Kinh nghiệm chụp ảnh nội thất cực hay cho bạn

seminoon seminoon @seminoon

Kinh nghiệm chụp ảnh nội thất cực hay cho bạn

19/04/2015 08:23 AM
513

Kinh nghiệm chụp ảnh nội thất cực hay cho bạn. Khả năng sáng tạo trọng việc chọn góc, ánh sáng và kể được câu chuyện làm nên thành công khi chụp ảnh trong nhà.

Ánh sáng


Ánh sáng là yếu tố vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh, nhất là trong nhiếp ảnh nội thất. Trước khi bắt đầu chụp, hãy bật tất cả đèn trong phòng lên. Có thể ánh sáng này sẽ giúp tăng thêm độ sâu và độ đa dạng của màu sắc trong căn phòng. Hãy để căn phòng tràn ngập ánh sáng tự nhiên trước (theo nghĩa là ánh sáng trời và ánh sáng từ đèn có sẵn trong phòng), sau đó hãy nhìn ngắm xung quanh xem liệu góc định chụp có cần thêm nguồn sáng nào nữa không.

Ảnh

Ánh sáng là yếu tố vô cùng quan trọng. Ảnh: Tutsplus.

Mặc dù ánh sáng tự nhiên rất hữu ích đối với ảnh nội thất, tuy nhiên đôi lúc bạn sẽ vẫn phải thêm các nguồn sáng phụ. Các nguồn sáng phụ thêm này có thể là đèn cột hoặc đôi khi chỉ là đèn flash, hoặc cả hai.

Ví dụ, như ở bức trên, để ánh sáng trông thật tự nhiên, nên hạn chế để các nguồn sáng từ cửa sổ để tránh bị quá lóa. Mặc dù có những phong cách chụp nội thất thích để mở cửa cho ánh sáng ùa hết vào nhà, nhưng nếu không được xử lý khéo léo, những nguồn ánh sáng này sẽ làm phân tán bức ảnh. Ở ảnh này, để sự tập trung dồn vào bộ bàn ghế và giá sách của căn phòng này, ánh sáng đèn được xử lý sao cho mềm và trong, không hề bị phản hay lóa ở góc nào của căn phòng.

Tận dụng đèn flash

Hãy biết tận dụng đèn flash khi ánh sáng trong phòng yếu hoặc dùng làm đối trọng với ánh sáng bên ngoài để tạo cảm giác tự nhiên. Những đèn cóc kiểu như Nikon SB 900 hay Canon Speedlite 580EX II chẳng hạn sẽ rất hữu dụng bởi có thể sắp xếp và cài đặt phối hợp nhanh, đa dạng. Nếu có điều kiện thì dùng các đèn cột lớn. Các đèn này cho ánh sáng tốt hơn nhưng lại cồng kềnh và không cơ động.

Khi chụp với đèn flash, không chụp thẳng mà phải chĩa đèn lên những bức tường hoặc trần nhà sáng màu để phân tán ánh sáng nhẹ khắp phòng. Nhưng hãy tránh dùng kiểu này nếu tường hay trần nhà có những màu quá nổi như xanh thẫm, tím đỏ hay tím bởi ảnh sẽ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng phản xạ khác màu.

Do mỗi phòng đều khác nhau và các nguồn sáng cũng khác nhau nên cách tốt nhất vẫn là chụp thử. Đầu tiên chụp với chân máy, không đèn để xem cảnh thực, sau đó thử thêm dần các nguồn sáng và đánh giá kết quả cuối cùng.

Không lạm dụng đèn

Đúng là đèn flash rất hữu dụng, nhưng không nên lạm dụng bởi cũng chính đèn flash cũng có thể làm cho bức ảnh trở nên tệ hại hơn.

Ảnh

Không nên lạm dụng đèn flash. Ảnh: Tutsplus.

Đèn flash chỉ phát huy sức mạnh nếu biết cách sử dụng. Luôn ghi nhớ phải thử với ánh sáng tự nhiên trước, bởi rất nhiều trường hợp chỉ cần ánh sáng tự nhiên là đủ. Như bức ảnh trên chẳng hạn, mặc dù căn phòng khá tối, nhưng nhờ chụp tốc độ chậm, sử dụng chính những ánh sáng từ đèn trần khiến cho căn phòng có độ sâu hơn hẳn. Tuy nhiên việc sử dụng tốc độ chậm phải được xem xét tùy trường hợp bởi ở những căn phòng có ánh sáng trời có thể làm cho vùng sáng dễ bị cháy.

Tạo dáng

Dù chụp ảnh cho các tạp chí nội thất hay cho các công ty bất động sản, luôn nhớ phải tạo dáng cho đồ nội thất. Tương tự như người mẫu, đồ đạc cũng cần được sắp xếp sao cho sạch sẽ và có bố cục hợp lý.

Ảnh

Đồ đạc cũng cần được sắp xếp sao cho sạch sẽ và có bố cục hợp lý. Ảnh: Tutsplus.

Phỉa biết cắt các chi tiết rườm rà của nội thất để giảm được các yếu tố phân tán của ảnh. Ví dụ khi bức ảnh có đầy đủ cái bàn, người xem có quá nhiều thứ để chú ý, từ bàn, ghế tới giá sách với rất nhiều cuốn sách. Vì vậy để tập trung, hãy chỉ chụp một phần của cái bàn gồm bát, đĩa và khăn ăn thôi chẳng hạn (hình trên).

Sắp xếp

Khi chụp ảnh nội thất, nên nhớ mục đích chính là làm cho nội thất đó trở nên đẹp và hấp dẫn hơn. Vì thế mà các đồ đạc phải được xếp đặt lại chứ không nên để nguyên trạng như nó vốn có.

Hãy sắp xếp đồ đạc theo một ý tưởng nào đó, có thể di cái này đi, thêm cái khác vào… sao cho bức hình cuối thể hiện được rõ nét nhất đặc điểm của căn phòng, chứ không phải là một bức ảnh tả thực có sao chụp vậy.

Mặc dù về lý thuyết mọi thứ đều có thể xử lý bằng các phần mềm hiệu chỉnh ảnh, nhưng trước tiên hãy tự sắp xếp và hiệu chỉnh cho chuẩn ở thực địa, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian xử lý hậu kỳ.

Chụp góc

Một trong những nguyên tắc kinh điển của chụp ảnh nội thất, đó là hãy chụp về phía các góc để làm cho căn phòng có cảm giác rộng hơn.

Ảnh

Chụp về phía các góc để làm cho căn phòng có cảm giác rộng hơn. Ảnh: Tutsplus.

Khi chụp chân phương ngang phòng với vật chắn là bức tường, ảnh dễ bị bẹp và căn phòng thì hẹp lại. Hãy chú ý tham khảo các tạp chí nội thất, bạn sẽ thấy chụp góc là cảnh chụp được dùng nhiều nhất.

Hãy thử với các ống góc rộng và góc chụp thấp, nhưng nhớ đừng rộng quá không sẽ dễ bị méo hình.

Kể chuyện qua ảnh

Mỗi một căn nhà, một món đồ nội thất đều mang trong mình một câu chuyện, vì thế điều quan trọng với người chụp là làm sao giúp các đồ nội thất tự thân thể hiện được câu chuyện đó ra với người xem ảnh. Dùng quá nhiều kỹ xảo chụp ảnh sẽ chỉ khiến người xem thấy thất vọng khi mà ảnh khác hoàn toàn so với thực tế.

Ảnh

Chụp về phía các góc để làm cho căn phòng có cảm giác rộng hơn. Ảnh: Tutsplus.

Tìm kiếm những góc, những đồ đạc phản ánh đầy đủ đặc trưng riêng của căn nhà, hay của món đồ. Ví dụ nếu là một căn nhà cổ bằng gạch, hãy tìm những góc chụp thể hiện một cách chi tiết các viên gạch cổ. Còn nếu là một căn nhà mang phong cách hiện đại, hãy chú ý tới những góc được xử lý ánh sáng đặc trưng hay những chi tiết kiến trúc đặc biệt không giống ai.

Sáng tạo

Đây luôn là yếu tố kinh điển cho mọi phong cách chụp ảnh bởi nó tùy thuộc vào trí tưởng tượng của mỗi người. Ví dụ thay vì các ống góc rộng, hãy thử với các ống mắt cá hay ống tilt-shift, hoặc dùng các đèn để chiếu ánh sáng theo các hướng khác nhau… Hãy tự tìm tòi các cách thể hiện mới, có thể không giống ai, biết đâu trong muôn vàn ý tưởng không giống ai đó sẽ có được những ý tưởng thực sự tốt.


Kỹ thuật chụp ảnh nội thất


Chụp ảnh nội thất luôn luôn đòi hỏi kỹ thuật và phong cách. Nhiếp ảnh gia nội thất Lauryn Ishak sẽ chỉ cho bạn cách chụp ảnh trong không gian khép kín như một tay ảnh chuyên nghiệp.

Có nhiều cách chụp ảnh nội thất khác nhau. Một trong số đó là chụp ảnh kiến trúc – để thể hiện thiết kế và bố cục của căn nhà. Một cách khác nữa tập trung hơn vào cảm xúc và bầu không khí trong nhà gọi là chụp ảnh nội thất lối sống. Phong cách mà bạn sẽ chọn cho một khung cảnh phụ thuộc vào đối tượng chụp ảnh địa điểm cũng như mục đích sử dụng của bức ảnh. Hầu hết các tạp chí kiến trúc và công ty địa ốc thích chụp ảnh nội thất căn nhà “trống” để độc giả hoặc người xem có thể tự mình hình dung ra không gian sống ở đó. Các khách sạn, nhà hàng và thẫm mỹ viện cũng chọn phong cách này. Cách chụp ảnh nội thất thứ hai hướng về lối sống, trong đó con người hoặc các yếu tố khác giúp nêu bật không gian sống hoặc địa ốc. Đó là lúc nhấn mạnh tính hữu dụng của không gian.

Chụp ảnh nội thất đòi hỏi bạn phải am hiểu về những khác biệt của chụp ảnh trong nhà khi không gian bị giới hạn. Ngoài kỹ thuật, phong cách và cách bày trí cũng là những nhân tố then chốt giúp bạn có được những bức ảnh đẹp. Sau đây là một số điều quan trọng cần khác cốt ghi tâm khi bạn chuẩn bị chụp ảnh nội thất.

Chân máy là trợ lý đắc lực

Trừ khi bạn đang ở một nơi rất chật chội, hoặc nơi không được phép hoặc không thể lắp đặt chân máy, bạn luôn luôn nên chụp ảnh với chân máy.

Điều cốt yếu là những bức ảnh của bạn phải sắc nét từ hậu cảnh đến tiền cảnh, trừ khi bạn có ý định khác. Vì ảnh chụp nội thất là những hình ảnh tĩnh của cuộc sống nên sẽ không có sự di chuyển. Vì vậy, thời gian phơi sáng dài sẽ cho hiệu quả tốt. Việc sử dụng một chân máy vững chắc sẽ cho phép bạn phơi sáng lâu hơn để lấy đủ ánh sáng cho bức ảnh.

Nhớ là phải canh máy ảnh thật thẳng trên chân máy, nếu không bức ảnh của bạn có thể sẽ trông rất nghiệp dư vì bị lệch. Hãy kiểm tra xem các vật thể thẳng đứng như khung cửa sổ đã thẳng chưa – chúng phải song song với biên trái và biên phải của kính ngắm.

Dành thời gian để chọn góc máy tốt nhất

Chọn một góc trông có vẻ cuốn hút trong căn phòng và sắp đặt lại đồ đạc ở đó. Hãy tập trung vào những đặc tính mạnh mẽ nhất. Hãy tìm kiếm những đặc điểm độc đáo của toà nhà và tìm cách thể hiện chúng. Nếu đó là một căn phòng cực kỳ hiện đại, hãy chụp các chi tiết kiến trúc. Nếu đó là một căn hộ theo phong cách thời thực dân Anh, hãy hướng ống kính của bạn vào các hoạ tiết trang trí, chi tiết gỗ và những điểm nhấn trang trí độc đáo.

Lùi sát vào góc phòng hoặc cửa ra vào để ghi lại không gian tối đa có thể bên trong căn phòng. Hầu như bạn sẽ không bao giờ có được góc quan sát đẹp nhất từ giữa căn phòng.

Cân bằng ánh sáng

Ảnh chụp nội thất phải sáng, độ phơi sáng phải hoàn hảo và màu sắc phải sống động rực rỡ. Hãy điều chỉnh cân bằng ánh sáng, sao cho trong bức ảnh của bạn không có những góc quá tối và những ô cửa sổ quá sáng. Có nhiều cách để thực hiện nên hãy thử vài cách để có được sự cân bằng tốt nhất. Nếu có quá nhiều ánh sáng mặt trời, hãy buông rèm hoặc dán giấy da lên các cửa sổ để giảm bớt lượng ánh sáng chiếu vào phòng. Bật hết các đèn trong phòng để cân đối với ánh sáng mặt trời từ bên ngoài chiếu vào. Hãy mở rộng các cửa ra vào và cửa sổ. Những ngày u ám hoặc nhiều mây có thể là thời điểm tốt để chụp ảnh nội thất vì ánh sáng bên ngoài không đối chọi với ánh sáng bên trong, cho các cửa sổ độ sáng vừa đủ chứ không quá sáng. Một số cảnh nội thất trông đẹp hơn dưới ánh sáng hỗn hợp nên có thể bạn muốn thử chụp ảnh vào lúc trời gần tối, khi ánh sáng tự nhiên và nhân tạo cân bằng với nhau.

Chú ý đến các đường thẳng

Một bức ảnh chụp nội thất với các đường thẳng bị bóp méo có thể khiến các bức tường trông như đang đổ vào nhau. Hãy chắc rằng các đường thẳng đều thật thẳng – theo chiếu ngang cũng như chiều dọc. Hiện tượng méo tròn thường xảy ra với các ống kính phóng đại nên hãy sử dụng loại ống kính chuyên dụng để chụp ảnh kiến trúc của Canon, dòng ống kính TS-E giúp giữ đúng phối cảnh. Nếu không có loại ống kính này, bạn cũng có thể sử dụng các ống kính cơ bản (không phóng đại) để giảm thiểu sự bẻ cong đường nét.

Chụp các góc phòng

Một mẹo rất hay trong nghệ thuật nhiếp ảnh nội thất là chụp ảnh các góc phòng vì điều này khiến không gian trông rộng hơn. Chụp ảnh góc phòng với ống kính rộng đặt ở góc rất thấp sẽ khiến không gian có vẻ được mở rộng ra rất nhiều so với thực tế.

Con người Tăng thêm Sức sống cho Bức ảnh

Tuỳ mục đích chụp ảnh, bạn có thể thêm vài người hoặc vài cô người mẫu vào bức ảnh để tăng sức sống và yếu tố con người thân thuộc khiến cho bức ảnh trông gần gũi hơn. Điều này có thể không phù hợp với một tạp chí kiến trúc hoặc công ty địa ốc đang muốn rao bán một căn hộ. Nhưng với phong cách chụp ảnh lối sống cho một khách sạn, thẩm mỹ viện hoặc một tạp chí du lịch, nó có thể tạo ra những bức ảnh tuyệt vời.

Phong cách là tất cả

Dù đang chụp một bức ảnh quảng cáo chính thức hay vì mục đích nào khác bạn cũng phải xem mọi bức ảnh nội thất đều như nhau và đều đòi hỏi một kế hoạch chuyên nghiệp. Cũng giống như các mẫu quảng cáo trên báo, tạo phong cách cho bức ảnh chẳng qua là loại bỏ chi tiết rắm rối để bức ảnh trở nên đẹp hơn. Hãy quan sát kỹ mọi đồ vật trong phòng và dọn hết những thứ có thể khiến người xem phân tâm. Hãy chú ý đến những chiếc chân ghế lạc lõng lọt vào khung cảnh, cái lưng đồ sộ của một chiếc ghế che khuất khung ảnh hoặc quá nhiều vào một tạp chí loè loẹt và lộn xộn trên bàn cà phê.

Đừng ngại đổi chỗ mọi thứ và thậm chí đưa hẳn chúng ra ngoài khung ảnh. Chúng ta quan sát ba chiều nhưng bức ảnh thì chỉ có hai chiều nên những đồ vật trông đẹp mắt trong phòng không phải lúc nào cũng đẹp khi được in ra giấy. Hãy chụp thử thật nhiều để xem thứ gì cần phải bỏ bớt, thêm vào, di chuyển, đặt cao hơn hoặc thấp hơn, v.v… Giũ thẳng màn cửa, quét sạch bụi bám dưới chân đèn, hay dọn dẹp nhà cửa đều là những công việc quan trọng để sở hữu những bức ảnh nội thất đẹp.

Tránh dùng đèn flash

Đèn flash sẽ tạo ra vẻ mất cân đối cho bức ảnh của bạn. Ánh sáng tự nhiên thường tốt hơn và dịu hơn. Nếu thực sự không đủ ánh sáng, bạn sẽ cần xem xét kỹ nơi đặt nguồn sáng bổ sung. Đèn flash thực sự là lựa chọn cuối cùng. Hãy thử gắn máy ảnh lên chân máy và sử dụng thời gian phơi sáng dài. Trong trường hợp đó, nhớ sử dụng chức năng hẹn giờ tự động để tránh làm rung máy ảnh khi bạn nhấn nút chụp.

Tìm kiếm sự đa dạng

Đừng lúc nào cũng chụp ảnh nội thất nằm ngang, hãy thử chụp dọc. Hãy thử tạm ngừng chụp góc rộng để nhấn mạnh một chi tiết nào đó. Ảnh chụp cực cận có thể thêm sự đa dạng cho các bức ảnh thường được chụp ở góc rộng.

Sử dụng khẩu độ nhỏ

Trừ khi bạn đang chụp cực cận chi tiết, hãy sử dụng khẩu độ nhỏ như f16 hoặc f22 để bảo đảm chiều sâu trường ảnh tốt cho các bức ảnh đồng thời để lấy nét toàn bộ khung cảnh.


7 lời khuyên cho chụp ảnh nội thất

1. Việc đầu tiên bạn cần phải có một ống kính tốt. Chất lượng quang học phải tuyệt vời và nếu có thể thì nên dùng tiêu cự cố định thay cho zoom. Ống kính tốt sẽ giúp bạn tránh được các lỗi biến dạng hình ảnh. Bạn có thể tháo kính UV để tránh tuyệt đối lỗi bị loé sáng trên kính UV. Bạn phải đảm bảo ống kính của mình thật sạch và nên dùng loa che nắng.

2. Thiết bị đi kèm máy ảnh số một là chân máy. Một chân máy ảnh PRO sẽ giúp bạn rất nhiều từ việc tháo lắp thân máy ảnh, ống kính nhanh gọn. Bạn cũng không nên quên giây bấm mềm hay điều khiển từ xa nhé.

3. Với một số tạp chí nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trang trí nội thất, thì bạn nên sửa soạn cả một sê-ri ảnh chụp bằng phim dương bản 100 ISO đơn giản bởi vì đó là...truyền thống.

4. Để có thể thích nghi với độ tương phản của phim dương bản thì độ chênh sáng trong khuôn hình tối đa là 2 khẩu độ sáng. Để giải quyết vấn đề này thì bạn có thể dùng thêm tấm phản xạ màu trắng bạc hay một tấm vải màu mỡ gà để chắn trước các cửa sổ tạo nguồn sáng nhưng không năm trong khuôn hình. Nếu như bạn có một bộ đèn flash tốt thì đó cũng là một giải pháp khá tiện lợi. Nên nhớ rằng chụp bằng phim kỹ thuật số thì độ bù sáng là 0.

5. Ánh sáng đẹp nhất, lý tưởng nhất cho chụp ảnh nội thất lại chính là ánh sáng tự nhiên: ánh sáng ban ngày. Nhưng trong tất cả mọi trường hợp nhất thiết phải tránh hiệu quả ảnh sáng từ một phía. Bạn có thể sử dụng đèn flash qua phản xạ trần nhà hay một tấm phản xạ chứ không bao giờ dùng flash trực tiếp nhé.

6. Một vấn đề mà bạn hay gặp phải trong nội thất đó là trong một khuôn hình có quá nhiều nguồn sáng khác nhau với chất lượng ánh sáng khác nhau. Điển hình là trong bếp hay nhà tắm. Bạn có thể cố một cửa sổ với ánh sáng ban ngày 5 500K, đèn ha- lô-gien 3 200K, đèn nê-ông với ánh sáng mầu không xác định hay một chiếc đeng chùm 2 700K. Giải pháp đầu tiên là tắt đèn nê-ông, còn nếu bạn có tấm vải lọc mầu hồng thì có thể che nguồn sáng này lại.

7. Để có thể chụp tốt ảnh nội thất thì bạn nên chụp trong tối thiểu 2 ngày để có thể biết rõ về ánh sáng ở nơi mình chụp ảnh. Chính sự thay đổi của ánh sáng này sẽ mách cho bạn biết nên bắt đầu chụp ảnh từ phòng khách hay nhà bếp?






Kinh nghiệm chụp ảnh bằng điện thoại
Kinh nghiệm chụp ảnh cho bé
Kinh nghiệm chụp ảnh khi đi du lịch
Kinh nghiệm chụp ảnh pháo hoa để lưu lại khoảnh
Kinh nghiệm chụp ảnh áo dài cho cuốn album cưới
Kinh nghiệm chụp ảnh hoàng hôn
Kinh nghiệm chụp ảnh kiến trúc lưu giữ những hình





(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý