Triệu chứng của bệnh suy nhược thần kinh

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Triệu chứng của bệnh suy nhược thần kinh

19/04/2015 12:17 PM
381


Suy nhược thần kinh là tên gọi dân dã, trong y học còn gọi là tâm căn suy nhược và chứng bệnh này có liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm. Sau đây là những dấu hiệu của bệnh suy nhược thần kinh.


NHỮNG TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH SUY NHƯỢC THẦN KINH


Dấu hiệu thường gặp nhất của suy nhược thần kinh là mệt mỏi. Mệt mỏi là trạng thái cơ thể mà mọi người đều có: vận động thể lực quá độ, lao động thể lực quá nặng nề dẫn đến mệt mỏi. Mệt mỏi bình thường thì dễ phục hồi, chỉ cần có thời gian nghỉ ngơi điều chỉnh, bổ sung dinh dưỡng, ngủ một giấc sẽ lấy lại sức lực như cũ. Mệt mỏi do suy nhược thần kinh thì dường như không có nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi được thể lực, thậm chí càng ngủ càng cảm thấy suy yếu, không có sức. Đi kèm với mệt mỏi là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, nằm trên giường cứ suy nghĩ tạp loạn, khó đi vào giấc ngủ. Các cơ quan khác của cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu, như tim hồi hộp đập nhanh, tức ngực thở gấp, chán ăn, khó chịu ở dạ dày, đôi khi tiêu chảy, táo bón, kinh nguyệt không đều v.v... khiến người bệnh hoài nghi có bệnh nặng trong cơ thể, nhưng khi kiểm tra kết quả nhiều lần chỉ phát hiện một vài vấn đề rất nhỏ, không tương xứng với mức độ mệt mỏi mà họ cảm nhận được.
 
Một biểu hiện rất thường gặp nữa của suy nhược thần kinh là người bệnh luôn nghi ngờ mình có bệnh. Chứng nghi bệnh có thể phát sinh chính từ cảm giác mệt mỏi khó giải thích được của họ. Có thể do những cảm giác khó chịu nào đó trong cơ thể, hoặc từ những kiến thức đọc được trong sách báo y học mà lo sợ mình mắc bệnh, như khi đau đầu cho là bị khối u não, hồi hộp cho là bị bệnh tim, đầy hơi khó chịu trong dạ dày cho là bị viêm loét hoặc ung thư dạ dày. Mặc dù đã được khám toàn diện cẩn thận xét nghiệm nhiều lần, thậm chí chụp CT, điện não đồ, kiểm tra cộng hưởng từ... đều cho thấy các tổ chức cơ quan hoàn toàn tốt, nhưng vẫn không thể loại bỏ được hoài nghi trong đầu người bệnh, họ cho rằng bệnh của mình rất đặc biệt, hoặc kiểm tra có thể bị nhầm, cho nên vẫn tiếp tục tìm bác sĩ nổi tiếng để kiểm tra bằng những phương pháp cao cấp hơn, hy vọng có thể biết được mình bị bệnh gì.

Người bình thường có nghi bệnh không? Có. Người bình thường lúc này hay lúc khác cũng có khi nghi mình bị bệnh, chẳng hạn trong đợt dịch viêm gan A, gặp lúc chán ăn thì sinh nghi không biết mình có viêm gan không. Hoặc qua tiếp xúc trong đám bạn có người lao phổi, về nhà bị ho vài tiếng do trúng gió, liền lo sợ mình đã lây bệnh lao. Nhưng những ý nghĩ sai lầm này gạt bỏ được ngay khi nghe bác sĩ giải thích, và người ta hiểu đúng vấn đề đã được làm sáng tỏ bằng các kết quả xét nghiệm khách quan, người ta thường không có thái độ cố chấp và không có ý định kéo dài thời gian kiểm tra thêm.

Mất ngủ cũng là một trong những triệu chứng chủ yếu của suy nhược thần kinh. Có một số người ngủ ít, nhưng ban ngày họ vẫn có thể tràn trề tinh thần làm việc, học tập, đầu óc rất sáng suốt, tình cảm rất bình ổn, rất ít bực bội, tức giận. Còn mất ngủ do suy nhược thần kinh thì thời gian ngủ ban đêm không phải là ít, nhưng ban ngày họ thường mệt mỏi và ngủ gật. Ngồi muốn ngủ, nhưng nằm xuống lại không ngủ được và dùng thuốc an thần không có kết quả hoặc kết quả không đáng kể.

Người bị suy nhược thần kinh thường không được can thiệp sớm  do đó để lại hậu quả tâm lý thêm nặng nề và gây tốn kém cho người bệnh. Chẳng hạn người bị đầu óc quay cuồng, đau đầu dữ dội thường đi đến khoa thần kinh; người tim hồi hộp tức ngực, mạch nhanh thở gấp thường đến khoa tim mạch; người ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi thường đến khoa tiêu hoá; người kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục thường đến khoa phụ sản hoặc khoa tiết niệu; người tinh thần mệt mỏi, ngày càng sụt cân thường đến khoa nội tiết; người mất ngủ nghiêm trọng, lo lắng không yên thường đến khoa nội v v... Các khoa ở bệnh viện đa khoa, dường như đều có thể tìm thấy bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, mặc dù các bác sĩ luôn cho biết kiểm tra chưa phát hiện có bệnh ở cơ quan nào. Nhưng bệnh nhân thường tự chuyển khoa hoặc chuyển viện tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh, hoặc tìm bác sĩ nổi tiếng, thuốc linh nghiệm để làm giảm đau khổ cho mình, nhưng lại không muốn hoặc không nghĩ ra đi đến khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị. Họ không hiểu, cũng không có nhận thức vấn đề tâm lý và trạng thái tình cảm có ảnh hưởng then chốt đối với cảm giác cơ thể và chức năng ngủ.

Suy nhược thần kinh có phải là "bệnh tâm thần" không?
Khái niệm suy nhược thần kinh là thuộc về bệnh tâm thần, y học quy về bệnh học tâm thần, là bệnh tâm thần loại nhẹ, không phải là bệnh tâm thần loại nặng, không gây rối loạn hành vi theo kiểu dị kỳ xa lạ. Tuy nhiên, những triệu chứng của suy nhựơc thần kinh nói trên hoàn toàn không đủ để gọi là bệnh, hoặc gọi là "bệnh tâm thần" thì laị càng không thoả đáng, nên gọi đây là những "trở ngại tinh thần".

Nguyên nhân của tất cả các biểu hiện trên đây là do áp lực tinh thần, cho nên phải bắt tay vào giải quyết vấn đề tinh thần trước, có nghĩa là muốn loại bỏ sự mệt mỏi do suy nhược thần kinh, phải bắt đầu từ vấn đề điều chỉnh tâm lý, trên khía cạnh tinh thần. Bác sĩ khoa tâm thần hiểu rõ bản chất bệnh của họ; vì thế người bị suy nhược thần kinh cho dù có triệu chứng thân thể loại nào, nên đến khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị là hợp lý nhất.

Nếu nghi ngờ là suy nhược thần kinh, phải đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn.


SUY NHƯỢC THẦN KINH: BỆNH DỄ NHẦM


Nếu có những biểu hiện suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đi khám và tư vấn tại các bệnh viện tâm thần. Khi điều trị, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và khiến bệnh nhân mất khả năng lao động.

Đồng bọn” của suy nhược thần kinh
 
Suy nhược thần kinh là tên gọi chung của các bệnh thuộc nhóm loạn thần kinh, bao gồm một số bệnh sau:
 
Stress: khi bị stress nhẹ, kể cả nặng mà chúng ta vượt qua được, thì chúng ta đã được “trui rèn” trở nên cứng cáp, can đảm trong cuộc sống. Trường hợp này, stress có lợi. Khi stress nặng hoặc xảy ra nhiều lần mà chúng ta không vượt qua được thì rất dễ dẫn đến các phản ứng trầm cảm trong thời gian ngắn, phản ứng trầm cảm kéo dài hay vừa lo âu vừa trầm cảm…
 
Rối loạn lo âu: là dạng bệnh gặp nhiều nhất trong nhóm bệnh suy nhược thần kinh. Bệnh nhân tự nhiên có cảm giác lo sợ mà không có nguyên nhân rõ ràng. Thực tế là số người đi bác sĩ khám vì lo âu ngày một gia tăng. Tuy nhiên không phải ai cũng đi đúng chuyên khoa tâm thần. Vì một số bệnh nhân cho mình bị bệnh thần kinh nên thường khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh trước. Nên nhớ thần kinh và tâm thần là hai chuyên khoa hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, vì triệu chứng dễ thấy và thấy sớm nhất là hồi hộp đánh trống ngực (lo vô cớ) nên số lượng bệnh nhân đi khám bác sĩ… tim mạch cũng nhiều và đôi khi được chẩn đoán là rối loạn thần kinh tim hoặc rối loạn chức năng thần kinh tim. Chỉ đến khi các triệu chứng trên kéo dài và chưa được dùng đúng thuốc chuyên khoa nên bệnh không giảm, thì lúc này mới đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
 
Các rối loạn lo âu gồm nhiều loại khác nhau như: lo âu lan toả, cơn hoảng loạn, lo âu và trầm cảm hỗn hợp… Nếu các triệu chứng lo âu hiện diện cùng lúc với các triệu chứng trầm cảm thì các bác sĩ chuyên khoa tâm thần có khuynh hướng chẩn đoán là trầm cảm. Như vậy, có thể hiểu suy nhược thần kinh có cả trầm cảm.
 
Trầm cảm: biểu hiện bằng các triệu chứng: buồn chán, mất ngủ, bứt rứt hoặc rề rà, thiếu hụt năng lượng để làm việc, cảm thấy vô dụng, hay nghĩ tới cái chết… Triệu chứng có thể biểu hiện từng lúc khác nhau, hoặc sau một giai đoạn rối loạn tâm thần khác. Có người chỉ xuất hiện một cơn trầm cảm, mức độ có cả nặng và trung bình. Cơn trầm cảm nặng có tiêu chuẩn chẩn đoán rất rõ ràng và có cả nguy cơ tự tử.
 
Bệnh rối loạn thực thể hoá: khi bị lo âu kéo dài, chữa không hết, xuất hiện các triệu chứng đau “không cụ thể” ở các cơ quan trong cơ thể, nhiều nhất là đau tim vùng trước ngực, đau dạ dày vùng thượng vị, thậm chí “đau giả như có bệnh thiệt”. Bác sĩ cho làm các xét nghiệm như: chụp X-quang, CT-Scanner, MRI, nội soi (kể cả nội soi hiện đại) cũng không phát hiện tổn thương đặc hiệu. Đây là bệnh “rối loạn thực thể hoá”, cũng là một bệnh thuộc lĩnh vực suy nhược thần kinh.
 
Những bệnh trên nếu không chữa trị sẽ dẫn đến sức khoẻ kém, thậm chí kiệt sức, bất an, lo lắng cho cuộc sống bản thân và gia đình. Nói cách khác là dẫn đến trầm cảm lo âu. Trạng thái trầm cảm không chữa trị, các triệu chứng sẽ nặng thêm, cảm giác vô dụng, tội lỗi và ý nghĩ chết chóc tăng lên, rất dễ dẫn đến tự tử. Các rối loạn ám ảnh khác dễ dẫn đến nghiện rượu và nghiện các thuốc an thần do tự điều trị… Cuối cùng bệnh nhân có nguy cơ mất khả năng lao động và tình trạng này lại làm nặng thêm các diễn tiến trên.
 
Làm gì khi bị suy nhược thần kinh?

 
Nếu không chữa trị sẽ dẫn đến sức khoẻ kém, thậm chí kiệt sức, bất an, lo lắng cho cuộc sống bản thân và gia đình. Nói cách khác là dẫn đến trầm cảm lo âu. Trạng thái trầm cảm không chữa trị, các triệu chứng sẽ nặng thêm, cảm giác vô dụng, tội lỗi và ý nghĩ chết chóc tăng lên, rất dễ dẫn đến tự tử.
 
Khi nghi ngờ có biểu hiện của suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đến khám ở các bệnh viện tâm thần, khoa tâm thần trong các bệnh viện, các phòng khám tâm thần quận huyện. Trước kia bệnh viện Tâm thần TPHCM và các bệnh viện tâm thần khác là những nơi chuyên chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần phân liệt mà chúng ta hay gọi là bệnh “điên”. Nhưng hiện nay, các bệnh viện này đều chữa trị cho tất cả các dạng bệnh tâm thần khác. Một điều được ghi nhận là số lượng bệnh nhân bị các rối loạn thuộc suy nhược thần kinh nhiều hơn loạn thần. Bên cạnh đó, kinh nghiệm phát hiện bệnh của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngày càng nhiều và các loại thuốc chuyên trị cũng đủ đáp ứng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể đến tư vấn tại các bệnh viện tâm thần.
 
Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần theo đúng toa bác sĩ. Không tự uống thuốc, không nghe theo bệnh nhân khác, vì một số thuốc chữa suy nhược thần kinh có khả năng gây nghiện. Bệnh nhân nên chú ý lời dặn của bác sĩ và báo ngay bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường do tác dụng phụ của thuốc hay do không “hạp thuốc”.
 
Phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, lạc quan
 
Chúng ta có thể phòng ngừa suy nhược thần kinh bằng lối sống lành mạnh như: dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục, tránh lạm dụng rượu bia, tránh sử dụng thuốc kích thích… Biết lượng sức mình, không nên đặt tham vọng thử thách quá cao mà bản thân không thể thực hiện được. Học hỏi bạn bè, quan hệ cởi mở. Tránh ích kỷ, thù hằn. Nên nói ra tình trạng buồn phiền, lo lắng hay tình trạng suy nhược (cơ thể và thần kinh) với người thân cận hoặc ai đó mà chúng ta tin tưởng.
 
Phân biệt với suy nhược cơ thể
 
Suy nhược cơ thể và suy nhược thần kinh là hai tên gọi mà chúng ta thường được nghe nói tới. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ được hai tên gọi này. Hiểu và gọi tên cho đúng là rất cần thiết để bệnh được phát hiện và đưa đi khám chuyên khoa sớm.
 
Suy nhược cơ thể là cách gọi tương đối phổ biến trong dân chúng khi nói về tình trạng sức khoẻ bị suy giảm trong một thời gian dài, cơ thể yếu hơn trước, ăn không ngon, ngủ ít, không làm được nhiều việc, mau mệt, thần sắc kém, hết hăng hái…
 
Suy nhược thần kinh là tên gọi chung được chẩn đoán sau khi không đủ những triệu chứng chủ yếu để xác định các bệnh rối loạn thần kinh khác như: lo âu, ám ảnh sợ, xung động ám ảnh (cơn ám ảnh sợ quá mức), các phản ứng với tình trạng stress … Như vậy suy nhược thần kinh là một tên gọi chung cho các bệnh loạn thần kinh khi các bệnh này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán và có trong bảng phân loại bệnh tâm thần của tổ chức Sức khoẻ thế giới.

BÀI THUỐC TRỊ SUY NHƯỢC THẦN KINH

Theo Đông y, suy nhược thần kinh là một bệnh được miêu tả trong phạm vi nhiều chứng bệnh như kinh quý, chinh xung, kiện vong, thất miên... Do vậy còn tùy thuộc vào thể bệnh để gia phương thuốc sao cho tương thích thì việc trị liệu mới hiệu quả.

Sau đây là cách trị cụ thể theo từng thể bệnh.

Thể can và tâm khí uất kết: biểu hiện tinh thần uất ức hoặc phiền muộn, đầy tức, hay thở dài, bụng đầy trướng, ăn kém, rêu lưỡi trắng, mạch huyền. Trị liệu cần sơ can, lý khí, an thần.

Dùng phương “Tiêu dao thang gia vị” gồm: sài hồ, hoàng cầm, bạch truật, phục linh, bạch thược, đại táo đều 12g; thanh bì, bạc hà, uất kim, hương phụ, chỉ xác, toan táo nhân đều 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.

Hoặc dùng “Lý khí giải uất thang”: hương phụ, uất kim, bạch tật lê, chỉ xác đều 8g; phục linh 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.

Gia giảm: Nếu mắt đỏ, miệng đắng (uất hóa hỏa) thêm đơn bì 8g, chi tử 12g; hồi hộp, ngủ hay mơ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoạt (đờm hỏa uất kết) thêm trúc nhự 6g, bán hạ 8g. Khó thở, tức ngực, cảm thấy khó nuốt (đờm khí trở trệ) thêm tô ngạnh, hậu phác đều 8g, bán hạ chế 6g.

Cây và vị thuốc đương quy.

Thể can tâm thận âm hư: có thể chia làm 4 loại:

- Âm hư hỏa vượng (ức chế giảm, hưng phấn tăng): biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hay quên, hồi hộp, hay xúc động, vui buồn thất thường, ngủ ít, hay mơ, miệng khô, họng khô, trong người hay cảm thấy bừng nóng, táo bón, nước tiểu đỏ, mạch huyền, tế, sác. Cách trị cần tư âm giáng hỏa, an thần, bình can tiềm dương.

Dùng phương “Kỷ cúc địa hoàng thang gia vị” gồm: kỷ cúc, thục địa, sơn dược, câu đằng, sa sâm, mạch môn, đều 12g; cúc hoa, sơn thù, trạch tả, đơn bì, phục linh, toan táo nhân, bá tử nhân đều 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Hoặc phương “Chu sa an thần hoàn gia giảm”: sinh địa, đương quy, bạch thược, mạch môn đều 12g; hoàng liên, toan táo nhân, phục linh đều 8g; cam thảo 6g, chu sa 0,6g. Sắc uống ngày uống 1 thang, chia 3 lần .

- Tâm can thận âm hư: lưng đau, tai ù, di tinh, ngủ ít, hồi hộp, nhức đầu, nước tiểu trong, táo bón, miệng ít khô, mạch tế.

Cách trị bổ thận âm, bổ can huyết, an thần, cố tinh.

Dùng phương “Tả quy hoàn gia giảm”: thục địa, sơn dược, câu kỷ tử, thỏ ty tử, lộc giác giao, ngưu tất đều 12g; sơn thù, quy bản, bá tử nhân, toan táo nhân đều 8g. Sắc uống ngày uống 1 thang, chia 3 lần.

Hay dùng phương “Lục vị quy thược thang gia vị”: thục địa, sơn dược, liên nhục, kim anh, khiếm thực đều 12g, sơn thù, trạch tả, đơn bì, phục linh, bạch thược, đương quy, toan táo nhân, bá tử nhân đều 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần .

- Tâm tỳ hư: biểu hiện ngủ ít, dễ hoảng sợ, ăn kém, sút cân, mệt mỏi, mắt thâm quầng, hồi hộp, nhức đầu, rêu lưỡi trắng, mạch nhu, tế, hoãn.

Cách trị cần kiện tỳ, dưỡng tâm, an thần.

Dùng phương “Quy tỳ thang”: hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm, đại táo đều 12g; đương quy, viễn chí, long nhãn, phục thần, toan táo nhân, mộc hương đều 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

- Thận âm thận dương hư: biểu hiện sắc mặt trắng, tinh thần uể oải, lưng đau, gối mỏi, di tinh, liệt dương, chân tay lạnh, sợ lạnh, ngủ ít, tiểu nhiều, nước tiểu trong, dài, lưỡi trắng nhạt, mạch trầm tế vô lực.

Cách trị ôn thận dương, bổ thận âm, an thần, cố tinh.

Dùng phương “Thận khí hoàn”: thục địa, sơn dược, kim anh, khiếm thực, ba kích, đại táo đều 12g; sơn thù, trạch tả, phục linh, phụ tử (chế), toan táo nhân, thỏ ty tử đều 8g; đơn bì, nhục quế đều 4g; viễn chí 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần .

Hoặc dùng “Hữu quy hoàn gia giảm”: thục địa, sơn dược, câu kỷ tử, cao ban long đều 12g; sơn thù, đỗ trọng, phụ tử (chế), toan táo nhân, viễn chí đều 8g; nhục quế 4g.
 

BÍ ĐỎ: MÓN ĂN BỔ NÃO, TRỊ SUY NHƯỢC THẦN KINH

Vào những ngày chuẩn bị thi đại học - cao đẳng này, các sĩ tử được săn sóc tích cực, nhất là về việc ăn uống, với ước mong đỗ đạt. Trải qua bao nhiêu đời, trong dân gian vẫn phổ biến món ăn bài thuốc rất đơn giản nhưng giúp sức rất nhiều cho các sĩ tử, đó là Bí đỏ - Đậu xanh.

Bí đỏ bổ cho não...

Bí đỏ còn gọi là bí ngô, bí rợ, tên khoa học là Cucurbita pepo, họ Bầu bí.

Sở dĩ bí đỏ được truyền tụng như một loại thức ăn bổ não vì trong bí đỏ có chứa chất cần thiết cho hoạt động của não bộ, là acid glutamic. Trong 100g bí đỏ phần ăn được có tới 233mg acid glutamic. Chất này đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng thần kinh, trợ giúp các phản ứng chuyển hóa ở các tế bào thần kinh và não. Acid glutamic có vai trò quan trọng trong chuyển hóa cơ thể, thải loại amoniac, thúc đẩy khả năng học tập và ghi nhớ của bộ não. Vì thế, bí đỏ được coi là món ăn bổ não, trị suy nhược thần kinh, trẻ em chậm phát triển về trí óc.

Ngoài ra, thịt bí đỏ rất giàu tryptophan, một cấu thành của protein mà tế bào thần kinh thường dùng để tổng hợp seretonin (thành phần hóa học có tác dụng gây phấn chấn). Trong thời gian ôn thi, học thi, nhiều sĩ tử mải lo học quên cả ăn, dẫn tới tình trạng thiếu triptophan, gây mệt mỏi về tinh thần, suy giảm trí nhớ hoặc dễ nổi cáu. Bí đỏ được coi là món ăn bổ não, giúp phát triển về trí óc, giải quyết được tình trạng thiếu hụt trytophan một cách tự nhiên. 

Và khỏe cho cơ thể

Người xưa thường nói “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Vào dịp ôn thi, các sĩ tử dồn sức ngày đêm để học bài, có khi quên ăn quên ngủ là chuyện thường, cơ thể tiêu hao rất nhiều sức lực. Cơ thể suy giảm thì não cũng sẽ bị vạ lây, vì vậy, cần bồi dưỡng và bù đắp những thiếu hụt cả tinh thần lẫn thể xác.

Bí đỏ rất giàu caroten, trong cơ thể chất này được chuyển hóa thành vitamin A để duy trì thể lực bình thường.

Ngoài tỉ lệ chất xơ và sắt khá cao, bí đỏ còn mang lại vitamin C, acid folic, magnesium, kali và chất đạm. Trong 100g bí đỏ có 1,2g protein, 5,6g gluxit, 0,1g lipit, 0,5mg vitamin E, 8mg vitamin C và 0,4mg vitamin PP và nhiều vitamin nhóm B hỗ trợ bù đắp phần nào cho những dưỡng chất bị hao hụt trong thời gian ôn thi.

Việc ăn uống thất thường của các học sinh, sinh viên trong những ngày học thi, ôn thi, sẽ có thể ảnh hưởng đến sự tiêu hóa, làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Bí đỏ có chứa vitamin và pectin có thể xóa bỏ các độc tố và vi khuẩn có hại khác trong cơ thể; pectin cũng có thể bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn, phù hợp cho bệnh nhân dạ dày.

Việc ngồi một chỗ học tập lâu giờ, lâu ngày có thể dẫn đến sự trì trệ, làm biếng của ruột gây nên táo bón, thậm chí bị lòi dom, trĩ… Nên ăn bí đỏ vì chất sợi trong bí giúp ruột chuyển vận dễ dàng, đồng thời có một phần glucid là mannitol có tính nhuận trường nhẹ.

Thức khuya dậy sớm để tập trung học tập, kèm thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng không nhỏ đến làn da mịn màng của các cô tú, làn da thiếu nước sẽ bị khô, nhăn nheo, mất đi vẻ duyên dáng. Nhờ thành phần muối khoáng trong cùi bí đỏ, có thể dùng loại quả này làm mỹ phẩm rất tốt. Mặt nạ từ cùi bí đỏ giã nát hoặc tẩm bông bôi nước ép lên mặt có tác dụng bổ dưỡng và làm tươi mới đối với da nhờn. Mặt nạ từ hạt bí đỏ nấu và xay nhỏ giúp làm trắng da, loại bỏ tàn nhang và cải thiện da mặt.

Với quan điểm hiện đại, không dùng một acid amin với hàm lượng lớn mà cần đa dạng để không gây xáo trộn sinh hóa, bí đỏ đáp ứng yêu cầu này. Trong bí đỏ, magnesium cũng cần thiết cho hệ thần kinh. Bí đỏ có các vitamin C, vitamin E, ca roten... những chất “chống oxy hóa” giúp tế bào thần kinh sớm hồi phục.

Sự kết hợp lý thú: bí đỏ + đậu xanh

Ông bà chúng ta xưa, vào thời điểm ôn thi này, hay nấu bí đỏ với đậu xanh. Đây là một phối hợp rất lý thú.

Trong đậu xanh, glucunonid kết hợp với chất chuyển hóa (metabolite) thành “kết hợp trơ” để bài xuất, nhờ thế cơ thể không nóng nảy, bứt rứt.

Ngồi lâu một chỗ, ít vận động, các độc tố trong cơ thể không được bài tiết ra ngoài sẽ dẫn đến mệt mỏi, uể oải, sa sút trí nhớ… Đậu xanh từ xa xưa vẫn được coi là món ăn giải độc, thanh nhiệt rất tốt.

Những ngày ôn thi cao điểm thường xảy ra vào cuối học kỳ, cũng là thời điểm mùa hè, mùa nóng nực. Học thi, ôn thi dưới tiết trời oi bức, nóng nảy, dễ làm cho các sĩ tử mau mệt, bứt rứt trong người, ảnh hưởng không nhỏ trong việc ôn bài, tiếp thu bài học… Đang mệt mỏi, nóng nực, được thưởng thức bát bí đỏ đậu xanh, vừa thanh nhiệt, giải khát - vừa bổ não, bồi dưỡng cơ thể thì không còn gì bằng. Kinh nghiệm này của dân gian thật là một sự kết hợp rất độc đáo: vừa thanh vừa bổ, là món ăn - bài thuốc kết hợp 2 trong 1 rất độc đáo của người xưa!.

Những sự kết hợp khác

Ngoài ra, trong việc thực dưỡng hàng ngày, để tránh cảm giác ngán, có thể dùng bí đỏ dưới dạng xào tỏi, nấu canh tôm, canh thịt, nấu chè... Tuy nhiên, một số người không thích ăn bí đỏ vì nó có vị hơi ngọt lợ.

Bí đỏ hầm đậu phộng: bí đỏ 400g, sườn thăn 400g, đậu phộng (lạc) 50g, xì dầu 2 muỗng canh, tỏi bằm 2 muỗng cà phê đường, muối, tiêu. Nấu thành canh ăn.

Đậu phộng giòn tan, quyện với vị ngọt của bí đỏ và thịt sườn là món hấp dẫn cho các “thí sinh” trong mùa thi cử này.

Súp bí đỏ tôm: 300g bí đỏ, 500ml nước dùng heo, 150g tôm nõn tươi, 30g bơ, 30g bột mì, hạt nêm, muối. Nấu thành súp ăn.

Với hàm lượng sắt, vitamin và muối khoáng cao, bí đỏ là nguồn thực phẩm lý tưởng cho các thì sinh trong những ngày mất ngủ để ôn luyện cho kỳ thi. Tôm là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều chất đạm, các vitamin và nguyên tố vi lượng. Tôm được tôn vinh là vua của các loại hải sản vì có giá trị dinh dưỡng cao. Do vậy, món ăn này rất tốt cho các sĩ tử./.




Bệnh yếu Thần Kinh ở người cao tuổi
Ăn gì chữa bệnh mất ngủ lâu ngày
Cách giảm căng thẳng thần kinh cực hiệu quả
Món ăn chữa chứng mất ngủ cực tốt
Thực phẩm tốt cho hệ thần kinh của bạn


(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý