Kinh nghiệm phượt bằng xe đạp hữu ích cho bạn

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Kinh nghiệm phượt bằng xe đạp hữu ích cho bạn

19/04/2015 10:47 AM
652

Kinh nghiệm phượt bằng xe đạp hữu ích cho bạn. "Phượt" bằng xe đạp là loại hình du lịch mới được giới trẻ ưa chuộng trong thời gian gần đây. Không chỉ có điểm mạnh về mặt chi phí hợp lý, du lịch bằng xe đạp còn đem đến những khoảnh khắc du lịch đẹp, những trải nghiệm khó quên cho phượt thủ xe đạp trong hành trình du hí của mình.

Nếu đang dự định làm một chuyến "phượt" bằng xe đạp, bạn nên xem qua những kinh nghiệm được chia sẻ bên dưới để đảm bảo mình có một chuyến đi an toàn và vui vẻ.

Xe đạp nào thích hợp cho "phượt"?

Xe đạp địa hình (mountain bike):

Chức năng của loại xe này là đi trên đường núi dốc, gồ ghề đầy đá và hố lởm chởm. Sử dụng loại xe này, bạn sẽ bớt đi sự lo âu về vấn đề xì lốp, gặp những đoạn đường xấu. Bạn sẽ không ngần ngại chạy qua những đoạn đường đầy đá dăm. Tuy vậy, vì trọng lượng xe này tương đối nặng, bánh xe lại hơi to, nên người sử dụng phải tốn nhiều sức.


Đây không phải là loại xe chạy tốc độ nên thời gian đi trên đường sẽ hơi lâu. Nếu bạn đi xuyên Việt theo kiểu du lịch tự tải, xe của bạn phải có braze-on (bộ phận lắp đặt yên xe dùng cho việc chuyên chở hành lý...). Nên lắp thêm viền chắn cho bánh trước và sau để tránh đất cát văng lên mặt khi đi trong mưa. Để tránh vấn đề gãy nan hoa thường xuyên, bạn nên dùng bánh xe có từ 36 nan hoa trở lên.


Xe đạp đua (road bike):

Khi sử dụng loại xe này bạn có được điểm lợi về tốc độ, nhưng bù lại, bạn không thể đi quá nhanh ở những đoạn đường xấu, gập ghềnh. Vỏ và ruột xe của loại xe đạp đua lại rất mỏng nên rất dễ bị hỏng khi gặp chướng ngại vật. Nếu sử dụng loại xe này, tốt nhất bạn nên mang thêm vỏ và ruột xe dự phòng. Điểm khác cần lưu ý khi sử dụng loại xe này là phải hết sức cẩn thận trong lúc đi mưa vì xe rất dễ bị trượt.

Xe đạp thực dụng (touring bike):

"Touring bike" được thiết kế cho mục đích du lịch, du mục nên loại xe này không nặng, ngắn đòn như mountain bike và cũng không mảnh khảnh như road bike. Ghi đông, dàng thắng, hệ thống tăng/giảm líp xe đều có chất lượng cao. Ghi đông loại cụp như xe cuốc để người sử dụng dễ thay đổi tư thế điều khiển cho bớt mỏi mệt, bớt cản gió và thư thái hơn trên những đoạn đường dài, lộng gió.


Sườn xe cứng cáp, nhẹ và dài đòn để công việc chuyên chở hành lý không vướng víu, cản trở những vòng đạp. Vành xe rắn chắc vì có từ 36 nan hoa trở lên, vì thế vấn đề gãy nan hoa, cong vành hầu như không xảy ra. Loại bánh xe thích hợp cho du lịch ở Việt Nam là loại 700c x 28, hoặc 700c x 36.
Vận tải hành lý


Nên dùng một cặp giỏ treo và một rương nhỏ phía sau để chứa dụng cụ và đồ dùng cá nhân. Nếu bạn có loại chống thấm nước thì không cần chuẩn bị bọc chống mưa cho hành lý. Chuẩn bị những vật dụng tải phía sau này sẽ cất được gánh nặng hành lý trên đầu tay lái, vừa khó điều khiển lại vừa không an toàn cho bạn.

Dụng cụ cần thiết cho chuyến đi? 

Những dụng cụ liệt kê dưới đây được xem là những dụng cụ thiết yếu và không thể thiếu cho một hành trình xa.

- Một hoặc hai ổ khóa dài dùng để khóa tất cả xe của nhóm"phượt"


- 2 cây mỏ lết lớn


- 1 cây kìm.


- 1 hệ thống tăng giảm líp ở phía sau


- 1 bộ dây phanh


- Một ống bơm nhỏ


- 3-4 xăm xe


- Một lốp xe loại cuộn tròn


- Một bộ dụng cụ tháo lốp xe


- Một bộ dụng cụ vá xăm xe


- Một bộ khóa mở ốc nhỏ


- Một hoặc hai cặp phanh phụ


- Một bộ vặn nan hoa


- Một đồ tháo lắp xích và hộp xích


- Nan hoa xe: mang đúng loại, đúng cỡ.


- Một khóa xe đạp.


- Đồng hồ đo tốc độ, đường dài, nhiệt độ...

Hành lý cá nhân nên mang những gì?

Hành trang lí tưởng nhất là từ dưới 15kg. Dựa theo thời gian của chuyến đi mà mà thu xếp hành lí càng gọn nhẹ càng tốt. Hạn chế đem theo quá nhiều các thiết bị điện tử và đồ có giá trị, quý giá.


- Giày: Một đôi giày chạy xe đạp để đường xa đỡ tốn sức; một đôi xăng-đan tiện dụng để có thể "bảnh" hơn khi dừng chân du lịch, tham quan.


- Nón mũ, dụng cụ chống nắng: Một mũ bảo hiểm; Kính đeo mắt loại dùng đi xe đạp, bảo vệ mắt bạn khỏi bụi và nắng; Một lọ kem chống nắng loại tốt, không có kem chống nắng bạn có thể bị cháy nắng đen như một cục than... đá; Vòng đeo đầu để thấm mồ hôi, nếu không, kính râm của bạn sẽ bị mờ vì mồ hôi rỉ xuống.


- Bình chứa nước: Sử dụng một trong hai cách sau để mang theo nước uống trên đường: Sử dụng hai bình đựng nước uống loại treo theo sườn xe, một bình chứa nước lọc, một bình chứa nước tăng lực; Hoặc sử dụng một bình nước và một bị nước, bị nước sẽ chứa nước lọc còn bình thì chứa nước tăng lực.


- Thức ăn, nước uống tăng lực:


Để sẵn trong hành trang bột pha nước tăng lực và thức ăn nhanh đầy dinh dưỡng và calo. Chỉ mang theo vừa đủ cho chuyến đi để tránh vấn đề quá tải. Bột để pha nước tăng lực, tiếp sức, giảm mất nước, và chống "chuột rút" (hydration drink powder hoặc electrolyte drink powder), rất quan trọng ở những chặng đầu và những chặng có khí hậu quá nóng, quá dài và có quá nhiều đồi, đèo.


Thức ăn nhanh như bánh quy mặn, khoai tây chiên, chocopie, sô-cô-la, kẹo lạc, bim bim... Những thức ăn nhanh này rất cần trong những chặng quá dài hoặc nhiều dốc, lắm đèo.


- Quần áo, găng, vớ (tất):


Hai quần dùng để chạy xe đạp giúp "bàn tọa" của bạn đỡ bị phồng vì ngồi cả ngày trên yên xe.


Hai hoặc ba áo chạy xe đạp giúp bạn mát và không mất nước nhiều.


Hai đôi găng tay chạy xe đạp rất cần nếu không bạn sẽ bị phồng cả đôi bàn tay.


Một đôi vớ giữ ấm chân có thể dùng ở mọi thời tiết, giữ ấm và giảm cháy nắng ở đôi chân.


Một đôi găng tay dài có thể phủ cánh tay giữ ấm đôi tay khi đi trong khu vực có thời tiết lạnh và làm giảm cháy nắng ở đôi tay.


Một bộ quần áo đi mưa loại nhẹ dùng đi xe đạp vừa tránh mưa vừa giúp bạn giữ hơi ấm.


Bốn đôi vớ (tất) tốt. Bạn chớ quên điều này vì nếu bạn chỉ có một đôi thì bạn cùng phòng sẽ không... thở được sau một ngày vất vả!


- Đồ lót: Nên mang theo một ít để khi không giặt thì bạn vẫn còn có thể sử dụng tạm đến ba, bốn ngày.


Một đến hai quần đùi để tránh phải "trần như nhộng" trong phòng.Hai áo thun. Dùng để đi ngủ hoặc đi chơi.


Một bộ quần áo gió. Dùng cho các vùng có khí hậu lạnh.


Một bộ quần áo "kiểng". Nên sử dụng loại vải nhẹ, dễ giặt ủi, mau khô. Bạn đừng quên mang theo một bộ quần áo lịch sự để có thể diện khi đi dạo phố, tham quan.


- Linh tinh:


Tuy bị xếp vào hàng linh tinh, nhưng thiếu những thứ này e rằng chuyến đi của bạn... khốn khổ đấy nhé

Một bóp đi du lịch. Dùng cất giữ những giấy tờ quan trọng.

Điện thoại di động và đồ sạc.

Một bàn chải đánh răng, kem đánh răng, chỉ nha khoa.
Thuốc trị bệnh cần thiết như đau bụng, cảm, cúm, nhức đầu, tiêu chảy...Một cuộn giấy đi vệ sinh phòng khi... chưa kịp uống thuốc.

Thuốc chống muỗi.

Một khăn tắm loại nhẹ, dùng khi bạn... hứng tắm biển dọc đường.

Một máy chụp hình nhỏ, nhẹ. Giúp bạn tiện dịp ghi lại cảnh đẹp dọc đường.

Một đèn chớp nhỏ và một đèn pha phòng khi đêm xuống

Sau cùng là... tiền! Nên mang theo tiền đủ chi dùng cho việc ăn uống, nghỉ ngơi.

Một vài lưu ý nhỏ cần chú ý do một phượt thủ chi sẻ:


- Tham khảo thông tin và lên kế hoạch cẩn thận cho từng ngày hành trình. Tìm hiểu trước những địa điểm ăn uống, dừng chân, và nghỉ đêm. Đến những vùng miền khác, bạn có thể bị "chặt chém" với giá dịch vụ khá cao, nên tìm hiểu và hỏi giá cũng như trả giá nhiệt tình sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.

- Máy ảnh hoặc máy quay nhỏ gọn sẽ rất cần thiết để ghi lại những hình ảnh đẹp của chuyến đi. Một thứ cũng không thể thiếu là bản đồ hoặc thiết bị định vị GPS. Với công nghệ hiện nay thì một chiếc điện thoại nhỏ gọn có tích hợp đầy đủ chức năng trên sẽ là vật bất ly thân tuyệt vời của bạn.

- Hết sức cẩn thận khi tham gia giao thông, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, đường quốc lộ còn khá xấu, xe chạy ẩu. Nên trang bị bảo hộ đầy đủ. Có thể mua bảo hiểm du lịch nếu bạn đi dài ngày. Không nên đi vào buổi tối, hoặc đi những cung đường vắng vẻ mà không có người đi cùng.

-  Nên có bạn đồng hành trong chuyến đi, trừ khi bạn thực sự có thể tự lập và thích khám phá một mình.

- Giữ tinh thần vui vẻ lạc quan. Giao tiếp nhiều với dân địa phương sẽ mang lại cho bạn nhiều khám phá thú vị.

Bạn là con người thích khám phá, thưởng thức cuộc sống với những điều thú vị, bạn đã thử đi phượt bằng xe đạp?

Nghĩ đến du lịch phượt bằng xe đạp là rất nhiều người e ngại với độ khó khăn và mệt nhọc khi tham gia. Nhưng đối với những người thích khám phá, trải nghiệm cuộc sống thú vị thì phượt bằng xe đạp không có gì là lạ, nhiều người còn tham gia hành trình đạp xe xuyên việt. Nếu bạn không thể tham gia những hành trình gian khổ như thế thì bạn có thể tham gia những chuyến phượt ngắn, xung quanh nơi mình sống. Để tham gia được những cuộc hành trình thú vị đó bạn cần có một số kinh nghiệm du lịch phượt bằng xe đạp. Hãy cùng du lịch Việt Nam tìm hiểu về những con dốc, cái nóng nóng oi bức, những cơn mưa đường rừng, những trục trặc trên hành trình chinh phục  Những niềm đất mới trên những con ngựa sắt sẽ bớt nhọc nhằn và tuyệt vời hơn khi bạn bỏ và ba lô những hành lý kinh nghiệm.

kinh nghiem du lich phuot, phuot bang xe dap

    Nếu bạn là người thích được chinh phục nhưng mới lần đầu đến với thú phượt bằng xe đạp địa hình, bạn có thể chọn cho mình những cung đường trải nhựa, đôi khi là những đoạn đường không hoàn toàn bằng phẳng nhưng vẫn có thể dễ dàng đạp xe, mục đích chính là để thưởng thức phong cảnh, hoặc tìm hiểu đời sống văn hoá của địa phương.

du lich phuot bang xe dap, du lich kham pha

   Còn nếu bạn đã là những tay lái tương đối chuyên nghiệp thì hãy chọn cho mình những đoạn đường có đá dăm lồi lõm như đến với hành trình Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa. Hành trình chinh phục tới những miền đất mới của Tổ quốc vẫn luôn thu hút và hấp dẫn những dân phượt chuyên nghiệp như những cái tên: Hàm Lợn, Thung Nai, Hồ Núi Cốc, đèo Hải Vân…
   Những trục trặc những tai nạn trên đường đi với những con ngựa sắt có thể dở chứng bất cứ lúc nào cũng sẽ là điều bạn cần lưu ý.

kinh nghiem phuot, du lich phuot bang xe dap dia hinh

   Trên đường đi có thể bạn sẽ gặp phải những tình huống rất thường nhưng rất cần bạn phải thực sự bình tĩnh. Đôi khi là những trục trặc kỹ thuật như mòn thắng, bể lốp, cong vành…vì vậy trong hành trang cá nhân nhất định bạn phải trang bị những thứ thô sơ để sẵn sàng thao tác công việc của một bác sửa xe chuyên nghiệp.

    Đặc biệt những rắc rối từ sức khỏe cũng là một điều bạn cần đặc biệt chú ý. Đạp xe cần sử dụng rất nhiều sức nên đôi khi bạn rất dễ bị chuôt rút, say nắng hoặc có thể dễ dàng bị đuối sức nếu cố quá mà không có sự điều chỉnh nhịp nhàng với cả đoàn trong hành trình.

kinh nghiem phuot bang xe dap, du lich kham pha

   Thêm một lưu ý đặc biệt là bạn có thể dễ dàng bị lạc đường nếu mải mê bám theo những điều thú vị bất chợt bạn khám phá được, hay chỉ đơn giản là quên đường về khách sạn cùng cả đoàn.

   Những lúc như thế chỉ cần thấp thoáng bóng dáng một thành viên bạn cũng cần “áp sát” và đừng bao giờ quên điện thoại di động.

Kinh nghiệm Xuyên Việt bằng xe đạp


“Có bị sao không vậy?”, “Khùng hả?”, “Giỏi lắm chắc đi được nửa đường”… là những câu nói bạn có thể nghe được khi nói về kế hoạch đi xuyên Việt một mình từ Sài Gòn đến Hà Nội bằng xe đạp! Nhưng điều đó hoàn toàn nằm trong tầm tay, nếu bạn nắm gọn các bí kíp và chuẩn bị đầy đủ. Vừa trở về sau chuyến đi dài ngày với ngựa sắt thân yêu, CTV Hưng Nguyễn của VTM sẽ bật mí về hành trang chuẩn bị lên đường với các ấy nhé!





Tập luyện, không thể thiếu!

Với một đứa chả hiểu gì về xe đạp và có rất ít kinh nghiệm đi phượt như mình, đây quả là một sự khởi đầu hết sức khó khăn. Hàng tháng trời lân la, tìm đọc các bài viết trên các diễn đàn du lịch, mình bắt đầu hình dung ra được những gì cần chuẩn bị cho chuyến đi. Mình ghi chú lại cẩn thận lịch trình, những điểm dừng chân, những kinh nghiệm đạp xe và xử lý sự cố… Mình cũng áp dụng lịch tập luyện thể lực mỗi ngày hai tiếng với quyết tâm cao.

Chưa yên tâm với khả năng của mình, trước ngày khởi hành hai tuần, mình quyết định đạp xe ra Vũng Tàu để thử sức. Đi liên tục cứ một tiếng nghỉ khoảng 15 phút, mãi đến 5g chiều mới tới được Vũng Tàu. Chân mình lúc đó có cảm giác như không thể nhấc được nữa, nhưng bụng mình sướng rơn vì biết chắc rằng thể lực hoàn toàn cho phép mình thực hiện chuyến đi lớn đã dự định. Dù đi cá nhân hay đi nhóm thì chuyện luyện tập thể lực cũng rất cần thiết để đảm bảo lịch trình chuyến đi và để bạn không trở thành gánh nặng cho người khác. Hãy vẽ một bản đồ để hình dung chuyến đi và phân chặng hợp lý, bạn sẽ theo được đến cùng!



Vượt chướng ngại vật trên suốt chặng đường

Leo lên xe sau khi đã buộc chặt hành lý vào yên sau, bài học đầu tiên là mình đã mém té khi mới đạp được vài mét vì đống hành lý quá nặng. Phải đi ra tận ngoại ô thành phố, mình mới có thể lấy thăng bằng và đạp bình thường lại được. Cũng có những lúc mình nản lắm, muốn bỏ cuộc vì hành trình khó khăn hơn dự kiến. Những lúc đó, điều duy nhất mình có thể làm là nghĩ đến ngày cuối cùng đạp đến Hà Nội, nghĩ đến những lời động viên ủng hộ của bạn bè để kiên trì tiếp tục đi.

Khó nhằn nhất vẫn là lúc phải đạp qua những cung đường đầy gian nan, như đoạn đường ven biển lộng gió ở miền Trung, những đoạn đường đèo dốc cao cheo leo như đèo Cả, đèo Hải Vân, hay những đoạn quốc lộ đang sửa chữa đầy đá và bụi. Đi trên quốc lộ, nghĩa là mình còn phải chạy cùng với những chiếc xe tải, xe container, và xe khách băng băng trên đường với tốc độ rất cao. Quan sát đường đi, đảm bảo an toàn cho bản thân thực sự đòi hỏi một sức tập trung rất cao. Tuân thủ luật giao thông là chuyện đương nhiên, vì an toàn cho chính bạn và để đến được đích cuối cùng. Bạn cứ đi, khi nào mệt thì dừng lại nghỉ một chút, nhưng đừng nằm ngủ vì coi chừng làm luôn một giấc đến chiều. Hãy cố gắng hoàn thành lộ trình mỗi ngày, đừng để tồn đọng lại, nếu không bạn sẽ thấy hành trình của mình dài ra và đầy chán nản.




Những cảnh đẹp hoang sơ của Việt Nam

Tận hưởng niềm vui bất ngờ

Còn nhớ ngày thứ 3, theo lịch là mình sẽ phải đến thành phố Phan Rang trước khi trời tối, nhưng mãi đến 6g mà chỉ vừa tới được Cà Ná, cách Phan Rang đến mấy chục cây số. May sao có chuẩn bị cây đèn pin, thế là vừa một tay soi đèn một tay cầm lái và đạp đi tìm chỗ nghỉ trọ khắp cái thị trấn nhỏ không có lấy một bóng đèn đường. Lúc đó, trong túi chỉ còn lại hơn 100 ngàn tiền mặt, mà lại không có trạm ATM để rút tiền, mình tìm được duy nhất một cái nhà trọ, nhưng năn nỉ hết lời mà vẫn không được giảm giá. Đánh liều chạy thêm một quãng xa ra tới khu làng ven biển, mình vô tình hỏi thăm được một gia đình tốt bụng, và được cô chủ nhà mời ở lại nghỉ qua đêm. Hôm đó thực sự mình đã rất vui và bất ngờ bởi sự tốt bụng và nhiệt tình của ngư dân ở đây. Nhưng bài học rút ra là hãy luôn chú ý đến chiếc ví của bạn, khi lộ trình của bạn đi ngang qua những thành phố lớn, hãy tranh thủ “tiếp nhiên liệu” để không gặp tình cảnh oái oăm như mình.




Một điều khác cũng làm mình rất bất ngờ mà không biết nên vui hay buồn. Trên đường đi, mình không thể nhớ hết được những lần được người dân sống hai bên đường nhìn theo và cười chào với mình, đặc biệt là các em học sinh và trẻ em. Nhưng tất cả mọi người đều nói Hello vì tưởng mình là người nước ngoài. Mình chỉ kịp vẫy tay chào lại mọi người mà không kịp nói rằng mình là người Việt. Có lẽ lần sau mình sẽ mặc áo in chữ “Tôi là người Việt Nam” để người ta biết người Việt cũng có thể đạp xe xuyên Việt chứ không riêng gì người nước ngoài, hehe.




Con đường đầy gió ven biển ở Bình Thuận và Ninh Thuận

Đừng tiếc nuối…

Đạp xe suốt ngày, nên mình chỉ dừng lại tham quan, chụp ảnh ở những cảnh đẹp với thời gian rất ngắn. Kế hoạch mỗi ngày đến một địa điểm cũng làm mình không còn thời gian để khám phá các địa điểm, thành phố du lịch vì khi đến nơi thì trời đã sụp tối. Có những địa điểm mình rất muốn ghé thăm như chùa Bái Đính, động Phong Nha, lăng Bác Hồ, nhưng đến nơi thì toàn gặp lúc người ta đóng cửa. Cũng vì những bất lợi khi đạp xe và thời gian hạn chế mà mình không thể ghi lại được hết những hình ảnh đẹp trên suốt chặng đường 1.900km đã đi qua.

Hoàng hôn trên đường ra Bình Định

Điều luyến tiếc nhất có lẽ chính là việc mình không thể đến Sa Pa và chinh phục đỉnh Fanxipan như dự định ban đầu. Có nhiều thay đổi trên đường đi khiến mình phải đổi luôn cả kế hoạch và quay về Sài Gòn sớm hơn đến 10 ngày. Mình cũng chưa có cơ hội được tìm hiểu cuộc sống, và văn hóa của những tỉnh thành phía Bắc đất nước như một chuyến du lịch thực sự. Tuy nhiên, mình lại không quá buồn vì những điều này, vì biết đâu, chính những điều ấy lại là động lực để mình tiếp tục thực hiện những chuyến đi sau này, đúng không nào?




Một số kinh nghiệm chia sẻ từ chuyến đi

Sau khi trở về, mình nhận được rất nhiều lời thăm hỏi từ những người bạn và cả những người mình không quen biết về chuyến đi của mình. Và mình thấy rằng, có rất nhiều bạn trẻ lâu nay vẫn có mong ước được một lần đi khám phá như vậy, nhưng vì nhiều lý do mà các bạn còn ngại ngùng chưa dám thực hiện ước mơ ấy. Mình thực sự rất vui khi biết chuyến đi của mình đã trở thành động lực tinh thần cho các bạn. Và mình luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm từ chuyến đi của mình cho các bạn yêu thích du lịch bằng xe đạp:



Những làng chài thanh bình ở Phú Yên

- Điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là tâm lý của chúng ta. Đã có rất nhiều người từng thực hiện những hành trình dài hàng ngàn km bằng xe đạp, với những chiếc xe từ bình thường nhất đến siêu xe đạp được trang bị vô cùng hiện đại. Những người đó có cả người trẻ, người già, người khuyết tật, người bệnh tim, ung thư… Thế nên không có lý do gì mà người trẻ như chúng ta lại không thể làm được. Hãy tự tin vào bản thân mình, leo lên xe và đạp, nếu như bạn thực sự đam mê.

- Một điều nữa cũng rất quan trọng là việc lên kế hoạch cho chuyến đi. Suốt chuyến đi của mình, kế hoạch đã phải thay đổi tới bốn lần, từ thời gian, đường đi, đến địa điểm dừng chân, và rút ngắn từ 25 ngày còn 18 ngày đi đường. Tham khảo thật kỹ những kinh nghiệm từ người đi trước, thông tin từ sách báo, internet sẽ giúp bạn lập được một kế hoạch tốt nhất cho chuyến đi của mình.



Một số món ăn đặc trưng của các miền

- Hành trang đi đường cũng là điều mà dân phượt xe đạp nên chú ý. Bạn chỉ nên đem những thứ cần thiết nhất cho mình thôi. Hai đến ba bộ đồ là đủ để thay hằng ngày, tùy theo từng chuyến đi mà lựa chọn những thứ nên mang theo. Dưới 15kg là đủ mệt để chở theo đằng sau rồi bạn nhé. Đi được một phần ba chặng đường, mình đã phải thắt lưng buộc bụng gửi về đến 3kg để nhẹ bớt hành lý.



- Kỹ năng sửa chữa và khắc phục sự cố về xe cũng giúp ích rất nhiều nếu chẳng may xe bạn hư trên đoạn đường vắng. May mắn cho mình là cả ngàn cây số mà xe đạp chẳng gặp phải hỏng hóc gì, kể cả chuyện lủng bánh xe. Tuy nhiên, đem theo đồ nghề sửa xe gọn nhẹ sẽ giúp ta tự tin hơn rất nhiều trên đường đi đấy.




- Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng chính là việc đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Ăn uống và tiếp nước đầy đủ cho cơ thể mới đảm bảo được năng lượng để bạn có thể đạp xe cả một ngày. Đừng quên bổ sung các chất khoáng và vitamin bằng nước tăng lực nhé, nó sẽ giúp bạn khỏe hơn nhiều đấy.



Ngắm những bức ảnh đẹp do phượt thủ Hưng Nguyễn ghi lại trên trục đường Sài Gòn - Hà Nội:

Bình minh ở vùng quê Bình Thuận.

Thuyền neo đậu buổi chiều trên sông Cà Ty – Phan Thiết.

Những cánh đồng muối ven biển Ninh Thuận

Những đoạn đèo ven biển miền Trung với một bên là đồi núi, một bên là biển

Quang cảnh nhìn từ trên đèo

Phượt xe đạp ở cung đường biển Ninh Thuận sẽ giúp bạn có cái nhìn hoàn toàn mới về phong cảnh nơi đây

Bãi biển rất hoang sơ

Những cột nước được phun trên đèo để làm mát, cứu tinh tuyệt vời cho lữ khách đi xe đạp khi nắng nóng

Hoàng hôn trên quốc lộ 1A

Đầm Ô Loan, một trong những thắng cảnh quốc gia

Cảm giác tuyệt vời khi chính bạn phát hiện ra những cảnh đẹp rất ít ai biết đến

Một làng chài ven biển Phú Yên

Cảnh sông nước ở Bình Định

Cảnh hoàng hôn như thế này sẽ rất khó bắt gặp nếu bạn đi bằng những phương tiện khác

Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ phía biển

Dưới chân đèo Hải Vân, đây là thử thách rất khó khăn cho rất nhiều tay phượt xe đạp

Mặt trời lặn ở Tràng An – Ninh Bình

Một góc vùng quê phía bắc Việt Nam

Thuyền về Tràng An

Buổi chiều ở Hồ Gươm







Kinh nghiệm du lịch bụi Quảng Bình -
Kinh nghiệm du lịch Philippin 2013
Kinh nghiệm du lịch bụi Vũng Tàu
Kinh nghiệm du lịch đảo Bình Ba -
Kinh nghiệm du lịch bụi Tam Đảo
Kinh nghiệm du lịch bụi Quy Nhơn




(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý