XEM XÉT MỌI KHẢ NĂNG TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG

Nói dối có thể chỉ là một quyết định nhất thời, thiếu suy xét cẩn thận. Vì vậy, trước khi định nói dối hãy chờ đợi giây lát. Nói với người đối diện rằng chúng ta cần xem lại vấn đề hay nghĩ ngợi đôi chút. Khi đó, hãy xét kĩ vấn đề cũng như động cơ và giải pháp của bản thân.

Giữ tập trung bằng cách nhớ lại những hành động hay một ai đó khiến chúng ta thấy tin cậy và yên tâm. Việc ghi nhớ này rất có ích thậm chí chúng ta cũng có thể học theo những cử chỉ đó để giao tiếp hiệu quả hơn.

Thành thật tự hỏi "điều tệ nhất có thể xảy ra nếu nói ra sự thật là gì". Những kĩ thuật cơ bản này cho phép ta ứng xử khôn ngoan và tự tin hơn.

GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ

Một trong những lợi thế vô giá của việc làm chủ tư duy và giao tiếp một cách khôn ngoan là đã có những chuẩn mực nhất định mà ta có thể sử dụng đa dạng để cải thiện khả năng. Vận dụng những cách xử sự khéo léo này để tránh nói dối vì những lí do đã nêu trên.

Cứ cho rằng chúng ta có thể là người đã gây nên sự việc hay nhận thức thực tế chưa chính xác. Việc đổ lỗi cho ai đó chỉ làm ta thanh thản trong nhất thời chứ không phải trong lâu dài. Đôi khi cảm tính hoặc chưa thật sự lắng nghe hoặc chủ quan tin vào kinh nghiệm…làm sai lệch trực giác cũng như khả năng thấu hiểu của chúng ta về các tình huống. Nếu cảm thấy thảo luận sẽ làm sáng tỏ vấn đề, hãy trình bày với những gợi ý sau:

- Có lẽ ban đầu tôi không đúng, xin hãy thứ lỗi cho tôi…
- Theo tôi vấn đề là... bạn có nghĩ như vậy không?
- Thứ lỗi cho tôi khi nói ra điều này…

Hãy tỏ ra thông hiểu cảm xúc người đối diện "tôi biết ông rất giận về…". Sau đó, trình bày quan điểm bản thân và nói rõ điều gì dẫn đến quyết định đó. Đề nghị giải pháp có thể áp dụng được.

Hãy thừa nhận những cảm xúc cá nhân và biểu hiện nó một cách lễ độ "tôi rất thất vọng khi được biết X không thể hoàn thành đúng thời hạn. Hẳn ông có thể thấy là tôi thất vọng như thế nào". Sau đó nêu lên dự định, mong muốn của bản thân và giải pháp "tất cả những gì chúng ta nên làm là một bản kế hoạch kinh doanh để đảm bảo".

Phác họa lại sự việc một cách rõ ràng và xác định nguồn gốc để có được kết luận đúng đắn. Nếu không, chúng ta sẽ dễ phạm sai lầm khi đưa ra những nhận xét như là "có lẽ…", "tôi đoán là…" dễ dàng dẫn đến sai lệch sự thật và hiểu lầm.

LỜI KHUYÊN ĐỂ CỦNG CỐ SUY NGHĨ

Từ bỏ thói quen nói dối cần thời gian tập luyện. Hãy đặt ra những nguyên tắc cho bản thân và cương quyết thực hiện chúng, từ đó hình thành nên những thói quen tốt. Ghi nhớ những nguyên tắc này và hành động để duy trì bí quyết giao tiếp tốt đẹp, chân thành và chuẩn mực.

Hãy nuôi dưỡng sự bình tĩnh - ghi nhớ những cách ứng xử khéo léo để tự khắc phục điểm yếu và nói sự thật một cách hiệu qủa, nhẹ nhàng hơn. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta bình tĩnh và tập trung, ngược lại nếu chúng ta căng thẳng, giận dữ hay nóng vội. Hãy học hỏi sự bình tĩnh từ những bậc thầy, nhà thông thái hay nhà lãnh đạo tài tình kết hợp với sự khéo léo của bản thân để làm chủ khi giao tiếp.

Nhận thức được vai trò của người đối diện – những phản ứng của họ là sự phản chiếu cách chúng ta nói ra sự thật. Họ có thể thất vọng, đau khổ hay giận dữ, và chúng ta cũng phải học cách để cùng giải quyết sự không hài lòng đó. Hãy rút kinh nghiệm từ những sai lầm của bản thân cũng như của người khác để tự hoàn thiện khả năng ứng xử khéo léo. Đặt mình vào hoàn cảnh người khác là bước quan trọng giúp chúng ta khéo léo hơn vì khi đó ta có thể hiểu được những gì người khác cảm nhận mà ứng xử cho phù hợp.

Lập kế hoạch - quản lí thời gian là nhân tố quyết định để giữ bình tĩnh. Nên biết rõ chúng ta mong đợi gì và khi nào cũng như lập kế hoạch và vạch ra các yêu cầu cần thiết. Hãy xem xét vấn đề một cách tổng quát, không ngần ngại hỏi để hiểu rõ, hơn là hiểu nhầm và sau đó là nói dối.

Hãy thoải mái nhận lỗi - đã bao nhiêu lần chúng ta nói dối chỉ đơn giản để tránh thừa nhận "tôi đã sai", "tôi hiểu nhầm" hay "xin lỗi, tôi đã làm hỏng nó". Khi phạm lỗi, hãy hít thở thật sâu và chấp nhận nó, nói "xin lỗi" cho những hành vi không đúng. Chúng ta không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm hơn mà còn có cơ hội để sữa chữa sai lầm. Đồng thời, biết nhận và xin lỗi làm chúng ta mạnh mẽ và chân thật hơn, giúp ích cho cuộc sống của chúng ta trong tương lai.

Hãy thu thập những nguồn động viên khích lệ - những trích dẫn lịch sử hay dẫn chứng về con người và sử dụng chúng như những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày để có thêm sức mạnh cho tâm hồn và rèn luyện thói quen nói thật.

Tập trung vào những điều là quan trọng nhất đối với chúng ta - hãy sống có lí tưởng. Nó sẽ dẫn dắt chúng ta đến những việc làm và hành động đúng, thúc đẩy chúng ta giữ vững ý chí để đạt được lí tưởng đó.



Cải thiện kĩ năng giao tiếp nơi công sở



Cho dù bạn là một người làm việc chăm chỉ hay thường xuyên có những ý tưởng sáng tạo nhưng nếu không thể hoà đồng với các đồng nghiệp thì công việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Hãy tham khảo 10 gợi ý sau đây để nâng cao kỹ năng giao tiếp và gần gũi hơn với các đồng nghiệp của mình.

Cho dù bạn là một người làm việc chăm chỉ hay thường xuyên có những ý tưởng sáng tạo nhưng nếu không thể hoà đồng với các đồng nghiệp thì công việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Hãy tham khảo 10 gợi ý sau đây để nâng cao kỹ năng giao tiếp và gần gũi hơn với các đồng nghiệp của mình.


Thấy được ưu điểm của người khác

Hãy tìm ra ưu điểm của những người cùng làm việc với bạn và giúp họ thấy điều đó. Đừng tiếc lời ngợi khen và khuyến khích người khác. Nói lời cảm ơn khi ai đó giúp đỡ bạn. Và hãy để đồng nghiệp thấy họ được chào đón khi gọi điện đến hay ghé vào văn phòng của bạn. Nhớ cư xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối với mình.

Chú ý đến những người xung quanh

Quan sát những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mọi người xung quanh bạn. Chúc mừng khi họ có chuyện vui và bày tỏ sự cảm thông cũng như sự chia sẻ nếu họ gặp khó khăn hay có chuyện không may. Luôn nhìn vào mắt người khác khi trò chuyện và gọi đồng nghiệp bằng tên. Và cuối cùng hãy lắng nghe ý kiến của họ.

Luyện thói quen lắng nghe một cách tích cực

Điều này thể hiện bạn có ý định lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của người khác một cách cẩn thận. Nói cách khác, bạn diễn đạt lại những gì người khác nói bằng ngôn ngữ của mình. Nhờ vậy bạn sẽ hiểu được ý của họ và người đối thoại cũng biết rằng bạn đang đáp lại một cách thật lòng. Đồng nghiệp của bạn sẽ đánh giá cao khi biết rằng bạn đang thực sự lắng nghe.

Tạo môi trường làm việc giúp gắn kết tình cảm giữa mọi người

Tạo ra môi trường khuyến khích mọi người làm việc cùng nhau. Đối xử công bằng và không thiên vị ai cũng như tránh nói xấu đồng nghiệp. Lắng nghe những kiến nghị của người khác đồng thời kiểm tra lại những thông tin trước khi muốn đưa ra một phát biểu hay thông báo. Một người có quan điểm rõ ràng và công bằng sẽ chiếm được lòng tin của người khác.

Giúp hoà giải mâu thuẫn

Đây là bước tiếp theo bạn cần làm sau khi tạo ra môi trường làm việc thân thiện. Hãy học cách trở thành một người trung gian chuyên giải quyết các xung đột một cách hiệu quả. Nếu đồng nghiệp của bạn bất đồng với nhau về những mâu thuẫn cá nhân hay trong công việc, hãy cùng ngồi xuống và giúp họ hoà giải. Điều này sẽ giúp bạn đạt được sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ những người xung quanh.

Cân nhắc lời nói của mình

Chú ý đến nội dung và cách thức bạn nói chuyện để tránh làm người khác hiểu lầm. Lời nói là biểu hiện của trí thông minh và sự chín chắn không phân biệt độ tuổi. Do đó, chẳng ai đánh giá cao ý kiến của một người nói trước rồi mới suy nghĩ.

Thể hiện đúng cách sự hài hước

Đừng ngại tỏ ra hài hước hay khéo léo khi chuyện trò. Phần lớn mọi người thường bị thu hút bởi một người có thể làm họ bật cười. Hãy sử dụng óc hài hước như là một công cụ giúp bạn gỡ bỏ những rào cản trong giao tiếp và lôi cuốn sự chú ý của người khác.

Nhìn sự việc từ quan điểm của người khác

Ý nghĩa của từ đồng cảm là đặt mình vào trường hợp của người khác để hiểu cảm giác của họ. Hãy nhìn sự việc dưới quan điểm của họ. Có thể điều này sẽ khiến bạn thấy khó khăn do những cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, những người biết kiềm chế những cảm xúc của mình mới có thể đồng cảm với người khác được.

Đừng phàn nàn

Không gì tồi tệ hơn là làm việc với một người chỉ biết phàn nàn. Nếu muốn trút tâm sự về điều gì đó, cách tốt nhất là viết nhật ký. Trường hợp muốn trò chuyện với người thân hay bạn bè thì hãy nói một cách ngắn gọn. Đừng làm người khác bực mình nếu bạn không muốn bị mang tiếng là hay phàn nàn.

Kỹ năng giao tiếp, những hành vi gây mất thiện cảm.




Bạn đã học cách làm thế nào để gây thiện cảm đối với người đối diện rồi. Bây giờ hãy thử đọc qua một số cử chỉ, hành động có thể làm người khác khó chịu nhé. Đây cũng là một điều mà bạn cần chú ý để cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình.

Ngồi nhai kẹo cao su. Chà thật bất lịch sự khi đang nói chuyện, hay trong một không gian yên tĩnh lại có tiếng “chop chép” của ai đó nhai kẹo cao su đúng không. Có thể bạn nhai để tránh cho hơi thở “rau mùi” nhưng hãy kín đáo một chút nhé.

Đeo cái mặt nạ cau có, xấu xí. Một người bạn chạy tới định kể cho bạn một câu chuyện vui mà họ mới trải qua. Vừa gặp mặt bạn họ đã không còn hứng để kể nữa, tại sao vậy nhỉ? Bởi vì bạn đang đeo cho mình một khuôn mặt cáu kỉnh, trông rất khó chịu. Cứ như là bận đeo cho mình một tấm bảng “Tránh xa tôi ra” vậy đó.

Nói tục, chửi thề. Với bạn bè thân quen đôi khi họ hiểu bạn họ còn cảm thấy khó chịu. Vậy với những người khác thì sao. Khi bạn cứ liên tục nói ra những lời nói thiếu lịch sự như vậy họ có thể đánh giá bạn là người “thiếu văn hóa”. Thêm một yếu tố nữa cho các bạn nam đó là đừng nên nói về vấn đề tình dục, gái gú hay thái độ thiếu tôn trọng các bạn nữ trước mặt họ.

Liên tục ca cẩm về mọi thứ. Bạn gặp bạn bè là để chia sẻ với họ, nói chuyện với họ. Hãy thử tưởng tượng bạn có thích nghe một người cứ suốt ngày gặp nhau là than trời than đất, ca hết chuyện này đến chuyện khác hay không. Sẽ rất chán và người nghe sẽ phải chịu đựng bạn để nghe những điều đó.

Các bạn nữ nên chú ý, đừng cứ 5 phút lại lấy gương ra soi một lần, hoặc trang điểm. Điều này rất khó chịu, nó làm đối phương cảm giác bạn quá chú trọng vào vẻ bề ngoài. Bạn có thể sử dụng gương soi để chỉnh lại tóc nếu nó bị rối nhưng đừng lôi nó ra ngắm nhìn khuôn mặt bạn mỗi vài phút một lần


10 sai lầm trong giao tiếp



Người ta có thể cải thiện những kỹ năng giao tiếp? Chắc chắn là vậy. Tất nhiên, để mài giũa và nâng cao nghệ thuật giao tiếp, bạn cần phải đầu tư một khoảng thời gian nhất định, nhưng điều này là hoàn toàn có thể


Dưới đây là những sai lầm phổ biến thường xảy ra với mọi người trong giao tiếp hàng ngày. Kèm theo đó là một số giải pháp để bạn tham khảo.

Không chịu lắng nghe


Nếu bạn hỏi người đối diện quá nhiều thì cuộc trò chuyện có nguy cơ biến thành một cuộc thẩm vấn.

Ernest Hemingway từng nói: “Tôi thích lắng nghe. Tôi đã học được rất nhiều điều từ việc lắng nghe một cách cẩn thận. Hầu hết mọi người chẳng bao giờ chịu nghe”.

Hãy đừng giống với đa số những người đó. Hãy đừng chỉ sốt ruột chờ tới lượt mình để được nói. Hãy để cái “tôi” của bạn trong vòng kiểm soát. Hãy học cách lắng nghe thực sự những điều người khác đang nói với bạn.

Khi bạn bắt đầu thực sự lắng nghe, bạn sẽ tìm ra được vô số những phương thức hữu hiệu để khai thác thông tin trong khi trò chuyện. Nhưng hãy tránh các kiểu câu hỏi có dạng trả lời “có” hoặc “không”, vì chúng chẳng đem lại cho bạn nhiều thông tin lắm đâu.

Chẳng hạn, nếu ai đó đề cập việc cuối tuần vừa rồi họ đã đi câu cá với một vài người bạn, bạn có thể hỏi thêm những câu như: Các anh câu cá ở chỗ nào thế? Anh thích nhất điều gì ở trò câu cá? Ngoài câu cá ra, các anh còn làm gì nữa không? v.v..

Khi đó, người được hỏi sẽ tiếp tục đào sâu vào chủ đề bạn khơi gợi và cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin hơn nữa để bạn có thể xử lý. Và từ đó, lại tạo thêm ra nhiều cách gợi mở vấn đề trao đổi cho câu chuyện của bạn.

Nếu thoạt tiên họ trả lời bạn theo kiểu: “Ồ, tôi không biết nữa”, bạn cũng đừng vội bỏ cuộc. Hãy tiếp tục kiên nhẫn thêm chút nữa và hỏi thêm. Người được hỏi sẽ thấy rằng bạn quan tâm tới câu chuyện của họ và sẽ phải suy nghĩ thêm một chút. Một khi họ đã tỏ ra bắt nhịp với câu chuyện thì những thông tin sẽ thú vị hơn dần lên vì cuộc trò chuyện sẽ không còn mang tính tự phát, một chiều nữa.

Hỏi quá nhiều

Nếu bạn hỏi người đối diện quá nhiều thì cuộc trò chuyện có nguy cơ biến thành một cuộc thẩm vấn. Hoặc cũng có thể, điều đó khiến người được hỏi nghĩ rằng, bạn không có nhiều thông tin chia sẻ. Để khắc phục tình huống này, bạn có thể pha trộn các câu hỏi với những câu nói thông thường. Trở lại với nội dung cuộc trò chuyện ở trên, chúng ta có thể bỏ qua những câu hỏi và nói thêm những câu như:

- Ừ, được xả hơi, thư giãn với những người bạn vào dịp cuối tuần vui thật. Chúng tôi cũng thích những chuyến dạo chơi ngoài công viên với nhau và cả một vài trận golf nữa.

- Vui thế! Tháng trước, chúng tôi cũng đi chơi thuyền với đám bạn. Tôi đã thử câu với lưỡi câu mới của Sakamura, chúng được lắm.

Và thế là cuộc trò chuyện sẽ tiếp tục suôn sẻ. Bạn có thể trao đổi thêm về trò golf mới, những điểm tích cực/tiêu cực của các loại lưỡi câu khác hoặc món bia ưa thích của bạn.

Khó bắt đầu câu chuyện

Trong cuộc trò chuyện với ai đó bạn mới gặp lần đầu, hoặc khi một vài chủ đề thông thường trở nên khó thực hiện, bạn sẽ thấy xuất hiện không khí im lặng, ngượng ngùng. Rất có thể, khi ấy, bạn trở nên hồi hộp hoặc lo lắng mà chẳng biết chính xác vì sao.

Leil Lowndes từng nói: “Đừng bao giờ ra khỏi nhà khi bạn chưa đọc báo”. Nếu bạn cảm thấy thiếu đề tài để bắt đầu câu chuyện, bạn luôn có khả năng khơi mào từ một tin tức thời sự nào đó. Cũng sẽ rất tốt nếu bạn có thêm những thông tin hay để cập nhật vào những chủ đề vốn được nhiều người quan tâm tại thời điểm diễn ra cuộc trò chuyện.

Bạn cũng có thể đưa ra lời bình luận về một sự kiện nào đó đã diễn ra trong bữa tiệc gần đây mà cả bạn và người đối diện cùng tham dự. Bạn luôn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện về một điều gì đó ở quanh mình.

Nếu bạn thấy lo lắng hoặc ngại ngùng khi gặp ai đó lần đầu, hãy thử tưởng tượng thế này. Bạn hãy nghĩ như đang gặp một trong những người bạn tốt nhất của mình vậy. Và hãy vờ như, người bạn mới đó là người bạn thân nhất của bạn. Tất nhiên, bạn không đến mức phải ôm hôn người đó. Nhưng khi tưởng tượng như vậy, bạn sẽ chỉ tập trung vào những tâm trạng, cảm xúc rất tích cực. Bạn sẽ chào hỏi và bắt đầu trò chuyện với người bạn mới bằng nụ cười và thái độ thoải mái, cởi mở. Bởi lẽ, đó cũng chính là cách bạn vẫn thường trò chuyện với những người bạn thân của mình. Nghe qua, cách này tưởng như hơi quá đơn giản, nhưng hãy thử đi, bạn sẽ thấy tác dụng của nó đấy.

Góp chuyện kém mặn mà

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong một cuộc trò chuyện không phải là việc bạn nói gì, mà là cách bạn nói như thế nào. Một thay đổi trong những thói quen này sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể. Ở đây, tiếng nói và ngôn ngữ cơ thể bạn là một phần thiết yếu của cuộc hội thoại. Dưới đây sẽ là một số điểm để bạn suy nghĩ thêm:

Hãy nói chậm lại: Khi bạn cảm thấy hứng thú về một vấn đề đó, bạn dễ dàng đẩy nhanh tốc độ nói mỗi lúc một nhanh hơn. Hãy cố gắng kiểm soát tốc độ và nói chậm lại. Điều này sẽ giúp người đối diện dễ nghe hơn và thực sự tiếp nhận được những thông tin bạn muốn truyền đạt.

Nói to đủ nghe: Đừng ngần ngại khi cần phải nói ở mức âm lượng đủ lớn để người nghe có thể hiểu bạn đang nói gì.

Nói rõ ràng: Đừng lúng búng trong miệng những điều cần nói.

Nói có cảm xúc: Rõ ràng, chẳng ai muốn nghe quá lâu nếu bạn cứ duy trì một giọng nói đều đều, vô cảm. Hãy để cảm xúc của bạn được thể hiện trọn vẹn trong lời nói.

Biết ngừng đúng lúc: Nói chậm và biết thêm những điểm ngưng nhỏ giữa các suy nghĩ, hoặc giữa các câu sẽ tạo nên một sự nhấn nhá cần thiết. Người nghe sẽ bắt đầu tập trung hơn và những gì bạn nói. Bạn hãy thử nghe lại những CD của Brian Tracy và các Podcast của Steve Pavlina, bạn sẽ thấy việc tạo ra những điểm ngưng nho nhỏ đã khiến họ nói dường như thú vị hơn rất nhiều.

Ngôn ngữ cơ thể: Bạn nên học hỏi thêm một chút trong việc cải thiện ngôn ngữ cơ thể, điều này sẽ giúp bạn truyền tải thông tin hiệu quả hơn.

Thích tỏa sáng cái “tôi”

Bất cứ ai, khi đã tham gia trò chuyện đều cần có thời gian dành cho họ để tỏa sáng. Đừng cắt ngang ai đó khi họ đang kể một câu chuyện, hoặc đang chia sẻ quan điểm của họ về những gì bạn nói để lôi kéo sự chú ý vào vấn đề của cá nhân bạn.

Ví như, bạn đừng “cướp diễn đàn” khi ai đó đang nói về trò trượt tuyết chỉ để chia sẻ câu chuyện về trượt tuyết thú vị nhất của bạn. Hãy tìm ra cho bạn điểm cân bằng cho mình giữa nghe và nói.

Luôn giành phần thắng

Cần tránh thái độ luôn muốn tranh cãi và phải là người luôn đúng trong mọi chủ đề trò chuyện. Một cuộc nói chuyện rõ ràng không phải là cuộc tranh luận. Có nhiều cách để bạn giữ cho tâm trạng thoải mái khi trò chuyện. Sẽ chẳng ai ấn tượng nếu bạn thắng trong mọi cuộc trò chuyện đâu. Vì vậy, thay vào thái độ luôn muốn chiến thắng, bạn hãy ngồi xuống, thư giãn và giữ một cảm xúc thoải mái để lắng nghe người khác.

Trò chuyện về những chủ đề tiêu cực hoặc nhàm chán

Có những chủ đề sẽ chẳng bao giờ thích hợp trong những cuộc trò chuyện với người khác. Chẳng hạn, nói về sức khỏe hay mối quan hệ đang trở nên tồi tệ của bạn, nói về công việc hay người sếp chẳng ra sao, nói về những vấn đề kỹ thuật mà chỉ có bạn hoặc một số ít ai đó có thể hiểu được, v.v..

Tất cả những chủ đề dạng này sẽ chỉ khiến câu chuyện đi vào trạng thái nhàm chán và bế tắc. Hãy giành riêng những vấn đề như tôn giáo và chính trị chỉ cho những người bạn thân thiết và đồng cảm với bạn mà thôi.

Nhàm chán

Đừng bao giờ ba hoa tới 10 phút liên tục với những người xung quanh chỉ về chiếc ô tô mới của bạn. Bạn luôn phải chuẩn bị tinh thần để chấm dứt những chủ đề khi bạn thấy nó bắt đầu trở nên nhàm chán với người khác.

Một cách đơn giản và hiệu quả để có thể chia sẻ điều gì đó thú vị với người khác là bạn hãy sống một cuộc đời thật phong phú và chỉ tập trung vào những điều tích cực. Đừng bắt đầu câu chuyện bằng việc lải nhải những điều không hay về công việc hay sếp của bạn, sẽ chẳng ai muốn nghe nó đâu. Thay vì thế, bạn hãy nói về chuyến du lịch gần đây nhất của bạn, một vài câu chuyện vui diễn ra trong khi bạn đi mua quần áo, kế hoạch của bạn cho kỳ nghỉ lễ sắp tới hay một điều gì đó vui vẻ tương tự.

Một cách khác nữa để tránh sự nhàm chán trong khi trò chuyện chính là bạn hãy tỏ ra thực sự quan tâm. Giống như Dale Carnegie đã từng nói: “Nếu chỉ trong vòng 2 tháng, bạn thực sự quan tâm đến người khác, bạn sẽ có được số bạn nhiều hơn nhiều so với số bạn bạn có được trong 2 năm nếu trong khoảng thời gian ấy, bạn chỉ cố gắng để khiến người khác quan tâm tới bạn. Đây cũng là một cách khác để nói rằng, cách tốt nhất để tìm kiếm bạn bè là bạn hãy trở thành một người bạn thực sự”.

Hiểu biết đôi chút về rất nhiều điều hoặc chí ít, bạn hãy cởi mở trong trò chuyện với họ thay vì việc cứ cố kéo mọi cuộc trò chuyện trở về với những chủ đề yêu thích của bạn cũng là một cách làm hữu ích.

Bạn hãy rèn luyện để có thể nói chuyện hàng giờ về một chủ đề nào đó như công việc, ban nhạc yêu thích, một chương trình truyền hình nào đó, v.v..

Cởi mở với người đối diện và không quá đeo bám với một chủ đề nào quá lâu sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên thoải mái và thông thoáng hơn. Bạn sẽ trở thành người có khả năng trò chuyện về rất nhiều điều một cách tự nhiên, dễ dàng. Vì lẽ, bạn có thể sẽ gặp gỡ với rất nhiều người khác, nên khi có thể trò chuyện được theo cách này, bạn sẽ thấy mình có khả năng kết nối với những người khác chẳng khó khăn gì.

Thụ động

Hãy mở lời và chia sẻ những điều bạn nghĩ, những điều bạn cảm thấy trong vấn đề trao đổi. Nếu ai đó chia sẻ những kinh nghiệm của họ, lẽ dĩ nhiên, họ cũng muốn nghe bạn nói về những kinh nghiệm của bạn. Đừng chỉ đứng đó, gật hay lắc, hoặc trả lời vắn tắt những câu hỏi của họ. Nếu người đối điện có sự “đầu tư” vào cuộc trò chuyện, tất nhiên, họ cũng muốn bạn làm như vậy




Hãy mở lời và chia sẻ những điều bạn nghĩ, những điều bạn cảm thấy trong vấn đề trao đổi.

Cũng giống như rất nhiều lĩnh vực trong đời sống, bạn không thể lúc nào cũng chờ đợi để người khác hành động trước rồi bạn mới bắt đầu. Khi cần thiết, bạn hãy tỏ ra chủ động và là người trước tiên mở lời cũng như dẫn dắt cuộc trò chuyện. Bạn có thể chọn cách thay đổi những câu hỏi bằng những lời nói. Nó sẽ khiến bạn bớt đi sự thụ động trong bất cứ cuộc trò chuyện nào.

Không có nhiều thông tin chia sẻ

Có thể bạn sẽ cảm thấy mình không có nhiều điều để nói lắm trong cuộc trò chuyện. Nhưng dù vậy, hãy cứ thử xem sao. Hãy thực sự lắng nghe và chia sẻ với những gì người khác đang nói. Hãy hỏi và đưa ra những bình luận liên quan tới vấn đề chung.

Hãy mở mắt thật to. Hãy phát triển tất cả những kỹ năng quan sát để thâu lượm những vấn đề thú vị từ những vấn đề mà mọi người xung quanh bạn đang nói. Hãy phát triển ngân hàng kiến thức cá nhân của bạn bằng cách mở rộng phạm vi quan sát những điều thú vị trên thế giới. Hãy đọc báo mỗi ngày và quan tâm hơn tới những chủ đề mới mẻ, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Hãy làm việc nhiều hơn với phần ngôn ngữ cơ thể để xem bạn có thể làm gì để trò chuyện và nâng cao các kỹ năng giao tiếp.

Nhưng hãy bình tĩnh và thư thái một chút đã nào. Đừng thực hiện tất cả những điều này cùng một lúc. Chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy hoang mang và quá tải. Hãy chỉ chọn ra một vài điều quan trọng nhất với bạn và bạn cảm thấy cần được cải thiện ngay. Hãy thực hiện điều đó hàng ngày trong vòng 3-4 tuần. Hãy lưu tâm tâm tới những khác biệt và duy trì chúng. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ thấy những thói quen đó của mình bắt đầu trở thành phản ứng tự nhiên khi bạn tham gia một cuộc trò chuyện ngẫu nhiên nào đó.







Cách cải thiện chiều cao thật hiệu quả
Làm thế nào để học giỏi
Làm sao để cải thiện trí nhớ hiệu quả
Làm sao để cải thiện giọng hát để ngày càng hay hơn
Làm sao để hết căng thẳng đầu óc nhanh
Làm sao để giao tiếp tốt và cách cải thiện kĩ năng giao tiếp hiệu quả
Làm sao để cải thiện chiều cao cho bé hiệu quả nhất



(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý