Hướng dẫn làm nước chấm bún chả cực ngon

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Hướng dẫn làm nước chấm bún chả cực ngon

19/04/2015 10:00 AM
201

Cùng tham khảo những hướng dẫn làm nước chấm bún chả cực ngon nhé.  Để pha nước chấm nem, bún chả ngon và chuẩn cần có bí quyết riêng, cùng trổ tài nhé


CÁCH  LÀM NƯỚC CHẤM BÚN CHẢ NGON

Để pha nước chấm nem, bún chả ngon và chuẩn cần có bí quyết riêng.

Nguyên liệu:

1 thìa nước mắm ngon; 1 thìa đường; 1 thìa giấm ngon; 5 thìa nước lọc; Tỏi, ớt băm nhỏ; Hạt tiêu.

Cách làm:

Pha nước chấm theo tỉ lệ: 1:1:1:5. Tức là 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, 1 thìa giấm, 5 thìa nước lọc. Tuy nhiên tỉ lệ này có thể điều chỉnh phù hợp theo khẩu vị và việc chị em sử dụng nước mắm, giấm loại nào.
 
Ngoài ra, cách cho tỏi, ớt cũng cũng phải đúng thời điểm thì nước chấm mới đạt chuẩn.



Nem rán – Mẹo rán nem giòn – Cách pha nước chấm bún (chả) nem của mình

Bởi vì nem là món quá nổi tiếng và quá phổ biến với người Việt Nam, cho nên nói thật là mình cứ nghĩ mãi khi bắt tay vào viết bài này, chẳng biết là liệu có hâm quá không khi viết bài về một món mà có vẻ như là ai cũng biết như thế… 

Nem rán (Vietnamese spring rolls)

Nhưng mờ ít nhất đối với bản thân mình thì có lẽ bài viết này sẽ có ích. Vì mình không hay làm nem, do làm nem khá mất công nên thường chỉ vào những dịp đặc biệt, hoặc có khách đến chơi thì mới bày vẽ. Chính vì thế cho nên lần nào làm nem cũng hay mất thời gian nghĩ xem cho gì vào nhân thì ngon, đại loại vậy… Cho nên có một công thức lưu lại cũng tốt

Bài viết này của mình thì không hẳn là chia sẻ công thức, mà là tóm tắt những điểm cần chú ý khi làm nem (theo quan điểm cá nhân), và một số mẹo mực giúp cho món nem ngon hơn mà mình cóp nhặt được trên mạng.  Cũng xin nói thêm là riêng với món nem này thì mình chỉ là “newbie” thôi, cho nên rất mong các chị em đảm đang sẽ góp ý thêm cho món nem của mình nhé.

Nguyên liệu

Nem 1

Bởi vì món nem quá nổi tiếng và phổ biến với người Việt mình, cho nên mình gần như tin đây là là một trong những món có nhiều cách làm nhất, cụ thể là nhiều cách làm nhân nhất.

Và thực ra theo mình thấy thì nhân nem cũng là cái không nhất thiết phải cố định. Mình nghĩ là về cơ bản nhân nem thường gồm 2 phần thịt và rau. Với phần thịt thì thịt lợn xay là ngon nhất. Thịt bò và gà xay có thể thay thế nhưng sẽ không ngon bằng. Ngoài thịt lợn các bạn có thể cho thêm tôm, cua.. để tăng mùi vị cho nem :-)

Với phần rau: một số loại rau hay được dùng khi làm nem là cà rốt, củ đậu, su hào, giá đậu. Tuy nhiên do củ đậu và giá đậu có khá nhiều nước hơn so với cà rốt và su hào nên có thể làm cho nhân ướt hơn (và sẽ gây ra một số kết quả không hay lắm về sau), cho nên mình hay dùng cà rốt và su hào.

Ngoài rau và thịt ra thì còn một vài thứ nữa hay có mặt trong nhân nem là mộc nhĩ, miến, hành (khô), trứng. Mộc nhĩ và miến theo mình đoán thì làm cho nhân có vị giòn giòn. Miến thiếu cũng không sao, mộc nhĩ thì nên có. Hành (khô hoặc hành tây) rất nên có vì sẽ làm cho nhân thơm hơn.

Lần làm nem gần đây nhất của mình là để mời các đồng nghiệp trong một buổi tiệc của cả nhóm. Và mình đã chuẩn bị từng này thứ:

700g thịt lợn xay

500g tôm

6 thanh cua (surimi stick, ở đây không có thịt cua nên tạm thay bằng cái này)

9-10 cái mộc nhĩ

1 nắm miến

1 củ su hào nhỏ

1 củ cà rốt

1 củ hành tây nhỏ

2 quả trứng gà (chỉ lấy lòng đỏ)

Bột canh (hoặc muối, nước mắm), tiêu

Bánh đa nem

Dầu ăn

(với số lượng ở trên mình cuốn được khoảng 70 cái nem nhỏ, mỗi cái to tầm ngón tay cái – cuốn bằng ½ cái bánh đa nem tròn)

Cách làm

  1. Chuẩn bị nguyên liệu

Nem 2
-       Ngâm miến và mộc nhĩ vào nước ấm trước 60p cho nở.

-       Tôm bỏ vỏ, thái hạt lựu (thái nhỏ vừa phải thì lúc ăn sẽ cảm giác có miếng tôm trong nhân, ngon hơn

-       Thanh cua thái hạt lựu

-       Su hào gọt vỏ, bào sợi

-       Cà rốt gọt vỏ, bào sợi

-       Hành tây thái hạt lựu

-       Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, cắt bỏ chân, thái sợi.

-       Miến cắt khúc khoảng 1-2cm.

Dùng 1 cái nồi lớn, cho thịt lợn, tôm, cua, su hào, cà rốt, hành tây, mộc nhĩ, miến và 2 lòng đỏ trứng gà, bột canh (hoặc muối, nước mắm), ít mì chính, tiêu, 1 thìa dầu ăn. Trộn đều (nhân sau khi trộn thơm mùi hành & tiêu, rất thích nhé

Ghi chú: Dầu ăn là để làm cho nhân không bị chảy nước (nhân ướt sẽ làm cho vỏ nem khó giòn và nhanh ỉu).

2. Gói nem

Gói nem thì chắc là ai cũng biết rồi. Tóm tắt đại loại là đặt một chút nhân vào giữa. Cuốn một chút, rồi gập hai mép, rồi cuốn nốt cho đến hết cái nem. Đơn giản thế thôi 

Nem 3

Tùy theo kích thước, muốn nem to hay nhỏ mà có thể cuốn bằng nửa cái hoặc cả cái bánh đa nem. Với bánh đa nem ở nhà vì rất mỏng rồi nên chỉ cần vuốt một ít nước lã lên mặt bánh là có thể giúp bánh đủ mềm để cuốn. Tuy nhiên bánh đa nem mua ở chợ châu Á bên này thì  thường là rất rất dày. Cho nên có thể dung nước nóng ấm để làm mềm vỏ bánh trước khi cuốn. Mình thì hay nhúng cả cái bánh đa vào nước ấm, để tầm vài giây cho mềm, rồi lấy ra, kết quả khá là ngon lành cành đào 

Ngoài ra một lưu ý nhỏ nữa là khi cuốn nem thì các bạn cho vừa đủ nhân và không cuốn quá chặt tay vì khi rán có thể dễ bị bục.

3. Rán nem

Mẹo đầu tiên giúp nem giòn (và cũng để bảo quản được lâu trong trường hợp làm nhiều để ăn dần) là rán hai lần. Lần thứ nhất rán nem với lửa nhỏ cho nem chín sơ. Lần thứ hai rán cho nem chín hẳn và vỏ giòn vàng. Nếu không ăn hết thì sau khi rán lần một các bạn có thể để nem trong ngăn đá, lần sau ăn chỉ cần rã đông và rán bình thường.

Ngoài ra một số mẹo khác mình học được ở trên mạng giúp cho nem ròn lâu là:

-       Rán ngập dầu (nên dùng chảo sâu lòng, hoặc nồi nhỏ thì sẽ tiết kiệm dầu hơn)

-       Khi cho dầu vào chảo thì cho thêm vài giọt nước cốt chanh. Tiếp theo đun dầu sôi và rán như bình thường. Cách này mình đã thử, nếu cho nước cốt chanh vào ngay từ đầu thì yên tâm là không bị bắn, có vẻ có hiệu quả vì mình chỉ rán có 1 lần nhưng vỏ nem rất giòn 

-       Trước khi rán để đĩa nem vào tủ lạnh khoảng 15-20 phút cho nem khô, khi rán sẽ giòn hơn.

-       Để làm cho vỏ nem vàng đẹp thì dùng bia hay cho nước ở bước cuốn nem (cách này đã thử với bánh đa nem bán ở chợ châu Á ở đây, kết quả ổn).

4. Pha nước chấm

Nước chấm nem rán (Dipping sauce for Vietnamese spring rolls)

Về cơ bản thì nước chấm nem gồm có nước mắm, đường, dấm (hoặc chanh hoặc cả chanh và dấm). Theo mình thấy thì để có một bát nước chấm ngon cái quan trọng không phải là tỉ lệ – và thật ra cái này rất khó nói vì các loại nước mắm khác nhau sẽ có vị mặn khác nhau, và các gia đình cũng ăn mặn nhạt khác nhau nữa. Cái quan trọng là thứ tự pha các thứ như thế nào.


Mình dùng chanh vì bên này dấm không ngon lắm. Đầu tiên là pha một bát nước chanh ngon (tức là gồm nước + chanh + đường). Sau đấy pha thêm nước mắm đến khi vừa ăn. Tiếp theo cho tỏi ớt và tiêu. Thế

Nếu các bạn dùng dấm thì cũng pha tương tự, tức là dấm + đường + nước. Tiếp theo là nước mắm. Cuối cùng là tỏi, ớt, tiêu. Ở nhà mình thì nước chấm này theo mình dùng cho cả bún chả cũng được.

Bổ sung thêm kinh nghiệm của một chị bạn rứt siêu nấu ăn của mình là nước chấm pha càng sớm thì càng ngon, chẳng hạn pha ngay từ đầu trước khi chuẩn bị nhân và tất cả các thứ khác, rồi đến lúc ăn mới cho tỏi, tiêu, ớt vào 

Vấn đề cuối cùng là cái sự “đẹp” của bát nước chấm. Cái này không biết có phải do mình quá kĩ tính hay không. Nhưng mình thích nước chấm mà tỏi ớt và tiêu nổi lên mặt nước, nhìn đã thấy thích mắt rồi  và nói chung mình không khoái kiểu đập tỏi cái bụp rồi thả vào bát nước chấm (thường là tỏi sẽ túm tụm lại ở dưới đáy). Cho nên, cách mình hay áp dụng là băm tỏi và ớt thật nhuyễn và cho vào bát nước chấm cuối cùng (sau khi đã pha đầy đủ dấm, đường, mắm). Cuối cùng là xay hạt tiêu. Làm theo cách này mình thấy 9/10 lần là nổi đẹp 

Tuy nhiên, nước chấm pha lần này (trong hình í ạ) không được đẹp như lí thuyết cho lắm :’( Lí do là tại có “đứa” lười, không băm nhỏ tỏi mà dùng cái ép tỏi, làm cho tỏi hơi bị be bét một tí  Chắc lần tiếp theo làm nem mình sẽ cố gắng pha nước chấm tử tế và chụp ảnh lại vậy :’(

Cuối cùng, kết thúc lại bằng mô tả thành phẩm một tí: Nem giòn vàng, nhân không bị rời rạc, thơm mùi hành và tiêu, nước chấm chua mặn ngọt vừa phải, thơm mùi tỏi và ớt, và đặc biệt là tỏi, ớt, tiêu nổi nhé 

CÁCH PHA CÁC LOẠI NƯỚC CHẤM NGON


Các món ăn như luộc, nướng, hấp... đều phải có nước chấm nếu không món ăn sẽ trở nên vô vị và nhạt nhẽo vô cùng.

Pha nước chấm thế nào cho ngon, hấp dẫn, là tăng sức lôi cuốn của món ăn không phải chị em nào cũng có thể nắm rõ. Vì thế, dưới đây là một số cách pha nước chấm mà các chị em có thể tham khảo nhé.

Mỗi món ăn có nhiều cách pha nước chấm khác nhau, vì vậy, tùy vào sở thích và khẩu vị của mỗi thành viên trong gia đình, bạn có thể chế biến sao cho phù hợp nhất.

Tuy chỉ là tiểu tiết nhưng pha nước chấm rất quan trọng, nó góp phần làm nên quyết định món ăn của bạn có thành công hay không.

Mẹo pha nước chấm ốc ngon

Nguyên liệu: Nước ấm, nước mắm, đường, chanh, sả, ớt bằm.

Cách pha:

- Pha 2 muỗng canh nước ấm, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường cho tan.

- Thêm 1 muỗng canh chanh, sả, ớt bằm nhuyễn tùy khẩu vị mà thêm hay bớt lượng sả cũng như chanh. Nêm nếm cho chua chua, ngọt ngọt là được.

- Khi làm nước mắm nên khuấy cho tan đường và nước sau đó cho nước mắm vào. Tiếp đó hãy cho chanh và tỏi/gừng, ớt như thế ớt tỏi sẽ nổi lên trên trông đẹp hơn.

Mẹo pha nước chấm nem rán

Nguyên liệu:

- Nước mắm ngon
- Đường
- Dấm ngon
- Nước lọc

Cách pha:

- Nước mắm ngon, đường, dấm ngon: cho mỗi thứ 1 thìa cùng với 5 thìa nước lọc. Tỉ lệ này có thể điều chỉnh tuỳ theo khẩu vị. Dùng thìa khuấy tan các hỗn hợp này rồi nếm cho vừa ăn, sau đó mới cho tỏi ớt băm nhỏ vào.

Mẹo pha các loại nước chấm ngon - 1

Bạn không nên cho tỏi ớt vào quá sớm khiến người làm bị lẫn vị, khó điều chỉnh độ chua ngọt mặn hợp lý (Ảnh từ Internet)

- Tỏi băm nhỏ và có thể ép dập một chút. Cuối cùng ta rắc chút hạt tiêu vào là ta đã có một bát nước chấm hoàn chỉnh.

- Lưu ý: Bạn không nên cho tỏi ớt vào quá sớm khiến người làm bị lẫn vị, khó điều chỉnh độ chua ngọt mặn hợp lý. Không nên băm tỏi to khiến tỏi nặng quá sẽ bị chìm, khiến bát nước chấm kém hấp dẫn.

Nước chấm gà luộc

Với món gà luộc thông thường có hai cách pha nước chấm, nước chấm nước mắm và nước chấm bột canh, hoặc tiết gà luộc giã ra với chanh, bột canh. Tùy theo khẩu vị và sở thích của gia đình mà bạn lựa chọn cách pha sao cho hợp lý nhé.

Cách 1: Nước chấm từ nước mắm gồm các nguyên liệu sau: Một muôi nước mắm ngon, 1/4 thìa mì chính, 1/4 thìa hạt tiêu, vài lát ớt mỏng, một ít tiết gà luộc. Loại nước chấm bằng nước mắm này rất phù hợp để ăn cùng cơm hoặc xôi trắng.
 
Cách 2: Nguyên liệu: Bột canh, hạt tiêu, chanh (hoặc quất), ớt. Cho bột canh vào bát, vắt chanh (quất) vào. Thả các lát ớt, hạt tiêu vừa ăn. Bạn có thể thái chỉ lá chanh rắc vào, đảm bảo vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.

Mẹo pha các loại nước chấm ngon - 2

Gà luộc chấm với bột canh, chanh, ớt cũng rất ngon (Ảnh từ Internet)

Cách 3: Chấm với tiết gà, gồm các nguyên liệu: Một thìa bột canh, nửa thìa hạt tiêu, ớt tươi, nửa quả chanh, một ít tiết gà luộc. Loại chấm này để chấm thịt gà luộc hoặc thịt gà nướng, có thể cho thêm chút lá chanh thái chỉ. Đặc biệt có thể cho thêm hành khô thái lát mỏng và một ít tiết gà luộc.

Nước chấm thịt vịt

Vịt luộc

Nước chấm cho món luộc này thường là nước mắm gừng. Cách pha cũng khá đơn giản, nước mắm phải nguyên chất, pha với đường, gừng giã nhuyễn và chút chanh. Nếu ăn với thịt vịt cần pha thật đậm đà, không thêm nước, còn dùng chung với gỏi vịt hoặc để chấm với ốc, nghêu thì cần phải pha loãng với nước đun sôi để nguội, vị ngọt và chua dịu.

Cách pha này cũng có thể làm cho một số món luộc khác.

Vịt nướng

Nước chấm thịt vịt nướng hợp nhất vẫn là có thể là nước xì dầu. Cũng có nhiều cách pha nước chấm này. Bạn có thể tham khảo cách pha này nhé. Thông thường, khi nướng vịt, người ta tường nhét hành, tỏi băm, quả móc mật... Vì thế những gia vị này sau khi nướng vịt chín xong bạn giữ lại, đem pha nước chấm xì dầu.

Cách pha: Tất cả các gia vị này đem đun với xì dầu và một ít nước vừa đủ chấm. Nêm gia vị vừa đủ. Khi nước chấm có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt và mùi thơm của quả móc mật thì cho nhỏ lửa. Hòa tan 1 ít bột sắn cho vào hỗn hợp cho nước chấm hơi sệt rồi nhấc ra ngay.

Pha nước chấm bánh gối

Pha nước chấm bánh gối thường là chua, cay, mặn, ngọt theo kiểu truyền thống, như nước chấm nem, với mắm, đường, dấm, tỏi, ớt, rồi hòa thêm chút tương ớt vào bát nước chấm để có màu đỏ tươi. Thay dấm bằng chanh hoặc quất cho có thêm mùi thơm nếu thích.

Mẹo pha các loại nước chấm ngon - 3

Pha nước chấm bánh gối thường là chua, cay, mặn, ngọt theo kiểu truyền thống

Bạn có thể cho thêm đủ đủ, gà rốt, dưa chuột thái lát mỏng và ngâm cùng với nước chấm. Nhờ có thêm những nguyên liệu này mà món bánh gối sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

Nước chấm cho các món cuốn

Nguyên liệu:

- 0,5 lạng lạc rang sẵn, bỏ vỏ
- Tỏi (số lượng nhiều, ít tùy vào khẩu vị của bạn)
- Ớt tươi 1 hoặc 2 quả
- Nước mắm
- Dấm, đường
- 100ml nước lọc
- 1/2 quả chanh

Cách làm:

- Cho lạc và tỏi vào cối, thêm 4 thìa cà phê nước lọc, sau đó giã nhuyễn cho đến khi lạc và tỏi có màu trắng đục.

- Cắt ớt làm 2 phần, gạt bỏ hết hạt, đem băm nhỏ.

- Trộn đều ớt đã băm với lạc và tỏi giã nhuyễn trong bát tô con, vắt cốt chanh, dấm, đường, nước mắm lượng vừa phải.

- Trộn đều các vị với nhau, đổ thêm 1 muỗng canh nước lọc.


Để pha nước chấm đạt yêu cầu cảm quan cần chú ý:

1. Phải coi nước chấm là thành phần quan trọng như món ăn để chuẩn bị nguyên liệu và thời gian pha chế cho phù hợp. Một số món ăn thời gian làm chín nhanh, lại cần phải ăn nóng, vì vậy có thể pha nước chấm xong mới làm chín thức ăn (thí dụ như nướng chả, rán cá...).

2. Một số loại gia vị dùng để phối hợp làm nước chấm cần phải sơ chế sạch, ngâm giấm hoặc nước sôi để nguội trước khi pha ít nhất là 15 phút, thí dụ: lá chanh thái chỉ, gừng thái chỉ xong ngâm nước lọc; tỏi, ớt băm nhỏ ngâm giấm...

3. Tùy theo yêu cầu cảm quan của từng món ăn mà xác định mùi vị của từng loại nước chấm cho phù hợp, thí dụ: cùng một loại nước chấm chua-cay-mặn-ngọt được pha bằng: giấm +đường+tỏi+ớt+nước mắm, nhưng nếu dùng để ăn bún nem- bún chả thì vị của nước chấm cân đối nhưng không gắt quá mà chỉ chua dịu, hơi ngọt, không mặn quá. Nếu vẫn là loại nước chấm này mà đánh với bột đao làm sốt chua ngọt để chấm các món bao bột thì khi pha phải cho nổi vị hơn so với loại trên, sau khi đun chín lên vị sẽ là vừa.

4. Đa số các loại nước chấm gốc (chưa pha chế gì) như nước mắm, tương đều có vị mặn. Khi muốn pha loãng cho nhạt bớt phải tùy từng loại mà chọn cách pha cho phù hợp, thí dụ: nước mắm mặn có thể pha thêm nước sôi để nguội: tương mặn nếu muốn pha thêm nên cho nước vào rồi đun sôi, sau đó nếu bị loãng có thể rắc thêm một chút thính gạo rang hoặc thính đậu tương (có bán tại các hàng bán nem chạo) .

5. Mỗi món ăn có một loại nước chấm riêng, thứ tự pha cũng khác nhau.



Các loại nước chấm ngon pha chế đơn giản
Cách pha nước chấm ốc ngon khiến bạn mê tít
Cách pha nước mắm chay ngon
Cách làm nước mắm me chua chua cay cay
Cách làm nước mắm gừng ngon
Cách làm nước mắm ngon



(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý