Triệu chứng của bệnh nấm tổ đỉa

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Triệu chứng của bệnh nấm tổ đỉa

19/04/2015 12:10 PM
1,363


Bệnh tổ đỉa không lây truyền và có thể ngăn ngừa quá trình tăng nặng. Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh tổ đỉa để bạn có phương án điều trị tốt nhất.



Bệnh biểu hiện với sang thương là mụn nước khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, đặc biệt ở mé bên của ngón tay, lòng bàn tay, mặt trên - mặt bên và mặt dưới ngón chân, lòng bàn chân. Bệnh không bao giờ vượt lên mé trên cổ tay và cổ chân. Mụn nước ăn sâu vào thượng bì làm da nổi gồ lên, hình tròn, rải rác hay xếp thành chùm, sờ vào mụn nước thấy chắc, cảm giác như có một hạt gì nằm xen trong da, kích thước khoảng 1 - 2mm, có thể trở thành bóng nước nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân. Các mụn nước thường xẹp đi và teo đét chứ không tự vỡ, thường có màu hơi ngà vàng, khi bong ra để lộ một nền da hồng, hình đa cung hoặc tròn, có viền vảy xung quanh. Kèm theo rất ngứa, càng gãi càng ngứa, bệnh thường kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần, tróc vảy rồi lành và bệnh hay tái phát.

Triệu chứng

- Mụn nước màu trắng trong là triệu chứng chính, kích thước nhỏ khoảng 1mm, nằm sâu, chắc, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da. Đôi khi nhiều mụn nước kết tụ thành bóng nước lớn.

- Vị trí: 90% là gặp ở lòng bàn tay và các rìa ngón tay hoặc là chỉ gặp một trong hai chỗ đã nói trên, còn ở lòng bàn chân và rìa ngón chân thì ít gặp hơn. Tổn thương thường đối xứng và bệnh thường không bao giờ vượt quá cổ tay, cổ chân.

- Bệnh thường xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước thường có cảm giác ngứa, rát, một số trường hợp kèm tăng tiết mồ hôi. Mụn nước của bệnh tổ đỉa thường có xu hướng khô ít khi tự vỡ, rồi để lại một điểm dày sừng màu vàng đục, tróc da.

- Khi bị nhiễm khuẩn thì mụn nước hoặc bóng nước sẽ đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng kế cận và người bệnh nóng sốt.

Bệnh tổ đỉa được các thày thuốc ngoài da coi như một loại chàm (eczema). Nhưng khác eczema, tổ đỉa chỉ nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ria ngón tay chân, còn eczema thì có thể gặp ở bất cứ vị trí nào trên da. Mặt khác, mụn nước tổ đỉa thường to, sâu, chắc, khó vỡ hơn mụn nước eczema.

Cũng như eczema, tổ đỉa gây ngứa nhiều, bệnh nhân gãi, chà xát làm vỡ mụn nước, dễ thành nhiễm khuẩn phụ, sưng tấy, nổi hạch, có khi phát sốt. Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát theo chu kỳ (dân gian gọi là theo tuần trăng) thành mạn tính, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, trở ngại nhiều cho sinh hoạt, lao động nếu không được điều trị đúng đắn.

Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh

Cơ địa dị ứng, sự tác động của yếu tố môi trường tiếp xúc như đã kể trên chỉ là yếu tố thuận lợi trực tiếp gây bệnh. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là các mụn nước nhỏ sờ chắc ở bàn tay, bàn chân. Các mụn nước này thường xuất hiện ở mé bên các ngón tay, mặt sau ngón tay, lòng bàn tay; Mặt bên, mặt trên và mặt dưới các ngón chân, lòng bàn chân. Các mụn nước không tự vỡ mà thường xẹp đi, sau đó bong vảy, nếu khêu ra sẽ thấy một ít nước sánh chảy ra. Kèm theo mụn nước là ngứa, có thể ngứa nhiều hoặc ít tùy từng người.

Các tổn thương không bao giờ lan lên quá cổ tay, cổ chân người bệnh. Bệnh thường phát, tái phát hoặc nặng lên về mùa xuân và mùa hè. Khi ngứa, bệnh nhân gãi thường làm vỡ các mụn nước, nếu vệ sinh không tốt sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng tạo thành các nốt mụn mủ, có thể gây ra các bọc mủ nếu nhiễm trùng lan rộng.

Đông y gọi bệnh này là nga trưởng phong nếu bệnh ở bàn tay, là thấp cước khí nếu bệnh ở bàn chân. Nguyên nhân do phong - thấp - nhiệt kết hợp với nhau gây bệnh.

Cách điều trị

Để chữa bệnh, ta có thể áp dụng các phương pháp sau:

1. Dùng một nắm nhỏ lá đào tươi (50g) rửa sạch, giã nhỏ đắp vào tổn thương, sau 30 phút tháo ra để thoáng, ngày đắp 2 lần.

2. Khoảng 100g lá móng tay rửa sạch, sắc trong 1 lít nước, ngâm tay chân bị bệnh trong 15-20 phút, ngày ngâm 2 lần.

3. Nếu ngứa nhiều nhưng không có hiện tượng nhiễm trùng, dùng bột đại hoàng (khoảng 15g gói trong vải mỏng, sạch) tẩm với rượu trắng xoa lên nơi ngứa.

4. Xông khói thương truật: Cho vài miếng thương truật lên bếp than hoa đang cháy nỏ, khi khói thuốc bốc lên, hơ vùng tổn thương trên khói thuốc.

5. Ké đầu ngựa 20g, hy thiêm thảo 20g sao khô, sắc nước uống hàng ngày.

6. Thang thanh nhiệt tiêu viêm: Huyền sâm 30g, liên kiều, thiên hoa phấn đều 16g; Đơn bì, xích thược, mạch môn, ngưu tất, núc nác, hoàng đằng, chi tử, mộc thông đều 12g, cam thảo dây hay cỏ ngọt 8g. Sắc uống ngày 1 thang

Thực tế có thể kết hợp các phương pháp trên trong cùng thời gian điều trị.

Cách phòng bệnh đơn giản

Để phòng bệnh phát sinh hoặc tái phát, nên mang găng tay cao su khi tiếp xúc với các chất kích thích, bụi bẩn, nước bẩn. Giữ bàn chân khô ráo, thoáng mát nhất là về mùa nóng, đặc biệt là khe giữa các ngón chân.
 

PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH TỔ ĐỈA

Cho đến nay, dù khoa học có những bước phát triển đáng kể trên nhiều lĩnh vực nhưng căn nguyên chính xác gây bệnh tổ đỉa vẫn chưa được đưa ra. Chính vì vậy, dường như các biện pháp điều trị cho những bệnh nhân mắc b���nh này chỉ dừng lại ở việc làm thuyên giảm triệu chứng. Tuy nhiên, người mắc bệnh tổ đỉa không nên quá lo lắng về những biểu hiện khi rầm rộ khi thoái lui của bệnh vì bệnh không lây truyền và có thể ngăn ngừa quá trình tăng nặng.
 

Nguyên nhân của bệnh tổ đỉa cho đến nay chưa được xác định một cách chắc chắn bởi do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể gọi là rất phức tạp. Ở những bệnh nhân tổ đỉa người ta thường thấy có liên quan đến tiếp xúc với hóa chất trong công việc hằng ngày và tiếp xúc thường xuyên.
 
Tại vị trí của tổ đỉa, thường do tiếp xúc với xăng, dầu, các loại xà phòng, chất tẩy rửa (xà phòng giặt, xà phòng tắm, kem rửa mặt,…), nhựa, cao su (giày, dép, thắt lưng…), đặc biệt bệnh tổ đỉa thường gặp ở người có cơ địa dị ứng như hen suyễn, dị ứng da, viêm mũi dị ứng, nhất là cơ địa dị ứng của da… Người ta cũng hay gặp bệnh tổ đỉa ở những bệnh nhân có rối loạn thần kinh giao cảm, biểu hiện như ra mồ hôi ở gan bàn tay, gan bàn chân. Yếu tố môi trường cũng được đề cập tới như khói (khói thuốc, khói bếp).
 
Người ta cũng đã gặp những bệnh nhân tổ đỉa do da bị nhiễm khuẩn như mắc bệnh do nấm kẽ, đặc biệt là nhiễm khuẩn da do loại tụ cầu vàng (S. aureus). Một số loại thức ăn như tôm, cua, ốc khi người có cơ địa dị ứng ăn vào cũng có thể là những yếu tố làm xuất hiện hoặc tăng nặng bệnh tổ đỉa. Nói tóm lại, bệnh tổ đỉa có liên quan đến rất nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài trên một cơ thể có tình trạng da đặc biệt dễ bị dị ứng.
 

Bệnh tổ đỉa tăng nặng ở những người tăng tiết mồ hôi

Bệnh tổ đỉa thường xảy ra từng đợt có khi không điều trị gì cũng tự khỏi rồi một thời gian lại xuất hiện. Biểu hiện ban đầu của bệnh là xuất hiện ngứa hoặc rát. Ngứa là một dấu hiệu (triệu chứng rất điển hình). Bệnh nhân cũng có thể có hiện tượng tăng tiết mồ hôi ở vùng da sẽ bị bệnh hoặc tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân. Sau đó xuất hiện mụn nước. Mụn nước của bệnh tổ đỉa có màu trắng trong, kích thước của mụn nước không lớn vào khoảng trên dưới 1mm.
 
Đặc điểm của mụn nước là nằm sâu trong da, mật độ chắc, rất khó tự vỡ. Ít khi chỉ có một mụn mà có thể tập trung nhiều mụn nước kết tụ lại ở một vùng da làm cho da gồ lên nhìn hoặc sờ vào sẽ thấy rõ. Vị trí hay gặp nhất là ở lòng bàn tay, nhất là rìa ngón tay. Cũng có thể gặp ở lòng bàn chân, rìa các ngón chân nhưng tỷ lệ thấp hơn ở bàn tay, ngón tay. Mụn nước sẽ khô dần để lại vùng da dày sừng có màu vàng hơi đục và sẽ bong da. Mụn nước tổ đỉa ít khi tự vỡ vì chúng ở sâu trong da trừ khi chích, bóp, nặn.
 
Khi có các động tác này thì có nguy cơ bị nhiễm khuẩn nếu da vùng đó không sạch. Khi tổ đỉa nhiễm khuẩn thì mụn tổ đỉa sẽ sưng, đỏ, có thể có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, hạch vùng gần tổ đỉa (nách) hoặc bẹn có thể sưng lên, đau. Bệnh tổ đỉa không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng hay tái phát và việc điều trị khỏi hẳn cũng gặp không ít khó khăn. Bệnh tổ đỉa cũng không lây cho người khác, không có biến chứng gì nguy hiểm cho tính mạng người bệnh trừ khi bị bội nhiễm.
 


Không nên quá lo lắng khi bị bệnh tổ đỉa
 

Khi bị bệnh tổ đỉa không nên bi quan cho rằng bệnh tổ đỉa không chữa được nhưng cũng không nên dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có thể xác định được nguyên nhân. Khi biết nguyên nhân thì việc điều trị sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn. Nếu có liên quan đến hóa chất như xăng, dầu, xà phòng, nhựa, cao su, da (giày, thắt lưng) nên tránh không tiếp xúc. Luôn giữ vệ sinh da sạch sẽ, nhất là vùng có tổ đỉa để tránh nhiễm khuẩn.
 
Không nên gãi, nặn, chích làm vỡ mụn tổ đỉa (trừ khi có bội nhiễm mưng mủ, người ta có thể dùng dụng cụ vô khuẩn để chích, nặn mủ rồi dùng các thuốc sát khuẩn bôi vào, nếu cần thiết có thể dùng kháng sinh toàn thân khi có sốt do nhiễm khuẩn). Có thể dùng các dung dịch sát khuẩn da nhẹ như nước muối sinh lý, dung dịch thuốc tím 0,1% rửa, ngâm vùng da bị tổ đỉa để tránh hiện tượng bội nhiễm. Nếu dùng thuốc Đông y cũng cần lưu ý (nhất là dùng cho trẻ nhỏ) phải có sự kê đơn của thầy thuốc Đông y, không nên dùng thuốc theo sự mách bảo.


Bệnh Tổ Đỉa và cách điều trị
Cách trị bệnh tổ đỉa nhanh nhất là gì
Công dụng chữa bệnh của cây lá lốt
Cây thuốc nam quanh ta
Bé bị viêm da dị ứng


(ST)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý