Ý nghĩa của hoa hồng cài áo

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Ý nghĩa của hoa hồng cài áo

19/04/2015 12:44 PM
580


Những năm gần đây, nhiều ngồi chùa ở Việt Nam có hoạt động tổ chức lễ 'Bông hồng cài áo' trong ngày Vu Lan, rằm tháng 7 nhưng không phải ai cũng biết về xuất xứ cũng như ý nghĩa của lễ này.



Mùa Vu Lan và ý nghĩa của bông hồng cài trên ngực áo


Những ngày tháng Bẩy âm lịch, nhà lại nhà, trên khắp nước Việt mình đều thành kính bước vào mùa Vu Lan, mùa báo hiếu. Tới ngày Rằm tháng Bẩy, Bà, Mẹ, Chị dù bận đến đâu cũng cẩn trọng sắp mâm cỗ đầy, thành kính dâng tặng tổ tiên, ban cho chúng sinh và chuyển đi thông điệp nhân văn của cuộc sống: Hãy nghĩ về Mẹ-Cha, mở lòng với đồng loại để thương yêu nhau nhiều hơn.

Những ngày này, bạn sẽ không lạ khi chứng kiến những hình ảnh đầy xúc động: dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo.
 

Bông hồng cài ngực áo, nét nhân văn trong ngày lễ Vu Lan. Ảnh: Pháp luật Việt  Nam

Nghĩ về mẹ, cha, lòng ta không khỏi dâng trào nhiều cung bậc cảm xúc

Chữ “Hiếu” trong mùa Vu Lan được thể hiện như thế nào? 

Nghi thức Bông hồng cài áo theo Giáo sư -Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh – Giám đốc TT Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết trong những năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo.  Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào năm 1962.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bâc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.  Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ-Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.

Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ-Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.  Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn
 


Mùa  Vu lan, mùa báo hiếu là dịp để bạn trẻ nhớ ơn các bậc sinh thành


Ý nghĩa lễ Bông hồng cài áo



 
 
Mùa Vu lan về, tôi lại nặng trĩu lòng khi nhớ đến Mẹ. Thực ra nói và viết về Mẹ đã là một việc làm không phải, mà phải sống như Mẹ, sống tốt với Mẹ, bây giờ Mẹ không còn thì dù ta có nói hay mấy đi nữa cũng chẳng ăn thua gì đâu.

Tuy vậy, trên thực tế vẫn có những câu thơ, những áng văn bất hủ để ca ngợi hình ảnh thiêng liêng và giá trị tình thương vô bờ bến của Mẹ, cũng chính là để nhắc nhở những ai có hạnh phúc đang còn Mẹ, rằng hãy đừng quên, và đừng làm Mẹ buồn khổ.

Trong nhân gian, ai mà lại không có Mẹ. Từ người làm vua cho đến kẻ cùng đinh hà tiện tất thảy đều do Mẹ sinh ra và nuôi lớn. Mẹ của người làm vua và Mẹ của kẻ cùng đinh hà tiện đều thương con như nhau, dù khổ đau lam lũ hay hạnh phúc cao sang thì giá trị tình thương của Mẹ vẫn luôn không thay đổi. Thế nhưng những người con thương Mẹ thì lại khác.

Cho nên hàng năm, cứ đến mùa Vu lan, hầu hết người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều được dự lễ “Bông Hồng cài áo”, để tưởng nhớ công ơn của Mẹ, dù còn hiện tiền hay không còn lưu dấu.

“Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù Người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa”.

(Tản văn “Bông hồng cài áo” của Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh)

Tôi cũng được cài bông hồng, nhưng lại “phải” cài bông hồng màu Trắng, rất quý nhưng rất buồn. Nhìn mọi người cài hoa cho nhau trong những ngày lễ Cài bông hồng lúc trước tôi như chìm hẳn vào dòng suy tư miên man, và bỗng suy nghĩ về xuất xứ của ngày lễ này (lễ “Bông hồng cài áo”).

Lễ cài bông hồng lên áo đã như là một lễ hội đối với người Việt nói chung và giới Tăng Ni Phật tử nói riêng, cho dù bạn có là Phật tử hay chưa phải là Phật tử bạn cũng được tham dự và được cài bông hồng, đó là giá trị tinh thần và giá trị văn hoá, giáo dục cao. Đã là lễ hội vậy nó có từ lúc nào? Tại sao lại là bông hồng mà không là loại bông hoa nào khác? Và lễ hội này là của người Việt Nam hay còn dân tộc nào khác?

Vào những năm cuả thập niên 60 ở thế kỷ trước, cài bông hồng trong một dịp kết thúc khoá tu do Hoà thượng Thích Nhất Hạnh tổ chức, theo Ngài là có một ý nghĩa đền đáp “Tứ ân” và để nhắc nhở với đại chúng trong lúc tham dự, về sự biết ơn, báo ơn nhằm hoá giải những oán kết giữa con người với vạn loại trong cuộc sống vốn có nhiều mối ràng buộc chằng chịt với nhau, đó cũng chính là tông chỉ của tình thương và hoà hợp.

Sau đó nghi thức “Bông hồng cài áo” được giới thiệu với người Việt từ một cuốn sách cùng tên của Hoà thượng Thích Nhất Hạnh, được viết vào tháng 8 năm 1962, cùng thời điểm đó nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” - đến nay bài hát đó được coi như là “bài hát vàng” (xin đừng hiểu lầm là “nhạc vàng). Từ đó nghi thức cài bông hồng trong ngày Vu lan được phổ thông hoá và trở thành ngày lễ, đến nay là trên bốn mươi lăm năm.

Tại Mỹ, Ngày của Mẹ được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5. Đây là dịp mà những người mẹ nhận được nhiều thiệp, quà và hoa. Ngày của mẹ đầu tiên được tổ chức tại Philadelphia, năm 1907, dựa vào ý kiến của Julia Ward Howe năm 1892 và của Anna Jarvis năm 1907. Mặc dù trước đó chưa hề có Ngày của Mẹ nhưng vẫn có những sự kiện đặc biệt dành cho mẹ ở Hy Lạp trước đó để tỏ lòng thành đối với Người mẹ của các vị thần, Rhea, vợ của Cronut

Sau đó, tại Anh, vào những năm của thập niên 1600 vẫn có những ngày gọi là Ngày chủ nhật của Mẹ, được tổ chức trong dịp lễ Phục Sinh, vào ngày chủ nhật thứ tư. Vào ngày này, những nô lệ được trở về nhà thăm mẹ. Việc tặng mẹ những chiếc bánh đặc biệt cùng với việc tổ chức lễ hội cũng dần trở thành truyền thống.

Các nước trên thế giới cũng tổ chức Ngày của Mẹ vào những thời gian khác nhau trong năm. Tại Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kì, Úc và Bỉ, ngày của mẹ cũng được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ 2 của tháng năm, sau dịp Lễ Tạ Ơn.

Nhật cũng lấy ngày Chủ nhật thứ 2 trong tháng 5 là ngày của Mẹ (Mother's Day). Trong ngày này, con cái thường tặng mẹ hoa cẩm chướng đỏ (carnation) và những món quà nho nhỏ để bày tỏ lòng kính yêu mẹ.

Phong tục này khởi đầu từ thành phố Grafton, West Virginia (Hoa Kỳ) vào ngày 09 tháng 05 năm 1907 và người đầu tiên lấy hoa cẩm chường đỏ và trắng để vinh danh các bà mẹ là cô Anna Jarvis. Cô là người bỏ cả đời ra để vận động cho một ngày lễ mẹ trên toàn quốc Hoa Kỳ để vinh danh các bà mẹ, trong đó có thân mẫu của cô đã tận tụy nuôi 11 người con. Hôm đó là ngày chủ nhật mồng 9 tháng 5, Anna đã tổ chức một ngày Mother's Day trong nhà thờ nhỏ tại Grafton. Khi đó, Mother's day chưa được chấp thuận là National Holiday.

Anna Jarvis từ Grafton, West Virginia bắt đầu cuộc vận động để tổ chức Ngày lễ Quốc tế dành cho Mẹ. Anna Jarvis thuyết phục mẹ của bà ở nhà thờ tại Grafton để tổ chức Ngày của Mẹ ngay dịp giỗ của bà ngoại của bà. Thế là một loạt các nghi thức được tổ chức vào ngày 10 tháng 5 năm 1908 tại Philadelphia vào năm sau đó. Cùng với một số người khác, Anna Jarvis cũng bắt đầu viết những lá thư vận động gửi đến các nhà cầm quyền, thương nhân, chính trị gia để trình bày về việc tổ chức Ngày của Mẹ và họ đã thành công. Woodrow Wilson đã làm bảng thông cáo về việc chính thức tổ chức Ngày của Mẹ vào ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5 từ năm 1914.

Các nước phương Tây có khởi nguồn phong tục ngày của Mẹ (Mother’s day) vào sau dịp Lễ Tạ ơn, vì hầu hết họ theo Thiên Chúa giáo, và dùng hoa cẩm chướng đỏ và trắng là theo truyền thuyết Ki tô giáo, hoa cẩm chướng sanh ra từ những giọt nước mắt của Đức mẹ Maria lúc bà theo chân Chúa Jesus trên đoạn đường vác thánh giá. Vì vậy, hoa cẩm chướng tượng trưng cho tình yêu bất tử của người Mẹ. Và trong ngày lễ là các con tặng quà, hoa, thiệp và bánh cho Mẹ (chứ không phải tặng nhau).

Do vậy ở người Việt ta có giá trị văn hoá và phong tục Á đông (đại đa số là theo Phật), nên lấy ý nghĩa tri ân và báo ân cha mẹ mà tặng hoa cho nhau để nhắc nhở nhau kính trọng cha mẹ, sống thật tốt với cha mẹ. Điều quan trọng là đối với người Việt bông hồng thông dụng và dễ thương nhất, mang quy ước biểu hiện tình yêu, và do có một khởi đầu từ nghi thức tặng hoa hồng trong khoá tu của Hoà thượng Thích Nhất Hạnh và giới thiệu nó trong cuốn sách có tựa đề “Bông hồng cái áo” của Ngài nên đến nay chúng ta sử dụng hoa hồng trong ngày lễ, chứ thực ra hoa gì cũng được, miễn đẹp là được rồi, với lại giá trị của sự việc là ở chỗ tinh thần chứ không phải ở hoa. Tấm lòng đẹp thì hoa gì cũng đẹp, tấm lòng đã không đẹp thì hoa lưu ly cũng vậy thôi.

Hồng Tuệ



Mùa Vu Lan là dịp rất đặc biệt với tất cả mọi người

Nhất là với người trẻ chúng ta khi nhớ về Mẹ-Cha, bậc sinh thành yêu quý mà trong nhịp thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại, ai đó đã có phút sao nhãng, lãng quên.  Mùa báo hiếu tháng 7 Âm lịch cũng là dịp để ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới những số phận nghèo khó, không may mắn xung quanh mình.

Ta hành động để thấy lòng nhẹ bẫng, vui vẻ và thanh thản, hành động để thấu được triết lí giản đơn mà sâu xa của Phật giáo ấy là “Từ, bi, hỷ, xả” hay “vô ngã, vị tha”, cũng là tiếp bước dòng chủ lưu của đạo lý dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Bạn có thể chọn một bông hoa cài lên ngực áo hoặc không trong ngày lễ Vu Lan, nhưng nghĩ về ngày này với ý nghĩa nhân bản, âu cũng là cách để bạn tri ân cuộc sống tươi đẹp này.

Theo từ điển Bách khoa mở: 

Vu Lan là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Trung Hoa, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông.

Tục truyền, vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng.
 


 

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm.  Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ.

Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.  Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu.

Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.  Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.


(St)

Mình không bỏ 1 xu mua tiền vàng ngày Vu Lan
Teen vẽ tranh chibi tặng bố mẹ dịp Vu Lan
Cảm xúc về mẹ của sao Việt mùa lễ Vu lan
Kinh nghiệm chọn quà ý nghĩa cho mùa Vu Lan
Tự làm món ăn chay cho ngày Vu Lan
 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý