Hướng dẫn làm món ngon ngày Tết

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Hướng dẫn làm món ngon ngày Tết

19/04/2015 10:53 AM
169
Cùng tham khảo những hướng dẫn làm món ngon ngày Tết nhé. Đó là những món ăn mà hầu như ngày Tết nhà nào cũng có, cực kì quen thuộc mà dễ làm.


2 món không thể thiếu trong cỗ Tết miền Nam


Nếu như trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc không thể thiếu bánh chưng, thịt gà, xôi đỗ… thì với người miền Nam, hai món canh khổ qua dồn thịt và thịt khi hột vịt nước dừa cũng vô cùng quan trọng không kém.

Mỗi một món ăn thờ cúng của người miền Nam đều có những ý nghĩa rất riêng biệt. Ngay cả hoa quả thờ cũng vậy. Theo nhiều người chia sẻ, khác với người Bắc là gia đình người miền Nam thường kiêng kỵ thờ quả có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có chuối (vì âm chuối đọc như "chui nhủi", ngụ ý thất bại), cam ("quýt làm cam chịu"), lê ("lê lết"), táo (người Nam gọi là "bom"), lựu ("lựu đạn") và không có cả sầu riêng, dù người Nam bình thường rất thích ăn sầu riêng, và không chọn trái có vị đắng, cay.

Đó là lý do tại sao người Miền Nam lại lựa chọn món canh khổ qua để làm món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Theo quan niệm của họ, "khổ qua" là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn. Xong, đây cũng là món ăn rất mát, có thể giúp bạn giải ngán trong những Tết ăn nhiều chất đạm như thế này.

Người miền Bắc cũng có món khổ qua dồn thịt (mướp đắng nhồi thịt) tuy nhiên ít khi họ chế biến thành canh. Hãy thử trải nghiệm văn hóa ẩm thực đầy chất tâm linh của người miền Nam qua món khổ qua dồn thịt này nhé!

Canh khổ qua dồn thịt

Nguyên liệu:

- 1kg khổ qua (lựa trái ngắn, nở gai to)
- 300g thịt nạc dăm
- 1 lòng trắng trứng
- 1g nấm mèo khô (mộc nhĩ)
- 1/2 kg xương
- 100g cá thác lác
- 5 tép hành lá, ngò, tiêu, muối, bột ngọt
- 5 củ hành tím, ớt, nước mắm

2 món không thể thiếu trong cỗ Tết miền Nam - 1

Theo quan niệm của người miền Nam, "khổ qua" là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn (Ảnh: Internet)

Cách làm:

- Khổ qua: Dùng dao rạch 1 đường ở giữa không bị đứt hết trái, móc hột bỏ ra rửa sạch để ráo.

- Thịt: Rửa sạch, bằm hoặc xay nhuyễn ướp chút tiêu, muối, bột ngọt, hành lá lấy phần trắng.

- Cá: nêm chút muối, tiêu, bột ngọt, dầu ăn quết cho dai.

- Hành lá: Rửa sạch, cắt ngắn 2cm phần trắng giã nhuyễn cho vào thịt cá..

- Củ hành: Bóc vỏ bằm nhuyễn, phi với dầu ăn cho vàng thơm.

- Ớt: Bỏ hột thái xéo mỏng.

- Xương: Rửa với nước muối xả sạch, chặt nhỏ hầm lấy 2 lít nước dùng.

- Khổ qua cắt làm đôi, dùng mũi dao nhỏ khoét bỏ phần hột, rửa sạch, để ráo nước.

- Trộn chung thịt, cá, nấm mèo, 1 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, củ hành, hành lá lấy phần trắng.

- Nêm lại vừa ăn, dồn nhân này vào trái khổ qua.

- Nấu sôi nước dùng trở lại cho khổ qua vào hầm lửa riu riu vớt bọt để nước được trong.

- Khi tất cả chín nêm lại vừa ăn (tiêu, muối, bột ngọt, nước mắm) nhấc xuống.

- Múc canh ra tô, rắc thêm tiêu, hành lá và ngò.

- Ăn nóng với chén nước mắm nguyên chất + ớt thái khoanh.

Lưu ý, có thể tăng hoặc giảm thịt và nguyên liệu bằng cách so sách với lượng ruột khổ qua. Lượng ruột bao nhiêu thì lượng nguyên liệu nhồi vaò tương đương là vừa khéo.

Để xem khổ qua nhồi thịt chín chưa, bạn có thể thử bằng cách châm vào một que tre nhỏ, thanh xuyên qua trái dễ dàng là được.

Thịt kho hột vịt nước dừa (thịt kho tàu)

Trong những ngày đầu năm mới, ở miền Nam nhà ai cũng chuẩn bị một nồi thịt kho tàu để đón Tết. Món ăn là sự kết hợp giữa những khúc thịt ba rọi, hột vịt luộc trong cái vị hơi ngọt và béo của nước dừa tươi.

Thịt kho tàu có thể ăn được với nhiều món như củ kiệu, dưa giá, dưa cải chua nhưng ngon nhất là ăn kèm với dưa giá. Cái vị chua chua mặn mặn của dưa giá hòa quyện trong vị ngọt, bùi và hơi béo của thịt kho làm mất đi cảm giác ngấy và đem lại món ăn ngon miệng trong những ngày đầu năm mới.

Nguyên liệu:

- Thịt bắp đùi heo: 3 kg
- Trứng vịt: 15 quả
- Hành ta: 4 củ
- Dừa xiêm: 4 quả
- 1 củ tỏi, 5 quả ớt

2 món không thể thiếu trong cỗ Tết miền Nam - 2

Thịt kho tàu có thể ăn được với nhiều món như củ kiệu, dưa giá, dưa cải chua nhưng ngon nhất là ăn kèm với dưa giá (Ảnh: Internet)

Cách làm:

- Thịt cạo rửa sạch, để ráo nước, thái miếng to.

- Ướp gia vị vào thịt (4 thìa cà phê đường, 3,5 thìa cà phê muối, 3 thìa cà phê mì chính, 1/8 thìa cà phê ngũ vị hương, hành tỏi giã nhuyễn), để hai giờ cho thấm.

- Xào thịt cho săn lại. Cho 1/2 thìa cà phê nước màu, 1 bát ăn cơm nước mắm (200g). Khi nước mắm và thịt sôi lên, đổ nước dừa vào nồi.

- Trứng vịt luộc chín bóc vỏ, cho vào nồi. Thả ớt vào kho chung.

- Đun nhỏ lửa, hớt bọt cho đến khi thật mềm là được.



Làm cỗ hết Tết ngon nhưng không ngán


Thường thì người ta vẫn nấu lại các món đã làm trong những ngày Tết, cũng thịt gà, cũng xôi, bánh chưng, giò chả,… Nhưng thực tế, các món ăn đó cả gia đình đã ăn qua nhiều trong những ngày Tết. Với một mâm cỗ như thế, nếu có tái diễn thì có lẽ chẳng ai còn có cảm giác ngon miệng, chỉ thưởng thức cho qua bữa mà thôi. Vì thế, chị em hay thay đổi khẩu vị cho cả nhà bằng những cách chế biến mới nhé! Vừa giúp mọi người ngon miệng hơn lại vừa khiến mâm cỗ hết Tết thêm ý nghĩa.


Gà hấp muối

Thịt gà vốn rất quen thuộc nhưng có lẽ món gà hấp muối thì ít khi chị em chế biến. Vì vậy, nhân dịp này chị em thử làm đãi cả nhà xem sao. Đảm bảo hương vị thơm ngon đặc biệt của thịt gà hấp muối sẽ khiến ai cũng phải mê mẩn. Như vậy trong mâm cỗ hết Tết vẫn có cả thịt gà nhưng lại chẳng hề ngán chút nào cả.

Nguyên liệu:

- Gà: 1 con (khoảng 1kg)
- Muối hạt to: 1/2 bát ăn cơm
- Sả: 5 - 6 củ
- Lá chanh: đủ để nhét vào bụng gà và phủ kín muối
- Rượu

Làm cỗ hết Tết ngon nhưng không ngán - 1

Cách làm:

- Gà làm sạch, dùng rượu và muối xát quanh mình gà rồi rửa lại với nước cho sạch. Hòa hỗn hợp gồm bột nghệ và dầu vừng (mè) xát đều khắp mình gà (với những con gà có da màu vàng tự nhiên thì không cần. Với những con gà có da màu trắng làm thế để sau khi hấp da gà sẽ căng bóng và có màu vàng đẹp mắt ).

- Lá chanh rửa sạch. Sả rửa sạch, đập dập rồi cắt làm đôi.

- Dùng một chiếc nồi có đường kính đặt vừa con gà, rải muối xuống đáy nồi rồi dàn đều. Tiếp theo rải đều một lượt sả sao cho kín muối rồi lại rải thêm một lượt lá chanh. Đặt con gà lên trên cùng sao cho gà không chạm vào muối, đậy vung nồi lại rồi bắc lên bếp đun.

- Đun gà ở mức lửa vừa phải trong vài phút, cho đến khi trong nồi có nhiều hơi thì hạ lửa ở mức nhỏ nhất. Đun liu riu trong vòng 40 - 45 phút là gà chín (trong lúc đun thì tuyệt đối không được mở vung sẽ làm mất nhiệt). Cho gà hấp muối ra đĩa rồi cùng cả nhà thưởng thức nhé.Để biết cách chế biến chi tiết bằng hình ảnh món gà hấp muối, chị em xem tại đây nhé!

Thịt bò nướng xiên

Thay vì nấu thịt bò xào, chị em hãy thử chế biến món thịt bò nướng xiên xem sao nhé. Chắc chắn thịt bò nướng sẽ có hương vị hoàn toàn khác và có sức hút người thưởng thức hơn rất nhiều, nhất là trong những ngày Tết vừa rồi quá nhiều

Nguyên liệu:

- Thịt bò: 500 g
- Sả: 5 củ
- Tỏi: 2 củ
- Hành khô: 2 củ
- Ớt tươi
- Ngũ vị hương: 1 gói
- Que xiên
- Gia vị: dầu ăn, dầu hào, mắm, bột nêm, mì chính, đường

Làm cỗ hết Tết ngon nhưng không ngán - 2

Cách làm:

- Thịt bò rửa sạch, thái lát mỏng.

- Hành tỏi băm nhuyễn, sả thái lát băm nhỏ, ớt thái miếng nhỏ.

- Cho thịt bò vào âu cùng sả, hành tỏi.

- Lần lượt cho dầu ăn, dầu hào, mắm, bột nêm, mì chính, đường và ngũ vị hương vào. (Nên cho một chút xíu bột nêm, mắm để thịt có vị thơm ngon).

- Trộn đều hỗn hợp.

- Dùng que xiên từng miếng thịt vào cho đều. Cho vào lò nướng hoặc nướng trên than hoa bằng vỉ nướng.

- Khi thịt bò chín mềm xếp từng xiên ra đĩa rồi chấm với mắm chua cay.

Bò xiên nướng sả ớt rất ngon mà lại dễ làm.


Ếch rang muối

Nguyên liệu:

- Ếch: 1kg
- Lá lốt
- Muối tinh: 6gr
- Tiêu hột: 2gr
- Đậu xanh: 15gr
- Gạo nếp: 20gr

Làm cỗ hết Tết ngon nhưng không ngán - 3

Cách làm:

- Rang gạo nếp, đậu xanh, tiêu hột, muối tinh đến khi thấy mùi thơm, nếm thử gạo và đậu xanh có độ giòn, bùi là được.

- Cho ra cối giã thật nhỏ, rây để thu lấy phần bột mịn. Hoặc nếu nhà có máy xay cầm tay hoặc cối xay đồ khô của máy xay sinh tố thì các bạn nên sử dụng, sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, mà hỗn hợp muối thu được sẽ rất mịn, đẹp.

- Tùy vào loại ếch to hay nhỏ mà các bạn chặt làm 3 làm 4 sao cho vừa ăn.

- Thả ếch vào chảo ngập dầu, chiên to lửa đến khi bề ngoài thịt ếch có màu vàng ruộm thì vớt ra.

- Nhanh tay thả luôn phần lá lốt đã thái khúc ngắn vào chảo dầu vừa chiên ếch, chiên cho lá lốt có độ giòn rụm.

- Khi thịt ếch vừa rán xong còn nóng, các bạn rắc hỗn hợp muối đã chuẩn bị vào ếch và xóc cho muối bám đều. Trộn cùng lá lốt rán giòn rồi bày món ếch rang muối ra đĩa và thưởng thức.

Mách nhỏ: Cách làm này áp dụng cho tất cả các món rang muối như gà, vịt hay ba ba rang muối. Các bạn có thể làm sẵn 1 lọ muối dự trữ để sử dụng cho những lần sau, tuy nhiên không nên để quá lâu vì hỗn hợp muối sẽ bị bay mất mùi thơm.


Nấm xào ngũ sắc

Nguyên liệu:

- Nấm mỡ
- Tôm tươi
- Đậu Hà Lan
- Ngô non
- Ớt chuông đỏ, vàng

Làm cỗ hết Tết ngon nhưng không ngán - 4

Cách làm:

- Nấm mỡ cắt bỏ chân, mũ nấm nào to thì bổ làm đôi, ngô non cũng vậy, bắp nào to các bạn bổ đôi ra cho vừa ăn nhé. Đậu Hà Lan tước bỏ xơ, ớt chuông đỏ vàng thái miếng dài.

- Đun sôi 1 nồi nước, thả 1 dúm muối rồi cho ngô non và đậu Hà Lan vào trần sơ, vớt ra ngâm ngay vào bát nước lạnh để ngô và đậu giữ được màu sắc đẹp.

- Tôm tươi bóc bỏ đầu và vỏ, đem xào săn với hành khô và nước mắm, trút ra 1 đĩa riêng.

- Tiếp tục cho dầu ăn vào chảo, chúng ta xào đến phần nấm, ớt chuông đỏ và vàng. Nêm nếm gia vị vừa miệng.

- Khi nấm gần chín và đã ngấm gia vị, các bạn cho đến phần ngô non và đậu Hà Lan vào xào cùng. Ở bước này có thể thêm 1 chút dầu hào vào để tăng hương vị và sắc bóng đẹp cho món xào của chúng ta.

- Cuối cùng là đến tôm, các bạn đảo nhanh tay và tắt bếp. Cho món nấm xào ngũ sắc ra đĩa và cùng cả nhà thưởng thức nhé!

Nấm là 1 thực phẩm không những ngon mà còn rất có lợi cho sức khỏe. Các bạn có thể thay nấm mỡ bằng bất kì loại nấm nào các bạn ưa thích khi chế biến món ăn này, mỗi loại nấm lại đem đến cho ta 1 hương vị riêng, làm nên sự độc đáo, ngon miệng của bữa cơm gia đình.


Canh bắp cải cuộn thịt

Nguyên liệu:

-    1 cái bắp cải
-    3 bó hành hoa
-    Thịt heo xay nhuyễn
-    Hành tây xay nhuyễn
-    2 muỗng cà phê nước mắm
-    ½ thìa cà phê muối
-    ½ thìa cà phê hạt tiêu
-    Tôm xay

Làm cỗ hết Tết ngon nhưng không ngán - 5

Cách làm:

- Bắp cải khoét bỏ phần cuống.

- Dùng dao sắc cắt bỏ phần cuống bắp cải

- Thịt heo, tôm xay trộn đều cùng với các gia vị phía trên

- Đun sôi nước, chần qua lá bắp cải, hành cho mềm dễ cuốn.

- Viên thịt lại theo hình trụ, đặt vào giữa lá bắp cải và cuốn lại thật chặt như cuộn nem.

- Dùng lá hành hoa buộc lại và cho vào nồi nước, đun sôi, bỏ gia vị vào cho vừa khẩu vị của bạn.

- Món này ăn rất ngon mà không bị ngán.



3 món tráng miệng ngon ngày hết Tết

Có rất nhiều món tráng miệng ngon và hấp dẫn mà bạn có thể làm. Tuy nhiên, trong những ngày Tết vừa qua, các món ăn từ thịt cá gia đình đã thưởng thức nhiều vì thế, những món tráng miệng phải vừa ngon, vừa man mát sẽ rất hiệu quả trong việc chống ngán.

Chị em có thể tham khảo cách chế biến của một vài món tráng miệng nhé:

Chè đậu đỏ

Theo quan niệm phong thủy dân gian thì chè đậu đỏ là món ăn mang lại may mắn rất lớn cho những người được thưởng thức nó trong những ngày đầu năm, hơn nữa “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì thế chị em hãy thử nấu chè đậu đỏ cho cả nhà thưởng thức nhé.

Nguyên liệu:

- Đậu đỏ: 200gr
- Bột thạch Carrageenan: 10gr
- Đường: 200gr
- Nước cốt dừa: 60ml
- Baking soda: 1/2 thìa cà phê (nếu có)

3 món tráng miệng ngon ngày hết Tết - 1

Cách làm:

Vì đậu đỏ khá lâu nhừ nên các bạn cần ngâm đậu từ 4-6 tiếng hoặc qua đêm cho đậu nở hết cỡ, sẽ tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu để ninh đậu.

Ninh đậu thật nhừ, thỉnh thoảng vớt bọt. Nếu như có bột baking soda cho vào ninh cùng thì đậu sẽ nhanh nhừ hơn nữa.

Khi đậu nhừ và bở, các bạn chắt riêng phần nước và phần đậu, xào đậu với 150gr đường rồi mới trút phần nước đậu vào cùng. Vậy là ta xong phần chè.

Trộn đều bột thạch với 50gr đường, làm như vậy khi hòa cùng nước bột thạch sẽ không bị vón. Chuẩn bị 1 nồi nước 800ml, từ từ vừa rắc bột thạch vừa quấy thật đều. Bắc lên bếp đun với lửa vừa, nhớ vớt bọt để thạch được mịn.

Tiếp đến đổ phần nước cốt dừa vào, quấy cho tan đều và tắt bếp.

Đổ thạch ra khuôn rộng hoặc múc thạch vào các khuôn có hình thù ngộ nghĩnh cho đẹp, đợi thạch đông hẳn mới tiến hành lấy thạch ra.

Chúc các bạn có những cốc chè đậu đỏ thật ngon!


Sữa chua nếp cẩm

Tráng miệng bằng món sữa chua nếp cẩm là một ý tưởng thực sự tuyệt vời.

Nguyên liệu:

- Nếp cẩm: 400gr
- Nước: 1800ml
- Lá nếp (lá dứa): vài lá
- Muối: nửa thìa ăn cơm
- Đường: 200gr (tùy khẩu vị)
- Sữa chua
- Nước cốt dừa

3 món tráng miệng ngon ngày hết Tết - 2

Cách làm:

- Nếp cẩm vo và đãi sạch cho hết mày gạo.

- Ngâm nếp cẩm với 1800ml nước trong khoảng 3 - 4 tiếng để gạo nở ra. Sau đó đổ cả gạo và nước ngâm gạo vào nồi, thêm lá nếp đã được rửa sạch và bó lại cùng với một nửa thìa ăn cơm muối.

- Bắc nồi nếp cẩm lên bếp, đun ở mức lửa lớn cho đến khi nước sôi thì hạ lửa ở mức nhỏ, thỉnh thoảng dùng đũa khuấy đều. Đun sôi liu riu cho tới khi nước cạn, gạo chín mềm và sánh lại thì vớt vỏ những chiếc lá nếp ra.

- Cho 200gr đường vào nồi nếp cẩm, dùng đũa khấy thật nhanh tay cho đường tan trong vòng 1 phút rồi tắt bếp (khi đã cho đường thì không được đun lâu).

- Để cho nếp cẩm nguội hẳn thì múc ra ly hoặc bát, thêm sữa chua, nước cốt dừa vào khuấy đều rồi thưởng thức (nếu muốn ăn lạnh có thể cho thêm vài viên đá nhỏ).

- Nếp cẩm đã nguội các bạn có thể cho vào hộp rồi cho vào tủ lạnh ăn trong vòng 2 - 3 ngày.

Nếu không ăn cùng sữa chua các bạn có thể cho tăng thêm lượng muối cho đậm đà hơn rồi ăn cùng với nước cốt dừa cũng rất ngon.


Caramen kem tươi

Cách làm cũng tương tự như làm caramen thông thường nhưng chỉ cần có thay đổi chút xíu về số lượng sữa và thay vào đó bằng một lượng kem tươi tương ứng, món caramen sẽ có hương vị thơm ngon hơn hẳn, mịn mướt, béo ngậy và bổ dưỡng vô cùng. Món tráng miệng này chắc chắn sẽ khiến cả nhà phải thích thú.

Nguyên liệu:

- Trứng gà: 10 quả
- Đường: 250gr
- Cà phê nguyên chất (nước): 3 thìa
- Nước cốt chanh: 1 thìa cafe
- Whipping: 250ml
- Sữa tươi không đường: 750ml
- Vani: 1 thìa cafe

3 món tráng miệng ngon ngày hết Tết - 3

Cách làm:

- Cho 150gr đường vào nồi đun nhỏ lửa, đun đến khi đường tan chảy chuyển màu cánh gián thì tắt bếp.

- Cho cafe và nước cốt chanh vào tiếp tục đun nhỏ lửa thêm chút nữa rồi nhanh tay đổ vào các dụng cụ đựng, để nguội.

3 món tráng miệng ngon ngày hết Tết - 4

- Hòa 100gr đường với sữa và  whipping rồi trút vào trứng, quấy nhẹ tay cho trứng tan hết.

- Nhỏ thêm vài giọt vani vào quấy đều rồi lọc qua một cái rây để hỗn hợp được mịn.

- Rót nhẹ tay vào các dụng cụ đựng đã láng nước đường và xếp vào nồi hấp. Muốn caramel mịn ko bị rỗ thì phải hấp với nấc lửa nhỏ nhất từ 30-40 phút, chú ý thường xuyên mở vung để hơi nước ko bị đọng trên mặt caramel.

- Kiểm tra xem caramen chín chưa bằng cách dùng tăm xiên thử, nếu bề mặt núng nính và tăm khô thì caramen đã chín, tăm ướt thì chưa.

- Khi chín nên caramel nguội hẳn rồi mới cho vào tủ lạnh.

Chị em hãy làm món này để cả nhà tráng miệng khi làm cơm hết Tết nhé!



Canh sườn nấu măng khô, món ngon ngày Tết
Những món ngon cho ngày Tết cổ truyền ở ba miền
Ẩm thực ngày Tết miền Nam
Món ăn truyền thống của Việt Nam trong ngày Tết
Những món nộm ngon dễ làm lạ miệng cho ngày Tết
Cách làm giò xào ngon


(St)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý