Đừng chọn nghề theo cách của tôi

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Đừng chọn nghề theo cách của tôi

19/04/2015 09:38 AM
318

Đừng chọn nghề theo cách của tôi. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” là yếu tố thiết yếu để lựa chọn được một nghề phù hợp. Cần tìm hiểu xem xã hội cần gì, cơ hội và triển vọng nghề nghiệp tương lai ra sao để gắn kết khả năng của bản thân với nhu cầu đó.






Đừng chọn nghề theo cách của tôi!

Sau bảy năm đi làm, không ngừng phấn đấu và học tập trong môi trường chuyên nghiệp của các công ty đa quốc gia, cách đây hai năm trở thành một trưởng phòng trẻ nhất trong công ty, rồi lại căng sức ra đối phó với những áp lực mới lớn hơn, “lạ” hơn, những khủng hoảng... lại vượt qua... tôi tiếp tục đặt ra cho mình những mục tiêu mới.

Tuy nhiên, những biến cố gần đây khiến tôi chiêm nghiệm lại cuộc đời và tương lai, chợt cảm thấy hụt hẫng, trống rỗng, thiếu thốn và hết sức hoang mang khi nhận ra mình hoàn toàn không có đam mê với nghề thời thượng mà mình đang làm này.

“Bạn có thật sự đam mê công việc hiện tại? Có can đảm hi sinh những cơ hội khác tốt hơn đến với bạn không?” - tôi đã từng tự hỏi mình như vậy. Bản thân tôi đã chọn một trường thời thượng khi vào ĐH, một nghề thời thượng khi bắt đầu đi làm mà không hề nghiêm túc đặt câu hỏi trên đối với chính mình. Nhiều bạn bè tôi cũng vậy. Thiển nghĩ đó là lý do vì sao chỉ có rất ít người thành đạt trong cuộc sống, bởi vì chỉ có những người vào đời với niềm đam mê của mình mới có khả năng thành đạt cao và trụ được bền lâu với thành quả của họ.

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này tôi thấy tuổi thơ đóng vai trò rất quan trọng, những gì ta yêu thích làm khi còn nhỏ có thể là điềm chỉ tương lai. Trẻ con (từ bé đến tuổi thiếu niên) không ngại bộc lộ đam mê của chúng và quan trọng là chúng chưa biết sợ thất bại (như người lớn).

Do đó các bậc cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện đam mê của trẻ và tạo điều kiện phát triển chúng. Vậy mà đa số cha mẹ lại ngăn cản, cấm đoán, thậm chí chế giễu hoặc muốn trẻ theo một nghề họ thích.

Einstein bắt đầu nhận ra sự kỳ thú của thế giới vật lý khi được bố tặng một cái la bàn. Henry Ford bắt đầu đam mê cơ học và máy móc khi được bố tặng một cái đồng hồ (đến nỗi cậu bé trở thành thợ sửa đồng hồ nổi tiếng trong làng)... Những người khác may mắn hơn được cha mẹ cho theo đến sở làm từ nhỏ để quan sát xem bé có thích công việc của bố mẹ đang làm không, rồi từ từ định hướng con.

Do đó ngay từ bây giờ, các bậc cha mẹ hãy cố gắng hạn chế nói “không” với những đòi hỏi chính đáng của con cái. Mỗi buổi tối hãy tự hỏi ngày hôm nay đã mấy lần mình nói “không” một cách bất hợp lý với con.

Còn đối với các bạn trẻ đang phân vân trong việc định hướng nghề nghiệp, hãy thử nhớ lại thời thơ ấu, thiếu niên những việc gì mình đã yêu thích làm và đã làm rất tốt, cho dù nghe có vẻ trẻ con đến đâu (lưu ý phải đạt cả hai điều kiện nhé, nếu thích mà làm không tốt thì có thể bạn không có khả năng). Hãy cố nhớ lại mỗi việc trong từng giai đoạn, ví dụ khi còn tuổi mẫu giáo, học cấp I, cấp II, cấp III, đại học...

Nếu không nhớ rõ có thể hỏi người lớn. Rồi bạn sẽ nhận ra đó chính là “tiếng lòng” của bạn. Hãy sống với niềm đam mê đó. Ngoài ra, khi đã biết mình thích gì, hãy hỏi thêm ý kiến của những người thành đạt mà bạn mến mộ. Đừng quá bận tâm đến những nghề thời thượng, những ngăn trở bên ngoài... Hãy tự ra quyết định và chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

Tôi nhớ có một câu nói: “Thành quả của thành đạt không phải là tiền bạc danh vọng bạn kiếm được, mà là chính con người bạn trở thành”. Hãy nghiêm túc với định hướng của mình và đừng quyết định chọn nghề theo cách tôi đã làm.

Chọn ngành nghề, đừng chạy theo số đông



Chọn ngành phù hợp

* Xin được hỏi ông Trần Anh Tuấn, xin cho biết xu hướng nghề nghiệp trong tương lai?

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Bất cứ thanh niên nào cũng mơ ước có nghề nghiệp, thành công, nuôi thân và lo gia đình. Xu hướng nhân lực TP.HCM và các tỉnh phía Nam, xu hướng chung dù kinh tế có khó khăn, một số ngành nghề có vẻ đang bão hòa nhưng nói chung ngành nào cũng có nhu cầu nhân lực. TPHCM từ nay đến 2015 bình quân thu hút 300 ngàn lao động năm, các tỉnh từ 30-50 ngàn/năm. TP.HCM bao giờ cũng nhu cầu công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

Tuy nhiên các em nên chú ý một điều trong khi lựa chọn ngành nghề là chúng ta không chạy theo số đông. Nếu vì có bằng ĐH mà chọn ngành không phù hợp sẽ khó khăn trong tương lai. Trong tương lai các nhóm ngành đều đồng loạt phát triển. Người nào chọn đúng nghề, học tốt, có phấn đấu nâng cao năng lực sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn.

- TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội KH Tâm lý Giáo dục TP.HCM: Các bạn đang quan tâm đến việc chọn nghề như thế nào để phát triển bản thân.  Chọn nghề hay chọn trường cũng phải hết sức bình tĩnh. Chọn một nghề là chọn cho mình chứ không phải chọn cho ba mình, hay cho ai khác. Có một em SV đang học ĐH lại đi dự tư vấn tuyển sinh: em nay nói: năm ngoái em thi cho ba mẹ, năm nay em thi cho em. Để theo được nghề mình yêu thích, bạn này đã lãng phí mất một năm…

Chọn nghề việc rất quan trọng. Chúng ta hết sức bình tĩnh xem mình thích nghề gì, có khả năng làm nghề gì, công việc gì… Ví dụ bạn muốn the nghề kinh tế hoặc làm thầy cô giáo, phi công… phải xem những người đang làm nghề này họ đan làm gì, sống ngư thế nào… Từ đó chúng ta hình dung chúng ta có phù hợp theo nghề đó không Đặc biệt chúng ta phải lượng sức mình để chọn trường phù hợp, vừa sức học của mình.

* Cô Lê Thị Thanh Mai có tham gia nhóm làm phần mềm chọn ngành, chọn nghề. Xin cô chia sẽ một số thông tin về việc chọn nghề này?

- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM: Chọn một nghề, nên xem nghề đó có phù hợp với tố chất của mình hay không? Chọn một nghề phải hiểu nghề đó làm gì. Ý thích ai cũng có nhưng mình có hợp với nghề đó không. Các em có thể tự làm trắc nghiệm để biết mình hợp nghề nào? Để làm nghề này phải học ngành nào, trường nào đào tạo, mức điểm bao nhiêu… Như vậy, cơ hội tìm được nghề, trường phù hợp rất cao. Cô có mấy lời khuyên: thứ nhất, các em chuẩn bị tốt kiến thức các môn trong khối thi của mình. Ngoài việc vào ĐH còn có đường nào khác để vào tương lai?

- TS Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Thủ Đức:  Tôi muốn nêu mấy suy nghĩ sau: Một, xem thử năng lực về các môn văn hóa liên quan đến khối thi của chúng ta như thế nào. Nếu sức học ở trường phổ thông không khá lắm, có thể loại ngay mơ tưởng các trường ĐH, nếu học lực khá giỏi chúng ta hướng đến các trường CĐ, ĐH. Khi đã chọn cơ sở đào tạo nào, chúng ta có thể đến đó để tìm hiểu thông tin hoặc tìm hiểu qua mạng để hiểu hơn về ngành, trường mình sẽ học. Khả năng đến đâu, trường nào có ngành mình muốn cứ mạnh dạn hướng đến cơ sở đó.

Đừng nên quá nặng nề chuyện phải học ĐH, CĐ. Với chương trình hiện nay, một người học nghiêm túc chương trình trung cấp hoàn toàn đủ khả năng có việc làm tốt. Ngược lại, chúng tôi đã gặp những người đã tốt nghiệp ĐH nhưng chỉ làm những việc phổ thông. Quan trọng là chúng ta tìm được nghề phù hợp nhất chứ không phải bằng cấp gì?

* Em thích ngành kinh tế nhưng đang băn khoăn giữa hai con đường hoặc vào ĐH Kinh tế học quản trị kinh doanh hoặc em học ĐH bách khoa để có kiến thức chuyên ngành về một lĩnh vực nào đó, sau đó bổ sung kiến thức quản lý kinh tế sau… Em chưa biết chọn hướng đi nào?

- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM: Câu hỏi của em rất hay. Với bản tính năng động em có thể học cả hai lĩnh vực. Lĩnh vực kỹ thuật đòi hỏi em yêu thích vấn đề liên quan đến máy móc, tiếng ồn… Em có thuộc tuýp người này không. Trường ĐH Bách khoa có nhiều ngành, vậy em thích ngành nào? Có một ngành liên quan cả kỹ thuật và quản lý. Đó là ngành Quản lý công nghiệp. Em có thể tìm hiểu thêm về ngành này. Em không nên quan niệm học trường này sẽ dễ có việc làm hơn trường kia… Thực tế, xu thế tuyển dụng hiện nay khác trước. Nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm đến bằng cấp, họ tuyển kỹ năng, kiến thức xã hội.

- TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội KH Tâm lý Giáo dục TP.HCM: QTKD là một ngành học trong nhóm ngành kinh tế. Không phải học ngành này ra làm lãnh đạo ngay, làm quản lý là một việc phải học rất lâu tích lũy kinh nghiệm  kiến thức lâu dài. Trong khi đó, học kỹ thuật sau này hoàn toàn có thể làm quản lý, làm kinh doanh nếu em có khả năng và điều kiện. Điều cuối cùng chúng ta xem mình thích gì, có điều kiện đáp ứng công việc mình thích hay không…

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện từ gia đình tôi. Một người học ĐH Bách khoa ngành hóa hiện nay làm giám đốc nhân sự bốn công ty; một người học ngành xây dựng trung cấp nay kinh doanh vật liệu xây dựng; một người cũng học xây dựng sau học thêm thiết kế giờ làm công việc thiết kế. Trong ba người này, người “thành công” nhất là người từng học trung cấp. Có nhiều người làm trái ngành trái nghề nhưng phát huy được đúng khả năng mình trong công việc. Chỉ có con người giỏi nghề là thành đạt. Người có bằng cấp mà thiếu kỹ năng khó thành đạt lắm.

- TS Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Thủ Đức: Tôi xin bổ sung một ý kiến. Trường chúng tôi có thực hiện học kỳ doanh nghiệp, đưa HS ra “học” ở 8 doanh nghiệp. Trong tám ông giám đốc các doanh nghiệp này chỉ có một người có bằng ĐH ngành kinh tế nhưng anh này hiện đang làm giám đốc một doanh nghiệp cơ khí. Bảy người còn lại xuất thân từ trung cấp, CĐ. Các em cứ mạnh dạn: mình có thể vào trường nào cứ mạnh dạn học. Trong xu thế hiện nay, việc chuyển đổi ngành nghề là xu hướng phổ biến. Trong sự thích nghi đó, ai có năng lực nhất, phù hợp với công việc sẽ thành công. Công việc trong cuộc sống rất rộng, đang chờ các bạn.

Em muốn làm giáo viên tiểu học thì cần phải có những tiêu chuẩn gì?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): Các ngành sư phạm đòi hỏi về ngoại hình, giọng nói, không tuyển thí sinh nói ngọng nói lắp, bị dị tật. Dạy tiểu học thì các em tiếp xúc nhiều với trẻ con. Nếu không yêu trẻ thì sẽ khó. Ở lứa tuổi này, hình ảnh đầu tiên về thầy cô sẽ in đậm trong tâm trí các em. Do đó nêu muốn làm giáo viên tiểu học, các bạn phải thực sự yêu trẻ và yêu nghề.

* Các ngành sư phạm đang thừa nhân lực. Em nghe nói các trường sư phạm sẽ giảm chỉ tiêu, tăng học phí phải không ạ?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): Thực tế ngành sư phạm thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu. Vấn đề quan trọng là em có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng sư phạm hay không chứ không phải học ra là có việc.

Bất kỳ ngành nào cũng có nhu cầu nhân lực. nếu các bạn giỏi thì cơ hội việc làm của bạn sẽ tốt hơn và ngược lại. Nếu em thích mà muốn đi dạy thì em nên chọn ngành sư phạm và lên kế hoạch đầu tư học tập để có kết quả tốt nhất. Một khi mình có kết quả học tập, kỹ năng sư phạm tốt và yêu nghề thì cơ hội việc làm của em sẽ tốt.

* Em có năng lực cả hai ngành, một là ngành báo chí, hai là quản trị kinh doanh… Em không biết học ngành nào trước, ngành nào sau. Em cũng nghe nói học ngành hợp xu hướng tuyển dụng dễ có việc làm hơn học nghề mình thích, vậy nên chọn ngành nào. Em hay bị stress, đau đầu khi học bài, phải làm sao?

- TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội KH Tâm lý Giáo dục TP.HCM: Thầy hỏi em vậy em thích ngành nào giữa hai ngành báo chí và QTKD? Học ngành mình thích dễ rèn tay nghề hơn. Đặc điểm tâm lý, sở trường của em gần gũi ngành nào hơn?

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Nhức đầu khi học bài là bệnh nhiều em gặp phải. Não của mình làm việc nhiều quá, sẽ mệt. Nếu các em cố gắng ngồi học, não sẽ “không theo mình”. Nên có thư giãn, vận động nhẹ giữa giờ học để giảm stress cho não.

* Muốn làm về lĩnh vực tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng, em nên theo học ngành nào?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): Hiện Trường ĐH Văn Lang có đào tạo ngành Quan hệ công chúng. Ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) có đào tạo ngành Báo chí truyền thông, ngoài ra sinh viên ngành Quan hệ quốc tế cũng làm về truyền thông rất nhiều.

Tùy vào lựa chọn của bạn mà các bạn chọn ngành học phù hợp. Ngành Quan hệ quốc tế các bạn sẽ có lợi thế nhiều về tiếng Anh, kỹ năng đàm phán trong khi ngành Báo chí có thê mạnh về các kỹ năng báo chí cũng như tổ chức sự kiện.

 * Em không tự tin vào khả năng giảng bài cho người khác. Bạn bè của em cũng nói em giảng bài khó hiểu. Vậy em có nên theo học ngành sư phạm hay không?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): Theo học bất kỳ ngành nào cũng đòi họi các bạn phải có lòng yêu nghề, nhất là ngành sư phạm, đòi hỏi thêm các bạn phải có kỹ năng giảng bài trước đám đông. Tôi nghĩ trong 4 năm các bạn sẽ học được.

Trong quá trình học ngoài kiến thức các bạn còn học về các kỹ năng sư phạm, kỹ năng giảng bài. Tôi nghĩ là các em sẽ học được từ việc tham gia đội nhóm, các câu lạc bộ... để từ đó trưởng thành hơn, rèn luyện được kỹ năng. Đừng mất tự tin như vậy, hãy mạnh dạn lên để có thể làm được điều mà mình mong muốn, thực hiện niềm đam mê của mình.

Trường nào vừa sức?

* Học lực khá thì có thể thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM hay không? Chỉ tiêu hợp đồng với địa phương của Trường ĐH Y dược TP.HCM là như thế nào? Em ở Bạc Liêu thì liên hệ với ai để theo học chương trình này.

ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng, phó trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng và kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM: Trường ĐH Y dược TP.HCM đào tạo bậc ĐH, CĐ và trung cấp. Tùy vào sức học của học sinh mà chúng ta chọn bậc học phù hợp. Ở bậc ĐH, điểm chuẩn các ngành cũng khác nhau từ cao đến thấp. Nếu tỉnh Bạc Liêu có nhu cầu bác sĩ y đa khoa thì tỉnh sẽ có công văn để hợp đồng đào tạo với trường. Em cần liên hệ với Sở Y tế để biết năm nay tỉnh có nhu cầu đào tạo theo diện này hay không. Điểm chuẩn của hệ này trhường thấp hơn điểm chuẩn vào trường khoảng nửa điểm.

* Em muốn vào học các trường quân đội nhưng gia đình em theo đạo Thiên chúa. Cho em hỏi theo đạo Thiên chúa có được xét tuyển vào các trường quân đội hay không?

- Thượng tá Bùi Xuân Bá, cán bộ phòng tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu 7: Yêu cầu tiêu chuẩn chính trị, nhà bạn có theo đạo Thiên chúa nhưng không có các vi phạm pháp luật thì vẫn được xét tuyển vào các trường quân đội.

Gia đình phải có lý lịch rõ ràng (cơ quan quân sự quận, huyện sẽ xác minh lý lịch của các bạn, nếu không đạt sẽ bị loại), sức khỏe tốt (qui định rõ về chiều cao, cân nặng, các yếu tố hình thể...).

* Trường ĐH Luật TP.HCM có rất nhiều ngành luật vậy khi trúng tuyển thì phân ngành thế nào? Trường ĐH Y dược TP.HCM có xét tuyển hệ ngoài ngân sách hay không, mức học phí như thế nào, điểm chuẩn ra sao?

ThS Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Trường ĐH Luật TP.HCM có 5 khoa. Hiện cả nước có 22 cơ sở đào tạo ngành luật. Khi đăng ký, thí sinh chỉ đăng ký vao 2 ngành duy nhất là ngành luật. Trong ngành luật có các chuyên ngành chuyên sâu như luật hành chính, luật dân sự, luật hình sự, luật quốc tế, luật hành chánh... Khi trúng tuyển, trường cho sinh viên đăng ký chuyên ngành. Tuy nhiên khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân luật.

- ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng, Trường ĐH Y dược TP.HCM: Hiện trường đào tạo theo nhu cầu của địa phương. Học sinh nên liên hệ với sở y tế địa phương mình để biết xem năm nay tỉnh có chỉ tiêu này hay không.

Điểm cao, cơ hội có cao?

* Ước mơ của em muốn trở thành một CEO? Muốn làm lãnh đạo học ngành gì?

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Không hiểu sao gần đây thanh niên mình thích làm lãnh đạo quá! (cười). Nhưng cũng tốt thôi. Có điều các em nên hiểu: muốn làm lãnh đạo ra trường phải trải qua nhiều công việc từ thấp đến cao, quá đó mới thử thách coi mình có hợp để làm lãnh đạo không. Làm lãnh đạo cần có năng lực quản lý, có khả năng làm cho người khác phải nghe mình…

- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM: Thực tế khi tuyển dụng các vị trí quản lý, nhà doanh nghiệp luôn yêu cầu phải có bắng cấp, kinh nghiệm thực tế. Còn ở các đơn vị nhà nước, khi chúng tax xin việc làm bắt đầu từ những ngạch bậc thấp. Muốn làm lãnh đạo phải có thời gian nhiều năm sau đó khi các em thể hiện mình trong công việc. Ngoài ra muốn làm lãnh đạo, các em phải có sức khỏe, có “vóc dáng” có thể làm lãnh đạo. Để đạt được ước mơ “xa” là làm lãnh đạo, các em nên tập trung vào các mục tiêu trước mắt là học tốt và có sức khỏe tốt.

* Liệu có phải điểm đầu vào càng cao thì cơ hội việc làm? Hiện nay học CĐ, trung cấp dễ xin việc hơn ĐH, có nghịch lý không?

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Điểm đầu vào cao tức là những em rất giỏi mới vào được những trường này. Những người giỏi cơ hội việc làm sẽ cao hơn. Nhưng thực tế có nhiều em giỏi đầu vào nhưng sau đó không nỗ lực, thành ra dở. Ngược lại lúc rời trường phổ thông không giói xuất sắc nhưng nỗ lực trong ba năm CĐ hoặc bốn năm ĐH, ra trường giỏi vẫn có cơ hội tốt. Trong xã hội chúng ta đang thiếu lực lượng kỹ thuật nhưng cũng thiếu người giỏi có bằng ĐH. Không có bất hợp lý gi ở đây. Vấn đề là chúng ta có giỏi ngành mình đã học hay không.

* Ngành sư phạm hiện đang giảm chi tiêu, nếu theo ngành này sau này có xin việc được không? 

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Ngành sư phạm hiện nay chưa giảm chỉ tiêu, chỉ là đang điều chỉnh chỉ tiêu chi phù hợp. Ví dụ: có nơi đang thiếu GV tiểu học và mầm non nên tăng chỉ tiêu trung cấp, giảm chỉ tiêu CĐ và ĐH sư phạm. Ngành sư phạm luôn cần người. Vấn đề là em nên tìm hiểu địa phương mình đang thiếu giáo viên bậc nào để chọn bậc học phù hợp.

* Cơ hội việc làm ngành Tâm lý học có nhiều không?

- TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM: Ngành tâm lý học hiện đang mở ra nhiều cơ hội mới. Ở TPHCM có 3 trường đào tạo: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐHKHXHNV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Văn Hiến… Tốt nghiệp ngành này, có thể giảng dạy Tâm lý học tại các trường ĐH,CĐ, trung cấp; làm GV tư vấn tâm lý học đường tại các trường phổ thông; chúng ta cũng có thể làm chuyên gia tư vấn tình yêu, hôn nhân gia đình; làm công tác nhân sự trong các đơn vị hoặc làm nghiên cứu lĩnh vực này.

* Em có anh và chị làm ngành luật, em có rất nhiều sách và tài liệu ngành này. Bản thân em không ghét cũng không thích lắm ngành này. Có khi nào em theo học sau này em sẽ thích ngành đó không?

- TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM: Gia đình em có người theo ngành nghề này, đó là một lợi thế nếu em theo nghề. Nếu em không có ngành nào khác yêu thích hơn, nên thử nghĩ mình có thể thích nghi với công việc anh chị mình làm hay không. Nếu cảm thấy thích nghi được, em có thể chọn nghề này.

Đừng bao giờ đánh mất bản thân

Tháng 4 về, nắng đã vàng ươm trên những nhánh phượng hồng bắt đầu hé nụ. Tháng 4 về, cũng là lúc các cô cậu học trò bắt đầu tất bật chuẩn bị cho những kỳ thi.

Tuổi 17 qua đi khiến cho tháng 4 năm ấy của tôi cũng thật khác, tháng 4 của “hành trình đến tương lai”…

4/2012 – THPT Krông Nô…

Nơi tôi sinh ra, mảnh đất vốn được mệnh danh là thủ phủ café của cả nước, nơi những dấu chân vẫn âm thầm nhuốm màu đất đỏ Bazan. Năm cuối, lũ chúng tôi lao đầu như những con thiêu thân vào sách vở. Học và học - đó là bài ca luẩn quẩn mà chúng tôi vẫn thường hay tự nhẩm trong đầu. Áp lực từ nhiều phía khiến đêm nào tôi cũng trở về nhà với vẻ ủ rủ, tôi chỉ muốn được lăn ngay vào giường và đánh một giấc thật hả hê. Rồi những trăn trở về nghề nghiệp cũng lớn dần lên. Làm gì? Làm ở đâu? Hàng loạt câu hỏi cứ thế hiện ra trong đầu và liên tục đòi một câu trả lời thích đáng.

f

Tôi đã rất muốn trở thành một nhà báo. Nhưng bố mẹ luôn muốn tôi sẽ là một chiến sĩ công an nhân dân. Việc phải lựa chọn giữa điều mình thích và điều bố mẹ thích quả không mấy dễ dàng. Dù rằng, bài toán này vốn dĩ đã có lời giải đáp từ lâu. Nào là “bố mẹ chỉ có thể nuôi chúng ta ăn học chứ không quyết định tương lai chúng ta”, rồi nào là “hãy quyết tâm theo đuổi ước mơ đến cùng”,… nhưng bạn đã bao giờ thực sự nghĩ rằng như thế là quá bất công cho những đấng sinh thành. Bố mẹ chỉ luôn mong muốn con cái sẽ có một cuộc sống ổn định, chứ không phải là một đứa suốt ngày vác chiếc máy ảnh chạy lông bông khắp các tỉnh thành để lăn lội cùng với sóng gió, bụi đời.

Tôi đã đắn đo. Rất nhiều….

Tôi chọn thi vào trường ĐH An ninh nhân dân theo đúng mong muốn của bố mẹ. Nghề chọn người chứ người không chọn nghề - tôi vẫn luôn nghĩ như thế để tự thõa mãn với bản thân mình. Nhìn nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt bố mẹ, tôi biết mình đã chọn đúng. Có nhiều người sẽ nghĩ rằng tôi đã thất bại, thất bại ngay từ lúc không dám theo đuổi mơ ước của mình. Nhưng không, một đứa trưởng thành sẽ ý thức được đâu là mong muốn nhất thời và đâu và bến đỗ an toàn nhất.

Kết quả không được như mong muốn. Ngày tôi rớt, bố đã khóc. Cái cảm giác nghe mẹ than thở nhẹ nhàng hơn gấp trăm nghìn lần. Lẽ ra bố nên dấu diếm kỹ hơn, để hai mắt tôi đỡ cay và miệng tôi đỡ đắng. ....Tôi bước chân vào giảng đường theo một cách khác. Cách mà thiên hạ vẫn vin vào đó để "cười đời" bố mẹ. Đáng ra sau mười tám năm nuôi tôi khôn lớn , tôi nên làm cho bố mẹ tự hào. Những chuyến đi, những mối quan hệ mới giúp tôi học hỏi thêm nhiều điều trong cuộc sống và khiến tôi trưởng thành hơn..

4/2013- Tôi đã tôi thế đấy!

Tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi 4 ngày đến Phippines, điều mà có lẽ ít người ở độ tuổi như tôi có thể tự làm được. Xa nhà, tôi cần phải can đảm và tự tin hơn, tôi cần phải biến thất bại trước mắt thành tương lai, để những ai đã từng cười một cách kiêu ngạo sẽ phải hổ thẹn vì những gì mà tôi làm được..

Tôi theo học tại một trường hệ dân lập. Sài Gòn, mảnh đất phồn hoa có quá nhiều sự lựa chọn cho tôi. Tôi biết mình cần phải làm gì đó, để đến đáp bố mẹ, để bố mẹ tự hào. Nhiều người nghĩ, rớt đại học coi như chấm dứt tất cả. Còn với tôi đây chỉ là sự khởi đầu. Tôi cố gắng tìm cho mình những cơ hội, những trải nghiệm đắt giá để sau bốn năm ngồi trên giảng đường, kinh nghiệp của tôi không phải là con số 0. Đi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều hơn là lúc tôi nhận ra rằng tương lai của mình còn đương đợi phía trước.

Đường vốn dĩ nhiều lối và không nhất thiết lúc nào đi đường thằng cũng sẽ đến bến an toàn. Đừng bao giờ chỉ nhìn vào lối đi bằng phẳng mà quên mất nhứng ngã rẽ khác cũng sẽ dẫn bạn đến với thành công. Quan trọng là đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân, tin tôi đi, thành công sẽ sớm mỉm cười với bạn… Đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân.

10 sai lầm khi lựa chọn nghề nghiệp

Rất nhiều người tin rằng họ biết cách chọn nghề, ấy thế mà nhiều người vẫn tìm phải những công việc không thoải mái chút nào. Sau đây là 10 sai lầm khi chọn việc, bạn nên tránh nhé.

10 sai lầm khi lựa chọn nghề nghiệp

10 sai lầm khi lựa chọn nghề nghiệp

1. Chọn nghề thật đơn giản

Trên thực tế thì chọn nghề là quá trình không hề đơn giản, và bạn nhất thiết phải đầu tư thời gian công sức một cách thoả đáng vào đó. Chọn nghề là một quá trình phức tạp với nhiều công đoạn. Trước tiên bạn phải nhìn nhận lại bản thân để hiểu rõ hơn về bản thân mình đồng thời tìm hiểu thật kĩ về lĩnh vực nghề nghiệp mà bạn đang quan tâm để có quyết định hợp lý.

2. Chuyên gia tư vấn sẽ giúp tôi lựa chọn lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp

Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp hay bất cứ ai khác đều không thể khẳng định nghề nghiệp nào thì phù hợp với bạn nhất. Họ chỉ có thể đưa ra cho bạn lời khuyên, sự chỉ dẫn cơ bản nhất trong việc lựa chọn nghề nghiệp và phần nào giúp quá trình quyết định lựa chọn nghề nghiệp của bạn trở nên dễ dàng hơn mà tôi. Bạn mới là người quyết định.

3. Tôi không thể kiếm sống nếu chỉ làm những nghề mình thích

Ai nói với bạn điều đó? Khi lựa chọn một nghề nghiệp nhất định, tất nhiên bạn phải yêu thích nghề nghiệp đó, thậm chí là rất đam mê lĩnh vực đó, vậy tại sao bạn lại nói là: “Tôi không thể kiếm sống bằng việc làm những gì mình thích”. Thêm vào đó là: Mọi người có xu hướng làm tốt những việc mà họ yêu thích thậm chí đó là những công việc mà trước đó họ không được đào tạo bài bản để làm. Họ hoàn toàn có thể vừa làm vừa học hỏi vừa cố gắng không ngừng để làm tốt công việc. Khi lựa chọn nghề nghiệp bạn nên dựa theo sở thích của mình chứ không dựa theo phong trào, bạn chỉ có thể thành công nếu bạn thực sự yêu thích công việc.

4. Tôi nên chọn nghề hot

Thời gian qua, đã có nhiều bài báo và cuốn sách liệt kê những ngành nghề hot trong tương lai. Việc bạn tham khảo những danh sách đó không có gì là tổn hại cả. Và sẽ rất bình thường nếu một trong những nghề đó hấp dẫn bạn. Tuy nhiên bạn đừng “nhắm mắt đưa chân” chọn liều một nghề trong danh sách đó với hi vọng sau này mình sẽ nổi tiếng, sẽ thành công. Những dự đoán đó thường dựa theo một số tài liệu nhất định hoặc những linh cảm đặc biệt của các chuyên gia, nên nhiều khi không hoàn toàn đúng. Có nhiều nghề hiện tại đang hot nhưng không có nghĩa là trong tương lai chúng vẫn hot. Thêm vào đó là trước khi lựa chọn một nghề, bạn phải cân nhắc thêm rất nhiều yếu tố: Sở thích, năng lực, kĩ năng… của bản thân xem mình có phù hợp không?

5. Càng kiếm được nhiều tiền, càng hạnh phúc

Lương là yếu tố quan trọng, nhưng không phải là nhân tố duy nhất mà bạn quan tâm khi lựa chọn nghề nghiệp. Nhiều tài liệu khảo sát gần đây cho thấy: Tiền không phải là nhân tố chính đem lại cảm giác thoải mái trong công việc cho nhân viên. Rất nhiều người quan tâm đến bản chất công việc mà họ phải làm chứ không phải là lương. Tất nhiên bạn cũng nên cân nhắc đến vấn đề lương bổng cùng nhiều vấn đề khác nữa trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp.

6. Một khi tôi đã chọn một nghề thì mãi mãi tôi phải theo nghề đó

Không đúng. Nếu bạn không thích nghề mà bạn đã chọn vì rất nhiều lý do thì bạn có thể thay đổi chứ, có ai bắt bạn phải trung thành với nó suốt đời đâu? Biết đâu khi thay đổi công việc bạn sẽ có cơ hội tốt hơn. Rất nhiều người thay đổi công việc nhiều lần trong suốt cuộc đời họ đấy thôi.

7. Nếu tôi thay đổi nghề thì những kĩ năng cũ sẽ vô tác dụng

Bạn có giữ được những kĩ năng làm việc trước đây hay không là tuỳ thuộc vào bạn. Bạn có thể áp dụng chúng vào công việc mới một cách linh hoạt, chứ không rập khuôn theo cách cũ. Những hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực cũ cũng sẽ giúp bạn nhiều trong công việc mới nếu bạn biết cách áp dụng.

8. Chọn nghề giống người thân

Nếu bạn thân (người thân) của bạn hạnh phúc và thành đạt với lĩnh vực họ chọn thì không có gì đảm bảo rằng bạn cũng vậy. Mỗi người có một năng lực và sở thích khác nhau và họ phù hợp với những công việc khác nhau. Bạn đừng nghĩ rằng nếu người thân của bạn thành công trong ngành kế toán chẳng hạn thì bạn cũng sẽ trở thành một kế toán giỏi. Bạn có thể lắng nghe lời khuyên của họ nhưng đừng áp dụng máy móc. Hãy quan tâm đến lĩnh vực mà bạn yêu thích và bạn có thể làm tốt chứ đừng bắt chước một cách máy móc.

9. Nếu chọn đúng ngành nghề phù hợp thì tôi sẽ thành công

Chọn đúng nghành nghề rất quan trọng, nhưng không có nghĩa là bạn không cố gắng mà vẫn thành công. Bạn nên nhớ rằng: Còn quá nhiều việc bạn phải làm mới vươn tới thành công được, làm gì có con đường vinh quang nào trải đầy hoa hồng? Bạn phải biết lên kế hoạch chiến lược để thành công hơn nữa trong sự nghiệp, và phải luôn luôn học hỏi, luôn luôn cố gắng làm việc thì mới mong thành công.

10. Tôi chỉ thực sự hiểu nghề nghiệp khi bắt tay vào làm 

Không phải chỉ khi bạn bắt tay vào làm công việc thì bạn mới hiểu về nó. Bạn hoàn toàn có thể hiểu nhiều hơn khi đọc nhiều tài liệu về lĩnh vực mà bạn quan tâm. Bạn hoàn toàn có thể hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước từng làm trong lĩnh vực đó. Có nhiều cách để bạn lĩnh hội thông tin về ngành nghề bạn quan tâm trước khi bạn bước vào làm thực sự. Bạn đừng vội dấn thân vào nghành nghề mà mình chưa kịp hiểu sâu, kẻo bạn sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan đó.

Trước khi lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp, các bạn trẻ nên tránh những sai lầm trên. Hãy tỉnh táo khi lựa chọn công việc, các bạn sẽ loại bỏ được những thất bại có thể mắc phải trong tương lai.






Cách chọn tai nghe bà bà bầu cực tốt
Cách chọn mua tai nghe Bluetooth chuẩn nhất
Cách lựa chọn tai nghe thích hợp -
Cách ghen thông minh
Cách chọn bơ ngon nhất
Bí quyết chọn gà chọi hay
Cách chọn quà sinh nhật cho người yêu thật đặc biệt
Cách chọn chim Chào Mào chuẩn của dân sành


(ST)





Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý