Kinh nghiệm nuôi bò sinh sản chất lượng, hiệu quả

seminoon seminoon @seminoon

Kinh nghiệm nuôi bò sinh sản chất lượng, hiệu quả

19/04/2015 10:53 AM
988

Kinh nghiệm nuôi bò sinh sản chất lượng, hiệu quả. Cùng tham khảo những thông tin bổ ích dưới đây để chăn nuôi bò đạt hiệu quả tốt nhất nhé


I. Chọn bò cái sinh sản

1. Ngoại hình

- Dáng nhanh nhẹn, da mỏng, lông thưa, thuần tính, hiền lành, có sự hài hoà giữa các phần đầu và cổ, thân và vai.

- Đầu thanh nhẹ, mõm rộng, mũi to, hàm răng đều đặn, trắng bóng; cổ dài vừa phải và thanh, da cổ có nhiều nếp nhăn.

- Ngực sâu, rộng: Xương sườn mở rộng, cong về phía sau, bụng to nhưng không sệ, bốn chân thẳng và mảnh, móng khít, mông nở, lưng ít dốc.

- Bầu vú phát triển về phía sau, 4 núm vú đều, dài vừa phải, không có vú kẹ, da vú mỏng, đàn hồi, tĩnh mạch vú nổi rõ, phân nhánh ngoằn nghoèo.

2. Chọn bò cái sinh sản

Bò có khả năng đẻ sớm và khoảng cách giữa 2 lứa đẻ ngắn.

Bò động dục lần đầu khoảng 18-21 tháng tuổi, từ 27-30 tháng tuổi có thể đẻ lứa đầu.

Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ ngắn: Từ 12-14 tháng đẻ 1 con bê.

II. Phối giống cho bò

1. Phát hiện động dục và phối giống

Muốn bò cái khi phối giống đạt tỷ lệ thụ tinh cao, phát hiện kịp thời bò cái động dục. Bò cái động dục có biểu hiện: bò kêu rống, đi lại bồn chồn, phá chuồng, kém ăn hoặc bỏ ăn, hưng phấn cao độ, thích nhảy lên lưng con khác sau đó đứng yên để con khác nhảy lên, âm hộ hơi mở, có màu đỏ hồng, niêm dịch từ âm hộ chảy ra như nhựa chuối.

2. Phối giống cho bò

Có 2 phương pháp:

- Thụ tinh nhân tạo: Dùng tinh cọng rạ đông lạnh và dụng cụ để dẫn tinh viên phối giống nhân tạo vào bò cái. Bê lai đẻ ra do thụ tinh nhân tạo sẽ đẹp và to hơn so với dùng bò đực cho phối giống trực tiếp.

- Dùng bò đực các giống Zebu thuần hoặc lai cho nhảy trực tiếp: ở những vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện phối giống nhân tạo. Tốt nhất là bò đực giống lai F2 có 3/4 máu của 1 trong các giống bò Red Sindhi, Sahiwal, Brahman.

III. Chăm sóc, nuôi dưỡng bò đẻ và bê

1. Chăm sóc bò chửa

Bò cái đẻ cần được ăn uống đầy đủ, mỗi ngày 30-35 kg cỏ tươi, 2 kg rơm ủ, 1kg thức ăn tinh (ngô, cám,…), 25- 30gr muối, 30-40 gr bột xương. Không bắt bò làm những việc nặng như: cày bừa, kéo xe,… Tránh xua đuổi mạnh đối với bò đang có chửa tháng thứ 3, tháng thứ 7, thứ 8 và thứ 9.

2. Đỡ đẻ cho bò

Thời gian mang thai trung bình của bò là 281 ngày.

- Triệu chứng bò sắp đẻ: Bò có hiện tượng sụt mông, bầu vú căng, đầu vú chĩa về hai bên, niêm dịch treo lòng thòng ở mép âm môn, đau bụng, đứng lên nằm xuống, chân cào đất, ỉa, đái nhiều lần, khi bắt đầu đẻ bọc ối thò ra ngoài trước.

- Đỡ đẻ cho bò: Trong trường hợp bò đẻ bình thường (thai thuận) không cần can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ cho bò cái bằng cách dùng tay kéo nhẹ thai ra. Cắt dây rốn dài khoảng 10-12 cm (không cần buộc dây rốn), sát trùng bằng cồn Iốt 5%. Lau rớt, rãi trong mũi, mồm bê, để bò mẹ tự liếm con. Bóc móng để bê con đỡ trơn trượt khi mới tập đi. Vệ sinh phần thân sau và bầu vú bò mẹ, cho bò mẹ uống nước thêm ít muối, cám và nước ấm. Trường hợp đẻ khó phải gọi cán bộ thú y can thiệp kịp thời.

3. Chăm sóc, nuôi dưỡng bò đẻ và bê con

3.1. Đối với bò mẹ

- 15- 20 ngày đầu sau khi đẻ cho bò mẹ ăn cháo (1,0- 1,5 kg thức ăn tinh/con/ngày) và 25-30 gr muối ăn, 30-40 gr bột xương, có đủ cỏ non xanh ăn tại chuồng.

- Những ngày sau, trong suốt thời gian nuôi con, một ngày cho bò mẹ ăn 30 kg cỏ tươi, 2-3 kg rơm ủ, 1-2 kg cám hoặc thức ăn hỗn hợp để bò mẹ phục hồi sức khoẻ, nhanh động dục lại để phối giống.

3.2. Đối với bê

- Từ khi sinh ra đến 30 ngày tuổi bê được nuôi ở nhà, cạnh bò mẹ. Luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa, chỗ bê nằm khô, sạch.

- Trên 1 tháng tuổi, chăn thả theo bò mẹ ở bãi gần chuồng, tập cho bê ăn thức ăn tinh.

- Từ 3-6 tháng tuổi: cho 5-10 kg cỏ tươi và 0,2 kg thức ăn tinh hỗn hợp. Tập cho bê ăn cỏ khô. Nên cai sữa bê vào khoảng 6 tháng tuổi.

- Từ 6- 24 tháng tuổi, chăn thả là chính, mỗi ngày cho ăn thêm 10-20 kg cỏ tươi, ngọn mía, cây ngô non. Mùa thiếu cỏ có thể cho ăn thêm 2-4 kg cỏ khô một ngày.

IV. Kỹ thuật ủ rơm với urê

Đặc điểm bộ máy tiêu hoá của trâu, bò, dê có thể chuyển hoá đạm vô cơ của urê thành nguồn đạm cho cơ thể, vì vậy nên áp dụng phương pháp ủ rơm với urê để bổ xung đạm cho bò.

- Cho urê, muối, vôi bột hoà tan trong nước rồi dùng bình tưới phun đều lên rơm khô theo từng lớp, sau đó ủ rơm trong bao nilông hoặc bể gạch đậy kín. Sau 7 ngày lấy dần cho bò ăn. Tỷ lệ urê 4kg cho 100 kg rơm khô.

V. Phòng và trị bệnh ký sinh trùng cho bò, bê

1. Ký sinh trùng ngoài da (ve, ruồi, muỗi, ghẻ,…)

- Dùng 1,25 g Neguvôn + 0,03 lít dầu ăn + 0,5 thìa xà phòng bột cho vào 1 lít nước rồi lắc cho thuốc tan đều. Lấy giẻ sạch tẩm dung dịch thuốc đã pha sát lên toàn thân trâu bò.

2. Giun sán

- Thuốc Lêvavét để tẩy giun tròn. Cứ 1 gói 5gr dùng cho 13-20kg trọng lượng hơi của bò, bê.

- Thuốc viên Fasinex 900 để tẩy sán lá gan. 1 viên cho 80-100 kg trọng lượng hơi của bò, bê, nhét trực tiếp vào miệng cho bò nuốt.


Tham khảo thêm kinh nghiệm chăn nuôi bò sinh sản


I. Kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản (Bò Lai sind):
1. Đặc điểm con giống:
Bò lai Sind được tạo ra do bò đực giống Red Sind giao phối với bò cái ta.
Đặc điểm ngoại hình: Đầu dài, trán dồ, lông vàng màu cánh gián, tai cúp, yếm phát triển, u vai cao (nhất là con đực), bầu vú phát triển vừa, âm hộ có nhiều nếp nhăn.
Đặc điểm sinh trưởng: Bò cái trưởng thành nặng: 250-300 kg. Bò đực:400-450 kg. Bê sơ sinh: 18-20 kg. Sản lượng sữa bình quân: 800- 1.200 lít /chu kỳ vắt 240 ngày. Tỉ lệ bơ (mỡ sữa) rất cao: 5,1-5,5%. Thích nghi rộng ở nước ta. Tuổi thành thục: 8 -12 tháng tuổi. Phối giống: 18 -24 tháng tuổi. Thời gian mang thai: 280-285 ngày (9 tháng 10 ngày). Tuổi và trọng lượng thích hợp phối giống lần đầu đối với bò cái lai sind là 18-24 tháng tuổi và trên 200 kg.
2. Chọn bò nuôi và thức ăn cho bò:
a. Chọn bò nuôi (bò cái): Tầm vóc lớn, thể chất khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, da bóng, lông mượt, mông to. Đầu thanh mắt sáng, ngực sâu, hiền lành. Vú phát triển cân đối. Bốn chân thẳng, khoẻ, móng khít... Con bò có đặc tính này sẽ mắn đẻ và nuôi con tốt.
b. Thức ăn: Chủ yếu là cỏ xanh, phụ phế phẩm trồng trọt và công nghiệp như rơm, vỏ thân cây bắp, đọt mía, thân các loại họ đậu, cám, mật đường, bánh dầu, dầu thực vật...
3. Chuồng trại - Chăm sóc nuôi dưỡng:
a. Chuồng trại:
Nền chuồng: có độ dốc 3-4% và không trơn trợt, có mùng để tránh ruồi muỗi.
Diện tích chuồng cần cho 1 con bò: bò cái: 4-6 m2, bò đực:4 m2, bê: 2-4 m2 .
Hướng chuồng: Đông-Đông Nam, nên lắp túi Biogas gần chuồng nuôi, lấy khí đốt dùng cho sinh hoạt gia đình, hạn chế ô nhiễm môi trường.
b. Chăm sóc:
Thường xuyên tắm chải bò, cho uống nước sạch đầy đủ. Định kỳ diệt ruồi, ve, mồng bằng dung dịch Diftérex. Tiêm phòng 2 lần/năm/2 bệnh: tụ huyết trùng, sốt lở mồm long móng. Đỡ đẻ cho bò: thường có 2 trường hợp xảy
Thai xuôi : sắp, đầu cổ gát lên chân trước duỗi thẳng.
Thai ngược: sắp, 2 chân sau ra trước, đuôi nằm giữa 2 chân sau.
Nếu chiều hướng thai không nằm ở 2 tư thế trên là bò đẻ khó, cần mời cán bộ thú y đến can thiệp.
4. Động dục ở bò cái và thời điểm phối giống thích hợp:
a. Biểu hiện: Ăn uống kém, nhớn nhác, nhảy lên lưng con bò khác hoặc để con bò khác nhảy lên. Âm hộ sưng, mép trong âm đạo màu đỏ. Chảy dịch nhờn từ lỏng tới đặc dần, chất dịch treo dưới mép âm hộ.
b. Thời điểm phối giống thích hợp: Động dục buổi sáng, chiều ta cho phối giống (hoặc ngược lại).
c. Dấu hiệu bò cái trước khi đẻ: Sau khoảng thời gian từ 280-285 ngày kể từ ngày phối giống, bụng trở nên to kềnh càng và trũng xuống, vú căng, xương mông sụm xuống. Trước đẻ, bò cái không yên, đi loanh quanh chuồng, đứng lên ngồi xuống nhiều lần, lăn lộn biểu hiện cơn đau bụng, ở âm hộ có nước nhầy chảy ra từ lỏng sang sệt dần. Túi nước ối vỡ ra, nước niệu chảy ra, tiếp theo là màng dương vỡ, nước dương chảy ra và nhờn hơn nước niệu, có tác dụng bôi trơn giúp bê được đẩy ra dễ dàng.
d. Chăm sóc bò cái sau khi đẻ: Thời gian này cần chú ý khâu chăm sóc nuôi dưỡng, phải thường xuyên quan sát bò cái, cứ 8 giờ thăm một lần nhằm kịp thời xử lý các bệnh hậu sản. Cung cấp thức ăn đầy đủ về chất lượng lẫn số lượng, thức ăn, nước uống và chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh. Theo dõi biểu hiện lên giống lại của bò cái, thường nên phối giống lại vào khoảng 85 ngày sau khi đẻ. Nếu sau 60 ngày sau khi đẻ bò không lên giống trở lại thì phải xem xét lại. Phải cai sữa đúng lúc để khai thác bò được lâu dài.
5.Lợi ích của gieo tinh nhân tạo:
Một bò đực giống tốt truyền giống được cho nhiều bò cái trên một khu vực rộng lớn. Tránh được lo sợ và nguy hiểm khi nuôi đực giống. Khắc phục chênh lệch cơ thể di truyền giống. Giảm tốn kém so với nuôi đực giống, giảm chi phí so với vận chuyển đực giống từ xa đến. Sử dụng tinh đực giống đã được kiểm tra về khả năng thụ thai. Tránh được bệnh lây truyền qua đường sinh dục. Nếu bà con nông dân có nhu cầu gieo tinh nhân tạo hoặc dùng bò đực giống lai Sind để phối giống cho bò cái địa phương.
II. Kỹ thuật chăn nuôi bò đực giống:
Chăn nuôi bò đực giống rất quan trọng vì bò đực giống tốt hay xấu có ảnh hưởng rất lớn đến phẩm chất của đàn bò sau này. Phạm vi ảnh hưởng của đực giống rất rộng và lâu dài - Ví dụ: 1 bò đực giống mỗi năm phối giống cho 40 - 50 bò cái thì đẻ ra từ 38 - 47 con bê (với tỉ lệ đậu thai là 95%) và mang 50% đặc điểm di truyền của đực giống. Với ý nghĩa như vậy việc chọn nuôi bò đực giống và kỹ thuật chăm sóc bò đực giống rất cần thiết.
1.Chọn giống: Về ngoại hình, bò có tầm vóc to lớn cân đối, dài đòn, trước cao sau thấp, hăng hái nhưng phải hiền lành; Đầu to vừa và dài, da mặt khô, mạch máu nổi rõ; Trán rộng, mắt to tròn, lanh lẹ; Mũi kín, bóng ướt; Mồm rộng; Tai to vừa. Bắp thịt nở nang, rắn chắc. Cổ dài vừa phải, lưng thẳng, mông to rộng. Chân thẳng to gân gốc, móng khít tròn đen bóng và phải rắn chắc. Da mỏng bóng láng, lông bóng mượt. Tinh hoàn đều, to vừa, không thòng, không mắc bệnh.
2.Nuôi dưỡng: Khi đực giống đến tuổi giao phối cần có tiêu chuẩn nuôi dưỡng hợp lý. Tiêu chuẩn này căn cứ trên khốí lượng cơ thể bò đực giống và mức độ phối giống. Vào mùa phối giống nên tăng khẩu phần ăn từ 10 - 20% so với lúc bình thường. Cần bổ sung thêm thức ăn giàu protein động vật (như : trứng, xác mắm cá, bột máu...) và Vitamine A, E (có trong cà chua, bí đỏ, mầm thóc, đậu mọc mầm). Bổ sung đạm phi protein như: bánh đa dưỡng chất, rơm ủ uré, uré phun lên rơm. Khi thay đổi thức ăn cho bò phải làm dần dần, không thay đổi đột ngột. Mùa nắng nên chăn thả tự nhiên và tắm hằng ngày. Mùa mưa nên giảm thời gian chăn thả, kiểm tra móng hằng ngày. Bò đực giống dễ cảm thụ với các kích thích bên ngoài, cho nên việc quản lý chăm sóc chúng sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất tinh dịch, nhất là ảnh hưởng tới sức sống của đàn con sau này
Một số thí dụ về khẩu phần cho bò ăn như sau: thả đồng lúc có nắng tốt (khoảng 6 giờ/ngày). Kết hợp với khẩu phần sau:
Rơm 3kg
Lúa nẩy mầm 0.8kg
Cám mịn 1.5kg
Muối 60kg
* Khẩu phần bò đực giống cân nặng 300 kg:
Cỏ tươi cắt 15kg
Rơm 3kg
Thóc mầm 1.2kg
Khoia lang củ 4kg
Khô dầu 0.5kg
* Khẩu phần cho bò đực Sind nặng 570kg:
- Chăn thả: 5 giờ x 3kg = 15kg cỏ
Thóc mầm 1kg
Cám 4.5kg
Khô dầu phong 1kg
Bèo dâu 15
Rơm 3kg
Muối 100g hay xác mắm 0.5kg
Cộng 25kg
3. Cách phối giống - Chế độ phối giống:
a. Cách phối giống:
Phối giống có hướng dẫn: Bò đực và bò cái được nuôi riêng. Khi bò cái lên giống mới cho bò đực phối. Cách này ta biết được ngày phối giống, ngày sinh, chọn bò đực giống đúng hướng dẫn.
Phối giống không có hướng dẫn: Bò đực và bò cái được nhốt chung trong đàn. Cách này bò đực dễ bị suy yếu, rút ngắn thời gian sử dụng bò đực giống...
b. Chế độ phối giống:
Bò từ 18-27 tháng tuổi mới cho tham quan, 27-30 tháng tuổi mới cho phối giống. Đực phối giống lần đầu tiên một tuần một lần, sau đó tăng dần 3 - 4 lần/tuần. Nếu phối giống nhiều cứ 7 ngày cho đực giống nghỉ 1 ngày. Ngoài ra tuỳ điều kiện dinh dưỡng tốt hay xấu mà điều chỉnh số lần giao phối cho thích hợp.
Một số điểm các chủ hộ chăn nuôi bò đực giống cần biết (mức độ động dục và triệu chứng bên ngoài của bò cái): Không yên tỉnh, rống hoặc rên khẻ, kém ăn, cong lưng tuỳ ý hoặc khi sờ vào hông hoặc vùng hông. Nhảy lên bò cái khác hoặc chịu để những con khác nhảy lên mình. Niêm dịch âm hộ trong suốt dính vào đuôi. Âm hộ cương to, niêm mạc âm đạo đỏ.
4.Chuồng trại: Xây dựng nơi cao ráo, thoáng, dễ thoát nước, nên xây chuồng dưới gió để tránh mùi hôi.
Hướng chuồng: Hướng đông hay đông nam. Chuồng và sân chơi phải nhận đầy đủ ánh sáng, nếu thiếu ánh sáng đực giống dễ bị ức chế sự sinh tinh.
Nền chuồng nên có độ dốc để thoát nước, diện tích: 5- 6m2/con, vách chuồng cao 1,4 - 1,6m.
Trong chuồng nên bố trí máng cỏ để bò có thể ăn dặm thêm. Bò đực phải xa chuồng bò cái để tránh bị kích thích phá chuồng.
Hố phân phải cách xa chuồng. Có túi ủ Biogas tận dụng phân, nước thải ủ lấy khí đốt phục vụ cho sinh hoạt gia đình.
Nền chuồng có thể là nền gạch, nền xi măng hoặc nền đất nện chặt có độ nghiên để thoát nước và dễ làm vệ sinh.
5. Phòng bệnh: Bò đực giống cần phải được tiêm phòng một số bệnh thường gặp như: Tụ huyết trùng, dịch tả trâu bò, sốt lở mồm long móng theo lịch tiêm phòng của Trạm thú y địa phương. Cần có biện pháp phòng chống côn trùng hút máu và truyền bệnh như: chuồng có mùng để tránh ruồi, ve... bệnh ký sinh trùng như tiêm mao trùng...


Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò sinh sản


Từ một hộ kinh tế khó khăn, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sinh sản,  đến nay gia đình ông Lê Thanh Nhàn (sinh năm 1950), ngụ ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) đã thoát nghèo, cuộc sống trở nên ổn định.




Tiếp xúc chúng tôi, ông Nhàn tâm sự: “Từ năm 1993 gia đình tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lương An Trà, sản xuất lúa hai vụ. Mấy năm gần đây do giá cả vật tư tăng vọt, trong khi giá lúa không ổn định nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được địa phương đưa đi tham dự nhiều lớp tập huấn của ngành Nông nghiệp về chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi nên tôi có hướng chuyển sang mô hình chăn nuôi”. Thế là sau nhiều lần học hỏi kinh nghiệm, tham quan một số mô hình thực tế, nhận thấy chăn nuôi bò sinh sản là khả quan, lại phù hợp với  hoàn cảnh  nên  gia đình ông Nhàn quyết định thực hiện để mong cải thiện thu nhập gia đình…

Năm 2004, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tri Tôn xét hỗ trợ 8 triệu đồng, ông Nhàn tính chuyện làm ăn lâu dài. Ông bàn bạc với vợ mua 2 con bò 12 tháng tuổi với giá 3 triệu đồng/con; số tiền còn lại được đầu tư vào việc mua mùng, làm chuồng trại cho gia súc. Không những thế, với bản tính cần cù, ông Nhàn bỏ công nhận nuôi thêm 4 con bò của người khác. “Bò nuôi cho người ta mỗi đợt cho ra 4 con bê, tui  được hưởng hai con. Nếu là bò cái thì để lại nuôi tiếp, còn bò đực thì bán để làm chi phí  lấy ngắn nuôi dài. Nuôi bò lấy công làm lời, chỉ cực phần cắt cỏ cho nó ăn, còn kỹ thuật nuôi khá đơn giản do tui đã học tập kinh nghiệm khá nhiều”. Ông Nhàn thông tin thêm. Ngoài ra, ông còn thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài để trao đổi, học tập những kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò, đặc biệt là bò sinh sản. Nhờ biết cách chăn nuôi sinh lợi, lại tiết kiệm trong chi tiêu, vợ chồng ông đã dần thoát nghèo. Hiện, gia đình đã có 14 con bò lớn, nhỏ và dự tính sắp tới sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi. Với số lãi thu được từ chăn nuôi, ông Nhàn đã có tiền sửa sang nhà cửa khang trang, sắm được dụng cụ sinh hoạt, nghe nhìn và đi lại. Đặc biệt, hai vợ chồng ông Nhàn rất vui vì có điều kiện chăm lo việc học của con.

Vừa lo phát triển kinh tế gia đình, hiện ông Nhàn còn tham gia công tác ấp và nhiệt tình với công tác xã hội từ thiện ở địa phương như: Vận động người dân sửa đường nông thôn, rải đá, vận động giup đỡ các hoàn cảnh khó khăn… Ông Võ Thành Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương An Trà nhận xét: “Nhờ áp dụng có hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sinh sản, gia đình ông Lê Thanh Nhàn có thêm nguồn thu nhập ổn định, nhanh chóng vươn lên thoát nghèo”. 



Kinh nghiệm nuôi bò thịt cho chất lượng cao
Kinh nghiệm nuôi bò sữa cho thu nhập cao
Kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo cho năng suất cao
Bí quyết nuôi chào mào
Bí quyết nuôi cá La Hán
Bí quyết nuôi cá rồng cho người mới chơi



(st)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
bo cai co ther sinh dươc toi da bao nhieu con
hơn 1 tháng trước - Thích (20) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý