Triệu chứng khi bị sốt xuất huyết

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Triệu chứng khi bị sốt xuất huyết

19/04/2015 11:53 AM
602

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Chúng ta cùng điểm lại những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết để biết cách phòng tránh nhé!



TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT


Sốt xuất huyết
là bệnh nhiễm trùng cấp do virus Dengue gây nên, vật trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes (muỗi vằn), đây là loại muỗi sống ở những nơi bùn lầy nước đọng chung quanh nhà, hoặc các nơi ẩm thấp tối tăm trong nhà. Sốt xuất huyết thường xảy ra ở trẻ em tuổi từ 2-9 tuổi, càng lớn càng ít bị. Ðặc biệt trẻ càng bụ bẩm khi mắc bệnh dễ có khuynh hướng diễn tiến nặng.


Nguyên nhân gây sốt xuất huyết.

Do bị muỗi Aedes đốt và truyền virus. Khi muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus sốt xuất huyết, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Trong khoảng thời gian sống còn lại sau đó, muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người. Khi virus sốt xuất huyết vào cơ thể người, chúng tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu muỗi Aedes hút máu thì virus được truyền cho muỗi. Người là ổ chứa virus chính,  ngoài ra người ta mới phát hiện ở Malaixia có loài khỉ sống ở các khu rừng nhiệt đới cũng mang virus Dengue

Triệu chứng sốt xuất huyết.

Thể bệnh nhẹ: ít khi dẫn đến tử vong.

Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Thể bệnh nặng: chủ yếu bị ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao (30 – 40%), bao gồm các dấu hiệu trên, kèm theo các triệu chứng :

Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.


Phòng ngừa và điều trị sốt xuất huyết.

Phòng ngừa

Phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh sạch sẽ loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng). Phòng chống muỗi đốt : mặc áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, ngủ trong mùng, … Khi xảy ra dịch sốt xuất huyết cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.

Điều trị

Khi phát hiện bệnh sốt xuất huyết thì cần phải đưa người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Lau mát  để hạ sốt, truyền dịch hoặc dùng các loại thuốc như paracetamol, …

NHỮNG HIỂU NHẦM THƯỜNG GẶP KHI BỊ SỐT XUẤT HUYẾT

Dùng thuốc hạ sốt quá nhiều hoặc truyền đạm hay vitamin vì thấy người mất nước là những sai lầm thường gặp với các bệnh nhân sốt xuất huyết, dễ gây biến chứng, hoặc khiến bệnh nặng hơn.

Các bệnh viện tại Hà Nội đang quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết. Đặc biệt có nhiều người nhập viện muộn với các biến chứng: chảy máu nội tạng, sốc, trụy mạch... Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia khuyến cáo bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau để tránh bệnh biến chứng nặng.

1. Không có thuốc điều trị đặc hiệu

Sốt xuất huyết là bệnh do virus, diễn biến bệnh là quá trình tự nhiên giữa cơ thể với virus. Có người nhẹ, có người nặng, nhưng không thể đoán trước được trường hợp nào sẽ diễn tiến nặng.

Việc điều trị, tác động chỉ mang tính chất hỗ trợ. Rối loạn đến đâu điều trị đến đấy để qua giai đoạn nguy hiểm, không thể chặn trước được. Diễn tiến bệnh tối đa là một tuần, có người kéo dài hơn.

2. Không thể hạ ngay cơn sốt

Tâm lý của nhiều người đang khỏe mạnh, tự dưng sốt, người mệt mỏi khi đến bác sĩ thì yêu cầu chữa hết sốt ngay. Đây là quan niệm sai lầm, đặc biệt là với bệnh sốt xuất huyết vì sốt do virus nên nhiệt độ hạ rồi quay lại ngay.

Thực tế, sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể. Virus gây bệnh đã kích thích cơ thể gây sốt nhưng chính những cơn sốt như thế có tác dụng khống chế virus, làm virus không phát triển.

Nhiều người vì muốn hạ sốt nên đã dùng thuốc hạ sốt nhiều lần (4-5 lần một ngày) dẫn đến lạm dụng thuốc. Hậu quả là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể yếu, hồi phục kém, thậm chí gây ảnh hưởng đến tế bào gan. Nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết đã làm tăng men gan nhưng khi uống nhiều lần thuốc hạ sốt thì càng làm suy gan nặng nề hơn.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không cần hạ sốt. Với những bệnh sốt cao quá, cần phải can thiệp vì có thể dẫn đến co giật. Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà áp dụng cách nào. Ca nhẹ có thể chỉ cần nằm nơi thoáng mát, chườm đá, nặng hơn thì phải hạ nhiệt, dùng thuốc an thần, tránh cơn co giật.

3. Ba ngày đầu bị sốt bệnh nhân không nên truyền dịch

Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện mất dịch: sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau mình mẩy, chán ăn, thậm chí có người nôn, sợ không dám ăn. Lúc này, nhiều người thường nghĩ đến truyền dịch nhưng điều này là không nên. Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, nên nếu truyền dịch người bệnh hay bị sốc.

Vì thế, giải pháp tốt nhất là nếu người bệnh còn ăn uống được thì bù bằng nước hoa quả, nước thường, nước rau, oresol.... Trường hợp không ăn uống được, nôn và muốn truyền dịch phải có sự chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không truyền dung dịch đạm, hay có pha vitamin vì rất hay bị sốc.

Trong quá trình truyền, phải theo dõi sát khi thấy người bệnh rét run, nhiệt độ tăng thì phải bỏ truyền dịch ngay. Nếu không khi bị sốc sẽ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Giai đoạn này, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà.

4. Từ ngày thứ 4 là giai đoạn nguy hiểm của bệnh

Bệnh nhân xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như: tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, tràn dịch màng phổi... Vì thế khi thấy bệnh nhân nằm vật vã, sốt li bì, chướng bụng, khó thở, đi tiểu ít, chảy máu bất thường cần đưa đi khám bác sĩ.

Đây là giai đoạn tăng thấm, bệnh nhân dễ bị thoát dịch qua màng bụng. Các bác sĩ có thể quyết định truyền dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ thấm ra ngoài của cơ thể và phải được theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời bất thường.

5. Khi bệnh đã hồi phục thì không nên truyền dịch

Ngay cả khi đã xuất viện, bệnh nhân cũng phải mất 7-10 ngày để hồi phục lại. Dù đã khỏi, nhưng bệnh nhân vẫn có triệu chứng mệt mỏi, đứng lên hoa mắt chóng mặt. Vì thế nhiều người muốn truyền dịch để mau chóng khỏe.

Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn thừa nước, truyền dịch vào sẽ rất nguy hiểm, có thể gây phù phổi, cấp cứu không kịp có thể tử vong.

Nói chung, khi bị sốt cao, bệnh nhân cần đi khám để biết chính xác xem có bị sốt xuất huyết không. Nếu nhẹ có thể tự điều trị ở nhà và theo dõi thêm. Đặc biệt sau 3 ngày đầu bị sốt, nếu người vẫn mệt, nằm li bì, sốt cao... thì bệnh nhân cần nhập viện cấp cứu ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.

THỰC ĐƠN CHO NGƯỜI BỊ SỐT XUẤT HUYẾT

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, có thể bộc phát thành dịch, đe dọa sinh mạng trẻ em và sức khỏe cộng đồng.


Bệnh có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong cao. Do vậy, khi bị sốt xuất huyết cần phải kiểm tra và được chữa trị kịp thời. Dưới đây là một số món ăn có công dụng hỗ trợ rất tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, ngoài việc điều trị bằng thuốc (Tây y hay Đông y), người bệnh cần có chế độ, thực đơn ăn uống sao cho giảm sốt (thanh nhiệt), giảm đau (chỉ thống), nâng cao sức đề kháng, chống nôn... là điều rất quan trọng để phục hồi sức khỏe.

Các món canh dưới đây có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và phòng chống xuất huyết. Chủ vị là hạt lạc xay nát hoặc giã nhỏ, gọi là “nhuyễn lạc”, kết hợp với một số loại rau.

1. Đối với trường hợp chưa xuất huyết

- Rau ngót rửa sạch, vò nát 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu thành canh ăn.

- Gan lợn tươi ép cho ra hết máu, rửa sạch, băm nhỏ 20-30g; rau ngót rửa sạch, vò nát 60-100g; nhuyễn lạc 30-50g. Nấu rau ngót với lạc thật chín rồi cho gan lợn vào đảo đều, đun sôi 5 phút là được.

- Đậu xanh cả vỏ, vỡ đôi 50-60g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu canh ăn.

- Rau dền (xanh hay đỏ, hoặc dền cơm) rửa sạch thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau dền vào, đun sôi 10 phút là được.

- Rau mồng tơi rửa sạch, thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau mồng tơi vào, đun sôi 10 phút.

- Rau sam tươi rửa sạch, thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau sam vào, đun sôi 10 phút.

- Hoa thiên lý rửa sạch 30-50g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho hoa thiên lý vào, đun sôi 5 phút.

- Lá non thiên lý 60-100g rửa sạch thái nhỏ, nấu canh cùng nhuyễn lạc.


2. Với bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết:


- Quả mướp ngọt già gọt vỏ 100-150g, xắt khúc 2cm, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu 2 thứ với nhau, đến khi lạc thật chín thì vớt mướp ra nghiền, bỏ xơ, lấy nước và hạt. Cho nước, mướp và hạt mướp vào nồi canh đun sôi, đập 1 quả trứng gà vào, quấy cho sôi đều 5 phút là được.

- Ngó sen tươi tước vỏ, rửa sạch, thái mỏng 20-30g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu canh ăn.

Chú ý: Cho nước, mắm muối vừa miệng người ăn (hơi nhạt một chút) và đủ ăn một bữa. Kiểm tra kỹ để loại bỏ lạc mốc hoặc chớm mốc trước khi làm nhuyễn lạc. Người có tiền sử dị ứng với lạc thì không dùng các bài thuốc trên.

3. Bệnh nhân sốt xuất huyết

Dùng nước đậu xanh, bạc hà (vị thuốc bạc hà trong Đông y)

    Đậu xanh 50gr, đãi loại bỏ vỏ,
    Lá bạc hà 30gr,
    Đường trắng 30gr.

Cho đậu xanh, bạc hà vào nồi, đổ 1 lít nước, đun sôi trong 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước hòa 30gr đường. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, chỉ khát (làm mất khát);

Nước ngân hoa dưa hấu

    Lấy 200gr vỏ dưa hấu, bỏ vỏ xanh, giữ lại cùi, thái miếng
    30gr kim ngân hoa

Rửa sạch nguyên liệu cho vào nồi, đun sôi cùng 1 lít nước trong 30 phút, gạn bỏ bã, lấy nước hòa cùng 30gr đường kính, uống làm nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt (làm mát) và chỉ huyết (cầm máu);

Nước rau muống cúc hoa

    Rau muống 150gr, nhặt bỏ cuộng già, rửa sạch.
    Cúc hoa 20gr, rửa sạch

Cho rau muống, cúc hoa vào nồi đun sôi với 1,5 lít nước trong 20 phút. Vớt bỏ bã, gạn lấy nước trong. Cho thêm 50gr đường trắng vào nước rau muống, cúc hoa, đun lại cho tan hết đường. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chống xuất huyết;

Cháo rau cần đại táo

    Rau cần 150gr rửa sạch, cắt khúc ngắn,
    Đại táo 5 quả rửa sạch,
    Gạo tẻ 100gr vo sạch,
    Đường 50gr.

Cho gạo và đại táo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo, cho rau cần vào đun thêm 5 phút bắc ra, cho đường vào khuấy đều dùng ăn bữa sáng, bữa tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, bình can, lương huyết, chỉ huyết, rất tốt với người mắc bệnh sốt xuất huyết.


Cháo bí đao


    Bí đao 150gr, gọt bỏ vỏ xanh, thái khúc.

    Gạo tẻ 100gr vo sạch,

Cho gạo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo rồi cho bí đao đã thái khúc vào đun thêm 10 phút, rồi cho ít muối đủ ăn hoặc 50gr đường trắng tùy theo khẩu vị. Bắc ra để nguội ăn vào 2 bữa sáng và tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân rất tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

4. Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, hay ói, đau bụng. Ta nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhẹ, dễ tiêu, không có màu đen hay đỏ (vì trong trường hợp nếu cháu ói sẽ không phân biệt chất ói là máu hay thức ăn có màu). Không nhất thiết bắt trẻ chỉ ăn cháo, có thể ăn súp, nui, mì… theo ý thích của cháu.

Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Để phòng tránh, nên cho trẻ uống Oresol (chất thường dùng để bù nước trong bệnh tiêu chảy) hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Cho trẻ uống từ từ, thong thả vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.

Về ăn, cần chọn các chất dễ tiêu như cháo, súp và không bao giờ được ăn no quá.


Bệnh sốt xuất huyết ở người lớn
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh Sốt xuất huyết ở trẻ em
Nguyên nhân, cách điều trị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết khi mang thai
Bệnh sốt xuất huyết và cách phòng ngừa


(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý