Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim mau khỏe trở lại

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim mau khỏe trở lại

19/04/2015 12:19 PM
1,769

Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim mau khỏe trở lại. Sau phẫu thuật tim nhiều người bệnh phấn chấn vì bệnh được chữa trị nên sự hồi phục của họ rất nhanh chóng, tuy nhiên trong số đó cũng có người quá chủ quan với kết quả điều trị của mình mà ít chịu quan tâm đến việc uống thuốc, tái khám để kiểm soát bệnh. Ngược lại cũng có người trở nên bi quan, quá lo lắng về sức khỏe sau mổ, điều này cũng ảnh hưởng không tốt đến quá trình hồi phục và có thể làm bệnh dễ tái phát.




Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật tim thế nào?

Nên trở lại công việc khi sức khỏe hồi phục hoàn toàn

Rất nhiều bệnh nhân cảm thấy hơi lo lắng khi phải rời khỏi sự chăm sóc của bệnh viện để trở về nhà. Họ có thể cảm thấy còn yếu và tinh thần không được thoải mái lắm, nhưng đó là những biểu hiện bình thường sau phẫu thuật và cuộc sống bình thường sẽ dần trở lại. Trong tuần đầu tiên phải cần đến người giúp đỡ, nếu quá yếu, nhưng sau đó nên nhanh chóng trở lại với sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Hầu hết mọi người sẽ trở lại với công việc của mình sau khi hồi phục hoàn toàn. Nếu làm việc văn phòng, có thể trở lại với công việc sau 6 tuần. Nếu công việc nặng nhọc hơn thì thời gian chờ đợi sẽ lâu hơn. Một số người có thể sẽ không thể trở lại với công việc như trước đây nếu như công việc đó quá sức.

Tiếp tục duy trì theo chỉ định điều trị của bác sĩ

Bệnh nhân chỉ được dùng các thuốc do bác sĩ kê đơn và phải cho bác sĩ biết tất cả các thuốc đã dùng trước phẫu thuật bao gồm cả các thuốc không kê đơn. Các thuốc được dùng dài ngày sau phẫu thuật thường là thuốc chống đông, thuốc điều chỉnh rối loạn lipid. Thuốc chống đông máu là thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông tại các van tim nhân tạo, warfarin, sintrom... là các thuốc chống đông máu nhóm đối kháng vitamin K được dùng rộng rãi nhất. Nếu van sinh học thường phải dùng thuốc chống đông 2-4 tháng, nhưng van cơ học đòi hỏi phải dùng thuốc chống đông suốt đời. Bệnh nhân cần xét nghiệm đông máu định kỳ để điều chỉnh liều lượng thuốc chống đông máu và để đạt được hiệu quả chống đông máu tốt nhất. Các thuốc chống đông không làm ngừng hẳn quá trình đông máu, nhưng làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Các thuốc điều chỉnh rối loạn lipid hay aspirin sẽ được dùng một lượng nhỏ tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Có thể tiếp tục quan hệ tình dục được không?

Nhiều người tỏ ra lo lắng về quan hệ tình dục sau phẫu thuật tim, nhưng thực tế quan hệ tình dục an toàn cho trái tim cũng tương tự như các hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ khác. Hầu hết mọi người có thể quan hệ tình dục vào tuần thứ 8 sau phẫu thuật, khi xương ức đã liền hẳn. Nếu có thể đi lên cầu thang của 2 tầng lầu mà không bị khó thở, hay mệt mỏi, không bị đau ngực thì bảo đảm rằng trái tim có thể đáp ứng được với một mức độ gắng sức tương tự khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên cần lưu ý: Sau khi ăn cơm no khoảng 3 giờ mới nên quan hệ tình dục và cảm thấy thoải mái và thư giãn trước khi quan hệ tình dục. Nếu bị mệt mỏi hay căng thẳng nên đợi đến khi cảm thấy khỏe hơn.

Duy trì hiệu quả sau phẫu thuật

Phẫu thuật van tim và bắc cầu nối chủ - vành là phương pháp điều trị bệnh van tim và bệnh động mạch vành rất hiệu quả giúp người bệnh có thể trở lại với cuộc sống bình thường như trước đây. Tuy nhiên, phẫu thuật không chữa khỏi bệnh. Có thể làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay phải phẫu thuật lại bằng cách thay đổi lối sống.

Người bệnh cần từ bỏ thuốc lá nếu có  hút, vì thuốc lá làm giảm nồng độ ôxy trong máu và làm tổn thương thành mạch máu. Điều quan trọng là không được hút thuốc sau phẫu thuật. Có thể làm giảm nồng độ cholesterol máu và hạn chế quá trình xơ vữa động mạch bằng cách hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Các chất béo bão hòa có trong mỡ, bơ, hai loại dầu thực vật là dầu dừa và dầu cọ, các đồ ăn nhanh... Hãy thay thế các thức ăn có chứa chất béo bão hòa bằng các thức ăn có chứa một lượng trung bình các chất béo đa chuỗi và đơn chuỗi không bão hòa như dầu ôliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành và dầu lạc. Hãy kiểm tra huyết áp một cách đều đặn. Nếu bị tăng huyết áp, hãy hạn chế ăn muối, uống rượu. Cần phải theo dõi số đo huyết áp và dùng thuốc hạ huyết áp một cách thường xuyên để điều trị bệnh tăng huyết áp. Đồng thời phải kiểm soát được trọng lượng cơ thể.

 Tập luyện thể lực đều đặn với mức độ trung bình rất có lợi cho tim

Lựa chọn tập thể dục như thế nào?

Tập luyện thể lực đều đặn với mức độ trung bình rất có lợi cho tim. Hoạt động thể lực còn giúp kiểm soát tốt hơn các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu và béo phì. Người bị bệnh tim cũng có được các lợi ích từ việc hoạt động thể lực đều đặn với mức độ trung bình như những người khác. Tập luyện thể lực là điều quan trọng nhất giúp bệnh nhân tự tin và nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường.

Tái khám đúng hẹn

Sau phẫu thuật một vài tháng bệnh nhân nên đi kiểm tra lại sức khỏe, kiểm tra mức độ hoạt động của quả tim và những đáp ứng của cơ thể nếu sử dụng van tim nhân tạo. Thường thì bệnh nhân sẽ được hẹn ngày đến khám lại khi ra viện. Nhưng nếu có những dấu hiệu bị nhiễm khuẩn, sốt, rét run hay vã mồ hôi, khó thở hay đau ngực, gầy sút cân, có sự thay đổi về tần số và nhịp tim... thì cần phải đến ngay các trung tâm tim mạch để được xử trí kịp thời.

Chăm sóc sau mổ tim phục hồi sau khi phẫu thuật tim tại gia đình

Chăm sóc sau mổ tim phục hồi sau khi phẫu thuật tim tại gia đình

Sau khi bạn hay người thân trở về nhà sau ca phẫu thuật tim, những hướng dẫn điển hình cho việc hồi phục bao gồm:

Chăm sóc vết mổ sau khi phẫu thuật tim

Để có thể chăm sóc vết mổ một cách thích hợp sau ca phẫu thuật, bạn nên:

· Giữ cho vết mổ sạch và khô ráo.

· Chỉ dùng xà phòng và nước để làm sạch vùng được mổ.

· Có chế độ ăn uống lành mạnh để giúp làm lành vết thương.

Đi bác sĩ nếu dấu hiệu nhiễm trùng xuất hiện, gồm có:

· Tăng sự mất nước hay vết mổ rỉ máu

· Vết mổ mở rộng ra.

· Vết mổ bị đỏ hay ấm lên.

· Tăng nhiệt độ cơ thể (lớn hơn 101oF hay 38oC)

Bạn cũng nên gọi bác sĩ nếu bệnh nhân than phiền hay để ý thấy xương ức của mình giồng như bị dịch chuyển, hay là bị nứt gãy do chuyển động.

Thuốc giảm đau sau khi phẫu thuật tim

Vài sự khó chịu về cơ và vết mổ, ngứa ngái, căng cứng, hay tê liệt dọc theo vết mổ thì thường có sau khi phẫu thuật tim. Tuy nhiên, cơn đau không tương tự như những gì đã trải qua trước khi phẫu thuật. Bệnh nhận sẽ được kê toa thuốc giảm đau trước khi xuất viện.

Đối với giải phẫu ghép tim nhân tạo, có nhiều cơn đau ở chân hơn là xung quanh vết mổ ở ngực nếu tĩnh mạch hiển (tĩnh mạch ở chân) được nối ghép. Việc đi lại, những hoạt động thường ngày và thời gian sẽ giúp làm giảm sự khó chịu và tê cứng của chân.

Lái xe sau khi phẫu thuật tim

Sau khi phẫu thuật tim, bác sĩ sẽ quyết định khi nào là tốt nhất để có thể lái xe trở lại. Thường thì có thể lái xe lại khoảng 6 tuần sau khi phẫu thuật, tuy nhiên thời gian này có thể ngắn hơn nếu bệnh nhân được phẫu thuật ít xâm lấn (thuật nội soi). Trong suốt thời gian này, bệnh nhân nên có người chở trong quá trình di chuyển.

Hoạt động sau khi phẫu thuật tim

Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết khi nào họ có thể trở lại các hoạt động thường nhật của mình sau ca phẫu thuật tim. Tuy nhiên, vào 6-8 tuần đầu tiên, bệnh nhân được khuyến cáo những chỉ dẫn để hồi phục sau khi phẫu thuật tim:

· Tăng hoạt động dần dần. Có thể làm công việc nhà, nhưng không nên đứng một chỗ lâu hơn 15 phút.

· Không mang vác vật nặng hơn 5kg

· Không đẩy hay kéo các vật nặng.

· Trừ khi bác sĩ hạn chế, việc lên xuống cầu thang được cho phép; tuy nhiên không nên đi lên xuống cầu thang nhiều lần trong ngày, đặc biệt là khi bệnh nhân vừa mới về nhà. Khi sắp xếp các hoạt động, cố gắng sắp sao cho bệnh nhân có thể xuống cầu thang vào buổi sáng và lên cầu thang vào lúc đi ngủ.

· Đi bộ hằng ngày. Bác sĩ hay chuyên khoa phục hồi tim sẽ cho bệnh nhân hay người chăm sóc hướng dẫn cho việc đi bộ lúc bệnh nhân trở về nhà sau ca phẫu thuật tim.

Chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật tim

Khuyến khích bệnh nhân có chế độ ăn uống lành mạnh giúp cho quá trình hồi phục sức khỏe. Sau khi phẫu thuật tim, bác sĩ sẽ cho một hướng dẫn về chế độ ăn uống đặc biệt nếu cần. Mất ngon miệng thường hay gặp sau khi phẫu thuật. Nếu gặp tình trạng này, bệnh nhân được khuyến khích nên đều đặn ăn những bữa nhỏ. Sự ngon miệng sẽ trở lại trong vòng vài tuần đầu tiên. Nếu vẫn không thấy, hãy báo với bác sĩ.

Cảm xúc sau khi phẫu thuật tim

Sau ca phẫu thuật tim, bệnh nhân thường cảm thấy buồn chán. Những cảm xúc này thường biến mất sau vài tuần, nếu không thì hãy đi bác sĩ. Người chăm sóc có thể giúp bệnh nhân làm khuây khỏa nỗi buồn bằng cách động viên họ:

· Thay quần áo mỗi ngày.

· Đi bộ hằng ngày.

· Khôi phục lại những sở thích và hoạt động xã hội họ yêu thích.

· Cùng những người khác chia sẻ cảm xúc với bệnh nhân.

· Viếng thăm cùng những người khác. Mới đầu giới hạn cuộc thăm viếng khoảng 15 phút, sau đó tăng dần tùy theo cảm xúc của bệnh nhân.

· Có giấc ngủ đêm ngon giấc.

· Tham gia một nhóm trợ giúp hay chương trình phục hồi tim.

Giấc ngủ sau khi phẫu thuật tim

Nhiều người phàn nàn rằng họ thường gặp rắc rối về giấc ngủ sau khi phẫu thuật tim. Giấc ngủ bình thường sẽ trở lại trong vài tháng. Nên đi bác sĩ nếu thiếu ngủ làm thay đổi hành vi hay giấc ngủ bình thường không trở lại.

Vài lời khuyên về giấc ngủ:

· Nếu bệnh nhân bị đau, khuyến khích họ nên uống thuốc giảm đau nửa tiếng trước khi ngủ. Chuẩn bị một cái gối để họ có thể duy trì vị trí nằm ngủ thoải mái.

· Luôn ghi nhớ trong đầu là hoạt động phải cân bằng với nghỉ ngơi trong suốt thời gian hồi phục, khuyến khích bệnh nhân không nên ngủ chợp mắt thường xuyên trong ngày.

· Khuyên bệnh nhân nên tránh chất caffeine vào buổi tối (như: sôcôla, cà phê, trà, và cola).

· Khuyên bệnh nhân nên nghe những loại nhạc thư giãn.

· Khuyến khích bệnh nhân nên có thói quen về giờ đi ngủ. Bằng cách này, cơ thể biết được khi nào cần thư giãn và ngủ.

Cách tự chăm sóc sau khi phẫu thuật tim hở



Để hưởng lợi nhiều nhất từ phẫu thuật, một điều quan trọng là biết cách chăm sóc bản thân trong quá trình hồi phục sau mổ.

Hướng dẫn

1 – Thông báo tất cả sự thật về tình trạng sức khỏe hiện tại của mình cho bác sĩ. Những lợi ích có được sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng hiện tại của tim và các điều kiện về sức khỏe.

2 – Hãy hỏi ý kiến bác sĩ phẫu thuật xem có cần phải thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong lối sống hiện tại giúp cải thiện các lợi ích của phẫu thuật. Ví dụ, nếu hút thuốc lá thì tốt nhất là nên bỏ hút ngay lập tức để tránh các rủi ro và thu được lợi ích tối đa từ phẫu thuật.

3 -Hãy cố gắng thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về việc phẫu thuật tim và làm thế nào để có thể tối ưu hóa lợi ích.

4 – Tối ưu hóa lợi ích của phẫu thuật bằng cách tự chăm sóc bản thân sau đó. Mang vớ đàn hồi và ấm áp vào ban ngày (cởi ra vào ban đêm) ít nhất hai tuần sau khi phẫu thuật, giúp hỗ trợ lưu thông máu và giảm sưng phù chân.

5 – Không tắm bồn trong thời gian 4-6 tuần sau khi phẫu thuật, hoặc cho đến khi vết mổ đã lành hoàn toàn. Có thể tắm nhanh bằng vòi sen, và rửa nhẹ nhàng vết thương rạch da bằng xà bông trung tính (nhưng không được chà xát). Không bôi các loại kem hoặc thuốc nước lên vết rạch cho đến khi vết thương lành hẳn.

6 – Tránh ngồi bắt tréo chân vì sẽ làm chậm lưu thông máu. Nếu chân hoặc bàn chân sưng phù có thể gác cao chân lên ghế.

7 – Cố gắng tránh các tình huống, các người hoặc chủ đề hội thoại khiến mình căng thẳng, tức giận, gây stress lên tim.

8 – Nên điều tiết bản thân và công việc, sống thoải mái sẽ giúp việc hồi phục được thuận lợi hơn. Tránh nâng vác bất cứ vật gì nặng quá 5 kg. Nếu phải lên cầu thang, nên đi chậm và sử dụng lan can. Khi thấy mệt mỏi, không nên gắng sức, hãy dừng lại và nghỉ ngơi trong chốc lát.

Cách chăm sóc bệnh nhân van tim nhân tạo


Một van tim nhân tạo được coi là lý tưởng khi nó đảm bảo các điều kiện dễ lắp đặt, bền, không bị đông máu trên van, có hiệu quả huyết động, không gây tan máu, tương đối rẻ tiền… Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một van tim nhân tạo nào hoàn hảo như vậy. Sau khi thay van, bệnh nhân cần được thăm khám thường xuyên và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.


Cách chăm sóc bệnh nhân van tim nhân tạo

Phẫu thuật thay van tim

Thăm khám lần đầu sau khi phẫu thuật thay van

Sau khi được phẫu thuật thay van từ 3 – 4 tuần, người bệnh cần đi khám lại lần đầu tiên. Mục đích để đánh giá chức năng van tim nhân tạo; Đánh giá hiệu quả của thuốc chống đông máu; Phát hiện dấu hiệu tan máu; Phát hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn; phát hiện các dấu hiệu khác: nhồi máu cơ tim, rối loạn dẫn truyền; Đánh giá tình trạng toàn thân, tâm thần kinh của bệnh nhân khi mang van tim nhân tạo

Khi khám lâm sàng cần chú ý nghe tiếng van nhân tạo. Nếu không có tiếng kêu của van cơ học, cần nghĩ đến huyết khối hình thành trên vòng van cơ học. Nếu bệnh nhân trước khi thay van bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn thì cần chú ý đến những dấu hiệu toàn thân như da xanh, niêm mạc, nhiệt độ, tiền sử sốt kéo dài.

Những thăm dò, xét nghiệm cần thực hiện

  • Điện tâm đồ

  • Chụp Xquang tim phổi thẳng.

  • Siêu âm Doppler tim: rất quan trọng. Siêu âm cho biết những thông tin về hẹp/hở van, đánh giá các tổn thương phối hợp, kích thước nhĩ trái, thất trái, chức năng tim, tình trạng màng ngoài tim, áp lực động mạch phổi. Siêu âm rất quan trọng đối với bệnh nhân vì nó cho phép đánh giá hiệu quả điều trị phẫu thuật cũng như những thông số cơ bản giúp cho sự theo dõi về sau.

  • Công thức máu, tiểu cầu.

  • Sinh hóa máu: urê, đường, creatinin, điện giải đồ, men LDH.

  • Đông máu: tỷ lệ prothrombin, INR.

Các van tim nhân tạo đều có một mức độ hẹp nhất định và vì thế thông số siêu âm lần đầu được coi là những thông số cơ bản giúp cho việc so sánh về sau. Một số thăm dò không chảy máu khác (ví dụ cộng hưởng từ tim) có tác dụng đánh giá hoạt động của van và chức năng thất trái nhưng chỉ tiến hành đối với những chỉ định đặc biệt. Soi hoạt động van dưới màn tăng sáng chỉ có hiệu quả đối với van Bjork-Shiley. Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp động mạch phóng xạ hạt nhân (radionuclide angiography) chỉ định đối với những bệnh nhân rối loạn hoạt động van nhân tạo do suy chức năng tâm thu thất trái và một số thông số không lấy được trên siêu âm tim. Cộng hưởng từ hạt nhân được khuyến cáo là an toàn đối với tất cả các van nhân tạo được lưu hành hiện nay.

Phẫu thuật thay van tim

Theo dõi bệnh nhân không có biến chứng

Đối với bệnh nhân mang van nhân tạo có tình trạng lâm sàng ổn định thì mục đích quan trọng nhất của khám định kỳ là theo dõi hiệu quả của thuốc chống đông kháng vitamin K vì tỷ lệ INR biến đổi nhiều dưới ảnh hưởng của thức ăn, tương tác với những thuốc được dùng đồng thời cũng như tình trạng toàn thân của người bệnh… Cần xét nghiệm INR tối thiểu mỗi tháng 1 lần và làm lại ngay khi có những dấu hiệu bất thường trên lâm sàng hay mỗi khi thay đổi liều lượng thuốc chống đông máu. Mục đích quan trọng tiếp theo là tiếp tục giáo dục, phổ biến kiến thức cho người bệnh giữ gìn van tim nhân tạo, nhất là tránh nhiễm trùng van nhân tạo (kiến thức về phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn).

Mỗi năm một lần người bệnh nên được làm lại các xét nghiệm: Điện tâm đồ; Chụp tim phổi; Huyết học: hemoglobin, hematocit, LDH; Siêu âm Doppler tim.

Theo dõi bệnh nhân có biến chứng

Bệnh nhân bị suy chức năng tâm thu thất trái sau phẫu thuật thay van nên được điều trị nội khoa chống suy tim. Điều trị nội khoa vẫn phải tiếp tục cho dù chức năng tâm thu thất trái được cải thiện.

Nguyên nhân của suy chức năng tâm thu thất trái và suy tim lâm sàng sau phẫu thuật có thể do: Suy tim trước mổ và sau mổ chỉ được cải thiện một phần; Cơ tim bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật; Bệnh lý van tim khác tiến triển; Biến chứng của van nhân tạo; Các bệnh tim phối hợp khác như bệnh mạch vành, tăng huyết áp.

Bất kỳ bệnh nhân van nhân tạo nào không cải thiện hoặc có biểu hiện suy giảm chức năng tim sau phẫu thuật đều phải được thăm khám lâm sàng tỉ mỉ và làm đầy đủ các xét nghiệm thăm dò, nhất là siêu âm tim hoặc siêu âm tim qua thực quản hay thông tim, chụp mạch để xác định nguyên nhân.

Phẫu thuật thay van nhân tạo: Phẫu thuật thay van nhân tạo là một tình trạng lâm sàng nghiêm trọng. Chỉ định đối với những trường hợp: Rối loạn nặng nề hoạt động của van nhân tạo (do cấu trúc van hoặc do những biến cố khác không liên quan đến cấu trúc van): vỡ van, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn van nhân tạo; Huyết khối hình thành trên van gây kẹt van nhân tạo; Chảy máu nặng do dùng thuốc chống đông (đòi hỏi phải thay van cơ học bằng van sinh học); Hẹp van động mạch chủ sau khi thay van tình trạng lâm sàng không được cải thiện, bệnh nhân suy tim dai dẳng mặc dù đã được điều trị nội khoa tích cực, thăm dò cho thấy van hoạt động không đảm bảo huyết động cho người bệnh (ví dụ: vòng van quá nhỏ).

Tất cả người bệnh sử dụng van tim nhân tạo cần được thăm khám định kỳ, dùng thuốc đầy đủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, nếu có những dấu hiệu sức khỏe bất thường cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để được xử trí kịp thời.

Cách chăm sóc bệnh nhân suy mạch vành tại nhà

Khi chưa xuất hiện cơn đau thắt ngực, người bệnh không nên gắng sức đột ngột như đi bộ nhanh, leo cầu thang..., cần tránh nơi gió lùa và tắm đêm. Khi đang có cơn đau, bệnh nhân cần được nằm yên tại chỗ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, không nên di chuyển...

Suy mạch vành xảy ra khi cơ tim không được cung cấp đủ máu. Nguyên nhân gây bệnh phần lớn là xơ vữa động mạch, làm hẹp dần lòng động mạch. Biểu hiện lâm sàng được chia thành nhiều dạng khác nhau như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim và chết đột ngột. Người bệnh cần có các chế độ sống đặc biệt như sau:

1. Chế độ sinh hoạt

Khi đang có cơn đau thắt ngực:

- Cần bệnh nhân nằm yên tại chỗ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh di chuyển.

- Cho người bệnh ngậm nitroglyxerin 0,5 mg hoặc uống nitromint 2,6 mg. Nếu cơn đau nặng, phải chuyển ngay đến cơ sở y tế.

Ngoài cơn đau thắt ngực: 

- Bệnh nhân không cần nghỉ ngơi tuyệt đối, song nên tránh gắng sức đột ngột

- Giữ ấm thường xuyên, tránh nơi gió lùa và tắm đêm.

- Sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi.

- Tập luyện ở mức độ vừa phải: đi bộ ngắn, tập thái cực quyền.

2. Chế độ ăn uống: Cần sắp xếp các bữa ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, giàu vitamin cho người bệnh. Trong thời gian bệnh nặng, nên cho bệnh nhân ăn nhẹ với các món dễ tiêu như sữa, cháo, súp...

- Thức ăn nên kiêng là thực phẩm nhiều mỡ và cholesterol như nội tạng động vật, thịt mỡ, bơ, lòng đỏ trứng, da gà, trứng cá...

- Nên ăn các loại rau tươi, hoa quả, các loại đậu và chế phẩm từ đậu nành, thịt nạc, cá, tôm...

- Tuyệt đối không hút thuốc lá và hạn chế dùng chè đặc, cà phê.

Ngoài ra, có một số món ăn bổ dưỡng cho người suy mạch vành như sau:

- Bài 1: bột ngô 50 g, sơn tra 10 g, một ít đường đỏ, tất cả nấu cháo ăn trong 1 tuần.

- Bài 2: mộc nhĩ đen 15 g, táo tầu 10 g, hoàng kỳ sống 30 g, một ít bột canh, nấu thành canh ăn.

- Bài 3: Lá sen 1 cái, lá sơn tra 30 g, đun lấy nước uống.

- Bài 4: long nhãn 30 g, sơn tra 20 g. Đổ 250 ml nước, đun sôi kỹ, rồi lấy nước uống.

- Bài 5: Chim câu 1 con, tam thất 10 g, đan sâm 10 g. Tất cả ninh dừ, 1 tuần ăn 2-3 lần.

- Bài 6: thịt bò 200 g, kỷ tử 12 g, sơn tra 15 g, cà rốt 100 g, gừng 5 g, hành, dầu, gia vị vừa đủ. Xào qua các vị với một ít dầu ăn, đổ thêm 400ml nước, ninh dừ trong 1 giờ. Ăn ngày 1 lần.

Cách phòng bệnh:

- Người suy mạch vành cần giảm bớt trọng lượng khi bị béo phì.

- Người bệnh kèm theo tăng huyết áp nên ăn bớt mặn.

- Không nên ăn quá no hoặc để quá đói.

- Điều trị suy mạch vành là quá trình lâu dài. Không nên tự ý bỏ thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.



Tập thể dục cho người bị bệnh tim
Bệnh Tim bẩm sinh ở người lớn
Người bị bệnh tim có nên sinh con?
Bệnh suy tim ở người cao tuổi
Thức ăn cho người bị bệnh tim
Thực đơn hàng ngày cho người bệnh tim đảm bảo sức khỏe

Tìm hiểu về bệnh thiếu máu cơ tim
Các bệnh tim mạch
Thực phẩm tốt cho bệnh tim mạch

(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý